Số lần đọc/download: 4150 / 97
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:02 +0700
Chương 11
N
ắng bừng lên, gay gắt, mùa thu dịu hiền, dường như, bị cách mạng đốt cháy. Nắng trả thù mưa, lụt. Nắng muốn làm khô cạn nước còn mênh mông ruộng đồng. Người ta quên những giọt nắng ngoan, những giọt nắng đượm gió lạnh năm ngoái, năm xưa. Nắng đã dậy mùi thuốc đạn miền Nam. Nắng chiếu chói chang vào những khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp xâm lăng miền Nam treo đầy đường phố thị xã. Thực dân Pháp đã chiếm Sàigòn. Tin đó tung ra. Cả thị xã phẫn nộ. Khúc ruột trong cơ thể Việt Nam bị cắt đứt. Thị xã biểu tình tuần hành. Những cánh tay giơ lên. Những mái tóc hất tung. Những đôi mắt áng lửa căm hờn. Những tiếng nói vỡ phổi. Cùng hát:
Tiếng súng vang sông núi miền Nam vì mưu chiếm Việt Nam
Ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn.
Vũ ngước nhìn khẩu hiệu mới lạ Vietnam to the Vietnamese, nó hỏi Côn:
- Việt Nam to thế Việt Nam mẹ sề hở, mày?
Côn không hiểu Vietnam to the Vietnamese là gì. Nó gật đầu bừa:
- Ừ, Việt Nam to thế, Việt Nam là mẹ của thực dân Pháp.
Vũ khoái quá:
- Việt Nam là mẹ Pháp. Tao là bố tụi Tây con.
Côn chợt nhớ Vọng, nhớ hôm đảo chính Nhật, Vọng đã nhạo báng Tây, Đầm và Côn không thích Vọng trả thù Tây. Nhưng, hôm nay, Côn thấy Vọng đã trả thù Tây đích đáng vì Tây dám xâm lăng miền Nam. Tây là bọn vô ơn. Hồi chúng nó chạy Nhật, dân Thái Bình thương hại chúng, chỉ chỗ cho chúng trốn nấp Nhật. Thế mà chúng nó nỡ hại người Việt Nam. Lớn lên, nếu Tây chưa thua trận, Côn sẽ đi lính đánh đuổi Tây về nước của chúng nó. Tự nhiên, Côn có hai kẻ thù, Vọng chết đói là do Tây và Nhật. Côn phải trả thù giùm Vọng. Côn nắm chặt bàn tay, hét lớn:
- Ai sinh ra cái xe bò
Để cho Tây phải kéo gò lưng tôm
Vũ đọc to một khẩu hiệu:
- Thực dân ơi hỡi thực dân,
Đằng nào thì cũng một lần về thôi
Việt Nam của Việt Nam rồi
Cướp làm sao nổi đất người Việt Nam.
Vũ tách khỏi hàng ngũ, lấy giọng:
- Kèn cứu quốc thét vang... Hai, ba... Nhi đồng cầu Kiến Xương hát vang:
... Xung phong, xung phong! Giết, giết!
Đùng đùng đùng đùng...
Giết, giết!
Ta đi tiên phong giết loài sói hung
Kèn cứu quốc thét vang giục người chiến sĩ
Cùng tiến, cùng hô
Giết hết quân thù...
Đoàn biểu tình dừng lại trước phòng thông tin gần cầu Bo. Người ta chen nhau vào phòng thông tin xem tranh triển lãm tội ác của thực dân Pháp. Những bức tranh vẽ thực dân Pháp nấp sau đít liên quân Anh, Ấn vào Sàigòn đã làm nhiều người khinh bỉ. Thực dân Pháp mộng chiếm lại Việt Nam đặt lại nền đô hộ được ví như thằng bé mũi lõ thổi bong bóng xà phòng. Đặc biệt, bức tranh vẽ mấy thằng mũi lõ quăng trẻ thơ vô lữa, dưới ghi hai câu: Trẻ thơ nào tội tình gì, Bị quăng vào lửa chỉ vì thực dân đã khiến dân thị xã đau đớn, căm hờn. Thực dân đang tàn sát đồng bào miền Nam.
Tỉnh lỵ chưa bao giờ buồn thảm như bây giờ. Dân thị xã ngủ vùi trong giấc ngủ an phận. Thức từ sáng sớm hôm Nhật đảo chánh Pháp. Nỗi buồn mất nước thức dậy theo. Và từ đó, chỉ thêm buồn đau, xót xa. Nỗi buồn đe dọa một kinh hoàng đẫm máu. Và không ai muốn buồn. Phải đứng lên đập tan nỗi buồn. Xích xiềng nô lệ đã chặt đứt. Xích xiềng ấy không thể buộc vào chân người Việt Nam như đã buộc tám mươi năm cũ. Xương máu đồng bào miền Nam đã đổ. Gậy tầm vông vót nhọn thách thức súng đạn của thực dân Pháp. Là để trả lời nhân loại rằng người Việt Nam không muốn sống buồn thảm trong nô lệ, đói rách, dốt nát. Căm hờn đã thấm vào tim phổi và thoát ra:
Việt Nam, bao năm ròng rên siết lầm than
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
Nhật với Pháp cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình
Nào nhà tù, nào trại giam, biết bao nhiêu nhục hình
Đồng bào tuốt gươm vùng lên
Đã đến ngày trả mối thù chung
Mau mau mau, vai kề vai
Không phân biệt già trẻ trai hay gái
Cố tiến lên, ta đi lên
Ta tiến lên ta diệt quân thù
Việt Nam, Việt Nam muôn năm...
Việt Nam muôn năm. Chỉ Việt Nam muôn năm. Chiến đấu cho Việt Nam. Cho độc lập. Cho tự do. Cho hạnh phúc. Người lớn đã lên đường chiến đấu. Trẻ con sẽ lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương. Những trang sử quật cường của nòi giống bị cấm học từ lâu, được mở ra, được nhắc nhở. Vũ và bạn bè nó mới biết Nguyễn Tri Phương đắp thành Kỳ Hòa chống Pháp, bị bắt, nhất định noi gương Trần Bình Trọng; Nguyễn Trung Trực đốt tàu Espérance của Pháp trên sông Nhật Tảo; Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Hà Nội thất thủ; Phan Đình Phùng mộ quân đánh Pháp; anh em Phan Tôn, Phan Liêm anh dũng ở Mười Tám Thôn Vườn Trầu; Đề Thám vẫy vùng miền Yên Thế; mười ba anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng lên máy chém cười ngạo nghễ, tung hô Việt Nam muôn năm...
Những trang sử rạng ngời ấy đang được viết tiếp. Bằng gậy tầm vông vót nhọn thấm máu quân thù. Những Nguyễn Trung Trực, những Phan Tôn, Phan Liêm, những Huỳnh Phan Hộ đã làm sống lại lịch sử tranh đấu ở bên kia cầu Quay, cầu Mống, ở Gò Vấp, ở Bình Xuyên, ở khắp Nam Bộ. Và ở Bắc Bộ, ở thị xã Thái Bình nhỏ bé, những con mắt ánh nhiệt tình và kiêu hãnh, hướng cả về Nam Bộ kháng chiến, Nam Bộ thần thánh, Nam Bô đương nổi lửa đốt cháy mộng xâm lăng của giặc Pháp. Vũ cố nhìn những bức tranh triển lãm tội ác của thực dân Pháp thật lâu. Để nhớ, để in sâu vào trí nhớ hình ảnh nuôi thù hận đợi chờ một mai khôn lớn. Vũ dời phòng thông tin ra về một mình. Suốt buổi chiều, Vũ hì hục vẽ lại những bức tranh, tô mầu rực rỡ. Những bức tranh sẽ đem tặng con Thúy.
Và Vũ phải nói thật với Thúy rằng Vũ thèm lớn, Vũ thèm băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn, Vũ yêu Nam Bộ, yêu người Nam Bộ.
Chú thích
1 Nước Việt Nam của người Việt Nam