Số lần đọc/download: 5824 / 104
Cập nhật: 2014-11-19 09:40:34 +0700
Chương 11
M
on vào rừng tìm nấm buổi sáng. Cái giống nấm cỏ, sau mỗi trận mưa đầu mùa, mọc như nghể. Nấm cũng ngọt như rau ngót, Mon rất thích ăn. Đêm qua mưa to. Nước trong rừng tràn các suối còn in lại trên những làn cỏ giạt xuống, thẳng tắp. Bỗng Mon để ý: có những đám cỏ rối từng vũng tròn. Đến xem, thấy vết chân gấu. Cỏ gãy còn đương ngóc lên. Một con gấu to vừa đi qua. Thoạt trông biết ngay, chân gấu khác dấu chân con hươu, con hổ. Hai chân trước nó nhỏ, dấu quào lắt nhắt. Chân sau gấu hình cả bàn chân có gót tròn và đậm, như gót người. Có một con gấu nào mới qua đây. Bối cỏ giạt nước vừa bị nén xuống còn đương cựa quậy trong vết chân hằn lại, nước rỉ vào hũm chân chưa đầy mặt lõm. Mon hạ cái lao trúc trên vai xuống cầm tay rồi rón rén theo vết gấu. Một quãng, Mon nghe ở khe đá trước mặt vẳng ra tiếng kêu kít kít như tiếng con tê tê vừa đào ổ vừa húc mũi vào hít đất. ờ, trong khe đá có con tê tê. Tiếng sột soạt, những tiếng sột soạt mạnh, như giẫm chân xuống đất, không nhẹ như con cầy đụng đậy, con tê tê đào đất mới khỏe thế được. Nhưng lúc ấy Mon trông thấy hai con gấu bé - gấu mới đẻ, có lẽ gấu chưa mở mắt, lông còn xám nhờ, bết từng đám, nằm rúc vào nhau.
Chính những con gấu con ấy đã kêu kít kít lúc nãy. Ngay trên đầu mỏm đá, một con trăn mốc to như cây chuối đương núc gấu mẹ. Con gấu mẹ ấy mới đẻ, tha con đến đây thì gặp trăn. Trăn mốc sởn vẩy lên, quăng mình ào ào qua rừng tìm mồi. Mỗi lần vòng núc chặt hơn, xương gấu mẹ gãy răng rắc, con trăn mốc quật đuôi xuống đất như vồ đập, lại núc một vòng nữa. Gấu đã bị trói hẳn cả người vào trong mình trăn, chỉ còn cái mõm há hốc ngoi lên, cái lưỡi đỏ nhọn hoắt, thò dài ra, như một cục máu đương rơi. Mon nhìn quanh tìm chỗ có thể để mở trận đánh trăn rồi Mon trèo lên tảng đá gần đấy, cao hơn chỗ khe đá có con trăn đương núc gấu. Đứng trên, nghe tiếng xương gấu gãy mỗi lúc cứ như tiếng cành cây gãy trong vòng núc của con trăn, mỗi khi cái đuôi trăn lấy đà quật mạnh xuống. Rồi cả mình con trăn nguồn lên dồn đẩy dần cái mồi gấu vào mõm. Mõm trăn mốc há hoác, sắp nuốt con gấu đã nhũn rũ ra như đống lá khô. Miệng trăn đỏ nhợt, há ra. Chiếc lao trúc của Mon phóng tới, cắm phập suốt. Cái lao ngập gần hết vào miệng con trăn. Con trăn không ngoạm lại được. Trăn vùng một cái, tung mồi gấu ra rồi nó cứ tha cả cái lao trong miệng như thế biến thẳng vào rừng. "Cho mày chạy đi! Thế nào mày cũng chết đứt cổ rồi!". Mon nghĩ bụng vậy. Mon nhảy xuống, đến chỗ con gấu bị nạn. Rớt dãi nhầy nhụa ở người trăn tiết ra khi nó vặn mình núc mồi, còn hôi sặc sụa. Con gấu mẹ chỉ còn là một đống lông đen xương trắng lòi lẫn lộn và một vũng máu. Chỗ chân tảng đá, hai gấu con, lỗ mắt ướt nhoèn, nằm uốn tròn - hình nằm trong bụng mẹ, cứ kêu lít nhít như chuột mới đẻ. Mẹ mới đẻ gấu lúc sáng sớm, còn đương liếm con. Những nạm lông xám ướt lờm nhờm. Lúc ấy, con trăn mốc đói mồi quăng mình đến. Mon ôm hai con gấu con về lều gốc thông. Mon ngồi vuốt cho gấu khô lông. Rồi Mon đi kiếm quả trắm và những nạm cỏ thật non về cho gấu. Bọn gấu con cũng như ngựa con và bê, chúng nó chỉ một lúc ra khỏi bụng mẹ, đã cứng khoeo, hai mắt thao láo, răng trắng tểnh và lún phún ria mép cẩn thận. Những chàng gấu con này cũng thế. Hai hôm sau, gấu con đã lon ton chơi, chạy trong gốc thông, như hai con chó mới mở mắt. Chẳng bao lâu, gấu con đã lớn phổng thành hai chàng gấu thật sự, đứng cao ngang sườn Mon. Đôi tai ngắn củn trên cái đầu bẹt, con mắt nâu ti hí, nhanh như chớp.
Bàn chân gấu có năm ngón tõe ra, giống bàn chân người. Con gấu có sáu chiếc răng cửa trắng nhởn, to thô lố, thò dài. Con gấu to xác thế m, lúc ngồi rỗi chỉ chăm chăm giơ bàn chân tìm kiếm bắt kiến đưa lên miệng nhấm. Mon đi đâu cũng có hai con gấu cùng đi. Mon đặt tên hai thằng là Gấu anh và Gấu em. Niềm vui đầu tiên của Mon không phải chỉ là trong nhà có bạn, nhưng còn cái sung sướng hơn, ấy là từ khi có bạn thì Mon mới được trò chuyện thả cửa. Bao lâu nay Mon cứ lì lầm cả ngày, không được nói. Bây giờ Mon mới được nói. Hai con gấu không đáp được chuyện, nhưng cứ được nói, mình nghe tiếng mình đã thích rồi. Và hai con gấu có thể biết chịu chuyện. Mắt gấu tròn xoe, hình như ánh lên, mỗi lúc Mon cười nói vẻ thích chí. Cái gì làm gấu không bằng lòng, gấu xì mõm ra, gù lưng tôm, vừa đi vừa ngồm ngoàm nhai không, như làu bàu, nhấm nhẳn. Mon đi trước, Gấu anh Gấu em theo sau, lủn củn. Ba đứa đi hái lá ngót. Rừng này cũng có lá ngót mọc từng vệt dài ngay cạnh suối. Lần đầu, Mon cho anh em gấu đi ngắt rau ngót. Mon cúi xuống, bấm ngón tay, bứt một nắm lá. Rồi quay lại xem gấu làm thế nào. Hai con gấu cũng lúi húi quơ chân trước lên, rứt lá ngót, không đợi Mon phải bảo. Mon quát hỏi:
- Chúng mày hái làm sao, tao xem nào. Hai con gấu lẳng lặng không trả lời. Cả hai lại cúi trên những cây ngót mọc là là mặt đất. Về đến gốc thông, Mon ra hiệu cho Gấu em được ngả lưng nằm chơi, còn Gấu anh thì bắt đi vác nước. Mon đem cái ống tre ra đẽo bớt vỏ rồi đổ nước bỏ lá ngót vào, nấu canh. Mon cứ vừa làm vừa quay ra, hét mắng luôn miệng:
“Thằng này lười hơn thằng em! Lười thưỡn lưng ra thôi! Đi vác nước đi! Mày không vác nổi ống nước thì ông đánh mày. Lại còn vờ vờ hé mắt nhìn cái gì? Đi vác nước!". Nói to như có mấy người đương cãi nhau. Tuy to tiếng thế nhưng rồi Gấu anh vẫn đứng ì ra. Không biết thế nào, Mon lại phải leo xuống bảo gấu cách làm: này cầm cái ống tre, này vác lên vai đi thử mấy bước, rồi Mon trỏ tay ra suối. Quát:
- Ra suối, ra đằng kia, suối đằng kia! Làm như hét cho cả trăm người nghe. Gấu anh tinh ý lắm. Chỉ có thế, Gấu anh đã hiểu. Có lẽ vì hằng ngày, Mon đi vác nước ngoài suối. Hai con gấu đứng trên sàn vẫn trông thấy.
