Số lần đọc/download: 6797 / 136
Cập nhật: 2014-12-19 03:36:53 +0700
Chương 11: Tai Đen Sống Ở Làng Quê
L
àng quê, nơi người ta đưa Bim đến, quả đã làm cho nó rất đỗi kinh ngạc. Ở đây cũng có người ở nhưng mọi cái đều khác với nơi nó sinh ra và lớn lên. Nhà thì nhỏ, dựng ngay trên mặt đất, không có qua một gầm cầu thang nào, chẳng thấy những điểm có nhiều bậc, các cánh cửa không kêu lách cách ổ khóa. Ban đêm cửa ngõ thực ra có cái then bên trong. Mọi nhà đều lợp bằng những tấm màu tro đè lên nhau. Sáng ra, cùng một lúc, nhà nào cũng có làn khói bay lên cao, nhưng nó không tỏa ra và cũng không bay đâu cả mà chỉ đứng tại chỗ, ngang tầm nhau, xếp thành hàng đều đặn, lặng lẽ và yên bình, không một tiếng động.
Nhưng cái đáng ngạc nhiên nhất đối với Bim (nay là Tai Đen) là ở chỗ nơi đây cùng chung sống với người còn có cả những loài súc vật và chim chóc: bò, ngỗng, cừu, lợn, mà với chúng, đâu có thế bắt quen ngay được. Súc vật có nhà riêng, dựng ngay đằng sau nhà của người ở, mái phủ cái bằng rơm rạ, cái lau sậyược rào lại thành tường thưa thớt không cao lắm, bằng những cây sào và cành khô ken vào nhau. Và không ai đụng chạm ai. Người không đụng đến súc vật, chim chóc; và súc vật không đụng đến người, chẳng ai dùng súng bắn ai.
Ngày đầu tiên người ta lót cỏ khô cho Bim nằm ở trong góc phòng ngoài. Ông kia lấy dây cột Bim lại một chỗ, cho ăn rất ngon, rồi khoác áo tơi đi đâu không biết. Cho đến hết ngày, Bim sống một mình, trong sự ắng lặng hoàn toàn. Đến gần tối nó nghe thấy tiếng chân cừu khua rào rào trên nền đất, nghe tiếng cừu đi vào sân, tiếng rống lên trong chuồng (nó muốn xin cái gì đó). Ngay sau đó ông kia về, nhưng lần này đi cùng một chú bé, khoác áo mưa, chân đi ủng, đầu đội mũ, tay cầm chiếc sào dài. Mặt thằng bé cung nâu nâu như mặt Ông Phúc Hậu, và người nó có mùi cừu.
- Này Aliôsa, nhìn anh bạn mới của ta đây này! - Ông kia nói với đứa bé.
Họ đến sát tận chỗ Bim.
- Bố ơi! Nó có cắn không?
- Không, loại này không cắn đâu, con ạ. Úi chà, Tai Đen! Con Tai Đen này là con chó khôn đây. - Rồi ông ta vỗ nhẹ lên sườn nó.
Bim nằm yên và cảnh giác nhìn thằng bé. Thằng bé cũng vuốt ve nó.
- Tai Đen... Tai Đen ơi.... - Rồi quay sang ông kia hỏi: - Bố ơi, thế thả nó có đi không?
- Đợi ít lâu đã - Ông bố bước lên cửa, đi vào nhà.
Bim đứng dậy, rồi lại ngồi xuống, chìa chân choằng bé, như muốn nói: "Xin chào, bạn là người tốt".
- Bố ơi! - Thằng bé reo lên. - Bố ơi! Ra đây mà xem!
Ông quay lại.
- Chào Tai Đen! Thằng bé chìa tay ra.
Bim chào một lần nữa. Cả hai đều hài lòng ra mặt về thái độ lẽ phép của con chó. Những giây phút làm quen đầu tiên rất hệ trọng đối với Bim. Nó đã biết được rằng người dẫn nó đến đây tên là Bố, còn cậu bé là Aliôsa. Ngay những con chó bình thường, không có gì trội bật cũng có thế nhận ra tên tuổi của người, huống chi là Bim... Khỏi nói! Chúng ta đã biết nó là con chó như thế nào rồi.
Sau đó, chập tối có một người đàn bà đi tới. Người này ăn mặc lạ lắm: đầu chít hai khăn, chiếc áo bông trên người căng ra như cái trống, quần cũng hệt như người đàn bà phúc hậu mà nó gặp trên đường sắt làm công việc đóng đinh trên đường ray. Nhưng ở người này lại có mùi đồng ruộng và mùi củ cải (loại củ ngọt lịm mà đến cả Bim có lần thử cũng chẳng chê). Bà ta đi vào nhà, nói gì với những người đàn ông trong đó, rồi lập tức thình thịch đi ra, qua phòng ngoài, bước ra sân, tay cầm chiếc xô. Bây giờ Bim xác định thêm được một điều, mà không cần rời khỏi chỗ nằm, là có một lối từ cửa phòng ngoài thông ra đường, còn cửa thứ hai thì mở ra chỗ đàn gia súc, cửa thứ ba vào nhà. Nhưng nó không lần đến được những cửa đó - vì sợi dây không buông tha nó. Đó là tất cả những gì Bim tạm quan sát thấy.
Nó lại nằm xuống.
Từ ngoài sân phả đến mùi cừu nồng nặc. Cừu là cái gì? - ều này Bim biết đã lâu rồi. Như trước đây Bim nghĩ thì những con vật này sống theo đàn, đi lang thang ngoài đồng và không làm gì cả, chỉ có ăn và kêu be be. Bên chúng bao giờ cũng có một người mặc áo mưa bằng vải bạt cầm sào dài ở đầu có móc. Một người như thế đã có lần đến chỗ Bim và Ivan Ivanưts khi hai thầy trò đang ngồi nghỉ cạnh đống cỏ khô. Ông ta bắt tay chủ nó. Đi cùng với ông còn có một con chó to, lông xù. Nó tiếp Bim với một thái độ hiếu chiến. Thoạt đầu nó chạy xổ đến chỗ Bim và sủa nghe kinh người. Bim liền nằm ngửa ra, chân chổng lên trời mà nói: "Chuyện gì thế? Tớ có tội tình gì?".
Hẳn là thái độ tế nhị đã chiến thắng tính thô bạo. Con Xù sau khi đánh hơi Bim, liếm vào bụng nó, rồi lảng ra không xa, ký lia lịa vào phiến đá. Bim cũng làm y như vậy. Tóm lại điều này có nghĩa là: chung sống hòa bình. Và rồi trong lúc ông chủ Bim nói chuyện với chủ con Xù, thì hai con chó nô đùa với nhau, chơi trò chơi chạy đuổi, trong đó Bim tỏ ra nhanh nhẹn hơn, khéo léo hơn, thật xứng đáng với sự kính nể hiện ra mặt của anh bạn mới quen biết. Đến lúc chia tay nhau (thì phải đi theo chủ chứ!), chúng đến ngửi ngửi phiến đá và đưa mắt nhìn nhau, ý nói:
"Thỉnh thoảng ra đây chơi nhá!" - Bim nói rồi chạy đi
"Chao ôi, trăm công nghìn việc..." - Xù đáp và lê bước về với đàn cừu, đầu cúi gằm.
Chuyện hồi ấy là như thế. Thế mà bây giờ lại thấy xông lên mùi cừu. Trước cái mùi gợi đến những kỷ niệm xưa ấy, Bim không thể không nhớ đến Ivan Ivanưts. Nằm trong gian phòng ngoài của người lạ, ở nhà người lạ, trong bóng tối chạng vạng, chẳng có người, Bim cảm thấy buồn ơi là buồn.
Sau đó nó lại nghe thấy có tiếng gì re re va vào thànht, như tiếng nước chảy: Gi-gi! Gi-gi! Bim chưa biết đó là tiếng gì. Gi-gi! Gi-gi! Cái tiếng lạ tai bỗng im bặt, rồi ngay sau đó từ ngoài sân người đàn bà đi vào, tay vẫn cầm chiếc xô. Từ trong xô bốc ra mùi sữa. Mùi thơm kỳ lạ! Hồi ở thị xã, Bim chưa đánh hơi thấy mùi sữa như thế này lần nào - cũng là sữa nhưng mùi thì khác, điều đó là chính xác. Ở thị xã sữa không có mùi tay người, không có hương thơm của các loại cỏ khác nhau và hoàn toàn không có mùi bò - kỳ lạ là ở chỗ ấy. Còn ở đây tất cả các mùi đó hòa lẫn vào với nhau thành một hương vị ngây ngất, có sức hấp dẫn lạ lùng, thơm ngát mùi hoa hồng. Chúng ta sẽ không bàn cãi nhiều vì con người đôi lúc còn phân biệt được sữa này với sữa kia, huống chi đối với Bim của chúng ta, vốn đã có cái mũi thính thượng hạng, sao lại không ngạc nhiên trước cái mùi đó được, cái mùi mà trong đó có mùi bàn tay người pha hòa với hương thơm của hoa và cỏ. Chính thế mà Bim đã đứng nhổm ngay dậy và lại còn vẫy đuôi chào đón người đàn bà kia nữa. Nhưng chắc gì bà ta đã hiểu được niềm hân hoan của Bim. Tiếc rằng suốt bốn năm trong cuộc đời mình, Bim chưa lần nào nhìn thấy người ta vắt sữa ra sao. Mà sữa thường vẫn có mùi bò. Sự mơ hồ nào đó vẫn lảng vảng trong nhận thức của Bim. Như vậy là Bim vẫn còn đôi điều chưa biết. Vả lại thiếu gì những cái mà bất kỳ con chó nào cũng không biết được. Điều này không có gì đáng xấu hổ cả. Còn nếu như có chàng chó nào lại nói rằng, chẳng hạn, nó biết tất, và tự tin là có thể dạy bảo kẻ khác biết nên làm gì và làm như thế nào, và cần chạy đi đâu, thì quả thật ngay đến ả gà mái cũng chẳng tin đâu, dù chàng ta có khác hơn ả, nhưng vẫn không tin. Tôi xin thưa với các bạn rằng các loại chó ấy là có. Ví như giống chó Xcôtteriê, các bạn nhìn mà xem, nó làm ra vẻ trong cái đầu cục gạch của nó đầy những tư tưởng đủ các loại (Râu này! Ria mép lòng thòng và lông mày này! Y như một triết gia!). Nhưng sự thực nó là con chó rỗng tuếch, nó ra lệnh, nó mắng mỏ chủ nhà hết ngày này sang ngày khác, như bị tâm thần, nó giở đủ trò, nhưng kết quả là thế nào? Không có tí gì hết. Chỉ được cái mẽ ngoài thôi! Còn bên trong nh bỗng, hoặc nói chung rỗng tuếch.
Nhưng không, Bim là chuyện khác. Nó có một tâm hồn cởi mở và thẳng thắn. Nếu điều gì không biết thì thể hiện ngay ở thái độ: Cái gì đã không biết thì nói là không. Không ưa ai, nó nói ngay “Anh là người tồi, đi ngay khỏi nơi đây! Gâu!”.
Và đôi lần nó sủa nghe đến là… - lạy Chúa!
Nhưng có ai đó từ ngoài đường bước vào đẩy toang cửa một cách dứt khoát.
“Ai? – Bim hỏi bằng một tiếng đồng nghĩa. Gâu”
Người mới đến từ nhà ngoài nhẩy bắn trở lại. Ông bố trong nhà chạy ra, bật đèn hỏi:
- Ai đó?
- Tôi đây, đội trưởng đây! Người lạ mặt trả lời.
Rồi ông bước vào phòng ngoài. Chủ khách bắt tay nhau (có nghĩa là bạn bè - không nên sủa) và tiến đến chỗ con Bim.
Ông bố ngồi xổm xuống, vuốt ve Bim, nói:
- Mày giỏi lắm. Tai Đen ạ! Giỏi lắm! Biết việc đấy. Con chó ngoan lắm. - Ông ta cởi dây thả nó vào phòng.
Cái quan trọng nhất là: trong phòng có một ả gà mái chân thọt, Bim nhằm thẳng nó mà sấn đến, đứng khứng lại, nâng một cẳng trước lên, nhưng với một vẻ hơi do dự, như thế là nó nói với những người có mặt ở đây: “Con chim này là thế nào? Thế này đâu có được nhỉ…?
- Trông kìa: bác đội trưởng! - Ông Bố reo lên. - Đã bảo là con chó vàng, chó ngọc mà. Con Tai Đen này, thật được mọi vẻ!
Nhưng do ả gà mái không thèm để ý tí gì đến Bim, nên Bim đành ngồi xuống, nhưng vẫn liếc trộm ả, cái đó diễn giải ra ngôn ngữ chó thì thành những câu ngắn gọn, đầy hàm ý: “Liệu liệu đấy… Ra kia! Rồi mày biết tay tao!” và nó đưa mắt dò hỏi những người có mặt.
- Nó cũng không đụng đến con gà! - Aliôsa khoái trá. Bim nhìn vào mặt thằng bé, chăm chú theo dõi.
- Mắt nó! Mẹ ơi! Mắt nó kìa! Như mắt người ấy. Aliôsa thích quá. - Tai Đen, lại đây! Lại đây!...
Lẽ nào Bim lại không hưởng ứng niềm vui chân tình ấy! Nó bước đến chỗ Aliôsa và ngồi xuống cạnh.
Họ ngồi quanh bàn chuyện trò. Ông Bố mở chai, Bà Mẹ đưa thức ăn lên. Ông đội trưởng uống cạn chén rượu. Ông Bố cũng vậy, rồi Bà Mẹ cũng thế. Aliôsa không hiểu sao không uống, chỉ ngồi ăm giăm bông và bánh mì. Thằng bé quăng mẩu bánh ra giữa sàn nhà, nhưng Bim không nhúc nhích khỏi chỗ (đáng lẽ phải nói “Ăn đi”).
- Con chó thông minh thật, - ông đội trưởng mặt đỏ bừng nhận xét, - bánh mì nó không ăn. Ả gà mái tập tễnh nhảy ra và tha đi mẩu bánh mì dành cho Bim. Mọi người phá lên cười, riêng Bim thì vẫn chăm chú nhìn Aliôsa: nó đâu có thể cười được một khi sự hiểu biết lẫn nhau không có ngay cả trong bầu không khí thân tình đi nữa.
- Aliôsa, khoan đã, - Ông Bố nói, ông đặt mẩu bánh mì xuống sàn, đuổi con gà đi, và quay về phía Bim, bảo nó: - Ăn đi! Tai Đen! Ăn đi!
Bim tiến lại ăn miếng bánh ngon lành và vui vẻ, mặc dù nó đã no bụng.
Ông đội trưởng cũng đặt miếng giăm bông xuống như thế
- Không được! - ông Bố nói chặn.
Bim ngồi yên. Ả gà mái nghiêng nghiêng, ngó ngó, tập tễnh đến gần miếng giăm bông, nhưng mới định mổ thì Bim phì phì dọa, mõm nó chỉ tí nữa là húc vào ả. Con gà lẩn ngay vào gầm giường.
Tóm lại, một cảnh tượng thật ngộ nghĩnh.
- Tai Đen, ăn đi! - Ông đội trưởng cho phép, Bim lễ phép đến ăn miếng giăm bông.
- Đủ rồi! - ông Bố kêu to. Ông nói oang oang, và rượu vào lại càng trở nên hiền hậu hơn: - Con Tai Đen này quả là một kỳ quan siêu thường! - Và ông còn ôm hôn nó nữa.
"Những người tốt đây", Bim nghĩ bụng. Nó còn thấy thích cả bộ ria mép của ông Bố, bộ ria mà nó cảm thấy mềm mại, mịn như tơ lúc ông ôm hôn nó.
Tiếp sau là một cuộc nói chuyện, trong đó nó chỉ hiểu có độc một miếng: "Cừu" - thế nhưng nó xác định được ngay rằng hai người đàn ông này bắt đầu tranh cãi với nhau.
- Nào, ông Khrixan Anđrêvits, ta vào việc thôi, - ông đội trưởng đặt tay lên vai ông Bố, nói. - Cừu có cần không?
- Cần chứ, - ông Bố đáp, - nhưng chỉ có điều là hạn của tôi đã hết. Hạn của tôi là đến ngày Lễ xá tội, mà ngày Lễ xá tội thì qua rồi.
- Cừu là cừu cá nhân, của riêng, không phải của chung nông trang, nhưng chúng cũng cần được nuôi vỗ. Nông trang viên nói rát tai tôi lắm: Tuyết thì chưa có, thức ăn ở dưới chân vẫn còn nhiều, cho nên cần chăn dắt chúng ra bãi cho đến khi có tuyết.
- "Chăn dắt cho đến khi có tuyết". Thế ông bảo tôi là mình đồng da sắt à? Thằng Aliôsa cũng da sắt à?
- Thì hãy cứ đến mùa tuyết đã, ông Khrixan Andrêvits ạ, - người đội trưởng khắng định, - chúng tôi sẽ trả lương gấp đôi. Hiểu chưa?
- Tôi không làm đâu, - ông Bố cũng khẳng định.- Bà nhà tôi để chua cả củ cải ra rồi. Cần phải đỡ bà ấy một tay chứ. Còn ông thì cứ một mực: "Cho đến khi có tuyết".
Nhưng cuối cùng họ vẫn đập vào tay nhau đi đến thỏa thuận hoàn toàn và đã chấm dứt chuyện "chăn cừu cho đến khi có tuyết". Rồi cả ba cùng tiễn chân ông đội trưởng ra ngoài cửa, quên khuấy Bim đi.
Ờ thế thì nó cũng đi ra cửa, chạy một vòng quanh sân rồi dừng lại bên hàng rào, đứng đó, hít hít mùi hơi cừu, cái mùi gắn với một trong những kỷ niệm về người thân thương duy nhất của nó. Và nó ngồi xuống phân vân.
Đêm. Đêm mùa thu ở làng quê tối tăm, vắng lặng, lẩn tránh mùa đông mặc dù vẫn đón nó. Về cái đêm ở đây Bim chưa hay biết một tí gì cả. Vả lại nói chung thì chó không thích đi lang thang trong đêm tối (trừ phi là những con chó vô chủ, tránh né người, mất lòng tin vào người). Nhưng Bim... Còn nói gì nữa! Lúc này Bim đang hoang mang. Nhưng Aliôsa, Aliôsa cũng là một cậu bé tốt bụng đáo để.
Tiếng gọi của Aliôsa đã cắt đứt sự hoang mang của Bim. Cậu bé lo ngại gân cổ lên gọi:
- Tai Đe-en!
Bim chạy lại và theo sau chủ vào phòng ngoài. Aliôsa đặt nó vào ổ, chèn thêm cỏ khô vào hai bên sườn, vuốt ve nó, rồi bỏ đi ngủ.
Mọi vật đã lắng xuống. Chẳng thấy tiếng xe điện, lẫn tiếng ô tô buýt, cũng như còi tàu. - Không có gì là quen thuộc cả.
Bắt đầu một cuộc sống mới. Hôm nay Bim mới vỡ lẽ ông Bố còn có tên Khrixan Anđrêvits và cũng là người cha, Bà Mẹ là Petrôvna. Còn Aliôsa vẫn là Aliôsa.
Ngoài ra đối với ả gà mái thì nó không khinh, nhưng cũng không tôn trọng: theo kiểu suy luận của chó thì đã là loài chim tất phải biết bay, mà con này chỉ toàn đi chân thôi, do đó ả không xứng đáng được kính nể, coi như con chim không có cánh, hơn nữa lại có tật. Nhưng cừu kia kìa: có cái gì làm Bim bỗng nhớ đến Ivan Ivanưts; người Aliôsa cũng toát ra mùi cừu... Người bà Petrôvna thì mùi ruộng đất và củ cải, mà những hương vị như thế lúc nào cũng làm cho Bim hồi hộp. Biết đâu Ivan Ivanưts chẳng cũng sẽ đến đây.
Nằm ấm sực trong đống cỏ thơm phức, Bim ngủ thiếp đi. Nằm trong cỏ ấy, cái cỏ mà hương thơm làm cho miệng tự nhiên nở ra nụ cười thì cả đến con người cũng ngủ thiếp đi ngay, và cũng do hương thơm của thứ cỏ khô còn tinh tươm ấy mà trong mắt người thấp thoáng hiện ra một màu xanh da trời trước lúc chợp mắt. Mũi Bim tinh hơn mũi người nhiều, cho nên mỗi sắc thái tinh tế của cái hương thơm ấy đều làm nó khuây khỏa, dịu bớt nỗi đau buồn.
Tiếng gà gáy đã làm Bim thức giấc. Đã nhiều lần nó được nghe tiếng gà gáy rồi, nhưng chưa lần nào gần như thế. Mà tiếng con gà này gáy lại sát bên tường, oang oang, ngân dài và kiêu hãnh: "Cúc cù cu cù u.u.ù...". Thế là tất cả gà trống trong làng đều cùng lên tiếng hưởng ứng nó. (Về sau Bim đã nhận ra là con trống ấy lĩnh xướng và những con như thế thường hay cáu kỉnh). Bim ngồi đấy và nghe thứ âm nhạc kỳ lạ ấy, nó lan xa đi khắp làng thành từng làn sóng, lúc gần, lúc xa, tùy thuộc ở chỗ đến lượt con nào gáy tiếp, có lẽ thế chăng. Còn tiếng gáy cuối cùng, lẻ loi, là tiếng gáy của một anh gà nhãi nhép bất lực nào đó, nghe khàn khàn, cụt lủn, chẳng ra vẻ gì một anh gà trống đáng kính trọng cả. Sau này với thời gian, Bim đã phân biệt được rằng chính những con gà trống ấy là những con hèn nhát, thậm chí đã bỏ chạy trước những chú gà trống khác đột nhập vào địa phận sân nhà mình, mặc dù theo luật của cuộc sống xã hội loài gà thì con nhát gan này có nhiệm vụ phải bảo vệ cuộc sống yên bình cho bầy gà mái được nó cai quản. Thế mà vị thần tượng ấy lại bỏ chạy. Cũng chính vị này thường lại bắt nạt một cách không thương xót các con gà con ở đâu đến - nó mổ chúng, cái đồ khốn khiếp ấy. Phàm đã là con gà trống chưa mất hết ý thức về phẩm giá riêng thì không bao giờ lại đi mổ gà nhép ở đâu lạc tới cả. Chính con gà đó đã gáy sau cùng và chỉ gáy khi xem ra nó đã yên chí là mình không gáy nhầm giờ. Cũng vì vậy mà người ta thường gọi loại gà trống nhãi ấy là con hoạt đầu, còn Bim thì chỉ thấy buồn cười mà thôi. Nhân đây cũng cần nói thêm rằng nhìn chung do thiếu kinh nghiệm, Bim không thể nào hình dưng nổi là có người lại đi dựa vào cái con gà ẽo ợt, dở trống dở mái ấy mà xem giờ gi
Bim lại nằm xuống, ngủ gà ngủ gật. Chợt giọng cầu kinh nổi lên, lan ra từ đầu này đến đầu kia, bay đi khắp làng. Bim lại ngồi lên và nghe với một cảm giác vô cùng thú vị. Sau đó đến lần thứ ba, tiếng cầu kinh càng to hơn, mạnh hơn và quả thật là trang trọng hơn. Chà, hát hay thật! Thế mới gọi là hát chứ! Nhưng người ta đang làm gì ở cái nơi xa xa nào ấy nhỉ? Chịu, không thể đoán ra được. Tạm thời Bim chưa thể biết được đó là bản hợp xướng nhiều bè ở trại gà vịt của nông trang, theo những nốt nhạc không viết ra thành bài bản, một hợp ca của các chàng gà trống bảnh trai, đầy vẻ tự tin, lông trắng phau như bọt nước. Lúc đó, nếu không bị giam cầm ở phòng ngoài, nhất định Bim sẽ chạy đi xem và đến gần thêm chút nữa để thưởng thức điều kỳ thú kia. Nhưng phòng ngoài là cái lồng giam nó.
Qua khe cửa, một tia nắng thu màu tím nhạt lách lần vào một cách yếu ớt, tí một. Bim đứng dậy, đi quanh phòng dò xét: một cái thùng đựng thóc, ở góc phòng là cái cót đựng bắp, góc đằng kia là bắp cải. Hết.
Bà Pêtrôvna tay cầm xô bước ra. Bim chào bà. Bà đi ra sân, Bim cũng ra sân theo gót. Bà ngồi xuống cạnh con bò, Bim cũng ngồi xuống gần đấy. Những tia sữa va vào thành xô bật thành tiếng, Bim giậm giậm hai chân trước tỏ vẻ ngạc nhiên: sữa! Con bò cái đứng yên, mồm cứ nhai nhai, chẳng có gì cũng cứ nhai. Cái bầu sữa đáng yêu, sống động, với những núm vú đã mở miệng, dường như thì thầm, róc rách.
Bà Pêtrôvna vắt sữa xong, gọi Bim lại ("Tai Đen"), đổ cho một bát sữa và nói: "Không được", đứng một lát, bà lại nói: "Uống đi"; và cất tiếng cười đôn hậu, rồi vội vã vào nhà.
Ôi lạy Chúa, sữa đâu mà tuyệt đến thế! Một thứ sữa âấm, thơm phức thôi thì đủ các thứ hương vị, nào cỏ, nào hoa, nào đồng nội. - Tất cả hòa lẫn vào nhau và (lần này thì chính xác trăm phần trăm) cả mùi bàn tay người của bà Pêtrôvna nữa chứ. Không phải mùi tay người nói chung, như chiều qua Bim cảm thấy từ xa.
Bim đã uống hết, liếm đi liếm lại, rồi làm vệ sinh buổi sáng, sau đó nhanh chóng chạy đi quan sát khắp sân.
Ả bò cái tiếp nó với niềm tin tuyệt đối, thậm chí còn liếm lên đầu nó. Vì thế mà Bim cũng lấy lưỡi chạm vào cái mũi ram ráp, thơm phức mùi sữa của ả.
Bầy cừu phía đằng sau tấm vách giậm chân gõ móng như đe dọa Bim, nhưng rồi cũng trấn tĩnh lại ngay, khi đã xác đinh được rằng Bim không hề có ý đồ gì gây hấn cả. Ả lợn nái cùng với hai chú ỉn con thoạt đầu không thèm để ý gì đến Bim, chỉ cứ ủn ỉn chuyện trò với nhau một cách mỉa mai, mà cũng chẳng buồn động đậy nữa, mặc dầu đã quay cả đầu ra phía Bim, ngay sát chấn song cửa. Lũ bốn chân tiếp đón Bim như vậy đấy. Nhưng sang đến bọn gà thì, ối chao ôi! Thực ra không phải cả bọn gà mà chính là con gà trống đó. Vừa bay từ trên hàng giậu xuống là nó lập tức vỗ cánh và càu nhàu dữ tợn: "Cục cục - cục - cục". Rồi lao luôn vào Bim như một con diều hâu. Chú gà trống đỏ với cái mào cũng đỏ dùng ngực và cựa xông vào đánh chó (các chú gà trống là như vậy đó!) Bim gầm gừ đáp lại và vung cẳng đá một cái thẳng thừng. Thì vào đúng cái tích tắc ấy chú gà xoã cánh ra, cúi rạp đầu chạy ra góc sân, tới chỗ bọn gà mái đang túm tụm lại thành một đám nhớn nhác những khán giả ủng hộ chú. Chú bỏ chạy trước Bim một cách vô cùng nhục nhã, nhưng khi quay trở lại lao vào Bim đã lại hảo hán rồi; mà còn quát tháo nữa chứ: "Để tôi cho nó một trận! Biết tay ông! Biết tay ông!" Bọn gà mái đem hết sức gà ra đồng thanh công nhiên cổ vũ chú gà trống. Các bạn nghĩ thế nào nhỉ? Muốn nói gì thì nói, B từng bao giờ được thấy một con chim xông vào đánh chó một cách dũng cảm như vậy. Và cái đó dẫu sao cũng đã nói lên một điều gì rồi.
- Cái gì mà loạn xạ lên thế? - Khrixan Anđrêvits ở trong nhà bước ra sân, hỏi và bảo lũ gà: - Chúng bay, im mồm! Cái bọn nó mồm này làm chó sợ. - Ông cầm lấy cổ dề Bim, dắt nó đến cho lũ gà, đứng ở đấy với Bim một lát rồi thả nó ra.
Bim bỏ đi và ngoái đầu lại: Kệ xác chúng mày!
Từ đó gà trống, gà mái không lại gần con chó nữa. Bảo sợ thì đặc biệt chúng không sợ, nhưng cứ cái kiểu một ả nọ kêu lên cục cục, rồi lảng ra xa nhường lối cho Bim đi. Còn Bim thì thế nào? Bọn gà này chỉ đi, không bay, không bơi. Thêm nữa chẳng ai bắn chúng, - có nghĩa chúng không phải là chim, thôi thì cứ tạm gọi là một giống vật rất buồn cười. Con gà trống thì tất nhiên, coi bộ được đấy: nó bay lên mái nhà này, nó báo động có người lạ đến này, chưa biết chừng còn sớm hơn cả Bim, và nó lại chỉ huy chững chạc nữa: bắt được giun nó không ăn, mà gọi bọn bề dưới đến, thậm chí có khi còn phân chia cho chúng. Vì vậy chú gà trống hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu của mình.
Do một tuần nay Bim tạm thời chưa được thả ra khỏi sân nên coi như mặc nhiên đã trở thành người đứng đầu ở đây: nó cứ nằm giữa sân và đưa mắt theo dõi. Bọn gà thì đến ngày thứ tư nó đã thuộc mặt tất và khi có ả gà mái nào bay qua hàng rào vào thì nó đuổi, đuổi đến mức ả kia còn phải cục ta cục tác hồi lâu, lúc thì chạy quáng quàng, lúc thì quay lại đứng giậm chân tại chỗ, sợ hãi và tò mò nhìn quanh. Nực cười, không hơn không kém!
Có một chú ỉn con, chú này đã tự mình ngỏ ý làm thân: Chú đã đến bên Bim, kêu ịt ịt, khe khẽ cái mũi ươn ướt vào cổ Bim và nhìn chó ta bằng đôi mắt nhỏ trắng dã, hơi đần đần. Bim liếm vào mũi nó. Chú ỉn vô cùng hài lòng. Chú nhảy cẫng lên thích thú rồi cứ loanh quanh bên Bim, dũi đất ngay dưới chân nó. Bim độ lượng dịch sang chỗ khác, nhưng chú ỉn lại đi theo: chú làu bàu cái gì chẳng rõ (giống lợn và giống chó không hiểu được nhau, chẳng khác gì những người ngoại quốc vậy), và lại còn nằm dựa vào cái lưng ấm áp, có lớp lông tơ mịn màng của Bim. Bởi thế nên một hôm trời lạnh, Bim thấy ớn ớn người (cửa vào phòng ngoài ban ngày đóng kín) cả nhà chẳng ai ngạc nhiên khi thấy Bim chen vào nằm giữa bầy lợn con trong lớp ổ mềm, được sưởi ấm cả hai bên sườn. Cái tình hữu ái đó không những không bị lợn mẹ phản đối, mà ngược lại, mỗi lần Bim bước vào nơi ở của chúng, lợn mẹ còn rên lên ồm ồm, vì trong lòng dào dạt tình tương thân tương ái, chứ hoàn toàn không phải vì đau đớn. Vả lại cái đặc điểm ấy của ngôn ngữ lợn, Bim đã nắm được một cách không khó khăn gì, mặc dù sau này trong khoa ngôn ngữ nó chẳng tiến thêm được bước nào nữa. Có lẽ biết ngôn ngữ cũng chưa phải là quan trọng đến thế. Chó và lợn là hai giống khác nhau về mọi mặt, tuy nhiên cái đó cũng không cản trở chúng sống hòa thuận và yên bình.
Người ta cho Bim ăn rất ngon, thế nhưng, ngoài cái đó ra, bầy lợn con đã lớn, cao bằng nửa Bim, cũng không phản đối nếu Bim đôi khi có nếm thứ thức ăn của chúng trong máng. Mỗi sáng Bim được uống gần lít sữa, ở đây từng ấy không thấm vào đâu. Tưởng như đối với chó thì còn cần gì nữa? Thế nhưng sân vẫn là sân, vẫn là cái chuồng trại có hàng rào vây kín, cửa lớn cửa bé lúc nào cũng đóng kín mít. Đâu phải việc của chó săn là nằm một chỗ, canh giữ đàn gà, dạy bảo lợn con, - không, không phải vậy, nhất là Bim của chúng ta, con chó có tài đánh hơi xuất sắc như mọi người đã biết.
Giờ đây nó đã quen thuộc với mảnh sân, với cư dân của cáió, nó chẳng lấy gì làm ngạc nhiên trước cuộc sống no đủ này. Thế nhưng mỗi lần gió từ ngoài đồng cỏ thổi đến, Bim lại thấy bồn chồn đi đi lại lại từ hàng rào này đến hàng rào kia, hoặc đứng thẳng lên trên hai chân sau, vịn vào hàng rào đó. Ý như muốn vươn lên cao, dù chỉ đôi chút, nhìn lên bầu trời, nơi có bồ câu đang bay lượn, nhẹ nhàng và tự do. Có cái gì day dứt trong lòng, và nó lờ mờ đoán ra rằng sự no đủ và đối đãi tử tế vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất.
Ôi, bồ câu ơi, bồ câu, chúng bay đâu có biết gì về một con chó no đủ trong cảnh ngộ bị nô lệ!
Bim còn cảm thấy rằng lòng tin đối với nó không có, vì người ta không chịu thả nó ra. Cứ sáng sáng Khrixan Anđrêvits cùng với Aliôsa, mình khoác áo mưa, tay cầm gậy, lại xua đàn cừu ra khỏi sân và đi với chúng suốt cả ngày. Còn Bim có muốn xin thế nào cũng vẫn bị để lại trong sân.
Thế rồi một hôm, Bim đang nằm, thò mõm ra ngoài hàng rào, thì thấy ngọn gió đem tin đến: có đồng cỏ, xa hơn tí nữa ở đâu đó lại có cả rừng. Thế ra tự do ở ngay sát nách nó! Nó nhìn vào khe rào - một con chó chạy ngang qua. Đến lúc này thì nó không thể chịu được nữa, liền ra sức đào bới, lao động cật lực: chân trước đào móc đặt dưới bụng, chân sau hất đất ra xa; toác cả móng vẫn cứ đào bằng được, sức yếu dần cùng mặc.
Không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, nhưng khi Bim đào đã gần xong thì đàn cừu về tới sân. Chúng nhìn thấy đất dưới chân rào cứ bắn vọt lên, thì ùa trở lại phải cổng, nơi Aliôsa đang đứng sau khi lùa đàn cừu ở đồng cỏ về. Các con cừu xô ngã Aliôsa và theo dọc đường chạy tán loạn, chạy như điên. Aliôsa rượt đuổi theo chúng. Còn Bim thì không để ý gì hết, cứ đào mi
Chợt Khrixan Anđrêvits đi đến, túm lấy đuôi nó. Bim nằm lặng đi trong lỗ, như chết rồi.
- Mày buồn hả Tai Đen? - Khrixan Anđrêvits hỏi, khẽ giật đuôi nó, dường như mời Bim quay trở lại.
Bim bò lùi lại. Còn làm sao được nữa một khi đã bị kéo đằng đuôi.
- Mày sao thế, Tai Đen? - Khrixan Anđrêvits ngạc nhiên, đứng tránh sang bên, thờ thẫn. - Mày hóa dại rồi sao?
Mắt Bim hằn lên các tia máu, nó rùng rùng mình, cái mũi lắc lắc bên này bên kia, và thở gấp, dường như vừa kết thúc một cuộc săn căng thẳng. Nó bồn chồn chạy khắp sân, rồi lại đến cào cào cổng rào, mắt nhìn ngước lên Khrixan Anđrêvits.
Ông ta đứng giữa sân, suy nghĩ lung lắm. Bim tiến đến chỗ ông ta rồi ngồi xuống và nói bằng mắt hết sức rành mạch: "Tôi cần ra ngoài kia, ra ngoài trời, thả tôi ra đi, thả đi!". Nó khẩn khoản rướn bụng lên và rít khe khẽ thiểu não, khiến Khrixan Anđrêvits phải cúi xuống vuốt ve nó.
- Ôi chà, Tai Đen ơi, Tai Đen! Đến chó cũng muốn tự do. Không được đâu! - Rồi ông gọi Bim vào phòng ngoài, đặt nó nằm trên cỏ khô, lấy dây xích nó lại và đem đến cho Bạn một bát thịt.
Thế là hết. Buồn quá! Cuộc sống no đủ, nhưng thiếu tự do đã làm cho Bim chán ngấy.
Nó không đụng đến bát thịt.