Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 - Mưa Đá
ềnh! Kềnh! Kềnh!
Mười ngón chân bấm trên đất, hai chân như cái chạc cây choãng rộng tạo thế vững chãi, Thiêm vung tay khoan thai đánh hồi kẻng buổi bình minh. Đã trở nên thân thiết rồi khúc nhạc sớm mai trên làng Mèo La Pan Tẩn, khúc hoà âm điền dã, khúc hoà âm thôn bản, khúc hoà âm chốn sơn lâm.
Kềnh! Kềnh! Kềnh!
Làm ơn cho vật, vật trả ơn. Một lần nữa nguyên tắc trên lại được chiếc vành xe ô tô Ford vô tri thực hiện. Nó muốn đền đáp công ơn thầy giáo Thiêm, người khai sinh ra nó lần thứ hai. Chiếc vành xe rộn vang khúc nhạc tái sinh. Nó đã thoát khỏi số phận bị huỷ diệt. Nó sống lại trong một thân kiếp khác, với một công năng khác. Tuân theo ý tưởng: dẫu có là vật hèn cũng phải tận hiến, tận sinh, chiếc kẻng vang rền một mãnh lực truyền cảm thâm sâu, một sở kiến muốn nhắc gửi, tỏ bầy.
Kềnh! Kềnh! Kềnh!
Thiêm có cảm giác xẻ mình ra từng phần, gửi đi sau mỗi tiếng kẻng rung. Anh đang chia cảm xúc, chia nỗi vui, điều nghĩ ngợi, niềm hạnh phúc với mọi người. Hạnh phúc bắt nguồn từ sự chia sẻ. Người xưa nói: Của cải được bồi bổ, được nhân lên bằng phương pháp giản đơn khởi thuỷ là chia phần. Và như vậy Thiêm vừa san đi cho người khác và nhận lại từ người khác phần chia lại. Thiêm là một năng lực đánh thức người khác, nhờ Thiêm không bo bo tư lợi, và vì vậy Thiêm trở nên giầu có bội phần.
Kềnh! Kềnh! Kềnh!
Tiếng kẻng, một linh hồn đã thoát khỏi sự giam cầm của cái hình xác hạn hẹp, thô tháp, đang trở thành một sinh thể tự do, một năng lực thăng hoa.
Nắn nót từng tiếng kẻng, Thiêm như đại nhạc sĩ đang tạo lập chuỗi âm thanh nạm ngọc, lòng bồi hồi về những dự cảm lớn lao. Thiêm đang ngất ngây trước ngưỡng cửa của bao điều vĩ đại.
Tiếng kẻng vô hình chung đóng luôn vai trò tín hiệu báo giờ mở cửa của cơ quan hành chính cấp xã đứng đầu là ông Giàng Seo Lở chủ tịch. Bảy giờ sáng, học trò của Thiêm vào tiết học thứ nhất, ông Lở đã có mặt ở trụ sở Uỷ ban, một túp nhà lợp cỏ dầy, tường trình chắc chắn, mới dựng ở quả đồi đối diện với trường học.
Ông Lở sốt sắng với công việc, nhưng ông Quốc Thanh giao cho ông chức chủ tịch là đánh đố ông, là làm khổ ông. Ông được kết nạp đảng rồi được phong chức chủ tịch là hoàn toàn bất ngờ với chính ông. Ngoài ba mươi tuổi trước nay chỉ biết mỗi một nghề là đuổi ngựa thồ thuê thôi. Chứ ông đâu có biết ăn nói, họp hành, xử lý công việc. Đuổi ngựa thồ thuê, chân đi hài xảo, quần xắn tới gối, dẻo chân, chịu khó là được. Còn công việc chủ tịch thì ngay đến chữ ký ông cũng còn chưa biết nữa là! Thấy ông cứ lập cà lập cập, Quốc Thanh cáu lắm. Ông phái viên hét: “Thả hai ống quần xuống bố ơi. Bỏ đôi hài xảo rách đi! Mặt mũi chân tay cọ rửa cho sạch sẽ một tí cho con nhờ và ngồi vào bàn đàng hoàng đi! Vớ vẩn quá, việc gỉ việc gi cũng xin ý kiến tôi thì có gì mà lo nữa, hả ông lở ông ghẻ!” Ông Lở không biết từ lở, ghẻ, chỉ biết cười ngượng ngập. Cười ngượng ngập cả khi ông Quốc Thanh gọi Thiêm tới, tay đập bàn, miệng quát: “Anh giáo Thiêm. Tôi giao cho anh: một tháng, ông Lở phải đọc được công văn đánh máy và biết ký công văn giấy tờ. Giáo dục phục vụ chính trị là thế nào, anh biết rồi chứ!” Một tháng có ba mươi ngày chứ ba trăm ngày ông Lở cũng chẳng có thể đọc được công văn đánh máy chữ. Người đuổi ngựa thồ thuê thật thà vỗ đầu mình, nói: “Đầu tôi là cái quả bí ngô đặc u tối, không nhét được chữ vào nữa đâu!” Ông Lở đúng là thế thật. Tuy vậy, Thiêm vẫn không bị ông phái viên lên mặt khiển trách. Ông Lở sau ba chục ngày tập rượt đã ký được tên mình.
Bây giờ đây, ông đang sửa soạn để ký tên mình vào tờ công văn Thiêm viết giới thiệu ba em Pùa, Tú, Xay, đến nhập trường thiếu nhi dân tộc của tỉnh. Cái ngòi bút Trường sơn chấm mực tím chết tiệt bị két mực thường xuyên trong tay ông vẩy một thôi một hồi mới lại thông thoát và được đặt vào đuôi tờ công văn. Nét hất lên của chữ elờ thường khiến đôi môi ông uốn vẹo sang trái. Khó nhọc lắm, thậm chí nhìn thấy cả cơ mặt ông chuyển động, khi ông kéo dài nét xuống của phụ âm này rồi ngược lên bắt vào chữ O hình tròn. Thở phào một hơi dài sau khi đã vẽ xong chữ ký tên mình, ông đặt hai tay xuống chẹn lên tờ giấy, nhìn Thiêm, cười. Nhưng cái cười nửa e thẹn nửa muốn khoe thầy của ông chưa dứt ông đã sững người, khe khẽ kêu: “Thôi chết, quên mẹ nó cái râu ở chữ o rồi.” Tội nghiệp! Nghe Thiêm nhắc, ông mới vội mở ngăn kéo, lôi con dấu đồng ra. Đập bình bịch con dấu vào hộp dấu, nhấc lên vẫn thấy mặt con dấu khô khốc, ông liền há tròn miệng, hà một luồng hơi vào nó. Chính Thiêm cũng phải bật cười, nhưng không ngờ, cái hà hơi có tác dụng thật. Đè lên chữ ký của ông chủ tịch rõ rành là những đường nét nhờ nhờ đỏ của con dấu cấp xã có khuôn hình chữ nhật thật.
- Thông cảm nhé, thầy giáo Thiêm à. Dà, đi theo ngựa thồ còn đỡ vất vả hơn đấy.
