Số lần đọc/download: 1386 / 9
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 10 -
T
rường tôi đã khai giảng niên học mới, những cánh chim từ bốn phương trời lại trở về hội họp dưới mái ngói rêu phong. Thôi thì bao nhiêu là "đặc sản" tụi nó đem đến lớp ăn vụng trong giờ học: táo Long Thành, mận Mỹ Tho.. Mùi khô mực nướng thơm lừng của Tuyết Vũng Tàu đem lên đã làm thầy dạy toán phạt nó một tiết đứng im khoanh hai tay trước ngực khiến mặt mày cô nàng méo xẹo. Tội nghiệp nó, cả hai bàn chúng tôi cùng ăn mà một mình Tuyết lãnh đủ, thầy bảo nó là thủ phạm chính. Chúng tôi phải làm bản kiểm điểm, con gái mà ăn vụng trong lớp là một điều không thể tha thứ. Minh Châu phát biểu: "Con gái mà không ăn vụng mới là chuyện lạ bốn phương". Tuyết lại thêm: "Còn con trai ăn vụng thì đáng tha thứ chắc". May mà thầy không nghe.
Về chuyên môn tuần sau mới bắt đầu học, nhưng tôi vẫn đến trường gặp cô Nguyệt Hằng để cô kiểm tra lại bài thi của tôi, sắp đến ngày tổng duyệt rồi. Ước muốn ba má sẽ nắm lấy tay nhau đã làm cho tôi hăng say tập đàn, tôi cố gắng dùng tiếng đàn của mình để thu ngắn khoảng cách giữa tâm hồn ba má.
Bác sĩ đã cho phép ba ra ngoài. Sáng nay chủ nhật, tôi theo ba về Thủ Đức thăm má và ông bà ngoại. Nói làm sao hết nỗi vui mừng của tôi. Ngay từ sớm, tôi đã sang đập cửa phòng ba ầm ầm khiến ba không sao tiếp tục ngủ được, nhưng thông cảm cho tôi, ba không la, ba chỉ nói:
--Chúng ta đừng về sớm quá, để ông bà ngoại nghỉ.
Tôi vừa sửa soạn vừa nói:
--Ông bà ngoại dậy sớm lắm ba ơi.
--Còn má nữa. - Rồi ba cười - phải để thì giờ cho má làm đẹp mà đón ba chứ.
Tôi nhìn vào mắt ba và thấy trong đó một ánh lửa sáng ngời. Ánh lửa sưởi ấm hồn tôi, ánh lửa soi niềm tin yêu vào mái gia đình đã từ lâu lạnh lẽo, ánh lửa thắp niềm hạnh phúc đằm thắm yêu thương. Lòng tôi rộn rã, tim tôi hồng hào, tôi ngoan như một con búp bê, tôi nghe lời chị Hai ăn hết hai cái hột gà ốp la và nửa ổ bánh mì.
Khi tôi đeo xắc trên vai sửa soạn ra xe, chị Hai đưa cho tôi một cái hộp nhỏ:
--Cô Phương đưa cho má, nói đây là quà của chị Hai nghe.
Tôi ngồi sau lưng ba, chiếc xe gắn máy đời mới phóng nhanh ra xa lộ, hùng dũng như một con tuấn mã. Trời còn sớm, cây cỏ bên đường vươn những cánh tay ướt đẫm sương mai ra vẫy gọi, chào cô bé Thảo Phương. Tôi áp má vào lưng ba, gió tung bay mái tóc tôi thơm tho hương lành buổi sáng. Xe ơi, hãy nhanh lên nữa!
Ngôi vườn nhà ngoại đã ẩn hiện phía xa, ba quẹo vào ngõ. Đã rất lâu ba chưa về lại đây nên vừa thấy hai cây mận trước cổng ba đã kêu lên kinh ngạc:
--Ồ, cây cối ở đây lớn nhanh như thổi.
Một bóng người thoáng qua nơi cửa sổ rồi cánh cửa lớn mở rộng. Ông ngoại hiện ra oai vệ như một lão tướng, ông mặc chiếc quần kaki màu nâu mới toanh, áo sơ mi sọc xám bỏ vô thùng đàng hoàng, chân ông mang đôi dép da. Khoảng vườn còn nhiều bóng râm nên ông chưa nhận ra ba và tôi, ông nheo mắt nhìn làm tôi phải kêu lên:
--Ông ngoại!
Ông như chợt nhận ra:
--Ủa, Thảo Phương, đi đâu sớm vậy cháu?
Ông cũng đã nhìn thấy ba:
--Ồ, hay quá, có cả anh Khôi nữa à?
Ba xuống xe, tắt máy, đến ôm lấy cánh tay ông ngoại:
--Thưa ba, ba vẫn mạnh?
Gương mặt ông ngoại rất phấn khởi:
--Ồ, tôi thì luôn luôn khỏe hơn voi.
--Thưa ba, má con đâu rồi ạ?
Ông ngoại chỉ tay ra phía sau vườn:
--Bả đang cho gà ăn ngoài đó, anh vào nhà chơi rồi bảo con Phương ra kêu bả.
Tôi hỏi ngay cái câu mà ba còn ngần ngại:
--Còn má cháu đâu rồi hả ông ngoại?
Ông ngoại chợt quay phắt lại nhìn ba, hình như nãy giờ ông quên mất sự rạn vỡ giữa ba và má, một vết suy nghĩ hằn lên nếp trán nhăn nheo của ông khi ông nói:
--Con Thảo... con Thảo có biết là hai cha con sáng nay xuống không?
Ba nói rất nhỏ:
--Thưa ba, không ạ.
Ông ngoại thở phào, nói với ba:
--Vậy là tốt. Tôi cứ sợ là nó muốn tránh mặt anh, anh Khôi ạ. Nó đi đâu từ sáng sớm tôi không rõ, để hỏi má nó xem.
Tôi ra sau vườn mời bà ngoại vào. Thấy ba, bà rất mừng:
--Sao bây giờ mới xuống hả anh Khôi? Thiệt má rầu hết sức, tưởng đâu hai đứa cơm lành canh ngọt lại, không ngờ đùng một cái, con Thảo xách gói trở về, nó nói là anh đã thoát khỏi tù tội thì nó hết trách nhiệm.
Ông ngoại đã châm xong bình trà, ông để trên bàn rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ba:
--Nói anh đừng giận anh Khôi ạ, anh khôn ngoan ở đâu tôi không biết, nhưng đối với con Thảo anh quá vụng về.
Bà ngoại can:
--Kìa, ông...
Ông ngoại khoát tay:
--Bà để cho tôi nói, anh Khôi nè, theo ý anh, tôi nói như vậy có đúng không?
Ba cúi đầu:
--Thưa, ba dạy rất phải.
--Vậy thì hãy nhìn vào mắt tôi và nghe tôi hỏi, hẳn là anh muốn gặp con Thảo để ký hòa ước chứ gì? Sao? Anh im lặng à, im lặng tức là đồng ý? Vậy tôi xin phê bình anh, thêm một lần nữa, anh quá chủ quan, anh Khôi ạ.
Ba bối rối đan hai bàn tay vào nhau:
--Thưa .. thưa ba.. con chủ quan là sao ạ?
Ông ngoại gật gù:
--Vợ anh là đứa con gái duy nhất của tôi, tôi hiểu nó còn hơn cả má nó nữa. Nó có nhiều tự ái nhưng cũng lắm tình cảm, nó thích ngọt thì tại sao anh không chiều chuộng, mềm mỏng với nó, anh tự ái à? Người đàn ông không nên đặt tự ái quá cao đối với phái nữ, riêng đối với vợ mình lại càng không nên.
Bà ngoại lại nói:
--Thôi ông ơi, nói vừa thôi.
Ông ngoại vẫn nhìn ba:
--Bà sợ anh Khôi giận à, anh có giận vì tôi nói thẳng không hở anh Khôi?
--Thưa ba, con đâu dám.
--Thuốc đắng mới dã tật anh ạ. Tôi biết anh còn thương con Thảo và con Thảo nó cũng còn nhớ tới anh nhiều lắm. Hồi anh bị công an bắt nó chả quay quắt lên đó sao?
Từ ngày nó trở về đây, tôi cũng đã khuyên lơn nó nhiều lần, bây giờ đến anh, tôi vun quén vào cũng mong sao hai người mở mắt ra, nằm tay nhau mà lo cho tương lai của con Thảo Phương. Tội nghiệp con nhỏ, học hành giỏi giang, tôi nghe cô Nguyệt Hằng cạnh nhà mình khen ngợi nó lắm đấy.
Ba ngập ngừng:
--Thưa ba, Thảo đâu rồi ạ?
Ông ngoại quay sang bà ngoại, bà đáy thay ông:
--Cô Hoa đến kiếm nó từ sớm, không biết hai người dắt nhau đi đâu.
--Hoa nào?
--Hoa vợ của anh Trân đó, ông quên rồi sao?
Ông ngoại nhíu mày:
--À, con nhỏ Hoa trăng trắng đẹp đẹp chứ gì. À mà nè Khôi ạ, người ta kêu án ông Trân mấy năm nhỉ?
--Thưa ba năm năm và tịch thu tài sản.
--Còn anh thì sao, nghe con Thảo nói anh phải bồi thường một số tiền khổnng lồ à, vậy anh đã có kế hoạch gì chưa?
--Thưa ba, có lẽ con phải bán cái biệt thự đang ở, rồi mua một căn nhà nhỏ để làm lại từ đầu thôi.
--Làm sao thì làm anh ạ, cần nhất là phải sống thế nào để đừng hổ thẹn với lương tâm.
Bà ngoại nói:
--Nếu cần thì tất cả lại về đây ở như cũ, ba má đã già rồi, có con cháu bên cạnh càng vui.
Tôi buồn bã đi ra đi vào. Mãi đến trưa má mới về nhưng má không nhìn ba, má vào phòng trong đóng cửa lại. Tôi gọi má, đưa cái hộp của chị Hai tặng, má cầm lấy và chỉ nói:
--Má nhức đầu quá, cần phải nghỉ ngơi. Lần sau má con mình sẽ nói chuyện nhiều.
Ngoài phòng khách, ông ngoại đang mách nước cho ba:
--Con Thảo không chịu nói chuyện với anh là vì nó đang tự ái. Nó rất cần nghe những lời dịu ngọt của anh nhưng không phải ngay bây giờ. Vậy thì, điều cần thiết đầu tiên là anh đem bao nhiêu tự ái của anh đổ xuống sông xuống biển hết đi, rồi mỗi ngày chịu khó về đây, chúng ta áp dụng chiến thuật "tiến công từng bước", thế nào cũng thành công, nhớ nhé.
Ba buồn buồn đứng dậy bắt tay ông ngoại:
--Con xin nghe lời ba dặn.
Tôi lại lủi thủi cùng ba trở lại ngôi nhà trống trải, ngày hai buổi đến trường với bạn bè thân thuộc, với cây me già trong sân rộng thường đổ những trận mưa xanh che kín mặt đường. Ba vẫn lên xuống nhà ngoại nhưng mỗi lần ba về, nhìn vào mắt ba, tôi chả thấy một tia hy vọng nào cả. Sốt ruột quá, có khi tôi muốn phóng xe xuống gặp má hỏi cho ra lẽ. Nhưng không được, chương trình tập dượt quá nặng và sắp đến ngày tổng duyệt. Lại còn bên văn hóa nữa, nào toán, nào lý, nào văn... tất cả đã cột chặt chân tay tôi lại, khiến tôi không còn chút thì giờ để cựa quậy. Có nhiều lúc chán nản quá, tôi muốn buông xuôi tất cả, nhưng hình như đúng vào thời điểm tinh thần tôi xa xút nhất là có mặt Tuấn hoặc Minh Châu bên cạnh. Hai bạn khuyên lơn, an ủi tôi, tìm mọi cách làm cho tôi vui, nhất là Minh Châu, nó thường đến học chung và ngủ lại với tôi để tôi vơi bớt nỗi buồn.