- Được rồi, được rồi!
- Mon nói, Mon vẫn chưa thôi ne nẹt và bắt nạt nó. Cứ Gấu anh vác được ống nước nào thì Mon đổ ngay ống nước ấy đi, lại bắt ra suối lễ mễ vác về ống nước khác. Mon trợn mắt, hét:
- Cho quen đi! Bắt mày vác mười ống, phải vác đủ mười ống mới quen được!
Cả ngày, Mon lằm bằm mắng mỏ hai thằng gấu. Không phải vì ghét. Mà vì yêu chúng nó quá. Mà vì muốn được nói cho sướng miệng. Lúc nào cũng nói rầm rĩ, như cả nhà đông người trò chuyện. Hai con gấu này học cách ăn làm chóng lắm. Chẳng bao lâu, sai gì cũng nên. Gấu biết xuống bờ biển bắt con ngao, con sò. Biết ra rừng ngắt lá ngót một mình. Lại biết bới măng tre, măng trúc. Chỉ có thổi sáo véo von bằng cái ống hóp đá thì hai con gấu chịu. Hôm ấy ba đứa đi bới măng. Các cánh rừng đều rực rỡ nắng. Lại sắp bắt đầu một mùa nắng, rừng sáng xanh lên. Sắp có sấm mới, lại đi tìm măng ngọt. Lấy măng vào cữ sắp có sấm thì măng ngọt như mía lùi. Mon đã thuộc như thế, từ Bãi Lở. Mon cầm lao đi trước. Gấu anh và Gấu em, mỗi thằng đeo cổ một cái giỏ, bước cung cúc, lưng gấu càng gù xuống hơn. Đến trước một bụi trúc, Mon quỳ xuống, lấy tay với đám cỏ. Mon cầm cái lao trúc đào đất. Chỉ vài nhát đã thấy nhú lên chiếc mầm măng trắng phây. Mon xới quanh rồi bẻ cái măng, bỏ lên chiếc giỏ đeo lưng gấu. Hai gấu đứng ơ mặt xem Mon tìm măng, đào măng. Rồi có một lúc, Mon bới ra một vệt nứt trong cỏ. Gấu anh xông đến, hích lưng đẩy Mon ra. Mon hiểu con gấu muốn tranh làm đấy. Mon né sang bên. Nhanh nhảu, hai chân trước gấu cứ quào hắt đất như mưa. Rồi quay lại, chân sau vét đất ngược lại. Hai con gấu bắt chước nhau cùng làm thế. Những cái măng trúc dần dần thò lên. Làm mấy bận, con gấu đào đất lấy măng nhanh hơn cả Mon. Cẩn thận kẻo gãy, không được sây xước cái nào đâu. Gấu biết làm khéo thế. Chỉ tìm quanh vài bụi trúc, hai cái giỏ đã đầy ních những măng là măng. Ba thằng thong thả đi về. Nhưng, đến gốc thông, thấy cái nhà đã rụi xuống như một đống rơm. Ba chân tre bênh hoác ra, những mảnh ván, mặt bếp, sập hết. Mon mò quanh gốc thông, hai con gấu cũng lò dò theo.
Mon thấy có vết chân hổ. Rồi càng thấy nhiều vết chân hổ. Con hổ này to, bàn chân nó tròn bằng cái bát đàn úp. Móng chân hổ quào toạc đất từng mảng sâu. Phía gót, đất nghiêng hẳn xuống. Con hổ rún mình nhảy, hai chân sau nó ấn lún đất. Con hổ nhảy đi đâu? Nó vừa đuổi mồi húc đổ nhà mình à? Có lẽ thế. Chỗ cái cột tre gãy trông thấy vướng đám lông xám ở vai hổ. Con hổ chạy đuổi mồi đâm vào cột nhà. Nhưng tịnh chẳng thấy vết con hươu con nai nào. Mồi gì mà khiến hổ phải cuống cuồng nhảy đụng đổ cả nhà! Trong rừng này, còn có con cầy, con nhím. Những thứ ấy, hổ thò tay ra bắt được, chẳng phải vồ, phải nhảy đuổi vội vã thế. Bỗng Mon nghe tiếng gấu rít sau lưng. Mon quay lại. Cả hai gấu con cùng nằm rạp, dán mũi xuống đất, quào chân ra đằng trước.
Mon trông xuống chỗ ấy, thấy một đám dãi nhoáng nhựa cây. Mon biết ngay. Con trăn vừa quăng mình qua đấy, rớt dãi còn nhầy nhụa trên mặt đất. Con trăn đuổi mồi quăng đến đâu, nhựa da trăn dính đến đấy. Đám nhựa sệt lại ở chỗ con trăn quật đuôi lấy đà. Những ngày đổi trời, mưa nắng hấp hơi, trăn đi hàng đàn, khi bò ào ào như những con lũ, khi quăng mình qua rừng, cành cây rung chuyển, tơi tả như rừng gặp gió quẩn trong núi ra. Mon vẫn gặp luôn. Lúc nào con trăn ăn no rồi quấn tròn khúc nằm to xù xụ như tảng đá mốc, lim dim mắt, lúc ấy con trăn hiền như đất, ai đứng chơi trên người trăn cũng được. Nhưng lúc con trăn đói đuổi mồi thì thật khủng khiếp, không loài nào chống nổi. Nó phóng nhoáng như chớp từ trong bụi ra, trườn trên những tảng đá, rồi nằm vắt ngang cành cây thò đầu xuống để hóng mồi. Cả đến con hổ ngửi hơi biết trăn đói đương rình đâu đây, hổ cũng phải chạy tránh ngay. Nhiều khi, hổ chưa kịp chạy, trăn đã quăng mình từ trên cây xuống, quấn chặt con hổ. Trăn núc mãi vào cho đến khi con hổ khốn nạn mềm nhũn dài ra thành một cục mồi máu me. Thế là trăn há hoác miệng, nuốt dần, có khi nuốt mấy ngày mới vào bụng hết cái mồi con hổ, đầy đủ móng vuốt. Trông những đám dãi, Mon đoán biết không phải hổ đi tìm mồi mà có một con trăn đuổi hổ, con hổ chạy. Không biết hổ có chạy thoát? Hay đã bị trăn quấn chặt, tha đi rồi. Hai gấu con vật vã nằm lại hai bên má áp xuống mặt đất, ngửi vết nhoáng trăn rồi lại quào, lại im, mặt tiu nghỉu buồn thiu. Gấu làm hiệu cho Mon biết có con trăn đuổi bắt hổ? Chúng nó sợ lắm. Hay chúng nó đương nhớ mẹ. Những con gấu ấy nhớ mẹ. Mon không muốn nghĩ hơn. Mon cũng chạnh lòng nhớ. Mon vội nghĩ ra chuyện khác. Phải làm nhà lại. Phải dựng lại cái nhà. Mùa mưa rào đến nơi rồi.
Lần này Mon làm nhà cách khác. Vẫn ở gốc thông ấy, nhưng Mon không chôn những chân cột chênh vênh nữa. Mon xếp thành nền đá cao có cái trụ đá ở giữa, trăn hay hổ cũng không húc đổ được. Cái cây gỗ đẽo làm thang nhà lúc còn ở với bố mẹ, và nó đã cứu mình, đưa mình đến đây, lại gác cạnh những ống bương đựng nước ở rìa đá làm lối trèo lên, như cũ. Mon làm lại nhà. Tuy vậy, không phải khó nhọc lắm như lần làm nhà trước. Bây giờ ba thằng cùng làm. Bên cạnh Mon, hai bạn gấu vác đá đi đi lại lại, Mon không phải lẻ loi một mình như dạo trước. Mon thành tay thợ cả. Mon đi đẵn tre, lấy mây lấy song, rồi Mon ngồi giữa đống ngổn ngang tre gỗ với cái ống bật lửa, la liệt những dao đá, những dao vàng và kéo, cột, nan song, mây xung quanh. Bây giờ đã biết cách làm nhà hơn. Mon lấy dây mây buộc cột ngoãm cho chắc chắn, mưa bão cũng khó đánh tung lên được. Đống đá to dần, tròn đều như cây rơm. Trên đống đá, tựa vào gốc cây thông, ló lên túp lều nhỏ cao cao, công trình của Mon, một nếp nhà xinh gọn hơn trước. Lỗ cửa bây giờ có liếp che gió, bếp là một khoảng giữa nhà, mặt sàn lát tảng đá phẳng. Để cho bếp mùa lạnh ủ, dù than có vạc, hòn đá lót bếp, vẫn nóng hầm hập đến tận sáng. Cái mái nhà lần này cũng khác. Mon không lợp lá dong lá chuối như ngày trước bố mẹ lợp nhà khi mới xuống rừng. ở Bãi Lở, lợp nứa bổ đôi, lợp lá mía. Đây có nhiều tre, Mon đem xả những cây tre làm hai mảnh. Mảnh úp, mảnh ngửa ken nhau, thế là được cái mái nhà chắc, không dột, không tốc. Mưa rào xối nước xuống, trắng tinh ngoài giọt tranh, trong này, lửa bếp vẫn đầm ấm đỏ ngọn. Từ khi có anh em gấu cùng ở, Mon đỡ thui thủi, không như những năm trước, mỗi khi bồn chồn nhớ bố mẹ, không biết thế nào, chỉ muốn ứa nước mắt. Bây giờ trò chuyện, đùa nhả, cãi nhau với anh em gấu như với cái Gái, lắm lúc ngỡ rồi sẽ gặp em, lại cũng đùa chơi và cãi nhau vui thế này. Những khi nhớ em, Mon lại rủ gấu ra tập cho chúng nó biết cách ngồi chồng chân chắp tay như chơi chồng nụ chồng hoa, như những khi trẻ con các xóm kéo ra bờ sông chơi mê cả buổi. Nhưng đến lúc gấu biết chơi thế, Mon lại chán ngay. Vì gấu nhảy cao quá, chắp tay chân cao nhất, rồi đến lúc đứng thẳng người giơ tay lên, anh em gấu cũng nhảy qua đầu như bỡn. Mon lại tập cho anh em gấu biết đánh vật. Phải như mọi người ở lò vật Bãi Lở. Chẳng chịu kém đâu. Những hôm mê mải chơi dưới gốc thông, ba tay đô này lại thả cửa quần nhau. Dạy cho gấu biết vật thật là khó. Gấu tuy tinh khôn, nhưng chỉ biết làm theo, không biết nghĩ ra làm riêng được. Mon nắm hai tay, víu vai gấu. Gấu đưa chân trước lên vai Mon. Mon lẳng gấu xuống, gấu bíu chân lại, giữ chặt vai Mon. Những cái vuốt sắc cắm vào vai Mon. Máu rườn rượt chảy khắp người Mon. Mon thét lên, nhảy bật ra. Gấu há hốc mõm, cứ đứng lớ quớ giơ hai tay như thế, như sợ quá, như lạ lùng quá, nhìn những dòng máu đương lõa lợi hai vai Mon. Nhưng đến lúc khỏi đau vai, Mon lại dạy gấu chơi vật, không sợ. Và cũng chỉ có một lần gấu vô ý thế thôi. Bây giờ nắm hai "bàn tay" lại, những chiếc vuốt nhọn cũng cụp vào. Nắm tay gấu chỉ còn êm mượt lông như hai nắm bông. Cứ thế, chân trước, chân sau tròn thu lu, gấu ghì gấu vật với Mon. Có đêm sáng trăng, ba tay đô còn quần nhau vào khuya, đến lúc cả ba mệt thở phì phò rồi mới dò lên nhà. Chẳng kịp thổi lửa đã lăn ra ngủ khì.
Tháng ngày qua lặng lẽ. Mon và anh em gấu vẫn tha thủi ở rừng. Mon bây giờ như người có hai cái bóng. Mon đi đâu, hai cái bóng cũng đi theo. Có hôm trở trời, Mon sốt nằm trên sàn, mặt đỏ rừ, hai con gấu cũng quanh quẩn không đi đâu. Làm gì, hai cái bóng cũng cùng làm. Thế nhưng chẳng phải việc nào gấu cũng chỉ biết bắt chước và lúc nào gấu cũng chịu là cái bóng đâu. Một buổi sáng, Mon thức dậy, thấy như trong nhà quang khác hẳn. Chợt nhìn: vắng hai con gấu mọi khi vẫn nằm ngay chỗ cửa. Mon trông ngoài liếp. Mon nghển nhìn ngoài suối Sáng. Cũng không thấy. Không phải gấu đi vác nước, mấy chiếc ống nước vẫn đựng bên gờ đá cạnh cửa. Anh em nhà gấu đi đâu? Từ ngày còn bết lông, Mon cứu gấu về, gấu không đi một mình thế này bao giờ. Gấu vốn thuần tính. Bây giờ gấu đi đâu? Bỗng nhiên, Mon thấy vắng đến ghê cả răng. Hay gấu nhớ rừng, nhớ đời sống lang thang, gấu quen rừng, gấu về rừng sâu rồi. Còn mình về đâu bây giờ? Mình nhớ bố mẹ, mình về đâu? Nghĩ gấu, thương mình, cảm nỗi quạnh hiu rợn người. Mọi khi, mỗi lúc nhớ, Mon đều nghĩ được cách cho khuây khỏa. Bây giờ không nghĩ ra cách thế nào nữa. Đã quen có hai con gấu, cái lều trong gốc thông được êm vui hẳn. Chúng nó như em mình, cũng bằng cái Gái nhà mình. Bây giờ chúng nó đi đâu? Mon không muốn thò chân xuống thang. Mon ngồi lỳ trên nhà. Chẳng đi kiếm cái ăn. Chẳng thổi lửa.
Mon ủ rũ, tựa vách. Mon nhắm mắt nghĩ miên man. Chợt nghe động lách cách dưới chân thang. Mon choàng mắt nhìn xuống. Thằng Gấu anh đương lúi húi trèo lên. Gấu em cũng ngoi ngóp theo. Gì thế kia, một tay gấu ôm vào ngực cái bọc to, ướt ròng ròng. Khó nhọc sao mà cả hai đứa cùng thè dài lưỡi, thở khặc khặc, chốc lại gạt tay lên qua tai, như người ta gạt mồ hôi. Hai anh em gấu đã lên đến trước mặt Mon. Mon trông rõ mỗi đứa cầm trong tay một cái khoái ong đầy bọng. Tổ ong lỗ chỗ nổi sáp vàng mỡ, phủ kín mật. Anh em gấu chìa nạm khoái ong cho Mon. Mon cười cầm lấy rồi cắn từng miếng, nhai cả bã. Mật ong ngọt tê đầu lưỡi. Như thèm từ thuở bé mà chưa được đụng một miếng mật ong bao giờ. Mật ong ngọt lừ. Rồi Mon nhìn hai con gấu. Thế ra hai thằng gấu này khôn bằng người rồi. Mọi khi, nó là đầu sai, bảo gì làm nấy. Bây giờ mới hiểu nó biết đến mùa ong, biết nghĩ ra đi tìm mật ong đem về cho mình ăn. Hôm sau, lại nghe từ tờ mờ sáng cái gì lịch kịch dưới sân, Mon tỉnh dậy. Trông ra cửa, thấy anh em gấu nối đuôi nhau lúi húi đi. Mon nhảy tót xuống theo. Tài thế, không ngoảnh lại mà như biết Mon theo, hai con gấu tự dưng nhe răng ra, tai đụng đậy cúp xuống. Tỏ ý thích cho Mon theo đấy. "Tao biết rồi. Anh em mày lại đi lấy mật. Ong hồi này đương cữ mật.
Làm thế nào chúng mày lấy được cả bọng mà ong khỏi đốt. Chúng mày đánh nhau được với ong? Tao phải đi xem chúng mày đánh nhau với ong thế nào...". Chúng đi quanh co xa lắm. Mùi mật chín bay tỏa xa từng luồng thơm, cách mấy rừng, gấu cũng đánh hơi thấy. Một lúc, đương đi, gấu chồm lên một cây nghiến to. Trên lưng cây, có một cái hốc tối đen. Loáng thoáng ong bay ra bay vào. Gấu anh trèo lên cây nghiến. Gấu em cũng thoắt lên nốt. Mon đứng lại dưới gốc cây. Hai con gấu hung hăng leo lên, bíu ngang hai bên cành rồi thò thẳng tay vào tổ ong. Đàn ong đen như chàm bay ra xúm xít quanh. Hai cái đầu gấu vẫn nhấp nhô nhòm vào tìm khoái, không để ý ong kéo về mỗi lúc một đông đặc. Gấu đã lôi được miếng khoái ong to bằng mo cau, vàng chóe, trông xa cũng biết khoái ngập những mật. Rồi hai con gấu cùng thong thả tụt xuống, không cần biết đàn ong vẫn bâu quanh đầu. Lại như lúc nãy, gấu cung cúc đi, thằng anh trước, thằng em sau. Hai chân trước nhô cao, cái lưng gù lên, bàn chân gấu đi lướt lướt quét trên cỏ. Đàn ong lúc nhúc bâu khắp người, hai con gấu như hai cái gốc cây cháy ra than. Mon rợn người. Thế kia mà ong xúm đến thì mình chết mất. Tự nhiên, Mon nằm rạp. Chẳng biết anh em gấu đối phó thế nào, chỉ thấy đàn ong à à lay động theo hai cái bóng gấu vẫn đi. Như cái bùi nhùi, hai con gấu khật khưỡng đi ba chân. Một chân cắp vào ức, giữ cái khoái ong. Hai vai chân trước nhô cao và hai chân sau liên liến bước trong cỏ. Chẳng khác lúc nãy. Chỉ khác, chốc chốc gấu giơ "tay" xua lên đầu. Con ong cắm được kim vào đầu gấu, rồi chết rơi lả tả xuống đất. Thỉnh thoảng gấu cúi, nhặt xác ong, thè lưỡi, nhấm ăn. Phải, hôm qua về đến nhà chẳng còn con ong nào theo đốt mà tay gấu vẫn xua lên. Các chàng bị ong đuổi, quen tay xua. Mon nằm trên mặt cỏ, nghe xung quanh đã vắng im. Đã biết giống ong không bao giờ tự dưng đốt người, nhưng Mon vẫn trờn trợn. Mon từ từ ngồi dậy, Mon không đi theo hai con gấu, Mon rẽ rừng về lối khác.
Về gốc thông, trèo lên, thấy anh em gấu đã ngồi chồm chỗm trong nhà. Không còn một tiếng ong nào vo ve. Không hiểu chúng làm thế nào mà đàn ong phải đuổi mỏi cánh, chịu thôi. Lại thấy hai mảnh khoái ong vàng ngậy để trước mặt. Con mắt gấu hấp háy nhìn Mon. Những bàn chân trước đẫm mật. Con mắt lại hấp háy nhìn Mon. Những bàn chân trước đưa lên, thè lưỡi ra liếm. Như mời cùng ăn. Ba anh em Mon mút no mật ong, hôm ấy. Nhưng hôm ấy Mon thích nhất là lại nhận thêm ra những tính tốt nữa của gấu. Con gấu không bị thịt, không lù đù như có lúc mình tưởng thế. Trông dáng không thể biết hết, phải ở lâu mới hiểu, càng ở lâu càng biết nhau hơn. Thật như vậy. Rồi lại vào những ngày mưa rét. Cái dây thắt nút đánh dấu ngày tháng treo trên vách mỗi năm thêm một nút, thêm nhiều mấu, lại sắp hết năm rồi. Ngày trước ở với bố mẹ, không biết lo. Bây giờ tính tháo vát phải nảy ra, Mon đã thạo. Mon trông luồng cây, biết hướng có suối. Mon phân biệt vết chân các loài thú. Cả con thú đi chỉ quệt vào lá, chỉ gãy lá chỗ nó ngồi và nó mới ngồi hay bỏ đi đã lâu, đi phía nào, Mon ngắm hướng, xem cứt mới cứt cũ, biết cả. Mon lại biết tìm lá đấu, lá cầm máu, lá chữa rắn cắn. Mùa lạnh đến, Mon ngả xuống tấm da nai, da hươu vẫn dựng đầu vách. Mỗi lần lao được con hươu, con nai to. Mon lột da nhúng nước biển rồi phơi nắng đến khô cong, đem vào gác lên bếp. Tấm da nai, tấm da hươu trải ra thành cái đệm như ổ rơm, ổ lá chuối khô, gió gầm sàn không lọt lên được. Năm nay, đuổi được cái rét ra ngoài rồi. Thức ăn cũng chẳng thiếu. Hôm nào ngại rét, với tay lên xà nhà, xẻo miếng thịt hươu nướng vào than bếp đương đượm. Mấy ngày không đi kiếm miếng cũng không đói được. Nhưng hai con gấu cứ ngửi mùi thịt nướng thơm lại quay đi, nhìn ra ngoài. Gấu vốn thờ ơ với thịt. Gấu chỉ thích ăn hạt dẻ, quả trám và mật ong. Gấu anh him him mắt, nhìn bếp. Gấu em nằm ngửa, nghịch đạp bốn chân lên trời rồi thè lưỡi, liếm một bên lòng bàn chân trước. Một chốc, Gấu anh cũng lật ngửa mình như Gấu em. Cũng giơ một bàn chân trước, liếm lia lịa như mài lưỡi vào đấy.
- á... à... Chúng mày mút chân thế đã no chưa? Liếm chân ngon hơn ăn thịt, a? Ai biết đâu gấu liếm chân cũng là gấu ăn thức ăn để dành. Con gấu vốn sợ gió rét. Con gấu có áo bông bù xù, con gấu hung tợn không biết sợ cái gì mà sợ rét. Trong rừng, đến khi gió rét, gấu ngủ đứng trong hốc cây kín đáo, khi thức, lại liếm hai lòng bàn chân trước. Cứ liếm suông thế cũng khỏi đói, lòng chân đỏ hắt lên. Ngủ rồi liếm gan bàn chân, rồi lại ngủ, buồn buồn lại lần quanh hốc cây, tìm bắt con kiến. Thằng gấu to như con voi, mà cứ lần quanh vách nhấm ăn từng con kiến. Cho tới hôm nào nắng ấm mới lò dò ra rừng tìm ăn. Phong tục nhà gấu xưa rày như thế. Qua mùa lạnh ấy, Mon biết thêm tính gấu. Gấu ngoan, nhưng gấu cũng bướng. Gấu có tính có nết riêng. Gấu không phải con vẹt, chỉ biết bắt chước.