A good book on your shelf is a friend that turns its back on you and remains a friend.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 273 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
rổ một lối nhỏ ra đường phố lớn, thoạt đầu nó đóng vai một cái ngõ ẩm thực. Nhưng sau quãng hơn chục mét tíu tít các hàng xôi chè, bún, phở, bánh bao, trứng vịt lộn, cảnh tượng thưa vắng dần. Thêm hai ba lần ngoặt quẹo nữa, ngõ nhỏ như đã hóa thân thành một con đường mòn dẫn vào một làng quê. Một làng quê yên ả với những hàng cau trên cao, hàng chuối dưới thấp, dàn trầu leo bám mảng tường đầu hồi, chú gà trống đứng rỉa lông trên bức tường hoa và cái sân gạch cổ đỏ như son ngửa mặt nhìn vòm trời thu im vắng.
Dừng lại ở trước cái cổng đốc mái mọc đầy dương sỉ của căn nhà kiệt cùng trong ngõ, không thể nán lại tí chút để nén bồi hồi, Nhâm liền né mình, cố không để chạm vào cánh cửa bước vào; nhưng anh biết ngay là mình nhầm, tiếng Quyến reo còn nao nức hơn cả anh.
- Anh Nhâm, em biết ngay mà.
- Chào Quyến! Anh chỉ lo em đi vắng.
- Suốt cả sáng nay em máy mắt đấy. Nhưng mà anh đi đâu mà lỉnh kỉnh túi to túi nhỏ thế này.
- Anh đến ở hẳn với em đây.
- Nghe anh hùng quá hỉ!
- Anh đâu có phải kẻ không dám quyết đoán. Cái Thùy Dương con em đi học chưa về à?
- Vâng.
Khe khẽ đáp, Quyến nghiêng nghiêng khuôn mặt trái xoan, nheo nheo hai con mắt ướt lóng lanh, môi thấp thoáng một ánh cười mừng rỡ. Buổi xế chiều, trong ngõ sâu, ắng lặng như chốn vô thanh.
- Anh nghe như có tiếng ai khóc ở trong ngõ, Quyến à.
- Cái Hoàn nó khóc đấy mà anh. Cái Hoàn con ông Thiểng vợ mới mất tháng trước, hôm anh đến đây ăn cơm với em ấy, anh có nhớ không?
Hai cánh cửa đã cài chốt. Chiều thu đã ở bên ngoài. Tất cả đã ở bên ngoài. Căn buồng nhỏ có chiếc giường đôi và chiếc đi văng da, góc buồng đặt cái máy khâu, phương tiện sinh sống của Quyến, đã trở thành một không gian riêng biệt của hai người. Không khí thật đầm ấm, riêng tư. Ngồi xuống đi văng, không thể chờ đợi lâu hơn. Nhâm quay lại, choàng rộng hai cánh tay. Chính Quyến cũng đang muốn ngả vào ngực anh, hôn anh.
- Anh đi những đâu suốt một tháng qua, sao mà lâu thế?
- Có một vụ trọng án ở Quận anh.
- Có phải cái vụ báo chí đang nói tới không? Em đọc báo, nghĩ anh với anh Trừng thế nào cũng phải đảm nhiệm rồi. Biết thế mà em vẫn cứ thấy lo lo. Nhất là cái hôm anh Trừng đi Hưng Yên về, rẽ vào đây tìm không thấy anh. Lại nghe anh ấy nói: Số anh ấy đi lính phải làm nguyên soái, nhưng lại chết trẻ, chứ mệnh không dài.
- Tin làm gì lời anh ấy!
Bấm vai Quyến. Nhâm quay hẳn mặt lại, nhìn vào cặp mắt Quyến, vui vẻ:
- Có câu thành ngữ Pháp ông Tầm có lần đã nói cho anh nghe như thế đấy. Đừng tin vào lời hẹn hò của một gã đàn ông!
- Nhưng mà, nghĩ đến sự bất trắc, chẳng hạn những lần anh hẹn mà không tới, em cứ lo sợ thế nào ấy! Chưa kể những lúc ốm đau, thất thường. Đấy, như vợ chồng ông Thiềng vừa nói đấy.
- Ông bà ấy mới chỉ trên năm mươi, em nhỉ?
- Vâng. Hai ông bà ấy lấy nhau hai mươi nhăm năm rồi mà đi đâu cũng như đôi chim câu. Năm ngoái bà ấy đi Huế thăm con gái. Hẹn nửa tháng. Thế mà chưa đầy tuần bà ấy đã phải bay ra. Vì ông ấy, không ngày nào không gọi điện vào giục ra.
- Chà!
- Anh có tưởng tượng được không? Cứ tưởng như mọi khi, đưa bà ấy từ ngoài sân, nơi bà ấy ngã, vào đến nhà, xoa dầu rồi mà thấy bà ấy cứ xỉu dần, ông ấy gào thét như điên dại, rồi khi bà ấy trút hơi thở cuối cùng, ông ấy chạy ra sân, định đập đầu vào bể nước, chết cùng bà ấy.
- Có thể lắm chứ!
- Còn chuyện này mới hay. Lúc sắp khâm liệm bà, chính ông ấy đòi tự mình thay quần áo cũ, mặc quần áo mới cho bà. Anh có biết xảy ra chuyện gì không? Khi cởi bỏ cái quần con bà đang mặc ra, ông đờ đẫn như kẻ mất hồn. Ngoài năm mươi rồi mà sao bà còn tươi mưởi nõn nà thế! Ơ, anh cười cái gì? Không tin em à?
- Kìa! Có nghe em nói không?
- Em nói gì?
- Anh làm sao thế!
- À, em nói thì anh tin chứ. Quyến này, cho anh yêu nhé!
- Ái, đau tóc em!
Bừng dậy như bốc men say. Nhâm ngả người xuống mặt chiếc đi văng và kéo theo cả thân hình nở nang tuổi hai mươi sáu của Quyến. Ánh chiều tà một ngày thu lọt qua khe cửa hắt lên trần nhà những vòng sáng đồng tâm yếu ớt và bí ẩn. Hiển nhiên là một sự thật mà cả hai vẫn cảm thấy thoáng chút bàng hoàng, xa lạ và ngượng ngập; trong họ cùng lúc trỗi dậy một ham muốn, một nhu cầu tiếp xúc nhục thể, một thèm khát giao hoan.
- Em chỉ sợ anh còn mệt, vì cái vụ điều tra vừa rồi ấy!
- Anh bình thường rồi. Bây giờ còn khỏe hơn là khác.
- Ứ ừ.
- Thế em là của ai?
- Đố anh biết đấy!
- Không được!
- Ái! Lại đau tóc em rồi. À, để em rải cái chiếu trúc xuống mặt thảm nhé. Anh đi vắng, ở nhà em mới mua cái chiếu trúc đẹp lắm.
Chiếc chiếu ghép bằng những mành trúc nhỏ như những đốt ngón tay, vàng óng, đã được trải trên lớp thảm đỏ cạnh chân chiếc đi văng. Trong cái ngưng đọng ngọt ngào của thời gian, trong ánh chiều mờ ảo lúc ngày sắp trôi về điểm tận cùng, là gương mặt kề bên nhau không biết tàn phai của cả hai người, cảm giác đó trước hết là của Nhâm khi anh ghé xuống gương mặt hình trái xoan, trắng hồng, thuần khiết như một khuôn trăng tươi sáng, vồn vã và đam mê của Quyên. Hàng ngàn, hàng vạn những gì đã nhìn thấy sẽ phai mờ hết. Không còn vụ trọng án nào hết. Không còn bất cứ một cảnh tượng chết chóc thê thảm và dấu vết một tội ác man rợ của một tên dã nhân, một kẻ nghiệt súc nào hết. Chỉ còn lại trong đoạn đời hiện tại và thời gian sống tiếp theo của Nhâm là gương mặt này. Chỉ một gương mặt này!
o O o
Chỉ còn lại một gương mặt này sau tất cả những gì đã trải nghiệm, đã kinh tởm, sợ hãi và căm hờn. Chỉ còn lại một gương mặt này, gương mặt Quyến, như biểu tượng của hạnh phúc lớn lao sinh động có thật ở đời này với anh thôi.
Nhâm gặp Quyến trong một ngẫu sự tình cờ. Anh đuổi theo một tên cướp xe máy vào ngõ này. Tên cướp bị bắt. Đồng đội điệu nó đi. Anh ở lại, định cám ơn gia chủ đã dự phần vào công cuộc săn bắt tên gian. Gia chủ là Quyến, một phụ nữ trẻ, sống với một đứa con gái nhỏ tuổi, một gương mặt đẹp nhưng âu sầu. Ngẫu nhiên gặp gỡ dẫn đến một liên kết tự nguyện mang tính ngẫu nhiên và trở thành vô cùng khó hiểu với hệ diễn giải thông thường. Chính Nhâm, ngay bây giờ anh cũng tự hỏi mình, hay là khởi đầu mọi sự từ lúc anh chia tay Quyến, Quyến bỗng nép vào ngực anh, yếu đuối và bé nhỏ, thì thào câu nói này: “Anh hãy che chở mẹ con em"! Và như vậy, những năng lượng mới đã lập tức được đánh thức từ trong anh, một gã công an viên, do nghề nghiệp mà có một sức mạnh hơn người? Để bây giờ thì anh hiểu, dù đi đâu, ở đâu thì cuối cùng linh hồn anh cũng về trú ngụ ở thành phố này, ở cái ngõ này, nơi anh đã gặp Quyến và yêu Quyến bằng cả mối tình đầu, một tình yêu bắt nguồn từ những rung động non tơ, từ sự thức dậy một năng lượng hiệp sĩ cao cả, không đắn đo suy tính hoàn cảnh, cá tính.
- Quyến ơi, em có hiểu anh yêu em đến thế nào không?
Vục mặt xuống khuôn ngực trần của Quyến, Nhâm nhận ra, Quyến vừa đẩy anh lên và môi nàng đã kể sát tai anh:
- Anh ơi, anh có nhớ sau lúc tên cướp bị bắt đi, trời bỗng đổ mưa không?
- Anh nhớ, lúc ấy trời mưa to lắm. Và em phải đưa mượn áo mưa để anh về.
- Anh à.
- Em có mệt không?
- Không. Anh không hiểu em đâu nhỉ? Những lúc lo sợ mất anh em mới hiểu em yêu anh đến như thế nào.
- Anh yêu em hơn những gì anh đã biểu hiện.
- Anh nghỉ đi, không mệt.
- Anh muốn yêu em mãi mãi cơ.
- Anh à, chiều nay em sẽ nấu món ốc om chuối anh ăn nhé. Anh có biết tuần vừa qua các bạn bè anh đến em tìm anh không? Anh Phức, anh Trừ, anh Đường, anh Lâm, anh Phụng, anh Thường... các bạn anh từ hồi học ở phổ thông và đại học ấy. Đông lắm, các anh ấy bảo: Sắp tới, kỷ niệm mười năm ngày tốt nghiệp trung học, sẽ tổ chức họp mặt ở nhà thi sỹ Phức ở Giảng Võ, thế nào anh cũng phải đến đấy!
- Anh nhớ rồi!
- Anh có biết các anh ấy nói gì về anh không?
- Chịu!
- Các anh ấy bảo: Nhâm ta thế mà gan lì gớm!
- Gan lì! A thế thì anh hiểu rồi.
- Các anh ấy hỏi lý do, em bảo: Với em, thời gian chờ đợi bao lâu cũng chẳng ảnh hưởng!
- Quyến nghĩ là anh...
- Không, em đâu có nghi ngờ gì anh.
- Quyến, em định nói gì?
Quyến ngẩng lên, mắt chớp chớp, thẽ thọt:
- Anh! Hôm nay em thấy anh có gì khang khác.
- Khang khác thế nào?
- Vẫn là nhiệt tình và những câu nói nồng nàn dành cho em, nhưng...
Đã thay bộ váy liền áo màu lòng tôm, Quyến xúc ấm, pha trà, tự trách mình vô duyên giờ mới có nước mời anh, rồi đột ngột, quay đi, lặng phắc. Và lát sau đứng dậy đi vào phía đầu giường, lấy chiếc khăn lau mặt. Quay lại, Nhâm hiểu, Quyến rất tinh ý, đã nhận ra nét bất thường trên gương mặt, tâm thái anh, kể từ lúc anh đến với nàng.
Thế đó! Sống với Quyến, anh được hưởng hương vị ngọt ngào say đắm của một phụ nữ bản tính nồng hậu. Quyến là nguồn vui sống chứa chan anh chưa được biết tới. Cả một vùng huyền bí của anh là Quyến, là ái lực của nàng với anh, là tấm thân thiếu phụ thăn lẳn, nở căng lúc nào cũng như sóng cuộn của nàng, là vẻ đẹp thánh thiện của da thịt, là vẻ cao sang, quyền quý của gương mặt và là tâm tình thầm kín của nàng, Quyến khát khao sự hoàn hảo trọn vẹn tận cùng. Và nàng không giấu giếm điều đó, không giấu giếm bản tính nồng nhiệt tận tình và ao ước một đời sống lứa đôi khăng khít. Như lúc này đây, anh vừa quay lại, nàng đã lập tức xối xả trong tiếng nấc nghẹn của cơn xúc động đang dâng tới đỉnh điểm:
- Anh Nhâm! Anh biết em rồi đấy. Em dửng dưng hoàn toàn với tiền, vàng. Có dát vàng vào người cũng chẳng lung lạc được em. Nhưng em có thể chết vì một câu nói, một ánh mắt. Lúc ấy bảo em nhảy vào lửa em cũng nhảy. Thằng cha họa sĩ ấy nó gọi em là Hoàng hậu Pêtécbua. Hoàng hậu Pêtécbua, anh có biết không? Đấy, chính là lần ấy em đã cởi áo để thằng cha ấy ngắm vẽ. Và thằng cha ấy đã dận em xuống bùn nhơ. Em đã bị dính bùn nhơ...
- Quyến! Em nói cái gì thế!
- Anh! Đừng ngắt lời em. Cứ để em nói hết đã. Em xứng đáng là Hoàng hậu Pêtécbua, chứ anh? Em đẹp, em sang trọng, quý phái. Gia tộc em là thế. Ông nội em là ông tuần phủ. Ông có bốn bà vợ. Bố em là con bà cả. Nhà ông ở dãy dọc dãy ngang.
- Quyến, em đừng nói nữa có được không?
- Cứ để em nói, anh. Gia đình em không thuộc loại danh gia vọng tộc thì cũng thuộc hạng có chức sắc và dư giả trong xã hội. Người hầu trong nhà ông nội em mặc toàn tơ lụa. Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Cụ thân sinh ra bố em bất mãn với chính quyền mới ở nhà, chơi cờ, hút thuốc phiện, gạ gẫm đàn bà góa. Ngày thượng thọ chín mươi, cụ mặc áo lụa đỏ, đội mũ nỉ đỏ. Em đứng cùng với ba mươi mốt đứa cháu chắt nội ngoại cạnh cụ. Em đọc thơ chúc mừng cụ xong, đột nhiên cụ ngẩng đầu nhìn quanh, hỏi: “Trong chúng bay, sau này có đứa nào sẽ sống phóng túng như ông"? Rồi nhìn mặt em, cụ nói: Chắc là con Quyến mắt ướt và hay liếm môi này?
Quyến đã dừng lời. Trang tiểu sử của nàng, những éo le nàng đã gặp, giờ đây, Nhâm một lần nữa được biết thật rõ ràng và do vậy anh không khỏi có cảm giác cay chua và sững sờ. Âm thầm, Nhâm hiểu. Quyến đã tự bộc lộ và bây giờ trong im lặng vô ngôn, nàng muốn hỏi anh: Đó, em là thế đấy, một đoạn đời gặp sa sẩy, một quá khứ không đơn giản, một cá tính không thuần nhất, vậy anh cứ việc đắn đo, nghĩ ngợi, trước khi quyết định gắn bó với em đi. Ôi, Quyến của anh. Nàng, người đàn bà trẻ, đa đoan, một thân phận yếu đuối mong manh cầu mong sự che chở của anh, lại cũng là một bản năng mạnh mẽ chứa ở trong mình những mặc cảm cay đắng, một đòi hỏi tự khẳng định!
Cuộc đời anh, cứ nghĩ là nó sẽ rất đơn giản, nhẹ nhõm. Bố anh, một sĩ quan công an, một cuộc đời vẻ vang. Mẹ anh, một bà giáo hiền hậu, thuần lương. Họ như cả triệu con người tốt đẹp, là nền tảng của mọi sự nghiệp tốt đẹp trên trái đất này. Vậy mà nghề nghiệp của anh, đường đời anh đi, lại diễn ra ở trong những mối liên hệ đa tạp và không giản đơn tẹo nào.
- Quyến à! Lát sau, trên chiếc đi văng, ôm người tình trong vòng tay, cố kìm nén cơn xúc động thể hiện bằng nhịp tim đập dồn dập và khóe mắt cay sè, Nhâm áp môi vào má nàng, rưng rưng:
- Đừng giận anh. Mặc cho tất cả những gì đã xảy ra, anh vẫn yêu em vô cùng! Em không có lỗi lầm gì hết! Nhưng, hôm nay anh phải xin lỗi em, vì đúng như em nhận xét, có những lúc anh như một kẻ vô tình.
Ngừng lại trong giây lát, Nhâm đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ ra xa, một lần nữa lại nén chặt nỗi buồn thương từ chuyện Quyến với việc ông Tầm về hưu, khẽ khàng và nghèn nghẹn:
- Em có biết không, ông Tầm, bậc cha chú, thần tượng của bọn anh bị người ta cho về hưu rồi và anh thấy bị hẫng hụt ghê gớm quá!
Bóng Đêm Bóng Đêm - Ma Văn Kháng Bóng Đêm