Not all of us have to possess earthshaking talent. Just common sense and love will do.

Myrtle Auvil

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
n Ủi
Nina vẫn hay chơi quần vợt vào buổi chiều muộn trên sân trường trung học. Sau khi Lewis bỏ việc ở trường, bà tẩy chay sân này một thời gian, nhưng đó là gần một năm trước, rồi bạn bà, bà Margaret - cũng là giáo viên về hưu nhưng nghỉ việc theo thông lệ với nghi lễ long trọng, chứ không như Lewis - thuyết phục bà đến chơi lại đó.
“Chị nên đi ra ngoài đôi chút khi còn có thể.”
Margaret đã nghỉ làm trước khi sự cố xảy đến với Lewis. Từ Scotland bà gửi một lá thư ủng hộ ông. Nhưng bà vốn là người có lòng thương cảm mênh mang, sự thấu hiểu rộng mở và quan hệ bạn bè quảng giao đến độ có lẽ lá thư đó không mang nhiều trọng lượng. Mà nhiều lòng tốt của Margaret hơn.
“Sức khỏe Lewis thế nào?” bà hỏi, khi Nina lái xe đưa bà về nhà chiều hôm đó.
Nina đáp, “Xuống dốc.”
Mặt trời đã xuống gần đến mặt hồ. Một vài cây còn lá vàng rực lên, nhưng hơi ấm mùa hè của buổi chiều đã bị giật đi mất. Đám cây bụi trước nhà Margaret bị bó lại trong bao tải trông như các xác ướp.
Khoảnh khắc này trong ngày làm Nina nghĩ đến những buổi bà và Lewis cùng đi dạo trước đây, sau giờ dạy học và trước bữa tối. Những buổi đi dạo bất đắc dĩ phải mau lẹ vì trời tối, dọc theo các con đường nhỏ ngoại thành và những đường xe lửa cũ đắp cao. Nhưng đầy ắp những quan sát rành mạch, dù nói ra thành lời hay không, mà bà học được hay thẩm thấu được từ Lewis. Sâu bọ, ấu trùng, ốc sên, rong rêu, lau sậy trong rãnh mương và nấm đậu trên bãi cỏ, vết chân thú, cây cơm cháy, nam việt quất - một tổ hợp các thứ được khuấy lên, mỗi ngày một khác đi đôi chút. Và mỗi ngày lại thêm một bước tới gần mùa đông, tới sự thanh tịnh tăng dần, tới úa tàn.
Ngôi nhà Nina và Lewis đang sống được xây vào những năm 1840, gần sát lề đường theo kiểu cách thời đó. Nếu trong phòng khách hay phòng ăn, ta có thể nghe thấy không chỉ tiếng bước chân mà cả tiếng nói chuyện bên ngoài. Nina nghĩ rằng Lewis sẽ ngạc thấy tiếng đóng cửa ô tô.
Bà bước vào miệng huýt sáo, cố huýt hay hết cỡ. Bản Xem kìa, người chinh phạt đang đến.
“Em thắng rồi. Em thắng rồi. Có ai ở nhà không?”
Nhưng trong lúc bà vắng nhà, Lewis đang chết. Thực ra là, ông đang tự sát. Trên chiếc bàn cạnh giường có bốn gói nilon nhỏ trắng kim loại. Mỗi gói đựng hai viên thuốc giảm đau loại mạnh. Thêm hai gói nữa nằm cạnh mấy gói kia, chưa hề bị đụng vào, những viên thuốc con nhộng trắng vẫn làm căng phồng lớp vỏ bọc nilon. Lúc sau, khi Nina nhặt hai gói đó lên, hẳn bà sẽ thấy một gói có vết trên lớp kim loại, như thể ông đã bắt đầu dùng móng tay thọc vào rồi lại bỏ cuộc, như thể ông quyết định rằng mình đã uống đủ, mà cũng có thể đúng lúc đó ông lịm đi bất tỉnh.
Ly nước của ông gần cạn. Không giọt nào sánh ra ngoài.
Đó là chuyện họ đã từng bàn luận. Kế hoạch đã được thống nhất, nhưng luôn như thể đó là một chuyện có thể xảy ra - sẽ xảy ra - trong tương lai. Nina cứ tin rằng bà sẽ có mặt và sẽ có nghi thức ghi nhận nào đó. Âm nhạc. Những chiếc gối xếp gọn và một chiếc ghế được kéo gần lại để bà có thể cầm tay ông. Hai điều bà không hề tính tới - ông cực kỳ ghét các loại nghi lễ, và sự tham gia đó rồi sẽ đặt gánh nặng thế nào lên bà. Các câu hỏi đã được đặt ra, các ý kiến đã được thông qua, về nguy cơ bà cũng bị nghi ngờ tham gia vào vụ việc.
Làm như thế này thì những chuyện đáng công che đậy ông để lại cho bà đã ít hết mức có thể.
Bà đi tìm thư nhắn. Bà nghĩ ông sẽ viết gì đây? Bà không cần chỉ dẫn. Bà chắc chắn không cần một lời giải thích, lại càng không cần một lời xin lỗi. Thư nhắn chẳng thể nói gì hơn những điều bà đã biết. Thậm chí câu hỏi: Tại sao lại sớm vậy? bà cũng tự đoán được câu trả lời. Họ đã nói - đúng ra là ông đã nói - đến cái ngưỡng quá sức chịu đựng cái tình cảnh bất lực, nỗi đau, hay cái cảm giác ghê tởm bản thân, và tầm quan trọng của việc nhận ra cái ngưỡng đó, không để trượt mất nó. Sớm còn hơn là muộn.
Dẫu vậy, chuyện ông không còn để nói với bà dường như là bất khả thi. Đầu tiên bà tìm trên sàn nhà, vì nghĩ rằng khi ông đặt ly nước xuống lần cuối, biết đâu tay áo ngủ ông đã gạt tờ giấy khỏi chiếc bàn cạnh giường. Mà cũng có thể ông đã đặc biệt cẩn trọng để chuyện đó không xảy ra - bà nhìn phía dưới chân đèn. Rồi trong ngăn kéo bàn. Rồi phía dưới, và cả bên trong đôi dép đi trong nhà của ông. Bà nhặt cuốn sách ông đang đọc gần đây lên và giũ tung các trang ra, một cuốn cổ sinh vật học về một thứ mà bà tin chắc được gọi bà sự bùng nổ các hình thức sống đa bào ở kỷ Cambri. Không có gì ở đó.
Bà bắt đầu sục sạo khắp chăn mền. Lật tấm chăn bông rồi tấm ga trên cùng. Ông nằm đó, trong bộ đồ ngủ lụa màu xanh đậm bà mua cho ông vài tuần trước.
Ông than thấy rét - mà trước đó ông vốn không bao giờ thấy lạnh khi ngủ - nên bà đi mua bộ đồ ngủ đắt tiền nhất ngoài hiệu. Bà mua bộ đó vì lụa vừa nhẹ vừa ấm, và vì mọi bộ đồ ngủ khác bà thấy ở đó, có kẻ sọc và in những thông điệp kỳ quái hay tinh nghịch đều làm bà nghĩ đến các ông già, hay các ông chồng trong truyện tranh, những kẻ lê bước bại trận. Bộ đồ này gần như cùng màu với ga giường, khiến người ông chỉ lộ ra đôi chút cho bà thấy. Bàn chân, cổ chân, cẳng chân. Bàn tay, cổ tay, cổ, đầu. Ông nằm nghiêng, mặt ngoảnh khỏi phía bà. Vẫn còn kiên quyết tìm thư nhắn, bà di chuyển chiếc gối, kéo mạnh nó ra từ dưới đầu ông.
Không. Không.
Bị dịch chuyển từ gối xuống đệm, đầu ông thoáng gây một tiếng động, một tiếng động nghe nặng hơn bà tưởng. Và thế đấy, cũng như khoảnh ga giường trống trơn, nó dường như muốn nói với bà rằng có tìm cũng vô ích.
Mấy viên thuốc hẳn đã đưa ông vào giấc ngủ, lén lút tước đi mọi hoạt động của ông, nên không có cảnh mắt trừng trừng chết chóc, mặt mũi méo mó. Miệng ông mở hé, nhưng khô khốc. Mấy tháng vừa rồi làm ông biến đổi rất nhiều - thực sự chỉ lúc này bà mới thấy ông thay đổi nhiều đến thế nào. Khi ông thức, hay thậm chí khi ngủ, một nỗ lực nào đó trong ông đã duy trì được cái ảo tưởng rằng sự suy sụp chỉ và tạm thời - rằng khuôn mặt của một người đàn ông sáu mươi hai tuổi mạnh mẽ, luôn tiềm tàng khả năng gây hấn vẫn còn đó, dưới các nếp nhăn của làn da xanh xao, dưới vẻ cảnh giác chai lì của bệnh tật. Cấu trúc xương không phải là thứ mang lại cho khuôn mặt ông vẻ dữ dội và hoạt bát - tất thảy nằm ở đôi mắt sâu và sáng, ở cái miệng giật giật và khả năng biểu cảm linh hoạt, ở cách phô diễn những nếp nhăn biến đổi mau chóng làm thành vốn tiết mục của ông, bao gồm kiểu giễu cợt, hoài nghi, nhẫn nại một cách mỉa mai, ghê tởm một cách khổ sở. Vốn tiết mục cho lớp học - và không phải lúc nào cũng chỉ giới hạn ở đó.
Hết rồi. Hết rồi. Giờ đây khi đã chết vài tiếng (bởi chắc hẳn ông đã vào việc ngay khi bà vừa đi khỏi, vì không muốn có nguy cơ chưa xong việc thì bà đã về), giờ thì rõ ràng là sự hao mòn và tan rã đã thắng cuộc, khuôn mặt ông tọp sâu xuống. Nó đã phong kín, xa cách, già nua và thơ trẻ - có lẽ như khuôn mặt một đứa trẻ sơ sinh chết yểu.
Căn bệnh ấy có ba kiểu tấn công. Một kiểu liên quan đến bàn tay và cánh tay. Ngón tay dần tê liệt và mụ đi, tay nắm lại khó khăn vụng về và rồi không nắm lại được nữa. Hay có thể chân bị yếu đi trước, và bàn chân bắt đầu vấp trượt, rồi nhanh chóng không chịu tự nhấc mình lên bậc thang hay thậm chí qua mép thảm. Kiểu thứ ba, và có lẽ và kiểu tấn công mạnh nhất, thì diễn ra ở họng và lưỡi. Nuốt trở thành một bi kịch khó tin, đáng sợ và nghẹt thở, và lời nói biến thành một dòng vón cục các âm tiết nhũng nhiễu. Cơ vân[11] bị ảnh hưởng, bao giờ cũng thế, và đúng là thoạt tiên chuyện đó nghe có vẻ như một tai họa không mấy trầm trọng. Không trục trặc gì ở tim hay não, không hỏng hóc gì trong việc truyền tín hiệu, không xáo trộn ác hiểm nào trong tính cách. Thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, và hay hơn cả là trí thông minh, vẫn sống động và mạnh mẽ như trước giờ vẫn vậy. Bộ não bận bịu giám sát tất cả nhưng sự đình trệ hoạt động ngoài rìa, thu thập nhưng thiếu hỏng và suy yếu. Chẳng phải đây là điều ai cũng muốn hơn sao?
Tất nhiên, Lewis nói vậy. Nhưng chỉ bởi cái cơ hội nó đem đến cho ta, để hành động.
Vấn đề của riêng ông bắt đầu ở cơ chân. Ông đăng ký học lớp Thể dục cho người cao tuổi (dù ông căm ghét ý tưởng đó) để xem sức lực có thể vì bị uy hiếp mà quay về với cơ bắp không. Ông đã nghĩ lớp ấy có hiệu quả, trong vòng một hay hai tuần. Nhưng rồi tiếp đến là bàn chân nặng như chì, bước lê, vấp trượt, và chẳng mấy chốc, là kết quả chẩn đoán. Ngay khi vừa biết được chừng ấy, họ đã bàn đến việc phải làm gì khi thời điểm đến. Đầu hè, ông phải chống hai cây gậy để đi lại. Đến cuối hè, ông hoàn toàn không đi lại được nữa. Nhưng tay ông vẫn còn lật được sách, cũng như vẫn xoay xở cầm được dĩa, thìa hay bút, dù khó khăn. Nina thấy khả năng nói của ông có vẻ gần như không bị ảnh hưởng, dù khách đến thăm thấy khó mà hiểu ông nói gì. Dầu sao chăng nữa, ông cũng quyết rằng khách khứa phải bị cấm. Chế độ ăn uống của ông được thay đổi, để ông nuốt dễ hơn, và đôi khi nhiều ngày qua đi mà không hề có khó khăn nào trong việc ăn uống.
Nina đã tìm hiểu về xe lăn. Ông không phản đối việc này. Họ không còn nói về cái mà họ gọi là Cuộc Đại Đình Công nữa. Bà thậm chí còn băn khoăn không biết liệu họ - đúng hơn là ông - có sắp bước vào một giai đoạn bà từng đọc đến hay chưa, một thay đổi đôi khi xảy đến với những người đang mắc bệnh trầm trọng. Một phương sách lạc quan đấu tranh để vươn lên phía trước, không phải bởi vì nó được bảo đảm, mà bởi vì toàn bộ trải nghiệm đã trở thành hiện thực chứ không còn là một khái niệm trừu tượng nữa, việc tìm cách đương đầu đã trở thành một công việc thường trực chứ không chỉ là một mối phiền toái.
Cái kết vẫn chưa đến. Hãy sống cho hiện tại. Hãy nắm bắt khoảnh khắc. Kiểu lý luận như thế dường như không giống tính cách của Lewis. Nina đã từng nghĩ rằng ông không có khả năng tự lừa dối bản thân ngay cả khi làm thế hữu ích đến mức nào đi nữa. Nhưng bà cũng đâu có mường tượng được sự suy sụp thể chất lại ập đến với ông. Và giờ đây khi cái chuyện không lường đến ấy đã xảy ra, liệu các chuyện khác có thể không? Có lẽ nào những biến đổi từng đến với người khác sẽ không đến với ông? Những hy vọng thầm kín, sự chệch hướng, những thỏa thuận ranh mãnh?
Không.
Bà cầm cuốn danh bạ điện thoại cạnh giường lên và tìm “Người làm đám ma”, dĩ nhiên không có từ nào như thế trong đó. “Giám đốc tang lễ”. Sắc thái trầm trọng hóa bà cảm thấy ở cái danh hiệu đó là một trong những chuyện bà thường chia sẻ với ông. Người làm đám ma, lạy Chúa, người làm đám ma thì có gì sai nào? Bà quay về phía ông thì thấy nãy giờ bà đã để ông chơ vơ nằm đó đầy bất lực. Trước khi quay số điện thoại, bà kéo chăn ga trở lại.
Giọng một người đàn ông trẻ tuổi hỏi bà bác sĩ có đang ở đó không, bác sĩ đã đến chưa?
“Chồng tôi không cần bác sĩ. Tôi vào nhà thì thấy ông ấy đã chết rồi.”
“Đó là lúc nào vậy?”
“Tôi không biết… cách đây hai mươi phút.”
“Bà thấy ông nhà đã qua đời? Thế thì… bác sĩ của ông bà là ai? Tôi sẽ gọi điện nhắn ông ta đến.”
Trong những cuộc bàn luận điềm nhiên giữa họ về tự tử, Nina và Lewis, theo bà nhớ, chưa hề nói đến việc liệu có phải giữ kín chuyện này không, hay cứ cho mọi người biết. Một mặt, bà tin chắc Lewis muốn mọi người biết sự thật. Chắc hẳn ông sẽ muốn cho mọi người biết rằng chính ông đã nghĩ ra cái phương cách đáng tôn trọng và hợp lý này để xử lý tình cảnh ông đang lâm vào. Nhưng mặt khác, ông hẳn không thích tiết lộ như thế. Ông không muốn ai nghĩ rằng đây là hệ quả của chuyện ông bị mất việc, của cuộc đấu tranh thất bại của ông ở trường. Làm người ta nghĩ ông suy sụp đến thế là do bị đánh bại trong vụ đó - điều này mới khiến ông giận điên lên.
Bà thu nhặt những gói thuốc khỏi chiếc bàn cạnh giường, cả những gói còn nguyên cũng như những gói rỗng, và giật nước toa lét để chúng trôi đi.
Nhân viên của người làm đám ma là mấy thanh niên địa phương cao to, học trò cũ, đôi chút bối rối hơn họ muốn thể hiện. Bác sĩ cũng còn trẻ và là một người lạ - bác sĩ thường lệ của Lewis đang đi nghỉ, ở Hy Lạp.
“Thế thì là một phúc lành,” bác sĩ nói sau khi được thông báo về các sự việc. Bà hơi ngạc nhiên khi nghe anh ta thú nhận điều đó thẳng thắn đến vậy, và nghĩ rằng Lewis mà nghe được thì có thể đã thoáng ngửi ra mùi tôn giáo không được chào đón. Những gì bác sĩ nói tiếp ít gây ngạc nhiên hơn.
“Bà có muốn nói chuyện với ai đó không? Chúng tôi có những người, bà biết đấy, có thể giúp bà gỡ rối tâm tư lúc này.”
“Thôi. Thôi. Cảm ơn anh, tôi không sao cả.”
“Bà sống ở đây lâu rồi chứ? Bà có bạn bè để trông cậy chứ?”
“À, có. Có chứ.”
“Bà sẽ gọi cho ai đó ngay bây giờ chứ?”
“Vâng,” Nina đáp. Bà nói dối. Ngay khi bác sĩ, mấy cậu khiêng xác trẻ tuổi, và Lewis, vừa ra khỏi nhà - Lewis bị khiêng như một món đồ nội thất được bọc lại để che chắn khỏi va chạm - bà phải tiếp tục tìm kiếm. Giờ mới thấy có vẻ như bà thật ngốc khi chỉ giới hạn tìm kiếm gần giường. Bà thấy mình lục hết túi của cái áo choàng tắm mặc ở nhà đang treo sau cửa phòng ngủ. Một chỗ tuyệt vời, vì đây là bộ bà mặc mỗi sáng trước khi lật đật chạy đi pha cà phê, và bà vẫn luôn lục túi áo để tìm một cái khăn giấy, một thỏi son. Chỉ có điều nếu giấu ở đây thì ông sẽ phải đứng dậy bước ra khỏi giường rồi đi ngang qua phòng - mà ông thì từ vài tuần nay đã không đi nổi một bước nếu không có bà giúp.
Nhưng tại sao lại phải viết thư nhắn rồi để một chỗ vào ngày hôm qua? Chẳng phải viết rồi giấu đi từ nhiều tuần trước mới là có lý sao, nhất là khi ông không biết chữ mình sẽ nguệch ngoạc đi với tốc độ nào? Và nếu thế thì lá thư có thể ở bất kỳ chỗ nào. Trong ngăn kéo bàn viết của bà - bà đang lục soát chỗ ấy ngay lúc này đây. Hay dưới chai sâm banh bà mua để uống mừng sinh nhật ông rồi đặt trên tủ com mốt, để nhắc ông ngày đó sẽ đến trong vòng hai tuần nữa - hay giữa những trang sách của bất cứ cuốn nào gần đây bà mở ra xem. Quả là ông đã hỏi bà, cách đây không lâu, “Lúc này em đang đọc sách gì cho em?” Ý ông là, ngoài cuốn bà đang đọc cho ông nghe - Frederick vĩ đại của Nancy Mitford. Bà chọn đọc cho ông sách sử giải trí - ông sẽ không chịu nổi truyện hư cấu - còn sách khoa học thì để ông tự đọc lấy. Bà đã đáp là, “Vài truyện ngắn Nhật ấy mà,” rồi giơ cuốn sách ra. Giờ thì bà ném sách sang một bên để tìm cuốn đó, để dốc ngược và giũ các trang ra. Cả những cuốn bị bà đẩy ra cũng chịu cách đối xử như thế. Gối tựa trên cái ghế bà hay ngồi bị ném xuống sàn nhà để xem có gì phía sau không. Cuối cùng thì tất cả gối tựa trên xô pha cũng bị ném tan tác như vậy. Hạt cà phê bị lắc tung khỏi hộp thiếc, phòng trường hợp ông (bất thình lình?) giấu lời chia tay ở chỗ đó.
Bà không muốn có ai ở cạnh, không muốn có ai quan sát cuộc tìm kiếm này - tuy nhiên, bà vẫn bật đèn đóm sáng trưng và kéo toang rèm ra khi tìm. Chẳng ai nhắc bà phải bình tĩnh lại. Trời đã tối được một lúc thì bà mới nhận ra mình phải kiếm cái gì để ăn. Bà có thể gọi điện cho Margaret. Nhưng bà chẳng làm gì cả. Bà đứng dậy, đáng ra để đi đóng rèm thì bà lại tắt đèn.
* * *
Nina cao nhỉnh hơn mét tám đôi chút. Thậm chí ngay từ thuở thiếu thời, các giáo viên thể dục, các cố vấn hướng nghiệp cùng những bạn bè lo âu của mẹ bà đã thúc giục bà bỏ cái dáng gù lưng ấy đi. Bà đã cố hết sức, nhưng ngay cả bây giờ, khi xem ảnh mình, Nina vẫn chán nản khi thấy bà đã tự biến mình thành một kẻ nhún nhường ra sao - vai so lại, đầu nghiêng về một bên, thái độ hoàn toàn giống một người phục vụ tươi cười. Khi trẻ, bà quen với các cuộc gặp mặt được sắp đặt, bạn bè đưa bà đi chơi với đàn ông cao. Cứ như thể những mặt khác của anh ta thế nào cũng không quan trọng lắm - chỉ cần cao trên mét tám là chắc chắn sẽ bị ghép cặp với Nina. Khá thường xuyên anh ta sẽ sưng sỉa vì tình cảnh đó - xét cho cùng, một người đàn ông cao thì có thể chọn và lựa chứ - còn Nina, lưng vẫn gù và miệng vẫn cười, thì sa vào cảnh ngượng nghịu.
Ít ra thì cha mẹ Nina cũng cư xử như thể đời bà là chuyện riêng của bà. Cả hai đều là bác sĩ, sống tại một thành phố nhỏ ở Michigan. Nina sống với họ sau khi tốt nghiệp đại học. Bà dạy tiếng La tinh ở trường trung học địa phương. Vào các kỳ nghỉ bà đi sang châu Âu với đám bạn bè thời đại học, những đứa vẫn chưa bị gạn ra để kết hôn và tái hôn, và có lẽ sẽ không lập gia đình. Trong chuyến đi bộ việt dã ở rặng Cairngorm, bà và nhóm bạn làm quen với một toán người Úc và New Zealand, một hội hippi nhất thời mà thủ lĩnh hình như là Lewis. Ông hơn những người khác trong hội vài tuổi, trông giống một người lữ hành dày dạn hơn là một gã hippi, và chắc chắn ông là người được gọi đến khi tranh cãi và khó khăn nảy sinh. Ông không cao gì cho lắm - thấp hơn Nina tầm bảy đến mười phân. Tuy nhiên, ông bám lấy bà, thuyết phục bà thay đổi hành trình và đi riêng với ông - bản thân ông cũng phấn khởi để toán bạn của mình tự xoay xở lấy.
Hóa ra ông đã chán đi lang thang, hơn nữa ông cũng có bằng về sinh học hoàn toàn đúng chuẩn, và một chứng chỉ sư phạm được cấp ở New Zealand. Nina kể cho ông nghe về thành phố trên bờ Đông hồ Huron, ở Canada, nơi bà từng đi thăm họ hàng lúc nhỏ. Bà tả những cây cao dọc phố, những ngôi nhà giản dị cũ kỹ, những cảnh hoàng hôn trên hồ - một nơi tuyệt vời để họ chung sống, và nhờ mối quan hệ giữa các nước trong khối Thịnh vượng chung, có thể Lewis sẽ thấy dễ tìm việc hơn. Đúng là họ đã tìm được việc, cả hai, tại trường trung học - dù vài năm sau thì Nina bỏ dạy, khi tiếng La tinh hết thời. Bà có thể theo học lớp nâng cao, trang bị kiến thức để dạy môn gì khác nhưng bà lại vui mừng, một cách thầm kín, rằng mình không còn làm chung chỗ và chung nghề với Lewis nữa. Cá tính mạnh của ông, phong cách giảng dạy gây xáo động của ông tạo ra cả kẻ thù lẫn bạn bè, và bà thấy thanh thản khi không bị dính vào những chuyện đó.
Họ để chuyện có con thành quá muộn. Và bà ngờ rằng cả hai đều có chút gì quá phù phiếm - họ không thích ý tưởng ràng buộc bản thân vào những danh tính hơi khôi hài và bị xem thường của Cha và Mẹ. Cả hai - nhưng đặc biệt là Lewis - được học trò ngưỡng mộ vì họ không giống những người lớn ở nhà. Sôi nổi hơn về tinh thần và thể chất, phức tạp hơn, sinh động hơn và nhiều khả năng tìm ra điều gì đó hay ho từ cuộc đời hơn.
Bà tham gia vào đội hợp xướng. Nhiều buổi biểu diễn của đội diễn ra ở nhà thờ, và phải đến lúc đó bà mới biết Lewis ghét cay ghét đắng chốn ấy đến mức nào. Bà lý luận rằng thường không sẵn chỗ nào khác phù hợp để biểu diễn và điều đó không có nghĩa các bài hát là theo kiểu tôn giáo (cho dù hơi khó biện luận khi bản nhạc lại là Chúa cứu thế). Bà nói ông cổ hủ và ngày nay tôn giáo cũng không gây hại gì mấy. Chuyện này làm bùng nổ một cuộc cãi vã lớn. Họ vội chạy khắp phía đóng sập cửa sổ xuống, sao cho không ai từ vỉa hè nghe được giọng nói kích động của họ trong buổi tối mùa hè ấm áp đó.
Một vụ cãi nhau như thế gây choáng váng và tiết lộ nhiều điều, không chỉ về việc ông đang tha thiết tìm kiếm kẻ thù đến mức nào, mà còn về việc bà không có khả năng từ bỏ cuộc tranh luận đã leo thang thành cơn giận điên cuồng. Không ai trong hai người chịu rút lui, họ quyết liệt bám vào nguyên tắc.
Sao anh không thể dung thứ những người khác biệt, tại sao điều này lại quan trọng đến thế?
Nếu điều này mà không quan trọng thì chẳng có gì quan trọng cả.
Dường như không khí ngày càng chất nặng sự ghét bỏ. Toàn bộ chỉ về một vấn đề vốn sẽ không bao giờ được giải quyết. Họ lặng thinh đi ngủ, lặng thinh ra khỏi nhà sáng hôm sau, và suốt cả ngày bị một nỗi sợ hãi choán lấy - nỗi sợ của bà là ông sẽ không bao giờ về nhà nữa, còn nỗi sợ của ông là khi về nhà bà lại không ở đó. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với họ. Họ về nhà cùng lúc vào chiều muộn, xanh xao vì hối hận, run rẩy vì tình yêu, như những người vừa thoát một cơn động đất trong gang tấc và đang đi loanh quanh trong nỗi cô độc trần trụi.
Đó không phải là lần cuối. Nina, vốn được dạy dỗ thành người bình lặng, băn khoăn tự hỏi chuyện như thế có phải là đời thường. Bà không thể bàn luận về vấn đề đó với ông - các cuộc hòa giải quá dễ chịu, quá ngọt ngào và ngớ ngẩn. Ông gọi bà là Nini-Hyena[12] Dịu Dàng, còn bà gọi ông là Merry Weather Lewis[13].
Vài năm trước, một loại biển hiệu mới bắt đầu xuất hiện dọc lề đường. Từ lâu rồi vốn chỉ có các biển hiệu hối thúc cải đạo, rồi biển hiệu với hình trái tim lớn màu hồng và đường điện tâm đồ dàn thẳng ra, ý là không khuyến khích việc phá thai. Còn bây giờ, những thứ trưng ra là lời từ sách Sáng thế.
Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.
Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng, thì có sự sáng.
Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình ảnh Ngài.
Ngài dựng nên người nam và người nữ.
Bên cạnh những dòng đó thường có hình cầu vồng, hoặc một bông hồng, hay một biểu tượng của vẻ đẹp Vườn Địa Đàng.
“Tất cả những thứ này có nghĩa gì vậy?” Nina hỏi. “Dù sao thì cũng là một thay đổi. Không còn là ‘Đức Chúa Trời yêu thế giới này biết bao.’”
“Thuyết Sáng thế đấy,” Lewis đáp.
“Em biết rồi. Ý em là, tại sao nó lại ở trên biển hiệu khắp nơi?”
Lewis nói rằng chắc chắn hiện giờ đang có trào lưu gia cố niềm tin vào câu chuyện trong Kinh Thánh theo nghĩa đen.
“Adam và Eve. Vẫn mấy chuyện nhảm nhí cũ rích đó.”
Ông có vẻ không bị quấy rầy nhiều về chuyện này - ông cũng chỉ thấy bị sỉ nhục như khi đứng cạnh máng cỏ dựng lên mỗi dịp Giáng sinh, không phải ở trước nhà thờ mà ngay trên thảm cỏ của Tòa Thị chính mà thôi. Trong địa phận nhà thờ là một chuyện, ông nói, trong địa phận của thành phố lại là chuyện khác. Những bài giảng phái Giáo Hữu của Nina không chú trọng nhiều đến Adam và Eve, nên khi về đến nhà bà lôi cuốn Kinh Thánh bản King James ra đọc một mạch toàn bộ câu chuyện. Bà thấy thích thú với những diễn tiến uy nghi của sáu ngày đầu tiên - sự phân cách nước, sự sắp đặt mặt trời mặt trăng, sự xuất hiện của những thứ bò trên mặt đất và chim chóc trong không trung, vân vân và vân vân.
“Đẹp thật,” bà nói. “Thi vị tuyệt vời. Mọi người nên đọc cuốn này.”
Ông nói nó không hay cũng không dở hơn bất kỳ chỗ nào trong toàn bộ cái mớ huyền thoại về Sáng thế nảy nở ở mọi ngóc ngách trên trái đất này, và rằng ông đã chán ớn và mệt mỏi vì phải nghe người ta nói nó đẹp ra sao, nó thơ thế nào.
“Đó chỉ là một màn hỏa mù thôi,” ông nói. “Họ chẳng quan tâm quái gì đến thi với chả ca đâu.”
Nina cười phá lên. “Góc trái đất,” bà nói. “Nhà khoa học mà nói thế à! Em đánh cuộc ‘góc trái đất’ cũng từ Kinh Thánh mà ra?”
Thỉnh thoảng bà liều lĩnh trêu chọc ông về chủ đề này. Nhưng bà phải cẩn trọng để không quá đà. Bà phải coi chừng thời điểm ông có thể cảm thấy lời đe dọa chết chóc, lời xúc phạm làm mất danh dự.
Đôi khi bà tìm thấy một tập tài liệu tuyên truyền trong hộp thư. Bà không đọc hết, và có dạo bà cứ nghĩ ai cũng nhận được tập tài liệu này, cùng với các loại thư tạp nhạp rao bán các chuyến đi nghỉ ở vùng nhiệt đới và các thác nước lòe loẹt khác. Rồi bà phát hiện ra Lewis cũng nhận được tập tài liệu như thế ở trường - ông gọi nó là “tuyên truyền của thuyết sáng thế” - để trên bàn làm việc hay nhét đầy hộp thư của ông văn phòng.
“Bọn trẻ con được lui tới bàn làm việc của tôi, thế nhưng đứa quỷ nào nhét đầy hộp thư của tôi ở đây hả?” ông hỏi ông hiệu trưởng như thế.
Ông hiệu trưởng đáp rằng chịu không đoán ra ai, ông cũng phải nhận mấy thứ đó. Lewis nêu tên một vài giáo viên trong trường, một vài tín đồ Cơ Đốc giáo bí mật, ông gọi họ như thế, và ông hiệu trưởng nói rằng chuyện này không đáng để Lewis bực dọc, ông luôn có thể vứt mấy thứ đó đi mà.
Có nhiều chất vấn trong giờ học. Tất nhiên, lúc nào chẳng có. Ta có thể dự tính chuyện đó, Lewis nói. Một thiếu nữ thánh thiện bệnh hoạn hay một đứa tinh tướng, nam hay nữ, đang cố ném đá phá hoại thuyết tiến hóa. Để đối phó với chuyện này Lewis có các cách của riêng mình, tất cả đều đã được thử nghiệm và chứng tỏ đáng tin cậy. Ông nói với những kẻ phá bĩnh rằng nếu chúng muốn diễn giải theo kiểu tôn giáo về lịch sử thế giới thì đã có Trường Cơ Đốc giáo Độc lập ở thành phố bên cạnh hoan nghênh chúng đến học. Các chất vấn trở nên thường xuyên hơn, ông lại nói thầm rằng trường đó có xe buýt chở học sinh đi học, và chúng có thể thu dọn sách vở đi ngay lập tức nếu có ý định chuyển trường.
“Và chúc các anh các chị thuận buồm xuôi đ…” ông nói. Sau đó có một vụ tranh cãi - về việc liệu ông có thực sự dùng từ “đít” không hay chỉ bỏ lửng không nói ra. Nhưng kể cả nếu ông quả thật không nói ra từ ấy thì chắc chắn ông cũng đã có xúc phạm rồi, vì ai cũng biết câu đó sẽ được nói nốt thế nào.
Dạo này học trò đang dùng một chiến thuật mới.
“Không phải chúng em nhất thiết muốn theo quan điểm tôn giáo, thưa thầy. Chỉ là chúng em băn khoăn tại sao thầy không dành thời gian đồng đều để nói về quan điểm đó.”
Lewis để mình bị cuốn vào cuộc tranh cãi.
“Bởi vì tôi đến đây là để dạy khoa học, chứ không phải dạy tôn giáo.”
Đó là câu ông bảo là mình đã nói. Lại có người báo cáo rằng ông đã nói, “Bởi vì tôi đến đây không phải để dạy cứt.” Và quả là, Lewis giải thích rằng, sau khi bị ngắt lời đến lần thứ tư hay thứ năm, dù cách đặt câu hỏi có hơi khác đi kiểu gì chăng nữa (“Thầy cho rằng nghe câu chuyện từ phía kia thì có hại cho chúng em sao? Nếu dạy chúng em chủ nghĩa vô thần, chẳng phải thế cũng như dạy chúng em một loại tôn giáo đó sao?”), cái từ kia có lẽ đã buột ra khỏi miệng ông, và khi bị khiêu khích như thế thì ông không chịu xin lỗi.
“Tình cờ sao trong lớp học này tôi lại là chỉ huy và tôi là người quyết định dạy cái gì.”
“Em nghĩ Chúa Trời mới là chỉ huy, thưa thầy.”
Có nhiều vụ học trò bị tống ra khỏi lớp. Phụ huynh đến nói chuyện với hiệu trưởng. Hoặc có lẽ họ đã định nói chuyện với Lewis, nhưng hiệu trưởng đảm bảo sao cho việc này không xảy ra được. Chỉ sau đó Lewis mới nghe nói đến những buổi trao đổi riêng ấy, từ những nhận xét qua lại, ít nhiều đùa cợt trong phòng giáo viên.
“Ông không cần lo lắng về chuyện này,” ông hiệu trưởng nói - tên ông này là Paul Gibbings, trẻ hơn Lewis vài tuổi. “Họ chỉ cần cảm thấy được lắng nghe. Cần phải phỉnh phờ một chút.”
“Tôi cũng phỉnh phờ họ được mà,” Lewis nói.
“Vâng. Đó lại không hẳn là cách phỉnh phờ tôi nghĩ thế.”
“Cần phải có biển. Cấm chó và phụ huynh trong khu vực của trường?”
“Kiểu kiểu như thế,” Paul Gibbings nói, thở dài nhã nhặn. “Nhưng tôi cho là họ có quyền của họ.”
Các lá thư bắt đầu xuất hiện trên báo địa phương. Cứ vài tuần lại có một lá, ký tên “Một phụ huynh lo âu” hay “Người đóng thuế Cơ Đốc giáo” hay “Cứ thế này thì chúng ta sẽ đi về đâu?” Những lá thư đó được viết chỉnh tề, chia đoạn rành mạch, lập luận thành thục, như thể chúng đều được viết bởi một ngòi bút đại diện. Các lá thư nêu rõ việc không phải phụ huynh nào cũng có thể chi trả học phí cho trường Cơ Đốc giáo tư thục, tuy vậy phụ huynh nào cũng đóng thuế. Vì thế con cái họ xứng đáng được dạy dỗ ở trường công, theo cách không gây xúc phạm, hay cố tình phá hủy niềm tin của chúng. Bằng ngôn ngữ khoa học, một số còn giải thích lời chúng đã bị hiểu sai ra sao và những khám phá vốn có về chứng minh cho thuyết tiến hóa thực ra chỉ khẳng định những miêu tả trong Kinh Thánh. Rồi dẫn những trích đoạn Kinh Thánh dự đoán việc giáo huấn sai lầm ngày nay và điều này sẽ dẫn đến việc từ bỏ mọi luật lệ khuôn phép trong cuộc sống.
Chẳng bao lâu sau giọng điệu trong thư thay đổi, trở nên phẫn nộ. Bộ hạ của Kẻ Chống Chúa phụ trách chính quyền và nhà trường. Móng vuốt của Satan duỗi dài đến tâm hồn con trẻ, chúng thực sự bị buộc phải nhai đi nhai lại trong những kỳ thi các giáo lý đọa đày.
“Sự khác nhau giữa Satan và Kẻ Chống Chúa là gì, mà hai cái đó có khác nhau không nhỉ?” Nina hỏi. “Tín đồ phái Giáo Hữu rất chểnh mảng trong mấy chuyện kiểu này.”
Lewis nói rằng ông vẫn ổn mà không cần bà phải coi toàn bộ vụ việc này như trò đùa.
“Em xin lỗi,” bà điềm tĩnh nói. “Theo anh thì ai mới đích thực là người viết những lá thư đó? Một ông mục sư nào đó à?”
Ông đáp không phải, chuyện này chắc phải được tổ chức tốt hơn thế. Một chiến dịch có quân sư bậc thầy chỉ đạo, một tổng hành dinh nào đó, cung cấp để thư gửi đi từ các địa chỉ trong vùng. Ông không nghĩ rằng có bất kỳ phần nào của kế hoạch lại nảy sinh tại đây, ngay trong lớp của ông. Toàn bộ vụ này được dàn dựng, nhà trường là mục tiêu, có lẽ là ở những khu vực có nhiều hy vọng lấy được lòng dân chúng.
“Vậy sao? Không phải cá nhân nào sao?”
“Đó không phải là cách an ủi đâu.”
“Thế à? Em lại nghĩ nói vậy có thể an ủi.”
Ai đó viết “Hỏa ngục” lên xe của Lewis. Không phải bằng sơn phun - chỉ là vết ngón tay trên bụi.
Một nhóm học trò bắt đầu tẩy chay giờ học lớp cuối cấp, bọn trẻ ngồi bệt trên sàn bên ngoài, vũ trang bằng giấy nhắn của bố mẹ. Khi Lewis bắt đầu dạy thì chúng cất tiếng hát.
Muôn ngàn sự vật đẹp tươi
Muôn sinh linh lớn nhỏ trên đời
Muôn điều ảo diệu kỳ khôi
Đến từ tay Đức Chúa Trời tạo ra…
Ông hiệu trưởng viện dẫn một quy chế cấm ngồi trên sàn hành lang, nhưng ông không ra lệnh bắt chúng quay vào lớp. Chúng phải đi vào phòng kho của nhà thể chất. Ở đó chúng vẫn tiếp tục hát - chúng có sẵn các bài thánh ca khác nữa. Giọng chúng lẫn vào những lời chỉ dẫn lạc giọng của giáo viên thể dục và những tiếng chân dậm huỳnh huỵch lên sàn nhà thể chất, đến độ gây bối rối.
Vào một sáng thứ Hai, một bản kiến nghị xuất hiện trên bàn làm việc của hiệu trưởng và đồng thời một bản sao được chuyển đến văn phòng tòa báo thành phố. Chữ ký được thu thập không chỉ từ phụ huynh của bọn trẻ liên đới mà còn từ nhiều giáo đoàn nhà thờ khác nhau quanh thành phố. Đa số là từ các giáo hội theo trào lưu chính thống, nhưng có cả một số từ các giáo hội Hiệp Nhất, Anh giáo và Trưởng lão.
Bản kiến nghị không nhắc đến Hỏa ngục. Cũng không có gì về Satan hay Kẻ Chống Chúa. Nó chỉ thỉnh cầu rằng phiên bản Kinh Thánh về Sáng thế phải được dạy ngang số tiết, được xem xét một cách tôn trọng như một lựa chọn. “Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tin rằng Chúa Trời đã bị để ngoài đời sống quá lâu.”
“Vớ vẩn,” Lewis nói. “Bọn chúng đâu có tin và số tiết ngang bằng - bọn chúng đâu có tin vào lựa chọn. Rặt một lũ độc đoán. Cái bọn phát xít.”
Paul Gibbings đến nhà thăm Lewis và Nina. Ông không muốn bàn chuyện này ở nơi tai vách mạch rừng. (Một thư ký trong trường là thành viên nhà thờ thánh Kinh.) Ông không kỳ vọng gì nhiều là sẽ thuyết phục được Lewis, nhưng ông phải thử.
“Họ đẩy tôi đến chỗ tiến thoái lưỡng nan đáng nguyền rủa này,” ông hiệu trưởng nói.
“Cứ đuổi việc tôi đi,” Lewis đáp. “Tuyển một tên chó chết ngu xuẩn nào đó theo thuyết Sáng thế ấy.”
Tên chó đẻ đang thích thú chuyện này đây, Paul nghĩ. Nhưng ông tự kiềm chế. Dạo này dường như việc ông làm chủ yếu là tự kiềm chế.
“Tôi không đến đây để nói chuyện này. Ý tôi là nhiều người sẽ cho rằng đám này chỉ đang ứng xử hợp lý thôi. Cả những người trong Hội đồng Giáo dục nữa.”
“Thì làm họ hài lòng đi vậy. Đuổi việc tôi đi. Diễu hành trong trang phục Adam và Eve ấy.”
Nina mang cà phê đến mời họ. Paul cảm ơn bà và cố tìm ánh mắt bà để xem bà đứng về phía nào trong chuyện này. Nhưng chỉ vô ích.
“Hẳn rồi,” ông đáp. “Tôi không thể làm việc đó, dù tôi có muốn. Mà tôi lại không muốn. Công đoàn sẽ làm lông tôi. Chuyện này sẽ lân la khắp tỉnh, thậm chí có thể khơi lên một vụ đình công, chúng ta phải nghĩ đến bọn trẻ.”
Người ta hẳn nghĩ rằng nói thế sẽ làm Lewis mủi lòng - nghĩ đến bọn trẻ. Nhưng ông vẫn chìm vào những thiên kiến của mình, như thường lệ.
“Diễu hành trong trang phục Adam và Eve. Có hay không có lá nho cũng được.”
“Điều tôi đòi hỏi chỉ là vài lời ngắn gọn ngụ ý rằng đây là một diễn giải khác và có người tin chuyện này, có người lại tin chuyện khác. Rút gọn chuyện sáng thế xuống mười lăm hay hai mươi phút. Đọc to nó tên. Chỉ làm thế một cách tôn trọng thôi. Anh hiểu toàn bộ chuyện này xảy ra là do đâu phải không? Người ta cảm thấy không được đếm xỉa đến. Đơn giản là họ không thích khi thấy mình không được đếm xỉa đến?”
Lewis ngồi lặng thinh lâu đến độ gieo hy vọng - cho Paul, và có lẽ cho cả Nina, ai biết được nào - nhưng hóa ra đoạn tạm ngưng dài đó chỉ là phương sách để ông dần hiểu ra cái điều trái đạo lý trong lời đề xuất đó.
“Anh thấy thế nào?” Paul thận trọng hỏi.
“Tôi sẽ đọc to toàn bộ sách Sáng thế như anh muốn, nhưng sau đó tôi sẽ tuyên bố rằng đó là một món ô tạp bao gồm sự tự thêu dệt bầy đàn và những quan niệm thần học chủ yếu vay mượn từ những nền văn hóa khác hay ho hơn…”
“Thần thoại,” Nina nói. “Một truyện thần thoại xét cho cùng không phải và điều nói láo, chỉ là…”
Paul thấy chú ý đến bà cũng chẳng ích gì lắm. Còn Lewis thì không hề chú ý.
Lewis viết một lá thư gửi cho báo. Lời lẽ trong phần đầu lá thư chừng mực và uyên thâm, miêu tả việc các lục địa trôi dạt, các biển mở ra và khép lại, và buổi khởi đầu không may mắn của sự sống.
Vi khuẩn cổ xưa, đại dương không cá và bầu trời không chim. Sự phồn thịnh rồi diệt vong, sự ngự trị của các loài lưỡng cư, bò sát, khủng long; các miền khí hậu dịch chuyển, các loài động vật có vú nhỏ bé bẩn thỉu đầu tiên. Thử, sai, thử lại, các loài linh trưởng muộn màng và không hứa hẹn xuất hiện, vượn nhân hình đứng trên hai chân sau và tìm ra lửa, mài đá, đánh dấu lãnh thổ, và cuối cùng, trong bước tiến ồ ạt gần đây, họ đóng tàu, xây kim tự tháp rồi chế tạo bom, tạo ra ngôn ngữ và thánh thần rồi cúng tế và giết lẫn nhau. Tranh cãi về chuyện Chúa Trời tên là Jehovah hay Krishna (đến đây lời lẽ trong thư trở nên gay gắt), hoặc là có được ăn thịt lợn không, quỳ gối và gào rú cầu nguyện một Lão Kỳ Dị nào đó trên trời, lão này rất quan tâm đến việc ai thắng trong chiến tranh và trong các trận bóng bầu dục. Cuối cùng, thật kinh ngạc biết bao, họ cũng tìm hiểu được vài việc và bắt đầu hiểu biết về bản thân và cái vũ trụ nơi họ đang sống, và rồi quyết định tốt nhất và nên vứt bỏ mọi tri thức vất vả mới có được đó đi, lôi Lão Kỳ Dị kia về và buộc mọi người quỳ gối trở lại, để bị dạy dỗ và để tin vào cái chuyện mánh qué cũ rích, mà đã thế thì sao họ không lôi Trái Đất Phẳng về luôn thể?
Kính thư, Lewis Spiers.
Chủ bút tờ báo là một người quê ở nơi khác, vừa tốt nghiệp trường báo chí. Anh ta sung sướng vì vụ ồn ào này và tiếp tục cho đăng những phản hồi (Chúa Trời không bị nhạo báng với chữ ký của tất cả thành viên giáo đoàn nhà thờ Thánh Kinh; Người viết làm giảm giá trị lý lẽ từ vị mục sư giáo hội Hiệp Nhất, độ lượng nhưng buồn bã vì vụ việc, cảm thấy bị xúc phạm bởi chuyện mánh qué và Lão Kỳ Dị), cho đến khi nhà xuất bản của tờ báo cho biết rằng kiểu nhiễu loạn này đã lỗi thời, không đúng chỗ và làm cho các nhà quảng cáo chán nản. Ngậm miệng cả lại, ông ta nói.
Lewis viết một lá thư khác, lần này là để từ chức. Việc xin từ chức được chấp thuận với niềm tiếc nuối, Paul Gibbings nói rõ - cả trên báo - lý do là sức khỏe kém.
Điều này đúng, dù không phải là lý do bản thân Lewis muốn công khai cho mọi người biết. Trong vài tuần, ông cảm thấy chân yếu đi. Và ngay đúng thời điểm ông thấy việc phải đứng lên trước lớp và bước đi bước lại trước học trò là quan trọng, thì ông lại thấy mình đang run rẩy chỉ mong được ngồi xuống. Ông chưa bao giờ chịu thua, nhưng đôi khi ông phải túm lấy lưng ghế, ra vẻ như đang muốn nhấn mạnh. Và thỉnh thoảng ông nhận ra ông không cảm thấy chân mình ở đâu nữa. Nếu sàn mà trải thảm thì có lẽ ông đã vấp chân cả trên nếp gấp nhỏ nhất, và kể cả trong lớp học, nơi không có thảm, thì một mẩu phấn rơi, một cái bút chì cũng đồng nghĩa với thảm họa.
Ông điên tiết với tình cảnh bệnh tật này, nghĩ đây hẳn là tâm bệnh. Ông chưa bao giờ căng thẳng thần kinh trước lớp, hay trước bất kỳ nhóm nào. Khi nhận kết quả chẩn đoán chính xác, trong phòng khám của bác sĩ chuyên khoa thần kinh, điều đầu tiên ông cảm thấy - như ông kể lại cho Nina - là một cảm giác nhẹ cả người kỳ cục.
“Anh cứ sợ là mình bị loạn thần kinh chức năng,” ông nói, và cả hai bắt đầu cười phá lên.
“Anh cứ sợ là mình bị loạn thần kinh chức năng, nhưng chỉ bị xơ cứng teo cơ một bên thôi.” Họ cười, vừa đi vừa vấp dọc hành lang yên ắng trải thảm nhung, và bước vào thang máy, tại đó người ta kinh ngạc nhìn họ chòng chọc - cười to là chuyện rất lạ lùng ở một chỗ như vậy.
* * *
Nhà tang lễ Lake Shore là một tòa nhà mới rộng rãi, xây bằng gạch ánh kim - mới đến độ khu sân bao quanh vẫn chưa bị biến thành thảm cỏ và bụi cây. Nếu không vì cái biển hiệu thì người ta đã có thể nghĩ đó là phòng khám y khoa, hay tòa nhà của cơ quan công quyền. Cái tên Lake Shore không có nghĩa trông ra hồ mà là sự ngầm ghép họ của người làm đám ma - Bruce Shore. Vài người nghĩ cách ghép tên đó thật là nhạt nhẽo. Khi công việc kinh doanh còn được thực hiện tại một căn nhà lớn kiểu Victoria trong phố và còn thuộc về cha của Bruce, tên nó chỉ đơn giản là Nhà tang lễ Shore. Và thực ra đó là nhà ở, có rộng chỗ cho Ed và Kitty Shore cùng năm đứa con ở tầng hai và tầng ba.
Không ai sống tại cơ sở mới này, nhưng ở đó có một phòng ngủ với thiết bị nhà bếp, và một phòng tắm hoa sen. Đó và phòng trường hợp Bruce Shore thấy ngủ lại thuận tiện hơn lái xe mười lăm dặm về nhà ở quê, nơi vợ chồng anh nuôi ngựa.
Đêm qua cũng là một đêm anh ngủ lại, bởi có một tai nạn ở phía bắc thành phố. Một chiếc xe hơi chở mấy đứa choai choai đâm sầm vào trụ cầu. Những chuyện kiểu này - người lái vừa mới có bằng hay không hề có, và ai cũng say bí tỉ - thường xảy ra vào mùa xuân gần dịp tốt nghiệp, hay trong không khí nhộn nhịp của vài tuần khai giảng tháng Chín. Còn bây giờ là lúc người ta chờ tai ương của những người mới đến - các y tá chân ướt chân ráo từ Philippines sang năm ngoái - bị mắc vào trận tuyết đầu mùa mà họ tuyệt nhiên chưa quen.
Tuy nhiên, vào một đêm hoàn toàn yên ả và đường sá khô ráo, nạn nhân lại là hai thanh niên mười bảy tuổi, đều sống ở thành phố này. Và ngay trước đó, Lewis Spiers được đưa đến. Bruce bận không thở được - phải tút tát cho hai đứa trẻ, để chúng trông dễ coi, làm anh thức đến khuya. Trước đó anh gọi điện cho cha mình. Vào mùa hè Ed và Kitty vẫn sống ở ngôi nhà trong phố, chưa đi Florida, và Ed đến để sửa soạn cho Lewis.
Bruce vừa ra ngoài chạy bộ, cho tươi tỉnh tại. Khi nhìn thấy bà Spiers tấp chiếc xe Honda Accord cũ vào, anh vẫn chưa ăn sáng và đang mặc bộ đồ thể thao. Anh vội đi ra phòng chờ để mở cửa cho bà.
Bà là một phụ nữ cao, gầy, tóc muối tiêu nhưng cử động nhanh nhẹn trẻ trung. Sáng nay trông bà không có vẻ quá đau thương, cho dù anh để ý thấy bà chẳng bận tâm mặc áo khoác.
“Xin lỗi. Xin lỗi,” anh nói. “Cháu vừa đi tập thể dục một chút. Cháu e là Shirley vẫn chưa đến. Chúng cháu thực sự buồn trước nỗi mất mát của cô.”
“Vâng,” bà đáp.
“Thầy Spiers dạy cháu môn khoa học hồi lớp mười một và mười hai, thầy là người thầy cháu sẽ không bao giờ quên. Cô có muốn ngồi xuống không? Cháu biết hẳn cô đã chuẩn bị theo cách nào đó, nhưng đây vẫn là một trải nghiệm người ta không bao giờ sẵn sàng được khi nó đến. Thế bây giờ cô có muốn cháu soát toàn bộ giấy tờ cùng cô không, hay cô muốn vào chăm thầy?”
Bà nói, “Chúng tôi chỉ muốn hỏa táng.”
Anh gật đầu. “Vâng. Hỏa táng sẽ được làm sau đó.”
“Không. Chồng tôi phải được hỏa táng ngay lập tức. Đó là điều ông ấy muốn. Tôi cứ nghĩ tôi đã có thể mang tro của chồng về.”
“Ôi, chúng cháu không hề nhận được chỉ thị như thế,” Bruce nói chắc. “Chúng cháu lại chuẩn bị xác cho lễ viếng. Thầy trông rất đẹp, thực vậy. Cháu nghĩ cô sẽ hài lòng.”
Bà đứng chằm chằm nhìn anh.
“Cô không muốn ngồi xuống sao?” anh nói. “Chắc cô dự tính tổ chức lễ viếng chứ ạ? Một kiểu lễ nào đó? Sẽ có rất nhiều người muốn bày tỏ lòng thành kính tới thầy Spiers đấy ạ. Cô biết đấy, ở đây chúng cháu thực hiện nhiều kiểu lễ khác, không theo tôn giáo nào. Chỉ có ai đó đọc điếu văn, thay vì một nhà thuyết pháp. Mà kể cả khi cô không muốn nghi thức cầu kỳ như thế thì cô có thể chỉ để mọi người đứng dậy nói lên những tâm tư của họ. Cô muốn nắp quan tài mở hay đóng thì tùy. Nhưng quanh đây có vẻ như mọi người thường muốn để mở nắp. Nếu cô chọn hỏa táng thì không dùng cùng loại quan tài, tất nhiên rồi. Chúng cháu có quan tài trông rất đẹp mà giá thì chỉ bằng một phần nhỏ loại không hỏa táng.”
Đứng nhìn chằm chằm.
Sự thực là mọi chuyện đã chuẩn bị xong, và chẳng có chỉ thị nào là không được làm thế cả. Việc này, cũng như mọi việc khác, đều phải trả tiền. Chưa tính đến vật liệu.
“Cháu chỉ đang nói về những chuyện mà chắc cô sẽ muốn làm khi cô có thời gian ngồi xuống xem xét thôi ạ. Ở đây nhiệm vụ của chúng cháu là làm theo mong muốn của cô…”
Có lẽ nói thế là quá lời.
“Nhưng chúng cháu đã tiến hành làm theo cách kia bởi vì không có chỉ thị nào ngược lại.”
Một chiếc ô tô đỗ lại bên ngoài, cửa xe đóng lại, và Ed Shore bước vào phòng đợi. Bruce cảm thấy như trút được một gánh nặng to lớn. Vẫn còn nhiều thứ anh phải học trong nghề này. Cái phần ứng xử với người còn sống.
Ed nói, “Chào bà, Nina. Tôi thấy xe của bà. Tôi chỉ nghĩ mình phải vào nói bời chia buồn?”
Nina đã qua đêm ở phòng khách. Bà tưởng là mình đã ngủ, nhưng giấc ngủ của bà không sâu, đến độ suốt thời gian đó bà nhận thức rõ mình đang ở đâu - trên xô pha phòng khách - cũng như Lewis đang chỗ nào - trong nhà tang lễ.
Lúc này khi cố nói nên lời, răng bà va lập cập. Chuyện này là hoàn toàn bất ngờ với bà.
“Tôi muốn hỏa táng cho chồng tôi ngay lập tức,” là câu bà đang cố nói ra, và là câu bà chớm nói, khi tưởng rằng mình vẫn đang nói bình thường. Và rồi bà nghe thấy, hay cảm thấy, hơi thở hổn hển và những lời lắp bắp không kiểm soát nổi của mình.
“Tôi muốn… tôi muốn… chồng tôi muốn…”
Ed Shore nắm lấy cánh tay bà và vòng tay ôm vai bà. Bruce đưa tay lên nhưng không chạm vào bà.
“Lẽ ra con phải để cô ấy ngồi xuống đã,” anh rầu rĩ nói.
“Không sao cả,” Ed nói. “Bà có muốn đi ra ngoài đến chỗ xe của tôi không, Nina? Chúng ta đưa bà đi thay đổi không khí chút nào.”
Ed để cửa sổ mở, lái xe đi lên khu phố cổ và vào một con phố cụt có đường vòng nhìn ra hồ. Ban ngày người ta lái xe đến đây để ngắm cảnh - đôi khi vừa ngắm vừa ăn bữa trưa mua sẵn nhưng vào ban đêm đây là chỗ cho các cặp tình nhân. Ý nghĩ này có thể đã lóe lên trong đầu Ed, cũng như trong đầu bà, khi ông đỗ xe.
“Thế này đã đủ thay đổi không khí chưa?” ông hỏi. “Bà muốn bị cảm hay sao mà ra ngoài không mặc áo khoác thế.”
Bà cẩn trọng đáp, “Trời đang ấm lên rồi. Như ngày hôm qua.”
Họ chưa bao giờ ngồi cùng nhau trong xe đang đỗ, cả khi trời tối hay còn sáng, chưa bao giờ đi tìm chỗ nào như vậy để ở một mình bên nhau.
Dường như đây là một chuyện không đứng đắn để nghĩ tới lúc này.
“Tôi xin lỗi,” Nina nói. “Tôi mất bình tĩnh. Tôi chỉ có ý nói rằng Lewis… rằng chúng tôi… rằng anh ấy…”
Và mọi thứ lại bắt đầu trở lại. Răng lại va lập cập, người run rẩy, từ ngữ rời rạc. Sự thân thương kinh khủng của tình cảnh này. Thậm chí đó không phải là biểu hiện của những gì bà đang thực sự cảm thấy. Những gì bà cảm thấy trước đó bà giận dữ và thất vọng, khi nói với Bruce - hay khi nghe Bruce nói. Còn lúc này bà cảm thấy - bà đã nghĩ mình cảm thấy - khá bình tĩnh và có chừng mực.
Và lúc này, vì họ đang ở một mình bên nhau, ông không chạm vào bà. Ông chỉ bắt đầu nói. Đừng lo lắng về mọi chuyện. Tôi sẽ thu sếp. Ngay lập tức. Tôi sẽ đảm bảo mọi chuyện diễn ra ổn thỏa. Tôi hiểu mà. Hỏa táng.
“Hít thở nào,” ông nói. “Hít một hơi nào. Giờ nín thở. Giờ thở ra.”
“Tôi ổn mà.”
“Hẳn rồi.”
“Tôi không biết mình bị làm sao.”
“Sốc,” ông điềm đạm nói.
“Tôi không như vậy.”
“Hãy nhìn ra chân trời. Làm vậy cũng đỡ hơn.”
Ông rút cái gì đó ra khỏi túi áo. Khăn mùi soa à? Nhưng bà không cần khăn mùi soa. Bà không hề rơi nước mắt. Bà chỉ run rẩy thôi.
Đó là một mẩu giấy được gấp chặt.
“Tôi đã cất cái này đi cho bà,” ông nói. “Nó ở trong túi áo ngủ của ông ấy.”
Bà cất tờ giấy vào ví, cẩn thận và không hồi hộp, cứ như đó là một đơn thuốc vậy. Rồi bà hiểu ra mọi điều ông đang kể cho bà.
“Ông ở đó khi chồng tôi được đưa đến.”
“Tôi trông nom ông ấy. Bruce gọi tôi đến. Có vụ tai nạn ô tô, nó phải làm nhiều việc quá nên không xoay xở được.”
Bà thậm chí không hỏi, Tai nạn nào? Bà không quan tâm. Lúc này bà chỉ muốn ở một mình và đọc lời nhắn. Túi áo ngủ. Cái chỗ duy nhất bà không tìm đến. Bà không chạm vào thân thể ông.
Bà lái xe của mình về nhà, sau khi Ed chở bà quay lại chỗ đỗ xe. Ngay sau khi ông vẫy tay chào bà cho đến ngoài tầm mắt, bà tấp xe vào lề dường. Hồi nãy khi đang lái xe, một tay bà thậm chí đã cố rút tờ giấy ra khỏi ví. Bà đọc những gì viết trên đó, khi xe vẫn nổ máy, rồi lái đi tiếp.
Trên vỉa hè trước nhà bà có một lời nhắn khác.
Ý muốn của Chúa Trời.
Vội vàng, chữ như gà bới, bằng phấn. Xóa đi cũng dễ thôi. Lời nhắn Lewis viết để cho bà tìm là một bài thơ. Mấy câu vần vè cay độc. Nó có nhan đề: “Cuộc chiến giữa tín đồ thuyết Sáng thế và những người con của Darwin vì linh hồn của thế hệ uỷ mị.”
Huron tọa Thụ giáo đền
Gà mà Tối dạ thấy bèn vào nghe
Nghe quân Nhiễu sự o oe
Vua quân Nhiễu sự ai dè thanh tao,
Răng nhe cười rạng như sao
Ngu si một ý lớn lao trong đầu…
Nói lời lũ đó mong cầu!
* * *
Một mùa đông nọ, Margaret nảy ra ý tổ chức một chuỗi các buổi hội họp buổi tối để mọi người có thể thảo luận - không quá dài về bất kỳ chủ đề nào họ hiểu biết và dành nhiều quan tâm. Bà dự tính hoạt động này là dành cho giáo viên (“Giáo viên luôn là những người đứng ba hoa trước các khán giả bị câu thúc bà nói. “Để thay đổi, họ cần ngồi xuống nghe người khác nói cho họ nghe về đề tài gì đó.”), nhưng rồi mọi người quyết định mời cả người không trong nghề dạy học nữa thì sẽ thú vị hơn. Trước đó sẽ có bữa tối theo kiểu sẵn gì ăn nấy và rượu vang, ở nhà Margaret.
Vậy là một tối trời lạnh quang đãng, Nina thấy mình đang đứng ngoài cửa bếp nhà Margaret, trong tiền sảnh tối om chất đầy áo khoác, cặp sách và gậy khúc côn cầu của con trai Margaret - hồi đó cả mấy đứa vẫn còn ở nhà. Trong phòng khách - không tiếng động nào từ trong đó còn lọt đến tai Nina nữa - Kitty Shore đang nói không ngưng nghỉ về chủ đề bà chọn, các vị thánh. Kitty và Ed là hai trong số những “người thường” được mời vào nhóm - họ cũng là hàng xóm của Margaret. Tối hôm nọ Ed đã diễn thuyết, về leo núi. Bản thân ông cũng có leo núi, trên rặng Rocky, nhưng ông chủ yếu nói về những cuộc thám hiểm nguy nan và bi thảm, đề tài ông thích đọc. (Tối hôm ấy lúc hai người đi lấy cà phê, Margaret đã nói với Nina, “Tôi đã hơi lo là ông ta sẽ nói về ướp xác,” và Nina cười khúc khích đáp lại, “Nhưng đó không phải là sở thích của ông ấy. Đó không phải thứ nghiệp dư. Tôi không cho là có nhiều người làm ướp xác nghiệp dư.”)
Ed và Kitty là một cặp đẹp đôi. Margaret và Nina từng bí mật đồng ý với nhau rằng Ed sẽ là một đối tượng hấp dẫn đáng kể nếu ông không làm nghề đó. Vẻ xanh xao được kì cọ sạch sẽ của đôi bàn tay dài khéo léo ấy thật lạ thường, khiến người ta phải nghĩ. Đôi bàn tay đó vừa ở chỗ nào Kitty đầy đặn thì thường được nhắc đến như một phụ nữ đáng yêu - bà người thấp, ngực to, tóc đen, đôi mắt ấm áp, giọng nói ngập tràn nhiệt tình hổn hển. Nhiệt tình với hôn nhân và con cái, với các mùa, với thành phố, và đặc biệt là với tôn giáo của mình. Trong nhà thờ Anh giáo mà Kitty là một thành viên, những người mộ đạo như bà rất hiếm, và có tin đồn rằng bà là tín đồ đang trong giai đoạn thử thách, với tính nghiêm ngặt và đồng bóng, và cả thiên hướng thích các nghi lễ bí truyền như lễ Giải cữ. Nina, và cả Margaret, cũng thấy khó mà chịu đựng nổi Kitty, còn Lewis thì coi bà là độc dược. Nhưng mọi người thì đa số bị gây ấn tượng mạnh.
Tối nay bà mặc váy len đỏ thẫm và đeo đôi hoa tai do một đứa con bà làm tặng nhân dịp Giáng sinh. Bà ngồi ở góc ghế xô pha, chân gập lại. Chừng nào Kitty còn bám vào phạm vi ảnh hưởng về lịch sử và địa lý của các thánh thì không sao - tức là Nina thấy không sao, vì bà đang hy vọng Lewis cũng sẽ thấy không cần thiết phải tấn công.
Kitty nói rằng bà buộc phải bỏ qua toàn bộ các thánh ở Đông Âu và tập trung chủ yếu vào các thánh ở quần đảo Anh, đặc biệt là các thánh ở Cornwall, xứ Wales và Ai Len, những vị thánh Celt có tên tuyệt hay, vốn và các thánh yêu thích của bà. Khi bà nói sâu về các phép chữa bệnh, các phép lạ, và nhất là khi giọng bà mỗi lúc một vui sướng, kiểu thổ lộ tâm tình, và hoa tai của bà kêu leng keng, thì Nina càng thấy sợ hơn. Kitty nói, bà biết người ta hẳn sẽ nghĩ có họa ngớ ngẩn mới đi nói chuyện với một vị thánh nào đó khi vừa nấu hỏng một món ăn, nhưng bà thực lòng tin rằng các thánh tồn tại là vì những chuyện như thế. Họ đâu có quá cao xa và quá hùng mạnh đến nỗi không quan tâm đến hết thảy các thử thách và khổ đau đó, những tiểu tiết trong đời sống mà chúng ta sẽ thấy ngại ngùng nếu làm phiền Chúa Trời vì chúng. Với sự giúp đỡ của các thánh, người ta có thể phần nào ở lại thế giới trẻ con, với một niềm hy vọng trẻ con là được trợ giúp và được an ủi. Các ngươi nên như đứa trẻ. Và chính những phép lạ nho nhỏ ấy - có phải chắc chắn chính những phép lạ nho nhỏ ấy đã giúp chúng ta sẵn sàng hơn để đón nhận những phép lạ vĩ đại?
Nào. Có câu hỏi gì không?
Ai đó hỏi về vị thế của các thánh trong nhà thờ Anh giáo. Trong nhà thờ Tin Lành.
“Hừm, nói chính xác thì tôi không cho Anh giáo là một nhà thờ Tin Lành,” Kitty đáp. “Nhưng tôi sẽ không đi sâu vào chuyện này. Trong tín điều khi chúng ta nói, ‘Tôi tin vào Nhà thờ công giáo Thánh thần,’ tôi chỉ coi điều đó nói đến toàn thể nhà thờ Cơ Đốc giáo vạn năng rộng lớn. Và rồi chúng ta nói, ‘Tôi tin vào các Thánh Thông công.’ Dĩ nhiên chúng ta không có tượng trong nhà thờ, dù cá nhân tôi nghĩ nếu có thì sẽ rất đẹp.”
Margaret nói, “Cà phê chứ?” và câu đó được hiểu là phần chính thức của buổi tối đã kết thúc. Nhưng Lewis dịch ghế đến gần Kitty hơn và nói với giọng gần như thân ái, “Thế thì sao? Chúng tôi có phải hiểu là bà tin vào các phép lạ này không?”
Kitty cười. “Tin tuyệt đối. Tôi không thể tồn tại được nếu không tin vào phép lạ.”
Lúc đó Nina biết điều gì sẽ đến. Lewis vào chuyện bình thản không nao núng, Kitty phản công bằng sự tin chắc vui vẻ, và bằng cái mà có lẽ bà cho là những tuyên bố mâu thuẫn đầy nữ tính và quyến rũ. Niềm tin của bà đặt vào đó, hẳn vậy - vào sự quyến rũ của chính mình. Nhưng Lewis lại không bị quyến rũ. Ông muốn biết, “Thế các vị thánh đó ngay lúc này đang có hình dạng thế nào? Trên Thiên đường, họ có ở cùng lãnh thổ như những người chết thường, các tổ tiên đức độ không? Và họ được chọn như thế nào? Có phải bằng các phép lạ đã được chứng nhận, chứng minh? Và bằng cách nào người ta lại chứng minh được phép lạ của ai đó sống cách đây mười lăm thế kỷ? Mà dù sao đi nữa, chứng minh phép lạ như thế nào đây? Trong trường hợp bánh mì và cá thì đếm được. Nhưng như thế có phải là đếm thực sự không, hay đó chỉ bà cảm thức? Lòng tin? À, đúng rồi. Thì ra mọi thứ đều quy về lòng tin. Trong các vấn đề hằng ngày, trong suốt cả đời mình, Kitty sống bằng lòng tin chăng?
Đúng là như vậy.
Bà không dựa vào khoa học theo một cách nào đó sao? Chắc chắn không. Khi con bà bị ốm, bà không cho bọn trẻ uống thuốc. Bà không cần bận tâm về xăng cho ô tô, bà đã có lòng tin…
Lúc này quanh họ đã có đến cả tá hội thoại nổ ra, ấy thế nhưng, vì tính dữ dội và mối đe dọa toát ra từ cuộc hội thoại giữa hai con người này - giọng Kitty lúc này lên lên xuống xuống như chú chim trên đây diện, đừng nói ngớ ngẩn thế, ông nghĩ tôi hoàn toàn điên à? Còn Lewis thì trêu tức ngày càng khinh miệt hơn, ngày càng chí tử hơn - thế nên cuộc đối thoại giữa họ rồi sẽ bị người khác nghe thấy hết, mọi lúc, mọi nơi trong phòng.
Nina thấy đắng miệng. Bà đi ra bếp giúp Margaret. Họ đi ngang qua nhau, Margaret đang mang cà phê vào. Nina đi thẳng qua bếp rồi ra ngoài hành lang, qua ô kính nhỏ trên cánh cửa hậu, bà ngó ra nhìn màn đêm không trăng, những đống tuyết dọc phố, những vì sao. Bà áp một bên má nóng bỏng lên kính.
Bà đứng thẳng dậy ngay khi cửa bếp mở ra, bà quay lại mỉm cười và định nói, “Tôi chỉ ra ngoài xem thời tiết?” Nhưng khi thấy khuôn mặt ngược sáng của Ed Shore, trong khoảnh khắc trước lúc ông đóng cửa, bà nghĩ mình không cần nói nữa. Họ chào nhau bằng tiếng cười vắn tắt, thân mật, hơi có vẻ biết lỗi và từ bỏ, dường như có nhiều điều được truyền đạt và được hiểu qua tiếng cười ấy.
Họ đang bỏ mặc Kitty và Lewis. Chỉ một lúc thôi - Kitty và Lewis sẽ không đắc ý. Lewis sẽ không cạn nhiệt huyết còn Kitty sẽ tìm được cách nào đó - tỏ ra thương hại Lewis có thể là một cách - để thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan bị ăn tươi nuốt sống ấy. Kitty và Lewis sẽ không phát ngán với chính họ.
Phải chăng đó là cảm xúc của Ed và Nina? Phát ngán với những con người ấy, hay đúng hơn là phát ngán với những lập luận và sự tin chắc. Mệt mỏi vì những cá tính tranh đấu đó chẳng bao giờ dịu đi.
Họ sẽ không nói hẳn ra như thế. Họ sẽ chỉ nói là họ mệt. Ed Shore quàng tay ôm Nina. Ông hôn bà - không phải lên môi, không phải lên mặt, mà là lên cổ họng. Trên cổ họng, nơi một mạch máu bối rối đang đập.
Ông là người phải cúi xuống để làm việc này. Với nhiều người đàn ông, có thể đó là chỗ tự nhiên để hôn Nina, khi bà đứng dậy. Nhưng ông đủ cao để cúi xuống hôn bà đầy chủ tâm, ở cái chỗ phơi mở nhạy cảm đó.
“Ở ngoài này em sẽ bị lạnh đấy,” ông nói.
“Tôi biết. Tôi đi vào đây.”
Cho đến tận hôm nay Nina chưa bao giờ quan hệ tình dục với người đàn ông nào khác ngoài Lewis. Chưa bao giờ đến gần chuyện ấy.
Quan hệ tình dục. Quan hệ tình dục với. Trong một thời gian dài bà không thể nói được mấy từ đó. Bà nói làm tình. Lewis không nói gì. Ông là một bạn tình lực lưỡng và sáng tạo, và về mặt thể chất không phải là không để ý đến bà. Không thiếu ân cần. Nhưng ông cảnh giác đề phòng bất kỳ thứ gì nghiêng về tình cảm, và trong mắt ông, có rất nhiều thứ như thế. Bà trở nên rất nhạy cảm với sự không ưa này, gần như là chia sẻ nó.
Tuy thế ký ức của bà về nụ hôn của Ed Shore ngoài cửa bếp đã trở thành một báu vật. Lúc Ed hát sô lo giọng nam cao khi đội hợp xướng trình diễn bài Chúa cứu thế mỗi dịp Giáng sinh, khoảnh khắc đó lại trở về với bà. Câu hát “Hãy an ủi, hãy an ủi dân ta” xuyên thấu cổ họng bà những mũi kim hình sao. Như thể mọi điều về bản thân bà đã được nhìn nhận, được trân trọng và thắp sáng.
Paul Gibbings đã không tính đến rắc rối nào từ phía Nina. Ông vẫn luôn nghĩ bà là người nồng hậu, theo cách dè dặt của bà. Không châm biếm chua cay như Lewis. Mà khéo léo.
“Không,” bà nói. “Anh ấy sẽ không muốn chuyện này.”
“Nina à, dạy học là cuộc đời của ông ấy. Ông ấy đã cống hiến rất nhiều. Rất nhiều người, tôi không biết bà có hiểu là nhiều đến thế nào không, vẫn nhớ đã từng say mê ngồi trong lớp ông ấy dạy. Họ có lẽ không nhớ chuyện nào khác về thời cấp ba như nhớ về Lewis. Ông ấy đã hiện diện, Nina à. Người ta hoặc đã từng hiện diện, hoặc là không. Sự hiện diện của Lewis rất lớn lao.”
“Tôi không tranh cãi về điều đó.”
“Bà thấy là tất cả những người ấy muốn nói lời chia tay rồi đấy, theo cách nào đó. Tất cả chúng tôi đều cần nói lời chia tay. Và cũng để bày tỏ lòng kính trọng ông ấy. Bà biết tôi đang nói chuyện gì chứ? Sau toàn bộ những chuyện đã xảy ra. Kết thúc?”
“Vâng. Tôi nghe thấy rồi. Kết thúc.”
Một âm sắc cáu giận, ông nghĩ. Nhưng ông lờ đi. “Không cần có một chút hơi hướm tín ngưỡng nào ở đây. Không cầu kinh. Không tuyên dương. Tôi cũng như bà đều biết ông ấy sẽ ghét chuyện đó.”
“Anh ấy sẽ ghét chuyện đó.”
“Tôi biết. Tôi có thể làm người, kiểu như là, dẫn chương trình cho toàn bộ buổi lễ, nếu từ đó có vẻ không sai. Tôi biết khá rõ có thể yêu cầu ai nói đôi lời tri ân. Có lẽ là sáu hay bảy người, rồi tôi kết thúc bằng vài lời. ‘Lời ca tụng,’ tôi nghĩ từ này mới đúng, nhưng tôi thích từ ‘tri ân’ hơn…”
“Lewis không thích làm gì cả.”
“Và chúng tôi có thể để bà tham dự vào bất kỳ bước nào tùy bà chọn…”
“Paul. Hãy nghe tôi. Hãy nghe tôi nào.”
“Tất nhiên. Tôi đang nghe đây.”
“Nếu ông tiếp tục làm chuyện này, tôi sẽ tham gia?”
“Vâng. Thế thì tốt.”
“Khi Lewis chết, anh ấy để lại một… anh ấy để lại một bài thơ, đúng vậy. Nếu ông tiếp tục làm chuyện này, tôi sẽ đọc bài thơ đó.”
“Tức là thế nào?”
“Tôi muốn nói là tôi sẽ đọc ở đó, đọc to thành lời. Tôi sẽ đọc một đoạn cho ông nghe bây giờ.”
“Được thôi. Bà đọc đi.”
“Huron tọa Thụ giáo đền
Gà mờ Tối dạ thấy bèn vào nghe
Nghe quân Nhiễu sự o oe.”
“Nghe đúng giọng Lewis rồi.”
“Vua quân Nhiễu sự ai dè thanh tao,
Răng nhe cười rạng như sao…”
“Nina. Được rồi. Được rồi. Tôi hiểu ý bà rồi. Thế đây là điều bà muốn phải không? Hội phụ huynh và giáo viên trường Harper Valley[14] phải không?”
“Vẫn còn nữa.”
“Hẳn là còn nữa rồi. Tôi nghĩ bà đang rất bực mình, Nina ạ. Tôi không nghĩ bà sẽ cư xử như thế này, nếu bà không bực mình đến thế. Và khi nào bà cảm thấy dễ chịu hơn, bà sẽ hối tiếc chuyện này đấy.”
“Không.”
“Tôi nghĩ bà sẽ hối tiếc chuyện này. Tôi cúp máy đây. Tôi nhất định sẽ phải nói lời chia tay.”
“Chà,” Margaret hỏi. “Ông ấy phản ứng thế nào?”
“Ông ấy nói ông ấy sẽ phải nói lời chia tay.”
“Chị có muốn tôi ghé nhà không? Tôi sẽ chỉ ở cạnh cho có bầu bạn thôi.”
“Thôi. Cảm ơn chị.”
“Chị không cần có ai ở cạnh sao?”
“Tôi nghĩ là không. Không phải lúc này.”
“Chị có chắc không? Chị ổn chứ?”
“Tôi ổn.”
Bà thực sự không hài lòng về bản thân, về cách ứng xử trên điện thoại.
Lewis từng nói với bà, “Em phải đảm bảo dẹp ngay nếu họ muốn lằng nhằng về chuyện nghi lễ. Cái lão nhát gan đó có khả năng làm chuyện này đấy.” Vì thế nhất thiết phải ngăn cản Paul bằng cách nào đó, nhưng cách bà làm có vẻ cường điệu thô thiển. Xúc phạm vốn là phần của Lewis, trả miếng là chuyên môn của ông - tất cả những gì bà xoay xở làm được chỉ là trích lời ông.
Bà chịu không thể nghĩ ra mình sẽ sống sao với toàn những thói quen hiền hòa như vậy. Lạnh lẽo và nín lặng, bị tước mất ông.
Trời tối một lúc thì Ed Shore gõ cửa hậu nhà bà. Ông ôm một hộp tro cốt và một bó hoa hồng trắng.
Ông đưa hộp tro cốt cho bà trước.
“Ôi,” bà nói. “Xong rồi.”
Bà cảm thấy hơi ấm qua lớp các tông dày. Hơi ấm đó không đến ngay mà dần dần, như hơi ấm của dòng máu qua làn da.
Bà phải đặt nó đâu đây? Không thể để trên bàn ăn trong bếp, cạnh bữa tối muộn màng gần như chưa đụng đến. Trứng bác xốt salsa, một sự kết hợp bà vốn luôn mong chờ vào những tối Lewis về trễ vì một lý do nào đó rồi ăn với các giáo viên khác tại quán Tim Horton hay ở quán rượu. Tối nay món này tỏ ra là một lựa chọn dở.
Cũng không thể để trên kệ bếp. Trông sẽ như một món đồ thực phẩm kềnh càng. Và cũng không thể để trên sàn, ở đó có lẽ nó sẽ dễ dàng bị bỏ qua hơn, nhưng lại có vẻ bị hạ xuống một vị trí thấp kém - như thể nó đựng mấy thứ chẳng hạn như cát vệ sinh cho mèo hay phân bón vườn, những thứ không nên để gần bát đĩa và thức ăn vậy.
Bà thực lòng muốn mang nó để ở phòng khác, đặt nó đâu đó trong một căn phòng mặt tiền không thắp đèn. Mà hay hơn, ở trên giá trong phòng kho. Nhưng xua đuổi thế có lẽ là hơi quá sớm. Hơn nữa, nếu tính đến chuyện Ed Shore đang quan sát bà, việc đó có thể trông như một sự thu dọn chiến trường mau mắn cục súc cho trận chiến mới, một lời mời chào thô thiển.
Cuối cùng bà đặt hộp tro lên chiếc bàn điện thoại thấp.
“Tôi không có ý để ông phải đứng,” bà nói. “Ông ngồi đi. Mời ông ngồi.”
“Tôi làm gián đoạn bữa ăn của bà rồi.”
“Tôi không muốn ăn nốt nữa.”
Ông vẫn đang ôm bó hoa. Bà nói, “Hoa đó cho tôi à?” Hình ảnh ông ôm bó hoa, hình ảnh ông ôm hộp tro cốt và bó hoa, khi bà mở cửa - có vẻ kỳ cục, và giờ đây khi bà nghĩ về nó, buồn cười khủng khiếp. Đó là kiểu chuyện có thể làm bà cười như điên khi kể cho ai đó. Kể cho Margaret. Bà hy vọng bà sẽ không bao giờ kể.
Hoa đó là cho mình à?
Mà cũng dễ hiểu là cho người chết. Hoa cho nhà có người chết. Bà bắt đầu tìm một cái bình, rồi vừa đổ nước vào ấm vừa nói, “Tôi chỉ pha chút trà thôi,” rồi quay lại cuộc săn lùng bình hoa và tìm thấy nó, đổ nước vào bình tìm thấy chiếc kéo bà cần để xén cuống hoa, và cuối cùng thì đỡ bó hoa khỏi tay ông. Rồi bà để ý thấy mình chưa bật bếp đặt ấm nước. Bà gần như mất tự chủ. Bà cảm thấy như mình có thể dễ dàng ném bó hoa hồng xuống sàn, đập tan bình hoa, nghiến nát giữa ngón tay món hổ lốn của bữa tối đang đông lại trên đĩa. Nhưng tại sao lại thế? Bà không tức giận. Chỉ là một nỗ lực điên cuồng, để cứ làm hết thứ này rồi thứ khác. Bây giờ bà phải làm nóng bình trà, bà phải đong trà.
Bà nói, “Ông có đọc tờ giấy ông lấy ra từ túi áo Lewis không?”
Ông lắc đầu, không nhìn bà. Bà biết ông đang nói dối. Ông đang nói dối, người ông run rẩy, ông định tiến xa đến đâu vào đời bà? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà suy sụp rồi kể với ông về nỗi kinh ngạc bà đã cảm thấy - sao lại không nói ra, cơn ớn lạnh nơi trái tim bà - khi đọc được những gì Lewis viết? Khi bà nhận ra đó là toàn bộ những gì chồng bà đã viết.
“Đừng bận tâm,” bà nói. “Chỉ là vài câu thơ thôi.”
Họ là một cặp không có chỗ đứng lưng chừng, không có gì ở giữa những nghi thức lịch sự và tình thân ái ngập tràn. Chuyện giữa họ, suốt những năm qua, được giữ cân bằng bởi cuộc hôn nhân của mỗi người. Hôn nhân của họ là nội dung thực tồn của cuộc đời họ - cuộc hôn nhân của bà với Lewis, cái nội dung không thể thiếu được này của đời bà, đôi khi khắc nghiệt và gây hoang mang. Chuyện giữa họ phụ thuộc vào hai cuộc hôn nhân ấy, để có được vị ngọt ngào, để có được lời hứa hẹn khuây khỏa. Nó không phải mối quan hệ có thể tự đứng vững, kể cả nếu hai người có tự do. Thế nhưng cũng không phải là không có gì cả. Mối nguy hiểm nằm ở việc thử nó, nhìn nó tan vỡ và rồi nghĩ nó không là gì cả.
Bà bật bếp lên, bà đã có bình trà ở đó chỉ cần làm nóng. Bà nói, “Ông đã rất tốt bụng mà tôi thậm chí còn chưa cảm ơn. Ông phải uống chút trà.”
“Bà thật chu đáo,” ông đáp.
Và khi họ đã yên vị bàn, trà đã rót vào tách, sữa và đường được mang ra mời - đúng thời điểm khi cơn hoảng sợ có thể đến - bà chợt có một cảm hứng rất kỳ lạ.
Bà hỏi, “Thật ra thì ông làm cái gì?”
“Tôi làm gì ấy à?”
“Ý tôi là… ông làm gì với ông ấy, tối qua? Hay là ông không hay bị người ta hỏi câu đó?”
“Không hỏi thẳng thừng.”
“Ông có thấy phiền không? Ông đừng trả lời nếu thấy phiền.”
“Tôi chỉ ngạc nhiên thôi. Tôi không thấy phiền.”
“Tôi cũng ngạc nhiên là mình hỏi.”
“Ừm, không sao,” ông nói, đặt lại tách trà vào đĩa. “Căn bản là ta phải dẫn lưu các mạch máu và các khoang cơ thể, và khi làm thế ta có thể gặp khó khăn tùy thuộc vào các cục nghẽn vân vân, vì thế ta phải tránh chuyện đó. Trong đa số trường hợp ta có thể dùng tĩnh mạch cảnh, nhưng đôi khi phải chích tim. Và để dẫn lưu khoang cơ thể, ta có dùng một thứ gọi là dùi chọc, đại khái là một cây kim dài mảnh cắm vào một cái ống mềm dẻo. Nhưng tất nhiên việc này sẽ khác nếu phải mổ xác để khám nghiệm và lôi các cơ quan ra. Khi đó ta phải cho đệm lót vào, để khôi phục dáng vẻ bên ngoài tự nhiên…”
Trong suốt lúc nói ông không rời mắt khỏi bà và nói tiếp một cách cẩn trọng. Mọi thứ ổn cả - bà thấy cảm giác khơi dậy trong bà chỉ là một sự tò mò bình thản và mông lung.
“Đó có phải là điều bà muốn biết?”
“Vâng,” bà điềm tĩnh đáp.
Ông thấy mọi chuyện đều ổn. Ông cảm thấy nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm và có lẽ cảm động. Ông hẳn đã quen với việc người ta hoàn toàn né tránh việc ông làm, hay nếu không thì lại đùa cợt về việc đó.
“Và sau đó ta tiêm chất lỏng, tức là dung dịch formaldehyde và phenol cùng rượu cồn, chút thuốc nhuộm thường được thêm vào tay và khuôn mặt. Mọi người coi khuôn mặt bà quan trọng, có nhiều thao tác phải làm để đặt cái chụp mắt và chằng dây thép vào lợi. Cũng như xoa bóp, chỉnh đi chỉnh lại lông mi và hóa trang chuyên biệt. Nhưng người ta cũng hay quan tâm đến tay và muốn tay mềm mại tự nhiên, không nhăn nhúm ở đầu ngón tay…”
“Ông đã làm toàn bộ việc đó à.”
“Đúng vậy. Đó lại không phải là điều bà muốn. Chúng tôi chỉ làm mấy việc hóa trang, chủ yếu vậy thôi. Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc đó cho bây giờ thôi, chứ không lo bảo quản dài hạn. Kể cả cụ Lê nin, bà biết đấy, họ đã phải liên tục vào tiêm thuốc sao cho ông cụ không bị khô và phai màu - tôi không biết họ có còn làm thế nữa không.”
Giọng ông dường như dãn ra, thoải mái hơn, kết hợp với đôi chút nghiêm trang, khiến bà nghĩ đến Lewis. Bà nhớ đến Lewis vào cái đám trước đêm cuối, nói với bà bằng giọng yếu ớt nhưng thỏa mãn về các loài sinh vật đơn bào - không có nhân, không có nhiễm sắc thể ghép cặp, không gì nữa nhỉ - đó là hình thức sống duy nhất trên trái đất trong suốt gần hai phần ba lịch sử sự sống trên trái đất.
“Còn người Ai Cập cổ đại,” Ed nói, “họ có ý nghĩ là linh hồn đi du ngoạn một chuyến, mất khoảng ba nghìn năm mới xong, rồi linh hồn quay về với thân xác và lúc đó thân xác phải ở tình trạng tương đối tốt. Vì thế, nỗi lo lắng chính của họ là bảo quản, ngày nay chúng ta không có việc bảo quản nào đến mức như thế cả.”
Không lục lạp và không… ty thể.
“Ba nghìn năm,” bà nói. “Rồi nó quay lại.”
“Vâng, theo họ thì như thế,” ông đáp. Ông đặt tách trà đã uống cạn xuống và nói rằng có lẽ ông nên về nhà.
“Cảm ơn ông,” Nina nói. Rồi, bà vội hỏi, “Ông có tin vào mấy thứ như linh hồn không?”
Ông đứng chống hai tay lên bàn bếp nhà bà. Ông thở dài, lắc đầu và nói, “Vâng.”
Ngay khi ông vừa đi khỏi, bà lấy hộp tro cốt ra đặt lên ghế phụ xe hơi. Rồi bà quay vào nhà lấy chìa khóa và áo khoác. Bà lái xe xa khỏi thành phố khoảng một cây rưỡi, đến một ngã tư, đỗ xe và bước ra đi về phía con đường nhỏ rẽ ngang, mang theo chiếc hộp. Đêm khá lạnh và yên ắng, trăng đã lên cao trên trời.
Con đường này đoạn đầu đi qua một khoảng đất lầy lội có cỏ nến mọc - lúc này cỏ đã khô héo, cao và trông hiu hắt. Còn có cả cây bông tai, vỏ hạt đã trống trơn, lấp lánh như vỏ sò. Mọi thứ rõ nét dưới ánh trăng. Bà có thể ngửi thấy mùi ngựa. Đúng vậy… có hai con ngựa ngay gần đó, hai khối đen kịt phía sau đám cỏ nến và hàng rào trang trại. Chúng đứng cọ thân hình to tướng vào nhau, quan sát bà.
Bà mở hộp ra và ấn tay vào giữa lớp tro man mát, rồi tung, hay đúng hơn và thả tro - cùng những mẩu cơ thể li ti bướng bỉnh khác - xuống giữa đám cây cỏ bên lề đường. Làm việc này giống như lội đến, rồi lao xuống hồ và bơi lần đầu trong làn nước băng giá tháng Sáu. Thoạt tiên và cơn sốc ớn người, rồi sửng sốt thấy rằng ta vẫn đang cử động, đang được đẩy dâng lên cao bởi một luồng cảm xúc thành tâm sắt đá - tĩnh lặng phía trên bề mặt cuộc đời, vẫn đang sinh tồn, qua nỗi đau của cơn giá lạnh đang tiếp tục cuốn tràn vào thân thể.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới