Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Tác giả: Andrea Hirata
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Rainbow Troops
Dịch giả: Dạ Thảo
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 48
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7465 / 462
Cập nhật: 2016-03-15 15:23:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11: Trăng Rằm
ô chỉ còn một cơ hội nữa thôi, và nếu không có tiến triển gì, trường sẽ đóng cửa?” Ông Samadikun thằng thừng đe dọa cô Mus.
Chuyến thanh tra đột xuất và gây mất mặt đó chấm dứt, và ông Samadikun bắt đầu những công việc cần thiết để hoàn tất bản báo cáo.Ông ta cho mời thợ ảnh đến chụp khung cảnh ngôi trường ở mọi góc độ. Mỗi lần chú thợ ảnh chụp tấm nào là Harun cố nhảy vào khung hình cho bằng được. Khi chú thợ ảnh chụp từ phía sau trường, Harun đột nhiên nhô đầu lên trên bậu cửa sổ, ngoác miệng cười để lộ những chiếc răng dài vàng khè. Cậu không hề biết rằng những tấm ảnh này được chụp nhằm mục đích lôi cậu ra khỏi trường và đóng cửa trường; cậu mải lo được lọt vào khung hình càng nhiều càng tốt cơ mà.
Sau khi ảnh được in ra và ông Samadikun đưa cho chúng tôi xem, ai cũng có thể thấy rất rõ là trường chúng tôi đã xiêu vẹo đến mức đáng ngại. Gì chứ nghiêng cỡ tháp Pisa Ý là chắc chắn rồi. Chúng tôi biết rằng với tầm ảnh hưởng của mình, ông Samadikun sẽ gởi bản báo cáo và những tấm ảnh đến nhiều nơi.
Nhưng cô Mus không nao núng. Cô vực dậy tinh thần của chúng tôi, như cô vẫn thường làm, bằng cách trích dẫn một câu kinh Koran.
“Hãy kiên nhẫn,” cô vỗ về. “Sau cơn mưa trời lại sáng mà.”
Mỗi lần cô nói thế, chúng tôi lại tin tưởng hơn rằng cuộc chiến vì một mục tiêu đúng đắn, dù ban đầu có khó khăn đến mấy, rốt cuộc cũng sẽ đạt được thắng lợi. Chỉ cần ít lơi thế thôi, không cần dài dòng, cô Mus đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chúng tôi với lòng quyết tâm chiến đấu vì ngôi trường của mình, dù cho thế nào đi nữa. Bạn à, đó chính là điều người ta gọi là năng lực thu hút quần chúng của nhà lãnh đạo đấy.
Ngay cả khi lo lắng, cô Mus cũng không để chuyện của ông Samadikun khiến mình ngã quỵ. Cô dồn hết tâm trí vào Lintang.
Kể từ khi Lintang điền được hết thông tin vào tờ phiếu năm lớp một, cô Mus đã nghĩ thầm rằng nó là thần đồng. Sau này, hệt như một thợ mài dao, cô Mus tỉ mỉ gọt giũa trí óc của Lintang. Dần dà, dưới bàn tay lành nghề của cô Mus, sự thông minh của đứa học trò miền biển bắt đầu tỏa sáng.
Cả lớp đứa nào cũng ngưỡng mộ Lintang. Trời đất ơi, cái đứa chuyên nhặt vỏ sò ấy mới lanh lợi làm sao. Ngón tay trỏ của nó không ngừng giơ lên ra hiệu rằng nó biết câu trả lời. Đôi mắt sáng ngời của nó ánh lên vẻ thông minh và vầng trán sáng như một bóng đèn. Nó luôn tò mò với mọi thứ, lúc nào cũng nêu thắc mắc. Cô Mus và thầy Harfan thậm chí không biết làm thế nào với nó.
Nó luôn gấp hình nhanh nhất lớp; nó cũng là đứa đọc giỏi nhất. Nhưng tài năng của nó thể hiện rõ ràng nhất là môn toán. Trong lúc chúng tôi vẫn vật lộn với phép cộng số có hàng đơn vị bằng không, thì nó đã thành thạo với phép nhân các số có hàng đơn vị lẻ.
Trong khi chúng tôi chưa kịp quen với tính toán thì nó đã thành thạo chia số thập phân, khai căn và tính lũy thừa – thậm chí nó có thể giải thích rõ ràng những mối tương quan toán tử trong bảng lôgarit. Điểm yếu duy nhất của nó – nếu có thể gọi đó là điểm yếu – là chữ viết của nó như gà bới. Có lẽ chữ viết của nó xấu như vậy là do những ngón tay không di chuyển theo kịp dùng tư duy luôn tuôn ra ào ạt từ đầu nó.
“13 nhân 6, nhân 7, cộng 83, trừ 39!” cô Mus ra bài toán cho cả lớp.
Chúng tôi vội lấy que tính ra, lấy ra 13 que – sáu lần – thế là loay hoay lấy sáu lần như thế làm thành một chồng. Thêm sáu chồng như thế nữa. Chúng tôi đếm từng chồng một để cho ra kết quả của hai lần nhân. Cộng thêm 83 que nữa, rồi lấy đi 39. Trí óc của chúng tôi không đủ tinh nhạy để có thể nghĩ ra được một cách logic rằng lẽ ra chúng tôi nên thực hiện phép trừ trước, 83 – 39. Đi chệch ra khỏi lối tư duy thông thường, dù chỉ một chút, cũng sẽ làm hại đến môn đại số. Chúng tôi phải mất bảy phút mới giải xong bài toán. Rõ ràng phương pháp đó mang lại kết quả những không hiệu quả. Nó thật dài dòng và phiền phức.
Trong khi đó, Lintang, chẳng đụng tới một que tính nào, không hề nghĩ theo cách thông thường. Nó chỉ nhắm mắt lại một lát, và không hơn năm giây sau, nó hét to, “590!”
Lintang không hề nao núng bởi mấy con số khiến chúng tôi phải nát óc – trong khi chúng tôi vật lộn với việc sắp xếp những que tính, chưa tìm ra kết quả phép tính đầu tiên. Tôi thấy bực bội trong lòng nhưng cũng rất kinh ngạc. Đó là ngày đầu tiên học lớp hai.
“Giỏi lắm, Lintang, rất giỏi!” cô Mus khen nó. Cô lại tiếp tục kiểm tra xem Lintang thông minh đến đâu, “18 nhân 14 nhân 23 cộng 11 cộng 14 nhân 16 nhân 7!”
Chúng tôi thấy khoái chí, lúng túng, cầm nắm que vô dụng. Không đầy bảy giây sau, thậm chí không cần viết xuống bất kỳ con số nào, không chút chần chờ hay lưỡng lự, không chớp mắt, Lintang hét vống lên, “651.952!”
“Trăng rằm, Lintang! Câu trả lời của em đẹp như trăng rằm ấy! Vậy mà giờ em mới cho mọi người biết sự thông minh của mình.”
Cô Mus phải cố lắm mới kiềm chế được cơn cười. Cô không được cười lớn – đó là điều cầm kỵ trong tín ngưỡng của cô. Thay vì đó, cô gật đầu ra vẻ đồng tình kiểu như chào, và nhìn Lintang như thể suốt đời mình cô đã đi tìm một đứa học trò như nó.
Chúng tôi, ngược lại, chộn rộn với những thắc mắc sao Lintang lại có thể làm được như thế. Đây là cách làm của nó: “Trước hết học thuộc lòng bảng cửu chương – mà việc này thì đâu phải dễ dàng gì. Bỏ qua các số hàng đơn vị trong phép nhân có hay chữ số đã; nhân số có số hàng đơn vị bằng không bao giờ cũng dễ hơn nhiều. Nhân các số hàng đơn vị sau, và đừng ăn quá nhiều đến nỗi căng cứng cả bụng; ăn nó khiến tai ù và não chậm.”
Câu trả lời của nó thật đơn giản, nhưng nếu ngẫm kỹ bạn sẽ thấy dẫu là nó mới vừa bước chân vào lớp hai song bằng cách phát triển những kỹ năng riêng để có thể tìm ra chỗ khó khăn rồi phân tích và giải quyết khó khăn đó, Lintang đã thể hiện những dấu hiệu của khả năng nhận biết cao. Đó là điều không thể phủ nhận; đằng sau những lời gợi ý buồn cười của nó ẩn chứa lỗi tư duy mang tính logic cao.
Thời gian trôi qua, Lintang sớm nhận thấy mình có năng khiếu về hình học không gian – nó tiến bộ rất nhanh. Nó có thể tưởng tượng ngay được các mặt của một vật thể từ nhiều góc độ khác nhau. Nó có thể giải được những bài toán hóc búa và còn dạy cho chúng tôi cách tính diện tích đa giác bằng cách chia các cạnh theo định lý Euclid. Tôi phải thừa nhận rằng những bài toán như vậy không dễ dàng chút nào.
Lintang không chỉ rất thông minh mà còn rất sáng tạo – sáng tạo đậm chất trí tuệ. Nó nghĩ ra mẹo của riêng mình để ghi nhớ những điều học được. Chẳng hạn, nó tự thiết kế mô hình cơ thể: hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ vận động và hệ giác quan của con người, động vật có xương sống và động vật không xương sống.
Bởi vậy nên nếu chúng tôi hỏi nó con giun đi tiểu thế nào, nó sẽ ngay lập tức giảng giải cái cơ chế hoạt động ấy rất chính xác, có đầu có đũa, chi tiết và cũng rất hóm hỉnh thông minh. Rồi, nhẩn nha như con khỉ đang ngồi bắt chấy, nó giải thích bằng cách chỉ ra sự tương đồng giữa hệ bài tiết của con giun với hệ bài tiết của động vật nguyên sinh thông qua mô hình không bào co bóp rất rắc rối. Nếu không đứa nào chặn ngang, nó sẽ cứ thế say sưa giải thích nào là chức năng của vỏ não, nang Bowman, tủy sống và tiểu thận trong hệ bài tiết của con người. Nhờ vào minh họa của mình, Lintang có thể thành thạo cả hệ thống bài tiết dễ như phát chết một con muỗi căng mọng máu vậy.
Lintang rất hăng hái mỗi khi đến phiên nó trực nhật phòng thầy hiệu trưởng. Vì ở đó nó có cơ hội đọc sách về hình học, địa lý, sinh học, giáo dục công dân, lịch sử, đại số và đủ các loại sách trong tủ sách của thầy Harfan. Với Lintang, cái văn phòng tuềnh toàng xập xệ của thầy hiệu trưởng hệt như một kho vũ khí, và vũ khí ở đây là thông tin – làm dịu đi cơn đói kiến thức triền miên trong nó. Có cả sách bằng tiếng Anh và tiếng Hà Lan nữa. Thầy Harfan nhẫn nại dạy Lintang và thường cho nó mượn sách.
Lintang luôn say mê học hỏi điều mới mẻ. Mỗi mẩu thông tin là một kíp nổ kiến thức có thể thổi tung nó lên bất kỳ lúc nào.
Chuyện tình cờ sau đây xảy ra chính vào ngày pháp sư cá sấu Bodenga cứu nó.
“Kinh Koran đôi lúc đề cập đến những nơi mà các em phải học thuộc lòng địa danh,” cô Mus giảng trong một tiết về lịch sử đạo Hồi, một môn bắt buộc ở cấp tiểu học. Đừng có mơ được lên lớp nếu thi hỏng môn này.
“Chẳng hạn, vùng đất gần nhất bị quân Ba Tư xâm chiếm vào năm….”
“620 Công nguyên! Ba Tư chinh phục đế chế Heraclius và quân phiến loạn Mesopotamia, Sicilia và Palestine cũng lăm le chiếm nơi này. Cả Avar, Slav và Armenia nữa.” Lintang hăm hở cắt ngang lời cô. Cả lớp tròn mắt; cô Mus mỉm cười. Cô gạt cái tôi sang một bên, không bận tâm khi có đứa học trò ngắt lời đột ngột. Vì ngay từ đầu cô đã cố tình tạo ra không khí như thế trong lớp rồi. Điều quan trọng nhất đối với cô là tạo cơ hội cho học trò phát huy tính ham học hỏi và sáng tạo. Sau này chúng tôi nhận ra một điều rằng không phải thầy cô nào cũng làm được như cô Mus của chúng tôi.
“Vùng đất gần nhất đó là…”
“Byzantium! Tên cũ của Constantinople, thành phố huy hoàng của Constantine Đại đế. Bảy năm sau, Byzantium giảnh độc lập, nền độc lập đó được kinh Koran ghi lại nhưng bị những người Ả Rập không theo đạo Hồi phủ nhận. Tại sao ta gọi vùng đất đó là vùng đất gần nhất hả cô? Tại sao họ lại phủ nhận kinh Koran?”
“Bình tĩnh nào, em. Câu trả lời cho câu hỏi của em liên quan đến phần giải thích trong chương Ar-Ruum – đúc kết kiến thức của ít nhất 1.400 năm. Ta sẽ học phần này khi các em lên cấp hai.”
“Không, thưa cô. Sáng nay em suýt bị một con cá sấu nuốt vào bụng rồi. Em không đợi được đâu. Xin cô giải thích hết ngay bây giờ luôn đi.”
Chúng tôi hoan hô, và lần đầu tiên chúng tôi hiểu nghĩa của từ adnal ardli, theo nghĩa đen là vùng đất gần nhất, và hiểu theo nghĩa bóng là vùng đất thấp nhất trên thế giới. Vùng đất này chính là Byzantium ở phía Đông của đế chế La Mã. Chúng tôi thấy rất vui, đương nhiên không phải là vì adnal ardli, cũng chẳng phải Byzantium, mà là vì rất ngạc nhiên về tính ham học hỏi của Lintang. Chúng tôi thật may mắn vì đã được chứng kiến bước đột phá trong suy nghĩ của một đứa trẻ. Và hóa ra nếu người ta không ganh ghét một người giỏi giang thì sẽ được người đó khai sáng. Giống như sự ngu dốt, thông minh cũng có tính lây lan.
“Nào, các em, sao cứ để bạn tóc xoắn đến từ miền biển này trả lời hoài vậy chứ?” cô Mus hối thúc.
Hồi đó tôi rất muốn đứng lên trả lời, nhưng cứ chần chừ, ngượng ngùng và thiếu tự tin – thành ra chính vì vậy tôi cứ đưa ra câu trả lời sai. Lintang thường sửa những câu trả lời sai của tôi trên tinh thần tình bạn.
Đêm nào tôi cũng học thật chăm chỉ, nhưng chưa bao giờ tôi được điểm cao hơn Lintang, chưa bao giờ. Điểm tôi cao hơn những đứa khác trong lớp, và luôn dưới Lintang. Tôi luôn ở dưới cái bóng của Lintang. Từ nửa học kỳ đầu tiên năm lớp một, tôi vĩnh viễn chết gí ở vị trí số hai – vị trí đó không bao giờ thay đổi, như với tôi mặt trong luôn hiển lộ hình ảnh người mẹ bồng đứa con trên tay vậy. Đối thủ chính của tôi, kẻ thù số một của tôi, là bạn tôi và là bạn ngồi chung bàn, người mà tôi yêu thương như anh em ruột thịt.
Ông trời không chỉ ban cho Lintang bộ óc thông minh. Ông còn ban cho nó nhiều đức tính tốt nữa. Khi chúng tôi không hiểu bài, nó kiên nhẫn giảng giải và còn động viên chúng tôi. Sự vượt trội của nó không hề đe dọa ai ở xung quanh, sự thông minh của nó không khiến đứa khác phải ganh tị, và dù học giỏi đến thế nhưng nó chưa bao giờ lên mặt hay vênh váo gì cả, dù chỉ một chút. Chúng tôi ngưỡng mộ nó và phục lăn người bạn khiêm tốn đồng thời là đứa học trò thông minh phi thường ấy. Lintang nghèo khó tội nghiệp ấy là viên ngọc và khoáng chất quý giá nhất của lớp chúng tôi. Nó mang lại làn gió tươi mát cho trường chúng tôi, ngôi trường đã lâu rồi không ai thèm ngó ngàng đến. Lintang và lực hấp dẫn toát ra từ nó dần dần trở thành nguồn sinh lực mới mẻ cho chúng tôi. Nó luôn khẳng định được bản thân mình. Nó là câu chú trong những bài thơ gurindam của chúng tôi – một thể thơ có các câu đi theo cặp.
Thế rồi chúng tôi nhận được một thông báo khiến ai nấy đều hồi hộp rộn ràng. Chúng tôi được mời tham dự cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh tại Tanjong Pandan. Cuộc thi được tổ chức hằng năm – rất uy tín.
Lần tham gia trước cách đây lâu lắm rồi. Và lần ấy chỉ khiến người ta coi khinh trường chúng tôi thêm thôi. Chúng tôi luôn thất bại thảm hại. Do vậy, để tránh bị xấu hổ, chúng tôi quyết định không thi thố gì nữa.
Giờ thì khác, Lintang sẽ có thể thay đổi điều đó. Cho dù đối thủ của chúng tôi đến từ trường PN hay bất kỳ trường công nào, dù thông minh đến cỡ nào và thậm chí đã giành được giải quốc gia đi nữa, Lintang vẫn khiến chúng tôi thấy rất tự tin. Liệu nó có thể thắng những đứa đó không nhỉ? Liệu cái cơ thể còm nhom ấy có đủ sức gồng mình chống đỡ cho ngôi trường đang chực sụp của chúng tôi – ngôi trường thậm chí vào năm tới chưa chắc đã có đứa học sinh nào chịu đến học?
Lintang chỉ còn biết lao đầu vào học. Kết quả là, bảng điểm giữa kỳ I lớp năm của nó thật sáng chói. Tôn giáo học, Kinh Koran, Luật Hồi giáo, Lịch sử Hồi giáo, Địa lý, cả tiếng Anh đều được điểm chín. Toán và những môn học khác – Hình học và Khoa học tự nhiên – đều được cô Mus không ngần ngại ghi điểm mười.
Điểm thấp nhất trong bảng diểm của Lintang là sáu – môn Nghệ thuật. Dù cố đến mấy, dù có huy động toàn bộ trí thông minh, nó cũng không thể có nổi điểm tám – thậm chí điểm bảy – vì nó không thể địch nổi cái đứa lập dị gầy giơ xương và có khuôn mặt đẹp trai ngồi tít trong góc lớp kia được. Cái đứa hay hay ấy là bạn cùng bàn với Trapani. Nó lúc nào cũng được điểm tám môn Nghệ thuật. Đó là Mahar – đứa luôn khoác trên mặt nụ cười tinh quái.
Chiến Binh Cầu Vồng Chiến Binh Cầu Vồng - Andrea Hirata Chiến Binh Cầu Vồng