- Không có gì đâu, bác chủ tịch ạ.
- Ừ, thế thì bốn thầy trò đi ngay bây giờ à?
Nghe tiếng hỏi, Pùa, Xay, Tú ngồi ở cái ghế băng sát vách, đứng cả dậy chắp tay đồng thanh lễ phép:
- Dạ, thưa vâng ạ.
Ngường ngượng trước sự cung kính của các em, ông Lở gãi gãi gò má, nhìn Thiêm:
- Thế thầy định đi đường nào? Đường tắt qua thượng nguồn sông Chẩy, tôi vẫn thường dẫn ngựa thồ đi dôi được một ngày, nhưng cheo leo khó đi.
- Hố pẩu dặn cứ đi như đường hố pẩu dẫn tôi về đây hồi nào. Đến thôn nào vào nhà họ Giàng nào, hố pẩu đã trù liệu, bảo tôi cả rồi, chủ tịch đừng lo.
Bước lại cạnh ba em học sinh, ông Lở đưa tay lên miệng ho khậm khoặc. Ba em học sinh hôm nay mặc như đi hội. Xay đội khăn vành to. Cổ em đeo ba cái vòng bạc lớn và một cái khoá bảo mệnh. Váy em mặc sặc sỡ hoa văn thêu hình ngôi sao tám cánh, nét núi non gấp khúc, hạt bí hình bầu dục, ngọn rau dớn uốn cong dấu hỏi, công trình lao động thẩm mỹ của chị Seo Mùa suốt mấy năm qua. Tú, tóc bò liếm, nhỏ nhắn cạnh Pùa phục phịch, mắt sáng, môi xinh trong trang phục áo quần xanh chàm, mũ lưỡi trai, cổ vòng một nét tròn ánh bạc và bộ xích mắc chiếc khoá giữ hồn nơi ngực. Bỗng như nhận ra sự tương phản giữa các em và mình, ông Lở liền hơi cúi xuống, tay đặt lên vai Tú:
- Các cháu đi nhé! Cố học các cháu nhé! Không có chữ như chú đây thì chỉ biết theo sau con ngựa thồ thôi.
Dừng lại một chút, như chống trả lại nỗi bi lụy xa lạ, ông nhìn Thiêm, như bâng quơ:
- Thầy Thiêm nhỉ, ngày xưa vốn người Mèo ta có chữ đấy chứ! Ờ, ngày xưa người Mèo ta đã có chữ viết rồi đấy nhỉ!
Dừng lại, ông nhìn Tú, Xay và Pùa, nghèn nghẹn rồi lật bật.
- Ngày xưa vốn người Mèo ta có chữ đấy chứ, các cháu à. Chính là Thần nông dạy chữ cho người Mèo ta. Thần nông cũng là người cho người Mèo ta hạt lúa, hạt ngô, hạt sèo giống. Lại dạy ta trồng lanh, dệt vải, làm nhà, nuôi gia súc. Có chữ người Mèo ta làm mùa nào bội thu mùa ấy, ngày nào của người Mèo cũng là ngày hội hè vui vẻ. Thấy vậy, Quỷ tức giận liền mò đến. Lừa lúc vua Mèo ngủ, Quỷ liền liếm hết chữ ở bàn tay Người, nuốt vào bụng. Mất chữ người Mèo sống khổ cực lắm. Vua Mèo tức giận sai các chàng trai tài giỏi đi đòi chữ, cuối cùng chính vua cũng đích thân ra đi, nhưng cả Vua cũng không thấy về. Chuyện là thế có phải không, thầy Thiêm? Thôi, thầy và các em đi nhé!
Trời sáng bửng. Mặt trời vượt lên đỉnh núi, tỏe tia vàng. Mặt đất trống toang. Hớn hở, bốn thầy trò bước nhún nhẩy như trong một điệu vũ dân gian trên lối mòn xanh rì cây cỏ ngải. Cỏ ngải mặt dưới lá ngầu phấn trắng, khe khẽ quay đảo trong gió sớm, bốc mùi thơm hắc. Bên sườn đồi, cây sa mu trẽ cành, chùm lá như bụm khói nhẹ tênh, toả mùi thơm tinh khiết từ những kẽ nứt óng ánh hạt nhựa trong suốt sắc nắng vàng.
Thốt nhiên như nghe thấy một tiếng gọi mơ hồ trên trời cao, cả bốn thầy trò cùng dừng chân quay lại. Sau lưng họ, trên cái dông đá cao lưng chừng trời, lố nhố bóng người và những cánh tay vẫy vẫy tiễn đưa. “Thầy có nhìn thấy chị Seo Mùa em không, thầy Thiêm?” Nghe tiếng Seo Xay, chưa kịp ngước lên, Thiêm đã thấy Seo Xay ôm chầm mình, thổn thức ngạt ngào.
- Thầy ơi, em không đi học đâu?
- Thầy Thiêm ơi, chúng em chẳng ra tỉnh học đâu.
- Chúng em không muốn xa thầy đâu, thầy Thiêm!
Thoáng cái, ôm choàng lấy Thiêm đã là cả Pùa và Tú. Chính Thiêm cũng vòng tay qua cả ba em. Anh nhận ra Seo Xay nước mắt đã lưng tròng. Và chính anh cũng như các em, bỗng như từ đâu đó truyền tới và lập tức tràn ngập trong anh và các em, cơn run rẩy nhuốm nỗi sợ hãi thật đột ngột và lạ lùng. Họ bỗng thấy xa lạ giữa cảnh quan. Họ bỗng thấy mình lẻ loi, yếu đuối giữa muôn vật. Càng lúc càng níu chặt lấy anh, Thiêm còn nhận ra, bọn trẻ đang bắt đầu rên rỉ vì nỗi sợ cách chia. Những bản năng trẻ trung nhạy cảm đã sợ hãi vì cuộc chia tay mang sắc vẻ một cuộc biệt ly đau đớn? Hay vì chính anh cũng nhận ra thế đứng chênh vênh của anh lúc này, vì điều hung hiểm luôn chờ đợi con người sau những bước tiến tới của họ?
- Tú, Xay, Pùa, các em đi học, nghỉ hè, ngày tết lại về với cha mẹ, bạn bè và bản làng cơ mà.
Thiêm nói, mắt ứa lệ mà tiếng vang động giữa mênh mang. Không! Phải bỏ qua nỗi bi lụy thường tình. Ngày hôm nay là một ngày hạnh phúc. Xung quanh họ núi non như thời gian hoá đá đang mơ màng trong giấc mộng một ngày thu. Quang cảnh tổng hoà từ con suối tới hàng cây xanh quanh họ đều cổ kính, không in dấu tháng ngày. Ngày hôm nay, một ngày đáng ghi vào lịch sử biên niên của làng La Pan Tẩn, một ngày tráng lệ đầy xúc động, mãi mãi in bóng hình trong tâm khảm Thiêm và các em.
