Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Tác giả: Neil Gaiman
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Thiên Nga
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 549 / 41
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
êm ấy, tôi có những giấc mơ kỳ lạ trong căn nhà đó. Tôi choàng tỉnh trong bóng tối và chỉ biết là một giấc mơ đã làm tôi sợ khủng khiếp, đến mức tôi phải thức dậy không thì chết mất, thế mà có cố đến mấy tôi cũng không nhớ được mình đã mơ thấy gì. Giấc mơ ám ảnh tôi: nó đứng sau lưng tôi, hiện diện mà vô hình, tồn tại dù đã bị lãng quên, ở đó mà lại không ở đó.
Tôi thấy nhớ bố mẹ, nhớ chiếc giường của mình ở ngôi nhà nằm cách đây chỉ độ một dặm. Tôi thấy nhớ ngày hôm qua, trước khi Ursula Monkton xuất hiện, trước khi có cơn giận của bố, trước câu chuyện ở bồn tắm. Tôi muốn có lại ngày hôm qua đó biết chừng nào.
Tôi cố nhớ lại giấc mơ đã làm mình lo sợ đến như vậy, nhưng nó vẫn không hiện ra. Tôi biết trong đó có sự phản bội, sự mất mát và thời gian. Giấc mơ làm tôi sợ không dám ngủ tiếp: lò sưởi lúc này đã gần tàn, chỉ còn lại ánh than hồng đỏ đậm trong lòng lò sưởi để ghi dấu là nó đã từng cháy, từng đem lại nguồn sáng.
Tôi tụt xuống chiếc giường bốn cọc rồi mò mẫm dưới gầm cho đến khi tìm thấy cái bô nặng trịch bằng sứ. Tôi kéo áo ngủ lên rồi tè vào. Đoạn, tôi đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Vầng trăng vẫn tròn đầy trên bầu trời nhưng giờ đã sà thấp xuống và có màu cam sẫm: mẹ tôi gọi đó là trăng mùa gặt. Nhưng tôi biết người ta thu hoạch vào mùa thu, không phải mùa xuân.
Trong ánh trăng màu cam, tôi trông thấy một bà già đang đi tới đi lui - tôi gần như đinh ninh đó là bà Hempstock dù khó mà thấy được rõ mặt bà. Bà cụ vừa đi vừa chống một cái que to, dài như cây gậy. Bà làm tôi nhớ đến mấy người lính duyệt binh tới lui bên ngoài điện Buckingham mà tôi đã thấy lần đến Luân Đôn.
Tôi nhìn bà cụ và thấy được dỗ dành.
Trong bóng tối, tôi trèo lại lên giường, kê đầu trên chiếc gối trống trơn rồi nghĩ, “Giờ mình sẽ không ngủ tiếp được đâu,” và mở mắt ra thì thấy trời đã sáng.
Trên chiếc ghế tựa bên cạnh giường có để những thứ áo quần tôi chưa từng thấy bao giờ. Có hai chiếc bình sứ đựng nước - một bình nóng nghi ngút khói, một bình lạnh để bên một cái tô mà tôi nhận ra là chậu rửa mặt được gắn hẳn vào chiếc bàn gỗ nhỏ. Mèo con lông xù đen mượt nằm ở cuối giường. Khi tôi ngồi dậy thì nó mở mắt ra: mắt nó có màu lục lam sống động, kỳ quặc và không được tự nhiên, như màu biển mùa hè ấy, rồi nó kêu lên một tiếng meo meo the thé ra điều dò hỏi. Tôi vuốt ve nó rồi tụt xuống giường.
Tôi pha nước nóng với nước lạnh vào chậu rồi rửa mặt và hai tay. Tôi đánh răng bằng nước lạnh. Tôi không thấy kem đánh răng đâu cả, nhưng có một hộp thiếc tròn nhỏ, trên có hàng chữ Bột đánh răng vô cùng công hiệu của Max Melton bằng kiểu chữ cổ. Tôi quệt chút bột trắng lên chiếc bàn chải xanh lá rồi đánh răng. Trong miệng tôi có vị bạc hà và chanh.
Tôi săm soi bộ đồ. Nó không giống bất cứ thứ gì tôi từng mặc. Không có quần lót. Có một chiếc áo lót trắng, không có nút áo mà đuôi áo lại dài. Một chiếc quần màu nâu dài tới ngang đầu gối, quần tất trắng và một áo gi lê màu hạt dẻ, sau lưng có khoét chữ V như đuôi chim én. Đôi tất màu nâu nhạt thì giống tất dài hơn. Tôi cố hết sức mặc bộ đồ vào, ước gì có dây kéo hay khoen cài thay vì cả đống móc rồi nút và khuyết áo thắt chặt, mãi không chịu dãn ra.
Đôi giày có cái khóa bạc ở trên nhưng lại rộng quá tôi không mang vừa, thế nên tôi mang tất dài bước ra khỏi phòng, mèo con lẽo đẽo theo sau.
Đêm trước, tôi đã đi cầu thang để lên phòng, rồi khi lên đầu cầu thang thì tôi rẽ trái. Giờ tôi rẽ phải, đi ngang phòng của Lettie (cửa mở hé, trong phòng không có ai) rồi tiến về phía cầu thang. Nhưng cầu thang không nằm ở chỗ tôi nhớ. Tận cùng hành lang là một bức tường trơ trọi cùng một ô cửa sổ nhìn ra khoảng rừng và mấy cánh đồng.
Con mèo đen mắt màu lục lam kêu meo meo to lên như thể để tôi chú ý, rồi quay lại khệnh khạng đi dọc hành lang, đuôi nhỏng cao. Nó dẫn tôi đi xuôi hành lang, vòng qua góc nhà và qua một khúc hành lang tôi chưa từng thấy rồi đến cầu thang. Con mèo nhảy phóc một cái thật đáng yêu xuống cầu thang, còn tôi theo sau.
Bác Ginnie Hempstock đang đứng dưới chân cầu thang. “Con ngủ nhiều và ngon giấc đấy,” bác nói, “chúng ta vắt sữa bò xong rồi. Phần ăn sáng của con để trên bàn ấy, còn có cả một đĩa kem nhỏ bên lò sưởi cho bạn con nữa.”
“Chị Lettie đâu rồi, bác Hempstock?”
“Đi lo mấy việc lặt vặt rồi, đi lấy mấy thứ con bé có thể sẽ cần đến. Cái thứ ở nhà con phải biến đi thôi, nếu không sẽ có rắc rối to, rồi tiếp đến sẽ có những chuyện còn tệ hại hơn. Con bé đã nhốt nó một lần rồi, vậy mà nó lẻn ra khỏi ranh giới nên con bé cần đuổi nó về lại chỗ của nó.”
“Con chỉ muốn Ursula Monkton đi đi,” tôi nói. “Con ghét mụ ta.”
Bác Ginnie Hempstock thò ngón tay quệt chiếc áo gi lê tôi mặc. “Thời nay, quanh đây không có ai mặc thứ này đâu,” bác nói. “Nhưng mẹ ta ếm cho nó tí bùa rồi nên sẽ chẳng ai nhận ra. Con cứ tha hồ mặc nó đi loanh quanh, chẳng ma nào nghĩ nó có gì kỳ quặc đâu. Không có giày hay sao?”
“Giày không vừa ạ.”
“Vậy thì ta sẽ để sẵn bên cửa sau thứ gì đó con mang vừa.”
“Con cảm ơn bác.”
Bác nói, “Ta không ghét gì mụ ta. Mụ ta làm cái mụ ta phải làm thôi, theo bản tính của mụ ta ấy mà. Mụ ta ngủ, rồi mụ ta thức dậy và đang cố cho thiên hạ cái họ muốn.”
“Mụ ta không cho con cái gì con muốn cả. Mụ ta nói mụ ta muốn nhốt con trên gác mái.”
“Cũng có thể. Con là con đường dẫn mụ ta đến đây, mà làm cánh cửa là một chuyện nguy hiểm.” Bác gõ gõ ngón trỏ lên ngực tôi, ở chỗ phía trên tim. “Mụ ta nên ở yên chỗ của mình. Chúng ta đáng ra đã cho mụ ta về nhà an toàn rồi - chúng ta từng làm vậy cho loài của mụ ta cả chục lần rồi. Nhưng cái mụ ấy lại ngoan cố. Không thể dạy dỗ chúng được. Thôi được rồi. Phần ăn sáng của con để trên bàn đấy. Có ai cần gì đến ta thì ta ở trên cánh đồng chín mẫu ấy nhé.”
Trên bàn bếp có một bát cháo, bên cạnh là một đĩa nhỏ có miếng sáp ong vàng ruộm và một bình nhỏ đựng kem vàng béo ngậy.
Tôi múc miếng sáp ong trộn vào cháo đặc rồi rót kem vào.
Còn có cả bánh mì nướng bằng lò như bố tôi vẫn nướng, phết mứt quả mâm xôi nhà làm. Ở đó có cả tách trà ngon nhất tôi từng được uống nữa. Bên lò sưởi, mèo con liếm sữa béo trong đĩa nhỏ rồi kêu rừ rừ to đến mức tôi ngồi bên kia phòng mà còn nghe thấy.
Tôi nghĩ phải chi mình cũng biết kêu rừ rừ. Được vậy thì tôi đã kêu rừ rừ rồi.
Lettie bước vào, tay xách cái giỏ đi chợ kiểu xưa: mấy bà lớn tuổi thường xách giỏ này đi mua hàng, kiểu giỏ dệt to gần bằng cái thúng, bên ngoài đan sợi cọ và lót vải, có quai dây thừng. Giỏ đã gần đầy. Má cô bé bị xước và chảy máu, dù máu đã khô. Trông cô bé thật đáng thương.
“Chào chị,” tôi nói.
“Ôi,” cô bé nói. “Nếu em tưởng chuyện này vui thì để chị nói cho mà nghe, chẳng vui tí nào cả. Đám khoai ma luôn kêu ầm ĩ khi bị nhổ lên, mà chị lại không có gì để bịt tai nên khi nhổ lên được, chị đổi khoai ma lấy một chai bóng đen, thứ đồ cổ xưa đựng nhiều bóng đen tan trong giấm ấy...” Cô bé phết bơ lên miếng bánh mì nướng, nghiền một miếng sáp ong vàng óng lên đó rồi bắt đầu nhấm nháp. “Mà việc ấy mới chỉ là để đưa chị tới chợ thôi đấy, vậy mà họ còn chưa định mở hàng nữa. Nhưng chị cũng đã mua gần đủ những thứ mình cần ở đó rồi.”
“Em xem được không?”
“Em muốn thì cứ xem đi.”
Tôi nhìn vào giỏ. Giỏ đựng đầy đồ chơi hỏng: nào là mắt rồi đầu và tay búp bê, xe sút mất bánh, mấy viên bi ve sứt mẻ. Lettie với tay lên bậu cửa sổ lấy lọ mứt xuống. Bên trong, cái ống lỗ giun trong mờ ánh bạc nhúc nhích, quằn quại, uốn éo, vặn vẹo. Lettie thả lọ mứt vào trong giỏ đi chợ chung với đám đồ chơi hỏng. Mèo con đã ngủ nên hoàn toàn không biết gì đến bọn tôi.
Lettie nói, “Lần này em không phải đi theo đâu. Em cứ ở lại đây để chị đi nói chuyện với mụ ta là được rồi.”
Tôi ngẫm nghĩ. “Ở bên chị, em thấy an toàn hơn,” tôi nói với cô bé.
Trông cô bé không vui khi nghe vậy. Cô bé nói, “Ta xuống chỗ đại dương nào.” Mèo con mở hai mắt màu lục lam trong vắt ra hờ hững nhìn chúng tôi bỏ đi.
Có một đôi ủng da màu đen như loại ủng mang để cưỡi ngựa chờ tôi bên cửa sau. Trông nó đã cũ nhưng được giữ gìn cẩn thận, lại vừa chân tôi. Tôi xỏ vào mặc dù tôi thấy mang xăng đan thì thoải mái hơn. Lettie và tôi cùng đi bộ xuống chỗ đại dương của cô bé, tức là cái ao.
Chúng tôi ngồi trên băng ghế cũ, nhìn mặt nước ao màu nâu lặng như tờ, có lác đác mấy bông súng và đám bèo tấm bên mép ao.
“Nhà chị không phải người thường,” tôi nói.
“Nhà chị cũng là người thường.”
Tôi lắc đầu. “Em dám chắc thực ra chị không trông như thế này đâu,” tôi nói. “Không hẳn.”
Lettie nhún vai. “Chẳng ai trông như con người thực sự bên trong mình cả. Em cũng vậy. Chị cũng vậy. Người ta phức tạp hơn vậy nhiều. Ai cũng thế cả.”
Tôi hỏi, “Có phải chị là yêu quái không? Như Ursula Monkton ấy?”
Lettie ném một viên sỏi xuống ao. “Chị không nghĩ vậy,” cô bé nói. “Yêu quái có muôn hình vạn trạng. Một số chúng là thứ người ta sợ. Số khác lại trông giống như những thứ ngày xửa ngày xưa người ta từng kinh sợ. Đôi khi, yêu quái là thứ người ta nên sợ, vậy mà họ lại không sợ.”
Tôi nói, “Mọi người nên sợ Ursula Monkton.”
“Có lẽ vậy. Theo em thì Ursula Monkton sợ cái gì?” “Em không biết nữa. Sao chị nghĩ mụ ta sợ thứ gì được? Mụ ta là người lớn, đúng không? Người lớn và yêu quái thì không sợ này sợ kia.”
“Ồ, yêu quái cũng biết sợ chứ,” Lettie nói. “Thế nên chúng mới là yêu quái. Còn người lớn thì...” Cô bé ngừng lời, đưa ngón tay dụi cái mũi lấm tấm tàn nhang. Thế rồi cô bé nói, “Để chị nói em nghe một chuyện quan trọng. Trong tâm hồn, người lớn cũng không như người lớn đâu. Nhìn bề ngoài, họ to cao, khắt khe và luôn biết mình đang làm gì. Bên trong, họ giống y như họ vốn dĩ vẫn vậy. Như khi họ còn ở tuổi em. Thật ra thì không có người lớn nào hết. Không một ai, trên khắp thế giới rộng lớn này.” Cô bé ngẫm nghĩ một lát. Rồi mỉm cười. “Tất nhiên là không kể bà chị.”
Chúng tôi ngồi đó, lặng im bên nhau trên băng ghế gỗ cũ. Tôi nghĩ về người lớn. Tôi tự hỏi có phải thật vậy không: có thật họ đều là trẻ con ẩn trong xác thân người lớn, hệt như truyện thiếu nhi ẩn trong lòng những cuốn sách dài lê thê, tẻ ngắt. Loại sách không có tranh ảnh hay những mẩu đối thoại ấy.
“Chị thích đại dương của chị,” Lettie nói, và tôi biết đã đến lúc chúng tôi phải đứng lên.
“Dù sao thì đó cũng chỉ là giả vờ thôi mà,” tôi nói với cô bé mà cảm thấy như mình đang đánh đuổi tuổi thơ đi khi thừa nhận như vậy. “Cái ao của chị. Nó không phải đại dương. Không thể nào. Đại dương còn rộng lớn hơn cả biển. Cái ao của chị chỉ là ao thôi.”
“Nó chỉ cần lớn chừng ấy thôi,” Lettie Hempstock nói, giọng tức giận. Cô bé thở dài. “Ta nên bắt tay vào cho Ursula gì đó về lại chỗ ban đầu của mụ ta thôi.” Rồi cô bé nói, “Chị thì biết mụ ta sợ cái gì. Mà em biết sao không? Chị cũng sợ chúng.”
Khi chúng tôi quay lại căn bếp thì không thấy mèo con đâu, dù con mèo màu xám khói đang ngồi trên bậu cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Bữa ăn sáng đã được dọn đi, còn bộ đồ ngủ đỏ và áo choàng ngủ của tôi thì xếp gọn gàng sẵn trên bàn, để trong túi giấy nâu lớn cùng với cây bàn chải xanh lá.
“Chị sẽ không để mụ ta bắt được em, đúng không?” tôi hỏi Lettie.
Cô bé gật đầu, rồi chúng tôi cùng cất bước lên đầu con đường làng quanh co đầy đá dăm dẫn về nhà tôi và cái thứ tự xưng là Ursula Monkton. Tôi cầm cái túi giấy nâu có đồ ngủ để bên trong, còn Lettie xách chiếc giỏ đi chợ đan sợi cọ to quá khổ người, trong túi chứa đầy mấy thứ đồ chơi hỏng mà cô bé có được bằng cách đổi một củ khoai ma gào thét và những bóng đen tan trong giấm.
Như tôi đã nói, trẻ con dùng ngõ sau và đường khuất, trong khi người lớn lại dùng đường chính và lối đi đường hoàng. Chúng tôi rời đường cái, theo Lettie đi đường tắt dẫn qua vài cánh đồng vào những khu vườn bát ngát bỏ hoang thuộc ngôi nhà đổ nát của một ông giàu có, rồi về lại đường làng. Chúng tôi bước ra ngay phía trước chỗ hàng rào kim loại tôi đã trèo qua.
Lettie ngửi ngửi không khí. “Vẫn chưa thấy lũ sâu mọt,” cô bé nói. “Vậy thì tốt rồi.”
“Lũ sâu mọt là gì vậy?”
Cô bé chỉ nói, “Khi nào thấy chúng thì em khắc biết. Mà chị mong là em sẽ không bao giờ trông thấy chúng.”
“Mình sẽ lẻn vào nhà đúng không?”
“Sao ta phải làm vậy? Ta sẽ đi trên lối vào rồi bước qua cửa trước, như ông chủ ấy.”
Chúng tôi cất bước lên lối vào. Tôi hỏi, “Chị định đọc bùa chú rồi đuổi mụ ta đi hả?”
“Nhà chị không dùng bùa chú,” cô bé nói. Cô bé có vẻ hơi thất vọng khi thú nhận như vậy. “Thỉnh thoảng nhà chị cũng luyện thuốc. Nhưng không dùng bùa chú hay tà thuật. Bà không chịu được mấy thứ ấy. Bà nói mấy thứ ấy tầm thường.”
“Vậy đồ trong giỏ đi chợ là để làm gì?”
“Là để ngăn không cho các thứ đi lại lung tung khi ta không muốn. Để vạch ranh giới.”
Trong nắng mai, ngôi nhà của tôi trông thật hiếu khách và thân thiện. Gạch đỏ ấm áp, mái ngói đỏ. Lettie thò tay vào giỏ đi chợ. Cô bé lấy ra một viên bi, ấn nó xuống nền đất vẫn còn ẩm. Đoạn, thay vì đi vào nhà, cô bé rẽ trái, bước dọc bìa đất nhà tôi. Đến bên vạt rau của ông Wollery thì chúng tôi dừng lại và cô bé lấy trong giỏ ra một thứ khác: thân một con búp bê màu hồng, mất đầu, không chân, hai bàn tay bị nhai móp méo. Cô bé vùi nó xuống bên mấy cây đậu.
Chúng tôi hái vài quả đậu Hà Lan, tách ra rồi ăn hạt bên trong. Đậu làm tôi thấy khó hiểu. Tôi chẳng hiểu nổi tại sao người lớn lại lấy những thứ có mùi vị ngon tuyệt khi ăn sống cho vào hộp thiếc để rồi làm món ấy khó ăn như vậy.
Lettie để xuống dưới đụn than lớn trong nhà kho một con hươu cao cổ đồ chơi, loại nhỏ xíu bằng nhựa ta thường thấy trong sở thú dành cho trẻ con hay trong tàu Noah đồ chơi. Nhà kho để than có mùi hơi ẩm, mùi bóng tối và mùi rừng xưa hoang tàn.
“Mấy thứ này có đuổi mụ ta đi được không?”
“Không.”
“Vậy thì chúng để làm gì?”
“Để ngăn mụ ta bỏ đi mất.”
“Nhưng mình muốn cho mụ ta đi mà.”
“Không. Ta muốn mụ ta về nhà”
Tôi ngây người nhìn cô bé: nhìn mái tóc nâu cắt ngắn, cái mũi hếch, đám tàn nhang. Cô bé trông lớn hơn tôi ba bốn tuổi. Nhưng ắt hẳn cô bé cũng đã hơn tôi ba bốn ngàn tuổi, hay gấp cả ngàn lần chỗ đó ấy chứ. Tôi tin tưởng cô bé đến độ có thể theo cô bé đến tận cổng địa ngục rồi quay về cũng được. Nhưng dù sao đi nữa...
“Em ước gì chị giải thích cho rõ ràng,” tôi nói. “Chị cứ nói cái kiểu bí hiểm suốt thôi.”
Dù vậy, tôi không thấy sợ, nhưng tôi không thể giải thích vì sao mình không sợ. Tôi tin cậy Lettie, như đã tin cậy cô bé khi chúng tôi đi tìm cái thứ bay phần phật dưới bầu trời cam. Tôi tin ở cô bé, mà điều đó có nghĩa là tôi sẽ không gặp chuyện gì nguy hại khi ở bên cô bé. Tôi biết điều đó giống như tôi biết cỏ thì màu xanh lá, hoa hồng có gai nhọn, ngũ cốc ăn sáng thì có vị ngọt vậy.
Chúng tôi đi qua cửa trước vào nhà. Cửa không khóa - trừ những lúc chúng tôi đi xa nghỉ mát ra thì tôi không nhớ có bao giờ cửa khóa - nên chúng tôi vào nhà.
Nhỏ em tôi đang tập piano ở phòng trước, chúng tôi bước vào. Con bé nghe thấy tiếng động liền ngừng chơi bản “Chopsticks” và quay lại.
Con bé tò mò nhìn tôi. “Tối qua có chuyện gì vậy?” con bé hỏi. “Em tưởng anh gặp rắc rối rồi chứ, nhưng rồi bố mẹ về, còn anh cứ ở lại với bạn. Sao bố mẹ lại nói anh ngủ ở nhà bạn? Anh có bạn bè nào đâu.” Thế rồi, con bé để ý thấy Lettie Hempstock. “Ai đây anh?”
“Bạn anh,” tôi nói với nó. “Con yêu tinh khủng khiếp đâu rồi?
“Đừng gọi cô ấy như vậy chứ,” em tôi cãi. “Cô ấy tử tế mà. Cô ấy đang ngả lưng.”
Nhỏ em không nhắc gì đến bộ đồ kỳ lạ tôi đang mặc.
Lettie Hempstock lấy trong giỏ đi chợ ra một cây mộc cầm gãy rồi thả vào núi đồ chơi dồn đống giữa cây piano và hộp đựng đồ chơi màu xanh có nắp rời.
“Xong,” cô bé nói. “Giờ đã đến lúc đi chào một tiếng.”
Nỗi sợ bắt đầu lao xao nhẹ trong ngực tôi, trong tâm trí tôi. “Ý chị là đi lên phòng mụ ta hả?”
“Ừ.”
“Mụ ta đang làm gì trên ấy?”
“Đang chơi đùa với cuộc sống của người khác,” Lettie nói. “Cho đến giờ thì chỉ mới có dân trong vùng thôi. Mụ ta biết được cái họ nghĩ là họ cần rồi tìm cách cho họ thứ đó. Mụ ta làm vậy để biến thế gian này thành chỗ mụ ta được sống sung sướng hơn. Một nơi mụ ta được thoải mái hơn. Một nơi sạch sẽ hơn. Và giờ mụ ta không còn bận tâm tới việc cho họ tiền nữa. Giờ cái khdiến mụ ta bận tâm hơn là làm hại mọi người.”
Khi chúng tôi lên cầu thang, Lettie để ở mỗi bậc một thứ gì đó: một viên bi thủy tinh trong vắt, bên trong có vệt xoắn màu xanh lá; một vật nhỏ xíu bằng kim loại dùng trong trò thảy đá; một hạt cườm; một đôi mắt búp bê màu xanh sáng, đằng sau có nhựa trắng nối lại để mắt nhắm mở được; một thỏi nam châm hình móng ngựa màu trắng và đỏ; một hòn cuội đen; một cái nhãn giấy, kiểu gắn kèm trên thiệp sinh nhật, trên có hàng chữ Tôi được bảy tuổi rồi, một bao diêm; một con bọ rùa bằng nhựa có nam châm đen dưới đế; một chiếc xe đồ chơi bẹp rúm đi một nửa, sút mất bánh xe; và cuối cùng là một chú lính chì. Chú ta bị cụt mất một chân.
Chúng tôi lên đến đầu cầu thang. Cửa phòng ngủ đóng. Lettie nói, “Mụ ta sẽ không nhốt em trên gác mái đâu mà.” Rồi cô bé không gõ mà đẩy cửa bước vào phòng ngủ từng là của tôi, còn tôi miễn cưỡng đi theo.
Ursula Monkton đang nằm trên giường, mắt nhắm nghiền. Ngoài mẹ ra, mụ ta là người đàn bà đầu tiên tôi thấy không mặc áo quần nên tôi có tò mò liếc nhìn. Nhưng tôi thấy căn phòng còn thú vị hơn mụ ta.
Đây là phòng ngủ của tôi lúc trước, nhưng cũng không phải. Không còn nữa. Có cái bồn rửa mặt màu vàng bé xíu và vừa cỡ tôi, còn vách tường vẫn là màu xanh trứng chim cổ đỏ như khi căn phòng còn là của tôi. Nhưng giờ đây, từ trên trần nhà lòng thòng xuống những dải vải, những sợi vải xám xịt, rách rưới như dải băng buộc vết thương, một số thì chỉ dài ba phân, số khác lại dài gần chấm sàn nhà. Cửa sổ đang để mở nên gió lùa vào và lay đám sợi vải xám ngoét, làm chúng đong đưa, khiến căn phòng trông như đang chuyển động, như cái lều hay con tàu ngoài khơi.
“Giờ bà phải đi đi,” Lettie nói.
Ursula Monkton ngồi nhỏm dậy trên giường rồi mở mắt ra, đôi mắt mụ ta cũng xám ngoét như mớ vải lòng thòng. Mụ ta nói, giọng nghe vẫn còn ngái ngủ, “Ta đã băn khoăn không biết phải làm gì để khiến hai đứa bây tới đây, mà giờ thì xem kìa, tụi bây tới rồi.”
“Bà không đưa bọn ta tới đây,” Lettie nói. “Bọn ta tới vì bọn ta muốn tới. Và ta tới cho bà cơ hội cuối cùng để ra đi.” “Ta sẽ không đi đâu hết,” Ursula Monkton nói, nghe có vẻ hờn dỗi giống như đứa bé vòi vĩnh thứ gì đó. “Ta chỉ mới tới thôi mà. Giờ ta đã có chỗ ở rồi. Ta có thú cưng - bố nó đúng là thứ dễ thương nhất. Ta đang khiến thiên hạ được sung sướng. Trên khắp trần gian này, không đâu có thứ gì như ta. Lúc bọn bây vào thì ta đang quan sát bọn họ, chỉ có mỗi mình ta. Bọn họ không thể tự vệ. Bọn họ không biết cách. Thế nên đây là chốn tuyệt vời nhất trên thế gian này.”
Mụ ta nhoẻn miệng cười tươi rói với cả hai chúng tôi. So với người lớn thì mụ ta thật sự xinh đẹp, nhưng khi ta bảy tuổi, cái đẹp là một khái niệm trừu tượng, không phải điều gì quan trọng. Tôi tự hỏi nếu lúc này mà mụ ta mỉm cười với tôi như vậy thì tôi sẽ làm gì: tôi có líu ríu giao nộp trí óc, trái tim hay bản thể cho mụ ta như bố tôi đã làm không.
“Bà nghĩ thế giới này như vậy,” Lettie nói. “Bà nghĩ nó dễ dãi. Nhưng không phải đâu.”
“Tất nhiên nó là vậy chứ. Mi đang nói gì vậy? Rằng mi và gia đình mi sẽ che chở cho thế giới này khỏi bị ta làm hại hay sao? Chỉ mỗi mình mi là từng rời ranh giới trang trại nhà mi - và mi cố giam ta lại khi ngay cả tên ta mi cũng không biết. Mẹ mi sẽ không ngu ngốc như vậy. Ta không sợ mi đâu, bé con à.”
Lettie thò tay xuống đáy giỏ đi chợ. Cô bé lấy lọ mứt có cái ống lỗ giun trong mờ bên trong và chìa nó ra.
“Đây là lối về của bà,” cô bé nói. “Ta đang hiền lành, và ta đang tử tế. Hãy tin ta. Cầm lấy đi. Ta không nghĩ bà đi được đâu xa hơn nơi bọn ta đã gặp bà, nơi có bầu trời màu cam ấy, nhưng vậy là khá xa rồi. Ta không đưa bà từ đó về lại nơi ban đầu được - ta hỏi thì bà của ta nói nơi đó cũng chẳng còn nữa là - nhưng khi bà về lại rồi thì chúng ta sẽ tìm được một chỗ cho bà, đâu đó tương tự. Đâu đó bà sẽ được sung sướng. Đâu đó bà sẽ được an toàn.”
Ursula Monkton tụt xuống giường. Mụ ta đứng lên và nhìn xuống chúng tôi. Quanh mụ ta không còn ánh chớp ngoằn ngoèo nữa, nhưng khi trần truồng đứng giữa phòng ngủ thì mụ ta còn đáng sợ hơn là khi bềnh bồng trong cơn bão. Mụ ta là người lớn - không, còn hơn người lớn nữa kìa. Mụ ta già khú. Vậy nên chưa bao giờ tôi cảm thấy mình chỉ là một đứa trẻ hơn lúc đó.
“Ở đây, ta rất ư là sung sướng,” mụ ta nói. “Rất, rất là sung sướng ở đây.” Rồi mụ ta nói, giọng gần như tiếc rẻ, “Mi thì không.”
Tôi nghe thấy một tiếng động, một tiếng lạch phạch nhẹ, tả tơi xơ xác. Những mảnh vải xám bắt đầu bong ra khỏi trần nhà, từng sợi từng sợi một. Chúng rơi, nhưng không theo phương thẳng đứng, chúng lao vào chúng tôi từ khắp phòng, như thể chúng tôi là nam châm hút chúng về người mình vậy. Dải vải xám đầu tiên rơi xuống mu bàn tay trái tôi rồi bám rịt ở đó. Tôi thò tay phải ra chụp lấy tấm vải rồi giật nó ra: nó dính lại một lát, thế rồi khi bị giật đi thì nó tạo ra một tiếng hút rồn rột. Ở chỗ sợi vải đã dính vào trên mu bàn tay trái của tôi có một mảng đổi màu, nó đỏ cứ như vừa bị tôi mút một hồi lâu, lâu thật lâu, lâu hơn và mạnh hơn tất cả những lần tôi đã từng mút tay trong đời thực, và nó lấm tấm những hột máu. Khi tôi sờ vào thì thấy lem nhem những dấu kim chích đỏ loét, rồi một miếng vải như băng cứu thương hít chặt vào hai giò tôi, và tôi né đi khi một tấm vải rơi xuống mặt và trán, rồi một miếng khác phủ lên mắt làm tôi không thấy gì được nên tôi giật lấy nó, nhưng giờ một tấm khác quấn quanh hai cườm tay tôi và trói chúng lại với nhau, hai cánh tay tôi thì bị quấn vào người, khiến tôi loạng choạng rồi ngã lăn ra sàn.
Nếu vùng vẫy thoát ra khỏi mấy tấm vải thì tôi sẽ bị đau.
Thế giới của tôi là một màu xám xịt. Tôi bèn chịu thua. Tôi nằm đó, không động đậy, chỉ tập trung thở qua kẽ hở mấy sợi vải chừa lại trên mũi. Chúng tóm giữ tôi và chúng thấy mình được sống.
Tôi nằm đó lắng nghe. Tôi chẳng thể làm gì khác nữa.
Ursula nói, “Ta cần thằng bé được an toàn. Ta đã cam đoan là sẽ giam nó trên gác mái thì đó sẽ là gác mái. Còn mi, đứa con gái nhà quê. Ta sẽ làm gì với mi đây? Làm gì đó cho thích đáng. Có lẽ là ta sẽ phải lộn trái mi ra, để tim óc xương thịt mi lộn cả ra ngoài, còn mặt da thì ở bên trong. Rồi ta sẽ quấn mi lại trong phòng này, mắt mi sẽ nhìn chằm chằm vào bóng tối bên trong mi. Ta có thể làm vậy.”
“Không đâu,” Lettie nói. Tôi thấy giọng cô bé có vẻ buồn. “Thực ra thì bà không thể. Ta cũng đã cho bà cơ hội rồi.”
“Mi hăm dọa ta. Những lời hăm dọa rỗng tuếch.”
“Ta không hăm dọa đâu,” Lettie nói. “Ta thật lòng muốn cho bà một cơ hội.” Thế rồi, cô bé nói, “Khi nhìn quanh thế gian tìm những thứ giống mình, bà không tự hỏi vì sao xung quanh lại không có nhiều thứ cổ xưa sao? Không, bà không bao giờ thắc mắc cả. Bà mừng vì ở đây chỉ có mỗi mình bà, đến mức bà chưa bao giờ dừng lại mà suy ngẫm cả.”
“Bà của ta vẫn gọi hạng như bà là bọ chét, Skarthach Ngục Tối ạ. Ý ta là bà của ta muốn gọi bà là thứ gì cũng được. Ta nghĩ là bà của ta thấy bọ chét thật buồn cười... Bà của ta không chấp nhất gì cái loài như bà. Bà của ta nói bà khá là vô hại. Chỉ hơi ngu tí thôi. Là bởi vì ở vùng này của vũ trụ có những thứ ăn thịt bọ chét. Bà của ta gọi chúng là sâu mọt. Bà của ta chẳng thích chúng chút nào. Bà nói chúng ti tiện và khó mà đuổi đi được. Mà chúng thì bao giờ cũng đói khát.”
“Ta không sợ đâu,” Ursula Monkton nói. Mụ ta nghe có vẻ khiếp sợ. Rồi mụ ta hỏi, “Làm sao mà mi biết tên ta?”
“Ta đi tìm hiểu hồi sáng nay. Đi tìm những thứ khác nữa. Vài thứ để vạch ranh giới, để bà khỏi chạy quá xa, khỏi đâm đầu thêm vào rắc rối. Và một vệt vụn bánh mì làm dấu dẫn tới đây, đến phòng này. Nào, mở cái lọ ra đi, lấy cánh cửa ra, rồi chúng ta đưa bà về nhà.”
Tôi chờ Ursula Monkton phản ứng, nhưng mụ ta không nói gì. Không có một câu trả lời nào cả. Chỉ có tiếng cửa đánh rầm rồi tiếng bước chân nhanh và thình thịch chạy xuống cầu thang.
Giọng Lettie ngay bên cạnh tôi nói, “Lẽ ra mụ ta nên ở lại đây và chấp nhận lời đề nghị của chị.”
Tôi cảm thấy hai bàn tay cô bé giật mấy miếng vải trên mặt tôi ra. Chúng bung ra cùng một tiếng hút ướt nhoẹt, nhưng chúng không còn có sức sống nữa, rồi chúng rơi xuống đất, nằm đó im lìm. Lần này, trên da tôi không thấy có hột máu lấm tấm nào. Chuyện tồi tệ nhất là hai cánh tay và hai chân tôi bị tê cứng.
Lettie đỡ tôi đứng lên. Trông cô bé không được vui.
“Mụ ta đi đâu rồi?” tôi hỏi.
“Mụ ta theo vệt bánh mì ra khỏi nhà rồi. Mụ ta cũng sợ nữa. Tội nghiệp. Mụ ta sợ lắm.”
“Chị cũng sợ nữa.”
“Phải, hơi sợ. Chị nghĩ là ngay lúc này, mụ ta đang nhận ra rằng mình đã bị mắc kẹt trong ranh giới chị đã vạch sẵn,” Lettie nói.
Chúng tôi bỏ ra ngoài phòng ngủ. Ở đầu cầu thang, chỗ để chú lính đồ chơi, giờ đây có một vết xé dài. Tôi chỉ có thể mô tả được đến vậy: tựa hồ như có người chụp hình cầu thang rồi xé chú lính chì trong hình ra. Ở khoảng trống đã từng đặt chú lính, không còn gì ngoài một màu xám mờ mờ làm mắt tôi nhức nhối nếu nhìn quá lâu.
“Mụ ta sợ gì thế?”
“Em nghe rồi mà. Sâu mọt.”
“Chị có sợ sâu mọt không, chị Lettie?”
Cô bé ngập ngừng hơi lâu một chút. Rồi cô bé chỉ nói,
“Có.”
“Nhưng chị không sợ mụ ta. Sợ Ursula ấy.”
“Chị làm sao mà sợ mụ ta được. Đúng như bà chị đã nói. Mụ ta như con bọ chét vậy, dương dương tự đắc về quyền năng và dục vọng như con bọ chét căng phồng cả máu. Nhưng mụ ta đã không thể làm hại chị. Ở thời mình, chị đã tiễn đi hàng chục đứa như mụ ta. Như một lão vào thời Cromwell - hồi ấy là chuyện lớn đấy. Lão ta khiến dân chúng thấy đơn độc. Họ thường tự làm hại mình chỉ để hết đơn độc - móc mắt mình ra hay nhảy xuống giếng, và trong khi đó, cái thứ to lớn và lười thối thây đó ngồi dưới hầm tòa Đầu Công Tước, trông như con cóc ngồi xổm to bằng con chó bull.” Chúng tôi xuống tới chân cầu thang rồi đi theo hành lang.
“Làm sao chị biết mụ ta đi đâu?”
“Ồ, mụ ta chẳng thể đi đâu được ngoài lối chị đã bày ra cho mụ ta.” Em tôi vẫn đang chơi piano bản “Chopsticks” ở phòng trước.
Tính tính tính tính tính tính
tang tang tang tang tang tang
tính tính tính tính tang tính tính tính tính...
Chúng tôi đi ra cửa trước. “Cái kẻ vào thời Cromwell đó, lão ta là người xấu xa. Nhưng nhà chị đã đưa lão ta ra khỏi đó ngay trước khi lũ chim đói kéo đến.”
“Chim đói ấy ạ?”
“Thứ mà bà gọi là sâu mọt. Bọn hốt dọn.”
Nghe thì có vẻ như chúng chẳng có gì ghê sợ cả. Tôi biết Ursula sợ chúng, nhưng tôi thì không. Sao ta lại phải sợ đám làm việc hốt dọn chứ?
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng