Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Chương 11
T
hăng về làng sau những ngày hoan hỉ của họ mạc, xóm giềng là những gánh nặng của công việc đời thường đè nặng lên vai. Gia đình, họ mạc thì nom vào anh như một vật báu bởi anh là một sĩ quan quân đội. Anh sẽ được bổ sung vào nắm những trọng trách quan trọng trong chính quyền làng xã, anh sẽ là chỗ dựa vững chắc cho gia đình họ mạc. Quả mong muốn của Thăng đã thành hiện thực, khi được bổ nhiệm vào chức tước ở làng xã. Sẵn tư duy của người làm chính trị viên nhiều năm, cái vòng kim cô ấy lại có thời cơ sinh nở trong anh những cố tật. Thăng quên bẵng quyển sổ và những dòng nhật kí của Hữu. Cái mống bão cũng bị tan đi, trước mặt Thăng chỉ có quyền hành, địa vị. Thăng cố gắng bám chắc nhưng càng bám nó càng bị thừa ra. Thế là anh bị bật khỏi bánh xe quyền quý sau hậu chiến. Trở về làm dân thường, làm dân thường cái thiếu túng như cái dây thừng lòng thòng cứ dần dần thít chặt vào mỗi đời người nhà nông trong đó có gia đình anh. Khổ hơn nữa là những đứa con anh sinh ra nó lại là di chứng, hậu quả của những năm sốt rét ở rừng cộng với thiếu dinh dưỡng nên đứa nào cũng quắt kéo, bủng beo. Hoàn cảnh đẩy Thăng vào chân tường thế bí. Tóc anh bắt đầu phai màu vì nhiều đêm không ngủ. Chính trong những đêm không ngủ ấy, Thăng thường gặp cái mống bão từ những dòng nhật kí của Hữu dựng lên vừa hữu hình vừa vô hình nhưng nó có đầy đủ sắc màu và cứ lừng lững trước mặt Thăng. Trong cái ngũ sắc ấy có một màu xanh da trời luôn hằn hiện lên rất rõ, nền sắc ấy như vẽ ra trước mặt Thăng gương mặt cô bạn có cái tên là bác sĩ Trịnh Nhân Dân, một người bạn như định mệnh của Hữu. Hôm vào chiến dịch đánh Cổ Thành, Hữu đã đưa cho Thăng quyển sổ thì thầm bảo Thăng giữ giùm mà Hữu còn nói vui. " Nếu sau này anh không làm chính trị viên nữa, anh thích và có ý trở thành nhà văn, anh cứ tìm gặp người này chỉ cần họ kể, anh ghi lại thật đủ đầy, anh đã trở thành "Nhà văn" của đại đội, của thằng Hữu này rồi. Hiện cô ấy đang ở trạm phẫu, cách mặt trận của ta không xa lắm... ".
Bây giờ cô ấy ở đâu, còn sống hay!... Nếu bây giờ tìm được cô ấy ngoài những chuyện từ quyển nhật kí của Hữu còn thuận lợi cho bao nhiêu việc khác ví như sức khỏe của đám trẻ... Thăng lục cái ba lô tìm quyển sổ và đêm đêm Thăng chong đèn đọc. Nhiều trang viết của Hữu cứ làm Thăng ứa nước mắt. Thăng không ngờ được một con người lầm lì, gan góc, đầy quyết đoán trong mỗi trận đánh lại thơ mộng, lai láng yêu thương và tư duy sâu sắc về chiến tranh và những vấn đề sau chiến tranh đến thế. Những dòng Hữu viết cho cô bác sĩ như có lửa:
"Dần ơi! Tại sao cái thằng Hữu khốn nạn này lại cứ ám bóng Dần, làm Dần phải khổ theo mãi. Bây giờ Hữu đã thành anh giải phóng quân lại là một đại đội trưởng từng chỉ huy đánh địch nhiều trận. Thắng cũng có, thua cũng có nhưng cứ sau mỗi trận đánh về Hữu thấy mình vẫn là một thằng bé côi cút trên người lằn nhiều vết roi cật nứa! Thằng bé ấy lớn lên và trưởng thành luôn luôn có bàn tay và tấm lòng đằm thắm mộc mạc của Dần. Tấm lòng ấy cứ ngào ngạt mãi như nắm cơm muối vừng giấu dưới bụi chuối nhà ông Tràng Chức và nguồn sáng vô tận từ những cái chai đèn đom đóm đám chúng mình vẫn chụm đầu vào nhau để cho cái chữ tỏa sáng trong đầu. Nhờ cái chữ chúng mình khôn lớn lên, lòng dạ sáng ra bao nhiêu điều kỳ thú, bao nhiêu ước mơ thánh thiện mà lại rất gần gụi với con người. Có lẽ ông giời đã giao bổn phận và bắt hai đứa mình phải gắn bó với nhau. Những ngày dằng dặc xa nhau ấy và ngay cả trong trận mạc ngụt trời bom đạn Dần vẫn ở bên Hữu, vẫn kháu khỉnh, hồn nhiên như những lúc giấu nắm cơm cho Hữu, tìm cách để Hữu thoát đòn roi của lão Bành. Nhờ có Dần ở bên mà ngay bây giờ Hữu càng dạn dày và bình tĩnh để vượt qua bom đạn ác liệt của chiến tranh. Chiến tranh- Dần ơi! Có sống vào cuộc chiến này thì mới thấy được máu xương, nước mắt của dân thường! Họ sẵn sàng nhịn ăn để nuôi quân, dỡ cả cửa nhà để làm đệm cho xe vượt sình lầy ra tiền tuyến. Những con người ấy giống hệt bà cụ Vuông, bà lang Đồng Mụng, như bố bầm của chúng mình. Họ không có tem phiếu mua đường, không có sổ y bạ để được chế độ ưu tiên đâu, nhưng trong cuộc chiến này họ đã hy sinh hết thảy. Hữu từng tận mắt và còn từng chung lưng đấu cật với họ vì thế càng thấy công lao to lớn của họ trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc này.
Lại còn nhiều oái oăm nữa ấy là những bà má ở trong tuyến có con đi lính phía bên kia, con má có người đã chết trận, thậm chí có đứa còn chết dưới bàn tay Hữu nhưng khi Hữu gặp lâm nguy họ vẫn che trở. Thế mới biết cái tình của người Việt ta. Chứng kiến thực tế này Hữu như mờ tỏ nhìn thấy chiến tranh dân thường không thắng ai cả. Cái tội lớn là kẻ gây ra chiến tranh. Kẻ ấy chính là giặc Mỹ. Mình phải có nhiệm vụ tiêu diệt giặc Mỹ.
... Trước mặt chiến tuyến mù mịt khói bom đạn, sau những loạt bom, những trận pháo chụp phía đối phương lố nhố đám rằn ri bửa lên, không thấy mặt thằng mắt xanh mũi dài nào, toàn là người Việt mình cả. Họng súng nó chĩa về Hữu. Không đánh mình sẽ là kẻ bị tiêu diệt, thế là Hữu phải ra lệnh. Súng từ hai phía gầm lên, cỏ cây còn nhầu nát huống chi là xương thịt người! Máu ngầu trong đất, trong khói và người được, kẻ thua hiện lên! Cái giá to thật!.. Ngày mai sẽ độc lập - hỡi những ai sống sót hãy nhớ những ngày này, hãy vì một nền độc lập của toàn dân tộc mà vì nhau, đừng vì một tờ phiếu ưu tiên mua thịt mua đường, một quyển sổ y bạ ưu đãi khám bệnh mà quên mất dân thường thì thật là tổn phí cho những ngày khói lửa này biết bao nhiêu.
Dần ơi! Rất có thể Hữu sẽ là kẻ xấu số! Dần cũng không phải buồn đâu nhé! Dần làm thầy thuốc, làm bác sĩ Dần cứ chữa bệnh cho dân thường nghĩa là trong lòng Dần vẫn còn Hữu!... "
...
Gấp quyển nhật kí của Hữu lại trong bộ nhớ của Thăng hiện dần lên những ngày sống chiến đấu bên Hữu, quả hai anh em luôn luôn kề vai sát cánh trong việc đồng cam cộng khổ cùng đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ. Bao giờ Hữu cũng nhận phần gian khổ, hy sinh về mình, bao giờ Hữu cũng nhường nhịn Thăng. Riêng chỉ có những câu chuyện có thể gọi là "phễu" ngoài lề nhưng rất thật tâm nhất là những chuyện triết lí về cuộc đời, về chiến tranh, về con người, quyền lợi của con người khi không còn giới tuyến thì Hữu không bao giờ chịu nhường nhịn mà nó còn gân cổ cãi đến cùng, cãi xong rồi thôi.
Bây giờ ngồi đây giữa xung quanh túng bấn của xóm làng, gia quyến mới thấy Hữu đúng và nó có tầm nhìn xa. Nó hiểu sâu sắc nhiệm vụ của người lính trên chiến tuyến mà vẫn đoán được số phận của những người lính, của dân thường sau cuộc chiến này! Những điều nó ghi trong quyển sổ này có lần Thăng đã nói với đại phó Đức:" Nó là cái mống bão"... quả không sai! Bây giờ chúng nó ở đâu cả, kẻ sống sót và người đã chết! Thăng sực nhớ bác sĩ Dần, người Hữu ghi nhiều dòng nhất trong quyển sổ nhật kí này. Ôm quyển sổ vào lòng Thăng nảy ra việc phải viết văn vì lúc vào đánh thành cổ Thăng còn đùa Hữu sau này không làm chính trị viên đại đội nữa Thăng sẽ đi làm "nhà văn". Bây giờ Thăng thấy câu nói đùa ấy lại là định mệnh! Thế là Thăng nảy ra việc đi tìm đồng đội mà trước hết là đi tìm những kẻ còn sống sót để cùng lần về chỗ những người đang khuất lấp trong lòng đất! Thăng tính ngay người đầu tiên Thăng phải tìm chính là bác sĩ Dần. Hữu nhẩm thuộc cái địa chỉ Hữu ghi trong nhật kí rồi chuẩn bị cho cuộc hành trình đi tìm bè bạn ngày mai.
***
Hết chiến tranh Dần trở về cơ quan cũ với một chiếc ba lô và tay nách một đứa con trai ngót ba tuổi. Sau những phút hoan hỉ ngày vui chiến thắng là những công việc ngày thường gắn với miếng cơm manh áo, gắn với quyền hạn, vị thế của mỗi người trong cơ quan, trong đời sống xã hội. Đương nhiên Dần là nhân vật được tổ chức để mắt tới vì Dần là một bác sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc khi ra trường lại kinh qua thời gian sống công tác chiến đấu ở chiến trường, có nhiều thành tích được công nhận. Bản chất Dần lại là người trung thực ở đâu cũng hết lòng vì nghề nghiệp. Dần được mọi người tôn vinh và chỉ cần tổ chức đưa ra thăm dò là sẽ có đông đảo người đồng tình đề bạt Dần làm cán bộ lãnh đạo của bệnh viện này. Cũng chính vì lẽ đó cuộc đời Dần lại gặp rắc rối, sự rắc rối không ai lường tới được.
Một buổi sáng Dần vừa xong ca trực thì ông cấp trưởng gọi đến phòng riêng. Ông nhìn Dần từ đầu đến chân rồi nói một câu lạnh lùng:
- Trên có nhu cầu trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo để củng cố bệnh viện ta ngày càng phát triển xứng đáng là nơi lương y như mẹ hiền. Qua thăm dò đa số anh chị em đều đồng tình đề nghị bổ nhiệm đòng chí. Nhưng về công tác tổ chức, đồng chí cần làm rõ mấy việc, có thể nói luôn: Một là lí lịch của đứa trẻ đồng chí đang nuôi, hai là phải bổ sung hồ sơ đảng viên. Đồng chí cần khai rõ chồng và người giới thiệu đồng chí vào Đảng. Vậy thôi, đồng chí khẩn trương hoàn thành thủ tục để trên triển khai công việc được kịp thời, thuận lợi.
Nói rồi ông đẩy mấy tờ giấy biểu mẫu về phía Dần rồi quay ngoắt vào phòng trong. Dần đứng ngẩn nhìn rồi bước theo ông, giọng bình thản.
- Thưa đồng chí bênh viện trưởng, trong lí lịch chuyển ngành của tôi mọi việc đã quá rõ ràng, khai thêm cũng chỉ có vậy...
- Đồng chí muốn thay tôi thì cứ làm theo như hướng dẫn, không có thì giờ nói thêm với đồng chí đâu. Đi chiến trường rồi trở về đây mục đích thay tôi của đồng chí là quá rõ...
- Nếu chỉ vì để đạt mục đích thay đồng chí làm bệnh viện trưởng có lẽ tôi không trở lại đây làm gì, đồng chí nói vậy là xúc phạm cán bộ đấy...
- Tôi không xúc phạm ai, trên chỉ đạo thế nào tôi làm theo thế. Không nhiều nhời nữa.
Nói rồi ông huơ huơ hai tay. Dần đành đi giật lùi, ra khỏi phòng ông Dần thấy tức nghẹn. Dần dầm chân xuống đất rồi cúi đầu đi thẳng.
Chỉ vài ngày sau câu chuyện về Dần có đứa con không rõ lai lịch và cái hồ sơ vào Đảng ở trong chiến trường không có người giới thiệu cứ um lên. Dần bàng hoàng không hình dung ra được sự việc nó là cái gì bởi trong bụng Dần có mảy may bao giờ nghĩ đến quyền hành, chức vị. Học thành bác sĩ Dần chỉ có một tâm niệm làm một thầy thuốc như mẹ hiền. Dần xung phong đi B cũng từ một động cơ để cuộc đời mình có thêm thực tế vả lại tuổi trẻ ngày ấy là vậy. Vào chiến trường Dần tận tâm với công việc, đồng đội và tổ chức tôn vinh chứ Dần đâu có man trá. Còn việc đứa con là những ngày gặp Hữu, việc ấy ban lãnh đạo trạm phẫu đã thừa nhận và còn tổ chức một đêm vui rất long trọng trong cái hang đá. Ngày Hữu về đơn vị cả trạm phẫu tiền phương còn cùng kí vào tờ giấy chứng nhận hôn lễ dã chiến của hai người. Có điều tờ giấy ấy Dần lại đưa cho Hữu giữ với lí do để vào tuyến Hữu còn khoe với mọi người cái việc thiêng liêng ấy của mỗi đời người. Nhưng bây giờ Hữu vẫn bặt tin tức. Đồng chí trưởng trạm phẫu tiền phương lại hy sinh, còn những người sống sót bây giờ biết ở đâu! Chiến tranh mà. Bây giờ biết lấy ai để minh tỏ điều này? Việc thật rồi lại thành giả, công mà lại thành tội. Việc ấy có thể sẽ xảy ra bởi nó đến và đi đều ngoài dự cảm của Dần, Dần không tính được vả có bao giờ trong đời Dần tính đến những việc ấy! Dần biết cái gì đang và sẽ xảy ra nhưng với bản lĩnh của một con người, một tấm lòng chỉ biết làm bác sĩ Dần vẫn thản nhiên. Dần biết cái gì đến nó sẽ vẫn đến. Dần chỉ cần có sức khỏe để bảo vệ đứa con, giọt máu và là tâm hoa kết tinh mối tình chân đất nhưng đầy huyền thoại của Dần với Hữu. Dần quyết giữ nó như những ngày ở trong bom đạn, bom đạn không tiêu diệt được mẹ con Dần thì quyết bây giờ cũng không thể ai vấy bùn lên tâm hồn trong trẻo của đứa trẻ từng sinh ra trong lửa khói của chiến tranh, sinh ra bởi tình yêu, bởi khát vọng hòa bình, khát vọng về sự sống. Lúc này tự nhiên bên tai Dần lại nghe thì thầm cái giọng êm ái chứa chan nguồn sống hai đứa từng to nhỏ với nhau trong cái hang đá: "Chiến tranh, giặc Mỹ tiêu diệt con người thì Hữu và Dần sinh ra con người sợ quái gì! Ngày mai hòa bình ta về tâu với ông bà tổ tiên sau... "
Bây giờ Hữu đã chết rồi, bổn phận và trách nhiệm đều đổ lên đầu Dần. Nhưng Hữu ơi! Hữu cứ thanh thản nơi chín suối với sự trắng trong của bao nhiêu đồng đội đã cùng nằm lại nơi binh lửa cùng với Hữu. Dần sẽ sống và nuôi con của chúng mình khôn lớn, lành lặn. Sẽ không có vết lằn roi vọt nào, mảnh bom đạn nào cứa vào da thịt của con đâu. Dần sẽ làm một bác sĩ chữa bệnh cho dân thường như mong muốn của Hữu bởi những ngày gắn bó với đồng đội ở Trường Sơn, được dân thường đùm bọc Dần càng hiểu thấu đáo hơn ân nghĩa ấy và càng thương những người như bố mẹ mình, như bà cụ Vuông, những người đi khám bệnh không có sổ ưu tiên. Điều Dần tâm niệm nó đến như định mệnh. Cũng vào một buổi chiều sau giờ làm việc Dần nhận được bức điện khẩn mẹ ốm nặng, vì đang bối rối nên Dần chỉ nhờ người bạn báo cáo giúp, không ngờ người bạn ấy lại quên. Mẹ con Dần dắt díu nhau về quê. Do bệnh tình bà mẹ quá nặng thuốc thang mãi bà cụ cũng không qua được, bà qua đời. Trong lúc tang gia lại đường xá xa cách, thông tin liên lạc khó khăn, Dần không báo về xin phép cơ quan kịp thời. Khi lo toan công việc gia đình xong, mẹ con Dần lại dắt díu nhau về cơ quan để tiếp tục công tác. Sau phút anh chị em đồng nghiệp xúm tụm thăm hỏi là cái nhìn và câu hỏi xã giao lạnh như lưỡi hái của ông bệnh viên trưởng. Dần đoán được việc gì sẽ xẩy ra. Y rằng mấy ngày sau Dần phải ngồi đối mặt ông với những câu hỏi rất nặng nề:
- Đồng chí coi bệnh viện như cái chợ, thích thì đến, không thích thì thôi à? Cơ quan nhà nước phải có người trên, bề dưới chứ. Đồng chí bỏ đi không ai biết, ý thức tổ chức kỷ luật, tấm lòng người bác sĩ thế mà được à? Tôi chưa nói đến việc bà cụ cô mất là việc nghĩa tử, nghĩa tận mà cô không hề nói một nhời với cơ quan....
- Thưa đồng chí bệnh viện trưởng...
Dần vừa mở miệng thì ông bệnh viện trưởng đã chẹn ngang:
- Không thưa báo gì cả, đồng chí về viết kiểm điểm, tôi không lạ gì tính kiêu ngạo, coi thường cấp trên của đồng chí nữa.
Nói rồi ông ta lạnh lùng đứng dậy. Dần tái mặt và tự bật ra câu phản ứng tức thời:
- Nếu đồng chí không lạ gì thì tôi cũng chả có gì để kiêm điểm nữa.
Dần lặng lẽ về phòng. Những ngày sau đó Dần càng hiểu hơn những phức tạp, sự đen trắng của lòng người khi đứng trước quyền lực, đứng trước miếng cơm manh áo. Dần lại nao nao nhớ đồng đội, nhớ Hữu. Những lời Hữu nói với Dần về con người ta với nhau sau chiến trận vẫn hoàn toàn còn nguyên giá trị! Nó hiển hiện ngay trước mặt Dần. Ông bệnh viện trưởng già nua, dốt nát lại ham hố quyền lực và hình ảnh đồng chí trạm trưởng trạm phẫu ở Trường Sơn thân ái yêu thương đồng đội. Hai con người, hai tính cách, hai thời cuộc bắt đầu quay lưng lại với nhau. Cuộc chiến này như Hữu nói nó còn gay go ác liệt thậm chí còn nhẫn tâm hơn những gì xảy ra trong chiến tranh. Dần mơ hồ nhận ra điều ấy và Dần quyết định số mệnh mình trước khi người ta quyết định. Thế là Dần đặt bút viết đơn xin nghỉ việc. Chỉ ngày hôm sau nguyện vọng của Dần được chấp nhận ngay. Trớ trêu một điều là lúc cơ quan họp mặt chia tay Dần, ông bệnh viện trưởng lại nghẹn ngào vừa nói vừa như mếu;
- Do hoàn cảnh gia đình, bác sĩ Dần phải về, bệnh viện ta như có một khoảng trống vắng rất lớn vì bác sĩ Dần là một người giỏi, nếu không có hoàn cảnh khó khăn chắc chắn bác sĩ Dần sẽ là người thay tôi lãnh đạo bệnh viện này thành một bệnh viện mẫu của tỉnh... Nhưng thôi! Nỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh biết làm nào được!...
Nói rồi lão khẽ đưa tay ngang mắt, giọng hơi trầm xuống có cung bậc:
- Chúc đồng chí về quê mạnh khỏe cố gắng mang tài đức của mình giúp đỡ các trạm xá ở địa phương. Bệnh viện sẽ luôn luôn quan tâm theo dõi tin tức của đồng chí để phối hợp đẩy mạnh công tác phát triển y tế ở địa phương.
Mấy tiếng vỗ tay lẹt đẹt vang lên. Dần thấy không còn sự trơ trẽn, nhẫn tâm nào hơn nữa!
Mẹ con Dần khăn gói về quê, mọi người đều ngơ ngác nhưng xem giấy tờ thì chả ai xì xào gì nữa. Có người còn bảo: Nó bỏ cơ quan nhưng cái nghề bác sĩ của nó làng ta còn được nhờ đấy. Quả nhiên vài tháng sau Dần được các ông lãnh đạo xã nhà mời ra phụ trách cái trạm xá của xã thật. Dần vui vẻ nhận nhiệm vụ này bởi một suy nghĩ rất đơn giản được phục vụ bà con làng xã mình. Dần còn sung sướng hơn là cái mơ ước của Hữu giao cho Dần bây giờ đã trở thành hiện thực. Dần thực sự được chữa bệnh cho dân thường. Mà những người dân thường ấy lại là bà con làng xã của Dần. Dần thấy như được gặp lại tuổi hai mươi, gặp lại khí thế những ngày đi B. Dần hồ hởi đến trạm xá làm việc. Gọi là cái trạm xá của một xã nhưng thực trạng chỉ là ngôi nhà tóc xi, ba gian đứng, mấy cái tủ gỗ đã cũ kỹ, một cái giường bệnh cá nhân. Người trực ở đấy là một phụ nữ chừng ngoài sáu mươi tuổi vóc dáng mảnh mai, gương mặt phúc hậu. Bà đang dọn dẹp cửa nhà, thấy Dần đến bà thõng tay víu vào cái cán chổi nhìn Dần từ đầu đến chân rồi nở nụ cười ân ái đầy thiện cảm:
- Cháu về làm việc cùng ta?
- Dạ, vâng ạ! Trạm có việc gì bác cứ sai bảo.
- Việc ở đây lúc thì bộn bề, lúc thì ngồi không. Một năm có đợt tiêm chủng thì phải đi đến các thôn xóm. Người ốm đau ta cũng chỉ chữa được các bệnh thông thường. Mấy bệnh hiểm nghèo chẩn đoán được nhưng bí thuốc men đành giới thiệu sang Phú Thọ hoặc Hạc Trì. Các ca đẻ đái của bà con làng xã thì làm hết có khi nửa đêm họ cũng rước đi. Cháu về ta sẽ bàn giao dần dần cho.
- Vâng có việc gì bác cứ chỉ bảo nhưng trước mắt trạm phải kêu với ủy ban xã làm một cuộc tổng vệ sinh trong toàn làng xã, cháu thấy quê mình chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà, hố xí vệ sinh còn tùm hum lắm. Sinh hoạt như thế tránh sao được những bệnh như tả lị, thương hàn, ho hắng viêm nhiễm phổi... Mình ở cơ sở cái việc phòng bệnh hơn chữa bệnh bác ạ. Bác làm ở trạm nhà lâu chưa?
- Từ ngày có trạm bác về nhận việc ngay.
Dần ngẩng lên nhìn và tự nhiên Dần reo to:
- Bác là bà lang ở Đồng Mụng?...
Bà cũng sửng người nhìn Dần rồi òa lên. Hai bác cháu nhận ra nhau mừng mừng, tủi tủi.
- Thằng Hữu có giấy báo tử thì ông Bành đón...
Vừa nói bà vừa đưa tay lên lau mắt. Dần buông cái chổi ôm lấy bà, cả hai người cùng khóc òa lên. Từ ấy hai người gắn bó với cái trạm xá và tình mẹ con giữa bà và Dần cũng được đắp xây ngày càng sâu nặng. Bà lang là người giàu kiến thức về thuốc Nam, Dần lại thông thạo Tây y, họ hợp lại nhau thế là cái trạm xá của xã có tiếng. Nhiều căn bệnh hiểm nghèo đã được xử lí hoàn hảo. Cả vùng đều xôn xao chuyện một người bệnh đã chết, gia đình đã bỏ tiền, gạo vào miệng để chuẩn bị khâm liệm thế mà Dần đến lại cứ sống được. Cả họ nhà người bệnh mang tiền của đến trả ơn nhưng bà lang và Dần đều từ chối. Uy tín của cái bệnh xá và tên tuổi của bà lang và bác sĩ Dần vang khắp trong vùng. Cái trạm xá cũng được chính quyền quan tâm và bà con đóng góp xây dựng mỗi ngày một khang trang, đẹp đẽ. Mẹ con Dần ở cùng với bà lang ấm áp và hạnh phúc, họ một lòng phục vụ bà con làng xã với tấm lòng lương y như mẹ hiền. Nhưng những ngày hạnh phúc ấy cũng giống như tia chớp nhòe lên phía chân trời rồi vụt tắt. Một buổi chiều Dần đi thôn về thấy bà lang làm cơm rất thịnh soạn và bà tắm rửa ăn mặc quần áo đẹp hơn mọi ngày. Bày cơm ra ăn, bà cứ kể chuyện về lão Bành, chuyện thằng Hữu rồi bà lấy cái tráp ra đưa cho mẹ con Dần, âu yếm bảo:
- Ta có tuổi rồi, người già giống như quả chuối chín cây, ta có vật báu này mẹ con giữ lấy. Trong cái tráp này là cây vàng, một phần của ta, một phần của lão Bành, ngày sắp mất lão Bành giao lại cho ta và dặn: Cái số này là tiền đi B của thằng Hữu, bà giữ khi nó về dùng vào việc cưới vợ cho nó. Bà gắng giúp tôi, tôi!... Ta giữ vật báu này và càng thấy thương lão Bành. Ta vẫn ôm ấp bao chuyện để chờ thằng Hữu về kể cho nó nghe và ta sẽ thay lão Bành, thay mẹ nó lo toan công việc cửa nhà vợ con cho nó. Ai ngờ nó lại không về! Đời người biết bao chuyện không tính trước được! Bây giờ ta giao vật báu này cho hai mẹ con...
Quả thật đời người có ai ngờ trước chuyện gì. Bữa cơm chiều hôm ấy như một định mệnh sum họp cuối cùng. Đêm ấy bà ra đi. Sau phút cụ trút hơi thở cuối cùng, Dần thấy ở phía chân trời có vệt chớp nhòe lên kéo một vệt dài qua ngôi nhà của lão Bành rồi vụt tắt. Sau vệt chớp sáng ấy, Dần thấy như có điềm báo: Mẹ con Dần phải dọn về ngôi nhà ấy thì mới thành cơ nghiệp được. Điều này Dần cũng chỉ để trong lòng! Ai dày việc đời lại cứ diễn ra như điềm báo. Bà lang mất, mấy năm sau chính quyền làng xã có nhiều sự thay đổi. ễng Hạ bí thư đảng ủy xã nghỉ việc do tuổi cao sức yếu, ông Bình Động lên thay. Mẹ con Dần vẫn làm việc và ăn ở tại cái trạm xá của xã. Vào một đêm tháng hạ, Dần vào xóm đỡ đẻ cho con nhà chị Ngần về thì thấy ông Bình Động ngồi lù lù bên cạnh cái bàn học của cu Nghị, con giai của Dần. Thấy Dần lão niềm nở:
- Xã nhiều việc quá nên phải tranh thủ làm đêm, thấy đèn trạm sáng tưởng có ai đau ốm tranh thủ nghé qua thăm nom một tí, hóa ra thằng cu nó học bài. Thằng bé siêng năng thật.
- Vâng, cháu nó giống bố nó mà bác!...
- Bố nó, xã cũng đang lo hợp lí hóa cái hồ sơ của cháu là con liệt sĩ giúp chị đấy. Tôi cũng đang nghiên cứu việc này. Nhân đây tôi cũng bày cho chị một cách.
- Cách gì ạ?
- Chị gắng liên hệ tìm lấy một người ở đơn vị cũ, chỉ cần nhờ họ làm chứng cái đám cưới dã chiến của chị với anh Hữu là mọi việc êm ru.
- Cảm ơn bác đã quan tâm nhưng việc ấy có khác gì bác bảo cháu xuống biển mà tìm kim. Thằng Nghị nó là con của anh Hữu điều ấy chỉ cần cháu xác minh là đủ. Sự thật rồi năm thắng sẽ hiện rõ ra, vấn đề là cháu phải nuôi dạy nó nên người. Khi nên người tự nó sẽ lí giải được những vấn đề phức tạp trong cuộc sống cũng như cuộc đời nó. Còn việc chính sách ưu đãi là cần thiết và cháu nó cũng xứng đang được hưởng quyền lợi đó nhưng nếu phải liên lụy, chạy vạy thì không cần thiết, đời người làm thầy thuốc cháu còn bao nhiêu việc phải làm, bác để mẹ con cháu yên!...
- Chị Dần nói vậy cũng có cái lí đúng nhưng thế là chị phụ lòng chúng tôi, nói rộng ra là phụ lòng cấp ủy chính quyền địa phương đấy. Chúng tôi biết chị là người học cao, nghề nghiệp giỏi lại có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia đình chị phải hoàn thiện, về lâu dài chị còn phải gánh vác công việc của chính quyền thôn xã chứ. Nghe tôi chị nên suy nghĩ cho thật chín chắn.
- Cảm ơn, là bác sĩ trước khi làm việc gì chúng cháu đều thận trọng và chín chắn, bác khỏi lo.
Giọng Dần khô lạnh, lão Bình Động thấy hết nhẽ đành đứng dậy. Lão khuất vào đêm cùng với bao nhiêu tính toán đen tối. Lão vẫn thường xuyên lẽo nhẽo đến cái trạm xá, lão xoay đủ các chiêu nhưng đều ngoài tai Dần cả. Một đêm tháng hạ, lão đến vào lúc trời đang nổi cơn giông, thằng cu Nghị đi học nhóm ở nhà bạn chưa về, thấy có mình Dần, lão sà vào ngồi ngay cạnh cái bàn Dần đang làm việc, giọng lão suồng sã:
- Dần nghe tôi, tôi sẽ cho xây cái trạm này thật to, cho Dần làm phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội, kiêm làm trưởng cái trạm xá này. Nay mai cơ chế mới mở ra nó sẽ biến thành của riêng ta hết.
Vừa nói lão vừa kéo cái ghế nhích lại chỗ Dần, nhe hàm răng trắng hởn cười hềnh hệch. Không để lão kịp giở trò, Dần tút cái dép đập bốp vào mặt lão rồi mở toang cánh cửa. Lão nhào xuống bám lấy chân Dần:
- Chị đừng làm to chuyện, mà tôi cũng đã làm gì đâu, thôi đóng cửa bảo nhau, tôi về đây.
Bóng lão lại lẫn vào đêm tối. Dần ngồi bệt xuống giường nhìn theo cái bóng đen ngòm của lão lòng tự nhiên nhói lên nỗi đau tê buốt! Dần không thể tưởng tượng được ở cuộc đời này lại có những người lãnh đạo như thế. Lão ta còn bỉ ổi hơn tay bệnh viện trưởng nhiều. Rõ ràng sự sa đọa về phẩm chất đang từng ngày sinh nở và cứ từng bước nhơn nhơn lấn chiếm vào tâm hoa của đời sống đang tốt đẹp của con người mà những tâm hoa ấy dân tộc, con người trong đó có cả Hữu và Dần phải đổ bao nhiêu xương máu mới giành giựt, xây đắp lên được! Dần thấy đau thêm cho cái núi xác ở Trường Sơn! Nước mắt Dần cứ ứa ra. Lúc này thằng cu Nghị cũng lách cơn giông từ nhà bạn chạy về. Nó đẩy cửa bắt gặp hình ảnh mẹ đang lau mắt dưới ngọn đèn, nó ngơ ngác hỏi:
- Me làm sao thế? - Và nó nhào đến ôm lấy vai Dần.
Dần nắm lấy tay con nâng niu:
- Mẹ ngồi một mình, tự nhiên gặp cơn ác mộng. Mẹ gặp ông bà nội ngoại của con, lại có cả ông Bành, bà lang Đồng Mụng nữa đi trong trời mưa, vượt qua bao nhiêu sông suối, bao nhiêu bãi bom tìm bố con nhưng không gặp. Khi nhìn thấy mẹ, tất cả bỗng tan vào làn sương chiều tím thẫm. Mẹ nhìn theo chỉ thấy cánh đồng nhập nhòe toàn đom đóm bay, mẹ như thấy bố con ngày còn nhỏ cứ đêm đêm ra chỗ đám ma gò Hồn bắt đom đóm thả vào chai làm đèn học bài, thương bố quá thế là nước mắt cứ trào ra. Con đẩy cửa vào, tỉnh ra mẹ mới biết là mình mơ!...
Nói rồi Dần kéo cu Nghị vào lòng cứ thế vuốt ve khắp người nó. Cu Nghị thỏ thẻ:
- Thế mà mẹ chả giữ lấy bố để con biết mặt.
Câu nói ngô nghếch của con làm nước mắt Dần lại ứa ra, Dần cứ ngồi lặng ôm con dưới đèn. Thằng cu Nghị cũng lịm ngủ trên lòng Dần. Dần cứ ngồi bo con như thế, ánh đèn về khuya hắt lên vách liếp những hình thù kỳ quái như báo cho Dần biết trước: "Nếu mẹ con cứ ở đây sẽ có biến". Dần rùng người nhớ lại câu chuyện của lão Bình Động lúc chập tối. Dần biết ngày mai Dần phải làm gì. Vốn là một bác sĩ, Dần không bao giờ nghĩ đến việc phụ ai nên trong hoàn cảnh này Dần đành chọn cái chiêu: Mình không phụ ai nhưng cũng không chờ để ai phụ mình. Thế là ngay tức khắc khi trời sáng ra Dần thu dọn đồ đạc tư nhân của hai mẹ con thuê một chuyến xe quyệt trở về nhà ông anh trai ở và ngay buổi chiều khi trụ sở ủy ban hành chính xã mở cửa Dần đến thẳng phòng ông chủ tịch xã trao trả cái chìa khóa nhà trạm xá. Ông chủ tịch gặng hỏi mãi nguyên do, Dần cũng chỉ một mực:
- Cháu không thích làm cán bộ, cháu muốn tự do, bác đừng ngại, dù không làm trực tiếp ở trạm xá nhưng cháu vẫn hết lòng với bệnh xá, với bà con làng xã mình là được...
- Nhưng xã muốn có một người đứng đầu để còn phát triển ngành y tế của xã, cháu cố gắng bác sẽ bàn để tăng chế độ quyền lợi thích hơp cho hai mẹ con đủ sống để làm việc...
- Cháu đã nói rồi mà, bác ép cũng vậy thôi...
- Hay là có chuyện gì không hay với cháu?
- Không có chuyện gì đâu bác ạ! Cái lẽ chính là cháu thích được tự do... là bác sĩ thì cứ gì phải ở trạm xá mới cứu được người!...
- Cháu nói thế thì bác chịu- ễng chủ tịch xã lắc đầu.
Dần đặt cái chìa khóa lên mặt bàn trước mặt ông quay đầu đi thẳng. Dần biết những ngày mới sẽ xảy ra với Dần sẽ còn lạ lùng và khó nhọc hơn. Nhưng Dần tin bà con làng xã sẽ cưu mang Dần và tạo điều kiện để mẹ con Dần sinh sống và làm viêc. Dần nhẹ bước trên đê, gió trưa lồng lộng thổi, sông lô mùa hạ cuồn cuộn màu đỏ gợi ra trong lòng Dần những ngày tuổi thơ gió nắng trên đồng nội. Dần thấy nhớ Hữu da diết. Nhớ Hữu Dần lại càng thương cu Nghị, đứa con đầy huyền thoại của một mối tình sinh ra trong nhiều hoàn cảnh. Dần càng thấy trách nhiệm với con càng to lớn hơn. Lòng Dần cồn lên những suy tính rối bời.
Về đến nhà, chiều cũng bắt đầu tụt xuống bên kia núi Aí, vợ chồng người anh trai Dần đang xoay trần với đàn lợn nái vừa tòi ra. Nhìn thấy em, bà chị dâu ái ngại:
- Cô bỏ cái trạm xá thì vất vả lắm, công việc ruộng đồng nhọc nhằn lắm, cô làm sao nổi...
- Anh chi khỏi lo, em chỉ nhờ anh chị vài bữa, em sẽ ở riêng...
- Riêng tây, bây giờ có chỗ nào mà làm nhà, mà cô bỏ trạm xá, còn lâu xã người ta mới cho đất. Đất lề quê thói không đơn giản đâu cô ạ! - Người anh của Dần phàn nàn.
Dần bảo:
- Những điều anh nói em tính được rồi, anh khỏi lo. Em nhờ anh chị mấy bữa, dọn dẹp xong nhà em sẽ chuyển ra ở riêng ngay.
- Vợ chồng tôi có đuổi cô đâu. Bố mẹ mất, chúng mình còn anh còn em chứ. Tôi nói thế là để cô thấy cái khó của làng xã thời buổi bây giờ.
- Vâng, em cũng biết thế, nhưng em vẫn có đất, có nhà, em sẽ dọn dẹp, sửa sang ngôi nhà của bà lang...
- Bà lang Bành?...
- Vâng, em là vợ của Hữu cơ mà, anh chị quên sao?
- Anh biết, nhưng có ai người ta thừa nhận đâu!
- Em tự thừa nhận là đủ rồi. Còn quyền hạn sử dụng ngôi nhà ấy em đã có di chúc của bà lang...
Vợ chồng người anh của Dần đứng lặng nhìn Dần và cứ thở hắt ra! Những ngày sau đó mẹ con Dần chuyển về ngôi nhà của bà lang như một định mệnh.