Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.

Woody Allen

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 - Kể Chuyện Khảo Sát - Quyết Định Rời Khỏi Tàu Sloughi - Dỡ Đồ Xuống Và Phá Du Thuyền - Trận Lốc Kết Liễu Du Thuyền - Dưới Mái Lều - Đóng Bè - Bốc Hàng Lên Bè - Hai Ngày Trên Con Lạch - Đến Động Người Pháp
ó thể dễ dàng hình dung được bọn Briant được đón tiếp ra sao. Gordon, Baxter, Garnett, Cross và Webb dang cả hai tay ôm chầm lấy từng người, còn các em nhỏ thì nhảy lên bám vào cổ họ. Những tiếng kêu vui vẻ, những cái bắt tay, những tiếng hoan hô có tiếng sủa của Phann hùa theo. Đúng thế, lần vắng mặt này mới lâu làm sao!
“Họ có đi lạc không? Có bị thổ dân bắt không? Có bị thú dữ xâm hại không?” Những người ở lại trại Sloughi đã tự hỏi như vậy. Nhưng bây giờ thì cả bốn cậu đã trở về, chỉ còn đợi các cậu kể về chuyến khảo sát thôi. Nhưng họ đã mệt nhoài vì hành trình dài ngày hôm ấy nên việc kể lại đành gác tới sáng mai.
- Chúng ta đang ở trên một hòn đảo!
Chỉ một câu ngắn ngủi của Briant là đủ để hình dung được cái tương lai đầy rẫy bất trắc đáng ngại như thế nào. Tuy nhiên, Gordon tiếp nhận tin ấy mà không tỏ ra nản chí bao nhiêu, dường như cậu muốn nói:
- Được thôi! Mình đã chờ nghe tin ấy. Mình chẳng bối rối đâu.
Hôm sau, ngày 5 tháng 4, vừa rạng đông, các cậu lớn gồm Gordon, Briant, Doniphan, Baxter, Cross, Wilcox, Service, Webb, Garnett và cả Moko nữa - cậu này thường có lời bàn hay, họp nhau ở khoang trước của du thuyền trong khi các em nhỏ còn ngủ. Briant và Doniphan luân phiên kể lại đầu đuôi cuộc thám hiểm, về con đường qua suối, về cái ajoupa sót lại trong bụi rậm khiến họ nghĩ rằng đất này có hoặc từng có người ở, về dải nước mà lúc đầu họ tưởng là biển nhưng thật ra lại là hồ, những dấu vết phát hiện sau đó đã dẫn họ tới cái động ở cạnh con lạch từ hồ chảy ra; làm thế nào họ tìm thấy hài cốt của François Baudoin, người Pháp, và cuối cùng là tấm bản đồ do ông ta vẽ, chỉ rõ con tàu Sloughi đã mắc cạn trên một hòn đảo.
Cuộc khảo sát được thuật lại thật cặn kẽ. Briant và Doniphan không bỏ sót một chi tiết nào. Và bây giờ, nhìn vào bản đồ, mọi người đều hiểu rằng họ muốn thoát thân thì chỉ còn trông cậy được từ bên ngoài. Tuy thế, nếu như các bạn hình dung về tương lai một cách đen tối nhất, nếu những nạn nhân trẻ tuổi chỉ còn biết hi vọng vào Chúa, thì người ít hốt hoảng nhất - cần nhấn mạnh điều đó - chính là Gordon. Cậu bé người Mỹ không có gia đình chờ mong ở New Zealand. Vì thế, với đầu óc thực tế, có phương pháp, có tổ chức, nhiệm vụ lập nên một khu di dân nhỏ không làm cậu sợ hãi. Cậu cho đó là một cơ hội để rèn luyện sở thích tự nhiên của mình và không do dự động viên tinh thần các bạn, hứa hẹn nếu mọi người giúp đỡ cậu thì cuộc sống sẽ không đến nỗi nào.
Trước hết, kích thước hòn đảo là đáng kể nên thế nào cũng được thể hiện trên bản đồ Thái Bình Dương cạnh lục địa Nam Mỹ. Xem kĩ atlas Stieler thì không có một hòn đảo nào đáng kể ngoài các quần đảo, gồm Đất Lửa ở eo Magellan, quần đảo Hoàng hậu Adelaide, quần đảo Clarence, quần đảo Désolation v.v… Còn nếu như đảo này thuộc nhóm quần đảo ấy, chỉ bị những lạch biển hẹp ngăn cách với châu lục thì hẳn là François Baudoin phải thể hiện trên bản đồ. Nhưng ông đã không làm điều đó. Vậy thì đây là một hòn đảo lẻ loi và có thể kết luận là nó ở quá về phía bắc hoặc quá về phía nam vùng biển ấy. Nhưng không thể xác định được vị trí của nó vì thiếu dữ kiện và thiếu phương tiện cần thiết.
Bây giờ phải tính việc định cư gấp vì tới mùa thời tiết xấu thì không thể di chuyển được. Briant nói:
- Tốt nhất là ta dọn đến cái động bọn mình đã phát hiện bên bờ hồ. Đó là một nơi trú ngụ tốt.
- Liệu nó có đủ rộng cho tất cả chúng ta không? - Baxter hỏi.
- Dĩ nhiên là không, - Doniphan trả lời - nhưng mình nghĩ ta có thể đào thêm một cái nữa, ta có dụng cụ…
- Hãy cứ chấp nhận hiện trạng của nó đã, dù có chật chội… - Gordon nói.
- Và nhất là phải dọn tới đó trong thời gian ngắn nhất! - Briant thêm.
Thật vậy, tình hình cấp bách lắm rồi. Như nhận xét của Gordon, mỗi ngày càng khó ăn ở trên tàu hơn. Sau những trận mưa vừa qua là những ngày nhiệt độ cao khiến cho các chỗ ghép nối ở vỏ và boong tàu nứt rộng ra thêm. Vải che phủ bị rách khiến gió mưa lọt vào tàu. Thêm nữa đất dưới đáy tàu bị lún, nước ngấm qua cát khiến tàu càng nghiêng trên nền đất đã trở thành tơi xốp. Hiện đang trong tiết thu phân, thời gian thường có tố lốc, thì chỉ cần một trận trong vài giờ thôi là du thuyền sẽ vỡ ra từng mảnh. Vấn đề không chỉ là phải rời tàu không chậm trễ mà còn phải có cách phá dỡ tàu để tận dụng được mọi thứ có ích như xà, ván, các vật liệu bằng sắt, bằng đồng để bố trí sắp đặt tại động Người Pháp, tên cái hang do các cậu đặt ra để tưởng nhớ nạn nhân người Pháp.
- Vậy trong khi chờ đợi, chúng mình ở đâu? - Doniphan hỏi.
- Lều! - Gordon trả lời. - Chúng ta dựng một cái lều giữa cây cối bên bờ lạch.
- Thế là hay nhất đấy! - Briant nói. - Đừng để phí một giờ nào.
Thật vậy, chuyển mọi vật dụng, thức ăn khỏi tàu, phá tàu, đóng bè để chở tất cả các thứ đó, ít nhất cũng phải mất một tháng. Như vậy khi rời khỏi vũng Sloughi thì cũng vào đầu tháng 5, tương đương tháng 11 ở Bắc bán cầu, tức là đầu mùa đông rồi.
Gordon chọn chỗ cắm trại bên bờ lạch là hợp lí vì sẽ vận chuyển theo đường thủy. Mọi đường khác đều không ngắn và thuận tiện bằng. Không thể mang vác mọi thứ còn lại của tàu theo bờ lạch hoặc qua rừng. Ngược lại, do thủy triều tác động tới tận hồ nên chỉ tận dụng mấy con nước là tới đích mà chẳng vất vả bao nhiêu.
Đoạn đầu của con lạch, Briant đã xác nhận là không có vật chướng ngại, không có thác ghềnh cũng chẳng có đập chắn. Đoạn cuối từ vũng lội tới cửa lạch do Briant và Moko khảo sát bằng xuồng cũng thấy là thuyền bè đi lại được. Như vậy là đã có sẵn một đường giao thông giữa vũng Sloughi và động Người Pháp.
Những ngày sau đó các cậu bắt đầu dựng lều bên bờ lạch. Họ lấy những thanh gỗ dài buộc một đầu vào cành thấp của hai cây sồi, đầu kia buộc vào cành của cây sồi thứ ba để nâng tấm buồm dự trữ lớn lên, kéo các mép buồm xuống sát đất, chằng néo thật chắc rồi mang chăn, đệm, các đồ dùng thiết yếu, vũ khí, đạn dược, thức ăn chứa trong ba lô… từ trên tàu xuống, cất vào trong lều. Còn bè thì phải phá xong du thuyền mới có vật liệu để làm. Thời tiết khô ráo, không có gì đáng phàn nàn. Đôi khi cũng có gió từ trong đảo thổi ra nên công việc tiến hành thuận lợi. Đến ngày 15 tháng 4, còn lại mấy thứ quá nặng, phải phá dỡ tàu xong mới di chuyển được, trong đó có những thỏi chì để dằn tàu, những thùng chứa nước ở hầm tàu, trục neo, bếp, không có thiết bị thì không bốc lên được. Còn vải buồm, thừng chão, cột buồm trước, trục căng buồm, dây néo buồm, dây sắt néo cột buồm, xích, mỏ neo, dây buộc, chão nhỏ, sợi để bện dây thừng và các thứ khác nhiều đáng kể đều được chuyển dần đến cạnh lều.
Chẳng nói cũng biết, dù vội đến đâu cũng phải đáp ứng nhu cầu hằng ngày. Doniphan, Webb và Wilcox dành ra vài giờ săn chim câu núi và các loài chim khác từ đầm lầy bay tới. Các chú bé thì đi bắt nhuyễn thể mỗi khi thủy triều rút để dải đá ngầm phơi ra. Thật thú vị khi thấy Jenkins, Iverson, Dole và Costar lít nhít như gà con lội trên các vũng nước, có khi làm ướt không chỉ đôi chân khiến anh Gordon nghiêm khắc phải trách mắng, còn Briant thì lại bênh các em. Riêng Jacques cùng làm việc nhưng chẳng hòa vào tiếng cười nói của các bạn.
Công việc tiến triển như mong muốn và có phương pháp đích thị là mang dấu ấn của Gordon, con người luôn luôn thực tế. Tất nhiên Doniphan chỉ nể Gordon chứ không bao giờ chịu nghe lời Briant hoặc một ai khác như vậy. Tóm lại sự hòa thuận đang ngự trị trong nhóm nhỏ này.
Tuy nhiên, cần gấp rút hơn nữa. Thời tiết nửa cuối tháng 4 đã xấu đi. Nhiệt độ trung bình hạ thấp rõ. Sáng sớm nhiều hôm nhiệt kế xuống tới không độ. Mùa đông đã báo hiệu sẽ kéo theo cả một bầu đoàn những trận mưa đá, tuyết rơi, những trận cuồng phong khủng khiếp tại những vùng biển Thái Bình Dương vĩ độ cao. Để bảo vệ sức khỏe, bé cũng như lớn đều phải mặc ấm, những chiếc áo len dày, quần vải thô, áo va-rơi len đã chuẩn bị sẵn để chống mùa đông khắc nghiệt. Chỉ cần tra sổ là biết ngay những quần áo đã phân loại, xếp theo kích thước và chất lượng ấy ở đâu. Briant chú ý săn sóc các em nhỏ hơn hết, không để các em bị lạnh bàn chân, không cho các em ra ngoài trời khi đang ra mồ hôi. Em nào hơi bị cảm là cậu đã bảo, thậm chí bắt buộc các em phải nằm gần lò sưởi được đốt suốt ngày đêm. Dole và Costar đã phải ở lại trong lều, còn Moko thì pha thuốc có sẵn trong tủ thuốc của du thuyền ép các em uống.
Sau khi đã bốc hết mọi thứ chứa trong du thuyền, các cậu bắt đầu phá vỏ tàu đã rạn nứt mọi chỗ. Lớp vỏ đồng được lột ra cẩn thận để dùng lại ở động Người Pháp. Tiếp theo kìm, kẹp, búa được dùng để nhổ đinh và chốt, bóc vỏ tàu ra khỏi bộ rẻ sườn. Thật là những việc lớn, rất khó khăn đối với những bàn tay thiếu kinh nghiệm, những cánh tay chưa cứng cáp. Vì vậy mà tiến độ công việc bị chậm. Đến ngày 25 tháng 4, một trận lốc đã giúp đỡ các cậu.
