Số lần đọc/download: 34787 / 22
Cập nhật: 2023-04-08 21:44:02 +0700
Q.1 - Chương 11: Năm Tới Phong Ba Dữ (1)
S
au này tôi mới biết, Thẩm Hồng và Liễu Vũ Tương có thể tới đúng lúc cứu tôi, đều nhờ công lao nha hoàn Bảo Bảo của Băng Nhi. Băng Nhi đi xa, Bảo Bảo tạm thời được điều đến hậu hạ Lão phu nhân, thấy tôi xảy ra chuyện, cô bé lén chạy đến kể lại sự tình cho Liễu Vũ Tương. Giữa lúc Liễu Vũ Tương sốt ruột chẳng có cách nào, Bảo Bảo bèn hiến kế này cho nàng. Bảo Bảo chi lớn hơn Minh Nguyệt Hân Nhi có mấy tháng, nhưng làm việc gì cũng rất ổn thỏa có lòng, như được Băng Nhi chân truyền vậy. Đúng lúc khi ấy tinh thần của Thẩm Hồng không tệ, minh mẫn tỉnh táo, Liễu Vũ Tương bàn bạc với chàng, chàng liền nhận lời.
Tuy rằng tôi gả vào Thẩm gia là bất đắc dĩ, nhưng nếu như bị Thẩm gia đuổi ra ngoài, cũng sẽ phải chịu nhạo báng cả đời. Huống hồ thân thể của cha tôi vốn không chịu được khổ sở chốn lao sâu ngục tối. Bởi vậy, tôi tràn ngập cảm kích với Liễu Vũ Tương, Thẩm Hồng, cũng nhìn Bảo Bảo và Minh Nguyệt Hân Nhi bằng con mắt khác xưa. Về phần nha đầu Thanh Phân kia, tôi không dám dùng cô ta nữa. Bèn tìm một cái cớ tống cổ cô ta đi thật xa.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc đã Hai mươi tư tháng Chạp. Duy huyện có lưu truyền câu nói thế này “Quan tam, dân tứ, thuyền gia ngữ” [1], trong lòng bách tính muôn dân, Hai mươi tư tháng Chạp là Tết ông Táo. Hôm nay phải cử hành lễ “Cúng ông Táo”. Trong gian bếp nhà họ Thẩm cũng đã dựng bài vị ông Táo mới, hai bên bài vị dán đôi câu thơ còn chưa ráo mực, trên đề: “Lên trời mới nói chuyện tốt, xuống trần giữ yên ổn; Phù hộ cả nhà già trẻ bình an”.
[1] Ý câu này muốn nói, quan phủ cúng ông táo ngày Hai mươi ba, dân thường cúng ngày Hai mươi tư, dân sống nơi sông nước cúng ngày Hai mươi lăm.
Sau khi mọi chuyện được thu xếp ổn thỏa, chính là lễ cũng ông Táo. Đám nha hoàn bày các loại bánh mật, bánh chẻo, bánh dày, bánh trôi, trứng chần nước sôi, chín loại thịt, cá, rượu ngon, quýt, táo, đậu phộng, hạt dưa, kẹo, trà thơm…, và bánh điểm tâm lên bàn trước bài vị. Thẩm Phúc, Thẩm Tề bắt đầu cúng bái dưới sự hướng dẫn của Khánh thúc. Bởi vì trong dân gian luôn lưu truyền câu “Nam không bái bà Nguyệt, nữ không cúng ông Táo”, cho nên nữ nhân Thẩm gia đều không được tham dự việc cúng ông táo, có điều là vẫn được đứng đằng xa để nhìn. Lão phu nhân đưa theo một tốp gia quyến nữ, quan sát từ xa. Trên mặt mỗi người đều hân hoan, tựa hồ tất cả những khó chịu và tội nghiệp đều được hóa giải trong sự bình an tốt lành.
Lúc mặt trời lặn, lại cử hành lễ tiễn ông Táo. Già trẻ lớn bé Thẩm gia đều chen chúc trong bếp, bày một cái bàn, dâng hương lên ông Táo đang được đặt trên bàn thờ sát vách bếp, lúc cúng còn trộn mật với bột làm thành kẹo mạch nha, sau đó đốt chỗ hàng mã được bệnh bằng nan tre và chỗ cỏ nuôi gia súc cùng với bức họa ông Táo cũ đã thờ phụng trong cả năm qua với nhau. Trước khi đốt ảnh thần, lão quản gia Khánh thúc còn đặc biệt dùng mật ông bôi lên miệng ông Táo, vừa bôi vừa nói: “Lời hay như nước sông vào, những lời không tốt ấy nào có đâu”. Nghe nói làm như vậy để sau khi ông Táo lên chầu trời, trước mặt Ngọc đế chỉ nói toàn lời hay ý đẹp, không nói những điều xấu xa. Sau khi hoàn thành mọi thứ, Thẩm Phúc, Thẩm Tề mới cùng nhau dán bức họa ông Táo mới tinh vào vị trí của thần.
Sau khi đã cử hành xong xuôi tất cả, người trong nhà đã có thể ngồi ngồi quay quần cùng nhau ăn chỗ bánh chẻo ngon lành nóng hôi hổi. Bọn hạ nhân cũng được cùng ăn một loại thức ăn như chủ nhân, còn có thể nhận được phần tiền thưởng đáng kể. Mọi người tụ họp cùng nhau, cười nói râm ran. Lão phu nhân nói: “Từ hôm nay, sẽ bận rộn lắm đây. Hai mươi lăm tháng Chạp là soi phường rượu [2], Hai mươi sáu mổ heo xẻ thịt niên [3], Hai mươi bảy giết gà, đi họp chợ [3]…”.
“Con biết, con biết”, Minh Nguyệt Hân Nhi cướp lời nói: “Hai mươi tám tháng Chạp, ủ bột làm bánh dán tờ hoa [5], Hai mươi chín tháng Chạp, viếng mả xin tổ tiên phù hộ. Năm nào Lão phu nhân cũng nhắc, con thuộc lòng rồi”. Lần trước con bé bị đánh, vết thương khá nặng, cũng may chỉ là tổn thương da thịt, giờ lành rồi thì không giác gì lúc xưa, vừa liền sẹo đã quên đau, lại bắt đầu không biết trời cao đất dày là gì.
Cũng may Lão phu nhân chỉ nở nụ cười, trêu chọc nói: “Vẫn là tiểu nha đầu Minh Nguyệt Hân Nhi này thông minh”, chứ không tính toán gì với con bé. Minh Nguyệt Hân Nhi lại quên bằng sạch, bắt đầu nói với mọi người: “Nghe thấy gì chưa? Lão phu nhân vừa nói, em thông minh nhất…”, giống như con chim sẻ, chí chách kêu mãi không ngừng. Bảo Nảo giật tay con bé, nhắc đừng có mà đắc ý vênh váo, vui quá hóa buồn, con bé lại kêu to: “Bảo Bảo, cô kéo tôi làm gì? Tay toàn dầu với mỡ, bẩn hết cả quần áo mới của tôi rồi”. Đổi lại Bảo Bảo tỏ vẻ xấu hổ, mọi người trong phòng cùng nhau bật cười.
Trước kia ở nhà, vì là gia đình nghèo, lại chỉ có hai người tôi và cha, lúc ăn Tết đều rất đơn giản. Thông thường là ăn cơm tất niên xông thì ăn bánh chẻo, ngày hôm sau sang hàng xóm chúc Tết hỏi thăm là được. Sau khi đến Thẩm gia, tuy rằng ngày Tết linh dình đại nhiều hoạt động như vậy nhưng có lẽ bởi vì trời sinh tính tình lạnh nhạt, từ đầu chí cuối vẫn không tài nào phấn khởi cho được. Ngày mai Băng Nhi mới trở về, bệnh tình của Thẩm Hồng khi tốt khi xấu, nhìn chung còn trầm trọng hơn, Liễu Vũ Tương phải chăm sóc chàng, không thể đến đấy. Tôi một thân một mình tự do mà cô độc, cũng không vui vẻ gì. Có đôi khi tôi thực sự buồn thay cho Liễu Vũ Tương, cũng buồn thay cho Thẩm Hồng. Thẩm Hồng cứ sống như thế, chịu bao khổ sở như thế, làm Liễu Vũ Tương cũng chịu khổ theo, chi bằng chàng chết đi lại hóa hay, có thể đầu xuôi đuôi lọt. Nhưng trái lại, tôi cũng hiểu rằng, với tôi mà nói, Thẩm Hồng chỉ là bậc trượng phu hữu danh vô thực, nhưng với Liễu Vũ Tương chàng lại là toàn bộ cuộc đời và lòng tin của nàng. Đơn cử như những khi Liễu Vũ Tương nhìn Thẩm Hồng, cứ xem tình ý nơi khóe mắt đuôi mày là có thể biết ngay.
Tâm trạng Lão phu nhân rất tốt, không ngừng cười nói với mấy bà vú già trong phủ. Đột nhiên, bà nhìn về phía tôi, nói: “Cửu Dung, Tương Nhi con đang chăm sóc Hồng Nhi à? Năm hết Tết đến thật khổ cho con bé”.
Cúc ma ma thừa cơ lại gần nói: “Lão phu nhân, hay là người đưa chúng nô tỳ đến thăm Đại công tử và Đại thiếu phu nhân, được không? Thứ nhất là, để Đại thiếu phu nhân biết được sự quan tâm của Lão phu nhân với cô ấy. Thứ hai là, qua năm mới, trên người ai cũng toát ra không khí vui mừng đến xông phòng Đại công tử một cái, bên trong tràn ngập thêm niềm vui và phúc khí, nói không chừng bệnh tình của Đại công tử sẽ chuyển biến tốt hơn”.
Từ sau sự kiện đồ gia truyền, Cúc ma ma không còn được Lão phu nhân đối đãi như trước nữa, dáng vẻ bệ vệ của bà ta cũng vì thế mà tụt xuống bảy phần. Mấy ngày nay, bà ta thấy Lão phu nhân hết lòng quan tâm Liễu Vũ Tương, liền đổi ngược lại hoàn toàn thái độ đối địch ngày trước với Liễu Vũ Tương, hết lòng hết sức lấy lòng nàng.
Lời Cúc ma ma nói hiển nhiên chạm đến tâm tư của Lão phu nhân. Bà cười nói: “Vậy theo ý của Cúc ma ma đi”. Cúc ma ma vội vươn tay đỡ Lão phu nhân, Lão phu nhân cười, cũng vịn vào tay bà ta, khuôn mặt của bà ta không khỏi lộ ra mấy phần tự mãn.
Một đoàn người cả nam lẫn nữ dưới sự dẫn dắt của Lão phu nhân, lấy tư thế vô cùng long trọng đi về phía phòng ngủ của Thẩm Hồng. Lúc cách phòng ngủ không xa, tôi lên tiếng: “Lão phu nhân, sức khỏe của tướng công cũng không được tốt, nên nghỉ ngơi dưỡng bệnh, người xem…”.
Lão phu nhân cười nói: “Để Cúc ma ma và Cửu Dung đỡ ta, dẫn phu thê Phúc Nhi và Tề Nhi cùng vào theo, những người khác đều chờ ở đây, không được lớn tiếng ồn ào”. Mọi người vội vàng vâng dạ.
Đẩy cửa phòng Thẩm Hồng bước vào, bên trong im ắng, không hiểu vì sao Liễu Vũ Tương không có ở bên trong. Thần trí Thẩm Hồng vô cùng hỗn loạn, chàng trợn trừng đôi mắt trũng sâu, cứ nhìn chằm chằm trần nhà. Lão phu nhân gọi mấy tiếng, chàng cũng không trả lời. Mai Nhiêu Phi mặt mày lạnh tanh, Thẩm Phúc thì đứng đó, tay chân luống cuống, miệng nuốt nước bọt ừng ực lẩm bẩm: “Phù hộ cho con không dính vận xui, bài bạc không bị thua, phù hộ độ trì…”, may mà giọng của y rất khẽ, không bị Lão phu nhân nghe thấy. Sầm Khê Huyền thì khóc rất kịch, vừa khóc vừa lấy khăn dính nước miếng lau khóe mắt, giả bộ đau đớn sầu khổ.
Thẩm Tề ngồi vào mép giường Thẩm Hồng, cầm bàn tay quắt queo như que củi của chàng, nước mắt chảy xuống từ đôi mắt ngẩn ngơ, nức nở: “Đại ca, huynh nhất định phải khỏe lại. Huynh còn nhớ không? Trước đấy đệ rất ngu ngốc, chỉ có huynh dạy đệ viết chữ, chưa bao giờ ghét bỏ đệ, mỗi khi đệ bị người ta bắt nạt huynh cũng đều ra mặt giúp đệ. Nhớ có một lần, đệ bị bọn trẻ bên ngoài ức hiếp, huynh đánh nhau với chúng một trận, đánh tới nổi bị thương luôn. Lúc trước, mỗi lần đệ làm sau điều gì, huynh cũng gánh vác giúp đệ hết… Đại ca, trong lòng đệ, huynh luôn là người kiên cường nhất, vĩ đại nhất. Đệ luôn không đành lòng nhìn huynh trong dáng vẻ này, nên cũng không đành lòng đến thăm huynh. Đại ca, huynh nhất định phải khỏe lại, phải khỏe lại thật nhanh, tiếp tục cùng khóc cùng cười với đệ, dẫn dắt đệ cùng ra sức vì Thẩm gia. Đại ca…”. Thẩm Tề nói đến lúc cuối cùng, khóc không thành tiếng, xem chừng không nói được nữa. Lão phu nhân nghe vậy, cũng khóc thút thít, mọi người buộc lòng phải cùng rơi nước mắt.
--- ---------
[2] Soi phường rượu: Buộc một bó đuốc bằng tre dài đặt trước cửa chính của phường rượu, dùng ngọn lửa để xem quẻ năm mới, ngọn lửa vượng thì dự báo trước rằng năm sau sẽ làm ăn hưng thịnh.
[3] Mổ heo xẻ thịt niên: Phong tục ăn tết truyền thống của người Trung Quốc: Thời xưa còn nghèo khổ nên dân chúng chỉ được ăn thịt vào ngày Tết, ngày Hai sáu Tết hằng năm người ta sẽ giết heo nhà mình nuôi để ăn Tết, ăn “thịt niên” ý là ăn thịt kho – với mong muốn năm sau đầy đủ, được ăn thịt nhiều, có cuộc sống sung túc và may mắn hơn như màu đỏ của món thịt kho.
[4] Đi họp chợ: Nguyên gốc là “đuổi đại tập”. Đây cũng là một phong tục ăn Tết truyền thống trong văn hóa của người Trung Quốc, vào ngày Hai mươi bảy tết, dân chúng sẽ nô nức đi chợ phiên được họp vào một số ngày cố định trong tháng để mua sắm các vật dụng cần thiết cho việc ăn Tết. Đi chợ phiên ngày Tết gồm sáu hoạt động “Ăn, ở, đi, du (ngoạn), mua, chơi”.
[5] Người Trung Quốc kiêng không nấu nướng từ ngày mùng Một đến ngày mùng Sáu Tết và cũng không buôn bán mua sắm gì trong những ngày Tết, vậy nên người dân ủ bột làm bánh sẵn từ ngày Hai mươi tám để có đủ thức ăn trong khoảng một tuần Tết, gọi là “ăn cách niên”. “Dán tờ hoa” là dán tranh tết, câu đối xuân, giấy cắt hoa…