Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 44
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ội Hải chỉ mới làm việc ở P.C Huyện được ba tháng, nhưng đã được đại úy Thalan cho là một sĩ quan mẫu mực. Ông thích sự trang nghiêm, trách nhiệm. Đối với cấp trên, ông kính trọng nhưng không hề quỵ lụy, nịnh nọt. Đối với cấp dưới, ông hòa nhã nhưng nghiêm khắc. Đối với ông, chỉ có kỷ luật, hành động và hiệu quả là trên hết. Ông là vị chỉ huy tử tế, đứng đắn, cấp dưới quý mến nhưng khó gần, bởi vì ông không tán chuyện tầm phào hoặc tâm sự riêng. Tuy nhiên, vẫn có một lần ông nói với Hải:
- Thuở trẻ, lúc còn đi học, tôi đã có khi mơ tưởng sẽ làm thầy giáo. Do vậy, khi biết ông đã làm nghề đó, tôi có cảm tình và nhận ông ngay. Mà thật quả, tôi đã không lầm. Ông thành thạo tiếng Pháp và rất có trách nhiệm... Làm người, tôi đánh cao nhất sự công chính. Tuy là trong chiến tranh, tuy rằng cái chết luôn kề cận, chúng ta vẫn cần đến sự công chính.
Đại úy Thalan sang Đông Dương một mình. Vợ và cô con gái ở lại Toulouse. Bà vợ của ông cũng là nhà giáo. Thalan đồng âm với từ Talent nghĩa là tài năng, cấp dưới, có người lợi dụng sự đồng âm đó để bợ đỡ nịnh nọt. Ông cười mà rằng: “Tôi không dám nhận cái nghĩa tài năng. Trong quân sự, hoàn thành trách nhiệm đã là tốt. Còn tài năng quân sự ư? Đó là con người hoàn thành nhiệm vụ mà lại tốn ít sinh mạng con người. Có khi thất bại ở cái nhỏ mà lại hoàn thành cái lớn. Điều ấy rất khó nên tôi không dám nhận”. Trước khi về P.C Huyện, ông chỉ huy bốt Thằn Lằn nên người ta còn gọi ông là Tây Thằn Lằn (Chữ Thalan cũng gần âm với Thằn Lằn).
Người đại úy thứ hai ở P.C mà đội Hải chú ý: Đó là trung úy Bernard, viên sĩ quan Tây lai phụ trách phòng nhì. Không là chỉ huy trưởng, nhưng quyền hành của Bernard rất to. Sự sống chết của con người trong khu vực đều nằm trong tay ông ta. Bernard, mắt xanh mũi lõ đặc Tây, nhưng tóc đen và vóc dáng lùn so với Tây nên người trong vùng vẫn gọi là tây lùn. Một đặc điểm đáng chú ý nữa là Bernard rất sõi tiếng Việt, song chỉ nói tiếng Pháp, không bao giờ tự nói tiếng Việt, khi giao tiếp với người bị bắt đều thông qua phiên dịch.
Một đặc tính đáng nể của Bernard là ít nói và kín đáo, điều này hắn học được từ ông cậu cường hào của hắn. Hắn rất kiêu hãnh vì đức tính này, song hắn không bao giờ thừa nhận là đức tính ấy hắn thừa hưởng được từ bên ngoại.
Đội Hải ít giao tiếp với Bernard. Chỉ có một lần viên thiếu úy phiên dịch phòng nhì đi vắng, Hải được điều tới phiên dịch cho cuộc hỏi cung. Người bị hỏi cung là một thanh niên mặc quần áo nâu, mặt mày sưng tím. Bernard bảo:
- Hãy nói với anh ta là đừng bướng nữa. Chúng ta đã biết hết. Rằng anh ta là bộ đội Việt Minh. Rằng anh ta không phải người vùng này. Giọng nói đã tố cáo anh ta là người Sơn Tây. Nghe đã biết ngay anh ta là người ở Phùng. Chỉ cần biết anh ta tên là gì. Rồi quê quán, đơn vi nào, bao nhiêu tuổi.
Đội Hải định dịch lời nói đó thì Bernard dặn thêm:
- Không cần gay gắt. Chỉ nói mềm dẻo là đủ. Làm sao để anh ta đừng sợ. Bảo anh ta rằng những điều ấy không làm tổn hại gì đến phẩm cách của anh ta.
Người thanh niên ngẫm nghĩ một lát rồi khai:
- Tên anh là Mỗ. Mười tám tuổi. Quê ở Phùng. Ở C15 đơn vị độc lập của tỉnh đội. Được về phép. Đi lạc đường.
Bernard nghe xong cho lui. Hải hỏi cuộc hỏi cung chỉ nhẹ nhàng như thế thôi sao, Bernard cười:
- Nó đã bị tẩn hai trận rồi. Lần trước không nhận là bộ đội. Lần này đã chịu nhận. Thằng này còn trẻ măng, chắc mới vào lính. Ở nó chẳng có nhiều điều để khai thác. Chỉ cần biết nó ở đơn vị nào. Thế là đủ. Tối nay lại tẩn cho một trận và hỏi những câu hỏi như cũ. Nếu nó thòi ra điểm mới thì tiếp tục khai thác. Nếu nó khai như cũ thì mai lại hỏi như cũ. Khai thác đúng ba ngày, không có gì mới thì cho đi tấn công.
Bernard mời Hải hút thuốc rồi nói:
- Tôi chưa nói chuyện với anh, nhưng chúng tôi biết về anh. Quản Mật có báo cáo chi tiết về anh. Anh là em họ Bùi Văn ốChủ tịch Tỉnh. Ông Mật cho chuyện ấy là quan trọng. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Chú là chú. Cháu là cháu. Ai làm người ấy chịu. Vả lại anh đã được học trường của người Pháp chúng tôi. Và tôi cũng báo cho anh biết điều này: Anh vào hàng ngũ chúng tôi, tuy anh không cầm súng bắn vào Việt Minh, nhưng vị trí của anh rất quan trọng, vì rằng anh ở ngay trong bộ phận đầu não của người Pháp ở khu vực này. Đối với chúng tôi, cũng phải rất tin cậy anh. Vì thế, đối với Việt Minh họ coi anh còn nguy hiểm hơn cả những người lính bảo hoàng mà họ gọi là Việt gian.
Hải không hiểu nổi đấy là lời tâm sự của Bernard hay chỉ là những lời đe dọa bóng gió, cũng có thể đó là những sự thật quá rõ ràng mà Hải không muốn được nói ra.
Người Pháp thứ ba Hải chú ý là chuẩn úy Gustave. Một anh chàng đậm người, tính tình vui vẻ cởi mở. Cùng trạc tuổi trên ba mươi như nhau. Gustave là lái xe của đại úy Thalan. Có lúc còn làm thư ký, làm điện thoại viên cho sếp của mình. Hai người cùng phục vụ cho một chủ nên hàng ngày thường cùng ngồi trên một xe díp. Sự tiếp xúc thường nhật đã dần dần gắn bó họ với nhau.
Những buổi tối rỗi rãi, họ thường đến mess (phòng ăn) hạ sĩ quan, hút thuốc lá mù trời và uống rượu. Những người lính kề cận cái chết thường có nhu cầu tâm sự, nhất là khi đã uống được vài chén rượu. Gustave hỏi Hải:
- Cậu có biết tại sao tôi thích chơi với cậu không?
- Không.
- Vì cậu là người Việt. Đơn giản thế thôi.
- Tại sao?
- Thế này nhé. Năm ngoái mình đóng quân ở Hải Dương. Mình chơi thân với một caporal (cai) người Việt. Cậu ta dạy mình học tiếng Việt. Mình bảo cậu ta trước tiên hãy dạy mình những từ chết chóc. Thế là mình học được chữ “giết” chữ “bắn”, chữ “đâm, chém”, chữ “phục kích”... Một bận đội xe của mình xuống Hải Phòng lấy hàng. Mình đi bộ lảng vảng trong dám phu khuân vác. Họ tưởng mình không biết tiếng Việt nên nói chuyện thoải mái. Mình nghe không hiểu hết, nhưng hiểu láng máng được mấy từ như “thằng mũi lõ” rồi “giết”, rồi “phục kích”... Thế là, nhân thể ông trung úy bảo hàng nhiều phải tổ chức hai toán chuyên chở: một toán đi tối hôm ấy, một toán sáng hôm sau. Toán đi tối về sẽ nghỉ một ngày. Đi tối trời mát lại dược nghỉ, nhưng vì đã nghe láng máng lời của bọn phu khuân vác nên mình đi toán sau. Quả nhiên vào hồi chín giờ tối hôm ấy, toán xe chở hàng bị đánh mìn cách Hải Dương tám kilômét. Năm xe hàng bị đốt cháy, chết bốn người, ba người bị thương. Hải Dương phải đem quân đến ứng cứu, nếu không sẻ bị tiêu diệt toàn bộ. Và mình hiểu biết tiếng Việt có lợi như thế nào.
Hai người cùng cười to. Và Hải bằng lòng hàng ngày sẽ dạy Gustave học tiếng Việt. Để chiêu đãi ông thầy giáo, Gustave đêm ấy mua một chai Cognac. Và lẽ dĩ nhiên, rượu nhiều, thì lời cũng nhiều. Gustave:
- Ông có biết tháng trước tôi vừa nhận được thư không?
- Vui chứ?
- Vừa vui, vừa buồn.
- Thư của vợ?
- Không, của bạn. Nó báo tin rằng mẹ mình rất khỏe vẫn chờ ngày mình hết hạn trở về... Nhưng... Cũng chính vì lá thư ấy mà... lão Bernard gọi mình lên gặp.
- Gặp phòng nhì sao?
Gustave không trả lời mà uống ực luôn nửa cốc Cognac. Hắn im lặng hồi lâu rồi kể:
- Đúng chín giờ mình vào phòng, quần áo chỉnh tề., biết căn phòng của trung úy Bernard rồi chứ. Căn phòng lạnh lẽo. Chỉ độc một cái bàn làm việc và cái tủ hồ sơ, trong đó giấu một chai rượu mạnh...
Ông ta hỏi tôi bằng cái giọng tươi cười thoải mái:
- Chuẩn úy biết mục đích của cuộc gặp này rồi chứ?
- Trung úy Bernard không nói mục đích, nhưng tôi biết.
- Phải. Tháng trước, anh có nhận được thư từ Pháp sang.
- Vâng, thư của Pierre, một người bạn.
- Bộ phận kiểm duyệt thư tín trong quân đội Pháp đã bóc lá thư ấy, và chép lại nội dung.
- Vâng tôi biết. Đó là phép tắc ở Đông Dương, tôi đã được phổ biến.
- Tại sao anh sang Đông Dương?
- Vì lý do riêng tư.
- Xin nói rõ.
- Tôi vào quân đội trong kháng chiến chống Đức phát xít. Khi phát xít thua, vợ tôi muốn tôi giải ngũ, nhưng vì tôi còn phải giúp đỡ mẹ và nhà tôi nghèo nên chưa thể giải ngũ được. Vợ tôi đã đi với người đàn ông khác nên tôi tình nguyện sang Đông Dương.
- Trong lá thư vừa rồi có nói vợ anh đã tái hôn.
- Vâng, tôi hiểu chuyện ấy phải xảy ra.
- Bạn anh còn nói cuộc chiến tranh Đông Dương là cuộc chiến tranh chủ nghĩa thực dân, rằng cuộc chiến tranh ấy sẽ thất bại. Anh nghĩ thế nào?
- Tôi là một người lính của nước Pháp. Không người lính nào lại muốn Tổ quốc mình thua trận.
- Anh quen Pierre, bạn anh từ nhỏ sao?
- Không. Tôi quen Pierre trong cuộc kháng chiến. Pierre chống phát xít, anh ấy bị thương ở chân.
- Nhưng Pierre là cộng sản. Anh có biết điều đó không?
- Lẽ dĩ nhiên tôi biết. Nhưng người ta kết bạn với nhau không cần biết đến đảng phái. Pierre là bạn tốt của tôi. Khi tôi sang Đông Dương, Pierre giúp đỡ mẹ tôi rất nhiều.
- Và anh ta cũng tuyên truyền cho anh khá nhiều.
- Mỗi người một con đường. Tôi là một người lính Pháp. Tôi đã làm trọn bổn phận một người lính. Tôi cũng là một công dân Pháp tốt.
- Chúng tôi hiểu. Trong trận xe bị phục kích ở đường huyện lộ, đại úy Thalan bị thương, anh đã chiến đấu đánh lui Việt Minh cứu sống đồn trưởng và được thưởng Huân chương.
- Cám ơn đại úy đã đọc kỹ hồ sơ của tôi.
- Tôi đọc hồ sơ, biết chuẩn úy rất thân với những người lính Việt chiến đấu trong hàng ngủ chúng ta. Anh nghĩ thế nào về họ.
- Họ là những người Collaborateur [1].
- Collaborateur ư? Không phải? Họ là những người cộng sản thì đúng hơn.
- Có phần nào sự thật ở đấy. Bởi vì Việt Minh do cộng sản lãnh đạo, nhưng họ cũng chiến đấu giành độc lập cho đất nước họ. Sự thực, người dân Việt vẫn gọi họ là Việt gian cái từ ấy giống nghĩa với từ Collaborateur của nước Pháp chúng ta.
- Kể ra cũng bi kịch cho họ thật.
- Không biết sau chiến tranh họ sẽ ra sao? Ở nước Pháp, tôi đã nhìn thấy những người hợp tác với Đức sau thế chiến II bị cạo trọc đầu giải đi trên đường phố.
- Chuẩn úy vẫn học tiếng Việt?
- Vâng. Trong chiến tranh, nếu không hiểu đối phương thì thắng sao nổi đối phương.
Khi sư cụ Vô Úy bị bắt giải lên P.C Huyện, Bernard hỏi cung, sư cụ khai:
- Tôi đi tu từ lúc nhỏ. Từ đó chỉ biết tu hành. Không hề bao giờ dính líu đến việc trần thế.
Hỏi:
- Vậy sao ở bờ ao có hầm bí mật?
- Vườn chùa rất rộng. Ao chùa cách xa nhà chùa. Du kích đào ban đêm, họ làm bí mật, làm sao tôi biết được.
Lại hỏi:
- Vô Trần với ông là thế nào? Ông ta có liên lạc với ông không?
- Ông Trần là sư đệ của tôi. Sau này ông ta xuất đạo, lấy vợ. Ông ta làm việc đời, không dính líu với việc nhà chùa.
Bất cứ ai bị bắt lên P.C Huyện đều bị tra tấn. Sư cụ Vô úy cũng không thoát. Bị đánh đau, sư cụ kêu to nhưng hết đánh lại niệm Phật. Nhìn một ông già máu me đầm đìa, nhắm mắt lại, miệng lẩm nhẩm A di đà Phật, ngay đến cả bọn lính phòng lài giết người không ghê tay, cũng phải lắc đầu ngạc nhiên và chùn tay. Bernard hỏi đội Hải:
- Có thực ông sư này và huyện đội trưởng Vô Trần không liên hệ với nhau?
- Con ông Trần là học trò của tôi. Nó không bao giờ bén mảng lên chùa. Bị trẻ con trong làng chế giễu bố nó là sư hổ mang nên nó thù ghét nhà chùa. Mẹ nó là bà Nấm thì bị người ta chế giễu là loại đàn bà “bỏ bùa cho sư” nên chị ta có vẻ ngượng với dân làng, không đi lễ chùa bao giờ. Còn Vô Trần thì đi biền biệt, chả mấy khi ló mặt về làng.
- Thế sư Độ thì sao?
- Ông ta là người thiên hạ, nghe nói chịu ơn sư cụ nên cắt tóc đi tu. Công việc đồng áng của chùa đều do một tay ông cáng đáng.
Bernard cười to, hỏi tiếp, vừa hỏi vừa nháy mắt:
- Còn cô Nguyệt xinh đẹp?
- Cô ấy cũng côi cút được nhà chùa nhặt về. Nói chung, ở nước chúng tôi, nhà chùa chỉ làm những việc thiện, việc nhân đức.
- Ờ ờ... ông sư khai cô ta lên tỉnh mua sắm để làm đám cưới với ông. Xem ra, ông sư này giống như ông bố vợ của ông thông ngôn. Tôi nói thế có đúng không?
- Dạ, cũng đúng ạ. Tôi cũng định xin phép...
- Ông thông ngôn muốn vào thăm sư cụ chứ gì. Thôi được. Tôi cũng nể tình cho phép. Nhưng cũng nên khuyên nhủ ông cụ, có biết gì thì cứ khai hết ra. Khai hết thì tôi cho về chùa mà tu Phật.
Hải vào nhà giam, thấy mặt mũi sư Vô Úy sưng vù còn có cả những vết máu khô. Anh rơm rớm nước mắt. Sư cụ đang ngồi bằng tròn niệm Phật, mở mắt ra bảo Hải:
- Anh đừng lo. Tôi bị đánh, nhưng không chết đâu mà sợ. Cái nghiệp của tôi phải vậy. Sư tổ lúc gần tắt thở, cố sống cho đến lúc tôi về và dặn: “Con phải giữ chùa vào thời loạn lạc, phải chịu gánh nhiều tai nạn. Nhưng thầy tin con sẽ giữ vững được chùa làng qua cơn bão tố. Tôi sẽ về thôi nhưng anh nhớ báo cho cô Nguyệt và sư bác đừng về lúc này. Họ còn trẻ... Nguy hiểm lắm”.
Bernard, tối hôm ấy, lại hỏi Hải:
- Ông sư già nói gì?
- Dạ, sư cụ bảo là người tu hành, chỉ biết có Phật, không biết chuyện đời.
Sáng hôm sau, sư Vô Úy lại phải trải qua một trận tra tấn dữ dội hơn. Ông cụ vẫn một mực A di đà Phật. Bọn lính phòng nhì đánh gẫy chân trái của cụ, cái chân vốn đã đau từ xưa. Sư Vô Úy ngất đi. Tỉnh dậy, ông lại A di đà Phật.
Một tháng sau, không có chứng cứ gì, Bernard đành thả cụ ra.
Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, một tờ báo tiếng Việt có đăng một bài báo viết về tình hình nông dân vùng phụ cận thành phố Hà Nội. Có một số dòng nói về các chùa chiền, có nhắc tới trường hợp một vị sư già bị bắt oan, bị đánh đập đến nỗi gãy cả chân. Và có viết về một viên chỉ huy đồn lợi dụng quyền lực, dọa nạt dân quê để bóp nặn. Sau bài báo có tính tổng quát đó, số sau tờ báo ấy lại đăng một bài có nhan đề là “Một vụ tham nhũng trá hình”. Bài báo kể lại một đám khao thượng thọ ở một làng quê. Đám khao có lính bồng súng. Đám khao bắt cả làng đi mừng, cả vùng đi mừng. Bài báo phân tích cái hại của bọn cường hào, bọn có quyền đã bôi nhọ chính nghĩa quốc gia và đẩy người dân ngả vào tay Việt Minh. Điều ngạc nhiên là hai tấm ảnh: một tấm chụp một người lính bảo hoàng tay cầm súng đứng trước cái cổng gạch nhà ông chánh Long, tấm thứ hai chụp ba bốn người dân đứng trước bàn ghi danh sách người dân quê bị bắt buộc phải đi mừng.
Khi đọc tờ báo, quản Mật tức giận, lồng lộn. Hắn bảo:
- Ảnh này là của hai thằng thợ ảnh phố huyện.
Lập tức, Mật cùng hai vệ sĩ tới hiệu ảnh. Người thợ ảnh là một ông trung niên, tóc gọng kính, run cầm cập khi hai tên vệ sĩ túm ngực:
- Mày dám chơi tao. Muốn chết hả. - Quản Mật nói xong quăng tờ báo vào mặt ông thợ ảnh.
Thợ ảnh nhìn hai bức ảnh, lắc đầu quầy quậy:
- Quan quản nhầm rồi. Tôi, họa có là gan cóc tía, cũng chẳng dám làm việc này. Quan làm khao, có thuê tôi chụp ảnh đâu. Có điều gì nhầm lẫn ở đây. Tôi chưa hề đến chụp tại nhà. Tôi chụp ngay tại hiệu cũng không hết việc.
Lúc này, Mật mới chú ý nhìn gã thợ ảnh. Mớ tóc dài đít vịt bôi bi-dăng-tin bóng nhẫy, chải lật sang hai bên tai, bị xõa xuống như hai cánh gà rù; thỉnh thoảng lão phải đỡ tóc lên giắt vào hai vành tai. Mà đúng thật! Cái tay thợ ảnh hôm ấy trẻ hơn nhiều, đẹp trai hơn nhiều, tóc lại cắt ngắn, có vẻ là người thành phố sành điệu chứ đâu có như lão thợ quê gà rù này. Quản Mật ngắm kỹ rồi đi đến kết luận là mình đã mắc bẫy bọn nhà báo ở Hà Nội. Quản Mật lần trở lại những sự việc. Đúng bọn thợ ảnh này khác thường thật. Mình mời cơm, chúng không ăn. Khi trả ảnh, chúng không đến nhà mà lại gửi đến Phòng hành chính của quận. Ừ! Sao hôm đó mình hớ thế. Tại sao lại không hỏi giấy căn cước, giấy phép hành nghề. Thời loạn, chụp ảnh đâu phải dễ. Nhỡ ra ảnh chụp những bí mật quân sự thì sao? Có phải đúng chúng là nhà báo không?
Quản Mật cũng không nghĩ được xa hơn nữa. Bởi vì đây là việc của P.C Huyện. Thalan thực ra rất tin ở Mật. Bố trí những đồn bốt để mở rộng quyền kiểm soát và ngăn sự bành trướng của Việt Minh là nhiệm vụ của ông. Con sông Đào là phân tuyến giữa vùng du kích và vùng của Pháp. Sự lan tỏa ảnh hưởng của một đồn bốt là ba kilômét. Nếu không có bốt Đình Sọ, nơi ấy sẽ thành một lỗ hổng lớn để du kích từ bên kia sông đột nhập. Để bình định và lan tỏa thì không gì tốt hơn bằng dùng người địa phương. Do vậy, Thalan cho Mật làm sếp đồn Sọ. Thalan nghĩ: “Thời kỳ cắm chốt đã xong. Quản Mật là tay đắc lực, nhưng không thể hoàn toàn tin cậy được. Bởi vì dưới quyền Mật là một trung đội lính Việt bổ sung. Tới đây sẽ thêm hai trung đội nữa. Ít nhất phải có hai người Pháp ở đồn này. Đây không phải đơn vị của quân đội Bảo Đại. Họ là những người Việt tự nguyện đầu quân vào đội quân viễn chinh Pháp. Phần lớn, họ là những giáo dân và những người có thù hận với Việt Minh. Nhưng dù sao họ cũng vẫn là những người Việt”.
Chuẩn úy Gustave được cử làm trưởng đồn chỉ huy bốt Đình Sọ. Quản Mật thực ra cũng không ngạc nhiên. Hắn biết bài báo đã có ảnh hưởng đến chuyện này. Mặt khác, hắn cũng biết bốt Sọ được tăng quân số lên tới ba trung đội, và một viên quản như hắn cũng không được đủ tin cậy để chỉ huy một toán quân như vậy. Gustave nói với Mật:
- Tôi nghĩ mọi việc vẫn được tiến hành như trước. Anh làm phụ tá cho tôi. Một người thông thạo địa phương như anh là một thuận lợi lớn cho công việc của chúng ta.
- Cám ơn chuẩn úy.
- Thời gian tới, anh cắt cử các trung đội trực đêm, trực ngày. Thời gian vừa qua ở P.C., tôi chỉ thấy đội tuần đêm đi theo dọc phố. Tôi nghe nói, ở đây, anh tổ chức được đội tuần đêm đi cách xa bốt đến ba cây số.
- Điều này tôi học được ở Việt Minh. Ở các bốt khác chỉ đi toàn đêm gần bốt. Tôi thích yếu tố bất ngờ. Du kích bảo chúng ta chỉ làm chủ ban ngày, còn ban đêm là của họ. Chúng ta có cái lợi toàn lính Việt. Họ cũng là nông dân, cũng can đảm. Tôi cho họ mặc quần áo nâu và đêm cũng đi phục kích như Việt Minh. Nếu đụng độ du kích, họ không sợ vì được trang bị toàn súng tự động. Hỏa lực của ta mạnh hơn.
Gustave gật đầu cười:
- Như vậy ta luôn ở tư thế chủ động chứ không phòng thụ động. Vậy thời gian tới anh cứ lo canh gác và tuần tra ban đêm. Còn tôi sẽ lo việc xây dựng lại vòng lô-cốt phòng thủ bên ngoài. Chúng ta phải lo đến những cuộc tấn công quy hàng tiểu đoàn của đối phương.
Khi nói chuyện với Mật, Gustave nghĩ tới Thalan. Viên đại úy này là một người lính Pháp đích thực. Đại úy tốt nghiệp Saint Cyr, đã tham gia chống phát xít Đức, một con người bốc lửa nhiệt tình vì vinh quang của nước Pháp. Chính khi quân Pháp thua to ở đường số 4, phải rút khỏi dọc biên giới, quân viễn chinh ở Hà Nội nhốn nháo, người ta đã nghĩ tới sự sụp đổ của sự thống trị của Pháp tại Đông Dương, thì riêng Thalan vẫn không tin điều đó. Ngay lúc đó ông đã tình nguyện đến P.C Huyện để thay thế cho viên chỉ huy ở đó bị thương nặng.
Vậy nên, khi tướng năm sao Jean de Lattre de Tasigny đến Đông Dương, thì đại úy tưởng như mình được hồi sinh nhờ một thần dược. Ông ta kêu lên: “Danh tướng bậc nhất của nước Pháp, vị cứu tinh cho danh dự nước Pháp đã đến rồi. Lá cờ tam tài từ nay sẽ phần phật tung bay kiêu hãnh trên đất Đông Dương”. Cũng dễ hiểu, khi Gustave thấy ông đại úy nhiệt thành ca tụng vị tướng năm sao của mình. Trước khi Gustave xuống đồn Sọ, Thalan giảng giải cho viên chuẩn úy:
- Cậu cũng biết rõ là tôi rất quý cậu. Cậu lái xe giỏi, nhưng tôi biết cậu còn là một chiến binh giỏi hơn. Lái xe ư, tôi dễ dàng tìm ngay được người thay thế. Nhưng còn đồn trưởng đồn Sọ, tôi đã nghĩ kỹ rồi, sẽ chẳng có ai thay thế được cậu.
Viên đại úy dừng lại để châm điếu thuốc. Trước khi viên chuẩn úy thân tín của ông xuống đồn Sọ, có lẽ ông ta muốn châm lửa, truyền lửa, làm sao để cho tình yêu nước Pháp được bùng cháy rừng rực trong trái tim Gustave.
- Cậu đã được nghe chiến lược bình định Bắc Kỳ rất tuyệt vời của đại tướng De Lattre chưa. Thế này nhé. Đại tướng đang cho xây một hệ thống lô-cốt Bunker bao vây lấy đồng bằng sông Hồng. Nó ngăn không cho Việt Minh từ Việt Bắc thâm nhập vùng vựa lúa. Nó cũng là hàng rào ngăn cản dòng lũ cộng sản từ Trung Quốc tràn xuống. Nó không giống như chiến lũy Maginot cổ điển, mà là một chiến lũy thời chiến tranh hiện đại. Hàng nghìn những lô-cốt Bunker. Cậu hỏi giữa hai bốt là những răng kẽ hở ư? Không lo. Ở những khoảng cách đó ta có những đơn vị commăngđô (xung kích). Chỉ cần một người Pháp chỉ huy một trăm lính Việt, ta sẽ bịt kín những lỗ hổng đó. Và chính cậu là người đang thực hiện cái chiến thuật vĩ đại của ngài De Lattre. Cậu đã thấy vinh dự của mình chưa?
Điếu thuốc lá không được rít đã cháy sát ngón tay đại úy, ông quăng mạnh rồi châm điếu khác. Gustave thấy bàn tay Thalan run run. Ông lại tiếp tục hùng biện:
- Cậu thấy không. Một người Pháp chỉ huy một trăm người Việt. Đó là chưa kể những đơn vị quân đội hoàn toàn Việt Nam Quốc trưởng Bảo Đại với những sĩ quan là những trí thức học Trường sĩ quan Đà Lạt. Cuối cùng người Việt sẽ đảm nhiệm việc tiêu diệt Việt Minh. Họ là những người chống cộng thứ thiệt. Họ là vua Bảo Đại, là Đèo Văn Long, là Chao Quang Lồ, là Việt Nam Quốc Dân đảng, là lính Nùng, lính Thái, lính Mèo, lính Mường, là người theo đạo Thiên Chúa đầy rẫy ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình... Với những người lính đầy hận thù cộng sản ấy, ta sẽ làm cho Việt Minh thiếu lương thực, ta sẽ bình hoàn toàn vùng châu thổ sông Hồng. Trong cuộc chiến tranh ác liệt này, ai làm chủ đồng bằng, làm chủ thóc lúa, kẻ ấy sẽ thắng. Cậu hiểu chưa? Chính cậu phải làm những việc ấy.
Bốt Đình Sọ đã trở nên một công trường lớn. P.C Huyện cử xuống mười lăm người thợ đổ bê-tông lành nghề. Họ đã đi xây lô-cốt ở nơi khác về. Ba trung đội, thì lấy hai làm việc canh gác và tuần đêm. Còn trung đội thứ ba cũng tham gia xây bốt.
Chủ yếu xây dựng hệ thống phòng thủ thứ hai, vòng ngoài. Sau khi quan sát và tham khảo kỹ càng, Gustave vẽ một bản sơ đồ và trình đại úy Thalan. Có thể hình dung vòng ngoài bốt Sọ trông như một tam giác lớn. Ở ba đỉnh tam giác xây ba lô-cốt bê-tông nửa chìm nửa nổi, ở đây lính có thể trực tiếp chiến đấu chống lại sự tấn công từ bên ngoài và yểm trợ cho hai lô-cốt ở hai đỉnh tam giác còn lại.
Ở giữa sân đình là chòi quan sát cao tám mét, có thể dùng ống nhòm từ đây quan sát các làng chung quanh. Phía dưới đặt khẩu súng cối 60 có khả năng bắn chung quanh bốt trong trường hợp bị đôi phương tấn công. Sẽ xin thêm một súng cối 81 để bắn xa.
Nằm phía ngoài ba lô-cốt bê-tông là hàng rào dây thép gai. Cách một đoạn nữa là một đường mương sâu hai mét rộng bốn mét, được tháo nước vào, tạo thành một con sông phòng thủ. Nằm ngoài cùng là một bãi mìn rộng năm mét. Gustave hãnh diện nói với Thalan:
- Khi xây dựng xong, bốt này có thể chống lại sự tấn công của một trung đoàn đối phương.
Đại úy Thalan vỗ vai Gustave tỏ ý hài lòng. Ông chỉ thêm:
- Như tôi đã nói hệ thống phòng thủ của Vua Jean (người Pháp rất sùng bái De Lattre, gọi ông là Vua Jean) không có tính thụ động mà mang tính chủ động. Hệ thống là một chiến lũy dài dang dặc, như một tấm lưới ngăn Việt Minh từ phía bắc xuống đồng bằng. Các khe hở đối phương có thể xâm nhập là khoảng cách giữa hai đồn. Từ bốt Sọ lên tới bốt huyện là năm cây số. Vậy bốt Sọ không thể để lính nằm yên trong đồn, mà hàng đêm phải cho quân đi tuần xa đồn, hoặc phục kích xa đồn trong vòng ba cây số. Phải luôn có con mắt tình báo để nhận ra những biến động của đối phương quanh đồn, dù là biến động rất nhỏ.
Mười lăm lính thợ cộng với trung đội lính đồn ngày đêm xây dựng ba lô-cốt. Khi công binh đã rải kín hàng rào dây thép gai, thì quản Mật bắt hai thôn Sọ Đoài và Sọ Trung phải cử một trăm dân phu đến đào hào nước. Có mười gia đình lính người Việt ở trong đồn. Gustave sai những cô vợ lính cùng đi đào hào và trả lương họ gấp đôi. Nhiệm vụ của họ ngoài đào đất ra còn phải để mắt đến đám dân phu, bởi vì rất có thể Việt cho người trà trộn vào để nắm tình hình.
Đúng như mong đợi của Gustave, Thalan tăng cường hỏa lực cho bốt Sọ. Đại úy gửi thêm cho họ ba khẩu FM và một súng cối 81. Gustave xoa tay hứng thú:
- Như vậy từ nay ta có thể khống chế những làng ở cách ta năm kilômét vì tầm bắn của cối 81 là tám kilômét.
Nỗi vui mừng của viên chuẩn úy càng tăng vì ngoài súng đạn, Thalan còn cử cả đội Hải, phiên dịch viên xuống cho anh. Thực ra, anh chàng đội người Việt này có biết gì về đâu. Nhưng anh ta là một người bạn, một người có thể tâm sự được. Mặc dù quản Mật nói được tiếng Pháp, nhưng Gusta không gần được anh ta. Mặc dù chuẩn úy học tiếng Việt, nhưng đó vẫn chỉ là dăm câu nói bập bẹ. Không được nói tiếng mẹ đẻ, sống giữa những người ngoại chủng, giao tiếp bằng thu tiếng ngô ngô ngọng ngọng, lắm khi phải ra hiệu nhiều lần bằng tay mà cuối cùng đành phải lắc đầu, rồi nhờ Mật phiên dịch mà không biết sự phiên dịch ấy có chính xác không. Tất cả những điều đó làm Gustave thấy cô đơn, cảm thấy như bị lưu đày để rồi cuối cùng nhiều khi thấy sợ hãi. Đúng vậy, liệu ta có tin cậy được những người bản xứ này không. Phần lớn họ là người công giáo, họ thành tâm theo người Pháp, nhưng đằng sau những con mắt như u buồn kia không biết là những ý nghĩ gì. Nếu như trong đám lính này có một vài người theo phía bên kia thì sao? Có thể lắm chứ. Ở nước Pháp, thời kỳ Đức chiếm đóng, luôn xảy ra chuyện đó. Có những đêm, Gustave càng nghĩ càng thấy sợ. Do vậy, khi ngủ, anh luôn để súng cạnh người và cài chặt then cửa. Bởi vì khi ngủ, đó là lúc ta yếu nhất, bởi vì chính đại úy Thalan cũng dặn dò kỹ lưỡng khi Gustave xuống đồn Sọ: “Cái khó là ta phải vừa tin cậy họ vừa không thể tin cậy họ. Ngay đại tướng De Lattre cũng vậy, ông rất tin tưởng ở con bài Bảo Đại, tuy nhiên, ông vua da vàng này nghĩ gì, đại tướng cũng không hiểu nổi”. Chuẩn úy dang tay ôm lấy đội Hải:
- Tôi không ngờ đại úy lại hiểu tình trạng của tôi đến thế. Tôi đang phát rồ lên vì sự cô độc. Anh là thầy tôi, là bạn tôi, là tất cả những gì tôi cần thiết lúc này.
Đội Hải không bộc lộ tình cảm cuồng nhiệt như Gustave. Anh ta chỉ cười rất hiền từ và bình tĩnh nói một câu tiếng Pháp rất chuẩn về phát âm và văn phạm:
- Khi anh ra đi, trung úy Bernard điện ngay về Hà Nội xin một phiên dịch viên đã được tuyển chọn kỹ lưỡng. Đó là thiếu úy Lân đã đỗ tú tài phần một, trượt phần hai. Lân là con nhà công chức. Quân đội Pháp hứa, sau ba năm quân ngũ, sẽ cử anh sang Pháp học.
Sau hai tháng, bốt Sọ đã hoàn toàn giống như thiết kế mà Gustave mong đợi. Lúc này chuẩn úy chuyển sang kế hoạch củng cố thế lực của người Pháp ở các làng quanh bốt. Cách một, hai cây số gồm hai làng Trung và Đoài. Cách trên dưới ba cây số có làng Bùi Xá, Trịnh Xá và làng Thượng. Ngày nào, Gustave cũng đi cùng Hải đến nhà các hào lý của các làng để xem xét tình hình và để thông thuộc các đường ngang ngõ tắt. Vài buổi tối, người đồn trưởng đi theo Mật tuần tra lúc thì ở làng Bùi Xá, lúc thì Trịnh Xá. Đó là hai làng mà ban ngày vào ta thấy nhan nhản những khẩu hiệu của Việt Minh vẽ trên hròng. Nào là “Nông dân là quân chủ lực của cách mạng”, nào ta “Hỡi binh lính Pháp, hãy hồi hương”, nào là “Đả đảo Bảo Đại và bè lũ Việt gian bán nước”. Gustave đưa ra kế hoạch bình định hai thôn này. Đầu tiên là quân sự. Đang đêm bao vây làng Bùi. Du kích chống cự, liền đốt mười căn nhà nơi phát ra tiếng súng. Tập trung cả làng ra đình. Kẻ chỉ điểm trùm bao tải nhận mặt. Bắt người tình nghi lên phòng nhì P.C. Cuối cùng lập tề...
Gustave rất chú trọng đến tình báo. Phòng nhì P.. có hệ thống mật vụ riêng ở các làng. Gustave thu nhặt tin tức thông qua các hào lý và tay chân của họ. Đồn trưởng Sọ khuyến khích mật vụ bằng tiền thưởng. Ngoài ra, Gustave còn biết sử dụng cả những bà vợ lính trong đồn. Họ đi chợ Thượng hàng ngày. Ở chợ khối tin tức của các làng trong vùng. Các bà la cà ăn miếng trầu, uống miếng nước, nói chuyện tầm phào với những người quen. Vợ lính vốn người thiên hạ, nhưng đi chợ mãi, nhẵn mặt nhau, cuối cùng thành thân thiết với người dân các làng lúc nào không biết.
Sáng hôm ấy, một vợ lính báo cho Gustave:
- Lạ thật! Riêng làng Trung hôm nay bán năm con chó. Phiên trước có ba nhà.
Mật rất nhạy bén. Ông quản cười:
- Các ông du kích lại bắt đầu về làng Trung. Việt Minh thấy ta đang siết chặt làng Bùi và lỏng tay để làm yên dân làng Trung nên đã mon men đến gần bốt. Thảo nào...
Quản Mật thỉnh thoảng vẫn về nhà ông chánh Long, hút chơi điếu thuốc phiện ở bàn đèn của bố. Hắn nằm đấy nhưng luôn cảnh giác. Tiếng chó trong làng là tiếng chuông báo động của hắn. Thường thì những làng có cán bộ về đều vắng tiếng chó cắn. Chẳng ai cấm nhưng người dân tự động diệt chó, đe cho bước chân của người du kích không bị lộ.
Báo cáo hàng ngày của đồn trưởng viết về ngày hai mốt, sau phiên chợ Thượng như sau:
Nghe được tin diệt chó ở thôn Trung, buổi tối đồn trưởng Gustave đích thân đi tuần tra đêm. Mười giờ tối xuất phát. Đồn phó Mật ở lại chỉ huy đồn. Đội tuần tra gồm mười lính Việt, đồn trưởng và phiên dịch viên. Đồn phó Mật nói chùa Sọ là trọng điểm. Đội tuần tra phục trong vườn chùa.
Quả đúng như tin đồn ở chợ, cả làng không có tiếng chó, trừ ngôi nhà lớn của chánh tổng Long. Ở đấy có tới ba giọng chó khác nhau. Chùa Sọ cũng không có chó. Đồn trưởng cho vượt tường gạch vào hẳn trong chùa. Nghe thấy tiếng mõ. Nhìn vào đại điện, thấy có người đang gõ mõ, chú tiểu ngồi sau lưng buồn thiu, ngọn nến hiu hắt lúc tỏ lúc mờ. Phục ở chùa hơn một tiếng đồng hồ. Không thấy động tĩnh gì hết. Cho tới lúc chú tiểu dìu sư cụ đứng dậy chống nạng tập tễnh về buồng ngủ mới rút quân.
Phục kích ở ruộng ngô bên ngõ ra phía bờ sông. Đến hai giờ đêm, nhờ có trăng hạ tuần sáng nhờ nhờ, thấy có mấy bóng đen xuất hiện rồi lại biến mất ở những ruộng ngô xa. Đuổi theo, nổ súng. Chắc là họ ra phía sông Đào. Điện về đồn. Cho súng cối bắn dọc bờ sông.
Ngày hai mươi mốt. Cho hai trung đội vào làng Trung. Soát xét từng nhà. Kiểm tra kỹ từng ngóc ngách. Cả nhà ông chánh tổng cũng xem xét kỹ. Không có sự gì lạ.
Dự kiến những ngày tới: Tăng cường tuần tra các làng ban đêm. Nhất là làng Trung. Cho gọi các gia đình bị nghi vấn lên bốt thẩm vấn. Bất thình lình, tập trung dân làng Trung kiểm soát giữa đêm. Kiên quyết không để cho du kích tái lập ảnh hưởng tại đây.
Chú thích:
[1] Collaborateur (tiếng Pháp): người cộng tác với địch trong kháng chiến Pháp - Đức thế chiến II.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa