Số lần đọc/download: 6552 / 67
Cập nhật: 2016-03-29 17:18:37 +0700
Chương 11
H
ình như ở trên cao bình minh ngắn hơn. Trời vừa mới hửng, nắng đã ngập tràn ngoài đồi cỏ. Tuy vậy dưới những vòm cây sương còn chưa tan. Tôi nằm yên trên võng chờ trời sáng hẳn. Tiếng chim xôn xao trong đám lá. Mấy con sóc ló đầu ra khỏi hốc cây giương mắt nhìn quanh rồi vọt lên cành chạy thoăn thoắt. Một lúc sau thấy xung quanh không có dấu hiệu gì đáng lo ngại, tôi mới tháo võng nhét vào ba lô ôm tụt xuống đất.
Trước mặt là con suối mà chiều qua tôi đã tìm tới uống nước, còn sau lưng là rừng rậm. Từ đây xuống suối phải đi qua một bãi cỏ bằng phẳng rộng hơn trăm mét, có những gốc cây mọc thưa thớt như trong vườn nhà. Cái cây cổ thụ tôi vừa mắc võng ngủ tối qua mọc ngay chân dốc đầu rừng. Cây này thì đúng là cây đa rồi, tuy lá có nhỏ hơn loài đa dưới xuôi nhưng cũng là thứ cây có mủ trắng, rễ khí sinh chi chít lòng thòng từ cành cây xuống đất, nhiều cái lâu ngày đã to hơn cột nhà.
Phía bên kia bãi cỏ có một dải rừng thấp cây mọc kín mít, làm thành bức bình phong kéo dài từ bờ suối lên tới rừng cây cổ thụ. Tôi xách súng giẫm lên những ngọn cỏ lòa xòa còn ướt sương đêm đi xuống suối. Con suối này không lớn lắm, nó chảy từ cánh rừng phía tây bắc về đến đây thì tách làm đôi bởi một tảng đá to tướng trông từa tựa như con voi đứng chắn giữa dòng. Phía bên kia tảng đá nước chảy lăn tăn trên những hòn cuội, còn ở bên này dòng nước xói vào bờ lâu ngày tạo thành vũng to như cái ao, nước trong vắt và khá sâu. Qua khỏi tảng đá chừng chục mét, hai nhánh suối lại hòa với nhau cùng trôi xuôi. Phía trên vũng suối một quãng ngắn, dòng nước tụt xuống tử bậc đá cao chừng ba mét tạo thành con thác nhỏ. Mùa này nước chảy nhẹ, con thác trông tựa bức rèm thủy tinh trắng bạc bởi làn nước mỏng chốc chốc lại lóe nắng sáng lóa.
Mặt trời nhô khỏi dải rừng non, màu nắng vàng tươi trải kháp rừng. Nắng làm ấm dần bờ cát nhỏ mịn màng mà chiều qua tôi đã in dấu chân lên vẻ đẹp trinh nguyên tự ngàn xưa của nó. Cảnh vật sống động hẳn lên. Vũng suối trở nên trong xanh, nhìn thấy cả những bóng cá lượn lờ qua khe đá mờ mờ dưới đáy.
Tôi nhìn xuống nước, bắt gặp một gương mặt đen sạm hốc hác, tóc bù xù chờm quá tai. Gương mặt đó kéo tôi trở lại với thực tại. Không thể cứ đứng đây mà ngắm cảnh, còn bao nhiêu việc phải làm. Tôi quay về chỗ gốc cây, chuẩn bị cho chuyến đi khảo sát quanh vùng đồi cỏ.
Chỉ mang theo súng đạn, ống nhòm, tăng, võng và lương thực đủ dùng cho năm ngày, tất cả đồ dùng còn lại tôi bỏ vào chiếc ba lô của anh Đằng rồi đem dấu trong hốc cây đa. Lúc sáng tụt từ trên cây xuống, tôi đã phát hiện ra nó. Cái hốc này khá kín đáo, miệng hẹp nhưng khô ráo, đủ chỗ cho một người nấp.
Dải rừng non cạnh bãi cỏ chỉ rộng độ năm chục mét, toàn một thứ cây bụi mọc san sát bên nhau. Len lỏi qua các lùm cây, tôi bước ra một tràng cát cỡ bằng sân bóng đá. Xung quanh tràng mọc đầy lau lách, còn ở giữa là bãi đất sỏi vụn pha cát. Rõ ràng những cơn lũ hàng năm đã tạo ra tràng cát này cùng với dải rừng non và bãi cỏ phía trong kia.
Tôi đi dọc suối, chăm chú tìm dấu vết con người để lại. Nếu tụi thám báo đổ xuống vùng này, chúng phải ở quanh nguồn nước. Con suối chảy men phía tây vùng đồi cỏ, lúc sát chân đồi, lúc cách nhau qua vạt rùng rộng vài trăm mét. Ở đây gần nước nên cây cối xanh tươi và rậm rạp. Hai bên bờ đá xếp lô nhô chen với cỏ. Mấy đám lau trổ bông trắng muốt phất phơ trong gió.
Gần trưa, tôi nhìn thấy bên kia suối có vạt rừng le bèn trèo lên cây để xem. Loại le này thân chỉ to bằng ngón chân cái nhưng măng của nó khá ngon. Khi mùa mưa tới, những búp măng sẽ trồi lên trong khóm le. Bẻ chúng về, cứ thế thả vào nơi luộc hoặc vùi trong tro nóng, lúc chín bóc vỏ chấm muối ăn rất ngọt. Mùa măng le mọc cũng là mùa lợn rừng, mang và những con cheo kéo tới dũi gốc ăn măng. Nhưng mùa này chưa có măng. Cả rừng le giờ đang héo vàng dưới nắng chói chang, lá le cháy sém khua lao xao trong gió. Cứ biết vậy? Đến mùa mưa có thể tới đây kiếm thức ăn.
Đêm đó tôi ngủ lại trên một cái cây mọc bên bờ suối, hôm sau đợi trời sáng rõ lại tiếp tục đi. Tới mười giờ sáng mới qua hết triền phía tây vùng đồi cỏ. Dòng suối đến đây thì gặp con suồl khác đổ từ núi xuống, nên nó chia tay với vùng đồi, nhập vào con suối kia rồi dắt díu nhau chảy tiếp về hướng đông nam.
Tôi leo lên nấp kín trong một tán lá rậm, dùng ống nhòm quan sát khu vực ngã ba suồl. Quanh đây có những vạt đất trống và mấy bãi đá cuội, những điểm cắm trại khá lý tưởng. Lúc này đã gần trưa, giờ mà con người thường xuống suối lấy nước, cần tránh một cuộc chạm trán bất ngờ. Nhưng suốt buổi trưa tất cả vẫn yên tĩnh. Tôi không nhìn thấy gì ngoài ba con nai xuống uống nước rồi lên nằm lim dim mắt trên đám cỏ. Rừng trưa êm đềm trong tiếng nước chảy. Cũng là cái nắng trưa hè nhưng nơi này không khí dịu mát hơn nhờ có dòng suối chảy qua. Tôi buộc người vào cành cây ngủ thiu thiu được một lúc.
Chiều đến tôi sục kỹ vùng rừng quanh ngã ba suối. Chỉ có dấu thú chứ không có dấu người. Không một lối đi giẫm rạp cỏ, một vết dao chém hay đống lửa tàn, cũng chẳng có sản vật nào do con người làm ra có mặt ở đây. Câu hỏi vẫn còn đó nhưng giờ có thể yên tâm là dọc suối không có thám báo.
Sáng hôm sau tôi rời con suối đi vào khu rừng phía nam vùng đồi. ở đây xa nước nên cây lá phờ phạc, những ngọn cây mệt mỏi vật vờ trong gió nóng. Càng về trưa càng nắng gắt. Mây cũng bay đâu hết, trên bầu trời xanh thẳm chỉ có mấy bóng diều hâu uể oải lượn lờ.
Đang đi bỗng ngửi thấy mùi quế thơm ngào ngạt, tôi lần theo hướng gió tìm được mấy cây quế cổ thụ. Rất dễ nhận ra chúng nhờ hương quế từ lá rụng, từ vỏ cây được nắng hun nóng tỏa mùi sực nức. Tôi lấy dao bớc những mảng vỏ quế dày cộm cho vào ba lô. Giờ chưa cần dùng tới, nhưng để đến lúc mưa gió ngậm cho ấm người, lại chống được cảm lạnh.
Đến trưa ngày thứ tư, tôi sục hết cánh rừng phía đông tới ngang gốc thủy tùng. Tôi ra bên mộ đốt một đống lửa nhỏ. Nắng chói chang làm ánh lửa nhạt nhòa, những hòn đá trên mộ nóng như nung.
Tôi chỉ ngồi với các anh dăm phút rồi quay vào rừng, không dám mạo hiểm vì lúc này đã mệt lử. Một mình luồn trong rừng rậm ngày cháy nắng đêm rét buốt, lúc nào cũng ở trong trạng thái rình rập căng thẳng và tập trung cao độ để tìm dấu vết nên tôi đuối sức. Hơn nữa ăn uống thất thường lại chỉ toàn đồ khô khiến người cũng héo rũ đi.
Tôi men theo dải rừng phía bắc vùng đồi quay trở lại chỗ con suối. Cánh rừng này mới sục kỹ mấy hôm trước nên tôi đi nhanh hơn, chừng nửa chiều thì tìm tới được chiếc trực thăng. Mọi vật vẫn có vẻ y nguyên, nhưng khi nhìn vào khoang máy bay thấy một số túi thức ăn bị rách, những thứ trong đó vung vãi trên sàn. Chắc lại mấy con chồn con sóc tinh quái ngửi thấy mùi thức ăn lạ nên tìm tới nếm thử. Hôm trước tôi đã đóng kín cửa nhưng còn một cánh chỉ khép hờ vì nó bị móp méo nhiều chỗ không sập vào được. Tôi thu dọn những thứ vung vãi, lấy mấy hộp thịt và mấy túi khẩu phần ăn bỏ vào ba lô, rồi chặt một nhánh cây để chặn cửa từ bên ngoài.
Ra nơi giấu súng đạn, tôi ôm về cả hai khẩu súng, lấy thêm chục lựu đạn và chục hộp đạn tiểu liên. Ngần ngừ một lúc, tôi buộc luôn cuộn vải nhựa căng lều lên nắp ba lô. Một chuyến è cổ vì cuộn vải nhựa nặng hơn tôi tưởng.
Cũng như hôm trước, tôi về tới gốc cây đa khi chiều sắp tắt nắng. Bỏ ba lô xuống gốc cây, tôi ra thẳng vũng suối uống căng bụng nước rồi nhào xuống tắm. Sau mấy ngày vất vả giờ được ngâm mình dưới làn nước mát thật dễ chịu.
Tối đến tôi nhặt cành khô nhóm lửa nấu một gô cháo gạo sấy với thịt hộp, bữa ăn nóng sốt đầu tiên sau nhiều ngày không dám đốt lửa. Ăn xong, tôi dập tắt đống lửa, lại leo lên cây mắc võng ngủ. Nhờ căng được tấm tăng trên võng nên đêm đó đỡ lạnh hơn mấy hôm trước. Tôi ngủ một giấc dài ngon lành, chỉ tỉnh dậy khi nghe tiếng léc chéc của mấy con khỉ. Thì ra chúng cư ngụ trên cây đa này, giờ đang gọi nhau đi kiếm ăn. "Mình vô ý quá, chẳng chào hỏi gì chủ nhà..."
Mặt trời lên cao, một ngày mới đã bắt đầu từ lâu. Ánh nắng làm rừng sáng hơn và bớt vẻ hoang vắng. Tôi ra suối rửa mặt, ngồi lại đó hồi lâu để suy nghĩ. Qua mấy ngày lùng sục, tôi khẳng định bọn thám báo không có mặt trong dải rừng ven đồi cỏ, và có thể nói, chúng chưa hề đặt chân tới đó. Vậy phải nghĩ sao về những chiếc trực thăng xuất hiện ở vùng này? Lại còn những quân trang quân dụng trong chiếc bị bắn rơi? Chắc chắn là không phải chở tới cho tôi rồi! Năm ngày qua chưa hề nghe tiếng máy bay, trong khi trước đó, tôi vừa ló mặt ra là đã gặp chúng nhào tới. Chẳng lẽ chúng không tổ chức tìm kiếm chiếc bị mất tích? Những câu hỏi chưa trả lời được và nỗi lo âu vẫn cứ nặng trĩu. Dòng suy nghĩ luẩn quẩn rối tung trong đầu, cho tới khi tôi nhận ra rằng mình không có đủ thông tin để giải đáp được những điều thắc mắc.
Tôi quay lại gốc cây đa. Trước hết phải cất giấu số vũ khí chưa cần dùng tới. Hôm nào rảnh phải thử lại khẩu AR15 để kiểm tra độ chính xác của kính ngắm, sợ nó bị xê dịch khi máy bay rơi. Số hộp đạn và lựu đạn tôi cũng gói lại bỏ trong hốc cây đa, lấy lá khô phủ lên. Chỗ này kín đáo và không sợ mưa ướt. Mấy con vật gặm nhấm chắc chẳng tò mò những thứ mà chúng không ăn được. Chỉ sợ lũ khỉ thấy lựu đạn đem ra nghịch thì khốn. May lúc này chúng đi vắng.
Đem chiếc áo rách xé thành những dải vải, tôi dùng kim chỉ khâu chúng lên một bộ áo quần khác. Làm xong mọi việc thì mặt trời lên gần tới đỉnh đầu. Tôi lấy một túi thức ăn của tụi ngụy để ăn trưa. Gọi là khẩu phần ăn dã chiến nhưng chẳng tiện chút nào: một túi gạo sấy, đổ nước vào ngâm một lúc thành cơm, ăn cứ sường sượng trong miệng; một gói ruốc bông, chắc là ruốc cá; rồi những gói nhỏ bột ngọt, tiêu, muối, đường..., mỗi thứ một tí. Không sánh được với lương khô của ta, ngay cả trẻ em cũng thích. Nghe nói khẩu phần của bọn Mỹ sang hơn, có cả gói cà phê bột đủ pha một tách và hai điếu thuốc lá.
Đến ba giờ chiều, tôi mặc vào người bộ quần áo có khâu những dải vải, mang theo súng đạn, ống nhòm, đi men tráng cát về phía đồi cỏ. Đường không xa lắm. Qua khỏi tráng cát, leo lên một đoạn dốc ngắn mọc đầy lau là tới chân quả đồi đầu tiên. Tôi nằm lại trong một đám cỏ, rứt những túm cỏ quanh đó buộc vào những dải vải trên áo quần. Ý định của tôi là tìm đến những nơi trực thăng có thể đáp xuống để xem có dấu vết gì giúp phán đoán ý đồ và hành động của kẻ địch. Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng bất ngờ ập tới như hai lần trước. Vì thế phải ngụy trang kỹ và chọn những thời điểm trực thăng ít có khả năng bay đến. Tôi có chục bộ quần áo rằn ri chiến lợi phẩm còn mới nguyên, nhưng những vết loang lổ màu cây lá và màu đất không phù hợp với màu cỏ sém nắng trên vùng đồi này.
Những cuộc tìm kiếm được thực hiện trong mấy ngày liền. Buổi sáng từ lúc trời hửng tới tám giờ và buổi chiều từ bốn giờ tới sẩm tối, tôi đi như chạy từ mỏm đồi này sang mỏm đồi khác, vừa quan sát tìm dấu vết trên đất, vừa cảnh giác nhìn trời. Đến cuối chiều ngày thứ tư thì tôi xem xét hết những nơi đáng chú ý mà trực thăng có thể hạ xuống. Về địa hình không có gì lạ. Vẫn những triền đồi thoai thoải nối nhau, cỏ mọc thưa thớt trên nền sỏi vụn, đôi nơi lác đác đá tảng. Phía tây, chỗ gần con suối, có mấy vạt cỏ tranh khá rậm. Nhưng tôi đã tìm thấy điều mình phỏng đoán: năm điểm có vết trực thăng đổ xuống. Đúng ra chỉ một nơi có dấu càng trực thăng đè gãy mấy nhánh cây nhỏ, còn những nơi khác toàn cỏ khô và đất sỏi, chúng có hạ xuống cũng không hằn vết. Tôi phát hiện ra là nhờ những mẩu thuốc lá, giấy bọc kẹo, rồi vỏ bao thuốc quân tiếp vụ Ruby Quen. Có một nơi còn tìm được hai đầu mẩu thuốc Pallmall và vỏ hộp đựng cà phê pha sẵn, loại sản xuất ở nước ngoài. Mấy thứ này tụi Mỹ hay dùng, lính ngụy ít xài sang như vậy.
Chưa giải đáp được những thắc mắc, nhưng ít ra lúc này đã có thể nhận định: kẻ địch đã dùng trực thăng đến đây nhiều lần, có lẽ để quan sát, tìm kiếm một cái gì đó ở vùng đồi cỏ và những khu rừng xung quanh. Chúng đến rồi đi, chưa đổ quân sục sạo. Còn những điều khác đành tạm gác lại lúc này chưa thể biết gì hơn được.
Giờ đến lúc phải lo chuyện ăn ở. Tôi sẽ ở lại đây, khó có nơi nào vừa đẹp vừa thuận tiện hơn.
Ban đầu tôi định làm một cái chòi như kiểu chòi gác máy bay của dân quân ngoài quê tôi, nhưng sau thấy không ổn vì không thể đốt lửa trên đó được. Vả lại, chỉ riêng việc leo lên leo xuống đã thấy bất tiện rồi. Lúc khỏe còn được, chứ ốm đau thì làm sao? Dựng lều trên mặt đất đơn giản hơn, nhưng chỉ tạm thời trong vài ngày chứ lâu dài dễ sinh bệnh, lại còn thú dữ... Tốt nhất là làm một cái nhà như kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc. Tất nhiên không cần lớn ìắm vì chỉ mình tôi ở đâu hết mấy, nhưng phải đủ cao đủ rộng để có thể đốt trên đó một đống lửa cháy suốt ngày đêm trong mùa mưa lạnh.
Tôi nhẩm tính số gỗ làm nhà: cần bốn cây cột, bốn cây gác đà ngang đà dọc, rồi gỗ lát sàn, làm sườn che mái... Phần lợp đã có tấm vải nhựa chiến lợi phẩm.
Nhưng phải mấy ngày nữa tôi mới bắt tay vào việc đốn gỗ vì có hai việc phải làm trước. Tôi lên chỗ chiếc máy bay tháo khẩu đại liên và gùi cả ba thùng đạn về bố trí một ổ súng. Địa điểm đã nhắm sẵn từ mấy hôm trước: một mỏm đồi nhỏ nằm phía trên tráng cát, ở đó có sẵn cái hố, chỉ cần đào sâu thêm một chút là đứng bắn được. Xung quanh hố toàn là cây bụi, cây dây leo mọc chen giữa đám lau cằn cỗi. Phía sau mỏm đồi có cái khe cạn chạy vào tới mép rừng có thể dùng làm đường rút khi cần thiết. Từ đây, tầm bắn của đại liên khống chế được cả khu vực từ đồi cỏ gần nhất qua tráng cát tới bãi cỏ trước gốc cây đa. Tôi rất chú ý đến tráng cát, nó đủ chỗ cho cả một phi đội trực thăng cùng đáp xuống.
Sau khi dùng xẻng khoét xong chỗ bắn, tôi chặt một đoạn thân cây có nạng chôn xuống đất làm giá súng. Hơi khó xoay trở khi bắn máy bay, nhưng đành tạm chấp nhận như vậy sẽ tìm cách khắc phục sau. Trên ụ súng, tôi lấy cành cây buộc lại làm giàn ngụy trang và gỡ những nhánh dây leo quanh đó gài lên. Cái giàn có thể chống lên hạ xuống được. Việc cuối cùng là lắp sẵn đạn vào súng và cắt một góc tấm tăng trùm lại che mưa. Tất cả chỉ nhằm phòng xa chứ thực lòng tôi không muốn phải sử dụng đến nó. Tôi đến đây đâu phải để bắn nhau! Chiến tranh đã lan đến tận vùng rừng xa xôi này. Chả lẽ trên khắp đất nước không còn nơi nào yên được hay sao?
Việc thứ hai là phải làm một đài quan sát. Tôi chọn cây chò cao mọc trên triền dốc phía sau cây đa, chặt mấy khúc gỗ gác lên nhánh cây cách mặt đất hơn chục mét để làm chỗ đứng. Từ đây, qua ống nhòm có thể nhìn rõ cả khu vực đồi cỏ trong điều kiện thời tiết tốt. Giờ bắt tay vào việc dựng nhà được rồi.
Suốt năm ngày liền, tôi vất vả từ sáng tinh mơ đến lúc trời tối mới lấy đủ số gỗ cần dùng, vì phải chặt rải rác mỗi nơi một cây, tránh sự chú ý của kẻ địch khi quan sát từ máy bay. Chôn xong bốn cái cột, tôi mới nhận ra cần phải có dây buộc. Những thứ dây rừng xung quanh đều không dùng được vì không đủ bền. Tôi đành gác mọi việc lại, đi tìm dây mây.
Từ mờ sáng, tôi đã dậy mang súng xách dao men theo dòng suối trước nhà đi ngược lên.
Càng đi cây cỏ càng rậm rạp. Ven bờ suối đôi chỗ mọc đầy những cây chuối rừng cao ngồng. Thấp thoáng mấy búp hoa chuối đỏ sẫm thòng dài tới gần ngọn cỏ. Thì ra phía trên này dòng suối không cạn như tôi tưởng, có nơi phải sâu ngập đầu là ít. Lúc lúc lại gặp lối thú rừng xuống uống nước, trông xa như lối mòn có người đi.
Qua khỏi rừng chuối, tôi leo lên một sườn dốc và tìm thấy khu rừng có cây mây. Mọc bên dưới những tầng cây cao, cây mây vươn dài quấn quanh những thân cây và len lỏi trong các lùm cây bụi, đôi chỗ chằng chịt thành từng đám rậm rì. Có những cây lâu ngày tự bong vỏ còn trơ sợi thây vàng óng, tôi chỉ cần chặt gốc rồi đứng rút, khi nào tới ngọn mây còn gai mới phải dùng dao róc. Loại mây này thân to cỡ chiếc đũa, có thể để nguyên như vậy mà buộc, không cần chẻ.
Đến chiều thì tôi lấy được số mây ước đủ dùng, nhưng nặng quá nên chỉ mang về một nửa. Sáng hôm sau, tôi quay lại vác chuyến khác. Trên đường trở về, tôi gặp mấy con công đang nhởn nhơ trên vạt cỏ ven suối. Những con công rất đẹp nhưng không thấy chúng xòe đuôi múa, chắc chưa đến mùa gọi tình. Tôi bắn một con về ăn thử vì nghe nói “nem công chả phượng” ngon lắm, ngày xưa chỉ vua mới được ăn. Nhưng tôi đã thất vọng khi ăn món thịt công nướng chấm muối, nó không ngon bằng thịt gà rừng. Có lẽ do thiếu gia vị, hoặc tại tôi "chế biến" không đúng cách, chứ vua mà ăn thế này thì cũng xoàng.
Lao động cật lực trong nửa tháng tôi mới dựng xong nhà. Sàn nhà cao cách mặt đất hai mét, làm bằng những cây gỗ to cỡ bắp chân xếp khít nhau. Mái nhà được lợp bằng tấm vải nhựa loang lổ màu lá cây, lại nằm dưới vòm lá rậm của cây đa cổ thụ nên trực thăng có treo ngay bên trên cũng khó phát hiện ra. Vách nhà ken bằng những cây le mà tôi đã mất ba ngày để chặt và vác từ rừng le về. Việc còn lại là làm một chiếc thang nhỏ dùng lên xuống và một cái bếp. Thang làm không khó. Còn bếp, tôi phải chặt bốn khúc gỗ dài một mét đấu lại thành cái khung hình vuông, đổ đất vào nện chặt để có thể đốt lửa trên đó mà không sợ cháy sàn nhà.
Mọi việc xong xuôi, tôi xoa tay hài lòng đứng ngắm căn nhà do chính tay mình dựng lên và cảm thấy trên đời này chẳng có ngôi nhà nào đẹp hơn nó. Lúc này mới ba giờ rưỡi chiều, cần phải kiếm cái gì ăn mừng nhà mới. Đi săn sợ mất nhiều thời gian, nên tôi móc ba lô lấy cuộn dây câu ra suối ngồi câu cá, vừa để nghỉ ngơi luôn thể.
Ra tới suối, tôi bỗng nhớ việc về nhà mới người ta thường xem ngày. Hôm nay là ngày mấy nhỉ? Trên đồng hồ, lịch ngày chỉ con số hai mươi mốt. Thừ người một lúc, tôi mới tính được là hai mươi mốt tháng sáu chứ không phải tháng năm hay tháng bảy. Lâu nay quên bẵng ngày tháng, có nhìn đồng hồ cũng chỉ xem giờ để biết sớm muộn. Thế là kể từ hôm đi từ Bãi Hà đến nay đã sáu mươi lăm ngày. Tôi chưa biết mình còn phải ở lại đây bao lâu nữa, nhưng ít nhất cũng qua mùa mưa này. Tất cả mọi công việc mà tôi đem hết sức lực và ý chí để làm trong một tháng qua, mới là sự chuẩn bị. Cả ngày về lẫn đường về đều xa lắc xa lơ.
Vừa thả câu một lát đã giật được con cá đầu tiên. Tôi mừng rơn khi thấy ở đây cũng có cá lấu, thứ cá mà theo cách nói của anh Hùng là "ăn một miếng nhớ cả đời". Lúc giật được con thứ hai thì tôi không câu nữa, hai con là đủ cho bữa tối. Cá ở đây dễ câu quá, có lẽ từ xưa tới nay chúng chưa bị lừa lần nào.
Tôi bó gối ngồi lặng yên bên suối, tư lự nhìn mặt nước lấp loáng nắng chiều. Phía bờ bên kia, cây rừng mọc thẳng tắp ken dày sừng sững như vách đứng. Cảnh vật đìu hiu làm tôi nhớ lại buổi chiều hôm nào bên dòng suối nơi biên giới, khi đó chúng tôi còn đủ bốn người... Giờ đây cả ba anh đều đã đi về cõi xa xôi, chỉ còn lại mình tôi nơi này... Giữa tiếng chim kêu nước chảy, nghe như có giọng hát buồn buồn từ trong rừng vẳng ra: "Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng, lặng nghe con chim nó kêu lạc đàn. Núi rừng đó người đâu không có..." Tôi không khóc mà nước mắt cứ lăn dài trên má...