Chuyên nghiệp là biết cách làm, khi nào làm, và làm điều đó.

Frank Tyger

 
 
 
 
 
Tác giả: Pearl S. Buck
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: La Long
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2082 / 55
Cập nhật: 2015-06-01 18:22:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
10
hị ơi, tôi nghĩ từ nay trở đi đã có đứa con trai bên mình, tôi không còn lời lẽ nào vui để nói với chị nữa. Hân hoan như tôi hiện nay, tôi chắc chắn không một buồn phiền nào xáp lại gần tôi được. Làm sao nên nỗi hễ cứ dính dấp đến hệ huyết thống với nhau thì lại gây đau khổ cho nhau?
Hôm nay, lòng tôi nặng trĩu ưu phiền. Không không phải chuyện liên quan đến con trai tôi đâu. Nó được chín tháng tuổi đời rồi và nó béo tốt như ông bụt vậy! Chị không được tấhy nó, kể từ khi nó chập chững biết đi, trông nó không sao nín cười được. Giờ đây nó biết nó có thể bước đi được rồi, ai bắt nó ngồi là nó nổi giận lên. Thật tình tay tôi không đủ sức đè nó xuống được. Nó ranh mãnh tức cười lắm và mắt nó long lanh sang ngời. Cha nó cho rằng tôi nuông chiều nó quá, nhưng tôi hỏi chị làm sao tôi có thể rầy la thằng bé như nó được? Vẻ đẹp của nó và nết cứng đầu của nó khiến tôi chịu thua nó luôn, thành ra tôi vừa muốn khóc lại vừa muốn cười. Không, không phải chuyện liên quan đến thằng con trai tôi, mà đến ông anh tôi, tức người con trai độc nhất của mẹ tôi. Anh ấy du học bên Mỹ được ba năm nay. Bây giờ anh ấy làm khổ mẹ tôi và tôi.
Tôi có nói chuyện về anh 6áy với chị rồi, chắc chị còn nhớ. Tôi từng yêu quí anh ấy bao nhiêu, ngày tôi còn thơ ấu! Sau đó suốt bao năm ròng, gần như tôi chẳng còn nhìn thấy mặt anh ấy nữa, cũng chẳng biết tin tức gì về anh ấy nữa, vì mẹ tôi không quên được rằng anh ấy đã cưỡng lời mẹ tôi mà bỏ đi xa và không thành hôn với người vợ chưa cưới của anh ấy. Thế nên ít khi nào mẹ tôi nhắc đến tên anh tôi.
Bây giờ anh ấy lại làm phiền mẹ tôi. Cãi lời m ẹ tôi ngày trước vẫn chưa đủ, bây giờ anh ấy lại còn … Đây này, thư về anh ấy đây. Vú Vương trao tận tay thư này cho tôi. Vú Vương là người đã cho hai anh em tôi bú từ ngày mới chào đời, vú thông suốt hết mọi việc xảy ra trong gia đình mẹ tôi.
Vừa bước vào nhà, vú đã quỳ mọp xuống đất thi lễ với thằng con trai tôi. Đoạn vú chìa lá thư cho tôi mà khóc. Phần tôi, tôi biết chỉ có đại hoạ xảy ra vú mới khóc như vậy, cho nên tôi rụng rời tay chân, la l ên:
"Mẹ tôi hả… Mẹ tôi làm sao vậy?"
Tôi nhớ lại lần cuối tôi gặp mẹ tôi, bà yếu ớt chống cây gậy trúc mà đi, và tôi ân hận chỉ về thăm bà có hai lần từ khi tôi sanh cháu bé, vì tôi cứ mải mê hạnh phúc của tôi.
Vú Vương thở dài:
Lệnh bà vẫn khoẻ mạnh. thần thánh còn kéo dài kiếp sống của lệnh bà ra để gặp phải buồn phiền này".
Tôi lo ngại hỏi:
"Hay là cha tôi…?"
Vú Vương nghiêng mình đáp:
"Cụ ông cũng vẫn mạnh"
Tôi nhìn lá thư vú vừa đặt trên đùi tôi, tôi nói:
"Vậy thì ai?"
Vú Vương chỉ vào lá thư, nói:
"Xin phu nhân cứ đọc lá thư này sẽ biết".
Tôi sai con hầu rót trà cho vú Vương uống ở phòng ngoài và trao con tôi cho chị vú, tồi mở thư ra đọc. thư mẹ tôi viết cho tôi. Tôi ngạc nhiên quá. Xưa nay chẳng bao giờ mẹ tôi viết thư cho tôi cả.
Tôi ngẩn ngơ hết một lúc, đoạn mở bao thư rút ra mảnh giấy mỏng. Tôi nhận ngay ra nét chữ ngay ngắn đẹp đẽ của mẹ tôi. Tôi lướt mắt qua hàng chữ thăm hỏi thường lệ ở đầu thư, rồi đọc phần chánh của lá thư như sau:
"Anh của con bao lâu nay sống ở xứ người, bây giờ viết thư về cha mẹ, bảo rằng nó muốn cưới vợ ngoại quốc".
Tiếp theo là lời lẽ thông thường kết thúc lá thư. Chỉ vỏn vẹn có vậy thôi. Nhưng qua mấy chữ mỏng manh ấy, tôi cảm thấy hồn tôi rớm máu. Tôi la lớn lên:
"Anh ơi! Sao anh độc ác và điên rồ quá vậy!"
Bọn nô tỳ chạy tới khuyên can tôi bớt buồn kẻo có hại đến dòng sữa tôi cho con bú.
Thấy tôi cứ khóc, chúng ngồi xuống đất cùng khóc với tôi. Sau khi nước mắt đã giúp tôi bình tâm lại và tiếng khóc của lũ nô tỳ ồn quá, tôi bảo chúng nín đi và sai người mời vú Vương vào. Tôi bảo vú:
"Vú ở lại đây chừng một tiếng đồng hồ nữa, chờ cho nhà tôi về đọc thư, xem nhà tôi cho biết phải làm sao. Trong khi chờ đợi, vú dùng cơm đi cho đỡ đói".
Vú nhận lời, và tôi ra lệnh cho dọn thêm thịt lên cho vú ăn. Tôi hậu đãi vú như vậy, vì vú chia sẻ tai họa xảy đến trong gia đình tôi.
° ° °
Trong khi chờ đợi chồng tôi về, tôi ngồi suy nghĩ một mình trong phòng. Tôi hồi tưởng lại anh trai tôi. Dù cố gắng thế nào, tôi cũng không sao hình dung được anh tôi hiện giờ đã là người lớn ăn mặc theo Âu phục, mạnh dạn xuôi ngược trên các con đường xa lạ ở miền đất xa xôi ấy, nói chuyện với đàn ông đàn bà con gái của xứ ấy. Dầu sao anh ấy cũng phải chuyện trò qua lại với đàn bà con gái, bởi vì anh ấy đã yêu người trong bọn họ. Tôi chỉ còn biết moi ký ức nhớ lại anh tôi theo cái hình dáng quen thuộc với tôi hơn hết: người anh cả bé bỏng thời thơ ấu của tôi, người cùng tôi chơi đùa trước cửa nhà, trong sân.
Lúc ấy anh tôi cao hơn tôi một đầu, cử chỉ nhanh nhẹn, hay nói, thích cười. Khuôn mặt anh giống mặt mẹ tôi: trái xoan, vành môi ngang và mỏng, chân mày đậm trên con mắt dài. Các bà thiếp cứ ghen tức vì anh đẹp hơn lũ con các bà. Nhưng làm sao con các bà ấy đẹp cho được! Các bà ấy môi dày khả ố, lông mày lởm chởm. Còn mẹ tôi đẹp mặn mà, tinh tế, đầy nét thanh tao trong đường nét và màu sắc. vẻ đẹp ấy, mẹ đã truyền cho anh tôi.
Anh tôi lại chẳng mấy chú trọng đến vẻ đẹp của mình, giận dữ hất tay lũ con hầu nựng má anh và khen tặng anh để làm hài lòng mẹ tôi. Anh tôi thích vui chơi, đặt hết tâm trí vào trò chơi. Bây giờ đây, tôi vẫn còn hình dung rõ lại được anh ấy cau mày mím môi trong khi chơi đừa. Quả quyết trong môi việc, anh tôi không chịu thua ai bao giờ.
Những lúc cùng chơi đùa với nhau, tôi không hề dám làm trái ý anh, trước hết bởi vì anh tôi cao lớn hơn tôi, mà tôi là con gái, phải nhường nhịn anh ấy, nhưng tôi nhường nhịn anh tôi chính vì yêu mến anh và không muốn anh buồn lòng.
Thật vậy, chẳng ai muốn thấy anh tôi buồn phiền cả. Lũ con hầu và gia nhân trọng vọng anh tôi như một chủ nhân tương lai, và ngay như mẹ tôi cũng giảm bớt phần nghiêm nghị đối với anh. Nói như vậy không phải là mẹ tôi cho phép anh tôi hỗn hào làm trái ý người đâu. Nhưng theo tôi hiểu thì mẹ tôi cũng thường tỏ ra dễ dãi, chỉ sai bảo những điều hợp với ý muốn của anh tôi mà thôi. Để khỏi phải ngăn cấm và khỏi khiến anh tôi thèm, mẹ tôi thường bảo một con nô tỳ cất đĩa bánh ngọt trước khi anh tôi ngồi vào bàn ăn, vì anh tôi thích ăn thứ bánh ấy lắm, mà ăn nhiều thì sanh bịnh.
Cho nên anh tôi đã được sống quãng đời niên thiếu rất yên ấm. tôi chẳng hề để ý gì đến người nhà cư xử khác biệt đối với tôi và nah tôi. Tôi không hề tự coi tôi như ngang hàng với anh tôi, vì như thế là thừa. Nhiệm vụ của tôi trong gia đình không thể nào quan trọng bằng anh tôi được. Anh tôi là con trưởng nam, người thừa kế cha tôi.
Vào thời kỳ ấy, tôi không hề yêu mến ai bằng anh tôi. Hai anh em tôi cầm tay nhau đi dạo trong hoa viên. Chúng tôi cùng cúi xuống bên hồ nước cạn, tìm trong bóng nước xanh một con cá vàng mà chúng tôi tự nhận là thuộc về mình. Chúng tôi cùng nhau lấy sỏi cất nhà cho tiên ở, như đã đọc được trong sách. Khi anh tôi cầm tay tôi, tập cho tôi viết bằng bút lông những nét chữ đầu tiên, tôi cho rằng anh là người thông thái nhất trên đời. Khi anh tôi đi vào khu nhà sau dành cho đàn bà con gái, tôi đi theo anh, tò tò như con chó con, và khi anh bước qua khỏi cánh cổng tò vò, sang khu nhà dành cho nam giới là nơi tôi không được hẻo lánh sang, tôi cứ đứng lì ở đó mà chờ anh tôi trở lại.
Thế rồi năm anh tôi được chín tuổi, một hôm cha mẹ tôi truyền anh tôi không được ở tại khu nữ giới, phải qua sống tại khu nhà dành riêng cho cha tôi và nam giới. Từ ngày ấy, cuộc sống của tôi đột ngột bị cắt đứt khỏi cuộc sống của anh tôi.
Ôi! Những ngày đầu anh em tôi sống xa nhau, tôi đã khóc hết bao nhiêu nước mắt! Đêm đến khóc mãi, tôi ngủ thiếp đi và nằm chiêm bao thấy một nơi hai anh em tôi mãi mãi là hai đứa trẻ thơ để được sống mãi bên nhau. Trong một thời gian dài, tôi cứ buồn nhớ anh tôi mãi, khiến mẹ tôi phải lo ngại cho sức khỏe của tôi, bà liền nói:
"Con à, con cứ thương nhớ anh con mãi như vậy là không đúng. Con phải dành tình cảm ấy cho những liên hệ khác hơn. Con chỉ nên đau buồn như thế là trước cái chết của song thân chồng con mà thôi. Con phải tập ăn ở cho mực thước mà tự dằn mình lại. Con nên chuyên cần học tập và thêu thùa. Đã đến lúc con phải nghiêm chỉnh chuẩn bị về làm dâu con nhà người rồi đó".
Từ ấy trở đi tôi sống với hình ảnh đám cưới tương lai của tôi luôn luôn hiển hiện trước mắt. Tôi lớn dần lên và hiểu kịp rằng đời tôi và đời anh tôi không thể mãi mãi bên nhau được. Tôi không thuộc trước nhất vào gia đình anh tôi, mà vào gia đình vị hôn phu của tôi. Vậy nên tôi tuân theo lời mẹ tôi và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của mình.
Tôi còn nhớ rõ hôm anh trai tôi ngỏ ý muốn theo học trường ở Bắc Kinh. Tôi có mặt lúc anh trình diện trước mẹ để xin người cho phép đúng theo lễ giáo. Cha tôi đã bằng lòng rồi, nên việc anh tôi xin phép mẹ chỉ là để tỏ kính ý lên mẹ mà thôi. Mẹ tôi không có quyền cấm cản việc gì cha tôi đã cho phép. Nhưng anh tôi xưa nay vẫn luôn luôn hết sức chu đáo trong việc giữ đúng khuôn phép trong nhà.
Anh tôi đứng trước mẹ tôi. Lúc ấy mùa hè, anh mặc tấm áo lụa mỏng màu xám và ngón tay trỏ đeo nhẫn cẩm thạch. Xưa nay anh tôi vẫn thích chưng diện. Hôm ấy, anh duyên dáng như một cây sậy bằng bạc. Anh cúi đầu nhìn xuống đất trước mặt mẹ tôi, nói:
"Thưa mẹ, xin mẹ cho phép con được theo học tại đại học Bắc Kinh".
Tất nhiên mẹ tôi buộc lòng ưng thuận rồi, và anh tôi cũng biết rằng nếu mẹ tôi có quyền gì, hẳn người đã từ chối. Thay vì than thở khóc lóc như nhiều bà mẹ khác thường làm trong trường hợp như thế, mẹ tôi bình thản và cương quyết đáp liền:
"Con à, con cũng biết mọi việc đều tiến hành đúng theo ý của cha con. Mẹ chỉ là mẹ của con mà thôi. Mẹ đành bằng lòng vậy. Tuy nhiên mẹ cũng nói cho con rõ, dầu rằng mẹ không được phép sai khiến con điều gì trái ngược với ý muốn của cha con. Mẹ thấy con đi học xa chẳng ích gì. Cha con cũng như ông nội con, cả hai người đều tự ở nhà bổ túc thêm học vấn của mình. Ngay như con, từ tấm bé con đã được theo học các bậc danh nho ở thủ phủ này. Cha mẹ lại còn mời thầy Thang đến dạy thi phú cho con nữa. Trong hoàn cảnh của con, những điều học hỏi ở người ngoại quốc chẳng dùng được vào việc gì cho con cả. Đi đến những nơi xa xôi như thế có thể tánh mạng của con lâm nguy, mà thân con chỉ hoàn toàn thuộc về con khi nào con đã có đứa con trai nối dõi tông đường mà thôi. Phải chi con cưới vợ trước khi đi…".
Anh tôi bực bội, không bằng lòng. Anh xếp cái quạt giấy đang xòa trong tay anh lại, đoạn lại mở mạnh cái quạt ra đến "rạch" một cái. Anh ngước mắt lên, đôi mắt anh ngời ánh bất mãn. Mẹ tôi đưa tay lên:
"Con khoan nói gì cả. Mẹ chưa truyền lệnh gì bắt con phải theo đâu. Mẹ mới chỉ nói cho con giữ mình mà thôi. Thân con không thuộc về con đâu. Con hãy cố mà bảo trọng lấy thân".
Sau lần ấy, tôi ít gặp lại anh tôi. Trước ngày tôi về nhà chồng, tôi chỉ gặp anh hai lần tại nhà cha mẹ. Không lần nào anh tôi gặp riêng nhau cả. Thường thường anh tôi chỉ đến khu nữ giới là để lạy ra mắt hoặc từ giã mẹ tôi mà thôi, mà tôi thì không thể nói năng tự do với anh tôi trước mặt một người trưởng thượng.
Tôi nhận thấy anh tôi cao lớn hẳn lên và đứng rất thẳng. Khuôn mặt anh mất hẳn cái vẻ thon thon trẻ con thời niên thiếu khiến anh có vẻ đẹp như con gái. Tôi nghe anh thưa với mẹ tôi rằng tại trường học tổ chức theo lối nước ngoài ấy, ngày nào anh cũng phải vận động thân thể, do đó anh cao lớn về sức vóc và rắn chắc hơn. Anh hớt tóc cao theo kiểu mới thịnh hành từ sau cuộc Cách mạng lần thứ nhất. Tôi nhận thấy vẻ đẹp khỏe mạnh của anh. Các bà thiếp xầm xì với nhau. Bà thiếp thứ nhất nói:
"Cậu ta chẳng khác nào cha cậu, lúc tôi mới gặp ông ấy".
Sau đó anh tôi vượt trùng dương và tôi không gặp lại anh nữa. Trong trí tôi, hình ảnh anh phai mờ đi quanh bao nhiêu cái lạ lùng vây phủ lấy anh ở phương trời xa lạ, đến nỗi tôi không sao hình dung rõ rệt được hình ảnh anh tôi nữa.
Ngồi một mình trong phòng chờ chồng tôi về, tay cầm lá thơ mẹ viết cho tôi, tôi cảm thấy anh tôi là người xa lạ đối với tôi.
° ° °
Đến trưa, khi chồng tôi về, tôi khóc òa chạy đến trước chàng, tay tôi vẫn cầm lá thư. Chàng ngạc nhiên hỏi:
"Cái gì vậy? Cái gì vậy?"
Tôi la lên: " Thì mình cứ đọc đi sẽ thấy" và tôi càng khóc lớn hơn khi nhìn thấy gương mặt chồng tôi lúc chàng đọc thư.
Chàng vò lá thư, lầm bầm trong miệng:
"Điên quá! Tại sao anh ấy lại làm như vậy được kia? Em phải về với mẹ ngay để an ủi người".
Chồng tôi sai một gia nhân bảo người kéo xe ăn cơm mau đi để khỏi mất thì giờ. Người kéo xe ăn xong, tôi liền bồng con tôi cùng chị vú lên xe kéo, nhờ anh phu xe chạy mau giùm.
Vừa bước qua cửa nhà mẹ tôi, tôi thấy ngay một cơn im lặng nặng nề trùm lên mọi vật, như đám mây che khuất vầng trăng vậy. Bọn gia nhân tròn xoe con mắt, xầm xì với nhau trong khi làm lụng. Vú Vương trên đường đi cùng về với tôi đã khóc đến sưng mắt lên.
Bà thiếp thứ nhất và thứ hai cùng bầy con ngồi tại sân liễu sau nhà. Thấy tôi vào, hai bà thiếp hấp tấp hỏi han đến quên cả chào tôi. Bà thiếp thứ nhất nựng má đứa con tôi và hôn hít mãi bàn tay bé nhỏ của nó, mà nói" "Chao ôi! Đẹp cứ như là măng non thế này!". Đoạn bà quay nhìn tôi, trang trọng hỏi: "Đã biết chuyện ấy chưa?"
Tôi gật đầu, hỏi:
"Mẹ tôi đâu?"
Bà thiếp đáp:
"Bà chánh thất nằm lì suốt ba ngày nay trong phòng, chẳng nói với ai một lời nào. Mỗi ngày hai lần bà ra nhà ngoài để sai bảo việc nhà và phân phát gạo cùng thức ăn, tồi lại trở vào phòng riêng ngay. Bà chẳng hé môi nói với ai điều gì và anh mắt bà khiến chúng tôi cứ phải quay mặt đi. Chúng tôi không dám nói chuyện với bà, cũng chẳng biết ý nghĩ của bà".
"Bà có nói gì, phu nhân thuật lại chúng tôi nghe sau vậy nhé".
Bà thiếp chìa tay ra toan bồng con tôi, nói:
"Phu nhân để cục vàng này lại đây cho chúng tôi ẵm bồng một chút".
Tôi không cho:
"Tôi đem nó vào cho mẹ tôi vui đùa với nó để quên buồn phiền".
Sau khi băng qua phòng khách rồi sân mẫu đơn và phòng ngủ của các bà thiếp, tôi ngập ngừng trước phòng mẹ tôi. Thông thường chỉ có tấm màn bằng xa-tanh đỏ che phủ cửa ra vào, nhưng hôm nay cánh cửa đóng chặt sau bức màn. Tôi vỗ nhẹ vào cánh cửa, nhưng chỉ sau khi tôi la lớn "Con đây mẹ, con đem cháu đến thăm mẹ đây!", tôi mới nghe tiếng bà văng vẳng như vọng lại từ rất xa:
"Vào đây với mẹ".
Tôi bước vào. Mẹ tôi ngồi bên cái bàn gỗ mun chạm trổ, đầu cúi xuống, tay cầm quyển sách. Thấy tôi vào, mẹ nói:
"Con đó à? Mẹ đang cố đọc kinh Dịch đây, nhưng chẳng tìm được chút an ủi nào trong sách hôm nay cả".
Bà lắc đầu, vẻ bất định. Cuốn sách rớt xuống đất và nằm nguyên đó.
Thái độ sững sờ của mẹ khiến tôi lo ngại. Xưa nay mẹ tôi luôn luôn tự chủm tự tin can đảm. Tôi cảm thấy mẹ sống cô đơn trong một thời gian quá lâu rồi. Tôi tự trách mình. Tôi đã quá vui với con tôi, quá ngây ngất với mối tình của chồng tôi suốt bao lâu nay, đến nỗi chểnh mảng về thăm mẹ. Bây giờ tôi biết làm sao cho mẹ tôi khây khỏa, tươi tỉnh lại? Tôi bồng con tôi, đặt nó đứng dậy trên đôi chân bụ bẫm của nó. Tôi khoanh hai tay nó lại, bắt nó cúi đầu xuống trước mẹ tôi. Tôi nói nhỏ:
"Bà ngoại…"
Thằng bé nhìn bà không cười, nói bập bẹ:
"Bà, bà…"
Tôi đã nói với chị rằng mẹ tôi chưa thấy lại con tôi từ khi nó được ba tháng đến giờ, mà như chị đã biết, con tôi nó đẹp làm sao! Ai mà cưỡng lại nó nổi! Mẹ tôi nhìn nó hồi lâu, đoạn bà đứng dậy bước lại bên cái tủ kính sơn son, lấy ra cái hộp sơn son đựng đầy kẹo mè. Bà mở hộp, bốc kẹo bỏ đầy bàn tay con tôi. Nó cười khoái trá và mẹ tôi cười nhẹ nhàng:
"Cháu bà ăn đi, cháu bà ăn đi".
Thấy bà đã tạm nguôi ngoai, tôi lượm cuốn sách lên, rót trà trong bình vào tách và bưng hai tay lên mời mẹ tôi.
Bà bảo tôi ngồi xuống ghế. Thằng con tôi chơi đùa trên nền nhà. Tôi vừa ngồi hầu mẹ tôi, vừa canh chừng con tôi. Tôi không biết ý mẹ có muốn nói đến chuyện ông anh tôi hay không, nên làm thinh chờ mẹ nói. Không đề cập ngay đến anh tôi, bà bảo:
"Thế là có con rồi nhé!"
Tôi nhớ lại buổi tối hôm nào tôi kể lại nỗi buồn phiền của tôi cho mẹ nghe. B6ay giờ niềm vui đã đến với tôi rồi.
Tôi cười đáp:
"Dạ vâng, thưa mẹ".
Mẹ tôi vẫn nhìn con tôi, bà hỏi:
"Con có được sung suống không?"
Tôi đáp:
"Chồng con rất mực thương yêu con".
Mẹ tôi vẫn nhìn cháu, nói:
"Thằng bé đã được thai nghén và ra đời hoàn hảo, không còn chê vào đâu được. Anh của con hồi còn nhỏ cũng như thằng bé này đây. Phải chi hồi đó nó chết đi, mẹ còn nghĩ đến nó như một đứa con hiếu thảo".
Vậy là tôi hiểu mẹ muốn nói chuyện về anh tôi, nhưng tôi vẫn chờ để biết rõ hôn chiều hướng ý nghĩ của bà. Lát sau, bà nhìn tôi, nói:
"Con có nhận được thư mẹ rồi?"
Tôi nghiêng mình, đáp:
"Sáng nay vú Vương trao thư của mẹ cho con".
Mẹ tôi lại thở dài và đứng dậy đi lấy một lá thư khác trong ngăn kéo bàn viết. tôi đứng dậy chờ mẹ trở lại. Khi bà chìa lá thư cho tôi, tôi đỡ bằng hai tya. Mẹ nói:
"Đọc đi".
Đó là thư người bạn anh tôi, tên là Chu Quốc Tinh, cùng anh tôi từ Bắc Kinh qua Mỹ du học. Người bạn anh tôi cho biết: theo lời yêu cầu của anh tôi, anh ta viết thư cho cha mẹ tôi, báo tin rằng anh tôi đã hứa hôn theo phong tục Tây phương với con gái một vị giáo sư, thầy học của anh tôi tại trường đại học. Anh tôi xin dâng kính ý lên cha mẹ tôi và van xin cha mẹ tôi hồi hôn với cô gái nhà họ Lý, vì cuộc hứa hôn này vẫn là việc khiến anh tôi khổ sở bấy lâu nay. Anh tôi xin cam chịu tội bất hiếu, tuy nhiên không thể nào thành hôn vói vị hôn thê theo lễ tục Trung Hoa được, anh tôi đã là con người mới rồi và đã quyết định theo phương thức hôn nhân tân tiến, hoàn toàn tự do theo mình lựa chọn.
Lá thư kết thúc bằng ngững lời lẽ kính cẩn, hiếu đễ, phục tòng, nhưng vẫn không mảy may giấu diếm quyết định anh tôi đã chọn, như vậy cốt để tránh ra một sự thách thức trực tiếp giữa anh tôi và cha mẹ tôi. Đọc thư xong, tôi hết sức bất bình anh tôi. Tôi xếp thư lại, trao trả mẹ mà không nói lời nào.
Mẹ tôi nói:
"Anh con nó điên rồi, mẹ có đánh dây thép cho nó, bắt nó phải trở về ngay".
Bấy giờ tôi mới thấy rõ nỗi buồn phiền của mẹ, vì mẹ là người đàn bà Trung Hoa hết sức tồn cổ.
Ngày trước, khi người ta trồng ngoài đường những cái trụ cao giăng dây sắt như nhện giăng tơ trên cây, mẹ tôi đã phản đối:
"Ông bà tổ tiên chúng ta xưa nay vẫn dùng cái bút cái nghiên có sao đâu, chúng ta là hàng con cháu, chúng ta nào có nói được gì thêm vào lời vàng ngọc của tiền nhân đâu mà phải hấp tấp vội vàng đến thế?"
Và khi được biết người ta gửi điện tín vượt mặt biển, bà nói:
"Cần gì phải liên lạc với bọn man ri mọi rợ ấy chứ? Thánh thần đã dùng biển cả để ngăn cách chúng khỏi chúng ta, bây giờ chúng ta lại kết hợp điều mà thần thánh đã ngăn cách, có phải là đại bất kính không?"
Nhưng bây giờ thì chính bà thấy cần phải hấp tấp vội vàng. Bà buồn rầu nói:
"Mẹ những tưởng chẳng khi nào phải dùng đến cái thứ phát minh ngoại quốc ấy.Và nếu anh con nó cứ ở tại nước nhà thì chẳng khi nào mẹ phải dùng. Một khi đã "đánh đu với tinh" là đố tránh khỏi đem tinh về ngự trị ở nhà".
"Thưa mẹ, xin mẹ chớ quá buồn phiền, anh con là người hiếu thảo, anh con sẽ vâng theo lời mẹ mà không chạy theo người đàn bà ngoại quốc nọ đâu".
Nhưng mẹ tôi lắc đầu, chống tay lên trán. Thấy vậy, bỗng nhiên tôi lo ngại quá. Mẹ tôi có vẻ đau ốm thật rồi. Tuy xưa nay mẹ vẫn yếu, nhưng bây giờ mẹ gầy hơn và bàn tay đỡ lấy cái trán kia đã run rẩy. tôi nghiêng mình ra phía trước để nhìn rõ mẹ tôi hơn khi bà tiếp tục lên tiếng, giọng nói của bà nhỏ và mệt mỏi:
"Từ lâu rồi, mẹ đã thừa biết một khi say mê đàn bà thì người đàn ông đâm ra mù quáng trong một thời gian chẳng còn thấy gì chung quanh nữa".
Mẹ tôi dừng lại để nghỉ, đoạn nói tiếp trong tiếng thở dài:
"Cha của con chẳng phải là con nhà danh giá đó sao? Vậy mà từ lâu rồi, mẹ phải đành cam chịu thấy cha con điên dại mỗi lần sắc đẹp một người đàn bà gợi lòng thèm muốn của ông ấy. Lúc ấy cha con không còn biết lẽ phải là gì nữa. Cha con từng dan díu với hàng chục bọn con hát, ngòai những cái miệng ăn hại cha con đem về nhà nuôi làm hầu thiếp kia. Hiện giờ nhà ta đã có ba đứa và chắc còn phải nuôi thêm một đứa nữa nếu ông ta không chán con ca nữ ở Bắc Kinh trước khi thương lượng chuộc nó về. Cha đã như vậy thì con trai nào có khác gì? Đàn ông là vậy đó. Ý nghĩ thầm kín của họ luôn luôn như rắn quấn quanh thân hình đàn bà.
Tôi ngồi nghe mà ngẩn ngơ hoảng sợ. Chưa bao giờ mẹ tôi lại nói chuyện với tôi về cha tôi và mấy bà thiếp như vậy. Tôi chợt nhận ra đáy lòng bà chứa đầy đau buồn chua xót. Tôi không biết phải làm sao để an ủi mẹ tôi, giữa khi tôi được chồng yêu. Tôi cố hình dung chồng tôi có vợ bé. Tôi không thể nào nghĩ chuyện đó lại xảy ra. Tôi chỉ nghĩ đến những phút giây ân ái giữa vợ chồng tôi và mắt tôi vô tình liếc nhìn thằng con trai tôi đang ngồi chời đùa với mớ kẹo mè.
Tôi biết dùng lời nào đây để an ủi mẹ tôi bây giờ? Tuy nhiên tôi rất muốn nói điều gì với mẹ. tôi rụt rè:
"Biết đâu người đàn bà ngoại quốc ấy…"
Nhưng mẹ tôi vội ngắt lời tôi:
"Đừng nói đến nó nữa. Mẹ đã quyết định rồi. Bây giờ anh con phải nghe lời mẹ. Nó phải trở về đây cưới con gái nhà họ Lý xưa nay là vị hôn thê của nó, để vợ nó sanh cháu đích tôn cho gia tộc. Một khi làm tròn bổn phận với tổ tiên rồi, nó muốn lấy ai thì lấy, tùy ý nó. Mẹ đâu có nghĩ nó lại hoàn hảo hơn cha nó được? Nhưng thôi, không nói đến chuyện ấy nữa. Cho con ra ngoài. Mẹ mệt rồi. Mẹ cần nằm nghĩ một chút".
Thành ra tôi chẳng nói gì thêm được. tôi thấy mẹ tôi xanh quá; lưng bà còng xuống như thân sậy héo tàn vậy. Tôi bồng con tôi lên và bước ra ngoài.
° ° °
Về đến nhà, tôi khóc và nói cho chồng biết rằng tôi không làm vơi được chút nào nỗi đau buồn của mẹ tôi. Chàng nắm tay an ủi tôi, nói cứ kiên nhẫn chờ anh tôi trở về. Lời lẽ chồng tôi khiến tôi lại tin tưởng vào tương lai. Nhưng sáng hôm sau, khi chồng tôi đi làm rồi, tôi lại lo ngại. Tôi không quên được mẹ tôi.
Giữa bao nhiêu đau buồn trong đời bà, mẹ tôi chỉ còn bám víu vào niềm hy vọng lớn lao này – niềm hy vọng của một người đàn bà đức hạnh: có đứa cháu đích tôn làm chỗ nương tựa tuổi già và cũng là để hoàn tất bổn phận đối với gia tộc. Anh tôi nỡ nào đặt dục tình của mình lên trên mạng sống của mẹ tôi cho được? Tôi sẽ trách móc anh tôi. Tôi sẽ nhắc cho anh tôi nhớ rằng anh tôi là trưởng nam, lại là con một. Tôi sẽ nói thẳng vào mặt anh tôi:
"Phép nhà đâu có cho anh đặt một đứa con lai của một người đàn bà ngoại quốc vào lòng mẹ chúng ta được?"
Gió Đông Gió Tây Gió Đông Gió Tây - Pearl S. Buck Gió Đông  Gió Tây