Mặc dù đã sang mùa rét, đêm hôm ấy nổi lên một cơn dông rất mạnh mà khí áp kế đã báo trước. Ánh chớp chói lòa không gian, sét đánh liên hồi suốt từ nửa đêm đến sáng khiến các em bé hết sức sợ hãi. May mà không mưa, nhưng mấy lần phải ra sức chằng giữ cái lều trước những cơn gió dữ. Sở dĩ cái lều chống chọi được là nhờ đã cột chặt vào cây, không như du thuyền bị gió to, sóng lớn từ ngoài khơi trực tiếp tấn công nên bị phá vỡ hoàn toàn, vỏ tàu bật ra hết, bộ rẻ sườn bung ra, sống tàu bị sóng xô vỡ làm mấy khúc. Không có gì phải ta thán. Sóng dồi trở ra chỉ kéo theo một số mảnh vỡ mà phần lớn mắc lại ở dải đá ngầm. Còn những bộ phận bằng sắt thì dễ dàng tìm thấy dưới lớp cát vùi.
Những ngày tiếp theo, mọi người đều tham gia công việc. Những thanh xà, những tấm ván, những thỏi chì dằn khoang tàu lúc trước không dỡ được thì nay nằm rải rác, chỉ việc chuyển chúng ra bờ lạch, cạnh lều. Thật lạ mắt khi chứng kiến các cậu bé vừa reo hò vừa cùng ra sức kéo một súc gỗ nặng. Họ dùng những thanh gỗ làm đòn xeo, những khúc gỗ tròn làm con lăn để vận chuyển những vật nặng. Vất vả nhất là vận chuyển tời trục neo, lò bếp, những két đựng nước làm bằng tôn khá nặng nề. Thế mà đám trẻ lại không có một người lớn thành thạo để chỉ bảo cho. Nếu cha Briant và cha Garnett ở đây thì hẳn là ông kĩ sư và ông thuyền trưởng đã tránh cho các cậu được biết bao sai lầm đã và còn phạm phải! Dù sao, Baxter vốn có khiếu về cơ học đã tỏ ra rất khéo léo và cần mẫn. Chính cậu, với sự góp ý của Moko, đã thiết kế và chế tạo những chiếc ròng rọc làm sức lực cả nhóm được nhân lên cả chục lần để hoàn thành công việc.
Tóm lại, đến chiều 28 thì mọi thứ còn lại của con tàu Sloughi đã được đưa đến vị trí chờ chuyển đi. Phần việc khó khăn vất vả nhất đã làm xong vì việc chuyên chở sẽ dựa vào con lạch.
- Mai chúng ta bắt đầu đóng bè. - Gordon nói.
- Đúng, - Baxter bàn - mình đề nghị làm bè ngay trên mặt lạch để khỏi mất công hạ thủy.
- Thế có bất tiện không? - Doniphan góp ý.
- Không sao, ta cứ làm thử xem! - Gordon trả lời - Lúc đóng bè dẫu có khó hơn, nhưng ít ra cũng không phải lo hạ thủy.
Cách ấy đúng là hay và hôm sau được tiến hành ngay: Đáy bè cần có kích thước khá lớn để có thể chở được các thứ nặng và cồng kềnh. Những thanh xà dỡ từ du thuyền, hai đoạn sống tàu, cột buồm trước, đoạn còn lại của cột buồm lớn đã gãy một phần ba phía trên boong, cột buồm mũi, trục căng buồm trước, xà đỡ buồm, trục căng buồm sau được đặt ở một nơi sát bờ lạch khi thủy triều lên thì ngập nước. Khi ấy nó nổi lên và trôi ra mặt con lạch. Các thanh dài nhất được sắp xếp và đóng giằng liên kết với nhau bằng những thanh ngang nhỏ hơn rồi neo chặt lại. Như vậy là đã có gầm bè chắc chắn, dài ba mươi bộ, rộng mười lăm bộ. Sau một ngày làm việc không ngừng, đến tối thì làm xong cốt bè. Briant neo cẩn thận vào gốc cây để nó không trôi về thượng nguồn khi nước lên hay ra biển khi nước xuống. Ai nấy đều mệt lử vì làm việc cật lực cả ngày, ăn bữa tối cực kì ngon miệng và đánh một giấc đến sáng.
Hôm sau, 30 tháng 4, ai nấy đều đã trở dậy từ rạng đông và bắt tay ngay vào việc làm sàn bè. Bây giờ là lúc sử dụng ván boong và ván vỏ tàu lát trên cốt bè rồi đóng đanh găm lại, dùng thừng chão ràng buộc toàn bộ thật chắc chắn. Mặc dầu ai nấy đều khẩn trương, không để lãng phí đến một giờ mà cũng phải ba hôm mới làm xong sàn bè.
Đã xuất hiện băng đóng trên các vũng nước, giữa những mỏm đá ngầm và cả trên bờ lạch. Trong lều rất lạnh dù có lò lửa. Các cậu rúc kín trong chăn, nằm chen chúc với nhau mà vẫn khó chống chọi được nhiệt độ hạ xuống quá thấp. Phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ công việc để tới định cư ở động Người Pháp. Hi vọng tại đó họ sẽ qua được mùa đông khắc nghiệt của khu vực vĩ độ cao.
Chẳng cần nói cũng biết là sàn bè phải thật chắc chắn để trong khi di chuyển không bị vỡ, khiến các vật dụng chìm xuống đáy lạch. Cho nên thà chậm lại một ngày còn hơn để tai nạn xảy ra.
- Nhưng đừng để quá mùng 6 tháng 5 thì hơn. - Briant nêu ý kiến.
- Vì sao? - Gordon hỏi.
- Vì ngày kia bắt đầu tuần trăng mới, - Briant trả lời - sẽ có triều cường vài ba ngày. Triều càng mạnh càng giúp ta ngược dòng tốt hơn. Gordon, cậu thử nghĩ xem, nếu phải kéo bằng dây, đẩy bằng sào thì ta có thắng được dòng nước không?
- Phải đấy, cậu nói đúng, muộn nhất là ba ngày nữa phải khởi hành!
Mọi người nhất trí là chưa nghỉ ngơi khi công việc chưa xong.
Ngày 3 tháng 5, việc xếp các vật dụng xuống bè được tiến hành cẩn thận để bè không mất thăng bằng. Mỗi người tham gia theo sức mình. Jenkins, Iverson, Dole và Costar thì mang những đồ vật nhỏ như dụng cụ nhà bếp, dụng cụ cầm tay xuống; Briant, Baxter xếp các thứ vào vị trí thích hợp như Gordon đã chỉ dẫn. Các cậu lớn thì chịu trách nhiệm về những thứ nặng hơn như lò bếp, két đựng nước, máy trục neo, các thứ sắt, đồng… Cuối cùng là tất cả những gì còn lại của con tàu như các rẻ sườn, ván vỏ tàu, khung boong, ca pô… Đối với các ba lô thức ăn, những thùng vang, bia, rượu và cả những túi muối lấy được trên các tảng đá trong vịnh cũng vậy. Để giảm nặng nhọc, Baxter dựng hai thanh gỗ, néo bằng bốn sợi chão, trên đỉnh cái cần trục thô sơ đó, cậu làm một ròng rọc và nối đầu dây với tời ngang nhỏ của du thuyền để nhấc các vật nặng trên bờ lên rồi nhẹ nhàng đặt xuống sàn bè.
Tóm lại, mọi việc diễn ra khôn khéo và tích cực nên đến chiều mùng 5 là đâu vào đấy cả, chỉ đợi tháo dây neo bè. Việc ấy sẽ làm vào 8 giờ sáng hôm sau khi thủy triều chảy vào lạch.
Có thể các cậu bé cho rằng sau khi hoàn thành bao công việc như vậy họ xứng đáng được nghỉ ngơi cho đến tối. Nhưng không, một ý kiến đề xuất của Gordon khiến họ lại có việc phải làm.
- Các bạn ạ, chúng ta sắp rời vịnh Sloughi và không trông ra biển nữa. Nếu có tàu thuyền nào qua lại đây thì ta biết làm sao để báo hiệu cho họ? Vì thế, theo mình, ta nên cắm một cây cột trên đỉnh vách đá, kéo một lá cờ của ta lên. Như vậy có hi vọng là tàu ở ngoài khơi sẽ chú ý đến.
Lời đề nghị được chấp nhận và cột buồm của du thuyền chưa dùng làm bè được kéo đến chân vách đá gần bờ lạch nơi có con dốc có thể leo lên. Cũng phải khá vất vả mới vượt được khe dốc đứng khúc khuỷu để lên được đỉnh chôn cột buồm thật vững. Sau đó Baxter dùng dây kéo lên một lá cờ Anh quốc, còn Doniphan thì bắn một phát súng chào. Gordon nói riêng với Briant:
- Kiểu này là Doniphan đã nhân danh nước Anh để chiếm đảo rồi!
- Không thế mới lạ! - Briant đáp.
Gordon không khỏi bĩu môi vì theo cái cách mà đôi khi cậu nói về “hòn đảo của mình” thì dường như cậu đã coi đó là sở hữu của nước Mỹ rồi!
Sáng hôm sau, mặt trời mới mọc, mọi người đều dậy cả. Họ vội vã dỡ lều và mang chăn đệm xuống bè xếp rồi phủ vải buồm lên bảo vệ cho tới đích. Kể ra cũng không có gì đáng ngại về thời tiết, nhưng vẫn cần đề phòng gió đổi chiều đưa hơi nước từ biển vào.
Đến 7 giờ mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Sàn bè được sắp đặt để nếu cần có thể ở được vài ba ngày. Thức ăn thì Moko đã để riêng những thức cần dùng trong chuyến đi, không phải đun nấu.
8 giờ 30, ai vào chỗ người ấy. Các cậu lớn đứng sát mép bè, sào hoặc thanh gỗ trong tay, sẵn sàng điều khiển bè vì bánh lái không có tác dụng.
Gần 9 giờ đã thấy tác động của thủy triều lên. Có tiếng cót két ở các mối buộc khung bè. Nhưng sau đó thì ổn, không sợ có chỗ nào tuột ra.
- Chú ý! - Briant thét.
- Chú ý! - Baxter thét.
Hai cậu được bố trí ở chỗ buộc neo đầu và cuối bè, tay cầm đầu mối thắt.
- Sẵn sàng! - Doniphan thét. Cậu và Wilcox đứng ở phía trước của sàn bè.
Sau khi nhận rõ bè sẽ trôi theo dòng nước triều, Briant thét:
- Buông!
Lệnh được tức khắc thi hành và chiếc bè được thả ra trôi chầm chậm về thượng nguồn, giữa hai bờ lạch, phía sau kéo theo chiếc xuồng.
Tất cả mọi người đều vui mừng khi thấy công trình nặng nề của mình chuyển động. Giá có đóng được cả một con tàu lớn các cậu cũng chẳng thấy hài lòng hơn! Hãy rộng lượng với niềm kiêu hãnh nho nhỏ đó.
Ta đã biết bờ phải lạch có cây cối và cao hơn hẳn phía bờ trái hẹp, men theo đầm lầy. Phải cho bè tránh xa bờ này vì dễ mắc cạn. Đó là điều Briant, Baxter, Doniphan, Wilcox và Moko hết sức chú ý. Nước sâu cho phép đi dọc bờ phải không gặp trở ngại gì. Thế là các cậu cố giữ chiếc bè thật gần bờ phải để vừa lợi dụng được sức thủy triều lên nhiều hơn vừa có điểm tựa để chống sào.
Hai giờ sau khi xuất phát, bè đã đi được khoảng một dặm, không xảy ra va chạm gì và cứ với điều kiện thế này thì sẽ tới động Người Pháp an toàn. Tuy nhiên, theo tính toán trước đó của Briant thì một mặt, con lạch dài khoảng sáu dặm từ hồ ra đến biển, mặt khác mỗi lần thủy triều lên chỉ đi được khoảng hai dặm nên phải mất vài lần con nước lên mới tới đích được. Thật vậy, đến 11 giờ thì thủy triều xuống, nước lại chảy về hạ lưu. Các cậu vội vàng neo bè lại để khỏi bị trôi ra phía biển. Đương nhiên đến chập tối thủy triều lên thì có thể đi tiếp. Nhưng như thế là đi trong đêm tối, rất mạo hiểm. Gordon nêu ý kiến:
- Mình nghĩ đi thế là dại dột. Bè có thể va vào cái gì đó mà vỡ bung ra. Ý mình là ta đợi đến con nước ban ngày.
Lời bàn quá hợp lí nên mọi người đồng ý ngay. Thà chậm hai mươi bốn giờ còn hơn là liều lĩnh hi sinh cả đống tài sản quý giá trên bè làm mồi cho dòng chảy của con lạch. Thế là có nửa ngày và cả một đêm đỗ lại nơi này. Vì vậy, Doniphan và các bạn săn vội vàng lên bờ phải. Gordon dặn các cậu không được đi xa quá và phải chấp hành nghiêm chỉnh lời dặn ấy. Tuy nhiên, các cậu vẫn tha hồ mà tự hào khi xách về hai đôi ô tác và một xâu tinamou. Theo lời bàn của Moko, những con vật săn được này nên để dành cho bữa ăn đầu tiên, hoặc sáng, hoặc trưa, hoặc tối ở động Người Pháp.
Trong khi săn, Doniphan không phát hiện được vết tích nào về sự hiện diện từ trước hay mới đây của con người ở khu rừng này. Còn về loài vật, các cậu thoáng thấy những con chim lớn lao vào bụi rậm, nhưng không nhận ra được là con gì. Hết ngày hôm ấy, đến đêm Baxter, Webb và Cross cùng canh gác, sẵn sàng tùy từng trường hợp hoặc là siết chặt thêm, hoặc là thả lỏng bè ra một chút khi nước xuống.
Đêm trôi qua yên lành. Hôm sau vào 9 giờ 45 phút thủy triều vừa lên, lại cho bè đi như hôm trước. Đêm lạnh, ngày cũng vậy. Không thể chần chừ được nữa. Tình thế sẽ ra sao nếu nước lạch đóng băng, nếu những tảng băng từ hồ trôi xuống! Nỗi lo lớn ấy chỉ chấm dứt khi nào tới được động Người Pháp. Tuy vậy cũng không thể đi nhanh hơn con nước lên, cũng như không thể đi ngược dòng khi nước xuống. Hôm ấy không thể vượt quá một dặm trong một giờ rưỡi. Lúc đó mới là nửa ngày, đến 1 giờ chiều, tới vũng lầy mà bọn Briant phải đi vòng để tránh khi trở về vũng Sloughi thì bè dừng lại. Nhân đó, Moko, Doniphan và Wilcox thực hiện một cuộc thám hiểm vùng ven bờ bằng xuồng. Họ chèo về hướng bắc cho đến khi nước cạn mới dừng. Đầm lầy trải xa tít bên phía bờ trái, vũng lầy như là một đoạn kéo dài của đầm. Trong vũng có khá nhiều vật săn vùng sông nước. Doniphan bắn được mấy con dẽ giun để bổ sung vào đám tinamou và ô tác trong kho thức ăn trên bè.
Đêm yên tĩnh nhưng giá lạnh với những luồng gió hun hút thổi dọc theo con lạch. Đã xuất hiện vài mảnh băng mỏng, động nhẹ là vỡ hoặc tan ngay. Mặc dù đã đề phòng cẩn thận, ở trên bè vẫn không mấy dễ chịu, tuy mọi người đều cố chui sâu dưới những tấm buồm. Mấy chú bé, nhất là Jenkins và Iverson không tránh được cáu kỉnh, phàn nàn đã rời bỏ tàu Sloughi. Nhiều lần Briant phải an ủi, động viên các em.
Ngày hôm sau, nhờ con nước lên đến tận 3 giờ 30 chiều, bè trôi đến nơi có tầm nhìn ra hồ và cuối cùng đã cập vào bờ trước cửa động Người Pháp.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo