Love is the hardest habit to break, and the most difficult to satisfy.

Drew Marrymore

 
 
 
 
 
Tác giả: Sơn Tùng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương I - Thời Thơ Ấu - Phần 10
ng Sắc đưa các con về làng Sen ở, nhưng vẫn để cô Thanh con gái đầu lòng của ông, hằng ngày về làng Chùa săn sóc bà ngoại. Độ vài ngày ông về làng Chùa một lần. Cô Hoàng Thị An đã lấy chồng.
Những ngày đầu về ở ngôi nhà mới, Côn nhớ bà ngoại cồn cào ruột gan. Có những lần, đang đêm Côn thức giấc, đi một mình dưới ánh trăng khuya từ làng Sen sang làng Chùa về với bà ngoại. Cụ đồ An cũng nhớ các cháu đến mất ăn mất ngủ. Nhiều hôm cụ cảm thấy như người mất hồn, để cái gì ở đâu cũng chẳng nhớ nữa. Mà Côn là đứa cháu để lại trong lòng cụ nhiều nỗi nhớ bồi hồi nhất. Lúc giã trầu lại nhớ cháu Côn thường nhai trầu hộ bà. Bưng bát cơm ăn, cụ lại nhớ cháu Côn thường hay gắp tiếp thức ăn lên bát cho bà. Tối tối đau xương, đau mình, cụ càng nhớ cháu Côn ngồi cạnh đấm lưng an ủi bà. Cụ nhớ cả cái tính tinh nghịch của cháu Côn: Côn hay rủ đám trẻ trong xóm đi trêu chó để chúng sủa om sòm, bị người ta đến nhà rầy la bà ngoại.
Một hôm, cụ đồ An đang cho lợn ăn ở vườn sau, nghe tiếng bà hàng xóm nói to đằng trước sân: “Cụ tú ơi cụ tú ơi… cháu nhà bà…”. Bé Khiêm chạy vội ra mách bà về tội em Côn đi trêu chó nhà bên cạnh đang bị người ta đuổi sang tận nhà mắng mỏ. Côn chạy từ ngoài ngõ về, vào nhà bưng cái ghế đẩu của ông ngoại đem tới đặt trước bà hàng xóm mời:
– Cháu mời bà ngồi ghế có tựa lưng mà chửi cho đỡ mỏi chân ạ.
Bà hàng xóm nổi máu tam bành chạy thẳng ra sau vườn xỉa xói bàn tay trước mặt cụ đồ:
– Tui nể cụ… tui nể cụ… không thì… tui cho cậu ấy một trận nên thân trời đất… Con nhà khoa cử, nhà thầy, nhà quan có danh có giá mà nghịch ngợm như quỷ sứ như bầy bò vô học…
Cụ đồ chết lặng đứng! Lần đầu tiên bà bị một người hàng xóm chửi nặng lời, xúc phạm đến nền nếp gia phong, gia giáo… Vừa đau xót về những lời cay độc của bà hàng xóm, cụ vừa giận cháu, định đánh cho mấy roi, nhưng, nhưng bé Côn đã chạy lại ôm chầm lấy bà:
– Bà ơi!… Cháu đã thấy cái tội dại dột của cháu. Xin bà tha lỗi cho cháu! Từ rày trở đi cháu sẽ không còn dại dột như vậy nữa. Cháu cũng xin bà đừng mách với cha cháu, bà nhá…
Cụ đồ nguôi cơn giận. Cụ thấy cháu mình đã nhận thấy lỗi và hứa với bà sẽ sửa lỗi. Chiều, ông Sắc về. Bữa cơm chiều vẫn vui vẻ như thường lệ, cụ đồ ăn cơm ở nhà dưới với con gái Hoàng Thị An và người cháu họ ở giúp việc. Ba cha con ông Sắc ngồi cùng mâm ở nhà trên, nơi cụ tú dành ba gian làm trường học. Bữa cơm gần xong, ông Sắc và miếng cơm cuối cùng, hỏi:
– Hôm nay các con ở nhà học thuộc bài: Lạc dân chi lạc giả, dân diệc lạc kỳ lạc (46), rồi chứ? Có mảng chơi quá không?
Bé Khiêm thưa:
– Dạ, chúng con đều học thuộc bài rồi. Chỉ có em Côn đi trêu chó…
Côn ngừng nhai miếng cơm trong miệng, mặt tái mét.
– Trêu chó thế nào?
– Thưa cha, em Côn đã đầu têu cùng mấy bạn nữa đến ngõ nhà bà Chắt ném mảnh sành vào sân trêu đàn chó săn đang nằm trên sân. Chó sủa dậy cả xóm. Bà Chắt sang nhà ta mắng trước mặt bà ta là “Con nhà khoa cử, nhà thầy, nhà quan mà nghịch ngợm như…”
Khiêm không dám nhắc lại nguyên những lời bà hàng xóm mắng. Ông Sắc để bát đũa xuống mâm. Bé Côn nắm chặt đũa, nhắm mắt lại đợi cái bợp tai của cha sẽ giáng vào má mình. Nhưng nghe tiếng cha thở dài, Côn mở mắt thấy cha lặng lẽ đứng lên, di tới móc áo. Cha khoác lên người cái áo dài đen, đi xuống nhà dưới. Côn, Khiêm đều nhìn theo cha…
Ông Sắc đứng trước cụ đồ, khoanh tay. Cụ đồ cũng đã buông bát đũa đứng dậy. Ông Sắc nói:
– Thưa mẹ, trưa nay, lúc con đi vắng, ở nhà cháu Côn đã gây ra cái việc nhỏ mà tai hại lớn, gia phong ta bị những lời xúc phạm. Con là cha của cháu Côn, con dại cái mang. Con xin lỗi mẹ và trước vong linh cha, trước vong linh nhà con, con chịu cái lỗi: “Phụ bất giáo tử hành tai” (Con làm điều tai hại do cha không dạy bảo).
Cụ đồ giọng xúc động:
– Sau lúc xảy việc, bé Côn đã biết lỗi của mình và có hứa với bà là cháu sẽ không còn nghịch ngợm cái trò trêu chó hàng xóm nữa. Anh đứng phận làm cha, nhận cái lỗi “con dại cái mang”, mẹ đây là bà của nó, mẹ cũng có lỗi: “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Ông Sắc trở lại mâm cơm. Bé Côn vẫn ngồi không nhúc nhích. Bé Khiêm nhìn em đầy ái ngại và tự trách đã lỡ mách cha… Ông Sắc nghiêm giọng:
– Côn!
– Dạ… thưa cha!
– Từ ngày mai, mỗi bữa con bớt ăn một bát cơm. Cơm nước xong con quảy sọt đi lặt phân bò, chiều về tắm rửa xong, con vào án thư viết hai chữ Nhân Cách, khổ chữ hàng tám, đủ năm mươi trang giấy rộng nộp cho cha rồi mới ăn cơm tối. Con làm những việc ấy trong bảy ngày.
Vâng lời cha, Côn đã làm đầy đủ những việc ấy một cách vui vẻ.
o0o
Quan Phó bảng Sắc mở trường dạy học. Người ở các huyện dọc sông Lam đến xin cho con học rất đông, nhưng quan Phó bảng chỉ nhận dạy một số ít, ông dành một phần thời giờ để đàm đạo văn chương, thời cuộc với Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý. Nhất là từ sau chuyến đi Yên Thế tiếp xúc với Hoàng Hoa Thám trở về Phan Bội Châu thường gặp gỡ quan Phó bảng Sắc, quan đốc học Đặng Nguyên Cẩn, quan nghè Ngô Đức Kế, các ông Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá, Tôn Gia Nhuần…. cùng nhau lo việc đại nghĩa. Nhưng quan Phó bảng Sắc cho là thời vận chưa phải lúc… ông cũng khước từ cả việc triều đình Huế gọi vào kinh đô nhận chức. Ông lấy lý do phải ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Đô Sát Viện đã tư giấy về cho tổng đốc Nghệ An xem xét lại thái độ Phó bảng Sắc đối với triều đình, vì theo bản tự khai gia cảnh trong hồ sơ thí sinh thì Nguyễn Sinh Huy tức Sắc mồ côi cha mẹ từ lúc còn nhỏ. Nay triều đình bổ nhiệm đi làm quan lại vịn cớ có mẹ già?
Quan tổng đốc Đào Tấn biết rõ gia cảnh của quan Phó bảng Sắc đã làm tờ trình về triều đình Huế. Ông đề cao quan Phó bảng Sắc là một người có đức sáng, vợ chết đã thay vợ chăm sóc tuổi già của mẹ vợ. Bà mẹ vợ và bên nội, bên ngoại đã khuyên quan Phó bảng Sắc lấy vợ kế để có người “đỡ túi nâng khăn” vì ông ở cái tuổi chưa tới bốn mươi, nhưng ông từ chối. Triều đình Huế căn cứ ở lời đề đạt của quan tổng đốc Đào Tấn đã vui lòng để quan Phó bảng Sắc ở nhà làm tròn chữ hiếu.
Người con gái đầu, cô Nguyễn Thị Thanh của quan Phó bảng Sắc đã tới tuổi mười tám, ông giao cả việc nhà và chăm sóc bà ngoại cho cô. Ông đưa hai con trai đi thăm bạn bè và viếng cảnh đẹp trong tỉnh. Những nơi hợp cảnh hợp người, ông thường ở lại lâu, vừa dạy học vừa thù tạc với bạn, ngoạn cảnh núi sông, đền đài.
Chuyến đi xa nhà đầu tiên, quan Phó bảng Sắc dẫn hai con ra Diễn Châu thăm một người bạn ở làng Vạn Phần (Võ Tất Đắc) mới từ quan trở về dạy học, và ông đến làng Quỳnh Đôi để tạ ơn ông Hồ Sĩ Tạo, người đã giúp đỡ ông vào học trường Quốc tử giám.
Trên đường từ Vinh ra Phủ Diễn, Côn mang bên nách chiếc tay nải bằng vải tây điều, chân đi dép da bò, bước thoăn thoát theo cha. Nhưng, Côn ham ngắm cảnh hai bên đường, thường tụt lại sau. Bị anh Khiêm mắng, Côn cáu lại anh: “Anh lắm lời quá!”. Ông Sắc quắc mắt, nghiêm giọng:
– Côn! Vì đang ở trên đường, nếu ở nhà thì cha bất con nằm xuống đánh mười roi về tội bất đễ. Anh con có nói sai, xử sự sai với con thì đã có cha phân xử, hoặc con phải nói với anh bằng một thái độ lễ phép. Con không được nói với anh câu nói của con nhà vô giáo dục như vậy.
Ông Ông dừng bước bên sông Cấm:
– Con khoanh tay xin lỗi anh đi con!
Côn đặt chiếc khăn gói trên vai xuống bãi cỏ, khoanh hai tay trước ngực, giọng chân thành:
– Xin anh cả tha lỗi cho em…
Cậu cả Khiêm rơm rớm nước mắt, chạy lại xách tay nải lên:
– Để anh mang đỡ em một đoạn kẻo em mệt đi không kịp cha. Ba cha con Phó bảng lại thủng thẳng bước trên con đường mà sông núi mây trời đẹp như bức gấm thêu.
Đi hết dãy núi Cấm, sang địa phận Diễn Châu, mảnh đất nổi tiếng trong lịch sử với tên gọi Châu Diễn, Côn tần ngần nhìn ngôi đền cổ kính có nhiều tòa từ trên đỉnh núi xuống tận chân núi, sát đường thiên lý. Côn ngạc nhiên hơn khi đứng trên dốc nhìn về phía Tây, đối diện với ngôi đền, dãy núi xa xa rất nhiều hình nhiều vẻ, càng ngắm, núi càng biến hóa những hình ảnh theo sự tưởng tượng của Côn. Hòn lèn gần nhất, nằm ở giữa cánh cổng bát ngát màu xanh, lại y như một con người cụt đầu đứng hiên ngang giữa đời.
Côn nói với cha:
– Thưa cha, con muốn được cha chỉ bảo chúng con về sự tích ngôi đền ni, về tên của các hòn núi kia, trông lạ mắt quá cha ạ. Thấy con ham muốn tìm hiểu về cội nguồn, ông Sắc bước đến bên gốc cây tùng già, giở cơm nắm cho hai con ăn. Dưới bóng cây cổ thụ, ba cha con quan Phó bảng cùng nhìn về phía núi non biêng biếc trải tận chân trời xa. ông kể cho con nghe trọn câu chuyện tình sử Mỵ Châu – Trọng Thủy. Côn ngạc nhiên hỏi cha:
– Thành Cổ Loa ở mãi tận đâu, thưa cha?
– Cha chưa đi tới đó, nhưng cha đọc sách thấy xa… xa lắm, con ạ.
Khiêm lắc đầu, giọng hơi kéo dài:
– Người đời xưa có lẽ họ bịa chuyện chứ nàng Mỵ Châu kiếm đâu cho đủ lông ngỗng mà rải khắp con đường dài ấy cha?
Ông Sắc cười. Côn nói, vẻ thán phục:
– Chuyện My Châu – Trọng Thủy hay tuyệt, tài tình lắm. Con nhận thấy vua nhà Triệu nước Tàu nham hiểm ghê gớm. Chàng Trọng Thủy ngoan ngoãn làm theo mẹo của cha bày đặt. Còn vua nhà Thục nước ta lại trọng chữ tín, thành thật muốn hai nước ở kề nhau có hòa hiếu để dân được sống yên ổn làm ăn. Nhưng vua nước ta lại không đề phòng sự gian giảo, bội ước của vua nhà Triệu. Nàng Mỵ Châu lại ruột để ngoài da. Cha vậy, con vậy thì giữ nước làm sao được? Nhưng câu chuyện lại cho thấy điều đáng trọng không khinh được vua Thục là: Người đã phải tự chém con gái mình và tự xử án mình bằng hành nhảy xuống biển về tội để mất nước chứ không cam chịu nộp mình cho giặc nước.
Quan Phó bảng Sắc hơi sững sờ nhìn hai con, nhìn ngôi đền thờ Thục Phán:
– Con nói đúng. Nước có lúc thịnh, lúc suy. Đó là điều thường thấy trong trời đất. Nhưng con người ta lại phải biết giữ trọn khí tiết. Vua Thục Phán thuộc loại đó. Con hãy để ý về phong cảnh núi non, đền đài. Con vừa hỏi cha về hòn núi kia giống một người cụt đầu. Người ta thường gọi nó là hòn Hai Vai hoặc là núi “Tướng-quân-rơi-đầu” đó con ạ. Còn phía xa xa kia là hòn Trống Thủng. Từ hòn Trống Thủng một dãy núi dài dằng dặc sát chân trời, đó là núi Cờ Rách.
Hai mắt Côn chơm chớp nhìn theo hướng tay chỉ của cha. Khiêm thì ngạc nhiên thất lên:
– Ai tưởng tượng ra đầu tiên hình dáng các hòn núi nớ (ấy) hẳn là mắt tiên, cha nhể?
– Từ lòng người mà suy ngẫm ra… con ạ. Người ta còn gọi vùng núi ấy là Vùng Ba Hòn. Theo chuyện kể từ hồi xửa hồi xưa thì nước ta có giặc từ phương Bắc tràn vào, dân ở khắp miền đất nước ta nhất tề đứng dậy chống giặc giữ nước. Từ vùng Nghệ Tĩnh ni có một vị tướng kéo đại binh ra Bắc đánh dư trăm trận, chẳng may trong một trận giáp chiến con ngựa của ông vấp phải cọc qụy chân trước, bọn giặc xúm lại, ông bị một lát đại đao đi qua cổ, đầu rơi xuống đất. Ông nhoai người ra lấy được đầu lắp lên cổ và phi ngựa mở đường máu chạy trở về. Quân sĩ của ông cũng kéo cờ mở trống về theo. Trên đường về, vị tướng này đã gặp một ông lão tại phía Bắc sông Mã (Thanh Hóa). Vị tướng dừng ngựa hỏi:
– Thưa ông từ xưa đã có người nào bị chặt đầu, lại chắp lên cổ mà sống được không?
– Thưa tướng quân, sống được ạ.
Vị tướng lại thúc ngựa phi về tới Diễn Châu, quân sĩ bủa ra tận vùng Yên Thành. Vị tướng gặp một bà già ở phía Nam sông Bùng liền hỏi:
– Thưa cụ xưa nay có người nào bị chặt đầu, lại tự mình chắp vào cổ mà vẫn sống được không?
Bà cụ lắc đầu:
– Loài quỷ, loài yêu tinh thì mới có thể bị chặt đầu này mọc ra đầu khác, còn loài người thì nếu bị chặt đầu là chết.
Bà cụ vừa nói dứt lời, đầu vị tướng quân rơi xuống đất. Và ông đã hóa thành hòn núi Hai Vai. Ngựa của ông chạy thêm một đoạn lên vùng Yên Thành, hóa núi Mã Phục, tại làng Yên Mã. Trống, cờ cũng hóa thành núi Trống Thủng, núi Cờ Rách…
Nghe cha kể xong câu chuyện, Khiêm vẻ mặt đăm chiêu nghĩ ngợi… Côn mắt vẫn nhìn về hòn lèn Hai Vai, nói:
– Cha ơi! Ước vọng của dân ta thật là đẹp. Tưởng tượng của người ta đến là tuyệt! Phải không cha?
– Con nói đứng. Dáng núi non của quê ta thường thể hiện sự khát vọng của con người.
Một hôm ba cha con quan Phó bảng Sắc đi qua xã Bạch Ngọc, thấy đền Quả Sơn uy nghi hơn cả đền Thục Phán An Dương Vương. Côn lại ngạc nhiên hỏi cha:
– Chắc vị thần ni có công lớn lắm cho nên mới được dân làm đền thờ nguy nga, cha nhể?
– Đền ni thờ một ông quan đời nhà Lý đó con ạ.
– Quan trường mà cũng bắt dân làm đền thờ! Ồ! Tệ quá phải không cha?
– Con nghĩ hơi xốc nổi đó. Trong đám người làm quan có kẻ bất tài, đục khoét nhân dân, lại có người tài cao, đức trọng, làm lợi cho dân, được dân nhớ ơn làm đền thờ phụng. Con nên nhớ đền Quả Sơn ni là nơi thờ quan Lý Nhật Quang. Ngài là con thứ tám của vua Lý Thái Tổ, được phong tước Uy Minh hầu. Năm Tân Ty, vua Lý Thái Tông cử Lý Nhật Quang vào làm quan coi giữ đất Nghệ. Ngài đã có công mở mang bờ cõi dẹp yên giặc phía Tây, phía Nam của đất nước. Chính ngài đã giết chết vua Chiêm là Sạ Đẩu khi Sạ Đẩu đem quân xâm lược nước ta. Nghề nông, nghề tằm tang, dệt lụa, đánh cá, làm muối được sớm thịnh hành khắp xứ Nghệ là do công lao của quan Lý Nhật Quang. Khi nghe tin triều đình vời Lý Nhật Quang trở về Thăng Long, dân Nghệ đã lũ lượt kéo đến tỉnh đường xin quan ở lại tiếp tục chăn dân. Nhưng ngài đã không thể làm khác với lệnh của triều đình được. Trên đường ngài về Thăng Long, bọn nịnh thần đã đón giết vì sợ có ngài tại triều thì chúng sẽ bị vạch mặt… Nhân dân Nghệ An nghe tin dữ ni đã tự ý để tang ngài và lần lượt làm ba mươi hai ngôi đền thờ Uy Minh hầu Lý Nhật Quang…
Nghe xong câu chuyện của cha kể, Côn im lặng một hồi lâu. Côn nói như khoe với cha về điều mình thích thú:
– Bây giờ con mới hiểu ra cái ý nghĩa câu vè mà bà ngoại thường nói vui:
Dân vạn đại, quan nhất thời,
Ghế quan ai ngồi xin chớ thờ ơ.
Thương dân, dân lập đền thờ,
Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương.
Quan Phó bảng vừa cười vừa nói:
– Bà ngoại nói không phải để mua vui đâu mà bà dạy cha, dạy những người có học, có chức trọng quyền cao đó con ạ.
o0o
Quan Phó bảng Sắc đã dẫn con trai đi hầu khắp những nơi nổi tiếng về phong cảnh đẹp, về di tích lịch sử của Nghệ An. Ông lại đưa hai con sang Hà Tĩnh. Hai anh em Khiêm, Côn được cha dẫn về thăm nhà thờ họ Nguyễn Tiên Điền, thăm mộ đại thi hào Nguyễn Du. Côn tần ngần đứng bên cha, bên anh trước mộ Nguyễn Du và chạnh lòng thầm nhớ những câu thơ trong truyện Kiều:
Sè sè nấm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh.
Rằng sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế này?…
Côn hỏi cha:
– Nguyễn Du đã để lại Truyện Kiều mà bà ngoại thuộc mẹ của con thuộc, dì An và bao nhiêu người ở làng ta đều thuộc. Công lao lớn ấy sao dân lại không làm đền thờ ông Nguyễn Du, hả cha?
– Người quê mình không coi công việc làm thơ, làm văn là trọng, con ạ. Thậm chí lại coi những người đàn giỏi hát hay là “đồ xướng ca vô loài”.
– Sao con lại thấy có ngôi đền thờ thằng ăn trộm bị đánh chết, hả cha?
Quan Phó bảng phì cười:
– Cha làm sao giải thích nổi những điều ấy với con được?
Khiêm chau da trán, nhưng đã kìm được, chỉ nói “mát” em:
-Việc đời đã dớ dận mi lại “thông minh” dớ dận nốt.
– Hứ, – Côn lườm anh Khiêm – anh đừng có khinh em là dớ dận. Anh không để ý chứ vừa rồi ta đi qua một cái miếu thờ cả cái tên ăn trộm ăn cướp nữa. Trước cửa miếu có một hàng chữ lớn, đắp nổi: “Đạo tặc tối linh tôn thần”.
Khiêm im lặng. Ba cha con quan Phó bảng như rơi vào khoảng không và trong dòng suy nghĩ của mỗi người hiện lên một câu hỏi lớn về những việc đời…
Trong chuyến đi về Hà Tĩnh, quan Phó bảng Sắc lưu lại huyện Đức Thọ một thời gian. Phần nhiều, cha con ông ở trong nhà ông Phạm Khắc Doãn. Côn đã được dịp nhìn tận mắt những dấu tích tội ác của thực dân Pháp vừa gây ra tại vùng này, là quê hương của Phan Đình Phùng, là đất đứng chân của nghĩa quân Cần Vương trong suốt mười năm ròng.
Một hôm, đám trẻ làng Đông Thái nô nức đến xem dinh thự của Hoàng Cao Khải, phụ chánh đại thần, tước quận công, vừa xây xong.
Giữa làng quê rợp bóng tre cao vút lên những tòa nhà to lớn, bốn phía tường cao bao bọc. Qua cổng vào là một dãy tường hoa. Trước sân, một bể cạn lớn, cây si già hòn non bộ. Ba ông Lã Vọng ngồi thu lu trên các bậc đá. Tuy là từ nơi khác mới đến, Côn vẫn đi ở hàng đầu đám trẻ tới dinh quận công họ Hoàng. Từ ngoài hàng cây đầu làng cột vô số ngựa của các quan ở xa về dự lễ khánh thành dinh cụ quận. Những chiếc xe kéo gọng đồng vàng chóe, những chiếc cáng điều, cáng vóc để san sát trong vườn cây. Trong sân gạch, các quan khách đang ngồi trên những bộ ghế tràng kỷ, ghế bành tượng bằng gu khảm xà cừ, lót nệm gấm, vóc điều. Các quan khách đang hướng cả tâm trí về hòn non bộ. Theo ý muốn của Hoàng Cao Khải, mỗi vị khách tặng cho một bài thơ tứ tuyệt mà hòn non bộ là đề tài. Trong lúc các quan đang say sưa bình thơ, uống rượu vui vẻ đám trẻ làng Đông Thái đứng ngoài tường hoa xô nhau nhốn nháo ngấp ngó vào sân. Côn vẫy tay về phía sau:
– Im nghe bình thơ kìa!
Có tiếng đáp lại:
– Thơ của các quan nỏ hay, nỏ thích.
Mấy tên lính hầu rượu nghe giật mình. Các quan đều nghiêm mặt nhìn ra đám trẻ. Một tên lính toan chạy ra đuổi đánh đám trẻ, nhưng ông Hoàng Cao Khải vẻ cao đạo, rộng lượng của một ông quan đại thần đang ở tại làng, nói:
– Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Chấp chi câu nói của đứa học trò đồng ấu ấy.
Hoàng Cao Khải chống can (47) đi ra. Đám trẻ từ ngoài xa đã ùa chạy. Hoàng Cao Khải dụ dỗ:
– Các cháu đừng sợ. Lại đây ông cho kẹo. Cháu nào lúc nãy chê thơ các quan nếu làm được thơ hay ông sẽ thưởng nhiều thứ đẹp lắm.
Đám trẻ làng Đông Thái vẻ sợ sệt đã lần lần theo Côn, đứng xúm xít trước lối vào sân nhìn Côn, vẻ cầu cứu. Côn nhìn các bạn rồi quay sang nói với Hoàng Cao Khải:
– Ông ơi, ông phải hứa không đánh cháu nếu thơ cháu không vừa ý của ông.
– Ồ! Đời nào ông lại nỡ đánh mắng cháu, dù cho cháu có làm điều chi dại dột.
Côn đọc chậm rãi, mắt đăm chiêu nhìn Hoàng Cao Khải:
Kìa ba ông lão bé con con
Biết có tình gì với nước non.
Hoàng Cao Khải gật gật đầu, đắc ý. Đám quan khách cũng nhìn cả về phía Côn, lắng nghe, vẻ khâm phục. Côn đọc tiếp:
Trương mắt làm chi ngồi mãi đó
Hỏi xem non nước mất hay còn?
Hoàng Cao Khải căng tròn cả hai mắt nhìn Côn. Giọng y hơi rung:
– Thằng bé ni con ai? Con nhà ai hề?
– Con quan Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bên Nghệ An ạ.- Một em nhỏ đáp.
Hoàng Cao Khải cầm cái can không vững, đi trở vào. Y nói lầm bầm:
– Hổ phụ sinh hổ tử…
————-
Chú thích:
(46) Nếu vui niềm vui của dân thì dân cũng vui niềm vui của mình – Sách Mạnh Tử
(47) Gậy
Búp Sen Xanh Búp Sen Xanh - Sơn Tùng Búp Sen Xanh