Nhiều sự thất bại trên đời là do người ta không nhận ra người ta đang ở gần thành công đến mức nào khi họ từ bỏ.

Thomas Edison

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: l Maruchan l
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3274 / 53
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 - Bàn Công Tính Việc
ái tin Minh được đổi làm náo động cả gia đình Sanh.
Bà Tuần nằm thở ỳ ạch như người ốm nặng, hỏi:
- Vĩnh Yên là đâu, nước có độc không? Có đứa nào biết thì bảo tao!
Minh dịu dàng, thưa:
- Bẩm mẹ, Vĩnh Yên gần Hà Nội lắm, cách nhà có vài mươi cây số, làm gì có nước độc ạ.
Sanh nói:
- Bẩm cũng bằng từ đây sang Bắc Ninh thôi ạ.
Bà vẫn thở:
- Ngày trước thầy đi làm quan đã nhiều tỉnh, mà mẹ chả nghe thấy nói tỉnh Vĩnh Yên bao giờ. Nước có lành thật hay không hở cậu?
Sanh ái ngại, đáp:
- Bẩm nước lành thật ạ.
Bà lại hỏi:
- Hở Oanh?
Oanh thưa:
- Bẩm mẹ, thì ông Bố Lê cũng ở Vĩnh Yên, đấy ạ.
Bà rên:
- Ờ nhỉ.
Rồi nghĩ ngợi một chốc, bà tức giận, ngồi nhổm dậy, nói:
- Nhưng sao mới năm mới, người ta đã đổi con đi?
Cả nhà yên lặng, không ai đáp được câu hỏi khó khăn ấy.
Rồi một lát, bà hách dịch, gọi:
- Xe! Sắp sửa kéo tao đi.
Sanh ngơ ngác:
- Bẩm mẹ đi đâu ạ?
- Mẹ không để mợ ấy đổi đi Vĩnh Yên được. Mẹ đi kêu. Sanh, Minh và Oanh nhìn nhau. Bà Tuần hỏi:
- Sở Học Chính ở chỗ nào, con?
Minh sợ hãi nói:
- Bẩm mẹ, nghị định đã ra rồi, khó lòng nói lại được.
- Sao lại không, mợ nói dở vừa chứ. Người ta đổi mợ đi, tại người ta không biết mợ là nàng dâu trưởng.
Sanh can:
- Bẩm mẹ, Nhà nước bổ người làm việc đi chỗ nào có bao giờ phân biệt trưởng với thứ đâu ạ.
Bà Tuần gắt:
- Cậu cũng dở như cám hấp ấy.
Oanh nói:
- Bẩm mẹ, thật đấy ạ.
Bà Tuần gắt:
- Còn mày nữa. Tao sẽ kêu với quan trên rằng nó là nàng dâu trưởng, mà tao chỉ có một mình anh Cả mày là trai. Tao nói cả là mày sắp đi ở riêng, thì chị mày phải ở gần tao.
Oanh cả thẹn, can:
- Chết, mẹ chớ nói như thế. Rồi người ta cười cho đấy.
- Tao không cần. Nhà nước không xét kỹ, chứ thầy ngày xưa, nào là hộ đê, nào là dẹp giặc, nào là đốc thuế, lúc nào cũng trung thành, được ba cái tưởng lục, năm cái mề đay, thì nay Nhà nước phải đền lại cái công lao thầy, là cho mợ Cả ở lại mới phải.
Minh bấm Sanh.
- Chết, cậu có khuyên mẹ đi không, lỡ mẹ đến nói những câu ấy ở trên Học Chính thì người ta cười cho. Trên ấy tôi có nhiều người quen lắm.
Sanh và Oanh nhìn Minh. Sanh cau mặt, hỏi:
- Mợ có nhiều người quen mà đàn ông hay đàn bà?
- Những ông giáo làm thư ký ở đấy mà.
Sanh nhìn vợ, ghen tức, Nhưng bà Tuần đã sắm sửa xong. Bà sai Oanh xếp hộp trầu, rồi bảo Minh:
- Mợ cũng mặc áo vào, đi với mẹ. Chẳng lẽ người ta không nể vợ một ông quan hay sao.
Minh ngập ngừng, bảo Oanh:
- Cô không can mẹ đi, mẹ đi thật thì nguy quá.
Oanh vội nói:
- Bẩm mẹ...
Minh sực nhớ ra, mừng rỡ, vội thưa:
- À, bẩm mẹ, hôm nay chủ nhật, trên Học Chính đóng cửa ạ,
Bà Tuần díu đôi lông mi, hỏi:
- Chủ nhật thật hay chủ nhật dối hở Oanh? Sao tao nghe như chúng mày không thương tao thì phải.
Oanh nói:
- Bẩm thật ạ.
Nghĩ ngợi một lát, bà bảo:
- Được, tao cứ vào tuột nhà tư, càng hay.
Sanh nói:
- Bẩm mẹ có biết nhà ông đốc Học Chính ở đâu mà vào?
- Thì ngoài là công đường, trong là nhà tư, ai lạ gì. Cậu đừng bắt nạt.
Minh nói:
- Bẩm ông ấy ở nhà riêng, phố nào con cũng không biết ạ.
Bà tức quá, ngồi phịch xuống ghế, gắt đầy rớ um lên. Chán nản, Minh vào buồng sắm sửa hành lý. Oanh xuống bếp dọn cơm.
Một lát bà buồn rầu lắc đầu bảo Sanh:
- Mẹ quanh năm ở hiền tưởng gặp lành, ai ngờ cứ phải lo nghĩ mãi. Để rồi mẹ đi lễ ở đền Ngọc Sơn kêu cho nó ở lại vậy.
Rồi ghé lại gần Sanh, bà hỏi khẽ:
- Hay nó làm sao mà phải đổi, hở con?
- Thưa mẹ, con không biết.
- Đổi thế là phải giáng chức đấy nhỉ?
- Bẩm không ạ.
Bà Tuần nghĩ ngợi mãi, vẫn có ý nghi ngờ lời nói của con trai. Rồi chép miệng, bà thở dài:
- Giá còn thầy, thì những lúc này mẹ việc gì phải khó nhọc. Thầy chỉ cần nói một tiếng với ông Ba Đờ Suy hay Đờ Loa gì ấy là xong hết. Mẹ tức lắm, ra họ không nể cả từ ông quan Đại Thần.
Sanh yên lặng. Một lát, bà gọi:
- Mợ Cả!
Minh thưa:
- Dạ.
- Mợ không phải sắm sửa gì cả. Không đi! Mặc kệ!
Minh vừa sợ hãi vừa bực mình:
- Bẩm mẹ, mẹ hãy cho phép con lên đó, rồi hãy hay.
- Mẹ bảo không đi! Để đến mơi mẹ lên sở Học Chính nói lại cái đã. Nhưng mẹ hỏi thực mợ có làm lỗi gì hay không? Mợ cứ nói cho rõ.
- Bẩm không ạ.
- Nếu có thì mơi đến nói lại với người ta xoá nghị định đi cho. Mẹ không cho phép mợ đi một mình ở nơi non xa nước lạ như thế.
Minh nín lặng, bực tức đi vào. Bà Tuần gắt:
- Mợ không nghe mẹ phải không?
Minh đáp:
- Bẩm mẹ, đi làm mà phải đổi là một sự rất thường, có gì mà mẹ phải ngại à?
- Nhưng mợ thì mẹ không để cho phải đổi, mợ là nàng dâu trưởng.
Minh nói nhỏ với Sanh:
- Không đi thì người ta cách cổ về!
Bà Tuần nghe thấy, mắng:
- Cách thì về, không cần. Người ta không cho mợ ở lạì Hà Nội, thì mợ ở nhà. Không đi làm nữa, xem sao nào! Đã chết đói đâu mà sự.
Minh sợ hãi, dịu mặt, nói nhỏ với chồng:
- Cậu có bẩm mẹ lại đi không! Mẹ mà nóng nảy, thì mẹ bắt tôi ở nhà thực.
Rồi sực nghĩ đến em Lãng cần nàng nuôi đi học, nàng lo lắng. Nàng không dám vào buồng, sợ mẹ chồng cho là sắm sửa đi Vĩnh Yên thì bà càng quyết liệt, nên nàng
xuống bếp với Oanh.
Bà Tuần gọi Sanh, hất đầu, hỏi nhỏ:
- Nó đâu?
- Bẩm dưới bếp ạ.
- Mà mẹ cũng không muốn cho nó đi làm nữa, con ạ.
Sanh đưa hai mắt nhìn xuống đất, không đáp. Bà lại nói:
- Nó đi làm, cậy cố lương, khinh cả mẹ lẫn con. Mẹ thấy cô Phán, thím Ba bảo nó hay hợm của lắm. Nếu xin không được cho nó ở lại, thì mẹ bắt nó ở nhà.
- Bẩm mẹ, việc mẹ định lên xin tận trên Học Chính, con tưởng không nên.
- Sao lại không nên?
- Bẩm tại mẹ kể lôi thôi lắm.
- Mặc kệ tôi. Tôi cưới nó về làm vợ cậu, nhưng cũng phải làm dâu tôi nữa. Con bé sắp về nhà chồng, thì nó phải gánh vác công việc nhà này. Chứ đâu hay là khách, mà hỏi cái gì cũng u u miêng miêng. Mẹ đội đá ở đời để lo lắng mãi công việc ở nhà này hay sao..
Sanh cảm động:
- Bẩm mẹ, cờ đến tay ai người ấy phất. Việc gì mẹ phải nghĩ.
Bà bĩu môi:
- Nhưng chắc có biết cầm cờ đằng nào để phất không? Làm thân đàn bà mà tề gia nội trợ chẳng biết một tí gì cả. Đấy, con xem cô Phán, bác cử Kim phúc nhà người ta được con dâu ngoan ngoãn. Thế mà cái này, sao mà chỉ thấy nó bướng bỉnh, hỗn láo quen thân. Nó là ở nhà không ai dạy bảo, đi học thì đua chị đua em những cách ăn mặc, bây giờ đi làm, một bước lên bà, chẳng coi ai ra gì, thượng, hạ bằng đẳng cả. Thấy cảnh nhà ta, mẹ buồn quá.
Một lát, bà Tuần nói nhỏ:
- Này, mà con nên xem ý tứ nó kiển thận nhé. Mẹ thấy nói nó quen nhiều đàn ông lắm đấy.
Sanh tái mặt, bà Tuần lại bảo thầm:
- Hình như có đứa nào tên là Nhã, con thử dò xem nhé.
Cắn môi nghĩ một lát. Sanh đáp:
- Hay Nhã là người làm ở Sở Học Chính?
- Thế à? Con biết à?
- Bẩm mẹ, con đoán thế. Vì vừa ban nãy nó nói quen nhiều ông giáo làm thư ký ở đấy. Thưa, sao mẹ lại biết người ấy tên là Nhã?
Bà Tuần ra dáng thông minh, giảng:
- Tại một hôm, con Oanh nghe rõ ràng tiếng nó gọi một người tên là Nhã ở ngay trước cửa nhà ta, rồi cái người Nhã ấy lại đăng báo.
Sanh vẫn ngơ ngác. Bà Tuần tiếp:
- Ở cái tờ báo nó vẫn mua ấy mà. Con mở ra mà xem. Tao nghi quá. Nếu thật thế thì nhà ta đốn đến nơi rồi.
Sanh căm giận, run lên. Bà Tuần trợn mắt, dặn:
- Nhưng cứ lẳng lặng mà dò la. Thế mày có thấy nó viết thư cho ai bao giờ không?
Giữa lúc ấy, Oanh vừa ở bếp lên. Oanh hiểu chuyện, dài môi, ghé đầu vào, thì thào nói:
- Mà có thì người ta nhận thư ở trường, viết thư ở trường, anh con làm gì mà biết. Đấy, anh xem, nhiều cái bực mình lắm kia. Cả nhà cả họ chả ai bằng lòng cả. Ngay một việc đổi này, mẹ thì lo lắng là thế, mà chị ấy trân trân ra, hình như vui vẻ lắm thì phải.
Bà Tuần nói:
- Ừ, thì chả ở nhà lấy làm khó chịu mà! Đổi để khuất đi mà lỵ.
Vì vội vàng công việc, Oanh lại chạy xuống bếp, hớn hở lắm. Sanh thở dài, nét mặt đau đớn. Bà Tuần nói:
- Lúc nào con vờ khám hòm nó xem nhé. Hễ có gì khả nghi, thì lẳng lặng giữ lấy, rồi xem xét ý tứ. Nhất là con xem Nhã là đứa nào, nghe chưa. Việc này giá không có con em Oanh nó tinh ý, thì còn ai biết nữa. Thế cho nên bây giờ mẹ nhất định bắt nó ở nhà.
- Nhưng ngày trước mẹ hứa cho nhà con một ít lương để nuôi thằng Lãng, thành ra nếu nhà con không đi làm nữa thì ai nuôi thằng Lãng cho.
Bà Tuần hất đầu:
- Mặc kệ!
Hai mẹ con yên lặng nghĩ ngợi. Bà Tuần nói:
- Của chồng là của vợ, mà của vợ cũng là của chồng. Lương nó cũng là lương con. Mình cho nó được tiêu đồng nào thì cho, chứ quyền nó được đòi à? Thế cho nên việc gì anh rể phải nuôi em vợ?
Bỗng bà Ba vào, Sanh chào:
- Lạy thím ạ.
Bà Ba vừa đi vừa hỏi:
- Tôi nghe thấy chị Cả đổi đi Vĩnh Yên phải không?
Bà Tuần đáp;
- Vâng, cháu phải đổi.
- Thế đã đi chưa? Mơi đã khai trường mà.
- Chưa.
Rồi hất hàm, bà Ba nháy mắt, hỏi khẽ:
- Bây giờ đâu?
Bà Tuần cười trỏ tay vào bếp. Bà Ba cúi ghé đầu gần bà Tuần và Sanh, nói thầm:
- Tại làm sao nó phải đổi, bác biết không?
- Không.
Sanh nói:
- Bẩm thím, tự nhiên đấy chứ.
Mắt nhìn phía bếp, bà Ba tiếng nhỏ tiếng to:
- Này, ra nó xin đổi, thế có chết không!
Bà Tuần trợn mắt, há hốc mồm.
Sanh tái mặt, ôm đầu, ngồi phịch xuống.
Bà Ba vớ ống phong, ghé mồm nhổ quết trầu, rồi rón hai ngón tay lau môi...
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh