Số lần đọc/download: 1271 / 38
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Dây Xích
B
rian Gold đang đứng trên đỉnh đồi khi con chó tấn công. Một con chó đen to, trông như chó sói, được xích bởi một sợi dây. Con vật lao ra từ sân sau một căn nhà, vượt qua sân vào trong công viên, chạy dễ dàng trên tuyết dày và hướng về phía con gái anh. Anh đợi sợi dây xích giật con chó trở lại nhưng con chó tiếp tục lao đến. Gold nhào xuống từ đỉnh đồi, vừa chạy vừa gào lên. Tuyết và gió đánh bạt tiếng anh. Tấm ván trượt tuyết của Anna đã xuống gần tới chân đồi. Gold đã trùm mũ kín đầu Anna để tránh những cơn gió rét buốt và anh biết Anna không thể nghe tiếng anh hoặc nhìn thấy con chó đang lao đến. Anh nhận thức rõ ràng tốc độ của con chó và cả tốc độ chậm không tưởng tượng nổi của anh; cả sức nặng của đôi ủng, cả sức níu của đất phía dưới lớp tuyết mới. Áo choàng của anh đập vào khuỷu chân anh. Anh gào lên một lần nữa khi con chó nhảy chồm lên, và vào chính lúc đó, Anna nghiêng người đi, vì thế mà con chó ngoạm vào vai cô bé thay vì vào mặt. Gold mới chỉ xuống tới nửa quả đồi, hai cánh tay anh cương cứng lên, chân trượt trong ủng. Anh thấy mình dường như đang dậm chân tại chỗ mà không hề di chuyển; dường như anh không thể vượt qua nổi khoảng cách giữa anh và cái con chó lúc này đang lôi Anna ngược ra khỏi tấm ván trượt tuyết và giằng qua giằng lại con bé như đang nhay một con búp bê. Gold quăng mình tuyệt vọng từ trên đồi xuống, và rồi khoảng cách kia biến mất và anh đã ở chân đồi.
Tấm ván trượt đã bị lật úp, tuyết tung tóe; con chó đã giày xéo cả một vùng đất như lãnh địa riêng của nó. Nó vẫn đang ngoạm vào vai Anna. Gold nghe tiếng gầm gừ sôi lên từ sâu trong bụng con chó. Anh nhìn thấy những cơ đùi căng lên, cả hai cái tai rủ và một khúc lợi đỏ dưới cái mõm nhăn nhún. Anna bị vật ngửa; khuôn mặt con bé trắng bệch và trống rỗng, nhìn thẳng lên trời. Trông con bé chưa bao giờ nhỏ nhoi đến thế. Gold túm lấy sợi dây xích và giật nó lại nhưng anh không sao trụ vững trong tuyết. Con chó chỉ gầm gừ quyết liệt hơn và lại bắt đầu giằng Anna. Anna không hề kêu một tiếng nào. Sự im lặng của con bé làm Gold lạnh người, choáng váng. Anh lao cả người vào con chó, lấy hai tay xiết quanh cổ nó, giật mạnh nó trở lại. Nhưng con chó vẫn không buông Anna.
Gold cảm thấy sức nóng và cả sự quyết liệt của con chó. Găng tay của anh thì trơn trượt; anh không sao có thể túm thật chặt. Miệng anh lúc đó ở ngay gần tai con chó. Anh nói “Bỏ ra, đồ chó!” rồi cắn phập vào tai con chó với tất cả sức lực của mình. Anh nghe một tiếng tru và một cái gì đó đập vào mũi anh, hất anh ngược lại. Khi anh đứng được lên, con chó đã đang chạy về nhà, vừa chạy vừa lắc lắc đầu sang hai bên và vấy máu lên mặt tuyết.
“Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 60 giây”, Gold nói. “Có khi không đến. Nhưng mà tôi thấy nó dài vô tận”. Anh đã kể câu chuyện này rất nhiều lần và luôn luôn nhắc lại câu này. Anh biết rằng nó nhạt nhẽo nhưng anh không sao cưỡng được việc mô tả thời gian như bị kéo dài và chững lại. Anh cũng không cưỡng được việc nhắc lại lời bác sĩ – rằng quả là một “phép mầu” khi Anna không có thương tật hay thậm chí là bị chết. Bác sĩ vẫn không hiểu làm sao con bé hoàn toàn không hề bị chấn thương nào ở xương hay thần kinh. Mặc dù bị xây xát khá nhiều, da con bé thậm chí không hề bị toạc.
Gold yêu khuôn mặt con gái anh. Anh yêu khuôn mặt con bé như yêu một thứ tồn tại độc lập – một thứ mà người ta chỉ nên chiêm ngưỡng, thán phục. Nhưng sau sự việc với con chó, anh không sao có thể nhìn Anna như cũ. Lúc nào, anh cũng vẫn mường tượng con chó đang lao vào cô bé trong lúc anh vĩnh viễn chết tắc trên đỉnh đồi; và rồi tim anh sẽ đập thình thịch và anh trở nên bồn chồn, giận dữ. Anh không muốn nghĩ đến con chó nữa – anh muốn xóa nó vĩnh viễn khỏi suy nghĩ của anh. Con chó đó đáng chết. Đồ chó điên, một mối hiểm họa như thế mà nó vẫn cứ nhởn nhơ ngoài kia, lại chầu chực để lao vào cắn xé một đứa bé khác chỉ vì cảnh sát chẳng chịu nhúc nhích chân tay.
“Bọn nó chẳng động chân động tay đâu”, anh nói. “Chúng nó chả hề nhúc nhích”.
Anh lại đang kể chuyện này với em họ anh, Tom Rourke, vào một chiều Chủ nhật, một tuần sau vụ tấn công. Gold đã gọi điện cho Tom vào buổi tối xảy ra sự việc nhưng chuyện về cảnh sát thì mới và Rourke lập tức điên tiết, đúng như Gold đã hy vọng. Em họ anh rất dễ bực mình với những chuyện bất công; Tom lại sẵn có một kho giận dữ cộng với lòng trung thành mà Gold đã luôn trông vào kể từ hồi cả hai còn là những cậu bé. Anh đã giận dữ một mình suốt một tuần và muốn có bầu bạn. Mặc dù vợ anh cũng tỏ ra giận dữ nhưng cô ấy không tận mắt nhìn những gì anh đã chứng kiến. Con chó chỉ là một khái niệm trừu tượng với vợ anh; vả lại cô ấy không phải tuýp người nhớ lâu.
“Bọn cớm nó lấy lí do gì chứ?”, Rourke nói. “Cái bọn bất tài ăn không ngồi rồi ấy lấy lí do gì?”
“Cái xích”, Gold nói. “Bọn nó bảo là, nghe thế này mới tức chứ, là vì con chó đấy có xích cổ hẳn hoi cho nên là không hề có ai phạm luật cả”.
“Nhưng mà con chó đâu có bị xích, đúng không anh?”
“Nó có bị xích, nhưng mà cái xích đó kéo dài sang tận công viên. Sang tít công viên, phải đến cả chục mét”.
“Nói như thế thì nó có thể thả xích đến 10 dặm và để chó nhà nó đi cắn chết mẹ hết cái thị trấn này à?”
“Thì thế”.
Rourke đứng dậy đi tới cửa sổ. Cậu ta đứng sát vào kính cửa sổ, nhìn trừng trừng vào tuyết đang rơi bên ngoài. “Cái bọn phát xít và bọn chó. Anh có thấy là chúng nó luôn đi liền với nhau không?” Rồi vẫn nhìn ra bên ngoài, Rourke nói: “Anh đã nói chuyện với luật sư chưa?”
“Hôm kia rồi”.
“Ông ấy bảo thế nào?”
“Bà ấy. Kate Stiller. Bà ấy bảo là bọn cảnh sát toàn bọn bố láo. Bà ấy bảo thôi quên đi. Bà ấy bảo là con chó đấy sẽ chết già trước khi mình lôi được nó ra tòa”.
“Đấy, luật pháp thì thế đấy. Chúng nó có thực thi công lý chó gì đâu, chỉ toàn là hại người ta”.
Có một tiếng huỵch lớn ở trên trần nhà. Anna đang chơi trên tầng trên với con trai của Rourke, thằng bé Michael. Cả hai người đàn ông ngước mắt nhìn lên và chờ; rồi khi không thấy có ai gào lên, Gold nói “Anh cũng chả biết anh gọi cho luật sư làm gì. Anh làm gì có tiền trả cho luật sư”.
“Anh có biết tại sao lại như thế không?”, Rourke nói. “Cái thằng chó cảnh sát nhận đơn khiếu nại chắc là đã làm sai, bây giờ bọn khác bao che cho nó. Anh có muốn xử nó không?”
“Thằng cảnh sát á?”
“Con chó cơ”.
“Ý cậu là giết con chó á?”
Rourke chỉ nhìn Gold.
“Ý cậu là thế phải không? Giết con chó hả?”
Rourke cười toe toét nhưng vẫn không nói gì.
“Xử thế nào?”
“Thế anh muốn xử nó thế nào?”
“Chúa ơi, Tom. Anh chả tin được là mình lại bàn cái chuyện này”.
“Nhưng mà anh đang bàn còn gì”, Rourke lấy chân đấy cái ghế bành lại, cho đến khi nó đối diện với Gold; cậu ta ngồi xuống ghế, người cúi sát vào Gold đến nỗi đầu gối của họ chạm nhau. “Không chơi thuốc độc hay kính kiếc gì cả. Mấy trò đó bẩn. Em không chơi thế ngay cả với kẻ thù của em. Mình chơi đẹp”.
“Chúa ơi, Tom”, Gold cố cười.
“Anh có thể dùng khẩu Remington của em, bắn nó từ trên đồi. Hoặc nếu anh thích thì đến gần, chơi nó bằng khẩu nòng 12 hoặc là quả Magnum 44 của em. Anh bắn súng lục bao giờ chưa?”
“Chưa”.
“Thế thì quên con Magnum đi”.
“Anh không làm được đâu”.
“Được chứ sao không”.
“Họ phát hiện ra anh ngay. Anh đã kêu ca chuyện này cả tuần. Cậu nghĩ là bọn họ sẽ truy ai nếu mà họ thấy con chó đấy toác sọ?”
Rourke hít hà. “Em hiểu rồi”, cậu ta nói. “Rồi, anh không làm được. Để em”.
“Không, Tom, quên chuyện này đi”.
“Anh và chị Mary đi đâu đó vào buổi tối đi. Đi ăn tối ở chỗ Chez Nicole hay là bên quán Pauly, chỗ nào nhỏ thôi để người ta còn nhớ mặt anh. Đến lúc anh về nhà thì đã xong vụ và anh vẫn sạch sẽ”.
Gold uống nốt chai bia.
“Phải giải quyết chuyên này đi Brian. Nếu mình không làm thì chả ai làm cả”.
“Có thể là anh làm được. Có thể. Để cậu làm, anh thấy nó cứ thế nào ấy”.
“Thế còn chuyện cái con chó đó cứ chạy rông sau khi nó cắn Anna thì sao? Anh có thấy nó cứ thế nào không hả?” Khi Gold không trả lời, Rourke lắc lắc đầu gối anh. “Anh cắn tai nó thật à?”
“Thì làm gì có cách nào khác?”
“Anh có cắn đứt tai nó không?”
“Không”.
“Nhưng mà cắn chảy máu chứ? Anh đã nếm máu rồi hả?”
“Ừ, thì có một tí trong mồm. Anh chả có cách nào khác”.
“Ngon, đúng không? Nào, Brian, đừng có giả vờ, rõ ràng là máu ngon, đúng không?”
“Thì anh cũng thấy hơi thỏa mãn kiểu gì đó”, Gold nói.
“Anh muốn giải quyết mọi việc đàng hoàng”, Rourke nói. “Em tôn trọng điều đó. Em hiểu. Tùy anh quyết định, có gì cứ bảo em”.
Gold biết Rourke nhắc tới chuyện phát xít và chó không phải vì một ký ức sâu xa nào mà chỉ vì cậu ta có thói quen gợi người ta là phát xít bất cứ khi nào có chuyện bất bình. Nhưng một khi đã nghe Rourke nói thế, Gold không sao quên được. Anh cứ nghĩ tới một hình ảnh mà anh cũng đã từng nghĩ tới: một đàn chó béc-giê điên cắn xé những người Do Thái dọc một đường tàu.
Gold là người Do Thái theo dòng máu từ bố anh nhưng bố mẹ anh đã chia tay khi anh còn nhỏ và anh đã được mẹ anh nuôi dạy theo truyền thống Công giáo. Tên anh không hợp với anh; anh thấy nó nghe thật lố bịch. Khi người ta nhắc đến “Gold” thì người ta lập tức nghĩ đến vàng. Với cái tên đó thì anh nên là một người giàu chứ không phải một người chủ cửa hàng cho thuê băng đĩa đang sắp phá sản. Những đứa trẻ da đen vào cửa hàng chắc chắn nghĩ như thế. Chúng thường gọi tên anh một cách giễu cợt. “Mr. Gold”, bằng cách dài giọng ra như thể chúng đang nói tới vàng thật. Thỉnh thoảng, khi thiếu tiền thuê, có đứa còn xin anh bỏ tiền túi ra bù cho chúng, và khi anh từ chối thì chúng ra vẻ kinh ngạc. Cái xe Toyota cũ mà anh hay đỗ trước cửa là một mối băn khoăn cho chúng – thậm chí là một đề tài bàn tán; chúng không hiểu nổi tại sao, giàu có như anh mà lại không sắm lấy một cái xe xịn. Có một đêm, một cô gái đứng ở quầy thuê băng với mấy người bạn nói rằng Gold chắc là để cái xe Cadillac của anh ở nhà vì anh sợ dân trộm cắp ở đây sẽ ăn cắp. Những người khác trước đây chỉ trêu chọc anh, chỉ đùa, nhưng khi cô gái kia nói ra điều này, mọi người lập tức im lặng như thể sự thật cuối cùng đã được phơi bày.
Cadillac. Thế đấy.
Sau nhiều năm không mấy mặn mà, cuối cùng Gold đã quay lại với Giáo hội Công giáo và đi lễ hàng tuần để củng cố cái đức tin yếu ớt của mình. Tuy thế, anh hiểu rằng trong con mắt của toàn thế giới, anh vẫn là dân Do Thái. Anh chưa bao giờ biết mình phải hiểu điều đó như thế nào. Có những thứ anh nhận thấy ở chính mình mà anh cho đúng là Do Thái – những đặc điểm không có ở những thằng bé gốc Ireland mà anh đã lớn lên cùng, bao gồm cả họ hàng của anh. Ví dụ như chuyện mọt sách, lòng kiên nhẫn, thích nhạc cổ điển và việc bài trừ triệt để rượu và bạo lực. Những thứ này anh cho là chấp nhận được. Nhưng anh cũng còn có những xu hướng khác nữa – những xu hướng anh không ưa lắm – mà anh ngờ là có nguồn gốc Do Thái. Ví dụ như là tính thích chế giễu bản thân. Rồi sự hoài nghi đến mức làm anh tê liệt. Cả sự yếu ớt thể chất. Rồi cái thiên hướng thụ động, thậm chí là đầu hàng trước những kẻ hay trêu chọc, bắt nạt người khác hoặc những tình huống có tính áp bức. Gold biết rằng những kẻ bài Do Thái cũng nghĩ như vậy về dân Do Thái và anh cố cưỡng lại những đặc điểm này dù chẳng mấy thành công.
Trong cái bức tranh đã trở nên quen thuộc mà Rourke dựng nên về những người Do Thái bị chó béc-giê lùa đi như bầy gia súc, Gold lập tức nhận thấy sự nhẫn nhục mà anh không thích ở bản thân mình. Anh biết rằng đổ lỗi cho người khác về tội không đấu tranh chống cái ác là không công bằng bởi vì những người này trong sáng đến mức không thể tưởng tượng nổi cái tội ác gây ra cho mình; nhưng kể cả khi thừa nhận rằng họ đã bị đánh đập dã man, bị bỏ đói và vẫn còn đang hoàn hồn, thì anh không thể nào không tự hỏi: Tại sao không có một người nào đánh lại tên quản giáo; cướp súng của hắn và bắn chết vài tên khác? Tại sao không làm một điều gì đó? Ngay cả khi nhận ra sự bất công kinh khủng của câu hỏi này, anh vẫn không sao quên được nó.
Và với cái hình ảnh cũ kỹ đó vẫn còn in hằn trong óc, Gold cảm thấy dường như câu hỏi kia bây giờ đang đặt ra cho chính anh. Tại sao anh không làm một điều gì đó? Con gái của chính anh đã bị hành hạ bởi một con chó béc- giê, đã suýt chút nữa thôi là bị cắn rách mặt. Anh đã tận mắt thấy sự kinh khủng đó, đã cảm thấy cái ý muốn làm hại người khác của con chó đó. Và nó thì vẫn nhởn nhơ ngoài kia, nằm chờ hại tiếp người khác chính vì không một ai, kể cả anh, nhấc tay làm cái điều cần phải làm. Anh không sao thoát khỏi suy nghĩ về sự thụ động của anh. Trong những ngày sau cuộc nói chuyện với Rourke, việc này trở nên không chịu nổi. Dù anh ở đâu, ở nhà hay ở cửa hàng, anh cũng đồng thời ở trên đỉnh quả đồi đó, bất động và im lặng nhìn con chó lao vào Anna với ý chí của một kẻ giết người và cái xích kéo lê phía sau nó như một con rắn đen dài vô tận.
Anh lái xe qua công viên đó một buổi chiều tối nọ và dừng lại ở phía bên kia đường, đối diện căn nhà có con chó ở. Đó là một căn nhà có kiến trúc thuộc địa với một hàng cửa sổ vòm – một căn nhà lớn, đắt tiền, giống như hầu hết những căn nhà khác quanh công viên. Gold nghĩ anh có thể đoán tại sao cảnh sát lại không làm ầm lên. Chỗ này không phải là chỗ người ta bắn nhau, không phải địa phận của bọn tội phạm hay bọn sống ngoài pháp luật. Tiếng trầm đục của miếng đồng dùng để gô vào cái cửa lớn màu xanh, tiếng lanh canh của những cây đèn chùm trong phòng treo áo, và cả cái chân cầu thang rộng lớn với cái cột cầu thang xoáy trôn ốc khổng lồ và hàng tay vịn sáng choang – tất cả những thứ đó làm cho người ta biết rằng luật pháp là bạn bè ở chốn này. Dĩ nhiên, con chó cần có không gian để chạy nhảy tự do chứ. Nếu như có ai đó để cho con cái họ chạy rông khắp nơi thì họ phải tự chịu hậu quả thôi. Có những người lúc nào mà chả thích kêu ca phàn nàn.
Mặc dù Gold thất vọng với giới cảnh sát, anh tin là anh hiểu họ. Anh chỉ không hiểu những người đã để cho chuyện này xảy ra. Họ đã không bao giờ gọi điện xin lỗi, thậm chí cũng chẳng hỏi xem Anna thế nào. Họ dường như chẳng quan tâm là con chó của họ là một kẻ giết người. Gold đã lái xe tới đây với một chút hy vọng rằng anh có thể ngồi xuống nói chuyện với họ, giúp họ hiểu họ cần phải làm gì – cứ như thể là họ sẽ để anh vào nhà. Anh mới ngốc làm sao!
Anh gọi điện cho Rourke đêm đó và bảo Rourke tiến hành đi.
Rourke rất muốn Gold sẽ đưa Mary đi ăn tối – bằng tiền cậu ta đãi – vào cái đêm đó. Cậu ta đã mường tượng sự việc như một vở kịch, trong đó có cả cảnh hai vợ chổng Gold nâng sâm-banh chức mừng Rourke vào đúng lúc cậu ta làm cái việc cần phải làm.
Gold từ chối đề nghị này. Mary không biết kế hoạch của hai anh em họ và anh không thể nào ngồi đối diện Mary trong ba tiếng đồng hồ mà không nói cho vợ anh biết. Cô ấy sẽ không thích chuyện đó, nhưng cô ấy sẽ không thể ngăn nó; như thế việc biết chuyện sẽ chỉ là một gánh nặng cho cô ấy. Gold vẫn thuê một sinh viên cao học tên là Simms trông coi cửa hàng cho anh vào buổi tối, trừ các tối thứ Ba, khi cậu ta phải đi học. Mặc dù Rourke thất vọng về kế hoạch quá buồn tẻ của Gold, cậu ta cuối cùng cũng chấp nhận: thì sẽ làm vào tối thứ Ba vậy.
Tuyết lại rơi thêm vào sáng đó, và sau đó là một trận bão băng. Những con đường và những lối đi vẫn còn phủ băng khi đêm xuống và chẳng có mấy người tới cửa hàng. Gold cho mở một bộ phim mới ra trên vô tuyến treo trên quầy hàng, nhưng anh không sao theo dõi nổi câu chuyện vì các cảnh cắt đột ngột và nhạc phim thì lố bịch; thế nên anh tắt phim sau khi chiếu được một nửa và cũng không buồn bỏ một phim khác vào. Cửa hàng tương đối yên tĩnh. Có lẽ vì lí do này mà khách hàng của anh không ở lại lâu để nói chuyện phiếm với Gold hoặc với nhau như thường lệ. Họ chỉ chọn phim, trả tiền, rồi đi. Anh cố gắng đọc báo. Lúc 8 rưỡi, Anna gọi để báo với anh là con bé đã thắng một cuộc thi làm báo tường ở trường. Sau khi gác điện thoại, Gold chứng kiến một vụ đánh nhau bên ngoài cửa hàng pizza Domino ở đối diện. Hai người đàn ông, hoặc say rượu hoặc phê ma túy, đã hét vào mặt nhau, rồi một người loạng choạng lao vào người kia. Họ vật nhau và cả hai cùng ngã trên mặt băng. Một người giao pizza và một đầu bếp chạy ra giúp họ đứng lên rồi lôi mỗi người về một hướng. Gold hâm nóng món súp chilli cay mà anh bỏ lại từ bữa tối Chủ nhật. Anh ăn chậm, vừa ăn vừa theo dõi dòng xe chậm chạp chạy qua và cả những người lom khom, co ro đi ngang qua cửa hàng anh. Mary đã bỏ nhiều thì là cay vào trong súp theo đúng cách mà Gold thích. Trán anh dần dần rịn mồ hôi, và anh cởi áo len ra. Cái máy sưởi kêu tích tích. Những cái đèn tuýp kêu rì rì trên đầu.
Rourke gọi điện cho anh ngay trước 10 giờ, khi Gold đang đóng cửa hàng. “Scooter đã thành món giả cầy”, cậu ta nói.
“Scooter?”
“Thì tên con chó đó”.
“Giá mà cậu đừng nói với anh”.
“Em mang cái cổ dề về cho anh – để làm kỷ niệm”.
“Vì Chúa, Tom!”
“Đừng lo, anh hoàn toàn sạch sẽ”.
“Đừng nói gì thêm nữa”, Gold nói. “Anh sợ là anh sẽ lỡ lời nếu cảnh sát đến hỏi”.
“Họ sẽ không đến đâu. Cái kiểu xử của em thì họ còn lâu mới đoán được chuyện gì xảy ra”. Cậu ta ho. “Chuyện phải làm thì phải làm thôi mà, Brian”.
“Anh đoán thế’
“Không đoán điếc gì cả. Nhưng phải nói thật là, nói chung em cũng chả muốn phải làm lại những việc thế này”.
“Xin lỗi cậu. Lẽ ra anh phải tự tay làm”.
“Chả thích thú gì, em nói thật đấy”, Rourke im lặng. Gold có thể nghe thấy cậu ta thở. “Em lạnh cóng cả đít. Em cứ tưởng là họ sẽ không bao giờ thả con chó ra ngoài”.
“Anh sẽ không quên đâu”.
“Dào, có gì đâu. Xong vụ rồi. Anh yên tâm đi”.
Vào cuối tháng Ba, Rourke gọi điện cho Gold để kể một vụ của cậu ta. Cậu ta đang đổ xăng trên phố Erie thì một cái xe BMW lùi ra từ chỗ bơm hơi và đụng vào cửa xe cậu ta. Rourke đã kêu to với người lái xe kia – một anh chàng da đen đeo kính râm, đội mũ len. Anh ta tảng lờ và cứ thế lái xe đi, nhưng Rourke đã kịp ghi nhớ biển số xe của anh ta. Một cái biển số phù phiếm và dễ nhớ – SCUSE ME. Rourke gọi điện cho cảnh sát; họ tìm ra anh ta và phạt anh ta tội đã chạy trốn khỏi hiện trường vụ va chạm.
Đến đây thì mọi chuyện vẫn tốt. Nhưng rồi hóa ra, anh chàng da đen đó không có bảo hiểm. Công ty của Rourke đồng ý thanh toán phần lớn hóa đơn sửa xe – những 800 đôla cho một vết xước – nhưng mà thế thì anh vẫn còn phải trả 300 đô. Rourke nghĩ rằng ngài Scuse Me sẽ trả số tiền này. Đại diện bảo hiểm của anh cho anh tên và địa chỉ của anh chàng da đen, và Rourke gọi điện cho anh ta. Cậu ta gọi hai lần vào những giờ tử tế, sau bữa tối, nhưng cả hai lần, người phụ nữ trả lời điện thoại đều nói rằng anh ta không có nhà và cho Rourke số điện thoại ở một club trên phố Townsend; tuy nhiên, khi Rourke gọi số đó thì luôn chỉ có hộp tin nhắn. Mặc dù Rourke đã để lại một tin nhắn rõ ràng, cậu ta không thấy ai gọi lại. Cuối cùng, cậu ta gọi cho số đầu tiên vào lúc 7 giờ sáng và gặp được anh chàng da đen. Ngài Vick Barnes.
“Tên nó là Vick, V-I-C-K”, Rourke nói. “Anh có thấy bọn nó đổi tên đều không? Tên Victor, nó cắt ngắn đi thì phải thành Vic chứ, đúng không? V-I-C. Thế thì nó lấy chữ K ở đâu ra? Hay là tên Sean. S-E-A-N. Người ta đánh vần như thế cả 500 năm nay. Thế mà chúng nó thì phải đánh vần ra là S-H-A-W-N. Cứ làm như chúng nó có quyền đặt tên lắm ấy”.
“Thế người da đen đó nói gì?”
“Nó nói lắm thứ lắm. Đầu tiên thì nó cáu em vì em đã đánh thức nó dậy, sau rồi nó bảo là nó đã nói hết chuyện này với cảnh sát rồi và nó chả tin là nó đâm ai cả. Xong rồi nó dập máy”.
Rourke nói cậu ta biết mình chả nên gọi lại; nói chuyện với thằng kia sẽ chả đi đến đâu. Thay vì thế, cậu ta đã đến cái club Jacks Shady Corner, chỗ mà thằng Vick này làm DJ, mà chắc chắn là còn bán ma túy nữa. Thằng DJ nào mà chẳng thế. Nếu không nó lấy đâu ra tiền tậu con BMW mới? Nhưng Rourke cũng phải thừa nhận rằng cái thằng Vick này chuyên nghiệp phết; nó có một giọng trầm rất mượt, lại biết chơi nhạc. Rourke đã uống vài chai bia và xem bọn nó nhảy nhót, sau đó thì đi tìm cái xe.
Cái xe không có trong bãi đỗ. Rourke đã tìm quanh và thấy nó đậu phía sau club, một chỗ kín đáo để nó không bị bọn say đâm vào. Tối nay, Rourke sẽ quay lại cho ngài Vick Barnes nếm quả đắng, và cho nó biết thế nào là lễ độ.
“Đừng”, Gold nói. “Người ta sẽ đoán ngay ra cậu”.
“Thì cứ để cho chúng nó chứng minh đi”.
Gold đã hiểu từ đầu câu chuyện này sẽ đưa anh đến đâu, ngay cả nếu Rourke không hiểu. Khi anh nói “Để anh làm cho”, anh cảm thấy như anh đang đọc những lời này từ một kịch bản có sẵn.
“Không cần đâu, Brian. Em sẽ làm”.
“Chờ anh chút”, Gold đặt ống nghe xuống và giải quyết việc với một bà già muốn thuê cuốn phim THE SOUND OF MUSIC. Rồi anh cầm ống nghe lên. “Chắc chắn chúng nó sẽ bắt cậu”.
“Nhưng em không thể để cái thằng chó này chơi em như thế rồi lại nhởn nhơ như không có gì. Để thế thì rồi đứa nào ở cái thành phố này cũng có thể chơi em được”.
“Anh nói rồi, để anh làm. Nhưng không phải tối nay; tối nay ở trường Anna có thi tài năng. Để thứ Năm đi”.
“Anh có chắc không, Brian?”
“Anh đã nói là anh sẽ làm. Anh đã nói thế, đúng không?”
“Thôi được, nếu anh muốn thế. Đừng nghĩ là anh phải làm việc này vì em”.
Rourke ghé vào cửa hàng vào chiều thứ Năm cùng với các chỉ dẫn và dụng cụ: hai ga-lông sơn đỏ Olympic để đổ lên xe của nó, một cái dao săn để rạch lốp và rạch lên sơn xe nó, một cái xà-beng để đập vỡ kính xe. Gold phải hết sức cẩn thận. Anh cần phải làm nhanh; anh phải để xe anh vẫn nổ máy và hướng ra một lối thoát không bị chắn. Nếu như vì bất cứ lí do gì mà mọi việc trông có vẻ không ổn thì anh phải chuồn ngay.
Họ bỏ đồ nghề vào cốp xe của Gold.
“Thế cậu sẽ ở đâu?”, Gold hỏi.
“Quán Chez Nicole. Người có phong cách thì phải đến đấy chứ”.
“Lần trước anh ăn món cá tẩm bột khá ngon ở đấy”.
“Em thì chỉ thích sườn thôi. Sườn tái. Phải nếm máu, Brian ạ”.
Gold nhìn Rourke lái xe đi. Hôm nay trời ấm, ngày ấm thứ ba liên tiếp. Tuyết từ tuần trước đã chuyển sang màu xám và đã để lộ ra những chai bia và phân chó trên đường. Những cái cống ngập rác thải; mặt trời chiếu lên những vỉa hè ướt át và những mảnh chai trước cửa quán pizza Domino đã bị đóng cửa bất thình lình cách đây ba tuần. Đèn phanh của Rourke đột ngột lóe sáng. Cậu ta dừng lại rồi lùi xe. Gold chờ trong lúc Rourke bấm cửa kính xe hạ xuống.
“Brian, anh cẩn thận nhé”.
“Cậu biết anh rồi đấy”.
“Đừng để bị bắt. Anh tuyệt đối phải tránh chuyện này”.
Gold lái xe tới club lúc 11 rưỡi đêm với ý nghĩ sẽ chẳng có mấy người qua lại vào giờ đó của một ngày trong tuần. Những người thỉnh thoảng mới đi uống rượu hẳn đã phải về nhà; còn bọn sâu rượu thì chắc là ở đâu đó bên trong quán để chuẩn bị nhậu thâu đêm. Khoảng hơn chục chiếc xe đậu rải rác trong bãi. Gold lùi xe vào một chỗ đỗ ở xa nhất về phía sau tòa nhà. Anh tắt máy và nhìn quanh, rồi mở cốp xe, lấy cái xà beng ra và lần vào trong chỗ tối ở phía sau tòa nhà. Chiếc BMW đang đậu ở đúng chỗ mà Rourke đã mô tả; trong một lối vào ngắn nằm giữa một đường ngách và những thùng rác.
Gold không có ý định dùng đến mấy thùng sơn hay con dao. Rourke chỉ bị xước xe, không có lí gì lại đi phá hỏng xe của một người khác. Chỉ cần làm xước xe anh ta thì coi như hai bên đã hòa nhau, nợ nần thế là sòng phẳng. Nếu Rourke muốn làm hơn thì cậu ta phải tự đi mà làm.
Gold đi quanh chiếc xe – quả là một cỗ máy đẹp, một chiếc 328 đen lấp lánh với những cái bánh đặc biệt mà dân găng-tơ có thể giết nhau vì ghen tị. Cái chỗ bán xe mà Gold hay đùa chiếc Toyota của anh tới sửa cũng có một khu bán BMW và anh thường ghé thăm showroom của họ trong lúc chờ đợi. Anh thích mở và đóng cửa, rồi vào ngồi trong những chiếc ghế da, kéo cần số, so sánh các thiết bị trong xe và giá cả. Nếu đầy đủ mọi thứ, cái xe này sẽ có giá 40 ngàn. Gold không thể tưởng tượng là Mr.Vick Barnes lại có đủ điều kiện vay ngân hàng mà trả cho cái xe này nếu chỉ có lương DJ, chắc hẳn anh ta đã trả tiền mặt. Rourke đã đúng. Hẳn là anh ta buôn ma túy.
Gold ước lượng sức nặng của thanh xà beng. Anh cảm thấy tiếng nhạc kích động xuyên qua tường club; anh nghe thấy giọng người đang hát – chả thể nào gọi đấy là hát – anh ta đang gào thét những câu nguyền rủa và ca thán. Đời lạ thật. Một thằng bán ma túy cho đồng loại của mình, phá hoại khu phố của mình, biến con cái người khác thành gái mại dâm và kẻ cắp, thế mà người ta lại được coi là một quý ông. Lại thành ra một người có tiền và được trọng vọng. Thế còn cái người chăm chỉ kinh doanh lương thiện, cái người mang lại những thứ tử tế cho cộng đồng thì lại bị coi là đồ Do Thái hút máu. Lại bị gọi là Mr. Gold. Anh đập đập cái xà beng vào lòng bàn tay. Ờ, có thể là rồi cũng sẽ cần đến con dao nữa. Cả mấy thùng sơn. Cái thùng sơn sẽ có ích đây.
Một người đàn bà cười lớn trong bãi đậu xe và một người đàn ông trả lời bằng một giọng trầm. Gold nấp sau thùng rác chờ cho đến khi đèn xe của họ đâm xuyên qua bóng tối rồi biến mất. Tay anh nắm chặt thanh xà beng. Anh có thể cảm thấy sự giận dữ của mình; anh không tin tưởng nó lắm. Chỉ có bọn ngốc mới hành động trong lúc giận dữ. Không, anh sẽ chỉ làm những gì công bằng và không làm gì hơn.
Gold bước sang phía ghế lái của chiếc BMW. Anh cầm thanh xà beng bằng cả hai tay rồi chạm vào đường cong trên cánh cửa xe ngang với cái vành đuôi xe, chỗ mà xe của Rourke hẳn đã bị đâm vào. Anh chỉnh lai tư thế đứng. Anh lại chạm vào cửa xe, rồi giơ thanh xà beng lên như một cây gậy bóng chày và quật nó bằng tất cả sức lực. Ngay khi thanh cà beng vượt quá điểm mà anh có thể thu nó lại, Brian nhận ra anh đã hoàn toàn phản bội bản thân. Cú quật sốc ngược lại cánh tay anh. Anh thả rơi thanh xà beng ở đó.
Ba tiếng sau, Victor Emmanuel Barnes tìm thấy cây xà beng. Anh ta quỳ xuống và lấy tay lần theo vết móp trên cửa xe; những vụn sơn xe cong lên, rơi lả tả dưới ngón tay anh ta. Victor biết đích xác ai đã gây ra chuyện này. Anh ta nhặt cái xà beng lên, ném nó vào ghế bên cạnh và lái thẳng tới căn hộ mà Devereaux sống. Trong lúc phóng xe qua các đường phố vắng người, anh ta hộc lên và đập tay vào thành xe. Anh ta phanh két xe lại, vớ lấy thanh xà beng rồi chạy lên gác tới cửa nhà Deveraux. Anh ta đập cửa bằng nắm đấm. “Tao đã bảo mày là tuần sau cơ mà, đồ chó. Tao đã bảo mày là tuần sau”. Anh ta nghe có tiếng người nhưng không ai ra mở cửa; anh ta chửi rồi bắt đầu phá cửa bằng cái xà beng. Cái cửa chằn lên rồi mở toang ra và Barnes lảo đảo đi vào, vừa đi vừa gọi tên Devereaux.
Nhưng Deveraux không có nhà. Thằng cháu 16 tuổi của anh ta, Marcel, đang ngủ trên sô-pha sau khi giúp cô con gái nhỏ của Deveraux viết bài luận. Cậu ta đứng đối diện với cửa khi Barnes đang cậy nó bằng xà beng; dì, mấy đứa em họ, và bà cậu ta túm tụm phía sau lưng cậu ta ở cuối hành lang, run rẩy nép vào nhau. Khi Barnes loạng choạng lao vào nhà, Marcel cố gắng đẩy anh ta ra. Họ giằng co. Barnes đẩy Marcel ra và vung cây xà beng – nó đập vào thái dương Marcel. Mắt thằng bé giãn ra; miệng mở to. Nó khuỵu xuống và đổ sấp xuống sàn. Barnes nhìn Marcel, rồi nhìn bà già đang chạy lại phía thằng bé. “Ôi Chúa”, anh ta nói, rồi đánh rơi cái xà beng và bỏ chạy xuống cầu thang, ra ô tô. Anh ta lái xe tới nhà bà ngoại anh ta và kể lại sự việc; bà ngoại anh ta ôm cháu trong lòng, đung đưa, rồi khóc và cầu nguyện. Sau đó bà gọi cho cảnh sát.
Cái chết của Marcel được đưa lên bản tin sáng. Cứ mỗi nửa giờ, người ta lại chạy lại câu chuyện cùng với ảnh của cả Marcel và Barnes. Ảnh của Barnes chụp anh ta đang bị dúi vào một chiếc xe cảnh sát, còn ảnh của Marcel chụp cậu bé đứng trước quầy triển lãm của cậu ta tại Hội chợ khoa học toàn hạt. Cậu bé là một sinh viên ưu tú tại trường trung học Morris Fields, là tình nguyện viên trong chương trình Anh Cả của trường, và là cựu chủ tịch của Hội Thanh Niên Cơ đốc. Không ai biết động cơ vụ tấn công là gì.
Những nhóm quay phim của các đài truyền hình đã theo chân các học sinh từ trong xe buýt tới cổng trường học để phỏng vấn về Marcel và để chụp cận cảnh những sinh viên sốc nhất trước cái chết này. Vào đầu tiết học thứ hai, ông hiệu trưởng trường ra thông báo trên loa phóng thanh của trường rằng trường có các bác sĩ tâm lý sẵn sàng nói chuyện với học sinh nào có nhu cầu. Bất cứ học sinh nào cảm thấy không thể tiếp tục học ngày hôm nay sẽ được phép nghỉ.
Garvey Banks nhìn bạn gái của cậu ta, Tiffany. Cả hai đều không biết Marcel nhưng trời thì đẹp mà ở trường thì toàn những người khóc lóc. Khi cậu ta gật đầu ra hiệu về phía cửa, cô bé đáp lại bằng một cái cười đầy ẩn ý và thu dọn sách vở rồi lấy giấy cho phép nghỉ học từ giáo viên. Garvey đợi một vài phút rồi theo cô bé ra ngoài.
Hai đứa đi bộ tới công viên Bickel rồi ngồi trên một chiếc ghế dài nhìn ra hồ. Hai bà già da trắng đang ném bánh mì cho lũ vịt. Những ngọn cỏ ướt tỏa hơi nước trong ánh mặt trời. Tiffany tựa đầu vào vai Garvey, hát khẽ trong cổ họng. Garvey muốn cảm thấy buồn về chuyện Marcel bị giết chết nhưng thật thích khi trời ấm thế này và lại được ở gần Tiffany.
Một lúc sau, Tiffany ngừng hát. “Được chưa, Gar?”
“Rồi”.
Hai đứa ghé vào cửa hàng cho thuê băng đĩa của Gold và Garvey lấy cuốn băng Bữa sáng ở cửa hàng Tiffany khỏi giá. Hai đứa đã chọn thuê cuốn này lần đầu tiên vì cái tên phim, rồi nó trở thành cuốn phim yêu thích của cả hai. Một ngày nào đó, cả hai sẽ đến sống ở New York và sẽ quen đủ loại người – chắc chắn là như thế.
Mr. Gold chậm rãi viết hóa đơn. Trông chú ấy như bị ốm. Chú ấy đếm tiền trả lại cho Garvey rồi nói “Sao các cháu không đến trường?”
Garvey cảm thấy như bị tra hỏi và quyết định đánh lạc hướng một chút. “Bạn cháu bị giết chết”, thằng bé nói.
“Cháu biết cậu ấy à? Cháu biết Marcel Foley?”
“Vâng; biết từ hồi bé”.
“Cậu ấy là nguời thế nào?”
“Marcel ấy ạ? Cậu ấy là người tuyệt vời nhất. Nếu ai có vấn đề gì, cứ đến hỏi Marcel. Chú biết đấy, kiểu như là có vấn đề với bạn gái hay là gì đó. Hay là có rắc rối ở nhà. Hay là rắc rối với bạn. Marcel có cái kiểu như là… đúng không, Tiff? Kiểu như là cậu ấy biết cách hòa giải mọi người. Cậu ấy rất là hòa nhã và cậu ấy nói chuyện với chú như thể chú rất quan trọng, như thể ai cũng quan trọng. Cậu ấy có thể làm cho mọi người nói chuyện được với nhau, chú hiểu ý cháu không? Kiểu là nói chuyện với nhau và làm lành. Người hòa giải. Marcel là người hòa giải. Và đấy là cái vai tuyệt nhất mà một người có thể làm”.
“Phải rồi”, Mr. Gold nói. “Đúng là như thế”. Chú ấy đặt hai tay lên quầy và cúi đầu.
Garvey nhận ra Mr. Gold đang rất buồn, và cậu đột nhiên cảm thấy thật bất công khi Marcel Foley bị giết chết khi cuộc sống vẫn còn đang ở trước mặt cậu ấy, với tất cả những ngày nắng đẹp bị đánh cắp. Thật là sai trái. Garvey biết mọi chuyện sẽ không dừng lại ở đây. Cậu ta chạm vào vai chú Gold. “Hắn sẽ phải trả giá”, cậu ta nói. “Hắn nhất định sẽ phải trả giá. Chú cứ tin điều đó đi”.