Nguyên tác: The Dark Arena
Số lần đọc/download: 648 / 78
Cập nhật: 2019-11-19 14:36:20 +0700
Chương 11
W
alter Mosca mặc thường phục nhìn qua kính cửa sổ văn phòng sở Nhân Viên Dân Chính. Chàng nhìn những nhân viên và công nhân làm việc trong căn cứ đi lại bên ngoài, những chuyên viên cơ khí hàng không bận quần áo màu xanh và những chiếc áo lạnh bằng da cổ áo có lông thú, những sĩ quan phi hành ăn bận diêm dúa với những bộ quân phục xanh đậm, những người lao động Đức trong những bộ đồ cũ rách co ro trong gió rét tháng Mười Một. Sau lưng chàng, Eddie Cassin bỗng gọi:
— Walter…
Mosca quay lại. Eddie Cassin ngồi ngả lưng trên ghế tiếp:
— Tôi có việc cho anh đây. Sáng kiến này là của tôi và đã được sếp tán thành, khen là hay lắm. Anh biết tháng này chúng mình vừa mở một chiến dịch tiết kiệm thực phẩm trên toàn Âu châu, tất nhiên là chiến dịch kêu gọi những người Mỹ chiếm đóng đất này tiết kiệm chứ không phải là dân địa phương. - Eddie cười nhẹ. - Dân Âu châu tiết kiệm đến mức tối đa từ lâu lắm rồi, mình khỏi cần phải kêu gọi họ. Mục đích của chiến dịch là hô hào những người Mỹ đừng có hốc nhiều quá, hốc nhiều có hại cho chính những cái dạ dày to tổ bố của họ. Họ nên ăn bớt đi đôi chút để dành thực phẩm giúp dân địa phương. Sáng kiến của tôi như sau: Mình sẽ chụp hai bức ảnh để in báo. Ảnh thứ nhất là một anh lính bưng một khay thức ăn đầy có ngọn, đủ thứ bơ, sữa, thịt gà, thịt lợn, thịt bò kèm hai, ba ổ bánh mỳ, lời ghi dưới bức ảnh này là ‘‘Đừng làm việc này.” Bức ảnh thứ hai in ngay bên cạnh là ảnh hai chú nhóc Đức đang nhặt mẩu thuốc lá trong phố và lời ghi dưới hình “Bạn sẽ không còn thấy cảnh này.” Anh thấy được không?
— Được thì được rồi đó nhưng khó ngửi bỏ mẹ, - Mosca đáp.
Eddie cười:
— Khó ngửi đâu có sao, miễn tuyên truyền tốt là được rồi. Tuyên truyền như vậy là đúng sách vở đấy. Báo in ra, các vị cao cấp chắc chắn sẽ gật gù tán thưởng. Rất có thể tờ Stars and Stripes sẽ đăng tác phẩm của mình. Việc chụp ảnh anh lính sửa soạn đớp thì dễ rồi, mình chỉ việc tới Câu lạc bộ là có ngay. Việc của anh bây giờ là kiếm hình hai chú nhóc đang lượm mẩu thuốc ngoài đường. Anh sang phòng ảnh gọi hạ sĩ chụp ảnh đi cùng với anh. Lấy xe của tôi mà đi.
— Ô kê, - Mosca nói.
Chàng ra khỏi văn phòng ấm và đứng nhìn lên những chiếc máy bay vận tải cất cánh từ Weis Baden bay ngang nền trời xám như chúng vừa đột ngột xuất hiện bằng một phép quỷ thuật từ những đám mây vẩn đục cuối trời. Rồi chàng ngồi vào xe để đi sang phòng ảnh.
Vào khoảng bốn giờ chiều chiếc Jeep đưa Mosca và người hạ sĩ nhiếp ảnh vào những đường phố đổ nát của Bremen. Người hạ sĩ nằm kín ở đâu đó để ngủ trưa và Mosca phải mất đúng một tiếng đồng hồ mới tìm ra được chỗ bí mật của hắn.
Đường phố đầy những người Đức vội vã, hấp tấp và những chiếc xe buýt kềnh càng, nặng nề chuyển bánh mệt nhọc như bò trên mặt đường, xe nào cũng đầy những đàn ông, đàn bà bám đầy cả ở những bực thang cửa xe. Mosca đỗ trước cửa toà nhà Glocke.
Trong buổi chiều quảng trường gần như hoàn toàn im ắng. Mặt trước Câu lạc bộ Hồng Thập Tự vắng tanh không một bóng hành khất, con nít hay một gái điếm nào đi lại. Hoạt động ở đây chỉ bắt đầu từ sau giờ làm việc hoặc mạnh nhất là từ giờ ăn tối. Hai nữ cảnh sát Đức đi bộ vòng quanh quảng trường, họ đi chậm như để nhịp bước đều với những chiếc xe buýt đi chậm quanh họ.
Mosca và người hạ sĩ ngồi trong xe chờ những chú nhỏ nhặt mẩu thuốc xuất hiện, họ cùng hút thuốc lá nhưng không nói chuyện với nhau. Rồi người hạ sĩ chửi đổng:
— Mẹ kiếp. Lúc không cần có chúng nó thì chúng nó bâu lại như ruồi. Lúc cần thì chờ mãi không thấy thằng nào cả. Đây là lần thứ nhất kể từ ngày tôi đến đây, ngồi hút thuốc lá giữa phố mà không có năm bảy thằng nhóc đứng chờ bên cạnh.
Mosca bước xuống xe nói:
— Để tôi đi quanh đây tìm xem, ngồi đây chờ đến tối à?
Buổi chiều thật lạnh làm chàng phải nâng cao cổ áo ngoài. Chàng đi tới đầu phố nhưng vẫn không thấy bóng dáng một thằng nhỏ nào cả. Chàng tiếp tục đi cho đến lúc chàng đến khoảng sáu toà nhà Glocke.
Hai chú nhỏ ngồi vắt vẻo, như hai triết gia trên đỉnh cao nhất của một toà nhà đổ nhìn xuống cảnh hoang tàn bên dưới. Hai chú trạc mười một, mười hai tuổi. Cả hai cùng bận những chiếc áo ngoài rách dài phủ đến gót chân, đội những cái mũ quá rộng sụp xuống che kín cả hai tai. Hai chú đang lượm những viên gạch nhỏ ném ra chung quanh, không nhằm một vật gì cả.
— Này, - Mosca gọi bằng tiếng Đức, - muốn chocolate không?
Hai chú nhỏ nhìn xuống Mosca, nhận ra ngay chàng là kẻ thù tuy chàng bận thường phục. Hai chú nghiêm nghị như nhận xét chàng trong vài giây rồi cùng tụt xuống đống gạch, không vội vã, không ngạc nhiên cũng không sợ hãi. Hai chú nắm tay nhau đi theo chàng trở vào quảng trường, bỏ lại khoảng đất đổ nát mênh mông sau lưng.
Người hạ sĩ đã ra khỏi xe, sẵn sàng chờ đón. Anh ta xem lại máy ảnh và bảo Mosca:
— Ô kê… Bảo chúng nó đứng như thế nào đi. - Anh ta không nói được tiếng Đức.
— Nhặt mấy mẩu thuốc lá này nghe không? - Mosca nói với hai chú nhỏ. - Để cho ông kia chụp ảnh.
Mosca vứt mấy mẩu thuốc lá chàng để sẵn trong túi xuống vỉa hè. Hai chú nhỏ ngoan ngoãn làm theo lời nhưng hai cái mũ quá lớn, sụp xuống che kín hai khuôn mặt xanh xao, gầy guộc.
— Bảo chúng nó đẩy mũ ra đằng sau. - Người hạ sĩ vừa ngắm máy vừa nói lớn.
Mosca sửa lại mũ trên đầu hai chú nhỏ. Hai khuôn mặt lộ ra trông như mặt khỉ.
— Mấy mẩu thuốc lá nhỏ quá, lên hình không rõ… - Người hạ sĩ nói. - Bẻ vài điếu ra làm đôi, đưa cho chúng nó cầm dùm.
Mosca lấy hai điếu thuốc nguyên ra khỏi bao, ngắt đôi liệng xuống hè.
Người hạ sĩ chụp vài tấm nhưng anh chưa được hài lòng. Trong lúc anh đang nhìn quanh tìm cảnh khác, góc cạnh khác và Mosca cùng hai đứa nhỏ đứng chờ, Mosca bỗng cảm thấy có bàn tay nắm chặt tay áo chàng và kéo mạnh làm chàng quay lại.
Trước mặt chàng là hai nữ cảnh sát Đức. Người vừa kéo chàng quay lại cũng cao lớn ngang với chàng, tay cô ta vẫn còn nắm tay áo chàng, Mosca bực dọc đẩy mạnh một cái vào ngực cô ta. Người nữ cảnh sát lùi lại và nói:
— Không được phép chụp ảnh ở đây. - Cô quay lại nói với hai đứa nhỏ bằng một giọng cảnh cáo, - Đi ngay.
Mosca giơ hai tay ra nắm cổ áo hai đứa nhỏ nói: “ở đây” rồi chàng cau mặt, giận dữ quát với hai nữ cảnh sát:
— Đồ ngu. Có thấy người ta đang làm gì không? Quân đội Mỹ chụp ảnh tuyên truyền… - Chàng chỉ cho hai ả thấy người hạ sĩ trong bộ quân phục đứng với chiếc máy ảnh sau lưng chàng. Rồi chàng gắt, - Thẻ hành sự đâu? Đưa đây!
Hai nữ cảnh sát viên ấp úng và lắp bắp xin lỗi, giải thích. Việc của họ là ngăn không cho trẻ con đến ăn xin trong khu vực này, khu có nhiều người Mỹ. Họ chỉ làm nhiệm vụ của họ, họ không biết là quân đội đang chụp ảnh.
Một người đàn ông Đức đi ngang dừng lại, hai chú nhỏ dắt nhau lùi xa đám người lớn, người đàn ông nói một câu gì đó với hai đứa trẻ, giọng nói giận dữ, mắng mỏ làm hai đứa nhỏ hoảng sợ, chúng dắt nhau chạy. Người hạ sĩ đứng xa nhìn thấy kêu lên, Mosca đuổi theo hai đứa nhỏ, nắm cổ áo chúng kéo lại: “Đứng đây, chưa xong.” Chàng gắt, rồi chàng đuổi theo người đàn ông đang đi. Người đàn ông Đức quay lại khi nghe tiếng chân dồn dập theo sau, đôi mắt ông ta nháy nháy vì sợ hãi.
— Anh bảo hai đứa nhỏ chạy đi, phải không? - Mosca gần như quát lớn.
Người đàn ông Đức ấp úng:
— Xin lỗi, tôi không biết. Tôi tưởng chúng làm phiền ông.
— Giấy tờ của anh đâu? Đưa căn cước đây. - Mosca nói. Chàng đưa tay ra.
Người đàn ông Đức, run rẩy vì hoảng hốt và xúc động, móc từ trong túi áo ngực bên trong ra một cái ví da dày cộm đựng đầy các thứ giấy tờ. Những ngón tay ông ta vụng về lục lạo số giấy tờ trong đó. Ông sợ đến nỗi mắt hoa lên, không còn nhìn rõ những tờ giấy trong ví. Mosca phải giật lấy cái ví ra khỏi tay ông, chàng nhón lấy tấm thẻ căn cước màu xanh trong đó rồi dúi cái ví trả lại.
— Ngày mai, đến Quận Cảnh sát mà lấy lại. - Chàng nói. Rồi chàng quay lại, đi về phía xe Jeep.
Bên cạnh đường, ở phía quảng trường, Mosca nhìn thấy một đám ngươi Đức đứng nhìn chàng. Trong bóng chiều đông, đám người đen thẫm, im lặng, như một lùm cây ở đầu một khu rừng. Trong vài giây đồng hồ, chàng cảm thấy sợ hãi như đám người đó có thể nhìn rõ vào tận tâm hồn chàng, vào trái tim chàng, rồi cơn giận của chàng lại bùng lên. Chàng chầm chậm đi tới và ngồi vào xe. Hai chú nhỏ còn đứng ở đó nhưng hai nữ cảnh sát đã biến mất.
— Về thôi, - chàng mở máy xe và nói với người hạ sĩ.
Khi tới đường Metzer, chàng dừng xe bước xuống đường.
— Hạ sĩ lái xe về căn cứ trả cho Eddie dùm tôi. - Chàng nói.
Người hạ sĩ gật đầu:
— Ô kê. Mình chụp từng ấy cũng đủ rồi.
Đến lúc đó Mosca mới nhớ rằng việc chụp ảnh lúc nãy chưa xong, người hạ sĩ nhiếp ảnh còn muốn chụp thêm mấy kiểu nữa và chàng đã bỏ hai đứa nhỏ đứng đó, quên không cho mỗi đứa vài thỏi chocolate như chàng đã hứa.
Khi Mosca vào phòng, Hella đang hâm nồi súp trên bếp điện, một cái xoong khác đang chờ đến lượt để được đặt lên bếp. Leo ngồi đọc báo trên chiếc ghế kê dưới cửa sổ.
Gian phòng ấm cúng với mùi thức ăn nóng thơm tho, với số bàn ghế kê vừa vặn làm cho nó không rộng, không hẹp. Cái giường hai người nằm và bàn ngủ trên có ngọn đèn đêm và cái radio nhỏ kê ngăn nắp trong một góc, cái tủ áo sơn trắng kê bên cửa ra vào và ở giữa phòng là cái bàn tròn chung quanh có bốn cái ghế mây. Dọc theo bức tường đối diện với tủ áo có một tủ đựng bát đĩa bên trong gần như hoàn toàn trống rỗng.
Hella quay lại nhìn chàng:
— Hôm nay anh về sớm thế?
Nàng hôn chàng. Nét mặt nàng bao giờ cũng thay đổi mỗi khi nàng thấy chàng, chàng có thể nhìn thấy trên đó nét rạng rỡ tự nhiên của hạnh phúc. Và nét mặt ấy của nàng luôn luôn làm cho chàng có mặc cảm phạm tội và sợ hãi, vì nàng đã dựa đời nàng quá nhiều vào chàng như nàng hoàn toàn không hiểu một chút gì về vô vàn những hiểm nguy mà chàng thấy trong thế giới bao quanh họ.
Mosca đáp:
— Anh có việc phải làm ở ngoài phố, làm xong anh không về căn cứ nữa, về nhà luôn.
Leo ngước lên nhìn và gật đầu, rồi lại tiếp tục đọc báo. Mosca thò tay vào túi lấy gói thuốc lá. Ngón tay chàng chạm vào tấm thẻ căn cước của người đàn ông Đức.
— Ăn xong anh chở tôi đến Quận Cảnh sát được không, Leo? - Mosca hỏi. Chàng ném tấm căn cước lên mặt bàn.
— Được chứ. - Leo đáp, rồi lơ đãng hỏi. - Anh đến đó làm gì?
Mosca kể cho họ nghe chuyện vừa mới xảy ra ở quảng trường trước cửa Câu lạc bộ Hồng Thập Tự. Chàng nhận thấy Leo nhìn chàng với vẻ mặt tò mò, tìm hiểu, còn Hella tuy nghe chuyện như vẫn lo nấu bếp. Nàng lặng người cho đến khi ba người ăn gần xong bữa mới cầm tấm thẻ căn cước vứt trên bàn lên xem.
— Hắn có vợ, - nàng nói. - Mắt hắn xanh, tóc hắn nâu, hắn làm thợ nhà in. Việc hắn làm khá tiến. - Nàng nhìn kỹ hơn mặt người đàn ông trên tấm căn cước. - Trông hắn có vẻ là người lương thiện. Không biết hắn có con không?
— Căn cước không ghi số con của hắn à? - Mosca hỏi.
— Không. - Hella đáp. - Chỉ có ghi là hắn có vết sẹo trên bàn tay phải.
Leo đưa ly cà phê lên uống. Khi hạ ly xuống đĩa. Y mới chậm rãi hỏi:
— Sao anh không đưa người đó đến Quận Cảnh sát ngay lúc ấy đi? Quận Cảnh sát ở cách đó có mấy bước mà?
Mosca mỉm cười:
— Tôi cố ý muốn cho hắn ta sợ chơi một đêm. Tôi sẽ không làm hại gì hắn cả, tôi chỉ muốn làm cho hắn sợ.
— Sợ thì hắn sợ rồi đó, đêm nay hắn sẽ mất ngủ, - Hella nói.
— Đáng lắm, cho hắn mất ngủ, - Mosca bực dọc nói, tuy nhiên giọng nói của chàng đã có những âm thanh tự bào chữa. - Ai bảo hắn dính mũi vào việc của tôi.
Hella ngước đôi mắt xám của nàng lên nhìn chàng nói:
— Hắn cảm thấy xấu hổ, em chắc hắn nghĩ rằng chính là vì lỗi của hắn mà mấy đứa trẻ khốn khổ ấy phải ăn xin và lượm mẩu thuốc lá vứt ngoài đường.
— Mẹ kiếp, - Mosca nói, - cho hắn toát mồ hôi chơi. Chẳng phải lỗi của hắn thì còn lỗi của ai nữa? Hung hăng gây chiến cho lắm vào, còn là nhục nhã nữa chứ, đã hết nợ đâu. Cho thêm chút cà phê đây.
Leo đứng dậy móc túi lấy ra chùm chìa khoá công tắc xe, Hella lại cầm tấm thẻ căn cước lên, nàng chỉ tay lên đó nói:
— Số nhà hắn này. Hắn ngụ ở đường Rubsam. Từ đây đến nhà hắn gần hơn là anh đến Quận Cảnh sát.
Mosca nói sang chuyện khác:
— Em ngủ trước đi nhé, đừng chờ anh. Tới Quận xong anh với Leo đi đến Câu lạc bộ.
Chàng mỉm cười khi nàng nghiêng người về phía chàng để hôn và được hôn, mái tóc nâu nhạt của nàng vòng quanh đầu nàng như cái mũ sắt. Việc hôn nhau mỗi lần chàng ra khỏi nhà làm cho chàng cảm thấy trìu mến nàng hơn mặc dầu chàng vẫn coi thường việc đó và không bao giờ chịu hôn nàng trước.
— Em có ăn kem không, anh mua về cho?
Nàng gật đầu. Khi chàng ra đến cửa, nàng nói với theo:
— Đường Rubsam cũng nằm trên đường anh tới Câu lạc bộ.
Trong xe Jeep, Leo hỏi chàng:
— Mình đi đâu đây?
Mosca nhún vai:
— Ô kê… Đưa tôi đến nhà thằng cha đó. Anh với Hella làm tôi khổ tâm về thằng đó.
Leo lắc đầu:
— Tôi chẳng thương gì thằng cha đó, nhưng nhà hắn ở trên đường mình đi. Hai nữa, tôi biết thế nào là “toát mồ hôi” như anh nói. Câu đó diễn tả rất đúng. - Y cười đượm buồn.
— Tôi không muốn gặp lại thằng cha đó nữa. Leo, anh vào nhà hắn dúi cho hắn cái thẻ dùm tôi được không?
— Xin lỗi, - Leo cười thành tiếng. - Anh lấy thẻ của hắn, anh mang thẻ trả cho hắn.
Họ tìm ra toà nhà không khó khăn. Đó là toà nhà hai tầng, nhiều phòng và có vẻ có nhiều gia đình sống chen chúc nhau bên trong. Trong hành lang bên trong cửa vào dán một bản danh sách ghi tên tuổi tất cả những người ở trong nhà cùng với số phòng, mỗi gia đình đứng riêng như danh sách một tiểu đội. Mosca so sánh tên ghi trong thẻ căn cước với tên những chủ gia đình trong bảng danh sách, rồi chàng đi lên tầng hai. Chàng gõ mạnh lên cánh cửa và cửa mở ngay tức khắc. Chàng hiểu rằng người trong phòng này đã trông thấy chàng khi chiếc Jeep đậu dưới đường và khi chàng bước ra xe, chàng được chờ đợi sẵn ở đây. Người đàn ông đứng sau cánh cửa chính là người đàn ông hồi chiều. Bây giờ hắn có vẻ già hơn vì cái đầu hói lơ thơ vài sợi tóc, hắn lùi lại và Mosca bước vào phòng.
Chàng đến vào giữa bữa ăn tối của gia đình này. Mặt bàn có hai cái đĩa trong nổi lều phều mấy cọng rau và những miếng khoai trắng. Trong góc có một cái giường, cạnh đấy là bồn rửa mặt rạn nứt và nghiêng đi như sắp đổ. Một thiếu phụ, mái tóc vấn quanh đầu, đang dẫn hai đứa nhỏ sang phòng bên. Vì bà ta dừng lại để nhìn Mosca khi chàng vào phòng nên hai đứa nhỏ cũng đứng lại. Mọi người đều ngây nhìn Mosca và chờ đợi.
Chàng đưa cho người đàn ông Đức tấm thẻ căn cước. Người này cầm lấy và run rẩy hỏi:
— Thưa… tôi phải làm gì?
Mosca nói:
— Ông khỏi phải đến Quận Cảnh sát nữa. Quên chuyện hôm nay đi.
Màu da mặt người đàn ông bỗng tái nhợt. Cơn sợ hãi dồn nén từ chiều, tiếng xe Jeep đỗ trước cửa nhà, tiếng gõ cửa, rồi cuối cùng là sự giải toả bất ngờ của cơn sợ hãi - tất cả như một liều thuốc độc tan chảy trong mạch máu người đàn ông khốn khổ. Ông run lên lẩy bẩy và bà vợ phải chạy vội đến đỡ dìu ông đi vào ngồi lên một trong bốn chiếc ghế quanh bàn ăn. Mosca bối rối hỏi người thiếu phụ:
— Sao thế? Ông ấy làm sao thế?
— Không sao, - người thiếu phụ đáp, giọng bà run run. - Chúng tôi tưởng rằng ông đến mang nhà tôi đi. - Ở phần cuối cùng câu nói, giọng bà cũng lạc đi.
Một trong hai đứa nhỏ bắt đầu khóc, tiếng khóc nhẫn nhục như trước một sự đổ vỡ không làm sao còn cứu vãn được. Muốn dỗ cho nó nín, Mosca đến gần nó, chàng rút trong túi ra bánh chocolate chàng để sẵn hồi chiều để cho bọn trẻ chụp ảnh, đưa cho nó.
Nhưng việc chàng đến gần làm cho đứa nhỏ kinh hoàng, nó khóc rú lên, âm thanh cao đến nỗi trong vài giây không ai nghe được tiếng nó khóc. Mosca dừng lại, chàng giơ hai tay biểu lộ sự bất lực của chàng. Bà vợ đang bận mang ly rượu mạnh đến cho chồng. Trong lúc chồng uống, bà chạy vội vã đến đứa nhỏ tát một cái mạnh lên miệng nó rồi bồng nó lên tay. Đứa nhỏ im luôn, tiếng khóc nghẹn trên ngực nó. Người chồng và người cha, vẫn còn xúc động mạnh, bật lên nói:
— Xin chờ, xin ông chờ chút…
Ông ta chạy vội đi rót rượu vào ly, bưng đến ấn vào trong tay Mosca.
— Tôi có lỗi… Tôi có lỗi…- Ông thều thào nói. - Tôi tưởng bọn trẻ làm phiền ông. Tôi thật không dám can dự vào ông.
Mosca nhớ lại giọng nói giận dữ của người đàn ông khi hắn mắng hai đứa nhỏ hồi chiều, sự giận dữ của tội lỗi và hổ thẹn, nhưng ông ta chính là nguyên nhân gây ra sự khốn khổ của hai đứa trẻ.
— Không sao, chuyện ấy qua rồi. - Mosca nói. Chàng định đặt ly rượu lên bàn nhưng người đàn ông nắm lấy tay chàng, ép chàng uống.
Quên vợ và các con đang nhìn ông ta lắp bắp liên hồi như để tránh cái chết:
— Tôi không bao giờ là đảng viên Quốc xã. Tôi chỉ bắt buộc phải vào đảng vì hồi ấy, tôi không gia nhập không được. Tôi phải vào đảng để giữ chỗ làm của tôi, tất cả mọi người làm nghề ấn loát đều phải vào đảng. Nhưng tôi chỉ đóng nguyệt phí, tôi không làm gì cả. Tôi không phải là đảng viên Quốc xã. Uống nữa đi. Rượu ngon lắm. Tôi để dành lâu lắm rồi. Chỉ uống nó lúc nào tôi cảm lạnh.
Mosca cố uống cho hết ly rượu và lùi ra xa nhưng người đàn ông Đức bước theo, nắm lấy tay chàng bắt cả hai tay hắn, bắt tay chàng.
— Cảm ơn, cảm ơn. Ông tốt lắm. Ông thật tốt. Tôi không bao giờ quên lòng tốt của ông. Người Đức chúng tôi thật có nhiều may mắn. - Ông ta lắc lắc mạnh tay Mosca lần cuối, cả đầu và vai ông ta cùng lắc theo cánh tay.
Lúc ấy Mosca cảm thấy thèm muốn gần như không kiểm soát được là đánh một cái thật mạnh cho gã đàn ông phải ngã xuống, làm cho máu vọt ra từ cái đầu hói và bộ mặt nhăn nhó ấy. Chàng quay mặt đi để che giấu vẻ khinh bỉ và ghê tởm.
Chàng nhìn thấy khuôn mặt người vợ như đóng khung trong cánh cửa nâu dẫn sang phòng bên. Làn da mặt căng thẳng trên hai gò má gò lên, trắng nhợt, hai vai hơi thấp xuống vì sức nặng của đứa nhỏ bế trên tay. Đôi mắt xám của bà ta giờ đây gần như đen thẫm, là hai vòng bóng tối đầy ngợp thù hận không thể nào vơi quên. Mái tóc bà cũng đen hơn khi sát gần mái tóc hung vàng của đứa nhỏ, đôi mắt bà không hề lay chuyển khi gặp mắt Mosca.
Khi cánh cửa đóng lại sau lưng chàng, Mosca nghe tiếng người thiếu phụ, điềm tĩnh nhưng sắc, nói với chồng. Ra đến đường, khi nhìn lên, qua ánh sáng của ngọn đèn đường, chàng thấy bóng bà ta đứng sau khung cửa sổ nhìn xuống, đứa nhỏ vẫn ở trong cánh tay.