Vẫn là những ngày trời đẹp. Thiên nhân tương đồng là thế. Trần mây bị đẩy lên cao vút, phơ phất mấy vệt mây tơ hình đuôi ngựa vẫy. Mặt trời nấn ná không muốn rời bầu trời. Hội ăn ước, hội ăn thề của bản, của xã họp dưới ánh trăng khuya, người cùng người như nhấp chén rượu đầu mải mê vào cuộc phiêu du bất tận. Đàn chim trời trên đường đi tránh rét, nghé xuống đỉnh núi cao nhất cất tiếng lanh lảnh. Câu hát hết câu hát lại bắt đầu.
Chập tối, trăng vừa ló, Seo Mùa đã xách cây đèn bão lên bãi đá. Thiêm bàn với hố pẩu, Seo Mùa sáng dạ, học rất tiến bộ, nên cử đi học tập trung ở trường văn hoá của phụ nữ tỉnh. Đứng ở ngoài trời, mắt biêng biếc in bóng hình Thiêm đang vung dùi, cùng chiếc kẻng phát đi một nguồn thần lực mênh mang, Seo Mùa đã có lúc nghẹn một tiếng gọi thiết tha: “Anh yêu!” Tuần lễ Thiêm đưa Xay, Pùa, Tú ra tỉnh nhập trường thiếu nhi dân tộc hoá thành lần xa cách thứ nhất và khiến họ nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của mối tình thầm kín giữa hai người.
Khắp nơi là các đại tự viết bằng vôi trắng xoá. Ấy là một đêm gần sáng, người trong thôn trung tâm bỗng rùng rùng thức dậy, đổ hết ra bãi đá ngác ngơ tưởng như có một phúc thần vừa đi qua, để lại chữ ký trên mỗi phiến đá? Cũng có thể là trời vừa gieo chữ xuống cho người La Pan Tẩn, như ngày xưa Trời đã gieo hạt thóc cho loài người, gieo hạt cỏ cho trâu bò. Trên các mặt đá phiến, to, nhỏ, bằng phẳng, ngả nghiêng là những chữ cái, các vần ghép, những con số, mỗi nét lớn bằng một đường chổi.
Thiêm dính vôi lốm đốm như con hươu sao đang vung bút thần dưới cái vỏ đơn sơ là chiếc chổi đót quét vôi. Chữ, số, tri thức ở khắp nơi. Trên mặt đá. Dưới gốc cây. Ở lưng trâu. Nơi cánh cửa. Giữa bắp cày. Biết cách học thì sơn thuỷ cũng sẽ là sách. Ông nội đã từng dạy. Đâu cũng sách đèn. Một người cũng học. Già lão cùng học với con trẻ. Đêm đêm đuốc pơ mu vàng hoe cạnh cây đèn dầu soi tỏ mỗi nét bút khi êm mướt, lúc gập ghềnh như giai điệu dân ca Mèo non nỉ:
Đêm xuống rồi
Bản Mèo vui tiếng khèn
Bên ánh đèn
Em học anh học
Chúng ta cùng học chữ Mèo.
Mắt Seo Mùa xanh lơ ngần ngật hai chấm lửa. “Viết đi em, đừng sợ!” - “Chữ em xấu lắm vì tay em còn tê, anh ơi.” Thiêm nặng trĩu một bên ngực. Thằng Tếnh chồng em là đứa vũ phu, hung hãn. Nó rủa mắng em. Nó đánh đập em. Vì em xinh, em đẹp, em chăm chỉ, em tốt lành. Để anh nói với hố pẩu. Có cách nào ngăn để ông Quốc Thanh không được giở thói sàm sỡ với em?
Thiêm mê man, rộn rực. Đêm ngủ không đẫy giấc. Ngày quên cả bữa ăn.
Xưa, thời thịnh đạt nhất, cả tỉnh Lào Cai chỉ có một trường tiểu học hoàn chỉnh. Nay, riêng một góc trời hẹp, một ngõ hẻm vũ trụ La Pan Tẩn đã có được cái hình tượng tương tự: một trường cấp một bốn lớp. Và một lớp năm như cái chồi non do tay Thiêm vun xới mới nhú lên.
Một mình Thiêm bao sân, dạy tất cả các lớp, dạy tất cả các môn. Ngày, trẻ con học. Đêm đến phiên người lớn. Ký túc xá phình to có sức chứa hơn trăm em. Gạo các em góp. Chi phí thức ăn nhà trường lo. Hãy nghe tiếng gà lục cục đầy sân. Hãy nhìn hoa cải trổ vàng rào mắt cáo. Ngọn bí xanh ngóc cổ rung râu tua. Quả bí tròn như cái nồi đồng nằm lẩn dưới phiến lá mở. Nhìn thấy rồi một phong trào học tập có chân đế vững chắc đang dựng tầng cao. Nhìn thấy rồi một lớp người mới có văn hóa đang sinh thành, bước lên vị trí người chủ thôn bản.
Tất cả những chuyện ấy được bất ngờ in trên mặt báo tỉnh do một anh nhà báo trung ương đi họp lạc đường vào La Pan Tẩn, tình cờ quan sát thấy tìm biết được. Giữa cái biển xám nhờ buồn tẻ bỗng xuất hiện một ngọn đèn sáng. Huyện đang thiếu điển hình để biểu dương, nhân rộng. Nhao lên như bắt được vàng, ông Trần Đổng chớp lấy thời cơ, lại phong phanh nghe tin đại hội tới có khả năng bổ sung uỷ viên uỷ ban nhân dân huyện, lập tức nén lòng, xa cô nhân ngãi vụng ít ngày, dông lên La Pan Tẩn.
“Ha! Thằng cha này hoá ra tẩm ngẩm tầm ngầm đấm chết voi. Có được ba học sinh lớp bốn, ba cái hạt giống đỏ gửi đi đào tạo! Tại sao không báo cáo tao tất cả những gì đã làm được, hả! Lại dám mở chui cả một lớp năm? Toà lâu đài Văn hoá La Pan Tẩn! Kế hoạch mười năm! Nghe hay đấy! Được rồi, tao sẽ bồi dưỡng chú mày thành chiến sĩ thi đua. Có khi anh hùng cũng nên đấy. Thôi, viết báo cáo đi. Nói rõ thành tích này là do có sự chỉ đạo của phòng, của đích thân đồng chí trưởng phòng nhé!” Nói một thôi rồi gãi mũi. “Thế nào, thằng Quốc Thanh ở đây chíp mấy con rồi. Đ. Mẹ! Cư ngô ti ti. Cho anh một tí. Hoá ra nó học tao. Ha! Nó chơi con Thúy rồi đấy, mày biết chưa! Con Thúy viết thư cho tao kể chuyện thế mà!”
Như cờ gặp gió, các phong trào khác ăn theo, cộng hưởng cùng phơi phới lên màu. Trong có một ngày, Bản Ngò và Bãi Đá đã hợp nhất thành một hợp tác xã liên thôn. Lại thêm một hợp tác xã mua bán tuần hai lần đưa ngựa ra Xin Ma Chải thồ cá khô, dầu, muối về bán cho dân. Trâu từng hộ tập trung lại thành đàn, nhiều con đực ngỗ ngược gặp nhau là choang nhau đến gẫy sừng; gẫy sừng cũng mặc, cứ vẫn dồn vào một trại chung, con số sắt nung đỏ dí vào mông đánh dấu, nào xem mày có hãi quá tế biến vào rừng? Lại đang có kế hoạch mở trại dê tập thể ở Bản Ngò, Ngài Chồ. Thật là chuyện xưa nay chưa từng có!
Ông Quốc Thanh thủ lĩnh, nhìn sự kiện nẩy nở dưới tay mình, ngạo nghễ nói: “Vấn đề là nắm vững quyền lực, nắm chắc chuyên chính.”
Một nền văn minh mới đang được ông Quốc Thanh và những nông dân Mèo nghèo khổ thiết kế, thi công. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra một vùng trồng ruộng lúa nước. Họ quyết định tự đào lấy một con mương lớn dẫn nước từ đỉnh núi cao nhất La Pan Tẩn, chạy qua hai triền núi, dài bốn cây số, để tưới mười sáu héc ta ruộng khai hoang ở thôn Bãi Đá. Công trình lớn thu hút sức lực. Mọi việc khác, kể cả việc học hành đều dẹp lại đã. Thà chịu khổ một vài năm để sung sướng mãn đời. Công trường thành lập với công cụ quen thuộc là cuốc xẻng, xảo, sọt, đòn gánh và nhiệt tình hừng hực của người chủ soái.
Ông Quốc Thanh tuyên bố: “Khoa học kỹ thuật chẳng qua cũng từ thực tế mà ra, máy móc thì cũng phải nhờ con người mới phát huy tác dụng, bàn tay ta làm nên tất cả.” Ông cùng hai thanh niên Mèo, chui rúc bờ bụi suốt hai ngày liền, tới đâu dùng mắt ước lượng đó, rồi đóng cọc, chăng dây rừng làm cữ cho lộ trình con mương. Rồi tiếp đó, hàng trăm người đứng dàn hàng ngang, cứ theo đường dây rừng chăng làm cữ bổ cuốc. Gặp đá thì đào, bẩy. Đá to quá hai người không vần nổi thì ba bốn năm người. Hợp quần là sức mạnh thắng trời thấy chưa? Ông Quốc Thanh cười hể hả. Gặp phải đá nền cản lối, không có mìn phá thì phát động quần chúng phát huy sáng kiến chất củi khô lên trên, đốt thật lực; đốt mãi thì đá rắn mấy cũng phải bở như vôi.
Con mương mới hiện hình mờ mờ non nửa đường đất, ông Quốc Thanh đã hất hàm hỏi: “Bà con có muốn thấy nước lã thay dầu thắp đèn không?” Mấy trăm dân công trên công trường chưa hiểu mô tê, đã thấy chủ tịch Lở ký giấy điều mười trai tráng đi theo Quốc Thanh ra tỉnh. Tuần lễ sau, những người này trở về, chân sưng u, mặt vêu vao, hổn hển không ra hơi: “Gẫy cả vai, mòn cả chân mới khiêng nổi cái máy về tới làng Tày chân núi được đấy. To lắm, nặng lắm! Chỉ có trời mới khuân được lên La Pan Tẩn thôi.” Rồi ghé tai người thân: “Quốc Thanh nó có mất tí sức nào đâu. Nó cưỡi ngựa đi theo. Thỉnh thoảng nó lại giục: Cố lên nào! Ghét quá, tôi chỉ muốn cho nó ăn cồ đá!”
Ông Quốc Thanh đi thăm tuyến mương, trái lại, nói cười rổn rảng: “Trời tôi cũng coi bằng cái vung nồi rồi, tôi lấy cái máy bay trực thăng cẩu cái máy thuỷ luân ba kết hợp ấy về cho, máy này nó tài lắm nó vừa bơm nước vừa xay xát vừa phát điện từ nay đàn bà con gái Mèo cái tay đã xinh lại càng xinh vì không phải đẩy cái cối xay ngô, cái mắt con gái Mèo đã sáng càng thêm sáng vì có cái điện soi sáng cái lỗ trôn kim lớ!”
Ngừng một lát, ông trợn mắt quát: “Đừng có nghe kẻ xấu nó phản tuyên truyền, nước không chẩy theo mương thì chẩy lên trời à, nào ai có dám thách một ăn mười không, ngày mở cửa mương tôi thả cái mẹt cái mẹt sẽ trôi ra tận cửa sông Chẩy dưới kia đấy!
Bốn tháng trời bỏ hết việc ruộng nương, nhà cửa, mấy trăm con người hì hục đánh vật với đất, cuối cùng con mương cũng vạch một nét ngang qua hai triền núi. Ông Quốc Thanh hào hứng lắm. Đi thăm bà con đang hầm hụi với công việc, mỗi chỗ dừng lại ông lại vừa vỗ tay vừa ô ê hát bài Nông dân là quân chủ lực, giọng cứ chênh vênh như sắp ngã:
Đồng chí ta ơi
Lê mài đã sắc
Chắc tay súng
Đạn lên nòng
Hai nhiệm vụ phản đế phản phong
Ra tiền tuyến thi đua giết giặc
Về hậu phương tham gia phát động
Chúng ta là bức trường thành.
Ngày làm, đêm ngồi quanh lửa, học chính trị. Nếp sống ấy đã trở thành quen thân của đàn ông đàn bà trong bản và ông Quốc Thanh. Ông phái viên nổi cơn hứng bất tận, nhất là những đêm bà con học tập quanh bếp lửa.
- Thật là một ngày bằng hai mươi năm chẵn chưa. Ông nói. Thật là đại nhẩy vọt chưa, thật là trên mình thiên lý mã chưa, rồi đây lúa sẽ còn đứng lên không đổ nữa kia, thóc sẽ đầy bịch đầy bồ, rồi trâu cũng đuổi hết đi cho nó thành trâu rừng, tôi sẽ đem những con trâu sắt về cày ruộng cày nương, kể cả nương cao ruộng dốc, trâu này nó không ăn cỏ, nó ăn dầu nó ị ra khói ha ha…
Hạ giọng, ông dốc bầu tâm sự:
- Đời tôi theo cách mạng mấy chục năm giờ mới thấy hạnh phúc như thế này, xưa kia tôi khổ lắm, tôi đói triền miên, tôi phải đi ăn cắp ăn trộm, bây giờ trong giấc mê tôi vẫn còn thấy đói, đói cả lúc tôi bưng bát cơm lên và vào miệng.
Ông nuốt nước bọt tiếp:
- Cũng may là nhờ thằng hiến binh Nhật nó bắt lúc đang là cu ly kéo xe tay, vào tù mới gặp đồng chí cách mạng khí tiết cao cường.
Lửa hắt bóng ông lên vách núi. Bóng ông thành ông khổng lồ. Ông mê mê trong hư ảnh:
- Thế là nhờ cách mạng mà trở thành vị chỉ huy quân đội, người cán bộ, đồng chí phái viên, được đứng đây ngắm nhìn non sông cẩm tú của chúng ta.
Thấy mình độc thoại mãi, ông liền ngừng, đưa mắt nhìn đám dân công đang ngồi bó gối quanh đống lửa, giật giọng hỏi trống không:
- Có đúng là giang sơn cẩm tú của chúng ta không?
Câu hỏi của ông lọt thỏm vào im lặng. Ông giật mình, gặng:
- Nào nói đi chứ, có đúng là giang sơn cẩm tú của chúng ta không, hay là ăn phải giọng điệu phản tuyên truyền chỉ thấy toàn là cỏ gianh!
- Đúng đấy!
Thình lình có tiếng đáp phía trái, ông phái viên quay ngoắt về phía đó thì sau ông có người thét to.
- Có cả nhiều con chó để làm thịt, nướng chả, nấu thắng cố ăn nữa!
- Ai nói thế?
Ông phắt lại. Xung quanh ông ồn ồn tiếng nói tiếng cười.
Ông Quốc Thanh nói dài, nói dai, nói dại. Tự ông tết dây thòng lọng rồi chui vào. Về căn bản, ông không phải là kẻ có bản lĩnh. Yểu nhược nên luôn phải tỏ ra dũng mãnh, kém cỏi nên phải lên mặt độc quyền. Ông luôn phải dùng trạng thái bốc đồng để khuất che sự thật. Bây giờ ông nổi khùng để xoá nhoà nỗi lo sợ.
- Hừ tôi vẫn bình tĩnh đây, nhưng tôi nói trước là tôi sẵn sàng lì lợm đấy, đạo đức là cái dùng để phá huỷ xã hội cũ, có nghĩa là ai không đi với tôi, không đoàn kết với tôi thì kẻ đó là vô đạo là bị tội, nên nhớ rằng tôi không tha thứ một kẻ nào, tôi đã từng bóp cổ một thằng cha cố, xọc lưỡi lê vào ngực cả chục thằng Tây, tra khảo hàng chục tên địa chủ cũng như bóp chết hàng chục con rắn gặp trong mà cua.
Ngừng một lát để lấy hơi, ông nghiến răng:
- Tôi có nhà tù, tôi có chuyên chính, đã đánh là tôi đánh liên tục, đánh tung vó ngựa, đánh bửa trăm thành, đánh phanh giáp trận, đánh không cho ngáp, đánh áp mặt tiền, đánh liền trăm trận.
Kéo rền một hơi dài những câu nói có tiết tấu và vần điệu, không ngắt đoạn, nếu không có một cơn ho khan ngăn lại chưa chắc ông đã ngừng. Ngừng lại, ông thở hồng hộc. Mặt ông rúm lại, mắt bên khíp bên mở, bọt hai bên mép nhễu ra dính nhằng, trắng như mủ cao su. Thực tình, trông ông trong cảnh ấy Thiêm lại thấy mủi lòng thương.
Tựu trung Thiêm vẫn là một tâm hồn trong trẻo, một kẻ biết gạn lọc và trân trọng những tình cảm chân thực. Thiêm về căn bản, vẫn là một kẻ lãng mạn, dễ xúc động, ưa thích những hình tượng mới mẻ có kích cỡ khác thường. Kinh nghiệm sống chưa đủ để anh có thể hiểu biết cặn kẽ con người. Dẫu thế nào, anh vẫn nhận ra ở ông Quốc Thanh cái tư thế hào hùng của một chiến sĩ xuất thân nghèo khổ, quăng mình vào cuộc phiêu tán của thời đại, dám dấn thân, đương đầu tạo nghiệp lớn. Thói quen kính trọng lớp người lớn tuổi có cương vị lãnh đạo, những người này được bao bọc bằng một lớp hào quang của lịch sử, đã khiến Thiêm cởi bỏ dần những bực dọc riêng tư, tuy không còn thân mật gần gụi, nhưng cũng không hẳn là lạnh nhạt, xa cách ông. Mặc dù trong sâu xa, Thiêm vẫn là kẻ biết thu chí vào khuôn phép, biết nén khí vào tâm thần, một kẻ có bản ngã khác hẳn ông.
Tuy vậy, trong những ngày tràn đầy hào hứng này, nhiều lúc Thiêm vẫn không khỏi e ngại, băn khoăn. Thủ lĩnh của công cuộc xây dựng lớn lao này, kẻ thiết kế và chỉ huy cuộc thi công hình mẫu xã hội lý tưởng cao đẹp này, đứng ở thế chông chênh lắm! Điểm xuất phát của ông quá thấp. Tiến trình của ông quá tạp nhạp. Cá tính của ông dựa trên hệ thống ký ức để hình thành quá lộn xộn. Ông thiếu hẳn một nền tảng hiểu biết sâu rộng đầy đủ. Đã thế lại luôn được hưởng cái thuận lợi của hoàn cảnh tất yếu là không cần một nỗ lực nào cũng được xếp ngay vào bộ phận chóp bu của cộng đồng, ở vào cái địa vị của kẻ cầm quyền, cái mảnh đất mầu mỡ để ươm trồng những ảo giác, những huyền thoại sai lệch về năng lực, tư cách mình. Có cái gì đó rất mong manh ở trong cả những việc đã làm được. Áp đặt, gò gưỡng, doạ dẫm, vẫn là tinh thần chủ yếu khi điều hành, mặc dầu có lúc nó được che đậy khéo léo. Và chân lý cùng sức mạnh vẫn cứ được quan niệm là thuộc về số đông, của số đông.
Trực giác mách bảo Thiêm khiến nhiều lúc Thiêm cứ ngẩn ra tự hỏi: Lập được hợp tác xã, xác định quyền sở hữu công cộng về ruộng đất, rừng núi, đào được con mương, đem được máy thuỷ luân ba kết hợp về, những việc ấy so với việc anh phải giành giật từng trẻ nhỏ, đưa nó ra khỏi bóng tối của dốt nát, sao có vẻ dễ dãi thế? Sao cuộc đời lại có thể tiến bước một cách đơn giản thế? Nếu vậy sao lại có sự trì trệ, luẩn quẩn khiến con người mãi mãi cứ cách xa với hạnh phúc toại nguyện. Chính là ở cái đêm gặp mười người trai Mèo đi khiêng máy thuỷ luân ba kết hợp về, Thiêm càng khắc khoải không yên. Linh cảm của Thiêm đã bắt gặp trực cảm sâu sắc của hố pẩu. Hố pẩu im lìm. Gặng mãi, ông già mới thoát một hơi thở dài: “Cán bộ Quốc Thanh nó muốn tất cả là con ngựa cho nó cưỡi để đi nhanh tới đích. Xưa nay, ngồi trên mình ngựa để lấy thiên hạ thì được. Chứ không thể ngồi trên mình ngựa để trị thiên hạ được đâu.”
Rùng mình vì ý nghĩ của ông già đầu tộc, Thiêm bắt đầu bồn chồn về những điều bất trắc.
Một đêm, trời đột ngột đổ lạnh, quãng tám giờ, Thiêm gõ kẻng báo giờ học bổ túc văn hoá bắt đầu. Tiếng kẻng vang trầm từ lâu đã trở thành khúc hoà âm, làn điệu quen thân của thôn bản, phản ánh cái nhu cầu mơ màng tự do, cái nguyện vọng thoát ra khỏi cái giới hạn eo hẹp của vật chất ở anh, lúc này bỗng như mở thêm một cánh cửa thần giao nữa để tâm thức anh thông hội với một cơ cấu thần bí nữa ở bên ngoài.
Kẻng đã thôi gõ, nhưng những âm thanh như từ nội lực Thiêm phát ra vẫn để lại dư ba có hình là những vòng sóng loang rộng từ một trung tâm là óc Thiêm. Lúc đó, chính lúc đó Thiêm bỗng thấy mắt hoa hoa những vòng tròn xanh đỏ. Nghiêng ngả chực ngã, vội vịn tay vào chiếc giá gỗ đỡ cái vành xe nọ, anh nhìn ra, bỗng thấy những vật thể từ trên trời phóng xuống tạo nên những đường kẻ trắng loá và trên bãi đá, một làn hơi bốc dậy cùng với tiếng nổ vỡ ran ran. Mưa đá! Thiêm giật mình, loạng choạng khi nghĩ rằng tháng này chưa phải là mùa có mưa đá, nhưng lại nhận ra đích thị là một trận mưa đá đang hiển hiện trước mặt mình. Mưa đá! Cái hiện tượng ở buổi gặp gỡ đầu tiên hố pẩu họ Giàng đã nói tới trong câu chuyện thoáng qua giờ bỗng trở lại trong óc Thiêm, giống như một tiên báo. Mưa đá! Đá, hàng ngàn vạn viên, to nhỏ không đều, từ trên trời đêm đen thẳm đang tới tấp ném xuống, đập chan chát, nổ ran trên mặt bãi đá. Phát hoảng, Thiêm vội giật lui vào hiên. Một tiên cảm kỳ quái lập tức chế ngự anh, vừa lúc anh nhìn thấy cách cái kẻng khoảng ba bước chân, đã lù lù dựng lên từ đất bóng một người đàn ông trắng phơ như phủ tuyết.
- Ai đấy?
Thót người lại, Thiêm kêu thất thanh. Tưởng mê, anh dụi mắt, hỏi tiếp:
- Ai đứng ở ngoài ấy đấy?
Cái bóng trắng vẫn không nhúc nhích. Thiêm vịn cột hiên, vẫn chưa định thần, quát lớn một tiếng nữa và nhận ra tiếng mình là lạ như của ai đó, âm âm trong căn nhà rộng. Đêm nay, đêm thứ bảy, học trò về với gia đình, ký túc xá trống không.
Cái bóng trắng hơi cúi xuống. Mưa vẫn vun vút quật roi xuống đất nhưng chừa nó ra. Nó đưa tay lên che miệng, khậm khoặc ho vài tiếng, rồi ngẩng dậy, khàn khàn:
- Chào thầy Thiêm! Tôi… tôi đây.
- Ông là ai? Là ai mà lại biết tên tôi?
- Tôi đây. Thầy đừng sợ. Tôi chính là linh hồn người lái chiếc xe Ford mà nay nó chỉ còn lại duy nhất là chiếc vành bánh. Chà, chiếc vành bánh xe đã được hoá kiếp nhờ chí lớn và công lênh chẳng quản khó nhọc của thầy. Nó đã lên tiếng và nhờ nó mà linh hồn khốn khó của tôi đang vơ vẩn đã tìm được nơi trở về.
“Chà!” Thiêm thốt một tiếng kêu nhỏ, buột rơi chiếc dùi kẻng từ nẫy vẫn cầm để thủ thân, người bồng bềnh, nhẹ tênh như một bụm khí, y như cái lúc địu được cái vành xe về tới bãi đá, rụi xuống, hồn mê mẩn rồi thoắt bay đi. Anh nhớ lại cái cảm ứng kỳ lạ chiều ấy khi lội qua con suối chân núi La Pan Tẩn, phát hiện ra chiếc vành xe bị vùi dưới lòng suối, người gây gấy về một ám ảnh thiêng liêng, như thông liên với một năng lượng vô hình chưa được biết tới.
Cái bóng trắng nhìn thẳng vào Thiêm, tiếp:
- Thầy đừng sợ. Tôi đã từng mang hình sắc một con người. Tôi đã từng là người. Và về một mặt nào đó, cũng có thể nói, tôi là một tráng sĩ đồng tông với thầy.
- Tôi thật không hiểu…
- Tôi là người lái chiếc xe Ford nọ. Chiếc xe được chế tạo tại Mỹ, nó vượt đại dương, cặp bến cảng Hải Phòng. Tiếp đó nó nằm trên một cái toa đĩa trên con tầu lửa của Công ty Việt Điền lên tới ga Lào Cai. Từ Lào Cai tôi đã đưa nó về châu lỵ Xin Ma Chải. Đó thật là một kỳ tích. Ông thổ ty tri châu Hoàng Vĩnh Kính đã sức cho dân các làng ven lộ đi phu ròng rã sáu tháng trời liền để hoàn tất con đường, để đón chiếc xe Ford này. Chưa bao giờ dân chúng ở đây được thấy một con vật kỳ lạ đến như thế! Con gì mà bụng thì to, hai mắt thì tròn, bốn chân cũng lại tròn, đã nuốt người vào lại còn nhả người ra. Người Mèo, người Tày xúm xít quanh chiếc xe, vuốt ve nó và nhìn tôi đầy vẻ khâm phục, tôi là một trang hiệp sĩ tài ba đã thuần phục được con vật kỳ quái khổng lồ này. Tôi là anh xốp phơ, người lái chiếc xe sở hữu của ông thổ ty họ Hoàng, dòng họ đã trị vì vùng viễn xứ biên cương này đã hơn trăm năm. Tôi là người tài xế. Vâng, nhưng tài xế, xốp phơ chẳng qua chỉ là cái vỏ bọc bề ngoài. Xuất thân tôi là một giáo chức, tôi có chân trong một đảng chính trị có mưu bá đồ vương. Tôi được đảng tôi cử lên vùng sơn cước này để lập vĩ nghiệp, vĩ công, để tranh đoạt quyền hành, xác lập căn cứ. Thoạt đầu, mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Thổ ty đang hoang mang trước các thế lực ngoại tộc: đang cần một đảng phái chính trị để làm chỗ dựa tinh thần, ngược lại chúng tôi cần họ như cần một cơ sở hạ tầng. Tôi lấy một cô gái Tày xinh như mộng. Tôi có hai đứa con, một trai một gái, kháu khỉnh và thông minh. Tôi gây được cơ sở. Một chi bộ Quốc dân đảng với hai mươi mốt đảng viên đa số là trong binh lính, giáo chức đã được thành lập. Chúng tôi có cả đảng viên người Mèo. Chính tôi đã kết nạp một người, anh ta tên là Giàng A Chẩn, quét chợ Xin Ma Chải. Người tên Chẩn ấy giờ là đảng viên, có chức có quyền ở La Pan Tẩn đây!
- Tôi biết ông Chẩn!
- Chà! Đời người làm được tưng ấy việc cũng đáng gọi là đời một trang nam nhi tài tử, một tay kiếm khách miền biên viễn lắm chứ, thầy! Tôi đã nhiều lúc vô cùng kiêu hãnh và hạnh phúc. Thầy xem, núi non này, trời mây sông suối cỏ cây này, tiếng vậy cũng hữu tình lắm. Hùng cứ một phương, vẫy vùng thoả chí một vùng, hào hùng và thơ mộng xiết bao! Cảnh sinh tình, tình đẻ ra thơ. Tôi cũng yêu thích thơ như yêu thích danh vọng và cũng đã sáng tác thơ như thầy.
- Tôi không sáng tác. Tôi chỉ mô phỏng theo bài thơ của ông nội tôi thôi.
– Không sao! Tôi nghĩ chính thầy đã phả linh hồn mình vào bài thơ đó. Bài thơ Tổ Quốc mộc mạc nhờ vậy mà có thần khí và hồn cốt cao quý. Thơ là vậy, bao giờ nó cũng có những câu thơ thể hiện cái hồn cốt và thần khí, thầy ạ. Thầy có nhớ bài Thu Vịnh của Tam Nguyên Yên Đổ chứ. Thuở đi dạy học, tôi mê bài thơ này lắm. Thầy thử đọc lại bài thơ ấy cùng tôi nào. Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao. Đó, đó! Thầy dừng lại ở câu thơ thứ năm đi. Đó! Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái. Thầy có nhận thấy điều này không? Năm câu ta vừa đọc thật sự là năm câu hiện thực tả chân. Ở đây thi sĩ nhận mà ít cảm, rung mà không động. Cho đến khi, bỗng nhiên trên không vẳng lên một hoà khúc gọi đàn của bầy chim trời đi tránh rét: Một tiếng trên không ngỗng nước nào thì cái thần, cái tài, cái tình của bài thơ mới xuất hiện và toả ấm nồng nàn ra cả bài thơ Thầy Thiêm, thầy chính là câu thơ thần diệu đó. Thầy đem đến cho cuộc sống vô hồn này một linh hồn sống động. Thầy đánh hồi kẻng, thầy gieo điệu nhạc lay động màn sương vô minh, khai tâm mở trí xứ u tì.
- Tôi đang mơ ngủ hay sao đây? Tôi đang trò chuyện với ai đây?
- Không! Thầy không mơ đâu. Thầy đang ở giữa đời. Tôi đang đứng giữa trận mưa đá. Tôi đã là người bên âm. Nhưng chết không có nghĩa là chẳng còn lại tí gì. Về mặt này, người Mèo không phải là một dân tộc bi quan. Họ giống người Kinh chúng ta. Họ tin rằng hiện thời toàn bộ giác quan của chúng ta mới chỉ thu nhận được những cái nhìn thấy, những cái được biểu hiện ra bên ngoài, chứ không phải là những cái thuộc bản chất bên trong. Còn một thế giới không nhìn thấy và chỉ có thể nhìn thấy bằng con mắt thấu thị.
- Qua ông nội tôi, tôi thấy có sự thống trị của lẽ huyền bí!
- Đúng thế! Những điều huyền bí là những điều vô minh. Lý thuyết tai biến của một bác học phương Tây và lý thuyết Thái ất của phương Đông đều có nói đến cái chết trong sự vô minh, muốn bay lên mà không sao bay được. Ở thời chúng ta đây, ngoài sự vô minh còn có sự ngông ngạo, ngu đần, sự suy vi vì mê chấp danh lợi, những sản phẩm của thời mạt pháp, tất nhiên, nói cho cùng cũng là sự vô minh mà thôi. Xin giới thiệu với thầy, tôi rất giỏi môn tướng số, tử vi. Nhờ cái tài giải đoán các số phận mà tôi quen thân với hầu hết các chức sắc trong châu lỵ này. Tuy vậy, tôi đâu đã đạt đến sự hiền minh! Và tôi đã chết trong sự vô minh, chết trong ảo tưởng huy hoàng; chà, con người cả đời là chuỗi ngày rời bỏ dần ảo tưởng, nhưng cuối cùng, khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa nhận ra mình chỉ là hạt cát so với thiên ý! Chiếc xe Ford đã đâm xuống vực tan tành vì một phát đạn của một tên Mèo tay sai của Hoàng Vĩnh Kính tri châu, đồng minh của tôi. Tôi chết trong một đêm đi công cán từ tỉnh lỵ về. Lúc ấy, Việt Minh đang từ dưới xuôi đánh lên. Họ đang tìm mọi cách để tranh thủ sự ủng hộ của thổ ty Hoàng Vĩnh Kính, về môn sách lược bạn thù, Việt Minh thật là bậc kỳ tài. Và tôi đã không nhận ra: mình đã trở thành hòn đá cản đường của tri châu họ Hoàng từ lúc nào?
- Tôi thật không hiểu lịch sử cái thời kỳ rắc rối đó.
- Có lúc nào lịch sử không rắc rối, không bí ẩn! Thêm nữa như người ta vẫn nói, lịch sử và cô nương là hai thứ dễ trang điểm nhất. Nhưng lịch sử nếu thật là lịch sử, bao giờ nó cũng cao hơn logic đó, thầy. Chính vì thế mà lúc này đây, tôi càng kính phục thầy. Thầy đã tự hoạ được chân dung thầy ở cái thời điểm tưởng chừng không thể làm nổi. Thiếu gì kẻ nhăm nhăm để lại hình tượng mình bằng lập luận logic, kết quả tượng đồng bia đá cũng hoá thành tro bụi. Con người thường chỉ là bản thân. ít người có được bản ngã. Đại ngã còn hiếm hoi nữa. Prômêtê, Đankô là nhân vật đạt đến đại ngã. Và thầy!
- Ồ, tôi không nghĩ tôi là cái gì cả hết. Là con người thì phải có ích cho nhân quần, tôi nghĩ đơn giản như vậy thôi.
- Đưa cái vành xe ô tô leo dốc ngược về bản La Pan Tẩn đêm ấy, thầy có khác chi Đức Giêsu Critx vác cây thánh giá tuẫn nạn. Thầy nhận cái khổ nạn, cái đau đớn để hiến cho con người niềm vui sống. Thầy là một đại ngã thật sự. Thật sự vì sự cao quý ấy mang bản tính hồn nhiên, thầy là buổi bình minh thanh sạch trên ngọn núi cao tót vót một ngày đông rét năm nào.
Khoanh hai tay ép chặt khuôn ngực đang rộn tiếng trái tim đập bất thường, Thiêm cố nén cơn kích động vừa bồng dậy lúc cái bóng trắng hạ giọng:
- Nhưng, thầy Thiêm ạ, thầy nên hiểu rằng: mọi sự đang còn rất mong manh. Số đông không có nghĩa là sức mạnh. Và điểm khởi đầu luôn ở cạnh ta.
- Tôi hiểu. Những đêm nằm ngoài bãi đá suy ngẫm đã giúp tôi hiểu rằng, con người chỉ là một tập hợp nhỏ ti, nó không thể thoát khỏi trái đất, trong khi trái đất không thể thoát khỏi thái dương hệ, thái dương hệ không thể ra khỏi vũ trụ. Tôi không thể ra khỏi hoàn cảnh.
- Hai chữ hoàn cảnh thầy dùng rất hay. Thầy còn nhớ tấn bi kịch đời ông thân sinh thầy? Nói một cách nghiêm cẩn, con người không thể thoát khỏi mệnh trời và bản tính.
- Ông nội tôi dặn: dấu kỹ đôi bàn tay và không cho ai hay ngày sinh tháng đẻ.
- Tôi không có ý định lập lá số tử vi cho thầy. Nhưng tôi muốn nói đôi điều để thầy tự liệu. Thầy mệnh kim - thoa xuyến kim. Thầy chớ nên cộng tác với người mệnh hoả. Về tình duyên, thầy được trời chiều. Cung phối ngẫu của thầy rất tốt. Với mã khốc khách, thầy là con nhà gia giáo. Về sức khoẻ, lục phủ ngũ tạng thầy vô bệnh. Nhưng, với cách mã đầu đối kiếm, sao kinh dương tại ngọ chiếu vào cung tuổi, nên năm tuổi thầy có thể có gặp tai hoạ, bị thương tích. Nên chú ý năm tuổi, năm ấy sao Tô tú ảnh hưởng tới gia trạch và sự nghiệp. Để trừ bớt hung tinh, thầy có thể cúng ngoài trời. Cần một tờ giấy vàng viết bài vị Thần đức tinh quan. Đặt ở bàn thiên một đĩa hoa hồng, một chén nước trong, năm cây nến, năm ngọn hương.
- Tôi nghĩ…
- Tôi biết là thầy không tin vào những điều tôi vừa nói. Nhưng, điều tôi sắp nói đây thì thầy hoàn toàn có thể tin được. Bao giờ thì cũng có một thời kỳ đen tối, cực kỳ đen tối, đang chờ đón ta. Hết cảnh thường đến cảnh biến đó, thầy. Ngoài ra, chắc thầy đã biết: lịch sử luôn mang trong nó tính bất ngờ.
- Tính bất ngờ của lịch sử?
- Đúng thế! Đó là ý tưởng của Hêghen vĩ đại. Lịch sử luôn luôn chuyển động trên một bình diện cao hơn logic. Lịch sử là đơn nhất, không lặp lại.
- Qua ông nội tôi, tôi hiểu: tự nhiên vốn mạnh, con người muốn trở nên tốt đẹp, phải mạnh hơn tự nhiên. Đường đi ở trong nốt chân beo. Lắm dốc nhiều đèo là bản tính của đường, vậy chớ nên than van.
- Tôi hiểu… tôi hiểu.
Tiếng nói của cái bóng trắng nhỏ dần, mờ dần, rồi thoảng như một hơi gió trượt qua vành tai Thiêm, mất tăm trong tiếng đá rơi. Mưa đang ngớt. Hạt đá bé dần, chỉ còn bằng hạt táo, lột đột như quả rụng trong vườn. Trên bãi đá khói bốc mịt mờ từ những đống lổn nhổn đá hòn đá cục trắng nhờ. Tràn vào Thiêm liên tục những luồng băng giá. Thiêm rét run da nổi gai mít sần sùi và ruột gan rỗng tuếch, người càng lúc càng giống một bình chứa mỏng mảnh. Phép thông linh giao tiếp với linh hồn người chết đã rút cạn sức lực, càng lúc anh càng giống cái bóng vật vờ giữa không gian u mờ và nỗi hoang mang cô độc. Nhưng, đây sẽ là khoảng khắc nhớ đời của sự lớn khôn của Thiêm. Trước đây anh kinh sợ cái bao la của khung cảnh, cái bất như ý của hoàn cảnh, tình huống. Nay anh hiểu, sống là cả một công cuộc, không dễ dàng gì; cuộc sống trong sâu xa còn bao gồm cả những điều huyền bí vô minh, những bất ngờ ngẫu nhiên và chính chúng là nguồn gốc của bao nỗi thống khổ và cái chết vô nghĩa của con người. Cảm giác bé nhỏ trước cái vô tai là một cảm giác của một nhân cách thực thụ. Phát hiện ra những điều đó sau cả chục năm trời lập nghiệp ở đất này, anh thấy mình như đã trở thành một ông lão sáu mươi. Không thể ra khỏi bản mệnh và tính trời được hiểu như lịch sử là một dòng chảy tự nhiên, ở ngoài ý định của con người, anh sẽ vững tâm sẽ không lao lung buồn nản. Và như vậy là, vẫn một ý chí mạnh mẽ được nuôi dưỡng bằng máu huyết họ tộc, dám vượt qua những thành kiến và những tư tưởng thâm căn cố đế, nhưng giờ đây anh hiểu thêm: điểm khởi đầu luôn luôn có khả năng trở lại, ở ngay bên mình.
Bàng hoàng như bừng ngộ một chân lý, Thiêm bỗng nẩy sinh khát khao được san sẻ. Chính lúc ấy, anh như một kẻ vừa ra khỏi giấc chiêm mộng, dụi mắt nhìn ra ngoài trời đêm sáng trắng băng giá, cất tiếng gọi thật to: Seo Mùa!
Đó là lần đầu tiên Thiêm vòng tay ra sau lưng người phụ nữ Mèo xinh đẹp và yêu dấu ấy. Áo nàng ẩm hơi nước chứng tỏ nàng đã đứng chờ anh ở ngoài bãi đá từ lâu. Sau bao nhiêu e ấp ngập ngừng nàng áp mặt xuống vai anh, lẩy bẩy vì sợ hãi và sung sướng.
- Em sợ! - Nàng thì thào - Đang ở nhà, nghe mưa đập trên mái, em lo cho anh quá. Hay là trời phạt La Pan Tẩn mình, hả anh?
- Anh đang cần có em bên cạnh, Seo Mùa ạ.
- Anh ơi, hồn anh bao giờ cũng ở bên em. Cái Seo Xay nó mới gửi thư cho em. Sao nó cũng giống em? Nó hỏi: Thầy Thiêm có sao không, em lo cho thầy quá cơ, chị ạ.
- Ôi, Seo Mùa!
- Đau em! Tếnh đánh em bằng gậy song. Vai em, lưng em còn đau nhức. Nó còn doạ giết em vì em không yêu nó.
- Anh thương em, anh yêu em, Seo Mùa à, bây giờ có cách nào giải thoát em khỏi cảnh khổ?
Đó là những giây phút sẽ in dấu mãi mãi vào tâm tưởng hai người. Trận mưa đá là bối cảnh cho tình yêu của họ, lại cũng là cơn xúc động của đất trời trước cuộc tình bi tráng của họ. Hố pẩu cho biết, trong vòng một trăm năm nay chưa có trận mưa đá nào xẩy ra ở La Pan Tẩn lớn và tai hại như thế!
Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn