Nếu mặt biển mãi mãi bình lặng, chắc chắn những thủy thủ tài ba sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời.

Ngạn ngữ Anh

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ôi sinh ra ở đây, ông cụ nói, trong cái hẻm mà giờ đây rạp chiếu bóng đã biến mất, những cửa hàng cũ đã lần lượt đóng cửa và chỉ còn kỷ niệm duy nhất là mùi nước tiểu. Nhưng tất cả sẽ sớm được dọn sạch thôi: người ta sẽ bán đồ trang sức, bán bánh hamburger. Tôi thì sẽ không còn ở đây nữa, dù sao tôi cũng ốm yếu rồi. Chúng ta hiểu nhau mà, phải thế không?”
Tôi lúng búng nói vâng mà không hề hiểu ông muốn nói gì.
“Khi thấy cậu đến đây, tôi đã có một giây phút sợ hãi trong khi suốt đời mình hiếm khi tôi có cảm giác ấy. Tôi đã trải qua mọi chuyện, có cả những chuyện mà người ta không muốn kể lại, nhưng tôi chưa bao giờ đối diện với một bóng ma, xuyên qua thời gian để đòi nợ. Cậu có cái dáng vẻ vô định ấy, cái vẻ bất an và cái niềm tin ấy - và cậu nhìn về phía hẻm Éden như thể đang tìm kiếm một điều gì đó. Còn tôi Nguyễn Văn Khiêm, tôi biết cậu tìm kiếm điều gì. Việc ấy khiến tôi run rẩy, nhưng tôi đã biết là đến một lúc nào đó tôi sẽ phải tiết lộ điều đó. Thời điểm ấy là bây giờ đây: thế đấy.
“Nhưng trước khi cho cậu biết tại sao, tôi phải cho cậu biết tôi là ai. Bố tôi đã kiên trì bắt tôi học tiếng Pháp cho dù ông là người dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Tôi học ở trường Petrus Ký(1) cho đến ngày một cuộc nổi dậy chiếm lĩnh con người tôi: những anh em tốt bụng trả lại những chiếc quần dài bị bắt phải mặc còn tôi, tôi lại quá ngoan ngoãn, tôi muốn giữ lại những chiếc quần cộc, nhìn chung vẫn muốn là một đứa trẻ con. Họ đã cố gắng nài nỉ nhưng tôi vẫn cứng đầu nổi loạn đến nỗi bị chuyển trường: và thế là tôi ở với những người anh em khác, tại trường Taberd(2). Yêu sách cứng nhắc của họ lại có vẻ gì đó đáng khâm phục. Chúng tôi tôn trọng điều ấy. Đó là thời kỳ mà, để kích động tinh thần chống Nhật, người Pháp tưởng là tốt khi đưa vào chương trình giảng dạy trung học những giai đoạn xưa cũ trong lịch sử đất nước chúng tôi để ca ngợi - một cách an toàn, họ nghĩ vậy - niềm tự hào dân tộc và giúp chúng tôi đoàn kết đối mặt với quân xâm lược. Trong chương trình học của chúng tôi, các nhân vật lịch sử song hành với nhau: Vercingétorix(3) và Hai Bà Trưng, Duguesclin(4) và Trần Hưng Đạo, Louis XIV và Lý Thái Tổ. Đương nhiên, bản sắc dân tộc của chúng tôi ngày càng kín đáo hơn khi chúng tôi tiến đến giai đoạn hiện đại và những anh hùng mà người ta vẫn rỉ tai với nhau, tất cả những người ấy đều đã bị cầm tù, đi đày, bị quân Pháp ám sát. Bố tôi cùng quê với Phan Bội Châu, cha đẻ của chủ nghĩa dân tộc hiện đại. Người ta nói với các cậu về Hồ Chí Minh nhưng người khai sinh ra tất cả, lại chính là ông ấy. Hãy tin tôi đi, người Pháp không nhầm khi truy nã ông ấy bằng mọi giá đâu. Tuy nhiên, số phận của dân tộc tôi sẽ thế nào nếu nghe lời ông? Tôi vẫn còn nhớ lời kêu gọi tuyệt hay của ông: ‘Gà trống kia! Hãy thức dậy và gáy vang! Đừng để một buổi bình minh thức dậy mà không chiến đấu vì tự do của chính mình! Gà trống kia!’ Gà trống Việt chống lại gà trống Gô Loa, phải không? Tôi thi đỗ tú tài năm 1945, tôi vẫn còn nhớ đề bài môn triết học: ‘Bergson và thuyết tiến hóa sáng tạo’. Nó thậm chí còn chẳng có trong chương trình nhưng tôi đã đạt điểm giỏi.”
Một tia hãnh diện thoáng qua mắt ông cụ và tôi cảm thấy thương hại ông.
“Bác được bao nhiêu điểm?
- Mười tám. ‘Bergson và thuyết tiến hóa sáng tạo’! Mà cứ nghĩ xem nó thậm chí còn không có trong chương trình!”
Tôi mím môi gật gù tán dương. Ông cười nhếch mép để kiểm tra xem có đúng là tôi đánh giá cao rồi mới nói tiếp.
“Bố tôi mất do bệnh tim. Mẹ tôi có nghị lực, rất nhiều, nhưng cần phải làm việc, kiếm tiền để nuôi chúng tôi. Bố tôi là một viên chức nhỏ thật thà. Tôi còn nhớ cái câu ông nói với tôi không lâu trước khi mất, lúc mà chúng tôi đã thấy làn da nhăn nhúm trên má ông như một tấm giấy da cũ: ‘Không thỏa hiệp! Không bao giờ!’ Ông có lòng nhiệt huyết của một nhà cách mạng, niềm tin, yêu sách cứng rắn - chứng tỏ những phẩm chất này không chỉ có ở những người nhà Robespierre(5) mà còn có ở ngay trong những con người bình dị: nhưng phải nói rằng những phẩm chất ấy đã bị chôn vùi, bị coi thường, bị chà đạp suốt cả cuộc đời ông mà chỉ đến khi cận kề với cái chết ông mới biểu lộ chúng mạnh mẽ hết sức. Khi ông đột ngột qua đời, chúng tôi chẳng có gì trong tay. ‘Không thỏa hiệp! Không bao giờ!’ Tôi bắt đầu làm việc với người Pháp mà trong lòng cảm thấy hổ thẹn nhưng mẹ và chị tôi còn đói hơn cả nỗi xấu hổ của tôi. Tôi vẫn nhớ bà chủ của mình, vợ một sĩ quan Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa số 11, một người tính khí gắt gỏng thường sai tôi đi chợ và gọi tôi là thằng nhóc da đen: ‘mày hãy bày cách đưa bà chủ đến cửa hàng giày phố Filippini(6),’ rồi bà nói thêm: ‘như trước ấy, Kim (không phải vì bà không nói được tên tôi - Khiêm - mà vì bà chưa thèm thử gọi lần nào), như trước ấy, bởi vì tất cả sẽ trở lại như trước và tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc.’ Tôi cho là bà ta ngốc nghếch, nhưng những người đầu óc trì độn đôi khi lại có trực giác rất kinh khủng và vì vậy khi nhìn thấy nét mệt nhọc đáng thương của tôi, bà còn tìm cách bồi thêm vài câu ác độc. Như trước ấy! Chao ôi, tôi còn nghe thấy những từ này vang vọng khắp những đường phố hoang vắng và ẩm thấp.
“Các cậu, những người Pháp, chắc chắn muốn tin là người ta luyến tiếc các cậu, các cậu mơ về ‘thời thuộc địa tốt đẹp xưa kia’ - mà tôi không giống những người miền Bắc, cười với cậu nhưng lại nói ngược với điều họ nghĩ. Vì tôi nói tiếng Pháp, nên mười năm nay, rất nhiều người Pháp đã tươi cười nói chuyện với tôi và tôi cũng vui vẻ nói chuyện với họ, vì ở đây, rồi các ông già bà lão cũng sẽ nói với cậu như vậy thôi, bao nhiêu năm nay chúng tôi luyến nhớ âm thanh thứ tiếng nước cậu. Đúng vậy, ngôn ngữ nước cậu - chứ không phải ngôn ngữ của các ‘ông Tây bà đầm’- ngôn ngữ của Victor Hugo hay của Jacques Prévert, hoặc Aragon! ngôn ngữ nước cậu, đúng vậy, chứ không phải thói kiêu căng, miệt thị, sự ngu dốt của các cậu! Ngay cả bây giờ, đôi khi tôi vẫn đoán ra thái độ kiêu căng xưa kia. Nó vẫn không thay đổi. Nó chẳng hề biết lắng nghe. Viện cớ chúng tôi phải thận trọng, nó cư xử tàn nhẫn với chúng tôi bằng các yêu sách; viện cớ hiệu quả nó áp đặt các quy tắc cho chúng tôi. Đương nhiên, đất nước tôi khiến tôi phẫn nộ nhưng đó là đất nước của tôi... Dù tôi có ghét bỏ thì những người ngoại quốc vẫn phải kính trọng, họ phải hiểu rõ điều gì đã giúp chúng tôi sống hay khiến chúng tôi chết, điều gì khiến chúng tôi sợ hãi, trước khi đánh giá rằng chúng tôi lười nhác, kiêu ngạo và gọi chúng tôi bằng đủ thứ tên trên trời dưới biển khác.”
Giọng của người đàn ông thấp bé yếu ớt lên cao chót vót và run lên vì một cơn giận dữ đáng cảm động không nhằm vào ai - và dù thế nào cũng không nhằm vào tôi.
“Cậu tha lỗi cho tôi. Cậu làm ơn rót cho tôi chút nước trà.”
Ông đỡ lấy tách trà với bàn tay lập cập. Ông nhấp môi và mở miệng mấp máy môi ba bốn lần. Rồi nhấp môi trong thứ chất lỏng màu đen đắng ngắt.
“Bố cậu đến vào tháng Chín năm 1945, cùng với những người Pháp đầu tiên, những người được gọi là ‘người Pháp mới’ và họ chỉ có thời gian đổ bộ rồi ngược lên phố Catinat đến Nhà thờ lớn. Tháng Mười một năm ấy, một người bạn bảo tôi rằng người Pháp đang kiếm một người trông coi văn phòng, ở hẻm Éden. Công việc là mở cổng sắt vào buổi sáng và buổi tối, làm bảo vệ, làm chân chạy vặt từ văn phòng tới nhà in, rồi việc trà nước cho các khách ghé qua và cho cô Thiệp, thư ký ở đó. Phải biết nói tiếng Pháp, tất nhiên là thế, và là người ‘nhanh nhẹn và kín đáo’ như cậu bạn tôi nói rõ thêm. Tôi không hỏi xem đó là báo gì, tôi có cảm giác đây chỉ là một công việc tạm thời, hoàn toàn không có ý gì đâu. Dù sao cũng có một quy tắc sống như thế này, đừng bao giờ hỏi điều mà bạn không muốn biết, phải thế không?
“Tôi quý bố cậu ngay lập tức. Ông ấy là người Pháp đầu tiên coi tôi là con người chứ không phải thằng nhỏ mà người ta vuốt ve như một con cún dễ thương, hay một thằng bồi mà người ta có thể la mắng om sòm, hay một gã sinh viên cần phải dè chừng vì mái tóc ngắn, điều này biểu lộ rõ ý chí giải phóng vô cùng mạnh mẽ. Ông ấy không mấy khi nói chuyện với tôi, ông ấy cũng không cố gắng - và đó chính là điều mà tôi rất thích, việc ông ấy không gượng ép. Ông ấy lúc nào cũng đôn đáo chạy khắp nơi nhưng những lúc ít ỏi dành cho tôi thì luôn chân thành và không vòng vo. ‘Xin chào,’ đó là lời chào còn nếu ông ấy hỏi xem tôi có khỏe không, thì tức là ông ấy đang chờ tôi trả lời. Chính nhờ ông ấy mà tôi khám phá ra các phép lịch sự của Pháp: cả cách lịch sự không cần thiết để đưa ra yêu cầu một cách lịch lãm. Tôi không học được những chi tiết này từ đám ‘ông Tây bà đầm’. Tôi rất hay quan sát bố cậu mà không để ông ấy biết, những cử chỉ, cách ông giận dữ, cách ông hỏi han. Cái người kia thì không giống vậy. Ông ta tên là Tikhomirov: ông ta biết nói một chút tiếng Việt và không phải một kẻ thực dân tầm thường. Đúng hơn là một người ‘Pháp sống lâu ở châu Á’, sau này một tiểu thuyết gia nổi tiếng nước cậu đã nói vậy (tôi nói với cậu nhé, sống ở cái hẻm này, khi mà mỗi ngày chỉ bán vài ba quyển sách, thì ta có thời gian để đọc tất cả những gì không bán được), tay Hougron nào đó, cậu biết không? một người da trắng nhỏ bé đã hiểu ra mọi điều khi chấp nhận hạ mình. Những người gốc Á, theo ông là những người da trắng thậm chí còn đậm chất Pháp hơn cả những người Pháp ở Pháp nhưng lại không thể trở lại cố hương. Năm tới, khi họ có thể có trong tay trăm nghìn đồng bạc, thì đó vẫn luôn là ngày mai và ngày mai không bao giờ đến. Họ sống trong cái huyễn tưởng rằng nơi đây là ‘nhà của họ’, họ nói với chúng tôi về ‘tâm hồn An Nam’, mà ý niệm về nó chỉ giới hạn ở chị bếp nhà họ. Có thể tôi hơi khắt khe trong chủ đề này - nhưng thời ấy, tôi thấy thế chẳng khác gì cái thể loại đểu cáng vô cảm.
“Thiệp thì là một cô gái buồn cười. Tôi không biết ai đã kiếm đâu ra cô ta, nhưng với cái búi tóc và đôi môi cắn chỉ, cô ta có cái vẻ của một cô gái Việt chỉ suốt ngày đứng trước gương bắt chước bà chủ người Pháp mắm môi và nói năng kiểu càng khó chịu càng tốt. Thậm chí cô ta còn nói với tôi bằng tiếng Pháp khi có mặt những người khác. Phải khi nào chắc chắn không có ai có thể nghe thấy thì cô ta mới nói với tôi bằng tiếng Việt, một thứ tiếng Việt thực sự tồi tệ ‘như người Pháp nói tiếng Việt’. Cô ta khiến tôi cười, nói cho cậu biết nhé, tôi không tài nào xem trọng cô ta được, vậy nên cho dù cô ta có cố gắng đến mấy, tôi cũng không ghét cô ta được.
“Tôi ở hẻm Éden được vài tuần thì nhận được một lá thư. Tôi hủy ngay đi nhưng đã thuộc lòng ngay lập tức. Nội dung như sau:
Ban ám sát Sài Gòn Chợ Lớn
Ngày 12 tháng Mười hai năm 1945
Nguyễn Văn Khiêm,
Bố anh đã phục vụ cho thực dân Pháp và đã chết trước khi bị trừng phạt. Anh tiếp bước ông ta nhưng lòng khoan dung vô hạn sẽ không dành cho anh nếu anh không hoàn lương, anh sẽ bị thủ tiêu theo các cách sau: 1. Bằng dao. 2. Bằng súng. 3. Đầ̀u độc, hay bằng bất kỳ cách nào khác mà một dân tộc nổi giận có thể sử dụng chống lại anh. Vẫn còn một cơ hội để anh không bị cái nhãn nhục nhã Việt gian đeo ở mắt cá chân, đó là làm theo những gì sắp được yêu cầ̀u. Trong khi chờ cơ may này, nó chỉ đến với anh duy nhất một lầ̀n, hãy nghĩ đến cái chết của mình mỗi sáng. Nó sẽ đến với anh sớm hơn anh nghĩ.
“Những lá thư kiểu thế này, có tới hàng trăm người trong chúng tôi nhận được, những vụ ám sát như đã cảnh báo, rất nhiều người đã bị hành quyết trong những tháng ngày ấy. Tóm lại, tôi vẫn chờ đợi ‘lời nhắn’ đã được hứa hẹn với hy vọng và cả e sợ, tự nhủ rằng nếu nó không đến nhanh thì cái chết sẽ đến trước, nhưng tôi ngờ rằng sau lời cảnh báo như vậy, người ta sẽ không đơn giản là chỉ yêu cầu tôi để một gói hàng ở Gia Định, lối vào Lăng Ông. Nó xảy đến rất nhanh, vào một tối nọ, lúc tôi đóng cổng. Khi tôi đi qua rạp chiếu phim, một người đàn ông nắm lấy cánh tay tôi vẻ thân thiện rồi cả hai chúng tôi cùng bước vào rạp. Tôi vẫn nhớ nội dung bộ phim ấy, dù đã quên tên phim: nó kể câu chuyện về một phụ nữ bị biến thành hổ và không thể ngăn mình hủy hoại những người đàn ông mà cô ta yêu thương, do một lời nguyền xưa cũ. Trong khi cô Simon chống chọi với quỷ dữ trong con người mình, tôi đã phải nghe những điều mà mình không hề muốn nghe. Ôi! hãy tin tôi, tôi thà đổi vai còn hơn, nhưng không có cách nào thoát ra được. Vừa theo dõi bộ phim cho đến tận cuối vừa làm những gì phải làm.
“Ngày hôm sau, tôi thức dậy với ý nghĩ rằng đây là ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Cả ngày tôi sống với cảm giác này. Những lời cầu khấn đức Phật Quán Thế Âm, đấng cứu thế, đức Phật nhân từ, vẫn không an ủi tôi được chút nào. Tôi nghĩ lại những từ ngữ trong bức thư ‘bất kỳ cách nào khác mà một dân tộc có thể sử dụng chống lại anh’. Nếu người ta, bởi sự độc ác mà người phương Tây đã sẵn lòng dành cho người da vàng, lại quyết định cài bẫy để thanh toán tôi một cách dã man hơn thì sao? Tôi chưa bao giờ nghi ngờ điều đó vì tôi chưa bao giờ được chọn lựa. Yêu cầu đối với tôi đã rất cụ thể và tình huống mà tôi đang lâm vào cũng chẳng cho tôi lựa chọn nào. Tự do ý chí: hư không; một mắt xích.
“Tối đến. Con hẻm vắng tanh, cô Thụy Anh còn có tên khác là Rosine đóng cửa hiệu may vá và sửa chữa quần áo, còn Trường thì đóng cửa hàng bán đồ quý hiếm, và tôi nghe tiếng người bán sách già đóng cánh cửa gỗ của hiệu sách. Tất cả bỗng nhiên im ắng: nếu là một ngày khác thì có lẽ tôi sẽ ngồi vào ghế, trước cánh cổng đóng kín, một cuốn sách trên tay.
“Nhưng buổi tối hôm đó, không thể nào đọc được. Tôi quan sát từ đầu này đến đầu kia con hẻm. Tất nhiên là tôi chẳng trông thấy ai nhưng tôi biết đang có hàng chục con mắt rình mò tôi và những người lãnh đạo cộng sản miền Nam, Trần Văn Giàu và Nguyễn Bình đích thân theo tôi để xác định xem tôi là một người Việt Nam hay một kẻ phản bội tầm thường. Tôi bị quan sát, bị tìm hiểu, dò xét: không một cử động nào của cơ thể, con tim, tâm hồn tôi có thể thoát được. Tôi thuộc về họ.
“Cái cảm giác mà tôi tưởng chỉ giới hạn trong ngày hôm ấy, cái ngày cuối cùng ấy, ngược lại đã xâm nhập cuộc sống của tôi rồi không rời đi nữa, và thậm chí ngay cả lúc này, khi tôi đang nói chuyện với cậu, tôi vẫn tự hỏi liệu người ta có đang quan sát tôi không và liệu người đàn ông ở rạp chiếu bóng có đến tính sổ tôi vì những gì tôi đã kể cho cậu trong thời gian lâu đến vậy.
“Tôi đã kể với cậu là tôi không thể đọc được gì. Vì vậy tôi làm những gì mà người ta yêu cầu, theo trình tự được yêu cầu: tôi lấy xe đạp và đến Đa Kao, tôi giấu xe trong một con hẻm rồi đi bộ đến chỗ bố cậu và Tikhomirov thuê ở - đến những mét đường cuối cùng, tôi đã hy vọng đó không phải là bố cậu, mà là người kia, nhưng tôi biết nếu đó là bố cậu thì tôi cũng chẳng làm gì được, tôi không thể đi chệch một ly ra khỏi quỹ đạo, tôi phải đưa chính xác cái thông điệp ấy cho ông: ‘Có một tai nạn, ở hẻm Éden: anh cần phải đến đó ngay.’
“Tôi thậm chí không được phép lưỡng lự và ngắc ngứ trong giọng nói, tôi phải giữ được vẻ nhút nhát ngày thường, phải là gã Khiêm mà họ vẫn biết, nhưng lại hoảng hốt, cần họ giúp trước một tình huống mà tôi không hiểu được. Ý nghĩ ấy thật ghê tởm nhưng tôi biết chính xác mình phải làm thế nào - tôi đã nói với cậu rằng tôi là một mắt xích nhưng là một mắt xích thông minh và nhạy bén, một mắt xích có lý trí. À, à đúng thế, người ta chẳng phải ngẫu nhiên đã đích thân chọn tôi! Điều đó cũng không ngăn tôi khỏi cơn run rẩy khi bước lại gần con hẻm, trên phố Paul-Bert, nhẹ nhàng tiến vào giữa hàng cây cao lớn. Chỉ một điều duy nhất đã có thể khiến tôi bị lộ, đó là khoảnh khắc tôi vui mừng khi bà chủ nhà ngồi trước cửa ăn phở (đó là một phụ nữ gốc Bắc) chỉ cho tôi Tikhomirov đang một mình hút thuốc với cốc bia trước mặt. Bia Larue, bia giết người: chưa bao giờ cái khẩu hiệu lại thích hợp đến thế. Cú giật mình của tôi đã phản bội tôi, Tikhomirov nhận thấy bèn yêu cầu tôi nhắc lại cả câu. Tôi nói lại bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Việt, tôi thấy ông ta cáu nhưng không nghi ngờ gì. Nếu cậu ngẫm nghĩ sẽ thấy cái câu đó có rất nhiều chỗ tối nghĩa và ông ta lẽ ra đã có thể hỏi tôi nhiều câu: tai nạn gì, xảy ra buổi tối, lại cần ông ta đến ngay? Tuy nhiên, trong cậu chuyện này, Tikhomirov ở vị trí của ông ta cũng như chính tôi và anh ta đóng vai của mình cũng như tôi đóng vai của tôi, chỉ có chút khác nhau giữa chúng tôi ấy là tôi biết mọi việc còn ông ta thì không. Chúng tôi vẫy một chiếc xích lô đẩy trên phố Paul-Bert và tôi đạp xe theo sau.
“Hẻm Éden ngập chìm trong bóng tối nhưng Tikhomirov không phải là một người nhát gan. Ông ta chẳng hỏi gì tôi. Chúng tôi đi qua rạp chiếu bóng đã tắt đèn và đến cổng tòa báo. Tôi để cánh cổng hé mở, với chút ánh sáng hắt ra từ trong nhà, đủ để nhìn thấy sự hiện diện lờ mờ. Ông ta vừa kịp kéo cánh cổng trước mặt tôi và nói: ‘chuyện gì...’, thì bị tóm lấy, bóp chặt và cắt cổ. Tôi đứng đằng sau, vô cảm, có thể có chút ghê tởm nhưng cũng không hơn nhiều với cảnh cắt tiết gà hay cắt tiết vịt mà tôi vẫn thấy bà tôi làm ngày tôi còn bé. Khi họ buông ông ta ra, có tiếng chạm nhẹ và ông ta đổ xuống chân tôi, tôi đã phải kéo ông ta vào trong, như trong một trận bóng, để dọn đường. Thật là nặng! Họ cười cợt, một tiếng cười bị kìm nén để không khuấy động màn đêm, hai gã da đen thui như người Khmer, hai gã nông dân lạc lõng giữa phố phường, và họ không hiểu tại sao tôi không cười với họ, tôi tin là họ sẽ ghê tởm tôi nếu biết tôi nghĩ gì trong đầu. Cuối cùng họ làm hiệu đi qua trước mặt tôi rồi chuồn mất. Tôi ngần ngừ, tay giữ chìa của chiếc khóa nhưng tôi biết là mình sẽ không quay trở lại, vì thế tôi ném chìa khóa về phía Tikhomirov như thể ông ta có thể bắt được nó. Chiếc chìa khóa nẩy trên vai ông ta rồi rơi xuống nền gạch; thế là hết.
“Hai gã kia thấy sốt ruột nên một gã bèn huých vào lưng tôi. Chỉ khi ra đến phố tôi mới nhận ra rằng chiếc chìa khóa bỏ lại sẽ buộc tội tôi chắc chắn như những dấu vân tay tôi để lại trên cổ Tikhomirov. Nói theo kiểu chính trị thì tốt hơn là những người Pháp nên biết chuyện. Sau vẻ ngoan ngoãn của mỗi cậu bồi, sau vẻ điềm tĩnh của những cu li kéo xe, của mỗi nhân viên kiểu mẫu, sau những lời gọi dạ bảo vâng đều ẩn giấu những kẻ giết người tiềm tàng. Nơi đây không còn là nhà họ nữa.
“Tôi nhận được chỉ thị phải rời thành phố ngay lập tức và xuống Mỹ Tho, tại đó một nhóm người địa phương sẽ phụ trách tôi và chỉ bảo các nhiệm vụ cách mạng cho tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không định hình được cái tình huống có thể diễn ra tại thời điểm ấy: tôi đã nói với cậu rồi đấy, từ buổi sáng hôm ấy tôi sống mà như đã chết. Nhưng khi ra đến phố, cất được gánh nặng trách nhiệm, gánh nặng từ chiếc chìa khóa, và hai gã nông dân đã biến đi giữa phố, tôi lại sống cái cuộc đời thứ hai mà tôi chưa hề chuẩn bị trước: tôi như một người được hóa kiếp, chỉ nhớ láng máng về con người trước đây của mình, ý thức được rằng ký ức đang nhòa dần và phải lao vào cuộc đời mới nhưng lại không thể bỏ chạy, không thể thoát thân, đôi chân tôi như bị dính lại như con chim diệc sa xuống bùn lầy - vẫn sống nhưng bị tước mất bản năng sinh tồn.
“Cả đêm tôi đi loanh quanh, không muốn xa khỏi phố Catinat. Không còn là giờ giới nghiêm, nhưng là một người Việt lang thang một mình, tôi đang mạo hiểm với những nguy cơ phi lý; điều này với tôi cũng chẳng quan trọng, tôi có cảm giác mình đang bồng bềnh giữa hai thế giới, nhưng chẳng thuộc về thế giới nào: chừng nào đêm còn chưa tàn thì tôi còn an toàn.
“Sáng hôm sau, lúc bình minh tôi thấy nhốn nháo trong hẻm và tôi hiểu ra họ đã phát hiện thấy cái xác. Nhiều giờ trôi qua: tôi thấy đám cảnh sát và mật thám di chuyển qua lại, còn tôi, tôi nấp sau một hõm cửa ra vào. Tôi phát hiện ra rằng cuộc đời thứ hai của mình là cuộc đời của loài chuột bọ. Cái tự do thoải mái buổi đêm của tôi đã mất, tôi thấy đau mỏi khắp mình mẩy nhưng vẫn không thể cử động được. Đến gần tối, cuối cùng tôi cũng thấy bố cậu đến. Bố cậu có vẻ mặt tái nhợt và run rẩy. Lúc đó trông ông ấy không khác một đứa trẻ khiến tôi cảm thấy rất gần gũi với nỗi đau của ông ấy. Cậu thấy đấy, trong vụ giết người này, bố cậu và tôi là hai mặt của một tấm huân chương. Đối với người Việt trong cái ủy ban đó, đây là một vụ ám át chính trị mang tính tất yếu; đối với người Pháp, lại là một tội khủng bố. Nhưng nếu xem xét kỹ, thì nạn nhân phải tiếp tay cho kẻ ám sát, trong một liên minh bí mật. Ý nghĩ đó khiến các cậu ghê tởm vì những lý do cao quý; nhưng khi biết mình ở gần đến thế nào với kẻ giết các cậu, tra tấn các cậu, hủy diệt các cậu, biết việc quan sát kẻ đó chính là xem xét chính mình, thì đó quả thật là một ý nghĩ đáng sợ.
“Khi nhận ra bố cậu, tôi lao về phía ông ấy. Một cách để nói là tôi biết tất cả? Tôi ra khỏi chỗ ẩn náu và sang đường. Bố cậu nhìn thấy tôi và thoạt tiên mỉm cười với tôi, vẫn cái nụ cười mỗi sáng, nụ cười khi nhận ra tôi và vui mừng khi gặp tôi, tôi thậm chí tin rằng chẳng cần nhiều lời bố cậu đã nhìn thấy trong tôi cái người mà ông có thể chia sẻ nỗi đau, và rồi nụ cười tắt ngấm, ông ra hiệu bằng tay, không phải một cử chỉ đe dọa mà là cử chỉ nhắc tôi dừng lại, ngăn tôi không lại gần ông. Tôi có cảm giác bố cậu khi ấy đang bên bờ vực của sự trống rỗng, sẵn sàng làm tất cả, ôm lấy tôi, vuốt ve khuôn mặt tôi, nhưng chỉ thể hiện ra bằng một vẻ tê liệt giống hệt tôi. Chúng tôi đối mặt nhau từ hai bên đường, gắn bó với nhau một cách không thể vãn hồi bởi điều vừa xảy ra. Rồi bố cậu bị xô lấn và tất cả hoạt động trở lại, tôi bỏ chạy và bố cậu đuổi theo sau nhưng bố cậu không kêu la, những người qua đường được phen kinh ngạc khi hai bức tượng đột ngột chuyển động và rượt đuổi nhau vì những lý do mà ắt là chẳng ai hay biết. Thật khó mà cắt đuôi được bố cậu như vậy vì tôi phải đoán biết ông phía sau lưng tôi, qua hơi thở của ông, và vì lý do ấy tôi đã chạy rất lâu, giữa đám đông vô tình ấy, chạy đến tận con kênh nước đen sì, xô đẩy những ông già bà lão đang yên vị trước những túp lều tranh xiêu vẹo, bị vấy cả bùn từ lũ trẻ con đang nô giỡn trong những vũng sình, nghe những lời phàn nàn của đám người trầm lặng đang đánh cờ tướng hay cờ đam mà tôi làm bay mất mấy con tốt, tôi chạy cho đến khi không thể chạy được nữa và khi ngoái lại tôi thở như kéo bễ và nằm ngửa ra, chờ bố cậu tóm lấy cổ tôi như tôi đã để người anh em của bố cậu bị siết cổ, chấp nhận cái phần thưởng công bằng này, cũng cần thiết như cái hành vi đã sinh ra nó. Nhưng tôi chẳng nhìn thấy gì - không thấy gì ngoài mặt trăng thờ ơ với mọi chuyện phía trên đầu tôi. Ba ngày sau tôi đã ở Mỹ Tho và bắt đầu một cuộc đời mới.”
Nước trà đã nguội lạnh từ lâu trong tách và chúng tôi thôi không còn gây tò mò cho nhau nữa, ông cụ và tôi ngồi xuống hai chiếc ghế nhỏ. Ông nói chuyện với tôi, mắt nhìn xuống phía đường Đồng Khởi, về phía con sông và xa hơn nữa, chỉ thỉnh thoảng liếc nhìn tôi bằng ánh mắt lo ngại. Còn tôi, liệu tôi có định vồ lấy ông mà giải quyết chẳng biết là những món nợ cũ nào vì cái tội ác xưa cũ nào tôi cũng chẳng hay mà trong đó ông đóng vai trò gì thì chỉ có Chúa mới biết? Môi ông vẫn còn hơi run run và tôi thấy hai hàm răng ông đã vàng khè còn một bàn tay thì bị biến dạng do bệnh viêm khớp: đó là một ông cụ đã mỏi mệt.
“Tôi chỉ quay trở lại hẻm Éden nhiều năm sau đó, khi phố Catinat vẫn chưa đổi tên là đường Đồng Khởi mà vẫn là đường Tự Do. Suốt mấy hôm liền, tôi đi loanh quanh khu đó nhưng không dám vào. Chắc chắn các linh hồn vẫn còn quẩn quanh đâu đó và tôi mong ngóng, từng giây từng phút, nhìn thấy cái gã đội mũ lưỡi trai từng nói chuyện với tôi trong rạp chiếu bóng lao ra hay hai gã nông dân với mấy cái răng bàn cuốc cười cợt trước xác Tikhomirov. Tôi theo dõi từng người ra vào con hẻm. Trên mỗi khuôn mặt tôi đoán được những số phận giống như tôi và nếu ở đó quá lâu, hẳn tôi đã bị choáng ngợp bởi cái nhận thức ấy, sự tích tụ nỗi đau, dòng thác máu đã đổ. Tôi đứng ở đúng cái chỗ mình đã nấp nhiều năm về trước, ngay mé hiên khách sạn Continental, và tôi nhìn những cái bóng mà tất cả chúng ta đều có, đằng sau mỗi người tôi đều nhìn thấy những bóng người làm hiệu với tôi từ quá khứ xa xăm, tôi thấy những người lính chúng tôi trong bộ ka ki xanh lá, tôi thấy những chiếc mũ ca lô đen viền vàng của lính thuộc địa, tôi thấy những bộ quân phục màu trắng của sĩ quan hải quân, tôi thấy những thanh kiếm của lính Nhật, ánh mắt u ám, bí hiểm của những sát thủ Gurkha dưới chiếc mũ rộng vành, những kẻ đáng sợ nhất, vì chúng giết chóc theo lệnh của những người chẳng là gì đối với chúng, không thù oán cá nhân, với sự mê muội lạnh lùng. Tôi thấy mặt trời mọc rồi lặn, những giọt ánh sáng lướt trên hàng me và cái thế giới xưa vẫn ngoan cố cựa quậy dưới những hình bóng của thế giới mới: vẫn có những tên chỉ điểm và những cô gái điếm người Hoa mặc xường xám xẻ cao, những nữ y tá đội mũ ca lô trắng và những cụ già cầm ô, những kẻ ăn mày, những người bán phở rong và thậm chí có cả một viên quan ăn mặc trịnh trọng, lưu lạc đến từ thời xa xưa hơn nữa - và, như thường lệ, có bà cụ già sáng nào cũng tới, đòn gánh trên vai, hai mẹt đầy những trái dừa, dứa và chuối. Chỉ đến lúc hoàng hôn, khi dòng chảy hình ảnh đã tĩnh lại, tôi mới bước vào trong hẻm. Giờ đây người ta để xe đạp và vài chiếc xe máy ở đó, hầu hết các cửa hàng cửa hiệu đều đã đóng cửa. Rạp chiếu bóng không còn nữa nhưng biển hiệu vẫn đó, với áp phích quảng cáo một bộ phim Ấn Độ mà trên đó người ta thấy một vũ nữ đang khoe cái bụng nhỏ nhắn có thể làm phấn khích đàn ông nước chúng tôi và đàn ông ở khắp mọi nơi. Nỗi sợ hãi của tôi biến mất và tôi biết rằng mình sẽ sống cả quãng đời còn lại ở nơi mình đã bắt đầu, nơi mà tôi đã gặp những điều quan trọng: điều lạ thường ở những người khác, nỗi sợ chết.
“Đó là thời mà người ta có thể tìm được cả thư viện chỉ với vài đô la - có cả những chiếc xe cút kít chất đầy sách gần như cho không. Cùng với sự ra đi của người Pháp, cả thành phố thảy ra hết những giấy tờ cũ kỹ mà chúng tôi hoàn toàn dửng dưng trước chúng. Người ta không thù địch, chỉ lấy làm trò đùa: chúng quá cũ để làm giấy chùi đít, mà chúng tôi lại không có đủ độ hiếu kỳ về quá khứ để lấy làm đồ trang trí trong phòng. Chỉ có một người sống sót kiểu như tôi thì mới thu thập lại, lén lút gom góp, giấu giếm những kho báu ở khắp các ngóc ngách thành phố, những cuốn sách đóng, những tấm bản đồ cũ của tôi; miễn là cẩn thận, người ta có thể mua bán tất cả mọi thứ, với điều kiện là làm một vài dịch vụ và chịu cúi đầu.
“Dần dần, những cuốn sách rời đi và nỗi sợ của tôi cũng tan biến theo: cậu thấy đấy, tôi hầu như chẳng còn lại gì, và gần như cũng chẳng còn sợ gì nữa. Có chăng tôi chỉ còn giấu vài cuốn sách: tôi thích bỏ từng quyển một ra bán. Nội trong ngày hôm đó, cuốn sách được bán, giá nào cũng bán; tôi thường khuyến mại cho người mua may mắn, cho dù người đó có hỏi hay không, một cuốn Truyện Kiều, cuốn sử thi của nước tôi, và một tấm bản đồ hàng hải. Mọi người thường hay hỏi mua bản đồ Sài Gòn cũ nhưng lại không bao giờ muốn mua những tấm bản đồ phi lý mà chính quyền tuyệt vời nước cậu đã tốn thời gian xây dựng vì những lý do mờ ám thường tình ở con người. Thời đó, chế độ của chúng tôi, bằng thói ma lanh vô hạn để bảo vệ lãnh thổ, chúng tôi giấu đi những tấm bản đồ bình thường nhất, đó là đồ trang trí mà các cậu không thể nào bỏ qua. Sự đa dạng về khí hậu, địa hình, lưu lượng nước, sản lượng gạo, các dân tộc thiểu số, chẳng gì thoát được con mắt của người Pháp, và khi đế chế thuộc địa của các cậu chẳng còn là gì ngoài một kỷ niệm cay đắng, các cậu vẫn tiếp tục xuất bản những tấm bản đồ và những tập atlas tuyệt đẹp, với khổ giấy oái ăm khó sử dụng, những thứ tôn vinh kỷ niệm về những thứ đã không còn nữa, về những thứ có lẽ chỉ còn tồn tại trong trí tưởng tượng của các cậu... Úi chà, một thời ngây thơ của các cậu! Ngay cả khi nó được làm bằng cái giá là dòng máu người dân nước tôi, chúng tôi đã bị mê hoặc bởi những gã mơ mộng đầy đam mê nước cậu, bởi những nhà phiêu lưu kiệt xuất, những linh mục chiến binh, tất cả những con người lưu vong khó hiểu đến từ lục địa của những chàng trai tóc hung. Còn cháu chắt của họ thì xin lỗi! Các cậu đâu có biệt đãi chúng tôi... Những người cuối cùng làm thế, cho dù tôi có hài lòng hay không, là những người mang họ Leclerc, đó là bố cậu và các đồng đội, với đôi mắt tinh nhanh và tâm hồn vụng về, đến đây vì cuộc chiến tranh phi nghĩa với một trái tim chính trực. Cậu chưa nguôi ngoai được phải không? Rót trà cho tôi đi nào.”
Tôi rót trà. Tôi thoáng nghĩ đến nhân vật chính trong tác phẩm của Joseph Conrad, cơn khát dai dẳng của người kể chuyện.
“Thực ra, chúng tôi cũng không. Một lần nữa, đó không phải là sự nuối tiếc của chúng tôi đối với người Pháp - chắc chắn là không. Nhiều người trong số chúng tôi, những người đã gạt được sang một bên tất cả các cuộc chiến (thậm chí ở ngay đây cũng có), cũng không thể tiếc nuối, không hơn việc họ có thể hát ca ngợi chế độ, nơi mà họ chỉ có thể nói chuyện tay đôi, trong cái thân mật của một cơn say túy lúy, khi đã chắc chắn không có gì bị bép xép ra ngoài. Chúng tôi tự áp đặt cho chính mình, cũng giống như các cậu, một sự im lặng len lỏi tận trong từng thớ thịt. Và giờ đây khi hai nước chúng ta đã lại là bè bạn (có nghĩa là nước cậu đều đặn trả những gì mà chúng tôi yêu cầu phải trả và vờ như không thấy cái mà mình thấy rất rõ), sự im lặng lại mang tính thời sự hơn bao giờ hết. Những người duy nhất cười là những cựu chiến binh bởi họ biết thế nào là chiến tranh: những cựu chiến binh nước cậu nhắc lại dấu tích những lần thất trận của họ nhưng theo định hướng của chúng tôi. Họ uống bia cùng nhau, và kể cho nhau nghe về những cú chơi xấu, về những đứa trẻ vật lộn nhau trong các thùng cát, giết thời gian bằng các trò gây gổ, đánh lộn, và năm mươi năm sau mới nhận ra rằng từ hồi ấy họ đã chẳng chia sẻ điều gì mãnh liệt như vậy với bất kỳ người đàn ông nào khác...
“Nhưng còn những người khác, phần của họ ở đâu? Cái phần im lặng ấy. Không phải người ta muốn nghe quan điểm của họ mà đơn giản là người ta chỉ muốn nghe âm thanh giọng nói của họ, đường nét những vết thương sâu kín trong họ, câu chuyện về những cuộc đời nhỏ bé đã bị lịch sử xáo trộn của họ, loại người này ra khỏi bên này, loại người kia ra khỏi bên kia, tặng cho người này tấm huân chương cùng những chuyến đi nghỉ ở Bắc Kinh, gửi người này đi Pháp, người kia đi Phần Lan hoặc Úc, hoặc cái người khác đó vẫn ở lại đây, có thể do lựa chọn, có thể do tình cờ hoặc do kém cỏi. Cậu biết không, một cậu con trai của tôi đang ở Mỹ và nó kiếm được nhiều tiền. Có một thời, vợ chồng tôi cứ mơ ước được sang với nó, chúng tôi đã sẵn sàng vượt biển trên một con thuyền buồm, ngân nga bài thơ Phương xa của Vũ Hoàng Chương: Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan..., cảm nhận sâu sắc đến tận trong xương tủy điều mà nhà thơ đau ốm đã trả lời khi người ta đề nghị chữa chạy cho ông: ‘Tôi đã đốt tất cả nhà cửa, xung quanh tôi chỉ còn những túp lều khốn khổ, thế mà các người còn muốn tôi chữa bệnh hay sao?’, chúng tôi đã sẵn sàng ra đi, đúng thế, như đã sẵn sàng chết. Và rồi một tin mới không thể tin được đã đến với chúng tôi: chúng tôi có quyền được đoàn tụ với nó. Chúng tôi đã ở đó, một lần, đúng vậy, ở cái nước Mỹ mà con tôi đã có được chỗ cho mình và con cái nó thì thấy ngại ngùng trước hai ông bà già không biết nói tiếng Anh mà chỉ nói tiếng Pháp. Chúng tôi đã ở đó và rồi quay trở về, thích được bất hạnh ở đây hơn là hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác. Tôi nhận thấy quanh tôi mọi chuyện biến chuyển rất nhanh, tôi thấy những cô gái trẻ tự tin với jupe ngắn, những cậu nhóc đội mũ lưỡi trai ngược, tôi thấy xe máy thế chỗ cho xe đạp, ô tô thế chỗ cho xe máy, những tòa cao ốc thế chỗ những ngôi nhà, và đôi khi tôi có cảm giác mình là người duy nhất biết được sự trống rỗng ở bên dưới, sự im lặng ồn ào vây quanh chúng tôi. Không hiểu được điều mà tôi đã nói với cậu về hai mặt của tấm huân chương, người ta phải đào bới cái ký ức đau buồn đang trở về ám ảnh, hết thế hệ này đến thế hệ khác, những người cho rằng mình không biết. Có một cách nói của người Pháp mà tôi rất thích: “một xác chết trong tủ”. Biết bao nhiêu xác chết trong bằng ấy cái tủ và mỗi người đi qua đều thờ ơ, bịt mũi, không để ý đến mùi hôi thối. Cho đến bao lâu? Có thể là mãi mãi, dù sao có thể sẽ chẳng có ai để kể lại câu chuyện, có thể là nền độc lập vinh quang của chúng tôi cuối cùng chỉ sinh ra một đứa con quái dị: một dân tộc có màu cờ và làn da giống chúng tôi, nhưng đã đánh mất tâm hồn, tâm hồn đau thương và buồn thảm, tâm hồn bi quan nhưng cuồng nhiệt. Cho tôi uống, hãy cho tôi uống chén trà nguội lạnh có vị đắng rất dễ chịu trong họng tôi, rót cho tôi đi, rót thêm nữa đi. Tôi đã viết thư cho con trai, cậu biết không, đến dịp Tết mà nó cũng chỉ gửi cho tôi một bức thư điện tử. Tôi đã viết cho nó rất dài rằng tôi không muốn mình chết mà không được trở về vùng châu thổ nơi có đất đai của tổ tiên chúng tôi và là nơi nó có thể giúp tôi tìm được một chỗ chôn cất chúng tôi. Một nấm mồ! Tìm lại một nấm mồ! Dù sao đó cũng không phải là một điều gì lớn lao cần bàn đến... Nó còn chưa trả lời tôi; tôi cũng không biết liệu nó có làm không.
“Hãy tin tôi, tôi chuyện trò với cậu không phải vì muốn xưng tội, không phải vì việc tôi tham gia vào một tội ác cứ đè nặng lên tôi: cảm giác tội lỗi khiến các cậu bận tâm lại xa lạ đối với tôi. Nói đơn giản hơn thì tôi nhắc lại với cậu rằng tôi tin vào những bóng ma và cậu là một trong số những bóng ma đó. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ: tôi tin là chúng ta có điều gì đó cần chia sẻ, cho dù đó không phải là điều mà cậu đến tìm kiếm ở đây, cho dù điều ấy chẳng khiến ai quan tâm, cho dù vài phút nữa cậu sẽ biến đi và chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Tất nhiên, sự trống rỗng của cái chết ở trong tôi đang lớn dần lên và tôi có thể nhìn thấy mắt mình lộn ngược rồi tan biến đi, vậy nên có thể điều đó đã khiến tôi nói năng trang trọng; xin cậu hãy thứ lỗi. Nhưng tôi không muốn cứ mãi chạy trước bố cậu và cố gắng thoát khỏi ông ấy mà không biết chắc liệu bố cậu có muốn tóm tôi, có thể là bóp cổ tôi hay không. Màn chạy trốn kết thúc bởi vì tôi quyết định như thế, hoặc là do mọi chuyện là như vậy: tôi dừng lại và bố cậu cũng thế. Tôi nghĩ rằng cả hai chúng tôi cũng có thể ngồi quanh ấm trà nguội đắng ngắt và khi sự tĩnh lặng quay trở lại, chuẩn bị để mình đi vào quên lãng.”
Mọi chuyện diễn biến rất nhanh, giống như những cái bóng trên tường: chỉ còn lại ông cụ im lìm ấy với bàn tay run run, tôi thấy rất rõ điều đó, và có thể ông đã chẳng nói chuyện với ai ngoài chính mình, bằng một ngôn ngữ xa lạ mà tôi không thông thạo. Tôi cảm thấy một cơn mệt mỏi trĩu nặng bờ mi: cuối cùng, sau mấy tháng trời mất ngủ với những ảo ảnh kỳ cục, tôi sắp ngủ được rồi. Tôi đã biết được gì về bố? Chẳng có gì to tát. Một vài hình ảnh: hình ảnh về ánh mắt vô tội của ông, hình ảnh về thân xác trơ như tượng của ông chính trên con phố mà hiện tôi đang có mặt. Tôi có cảm giác mơ hồ là lần đầu tiên chạm được tới ông trong một thời khắc thân tình thực sự.
“Rót trà cho tôi đi, lần cuối cùng thôi. Rồi cậu có thể đi.”
Tôi rót trà. Chỉ còn lại một vài giọt chất lỏng màu xanh sẫm gần như đen, mà vị chắc là rất đắng. Ông nhấp đôi môi khô khốc và một nụ cười làm bừng sáng khuôn mặt ông, cuối cùng cũng hướng về phía tôi nhưng ở đó, trong bóng tối, tôi không nhìn rõ mắt ông.
Ông đã đứng dậy và sắp xếp lại những tấm bản đồ cùng những cuốn sách cũ, những tập phô tô đóng thành quyển, những tờ bìa bọc rách nát. Bằng một động tác nhanh gọn ông cho một cuốn sách nhỏ vào túi nilông, cùng loại với những chiếc túi mà người ta đựng chuối xanh hay túm nhãn, rồi đưa cho tôi. Tôi thấy bàn tay già nua của ông lướt qua tay tôi trong tiếng sột soạt của chiếc túi và tôi rời đi.
Tôi đi bộ một mình trên con phố hướng ra sông - thay vì trên con đường sáng đèn tôi lại chọn con đường tối mù, nhưng không kém phần linh lợi của một con thú thèm muốn sự sống. Tôi đi đến quảng trường Rigault-de-Genouilly(7) cũ, nơi có một Trần Hưng Đạo khổng lồ đẩy lùi quân xâm lược phương Bắc vĩnh viễn. Tôi lấy cuốn sách ra khỏi túi và bắt đầu đứng đọc, một mạch, giữa tiếng ồn từ những động cơ tàu cũ kỹ, giữa khi hai đứa trẻ trên cầu tàu nhảy xuống dòng nước đen sì mà chơi té nước cùng nhau, thờ ơ với những chiếc xe con chạy vụt qua như đó chỉ là những con trâu đi chậm rãi, trong ánh hoàng hôn màu tím. Đôi lúc lại có một bóng người dừng lại hỏi xem tôi có muốn đi xích lô không, một thanh niên, một cô gái, một chiếc mũ lưỡi trai, tôi mỉm cười nói không và đặt tay trên ngực. Tôi đọc cuốn Thư Hà Nội của một nhà thơ trẻ tên là Jean Tardieu, nói về sự vô tận của màu xám, màu của đất nước này - nhưng giờ đây tôi cũng đã hiểu được cả điều ấy, ký ức của nhà thơ.
Tôi nghĩ đến màu mắt của bố, ngay trước lúc ra đi, một vẻ ngạc nhiên như trẻ sơ sinh. Đó là màu xám của buổi bình minh nước Việt và màu xám buổi chiều hôm của ông, cái buổi chiều hấp thu tất cả ánh sáng. Chính khi ấy ông thì thầm: “Bố có điều muốn nói...”
Có vẻ như tôi thấy bớt cô đơn hơn với những điều ông muốn nói.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước