I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Tác giả: Thế Uyên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2305 / 19
Cập nhật: 2015-07-16 13:43:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 Những Căn Nhà Của Tôi
ĩ nhiên ai chẳng sống dưới mái một căn nhà: nhà của những người sinh ra mình. Những đứa con ăn uống nô đùa học hành và lớn lên trong căn nhà của bố mẹ, không bao giờ đặt vấn đề “căn nhà của tôi”. Chỉ khi nào đã yêu một người nữ, chọn lựa nàng làm vợ, nghĩa là “người nữ của riêng tôi” ít nhất là trong cuộc đời này, vấn đề căn-nhà-của-mình, căn nhà của hai đứa, mới xuất hiện. Và kể từ đó, dù căn nhà của bố mẹ có là lâu đài đồ sộ, biệt thự hàng chục phòng, đứa con trai và người nữ của hắn, cũng chẳng còn bao giờ cảm thấy đó là nhà mình nữa. Họ phải kiếm, phải tạo lập một căn nhà mới, sang trọng hay nghèo hèn không quan trọng, nhưng là của đôi lứa và những đứa con sẽ sinh ra từ đôi lứa mà thôi. Thế rồi khi thời gian đã qua nhiều, các đứa con của đôi vợ chồng lớn lên, yêu đương, lấy vợ lấy chồng, chúng sẽ lại đặt vấn đề căn nhà như bố mẹ xưa kia đã đặt. Chu trình cứ như thế tái diễn, mãi mãi khi nào còn lứa đôi vợ chồng.
Và dĩ nhiên tôi cũng không thoát khỏi chu trình ấy khi tôi yêu và chọn Thi làm người nữ của tôi, cho riêng tôi – dù tôi bị bố mẹ họ hàng xếp loại đứa con lãng tử, nghĩa là thoáng một cái đã đi đâu mất rồi và sống ở nơi nào cũng được… Lúc ấy tôi đang thuê chung một căn nhà với một bạn đồng nghiệp trong nghề giáo ở một tỉnh cao nguyên. Để cho Thi có thể lên thăm và sống chung với nhau vài ngày mỗi tháng, tôi vội vàng đi kiếm một căn nhà riêng: đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy cần phải có căn nhà. Và căn nhà đầu tiên ấy rất khiêm tốn, chỉ là một buồng xép vách gỗ mái tôn nằm giữa một khu vườn cà phê, nép sát một cây mít lớn. Căn buồng trước được dùng chứa đồ cũ, và có lẽ có lúc được dùng làm bếp nữa, bẩn thỉu u tối đến nỗi tôi đứng tần ngần giữa buồng không biết làm thế nào cho nó đủ sạch kịp thời để đón Thi. Sau cùng, tôi đã chọn giải pháp ít vất vả nhất: mua giấy dầu về đóng kín luôn bốn vách. Và dù có dùng phương cách này, tôi cũng mất khá nhiều thì giờ. Cứ đi dạy về là vác búa vác đinh ra đóng hết tờ này sang tờ khác – trời đang vào mùa lạnh mà lắm lúc mồ hôi thấm ra ướt áo. Một con chim trống, một con thú đực đang nhặt từng cọng rơm, tha từng mảnh lá, cành khô làm ổ cho con mái…
Nhưng hai đưa cũng chẳng có dịp để sống với nhau nhiều trong căn nhà hoàn toàn không tiện nghi nhưng cũng hoàn toàn thần tiên ấy. Một buổi trưa, có tiếng gõ cửa mạnh, một người cảnh binh đã bước vào đưa lệnh gọi nhập ngũ, và ngày phải trình diện quá cận, tôi không sao gọi Thi lên kịp để cùng nhau nằm trong chăn quấn tròn như cái kén, lắng nghe những trái mít non thỉnh thoảng rụng như sấm trên mái tôn, phá tung nền âm thanh ào ào của gió lạnh đan kết từng đợt ngắn bên ngoài.
Suốt thời gian ở quân trường, Thi rời viện Đại học Đà Lạt trở về nhà bố mẹ ở Sài Gòn để vào thăm tôi mỗi chiều thứ bảy và ngày chủ nhật trong vòng kẽm gai để rồi phát khóc lên vì ngượng khi thấy chung quanh những đôi lứa ôm nhau dưới ánh nắng mặt trời. Tứ bề bốc lửa. Và dĩ nhiên dù nàng có khóc, tôi cũng cứ vẫn hôn, không kém phần tàn bạo, bởi vì tôi đang chán nản tuyệt vọng, và cũng vì tôi yêu nàng dữ dội, tôi đang khám phá ra tình yêu… Thời kỳ được về phép, không có phòng riêng, hai đứa lang thang ở hết khách sạn này đến khách kia trong đô thị hay có khi sống suốt đêm ngoài đường phố, ba giờ sáng vào quán mở khuya nhất, ăn cháo nóng nhìn xuống các con đường sắt bắt đầu loang loáng ướt sương, để rồi tới năm giờ chuyển sang quán ăn mở cửa sớm nhất, uống ly cà phê đầu tiên của một ngày… Chính vì sự thiếu một căn nhà để yêu nhau như thế nên khi được tin Thi sẽ lên thăm tôi ở đơn vị mới đáo nhậm ở một ngọn đồi Pleiku, tôi nhất quyết tạo dựng một căn nhà.
Về phía sườn đồi gần hàng rào kẽm gai, có một căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo đổ nát, xưa kia do một sĩ quan làm ra cho vợ, bây giờ đơn vị dùng làm kho chứa đồ phế thải. Nhưng thượng sĩ già mang lính tạp dịch xuống dọn dẹp, căng pon-cho ngăn mưa nhỏ qua mái tranh xác xơ, xếp các vỏ thùng cho các phần vách lở. Quá bận quân vụ, khi tôi phóng chiếc xe đầy bùn ra tới thị trấn, Thi đã phải lội mưa về Quân trấn đợi. Và trời cứ thế mưa tầm tã suốt trong lộ trình về tới túp lều tranh. Trong khuya, khi hai đứa chìm dần vào trong giấc ngủ, mưa lớn đến nỗi nước từ trên cao chảy xuống reo như suối quanh nệm cỏ, tưởng như sẽ đưa tất cả trồi theo xuống lũng nhỏ phía dưới. Chính trong nhà tranh sườn đồi này, Thi bắt đầu học làm vợ: nàng đốt hết ba tờ báo hàng ngày và tăng cường một nửa hộp xăng bật lửa của tôi mới nhóm xong bếp lửa thổi nồi cơm đầu tiên trên đời. Khói xanh bốc lên thật cao và mặc dù gió mạnh, đứng, đứng trên bộ chỉ huy tôi đã phải vội vàng chạy xuống xem có phải nhà cháy hay không…
Từ đó trở đi, Thi sống cuộc đời như đuôi cánh diều: tôi đổi đến đâu nàng theo tới đó để mỗi tháng có thể sống được với nhau vài ngày. Nàng đã đến với tôi ở một căn nhà tôn nằm trên một đồi khác, rời quốc lộ phải đi bộ bằng qua một dòng suối, leo hai lần đồi mới tới. Căn nhà mái tôn thủng lỗ chỗ, đêm trời quang nhìn lên như thấy ngàn sao và gió thổi mạnh và lạnh đến nỗi tôi phải quấn hai chăn len lính thành một cái kén cho Thi chui vào ngủ qua đêm. Một căn nhà như thế mà cứ điểm trưởng còn gây khó dễ đến nỗi tôi phải tìm thuê ngoài thị trấn một nhà tôn vách gỗ nằm ở nơi nhiều bụi đến nỗi một lần vào buổi trưa nóng, thức giấc sau ân ái, dưới nắng chiều chiếu vào, tôi thấy bụi đã phủ trên da ngực nàng một lớp phấn hồng óng ả.
Nàng cũng theo tôi xuống miền duyên hải nóng cháy khô cả cổ có những ngôi nhà nằm trên cát trắng và bãi biển vắng bóng chân người. Và căn nhà nhỏ nhất tôi đã mang lại cho nàng là chiếc hầm đào trong tiền đồn, trên căng pon-cho ngăn mưa và thỉnh thoảng địch phóng lựu đạn nội hoá vào có trái không nổ nghe như trái mít khô rụng năm nào trên cao nguyên. Còn căn nhà đơn sơ nhất tôi mang lại cho nàng hẳn là các lá cây xao xác trên chiếc võng giữa đồng hoang liêu.
Lang thang mãi rồi cũng được đổi về Sài Gòn và cũng phải rất lâu sau đó đôi lứa lêu bêu này mới có được nhà riêng: đó là căn nhà của mẹ tôi để lại, một căn nhà dĩ nhiên là vẫn mái tôn vách gỗ, nằm nhờ trên phần đất của cư xá Công binh – binh chủng xưa kia ba tôi làm việc khi còn sống. So với những “căn nhà” tôi và Thi đã trải qua từ khi lấy nhau, thì căn nhà của mẹ dù đơn sơ mộc mạc, vẫn là nơi trú ngụ thích thú. Mùa mưa nước ngập mênh mông thì lội nước đi chơi, nhà quá hở lá vàng rơi đầy nhà càng đẹp. Trong khoảng thời gian ở căn nhà này quân lực Hoa Kỳ bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam. Tính thích nghiên cứu về quân sự, nhất là quân sử hiện đại, tôi biết khá rõ tất cả những gì sẽ xảy ra cho xã hội Việt Nam một khi quân lực giàu có nhất thế giới tới cư ngụ: kinh nghiệm của Âu châu, của Nhật và của nhiều quốc gia nữa.
Tôi biết rằng người lính Mỹ không có hiếp gái địa phương, dù là gái quốc gia thù nghịch cũ như Đức, Nhật, nhưng họ bỏ tiền mua. Họ không chiếm nhà cửa đất cát của ai cả, họ chỉ trả tiền cao để thuê hay mua. Họ không dùng võ lực bắt ai hầu hạ hết, họ chỉ chi tiền ra trả công bồi bếp cùng các dịch vụ tương tự thật hậu. Trong các danh tác quốc tế, đầy rẫy những tình tiết loại này. Và tôi cũng biết rõ rằng đây là dịp ngàn năm một thuở để làm giàu…
Lúc ấy tôi mới chỉ là nhà văn mới viết và hành động thực sự chỉ mới khởi đầu. Bởi thế tôi băn khoăn giữa hai con đường: một là đợi ngày giải ngũ không còn xa, tôi sẽ đi ra Vũng Tàu, Cam Ranh hay Chu Lai, thầu giặt ủi hay bất cứ dịch vụ thông thường nào cho quân đội Hoa Kỳ, kiếm dăm bảy triệu đã. Có phương tiện tài chính vững, làm gì cũng dễ. Hơn nữa tôi đã từng cay đắng nhận thấy nhiều khi đa số dư luận bây giờ không thèm để ý tới xuất xứ đồng tiền sạch hay bẩn, miễn là có tiền và chi tiền đúng cách, là được. Lý trí tôi tính toán như thế thật đúng và thực tế. Nhưng không sao nghe được tiếng nói của lý trí tôi. Từ phần sâu xa nhất của tâm hồn tôi, một tiếng nói của tình tự cất lên ngăn cản. Hơn nữa, người mà tôi kính mến như một người lý tưởng là Nhất Linh vừa nằm xuống không bao lâu… Chẳng làm được anh hùng hào kiệt vẫy vùng trong bốn cõi thì thôi, ít nhất cũng không thèm làm triệu phú và chánh khách bằng cách làm bồi bếp cho thiên hạ! Tôi gạt tiếng-nói-thực-tiễn sang một bên, lao ngay vào công việc đã bàn tính cùng một số bạn bè dù trong túi bao giờ tôi cũng có một số tiền nhiều đến nỗi ai khó tính đến đâu cũng đành phải gọi là hàn sĩ. Đối với những quyết định loại này, người vợ có tác động lớn, nhưng Thi không bao giờ đòi hỏi một cái gì khác hơn là tình yêu của tôi. Tình yêu đó, nàng đã có. Nàng nhởn nhơ thoải mái trong căn nhà gỗ chơi rỡn cùng con, vui vẻ như không ngồi sau chiếc xe gắn máy cũ đến nỗi có cho không Ba Tàu làm xe chở bánh tiu cũng không ai thèm nhận. Và khi bạn bè kéo đến đầy nhà bàn cãi, quay máy, giấy xếp từng lớp chiếm hết diện tích, nàng ôm con thu mình ngủ như mẹ con mèo xứ quê ở một góc giường…
Người Hoa Kỳ đến Sài Gòn mỗi ngày một đông và đúng như tôi tiên liệu, họ bỏ những ngân khoản khổng lồ ra xây cao ốc, chi những khoảng gấp mười lần giá thường để thuê nhà tư gia. Những sĩ quan có nhà ngoài phố dĩ nhiên không bỏ lỡ dịp có tiền một cách lương thiện và dễ dàng như vậy. Do hiện tượng dồn toa, người Việt cứ lùi dần, lùi từ biệt thự xuống nhà trệt, từ tầng trên xuống tầng dưới từ nhà ngoài vào nhà xép để lấy chỗ làm House for rent. Khu tôi đang ở trước chỉ là cư xá dành cho hạ sĩ quan và nhân viên dân chính nay được nâng lên hàng cư xá sĩ quan. Tôi cũng là sĩ quan nhưng xuất xứ bộ binh nên bị tống cổ đi một cách nhanh chóng nhất mà quân đội có thể nghĩ ra được: phải rỡ nhà trả đất đúng hạn kỳ nếu không tôi sẽ bị An ninh tới hốt và nhà bị bulldozer tới ủi.
Lúc đó Thái Độ đang quay số thứ hai. Mất nhà, tôi cùng Thi không có chỗ trú mưa nắng đã đành, anh em còn mất luôn cả chỗ làm việc nữa. Tiền sang nhà dĩ nhiên là không có rồi. Đang ngồi cả đám chung quanh mấy ly cà phê giữa những chồng giấy còn lem mực cao ngất mà lo lắng thì một người bạn gái của Thi can thiệp, cho mượn một cái nhà đủ tiện nghi bên kia cầu Mống. Thế là cả bọn chia nhau, kẻ đi mượn xe nhà binh, kẻ kiếm tài xế, hẹn nhau một sáng Chủ nhật tập trung dọn nhà. Trao việc kê dọn tổ chức nhà mới cho bạn bè, tôi theo chuyến xe chót trở về nhà cũ, trao nhà cho người mua vật liệu sẽ có sau khi rỡ nhà. Mồ hôi thấm ướt hết bộ quân phục, tôi không khỏi thoáng thấy buồn bã. Nhà của mẹ tôi đổ mồ hôi ra làm, xin từng thanh gỗ, từng bao xi măng, từng cân đinh… Ba thằng con trai của mẹ không biết sau này có làm vương làm tướng gì không chưa biết, còn bây giờ, giữ mỗi căn nhà tôn vách gỗ song thưa nằm trên vũng lầy này cho mẹ mà còn không xong…
Công việc tiến hành hăng hái, mọi người tin tưởng ở tương lai. Căn gác nhỏ đặt máy ronéo vang tiếng máy chạy, tiếng người cười, bàn chuyện chính trị, văn hoá, cách mạng tới khuya. Nhưng tất nhiên mọi sự không thể tốt đẹp như thế mãi được. Trước hết là một sáng đẹp trời, chiếc xe gắn máy của tôi, con chiến mã già như bạn bè thường gọi đùa, đã gẫy trục trước gục xuống, ném tôi lộn đúng một vòng ngoạn mục xuống dốc. Tập san Thái Độ bắt đầu bị tịch thu từ Huế đến Sài Gòn, tôi đã phải nhiều lần đến trình diện các cơ quan an ninh và nhà bị chủ nhân xin lại. Lòng tốt của người bạn như thế là nhiều rồi trong thời buổi bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu này. Lại đi kiếm nhà ở phen nữa. Lần này phải đi dọc theo đường LVD cho tới khi gặp một bãi rác thật to, men theo bãi là một con đường đất nhỏ băng qua một vũng nước ngập, con đường cứ mưa hơi to là biến mất tích và các bạn bè mỗi lần đến là làm một cuộc phiêu lưu nhỏ: phải dùng cái mốc dấu để đoán đường nằm ở đâu, đoán sai là cả người lẫn xe xuống bùn. Nhà không điện không nước. Những ngọn đèn dầu hôi lớn toả hơi nóng đến nỗi hôm nào trời bức muốn quay ronéo phải cởi trần. Còn những hôm mưa gió tứ bề, có người bạn đã phải mượn cái nón Thi vẫn đội đi chợ mới có thể quay xong phần giấy của mình. Chính trong căn nhà thế kỷ 18 này, tôi đã tiếp những người phóng viên ngoại quốc đầu tiên. Và khi một nhật báo Nhật hỏi xem liệu cách mạng xã hội có thực hiện được ở miền Nam không, tôi đã trả lời ngay thẳng là rất ít hy vọng. Người già không phải chiến đấu lại được hưởng nhiều lợi lộc của chiến tranh, họ chống lại mọi cải cách để giữ đặc quyền. Chỉ còn những người trẻ. Nhưng họ mỗi ngày một hao hụt trong cuộc chiến chống Cộng ngoài tiền tuyến và vào tù mỗi ngày một nhiều ở hậu phương… Người Nhật đã hỏi thêm một câu: Như vậy tại sao các anh còn đi vào con đường đó?... Cũng từ căn nhà này đã phát sinh ra huyền thoại tôi là người “khó gặp” nhất nước vì muốn tới kiếm, khách phải đi học bơi trước đã! Đã có lần có người của một hệ thống truyền hình Pháp đã bỏ hẹn không tới chỉ vì người trung gian đã dặn dò: Ai không biết lội, hãy mang theo phao cấp cứu, SVP!
Câu hỏi của những người ký giả Nhật đặt ra cũng là câu hỏi xuất hiện trong đầu đa số bạn bè tôi trong thời kỳ này. Hai năm hơn làm việc vất vả không dẫn đi đến đâu cả. Những kẻ chưa kịp làm anh hùng đã bắt đầu thấm mệt. Các phân hoá, chán nản nảy sinh và tôi còn xa mới đủ tài đủ đức để hoá giải… Theo một tục lệ đặt ra từ đầu, ai đến tham gia đều mang theo một ngọn nến nhỏ. Nến đó sẽ được thắp lên trong im lặng, gắn vào mặt bàn trong phòng không ánh sáng. Những người khác hiện diện cắm nến của mình lên theo. Ý nghĩa của buổi góp nến này thực giản dị: chúng tôi ý thức được mình chưa làm gì hơn, chẳng làm được gì hơn là góp một nến nhỏ soi cho sáng mặt nhau để ngồi với nhau trong bóng đêm – trong niềm hy vọng một ngày kia những ngọn lửa nhỏ yếu sẽ tạo thành đám lửa rực trời. Và chưa chi những ngọn lửa nhỏ nhoi ấy bắt đầu thấp thoáng tắt dần.
Đến khi tôi và Thi bị chủ nhà đuổi một cách tàn nhẫn ra khỏi căn nhà thế kỷ 18, tôi không còn quá sáu người bạn lội bùn đến khênh bộ đồ đạc, máy, sách vở ra khỏi vũng lầy. Mà khênh đi đâu? Tôi không còn chỗ mà về. Đồ đạc, sách vở phân tán gửi mỗi nơi một ít, còn tôi và Thi cùng đứa nhỏ nhất đi thuê một căn buồng kiểu nhà trọ tư nhân trong một cư xá của công an. Một căn buồng ban ngày cũng chẳng bao giờ thấy ánh sáng mặt trời. Đến bữa cơm, hai đứa đèo nhau ôm con về ăn bên gia đình nhà vợ. Vợ chồng chủ nhà đều thuộc loại dữ dằn, đánh nhau chửi nhau và các con dao cứ được rút ra xoành xoạch. Tôi bật ngọn đèn lên, đóng cửa phòng lại, căn phòng rộng đến nỗi chỉ chứa được một giường và một bàn hai ghế, bắt đầu làm lại từ đầu, trong cô đơn. Một buổi trưa ngồi uống cà phê ở một quán Tầu nhìn ra ngã ba nhiều xe phun khói xanh lờ mờ, tôi chợt thấy cay đắng. Khi mới lớn, tôi đã cứ tưởng rằng người đứng ra làm việc đấu tranh, chỉ cần tận tuỵ làm việc ngày đêm và giữ cho mình thanh bạch là đủ… Đó là một ước tính sai lầm vì đó chỉ đúng cho thời xưa. Trong cuộc chiến bây giờ, cần thêm nhiều yếu tố chính trị và tài chính và tôi thì hoàn toàn không có cả hai điều kiện này. Tôi đã không chịu lao mình vào cuộc đua làm giàu quanh người Hoa Kỳ và tôi đã không làm một ma nớp chính trị nào. Để tới lúc này, tiền không, địa vị không, còn bạn bè thì rời xa… Nhưng cay đắng thì cay đắng vậy thôi. Khi lao vào cuộc đấu lần thứ hai, tôi không hề thay đổi nguyên tắc ở đời – bởi vì dù thất bại lần nữa cũng không sao, tôi còn quá trẻ.
Các ngọn nến từ tứ phương xuất hiện tụ hội, một tờ đặc san ra đời và một nhà xuất bản hình thành. Đến Noel năm ấy, trong căn buồng nhỏ thuê ở một nơi khác sạch sẽ hơn và bớt vẻ ác mộng hơn, tôi và Thi đã cử hành một đêm Giáng sinh vui vẻ. Các con đã được đón về chung sống, quây quần quanh một cây thông giả nhỏ xíu nhưng bày sau một cái bộc che to bự. Còn Thi, nàng pha rượu vang đỏ với các loại trái cây để tôi ngồi uống thật khuya trong những điệu thánh ca từ các phương rất xa vang lên từ chiếc máy thu thanh, nhìn ngắm đứa con nhỏ nhất mới biết đi giơ hai bàn tay hồng mập ú lên chờn vờn bắt quả bóng đỏ lấp lánh kim tuyến thả từ trên trần xuống.
Lần này tôi cùng các bạn làm việc có thể nói là hối hả vì ý thức rằng với tình hình này, khe hở của thời cuộc dành cho những người muốn đổi mới xã hội sẽ sắp bị bít kín. Sau đó sẽ chỉ còn có thể ngồi im chờ đợi các người ngoài quyết định hộ vận mệnh cho mình. Chuyến tàu của lịch sử đã hụ còi vào ga… Lỡ lần này nữa thì biết đến bao giờ, và người Việt đã nổi tiếng vì đã lỡ chuyến tàu này quá nhiều lần: 1945, 1954, 1963. Nhưng vẫn không kịp. Hàng hoá xa xỉ tiện nghi và đồng tiền Hoa Kỳ đã tràn ngập xứ này, dìm tất cả trong một cơn mê sảng hưởng thụ chưa từng có. Tiếng nói của những người như tôi không còn được nghe nữa, tiếng nhạc từ TV từ xe gắn máy Nhật từ Toyota đã che lấp tất cả. Tiếng súng thảm khốc, tiếng chuông chùa cũng chẳng còn vượt được bức hàng rào âm thanh ấy. Nhưng vì cẩn thận, thiên hạ vẫn cứ áp dụng các biện pháp dẹp bỏ những thành phần cấp tiến và tả khuynh. Tờ đặc san bị đình bản ngay và các guồng máy an ninh ghê khiếp chuyển vận. Gỡ cho mình và bạn bè khỏi trở thành thân chủ của các chuồng cọp ngoài hải đảo là cả một vấn đề lớn, làm tôi không còn chú ý đến rằng tôi đã phải dọn nhà thêm tới hai lần nữa, rút về một ngõ hẻm trong xóm lao động gần trường Đua.
Khi ra khỏi cơn gió lốc, chưa kịp thở, lại bị đòi nhà. Và vì chưa bao giờ nghèo đến thế nên tôi giải quyết vấn đề bằng cách để Thi mang con lên ở với mẹ tôi trên Đà Lạt nghỉ hè. Còn tôi ở lại, hoàn toàn một mình một lần nữa, mặc bộ quân phục trận xắn tay áo lên khênh đồ đạc sang gửi bên nhà vợ chồng đứa em gái thứ nhất. Còn tôi, tôi cũng sang ở nhờ nốt nơi căn buồng nhỏ nằm mãi tít phía sau.
Xưa kia đó là sân sau cỏ mọc dùng để phơi quần áo. Nhà thơ Nguyễn Đông Ngạc cũng lâm cảnh không nhà, điều đình với em gái thứ nhất của tôi để xây lên một căn buồng nhỏ nhìn ra một hẻm nhỏ. Và căn buồng này đã được dùng làm nơi hội họp cho anh em trong nhiều năm: các ngọn nến đều đã được thắp lên và tắt đi trong không gian hẹp đó. Những Trần Triệu Luật, Phan Trước Viên, Miên Đức Thắng, Phạm Duy đã tới ngồi dưới đất, dựa vào tường mà thảo luận, cãi luận, đọc thơ hay hát… Từ khi Nguyễn Đông Ngạc dọn đi, vợ chồng em gái tôi sử dụng căn buồng làm nơi làm hầm cát chống hoả tiễn cùng chứa tất cả các đồ phế thải, vừa cửa sổ độc nhất đã mở ra một đống rác cao gần che lấp bầu trời.
Mồ hôi chảy ra thấm đến vớ tôi mới dọn quang được một góc kê cái bàn và chiếc giường. Ngồi lên ghế, duỗi thẳng chân đạp vào thành hầm cát, tôi uống một ly nước lạnh châm một điếu thuốc rồi làm một cuộc kiểm điểm. Tiền vẫn không, địa vị cũng không, anh em rời xa… Kiểm điểm cụ thể hơn, chiếc bàn có hai ghế đang ngồi là của mẹ tôi, chiếc giường gỗ kê kia là của mẹ Nhất Linh để lại, hai giá sách gỗ cũng là của mẹ… Tôi chẳng có gì là của tôi. Tôi phá lên cười một mình khi nghĩ rằng tôi có thể thách cả Huỳnh Tấn Phát lẫn Nguyễn Hữu Thọ, Lê Duẩn lẫn Trường Chinh so của xem ai vô sản hơn.
Tài sơ trí thiển không đủ để làm người cách mạng thì làm văn hoá vậy. Tôi bắt đầu lại từ đầu lần nữa, từ giải quyết sinh kế gia đình, kiếm một căn nhà, viết một loại sách, dịch mấy cuốn thật dày. Vất vả hơn bao giờ hết, tôi ra đi từ sáng sớm, trưa ăn cơm đĩa rồi đi dạy học, tới nhà in sửa bài, tôi uống ly cà phê với bạn bè, khuya về để đèn sáng cầm bút lên… Tôi dự tính sẽ kể cho Thi nghe tất cả những điều ấy, kể cả một đêm lên cơn sốt rét nặng chỉ vì cố gắng làm cho xong mẫu bìa để đưa nhà in sáng mai, và khi nằm xuống chìm ngập vào cơn mê sảng, tôi hình như trông thấy nhiều người bạn đã chết ngồi la liệt hút thuốc cười nói như ngày nào… Nhưng buổi trưa nóng, khi bước chân vào phòng thiếu ánh sáng, Thi quỳ lên giơ hai tay lên đón như một bông huệ vươn về ánh sáng mặt trời, tôi quên hết những gì định kể bởi vì chợt khám phá ra rằng tôi chưa bao giờ thiếu nhà. Vách hầm cát đen đủi, vách tường xám xì, đồ đạc cũ hỏng xếp cao lên tận trần đột nhiên tan biến… Tôi hiểu rằng nơi nào có người nữ yêu đương, nơi đó sẽ là căn nhà của tôi.
Đoạn Đường Chiến Binh Đoạn Đường Chiến Binh - Thế Uyên Đoạn Đường Chiến Binh