This will never be a civilized country until we expend more money for books than we do for chewing gum.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Mark Winegardner
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Godfather’S Returns
Dịch giả: Phan Quang Định
Biên tập: Bùi Thanh
Upload bìa: Bùi Thanh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3191 / 132
Cập nhật: 2016-05-03 19:52:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ất kỳ ai nhìn thấy Michael Corleone hạ cánh chiếc máy bay trên Hồ Mead - chẳng hạn những tài xế của hai chiếc Cadillac đang đứng ở cuối bến cảng và nắm giữ những sợi dây - chắc hẳn đều nghĩ rằng chàng đã thực hiện thao tác này hàng trăm lần rồi nên mới đạt đến độ chính xác và nhuần nhuyễn như thế. Kỳ thực thì chàng mới thực hành độ mươi lần. Kay, còn ngái ngủ ở chiếc ghế bên cạnh, vẫn không hề giật mình - cho đến khi Tommi Neri và hai anh chàng nữa ngồi ép vào nhau ở đàng sau với anh ta đồng loạt reo hò tán thưởng kỳ tài của chàng phi công nghiệp dư.
Kay ngồi bật thẳng dậy, mắt mở rộng hốt hoảng. “Ôi! Các con tôi đâu rồi!”
Michael cười rộ. Nhưng chỉ một thoáng sau, chàng hối hận ngay. Sự hốt hoảng không cần thiết của nàng lúc đầu khiến chàng tức cười nhưng liền đó chàng thấy cảm động biết bao. Với bất kỳ ai khác, chàng chưa hề phản ứng mà không suy nghĩ. Kay là người duy nhất trong đời có thể khiến chàng hành động ngược lại với chính bản tính của mình.
“Xin lỗi, Phu nhân Corleone,” Tommy lên tiếng. “Tuy nhiên, bất kỳ ai chứng kiến kỳ tích vừa rồi cũng sẽ không cưỡng được lòng ngưỡng mộ. Phu quân của bà quả thật là một tài năng thiên phú. Bây giờ tôi thành thật thừa nhận rằng hồi nãy tôi có hơi hồi hộp một tí. Tôi chưa từng ngồi trên một chiếc máy bay hợp qui tắc cho đến năm rồi.”
Kay dụi mắt.
“Vừa rồi anh không cười em đâu,” Michael nói. “Em ổn chứ?”
“Chúng thực sự nổi,” Kay nói với Tommy. “Những chiếc thủy phi cơ. Tuy vậy đôi khi chúng cũng nẩy bật lên như thia lia.”
“Vâng, thưa phu nhân, đúng thế.” Tommy phụ họa. “Vừa rồi em mơ thấy gì thế?” Michael âu yếm hỏi vợ.
Nàng đặt một bàn tay lên ngực như muốn kìm lại trái tim đang chạy quá nhanh. “Em ổn rồi. Chúng ta đã về nhà?”
“Ờ, chúng ta đã trở về Hồ Mead.”
“Thì ý em định nói thế. Bộ anh nghĩ là em tưởng mình về lại Long Beach sao?”
Michael hoàn toàn không thích là khái niệm nhà lại có tí chút gì mập mờ lưỡng nghĩa. Anh cũng ghét có chuyện tranh cãi gì, dầu là nhỏ nhặt, trước mặt những người không thuộc hàng thân thiết của mình.
Anh không trả lời nàng cho đến khi anh đưa máy bay vào cầu tàu. “Không” anh nói. “Anh không nghĩ là em có ý vậy.”
Kay tháo dây đai an toàn ra và đi qua mấy người kia mà nàng không mấy hài lòng vì sự có mặt của họ đã phần nào làm loãng đi tính riêng tư của cuộc du ngoạn kỉ niệm ngày cưới mà nàng muốn là khoảng thời gian dành cho cả đất trời chỉ có đôi ta. Nàng ngồi vào phía sau xe, chiếc màu vàng với mui đen.
Michael nói với mấy người kia là anh gởi lời vấn an đến Fredo và Pete Clemenza - chiếc Cadillac màu đỏ là của Fredo - và nhắn rằng anh sẽ đến Lâu Đài Trên Cát không trễ hơn sáu giờ ba mươi.
Anh vào trong xe ngồi kế bên Kay.
“Một cuộc hẹn hò,” nàng nói. “Giống như thời xưa. Suốt ngày cho đến khuya đêm nay. Đó là những gì anh đã nói.” Nàng vùng vằng gằn giọng.
“Anh cần đưa họ trở lại đây, bằng cách nào đó. Dẫu sao thì em cũng ngủ suốt lộ trình. Vậy nên có họ hay không có họ thì cũng thế thôi mà cưng.” Anh vỗ về làm hòa.
Nàng nhún vai. Đó không phải là cái nhún vai hòa giải. Có hai loại người vợ trong cách sống này. Có một lần chàng đã kết hôn với loại người vợ kia. Nhưng cuối cùng, một người vợ như Apollonia, có nghĩa là một mẫu người vợ giống như mẹ chàng, một cô gái Sicily luôn phục tùng theo từng lời nói của chồng, sẽ không phù hợp với chàng, và chắc là không phù hợp với các con chàng, không phù hợp với nước Mỹ ngày nay.
Tuy nhiên chàng không thể công khai quan điểm này, nhất là trước mặt người khác. Ngay cả những thuộc hạ trung thành nhất của chàng cũng không nên thấy người chủ Gia đình phạm một điều yếu đuối nào, cho dù nhỏ nhặt đến đâu.
“Công việc,” Michael nói. Đó là mật mã, trong cuộc sống lứa đôi của họ, cho chuyện này không phải để tranh cãi.
“Anh nói đúng,” nàng nói, nén lòng cam chịu. “Tất nhiên rồi” Họ ngồi xe về nhà với những khúc ca cao -bồi từ chiếc radio.
Bố mẹ Kay đã đậu xe trên đường đỗ xe trong sân nhà. Bên kia đường, trước mặt vị trí xây dựng dành cho ngôi nhà của Connie, em gái Michael, là một chiếc Plymouth màu xám, một loại xe thường dành cho cớm, và hiện do một tay cớm thuộc cấp của Al Neri chăm sóc.
Từ bên trong nhà vọng ra tiếng ồn của một loại opera than khóc rền rĩ mà Michael không thể nói được là loại gì. Không giống như Petes Ria Mép Đĩ Trai, Michael chưa bao giờ cảm thấy nhu cầu tỏ ra hứng thú với opera. Âm nhạc trong nhà toàn do Kay chọn.
Kay nhăn nhó cau mày và rồi đảo tròn mắt. “Ồ, Bố,” nàng kêu lên.
Quan hệ lạnh nhạt giữa nàng với bố mẹ nàng làm Michael bối rối. Họ đã đứng vào phía nàng đối với mọi việc nàng muốn làm. Các nhân viên liên bang từng có lần đi vào cùng cuộc nghiên cứu trong đó bố nàng viết trong các bài thuyết pháp đã gọi Michael là một tên găng-x-tơ, một kẻ sát nhân, thế nhưng khi nàng quyết định lấy chàng, họ không hề do dự để chúc phúc cuộc hôn nhân ấy. Âm thanh vọng ra từ chiếc hi -fi trong phòng riêng của Michael.
“Ông ấy đang ở trong phòng riêng của anh.
“Ông ấy đã mất thính giác rồi, trong số những thứ khác nữa,” Kay nói. “Hãy dễ dãi lượng thứ cho ông ta”.
“Ông đang ở trong phòng riêng của anh,” Michael lặp lại.
Nàng vuốt phẳng chiếc váy và hướng về sân sau nơi mẹ nàng đang đong đưa Mary trên chiếc ghế xích đu. Michael gật đầu chào và đi vào bên trong.
Anh bước lên mấy bậc thang và đi qua phòng ngủ. Căn phòng bị xốc tung lên, bừa bộn, ngổn ngang. Hai đứa trẻ tóc đỏ mà trước nay anh chưa từng thấy, đang chơi trên thảm với những chiếc xe tải Tonka. Thorston Adams, bố vợ chàng, ngồi đàng sau chiếc bàn giấy hiện đại màu tóc vàng Đan mạch của Michael. Anthony đang ngồi trong lòng ông ngoại. Mỗi người đều nhắm mắt lim dim và đầu ngã ra sau giống hình ảnh Chúa Jesus thanh thản với lạc phúc. Michael đi ngang căn phòng và vặn nắm điều chỉnh âm lượng của chiếc hi -fi treo trên tường.
Tia nhìn hốt hoảng của Anthony trông giống làm sao với tia nhìn của Kay mấy phút trước đó khiến trái tim của Michael nhói lên. Mấy đứa bé đang chơi trên thảm lật đật đứng lên và chạy ra xa.
“Chào bố,” Michael lên tiếng. “Tôi có hơi tự tiện -”
“Quên đi,” chàng nói. “Có sao đâu.”
“Có phải chúng ta đang có quá nhiều rắc rối?” Anthony bối rối hỏi.
Môi trên của cậu bé run run và đôi mắt nó mở to. Michael từ trước tới giờ có lẽ từng đét đít thằng bé hơn ba lần. Bất kỳ ai nghĩ rằng mình có thể giải thích mọi chuyện mà con người làm đều có thể khôn hơn ra đơn giản chỉ bằng cách có một vài đứa con. “Không đâu, cưng” Michael nói. “Con không gặp rắc rối gì đâu.” Chàng nhấc Anthony lên và ôm siết thằng bé một phát. “Con thích cái đó? Âm nhạc đó?”
“Con đã nói với Ngoại là chúng ta không nên -”
“Được rồi. Không sao cả,” Michael vội trấn an con. “Con và Ngoại đang nghe nhạc gì vậy?” “Nói Ba con nghe đi, Tony,” Thorston bảo cháu, và mang lại đôi mắt kính tròng đen, dày lên. “Nhạc Puccini”
“Ông ấy là người Ý,” Thorston nói. “Chết lâu rồi, dĩ nhiên.” “Con biết chuyện đó” Michael nói.
“Nói lại nghe coi?”. Ông già Thorston đã nặng tai nhiều.
Michael lên giọng. “Puccini đã chết. Bố ăăăn gì khôôông? Muốn con làm món gì cho bố không?” “Agnes đang nấu xoong thức ăn đấy. Hình như là thịt hầm đậu thì phải”. Thorston nói.
Michael chẳng ngửi thấy gì cả. Lạ này, cái gì đang được nấu nướng mà lại chẳng nghe mùi gì cả? “Puccini chết rồi sao?” Anthony nói, mặt tái nhợt.
Michael vò đầu tóc con. “Ông ấy đã sống một cuộc đời tốt đẹp, ông Puccini ấy,” Michael nói, mặc dầu chàng chẳng biết tí gì về cuộc đời Puccini cả. Anh có thể cảm nhận thằng bé đang thư giãn khi nghe bố nói thế. “Mấy nhóc kia con nhà ai vậy?”
“Láng giềng của con đấy,” Thorston trả lời thay cháu. “Sân sau nhà chúng và sân sau nhà con giáp nhau. Có vẻ như chúng rất thích làm bạn với Tony và Mary. Nào, Tony. Ông cháu mình nên đi thôi. Xin lỗi nếu bố -”
Michael chỉ trao đến bố vợ một tia nhìn, nhưng là một tia nhìn nặng trĩu ý nghĩa rằng “Thế đã là quá đủ rồi đấy nhé!” Anh đặt con trai xuống, khép cửa lại và trở về đơn độc.
Vòi sen ở phòng kế bên bắt đầu chảy rào rào. Kay đang tắm. Michael khoác lên người chiếc tuxedo, chiếc áo chàng mặc vào ngày cưới. Chàng liếc nhìn trôm Kay qua lớp cửa kính phòng tắm và quay lại phòng riêng để thay đồ.
Fredo đã nghĩ đúng, điều có lẽ một ngày nào đó sẽ là bài minh trên mộ chí của anh chàng. Chẳng hạn, chiếc xe kia. Đó quả là một chiếc xe rất tuyệt với một lưới bảo vệ bằng vàng và những bánh xe có nan hoa hình lưỡi kiếm. Michael vẫn còn nghĩ Fredo là một anh chàng lãng du vô tích sự vì đã mua những chiếc xe lòe loẹt sặc sỡ như thế hay bộ thiết bị hi -fi to đùng choán cả một bức tường chỉ mấy phòng thu âm mới cần đến chứ ở nhà riêng ai mà dùng đến mấy thứ này. Vả lại Michael chưa bao giờ là người chịu phí thời giờ để nghe nhạc thu âm.
Chàng ngồi vào sau bàn giấy, ý thức hoàn toàn là mình đã kiệt sức đến thế nào. Hai ngày ở New York, một ngày ở Detroit, rồi thì sự khác biệt về múi giờ và sự tập trung đầu óc khá căng thẳng cho chuyến bay đến Hồ Mead và trở về. Và anh còn có điều hứa hẹn là một đêm dài ở đàng trước: những cuộc họp ở Lâu Đài Trên Cát, những tin tức sắp đến từ Đảo Rắn Rung Chuông, xuất hiện tại một sô diễn của Fontane và chuyện sau đó. Nghi lễ. Michael lơ đãng lướt một ngón tay quanh chu vi của cái gạt tàn lớn bằng sứ với nàng tiên cá trên một hòn đảo gợn sóng ở giữa. Cái gạt tàn này trước kia là của Bố. Vết nứt nơi chiếc gạt tàn đã được gắn vào phía sau vẫn còn thấy được. Michael đốt một điếu thuốc với chiếc bật quẹt to để bàn cũng của Bố, cao 6 inches và được tạo dáng giống con sư tử. Anh gõ các ngón tay lên chiếc bàn giấy màu vàng và nghĩ về thú chơi golf. Golf quả là một ý tưởng... sáng chói, vừa như một môn thể thao, vừa là thú tiêu khiển, vừa là một phương tiện thư giãn lại vừa là một phương cách kinh doanh. Và những cây gậy đánh golf được đặt làm theo ý mình. Tuyệt.
Chàng rơi vào giấc ngủ sâu đến độ chàng có thể giữ nguyên tư thế đó, ngồi co ro trên ghế và quên hết sự đời trong suốt phần đêm còn lại.
Đột nhiên anh thức giấc. “Mình không ngủ mê” anh nói.
Một bàn tay của Kay đặt trên vai anh. “Em thấy mình dòm lén em tắm đó. Lêu lêu!” “Ô, xấu hổ quá! Xin lỗi nhé!”
“Đừng mát -xờ -cỡ! Vậy là em vẫn còn cái gì mới lạ chưa khám phá hết nên mình mới tò mò chứ. Khi nào mình hết thèm dòm lén nữa, lúc đó em mới bối rối đấy!”
“Em khéo đùa ghê! À, mà em thay đồ đẹp quá, định đi đâu vậy?”
Nàng cau mày. Đi nghe Johnny Fontane hát, tất nhiên rồi. Bộ anh quên rồi sao. Nào. Chúng ta đi chứ.” “Đi nghe Fontane?”
“Chuyện này cũng giống như khi bạn sống ở New York và có thể leo lên tương Nữ thần Tự do để ngắm toàn cảnh bến cảng bất kỳ khi nào bạn thích nhưng lại chẳng bao giờ làm. Johnny Fontane đã hát ở casino của anh biết bao lần -”
“Chúng ta là đối tác trong đó.”
“ - từ mấy tuần nay rồi. Chúng ta có thể đi nghe anh ấy bất kỳ lúc nào nhưng chúng ta lại không bao giờ đi. Anh có nhận ra rằng đã mười năm rồi kể từ khi em nghe anh ấy hát dịp đám cưới em gái anh? Đó là lần đầu tiên, lần cuối cùng và cũng là lần duy nhất.”
Rồi nàng cười lớn.
“Xem mặt anh kìa!” nàng nói. “Phải rồi, phải rồi, công việc, anh chả lúc nào mà không có công việc.
Thôi đi mà lo công việc của anh đi. Em dẫn Má và Ba và mấy nhóc đi ăn tối ở quán thịt nướng mới mở.”
“Anh nghĩ má em đang làm món chiên xào gì đấy.” “Anh đã thưởng thức tài nấu nướng của Má chưa?”
Michael hôn vợ. Anh cảm ơn nàng về một ngày tuyệt vời và cả một cuộc sống lứa đôi tuyệt vời. “Đừng thức khuya đợi anh nghe. Anh sẽ về muộn lắm đấy.”
“Anh luôn luôn thế.” Kay mỉm cười khi nói điều ấy, nhưng cả hai đều biết đó không phải là lời nói đùa.
“Chuyến bay tốt chứ?” Hall Mitchell, chiến hữu cũ cùng binh chủng Thủy quân Lục chiến, đang mặc đồ chơi golf, chào hỏi Michael. Anh chàng này bị tật nói ngọng, lẫn lộn các âm l và r và thường bị đồng đội trêu ghẹo về chuyện đó. Trêu ghẹo để đùa chơi vậy thôi chứ bạn bè ai cũng mến cái tính xởi lởi, thẳng ruột ngựa của anh chàng.
“Bình an vô sự,” Michael đáp lời, ôm chặt đôi cánh tay người anh em cũ. “Tốt lắm.”
Phía sau Mitchell, đã sẵn sàng ở đó là Tom Hagen. Hagen và một anh chàng cao bồi tóc trắng đang đứng. Một ông đầu hói trong chiếc xe lăn vươn dài bàn tay ra để bắt tay. Michael là người duy nhất mặc áo tuxedo. Chưa đến hoàng hôn nhưng không còn cơ hôi thực sự nào để thay đổi.
Những bức tường trong phòng làm việc của Mitchell được phủ kín với hình ảnh của những người nổi tiếng, chỉ trừ một bức ảnh chụp nhanh cách nay đã mười hai năm gồm Trung sĩ Mitchell, Binh nhất Corleone và một đám Thủy quân Lục chiến, đứng trước một chiếc tăng bị đốt cháy của quân Nhật trên bãi biển Guadalcanal. Văn phòng nhìn qua lối ra vào chính của Lâu Đài Trên Cát. Mái che lối đi ghi hàng chữ CHÀO MƯNG LAO ĐỘNG HOA KÝ!; ngày mai tên của Fontane sẽ trở lại ngự trị vị trí đó. Trên quảng trường lát đá cẩm thạch bên dưới, các viên chức công đoàn đang đi đến để dự hội nghị sẽ khai mạc ngày mai, cũng như những người bạn khác của Gia đình Corleone.
Mitchell mời Michael ngồi vào chỗ đàng sau bàn giấy của anh ta mặc dầu Michael sẽ không ngồi ở đó đâu. Người ngồi xe lăn là chủ tịch một ngân hàng ở Las Vegas. Ông tóc trắng mặc đồ cao -bồi là một luật sư, hiện nay hành nghề tư sau một nhiệm kỳ giữ chức Tổng chưởng lí của bang và sau đó đảm nhận chức chủ tịch Đảng Cộng hòa Bang Nevada trong nhiều năm. Trên giấy tờ thì hai vị này cùng với Mitchell và một công ty cổ phần bất động sản do Tom Hagen kiểm soát là bốn cổ đông lớn nhất của Casino. Công ty xây dựng của Michael, trên giấy tờ, là cổ đông thứ sáu, sau người anh là Fredo; tay này trong một động tác mạo hiểm vốn đã gây ra nhiều tranh luận trong Gia đính Corleone cũng như nơi Ủy ban Cờ bạc Nevada - đã sử dụng chính tên mình. Fredo cũng được dự định là sẽ có mặt ở đây.
“Fredo Corleone gửi lời xin lỗi,” Hagen nói. “Chuyến bay của anh ấy bị hoãn lại vì lí do bất khả kháng”.
Michael chỉ gật đầu. Không có gì để nói thêm, không chỉ vì có sự hiện diện của những người khác bên ngoài gia đình và nhất là trong căn phòng này vốn chắc chắn là bị cài máy nghe trộm.
Cuộc họp kéo dài khoảng một giờ. Không chỉ thuần túy là kịch trường - cả vị chủ tịch ngân hàng lẫn vị luật sư mặc đồ cao -bồi đều không ai mang ý tưởng rằng các viên chức thi hành pháp luật đang lắng nghe - và hội nghị cũng không khác với từ bất kỳ hội nghị nào của những cổ đông hàng đầu của bất kỳ công tư tư nhân nào: những vấn đề mua bán, những vấn đề riêng tư, đánh giá tính hiệu quả của những cố gắng tiếp thị và quảng cáo hiện nay. Suốt trong cuộc họp Michael hầu như không phát biểu gì. Đầu óc của anh còn hướng tới hai cuộc họp sắp đến. Cuộc tranh luận sôi nổi nhất trong hội nghị lần này liên quan đến việc đặt tên cho Casino mới ở Hồ Tahoe. Ý tưởng của Hal Mitchell - Lâu Đài Trên Mây
- nổi lên như là lựa chọn được đồng thuận rộng rãi nhất.
Khi họ kết thúc, Michael nói anh hy vọng anh sẽ gặp mọi người và các bà vợ của họ tại sô diễn dành cho VIP của Fontane. Xét cho cùng thì Johnny là đối tác mới của họ với mười phần trăm cổ phần trong Lâu Đài Trên Mây. Những người khác bảo rằng họ nhất định sẽ không để lỡ.
Hagen đợi cho họ rời đi và rồi thực hiện một cuộc gọi nhanh cho cho Louie Russo. “Don Russo hiện đang trên đường tới Chuckwagon,” Hagen nói với Michael.
Họ bắt đầu ngồi vào các ghế dựa.
“Có chuyện gì với Fredo vậy?” Michael hỏi.
“Ngày mai anh ấy sẽ đến sớm mà,” Hagen nói. “Anh ấy ổn thôi. Có hai cận vệ theo sát anh ấy”. “Anh muốn nói với tôi về tay thợ cạo và tay chăn dê đấy à?”
“Đúng thế.”
Michael lắc đầu. Tay thợ cạo được dự định loại bỏ sự hoài nghi trong tối nay, sau sô của Fontane. Đó sẽ phải là một sự ngạc nhiên - đó là cách các cuộc lễ khai tâm được thực hiện. “Vậy tại sao Fredo lại lỡ chuyến bay, hở?”
“Tôi không rõ lắm. Người ta vẫn thường lỡ chuyến bay đấy thôi, tôi đoán là thế.” “Nhưng anh không lỡ.”
“Thật ra thì hôm nay tôi cũng có lỡ chuyến đấy,” Hagen nói. “Vậy nhưng anh vẫn có mặt ở đây, đúng giờ.”
Hagen không nói gì. Anh vẫn luôn yếu lòng với Fredo. “Vậy thì chuyện là sao nào?” Michael nói. “Palm Springs.”
“Chính là chuyện anh và tôi cần bàn đây. Chúng ta nhắm đúng đích rồi đấy.”
Họ đi qua phòng lobby để đến quán cà-phê Chuckwagon vốn chỉ mở vào giờ điểm tâm thôi. Michael có chìa khóa. Anh và Hagen ngồi vào một bàn nơi góc khuất. Lát sau, một trong những phụ tá của Hal Mitchell đưa Russo và hai người của lão ta vào quán cà-phê và khóa cửa lại sau họ. Russo là một người da nhợt nhạt, người quấn tấm chăn, với đôi kính râm to tướng và đôi bàn tay nhỏ xíu. Lão ta đi thẳng tới bảng công -tắc ở trên tường, tắt hết đèn. Người của lão ta đóng các bức mành sáo.
“Xin chào, bạn mang theo cả consigliere là hay đấy.” Lão có giọng cao the thé kiểu giọng con gái.
“Chúc mừng đến Lâu Đài Trên Cát, Don Russo.” Hagen đứng lên, nụ cười rộng mở của anh ta lại chính là dấu hiệu duy nhất cho đức tính... thiếu thành thật của anh ta!
Michael chẳng nói gì cho đến khi người của Russo rút qua phòng và ngồi xuống trên những ghế đẩu cao ở quầy.
“Tôi bảo đảm với ông, Don Russo à,” Michael nói, vừa chỉ tay vào những trang bị cố định nhẹ ở trên anh, “chúng tôi đã thanh toán hóa đơn tiền điện đầy đủ mà”.
“Nhưng bóng tối tốt hơn,” Russo nói, vỗ nhẹ vào đôi kính râm của lão mà kích cỡ của chúng càng làm cho lỗ mũi của lão trông càng giống hơn với một con “kẹt” treo ngay giữa mặt! “Có tên đê tiện hạ cấp nào đó đã cố tình nhắm bắn tôi xuyên qua cửa sổ của một tiệm bánh kẹo. Mảnh kính đã cắt vào mắt tôi. Tôi vẫn nhìn thấy rõ nhưng phần lớn thời gian ánh sáng vẫn làm cho mắt tôi xốn, khó chịu.”
“Tất nhiên rồi,” Michael nói. “Chúng tôi chỉ muốn cho ông được tiện nghi thôi.”
“Tôi biết điều ấy làm phiền anh,” Russo nói, vừa ngồi xuống bàn,” khi tôi tắt hết mọi ngọn đèn và khép các bức rèm che mà không nói lời nào. Phải không nào? Bây giờ thì anh biết điều ấy cảm thấy thế nào?”
“Cái gì cảm thấy như thế nào?” Hagen gằn giong.
“Hượm nào, anh bạn Ái nhĩ Lan! Bạn biết tôi muốn nói gì, và ông chủ của bạn chắc chắn cũng biết. Các anh, dân New York, anh nào cũng giống nhau. Các người đã từng thương lượng và thỏa hiệp với nhau. Mọi thứ về phía Tây của Chicago là của Chicago. Thế rồi chẳng mấy chốc các người nhận ra là chẳng có cái quái gì ở phía Tây của Chicago cả, thế là các người đạp ngược pê -đanh, xoay vòng ngôn hành180 độ! Al Capone đã hưởng trọn lộc rơi vào tay hắn và các người nghĩ cái thằng “chồn lùi” bị bệnh giang mai xứ Napoli ấy là toàn bộ Chicago. Còn chúng tôi. Chúng tôi chẳng được coi có kí lô nào cả! Các người đặt ra cái Ủy ban Tối cao kia, và chúng tôi có là thành phần trong đó không?
Không. Moe Greene vớ tất cả khoản tiền từ New York đó và xây dựng Las Vegas. Chúng tôi đâu được hân hạnh tham khảo ý kiến. Các người tràn lên và gọi đây là một thành phố mở. Và các người biết tôi nghĩ gì? Tôi nghĩ tuyệt quá. Mở ra công việc ở Miami. Công việc ở Havana và tôi hy vọng vào Chúa rằng tình trạng sẽ như thế. Và công việc đang chạy có lẽ tốt nhất ở đây. Nhưng tại sao lại phải thiếu tôn trọng đến thế? Chúng tôi không đến được mức như yêu cầu. Đó là quan điểm của tôi. Tuy vậy chúng tôi vẫn chấp nhận điều ấy. Chúng tôi không ở trong tư thế để lí sự. Chúng tôi rơi vào những năm khó khăn mà không có gì được tổ chức tốt. Thôi quên đi. Chuyện xảy ra là - tôi không muốn nói là các người đã lợi dụng tình hình đó, nhưng mà chúng tôi đã thiệt thòi quá nhiều. Được rồi. Vegas hiện đang chạy đều. Ở Chicago, mọi chuyện nằm trong tầm kiểm soát. Ở New York, trong một thời gian ngắn, có máu chảy trên đường phố do những vụ thanh toán lẫn nhau, nhưng theo chỗ tôi nghe được thì các người đã tái lập hòa bình. Tôi cầu mong chuyện này là thật. Quan điểm tôi là thế này. Trong thời kỳ mấy người gặp lộn xộn, tôi có nghĩ là A, đây là cơ hội để giành lấy lợi thế so với các ông bạn ở New York? Thưa không. Tôi đứng ngoài cuộc. Tôi không muốn các người làm cuộc diễu binh cho tôi xem hay bất kỳ chuyện gì, nhưng lạy Chúa. Tôi nhận lại được gì từ sự nể nang mà tôi dành cho các người trong thời điểm khó khăn của các người. Các người rầm rộ di chuyển toàn bộ tổng hành dinh về đây. Ngay đây! Được coi là nơi chốn mở và, nếu các người muốn nói một cách kỹ thuật, là thuộc quyền của chúng tôi, cứ lí mà nói. Tôi không đến nỗi đần độn chứ, phải không? Nhưng tôi không phải là luật sư như anh chàng Ái nhĩ Lan này đây, và tôi cũng chưa từng hân hạnh đặt chân đến trường cao đẳng, đại học nào sất! Học nhiều càng thấy mình ngu chứ có được cái tích sự mẹ gì! Học cũng tốt, không học càng tốt hơn. Quan trọng đéo gì! Quan trọng là người ta sống phải biết điều với nhau, biết tôn trọng cái đạo luật bất thành văn, đó là cái đạo nghĩa giang hồ với nhau. Tôi nói các người nghe có lọt tai được không nào?”
Louie Russo được cho là có thương số thông minh (I.Q.) chỉ 90 thôi nhưng lão lại là một thiên tài trong việc đọc ý nghĩ người khác. Còn đôi kính râm khổng lồ lại làm cho người ta khó đọc được ý nghĩ của lão.
“Tôi quí trọng đức tính thành thật của ông, Don Russo à,” Michael nói. “Không có gì khiến tôi quí trọng hơn là một con người trung thực.”
Russo lầm bầm điều gì đó không rõ.
“Tôi không biết ông lấy thông tin ở đâu,” Michael nói, “nhưng thông tin đó không đúng. Chúng tôi không hề có những kế hoạch để điều hành Las Vegas. Chúng tôi chỉ ở đây tạm thời thôi. Tôi có đất ở Hồ Tahoe, và một khi chúng tôi hoàn tất một số công trình xây dựng ở đó thì đó mới là địa chỉ thường trú của chúng tôi.”
“Tôi có kiểm tra rồi,” Russo nói, “Tahoe cũng ở về phía Tây Chicago mà.” Michael nhún vai. “Đến lúc nào đó, điều đó sẽ chẳng có liên quan gì đến ông.” “Nhưng hiện nay thì nó có liên quan đến tôi.”
“Không cần phải thế đâu,” Michael nói. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ không khai tâm cho thành viên nào nữa. Tôi đang dần dần ly khai khỏi mọi chuyện chúng tôi sở hữu ở New York. Những công cuộc kinh doanh mà tôi sẽ điều hành ở đây sẽ hoàn toàn hợp pháp. Tôi chờ mong sự hợp tác của ông - hoặc ít nhất thì ông cũng không can dự vào - khi chúng tôi đã đưa mọi chuyện đến điểm đó. Như ông biết đấy, tôi chưa bao giờ có kế hoạch dự phần vào công việc của cụ thân sinh tôi. Chính ông cụ cũng không muốn thế. Như tôi đã nói, chỉ là tạm thời thôi. Chúng tôi sẽ mở một casino mới tại Hồ Tahoe và chúng tôi dự định sẽ điều hành nó một cách hoàn toàn công khai, hợp pháp khiến cho cả một đội quân cớm, thêm một đội quân Cục Thu Thuế Nội Địa và người của Ủy Ban Cờ Bạc có thể sống tại đó cả ngày lẫn đêm cũng chẳng tìm thấy tì vết gì.”
Russo cười lớn. “Chúc ‘đạo ù ù’ may mắn!” (Good fucking luck!)
“Chúng tôi đoan quyết như thế với tất cả sự thành thật,” Michael nói. “Và bây giờ chúng tôi xin phép phải ra đi. Cho tôi được xin lỗi. Quả là niềm vui cho chúng tôi khi có được quí vị là khách mời. Chúng tôi trông chờ gặp lại quí vị tối nay.”
Tom Hagen mở cửa vào văn phòng dưới tầng hầm của Enzo Aguelo, một bạn cũ của Gia đình Corleone và bây giờ là sếp ngành bánh ngọt, bánh nướng của casino. Cả ba người bên trong - hai capos mới thụ phong, Rocco Lampone và Pete Clemenza, cũng như thủ trưởng đội bảo vệ, Al Neri - ngày hôm qua đã cùng nhau ở Detroit, dự đám cưới con trai của Pete. Mọi con mắt trong phòng đều đỏ ngầu. Lampone mới ba mươi nhưng trông già hơn cả mười tuổi. Anh ta phải dùng đến cây gậy kể từ lúc anh ta được gửi về nhà từ Bắc Phi với một Anh Dũng Bội tinh và mất đi xương bánh chè trái. Clemenza thở hổn hển do cố gắng đi ra khỏi ghế. Hagen vẫn luôn nghĩ về ông ta như một trong những ông béo không tuổi, nhưng giờ đây chợt thấy ông già đi như cỡ ông bảy mươi.
Lẽ ra họ đã gặp nhau trong một phòng ở lầu trên, nhưng văn phòng của Enzo có những lợi thế là trông khiêm tốn, gần với kho lương thực, và một trăm phần trăm an toàn - một boong -ke toàn bằng những khối than rắn mà với sự trang bị tốt nhất mà tiền có thể mua được, Neri đã quét sạch mọi thiết bị nghe lén. Neri ngồi vào chỗ của mình trong sảnh, khép cửa lại phía sau mình.
“Fredo đâu rồi?” Clemenza hỏi. Mike lắc đầu.
“Anh ấy ổn thôi,” Hagen nói. “Máy bay anh ấy bị trễ. Bão ở Detroit. Anh ấy sẽ đến trong ngày mai.”
Clemenza và Lampone nhìn nhau. Họ ngồi xuống trên những chiếc ghế xếp kim loại nặng chung quanh chiếc bàn màu xám bạc của Enzo.
“Tôi chẳng muốn nói chuyện này đâu,” Clemenza lên tiếng,” nhưng tôi nghe những chuyện kỳ quái nhảm nhí về Fredo, mà tôi ghét nói ra.” Các cận vệ mới của Fredo đến từ đội quân dưới quyền Clemenza.
“Ông có ý nói gì?” Mike thắc mắc.
Clemenza xua tay. “Tin tôi đi, chuyện đó quá vụn vặt và buồn cười để phải bàn luận nhiều, và từ những gì tôi nghe được thì chuyện đó đến từ đám con nghiện, đám da đen, do vậy anh có thể lờ đi chín mươi chín phần trăm chuyện đó ngay từ bây giờ. Nhưng vấn đề là, chúng ta đều biết rằng anh ta -” Clemenza nhăn mặt, như thể ông đang phải chịu đựng một vị thượng khách đang xì ra hơi ngạt thối um! “Ờ, tôi không phải là người đi thuyết giảng về một cuộc sống điều độ, thanh đạm, nhưng anh ấy có vấn đề với ma túy và chuyện đồng tính -”
“Điều độ, thanh đạm. Ối chà kinh quá! Ông học ở đâu ra ba cái từ hàn lâm kinh điển nghe ghê thế?” Mike nhướng mày lên hỏi.
“Thì tôi gửi thằng nhóc của tôi đến cái trường danh giá mà anh cũng từng theo học đó, Mike à, nhờ đó tôi cũng học lóm lại từ nó dăm ba chữthiên trời địa đất để thỉnh thoảng đem chộ thiên hạ chơi!” Ông nháy mắt rồi cười khà khà.
Thế là cả đám cười theo, rồi mọi người tản ra ai làm việc nấy.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà Hagen làm luật sư cho một công ty, thì đối với một hội nghị mà tầm quan trọng chỉ bằng nửa hội nghị này thôi và chuyện đi vào chi tiết chì bằng mười phần trăm thôi, thì cũng đã có cả một đội quân thư kí, viết tháu như điên, vậy mà một nửa những gì đã được nói cũng bị rơi rụng đâu đó hay bị méo mó biến dạng tam sao thất bổn. Còn ở đây, những người này tất nhiên là không viết ra điều gì và mặc dầu mệt lữ đến đứ đừ, vẫn có thể được tin cậy sẽ nhớ như in mọi chuyện. Họ đã trải qua ba giờ để bàn bạc và thông qua bao chuyện cũ, chuyện mới, sau đó thưởng thức món bạch tuộc nướng và món pasta e fagioli (xúp hầm đậu).
Họ bàn luận về sự thiệt hại mà cuộc chiến với hai gia đình Barzinis và Tattaglia đã giáng xuống những lợi ích kinh doanh của Gia đình. Họ bàn luận về những thỏa hiệp thực hiện với bà vợ và gia đình của Tessio, kẻ phản bội đáng trách nhất và bất ngờ nhất, vốn là bạn chí cốt của Vito Corleone từ thời mới lớn, và bàn đến những nhu cầu y tế, tang lễ, tài chánh gia đình cho những tổn thất về người và của khác của tổ chức. Họ bàn về chiến thắng của ý kiến sai lầm nhưng được loan truyền rộng rãi -nơi Sở Cảnh sát New York và trong báo chí, trong các gia đình tội ác khác, nơi hầu hết mọi người bên ngoài Gia đình Corleone - rằng cả hai người, Tessio và tên vũ phu hay đánh vợ Carlo, em rể của Mike và là tên sát nhân trên thực tế của ông anh vợ Sonny, đã bị giết bởi những người do Barzini hay Tattaglia phái đi. Trên cùng của chuyện này, người của Gia đình Corleone trong Văn phòng Biện lí New York (vốn là bạn học của Mike ở Dartmouth) đã lên kế hoạch đưa ra một loạt những cáo trạng trong tuần này qui tôi các thành viên của Gia đình Tattaglia về cuộc ám sát Emilio Barzini và qui tội các thành viên của Gia đình Barzini về cuộc ám sát Phillip Tattaglia. Ngay cả nếu, như có thể là thế, những việc bắt bớ này không đưa đến việc xác nhận tội, thì FBI cũng sẽ xem xét vấn đề sâu sát hơn và thường xuyên để mắt canh chừng. Bọn cớm địa phương - mà hàng trăm anh đã phải chịu thiệt từ thu nhập bị mất đi, cũng nhiều như lợi tức của bất kỳ tay cá mập cho vay nặng lãi nào - sẽ lại vui sướng vì có lại nguồn thu như thường lệ. Khoảng thời gian lưu ý ngắn ngủi của công chúng sẽ nhanh chóng quay về với chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày, như thường vẫn thế. Xét đủ mọi lẽ, cuộc đình chiến hiện hành có thể trở thành
một nền hòa bình thực sự, tương đối lâu dài.
“Cứ mỗi mười năm, Clemenza nói, nhún vai. “Chúng ta gặp những chuyện này và sau đó chúng ta quay trở lại với công việc.” Ông ta tìm thấy nguyên cả một hộp tăm xỉa răng nơi bàn giấy của Enzo và lại nhai một cây tăm mới cứ mỗi vài phút. Những người khác ai nấy cũng đều đang phì phèo xì -gà hoặc thuốc điếu. nhưng bác sĩ của Clemenza đã bảo ông phải thôi hút. Ông đang cố bỏ thói quen đó. “Giống sự đều đặn hoàn hảo của chiếc đồng hồ. Đây là lần thứ tư tôi bỏ hút, không biết có dứt hẳn được không. Đúng lànhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Bố khỉ! Coi đơn giản thế mà khó thật!”
Mọi người đều đã, qua nhiều năm, nghe cái lí thuyết này của Clemenza. Chẳng ai có ý kiến gì.
“Này,” Clemenza tiếp tục. “Vậy anh nghĩ rằng đó là cái gì chúng ta được sao, Mike, Hòa bình? “Ông ta còn hùng hồn vung cái tăm xỉa răng ra như một điếu xì -gà. “Chúng ta có cần phải kêu gọi đến một cuộc hội nghị của Ủy ban Tối cao không?”
Michael gật đầu, để tập trung tư tưởng hơn là để xác nhận. Hagen biết rằng Michael suýt trình bày cho Ủy ban một danh sách những người sẽ được khai tâm tối nay. Có lẽ điều cuối cùng mà anh muốn là Ủy ban gặp nhau. Nhưng mặt anh không biểu lộ điều gì. “Rocco?” anh nói, nghiêng đầu và đưa lòng bàn tay ra: mời anh.
Khoảng lặng kéo dài đó - Hagen ghi nhận và rất có ấn tượng - làm cho có vẻ như là Michael đang dành suy nghĩ nghiêm túc cho vấn đề và rồi tham khảo một tư vấn đáng tin cậy. Nếu như Sonny còn sống và hiện đang đảm nhiệm trọng trách, chắc là anh ta đã nói oang oang ra những gì mình suy nghĩ và tự hào về tính quyết đoán của mình. Còn Michael đã thừa kế và mài sắc thêm tài năng tạo sự đồng thuận của bố mình.
Rocco Lampone rít một hơi dài xì -gà. “Đó là một vấn đề quan trọng, phải không nào? Làm thế nào chúng ta biết được là chiến tranh đã qua đi trừ phi có người nào đó đi ra từ cuộc chiến và xác nhận như thế, đúng không?”
Michael đan các ngón tay vào nhau và không nói gì, mặt chàng ta hoàn toàn vô cảm. Ủy ban Tối cao đảm nhận chức năng của một ủy ban hành pháp của hai mươi bốn gia đình tội ác trên khắp nước Mỹ, với các vị “chưởng môn nhân” của bảy hoặc tám Đại gia hàng đầu chấp thuận phê duyệt tên của các thành viên mới, các capos mới, và các ông chủ mới (hầu như luôn luôn là được duyệt) và chỉ làm trọng tài cho những xung đột nan giải nhất. Ủy ban gặp nhau càng ít thường xuyên càng tốt.
“Tôi đồng ý,” cuối cùng Lampone nói,” chúng ta có được hòa bình. Chúng ta đã nhận được lời cam kết của Joe Zaluchi. Của Molinari, Leo Người Bán Sữa, Tony Mặt Sắt Đen Sì. Song tất cả chỉ có mình Molinari là ở trong Ủy ban, phải không? Forlenza nghiêng về phía chúng ta, đúng không? Sao chưa nghe Át Chủ Bài nói lời nào vậy?”
“Chưa,” Hagen nói. “Geraci chỉ vào đây sau khi họ kết thúc cuộc đấu đá kia.”
“Chuyện đó chắc rồi,” Rocco nói. “Tôi nói Geraci, không nói chuyện đấu đá..” Clemenza vỗ tay xuống mặt bàn kim loại bốn lần và nhướng mày lên.
“Dầu sao, Forlenza cũng sẽ là người thứ năm,” Rocco nói. Chúng ta vẫn còn nghĩ rằng Paulie Fortunato là Ông Trùm mới của Barzinis chứ?”
“Vâng, chúng tôi nghĩ thế,” Hagen nói.
“Vậy là được sáu người. Ông ấy là người biết điều, và thêm nữa là ông ta gần gũi với cánh Cleveland hơn Barzini. Nói cách khác, ông ấy sẽ làm những gì mà Ông Trùm Do thái làm. Như thế là trừ ra những người khác.” Thay vì phát âm tên của Tattaglia, Rocco làm một cử chỉ tục tĩu kiểu Sicily. Những bất đồng giữa anh ta với gia đình Tattaglias có tính riêng tư, theo bản năng, phức tạp và khá là nhiều. Anh ta từng là người bắt gặp Phillip Tattaglia trong một bungalow ngoài Sunrise Highway, ở Long Island. Tattaglia đứng đó trần truồng trừ đôi bít tất ngắn bằng lụa, một con người rậm lông trong độ tuổi thất tuần, với một cô điếm tuổi teen nằm tênh hênh trên giường trước mặt lão ta, vắt ra tinh dịch trong khi lão cố phóng ra vào cái mồm đang há rộng của con bé. Lampone đặt bốn khoanh tròn vào cái bụng mềm của lão già. Tổ chức của Tattaglia rơi vào hỗn độn rối ren và người nắm lấy quyền lực tiếp theo, Rico, em của Phillip Tattaglia, đi ra từ một cuộc an dưỡng đầy tiện nghi ở Miami. Một con người như thế khó có khả năng nhứt quyết nuôi chí báo thù rửa hận, thế nhưng một Tattaglia thì vẫn là một Tattaglia.
Khi Mike không nói gì, Lampone cau mày giống như một cậu học trò quyết định làm vừa lòng thầy. Mike là người trẻ nhất trong phòng này, là Ông Trùm trẻ nhất nước Mỹ, vậy mà tất cả những người khác đang căng cứng để tự chứng tỏ mình với chàng ta. Anh đứng lên và đi đến một chỗ của bức tường nơi có lẽ một cửa sổ từng có mặt nếu như từng có một cửa sổ ở đó. “Anh nghĩ sao, Tom?”
“Không nên có hội nghị Ủy ban,” Hagen nói, “không có, nếu chúng ta có thể tránh được.” Hagen, khi còn là consigliere cho Vito, là người duy nhất trong bọn họ từng dự một hội nghị như vậy. Anh cũng là người duy nhất từng tham dự một hội nghị càng hiếm hoi hơn của mọi Gia đình, điều mà việc triệu tập một hội nghị của Ủy ban sẽ dãn nở thành. “Lí do là, chỉ trong năm nay đã có đến ba thành viên của Ủy ban qua đời. Với số người mới đông đảo như thế, nếu họ gặp nhau, họ sẽ hình dung ra là có nên mời thêm Louie Russo hay không. Bất kỳ ai, về phương diện riêng tư, có thể nghĩ về lão ta như thế nào đi nữa, song với thế lực của Chicago như hiện nay, họ đều phải nói vâng. Nếu họ không gặp nhau, họ có thể câu nhử lão ta và nói rằng họ sẽ thông qua điều đó trong kỳ hội nghị tới. Một khi họ gặp nhau, Russo sau đó sẽ trở thành một thành viên của Ủy ban, điều đó có nghĩa là một lố những chuyện khác biệt có thể sẽ xảy ra. Những chuyện khó lường trước được.”
“Lão ấy càng già,” Clemenza nói, “thì cái lỗ mũi của lão ta trông lại càng giống cái con củ buồi!”
Câu đùa lãng xẹt đó lại khiến cho Mike thấy tức cười. Clemenza vốn có ngón sở trường đó với Vito, mặc dầu, nói thật là, dễ chọc cười Vito hơn là với Mike nhiều!
“Khi mới dính cái hỗn danh này thì lỗ mũi của lão ta mới chỉ bự thôi,” Clemenza khoái chí tán nhảm tiếp, vừa chọt que tăm xỉa răng thứ chín vào cái mồm nhỏ tròn vo của mình, “Bây giờ cái đầu mũi của lão đỏ ửng và được tạo dáng giống hệt cái đầu buồi. Còn hàng lông mày rậm kéo thành một bệt hình chữ nhất của lão? Không khác chi một đám lông “lờ”! Tôi nói đúng không, thưa quí vị? Quả thật, dung nhan của lão Mặt Đéo này đúng là một cuộc phô bày khiếm nhã của tính dâm tục sỗ sàng! Nói đến đây ông ta lắc đầu và dùng giọng Chicago đặc sệt để gào lên: “it’s da Chiacahgoo way” (Phong cách Chicago là thế đấy!).
Mọi người cười ồ, kể cả Hagen, mặc dầu trong ý nghĩ riêng tư anh ta vẫn tin rằng lí do mà các tay găng-x-tơ Ái nhĩ Lan và Do thái đã xoay xở để chuyển từ những danh sách tội phạm bị truy nã gắt gao nhất đến các chức vụ đại sứ đó là họ (giống như bản thân Hagen) đóng thuế đều đặn cho Nhà nước, tất nhiên là có mức độ, theo cách tính toán rất chi li và sít sao đã trở thành phổ biến như... ca dao tục ngữ (Keo kiệt như dân Ái nhĩ Lan, tính toán kỹ ai bằng lái buôn Do thái). Cũng dễ hiểu là, phần đông dân Sicily, mà lòng nghi ngờ đối với chính quyền trung ương đã chảy trong huyết quản họ từ hàng bao thế kỉ, không hành động theo lối này. Và cũng đúng là thông lệ làm ăn của dân Sicily là tiền trao cháo múc hay là ăn bánh trả tiền rốp rẻng sòng phẳng, không cần phải giấy trắng mực đen gì cả mà chỉ theo nguyên tắc một lời nói là một đọi máu. Nói lời là phải giữ lời. Đại trượng phu nhứt ngôn kí xuất tứ mã nan truy. Còn anh muốn lật lọng ư? Thì... bụp! phụp! hay đoàng! đoàng! Đơn giản thế thôi! Chấp cả hàng trăm nhân viên Sở Lợi tức Nội địa làm việc xoay vòng đồng hồ trong cả hàng trăm năm đi nữa cũng đếch hình dung ra nổi một phần trăm của chuyện gì đang diễn ra. Còn điều này nữa: Các chính quyền không khác với bất kỳ kẻ nào hay bất kỳ cái quái gì nắm và sử dụng quyền lực to lớn. Chúng khao khát chiếm hữu phần của mình, hay đúng hơn, cái khoảng mà chúng nghĩ là phần của chúng. Cho nên, muốn được việc, bạn cần đấm mõm chúng, cần bôi trơn những cái mỏ diều hâu của bọn chúng. Ấy, đấy là một phần trong cái ván bài muôn mặt gọi là... nghệ thuật sống vậy!
Hoặc là giết chúng.
Họ bàn luận về một số các vấn đề thực tiễn cần điều nghiên kỹ để cho gia đình và những quyền lợi của nó lại có thể vận hành đầy đủ. Chỉ đến gần cuối Michael mới bàn luận những kế hoạch dài hạn đầy tham vọng mà anh và Bố Già, trong những tháng Vito dành để làm consigliere cho Michael, đã trù tính. Hagen cho mọi người biết về những cuộc bàn luận giữa anh với Ngài Đại sứ và vai trò của Gia đình trong kế hoạch của James Kavanaugh Shea tiến vào Nhà Trắng vào năm 1960. Họ cũng biết kế hoạch riêng của Hagen, không phải là không liên quan: chạy đua vào ghế Thượng nghị sĩ trong năm tới và chịu thất cử (vị thượng nghị sĩ kia thì vẫn... ở trong túi của Gia đình Corleone, dầu thế nào đi nữa), sau đó sử dụng tính hợp pháp được tạo ra bởi sự thua cuộc nhưng đáng kính để tạo thuận lợi cho Ngài Thống đốc bổ nhiệm anh vào một vị trí trong nội các bang. Đến năm 1960, Hagen sẽ chạy đua vào chức Thống đốc bang và thắng cử. Điều đó sẽ đưa Michael đến biên giới tối hậu của kinh doanh.
“Trước khi quan tâm đến tính đoản kỳ trong những lãnh vực khác chúng ta cần định thái nó ở trên đỉnh. Trước tiên, có vấn đề về lãnh địa của Tessio để lại. Các bạn có ý tưởng nào không, trước khi tôi đưa ra chọn lựa?”
Họ lắc đầu. Sự chọn lựa đã rõ: Geraci có lẽ là nhân vật nhiều người biết, đặc biệt là trong số những người phẫn nộ về những gì đã xảy ra với Tessio. Đúng vậy, đã có những lời xì xầm về anh ta từ một vài trong số những người lớn tuổi ở New York Anh ta từng được Tessio bảo bọc nhưng Tessio đã phản bội gia đình. Rồi còn có vấn đề về hoạt động ma túy mà Geraci đã được phép tiến hành(dầu vẫn còn chỉ là lời đồn). Còn chuyện tuổi tác của anh ta nữa (mặc dầu anh ta lớn tuổi hơn Michael). Anh ta đến từ Cleveland. Anh ta có bằng cao đẳng và một số chứng chỉ của trường luật. Hagen lần đầu được nghe về anh ta là khi Paulie Gatto sai anh ta đi nện cho đám mất dạy đã làm nhục con gái của Amerigo Bonasera một trận te tua tơi tả. Ba năm sau, sau khi Gatto bị giết, Geraci trở thành chọn lựa thứ nhì của Pete để đứng đầu đám lính lác, sau Rocco. Rocco đã tận dụng cơ hội đó và giờ đây là mộtcapo nhưng Geraci là mẫu người Michael thích hơn. Anh ta cũng là một trong những người kiếm tiền tốt nhất mà Gia đình từng có được từ trước đến giờ. Có những lựa chọn khác, những tay lớn tuổi hơn như anh em Di - Miceli, hay có thể là Eddie Paradise. Những con người kiên định, trung thành, nhưng không cùng liên minh với Át Chủ bài.
“Những lời khôn ngoan duy nhất của tôi về đề tài này,” Pete nói,” đó là ngay cả chính Christ chịu làm capo đi nữa, các bạn cũng sẽ nghe những lời bàn ra tán vào. Tôi kinh lịch cũng đã nhiều, và tôi chưa hề thấy một tay nào có khả năng kiếm tiền giỏi như anh chàng Geraci này. Nuốt vào một xu kẽm và ị ra cả một đống đô la cao ngất ngưỡng!
Tôi không rõ lắm về nhân thân, về trình độ học thức của cậu ta, nhưng những gì tôi biết thì tốt. Cậu ta gây ấn tượng với tôi.”
Michael gật đầu. “Có gì khác nữa không?”
“Nói nhanh về Eddie Paradise,” Rocco phát biểu. “Sao cơ?” Michael hỏi.
Rocco nhún vai. “Cậu ấy làm tốt việc được giao. Hãy trả công xứng đáng cho cậu ta. Nhiều người biết cậu ấy.”
“Đồng ý.” Michael nói. “Có ý kiến gì khác về vấn đề nữa không?”
“Eddie là anh em họ của vợ tôi,” Rocco nói. “Khi cô ấy hỏi tôi rằng tôi có bảo đảm cho cậu ấy không, thì - vâng, quí vị đây đều đã kết hôn, đều có gia đình. Thế thôi, không ý kiến gì khác.”
“Lời bảo đảm của anh được ghi nhận là hợp thức.” Michael nói. “Được rồi. Lựa chọn của tôi là Fausto Geraci.”
Lời công bố này được chào đón với sự đồng thuận thật lòng. Hagen chưa từng nghe bất kỳ ai khác gọi Geraci Fausto, nhưng Michael hiếm khi gọi bất kỳ ai bằng cái tên đường phố của họ, một thói quen anh thừa kế từ ông già. Sonny thì trái lại. Cho dầu anh quen biết người nào đó từ bao nhiêu năm, làm ăn bao nhiêu vụ với người đó, từng ăn tối ở nhà người ta, thế nhưng anh ta cũng không biết họ người
đó là gì cho đến khi anh bắt gặp trên thiệp cưới hay trên phần báo tang của người đó! “Tom à, công việc của anh,” Michael nói “Là điều mang tôi đến với anh đấy.” Hagen gật đầu.
Michael nhìn Pete và Rocco. “Với việc Tom dính líu nhiều hơn vào chính trị, chúng ta cần di chuyển anh ấy khỏi một số việc. Từ khi bước xuống khỏi ghế consigliere -”
Hagen không được hỏi ý kiến và không tìm kiếm sự thay đổi.
“ - Tom vẫn là một cố vấn đáng tin cậy, như bất kỳ nhà tư vấn pháp lí nào cũng phải là thế. Tình trạng đó sẽ còn duy trì. Nhưng như vậy sẽ có khoảng trống của consigliere. Tom đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, và bố tôi -” Michael lật lòng bàn tay lên. Ngôn từ khó diễn đạt hết sự vĩ đại của Ông Trùm quá cố. “Tôi chưa thấy một kẻ kế nhiệm thích hợp. Trong năm tới hoặc có thể thêm vài năm nữa, tôi sẽ trải rộng các trách nhiệm củaconsigliere tới mọi capos và cả anh nữa, Tom à, khi nào thích hợp.”
Việc không nhắc đến Fredo hẳn không phải là ngẫu nhiên, Hagen nghĩ.
“Tuy nhiên,” Michael nói. Anh để cho khoảng lặng còn nấn ná, chần chừ. “Có những tình huống mà tôi cần được giới thiệu cùng với consiglierecủa mình - chẳng hạn các cuộc hội nghị của Ủy ban Tối cao hay đại loại là thế. Không ai khác mà tôi muốn có bên cạnh mình trong những dịp như thế hơn là người bạn thân thiết cố cựu nhất của bố tôi, Pete Clemenza.”
Hagen hoan nghênh và vỗ vào lưng Pete. Clemenza nói rằng ông rất lấy làm vinh dự. Rocco ôm chầm lấy ông, chặt như gấu ôm. Clemenza gọi ra cho Neri sai Enzo đi vồ lấy mấy chai strega để khao mừng. Hagen cười mỉm. Đó là chuyện khác: một khi các cụ như Clemenza cưỡi hạc qui... địa phủ cả rồi thì những chầu ăn khao trọng thể sẽ không còn được thực hiện với rượu strega hay những loại rượu tự chế nữa. Mà sẽ là Johnnie Walker hay Black & White hay Hennessy, Rémy Martell XO vv... Chứ uống mãi ba cái loại rượu cổ truyền kiểu các cụ cũng chán phèo! Thế nhưng các cụ thì vẫn một niềm hoài hương khôn nguôi về những đường xưa lối cũ kiểu Ta về ta tắm ao ta. Chẳng bao lâu sau họ sẽ ngồi trong các phòng họp ban giám đốc nhâm nhi những ly cà-phê loãng, nhạt như nước ốc.
Enzo, hóa ra là, lại có sẵn một chai “nữ phù thủy” (strega) trong ngăn kéo bàn giấy của anh ta. Anh ta đến gặp họ để cụng ly chúc mừng. “Mong sao chúng ta sống cuộc đời mình như thế nào để khi chết đi chúng ta cười mãn nguyện,” Clemenza nói,” còn mọi người khác thì kêu khóc như trẻ thơ lạc mẹ.”
Họ sắp sửa rời đi khi có tiếng gõ cửa.
“Xin lỗi các bạn,” Neri miệng nói tay mở cửa. “Dường như các bạn đãmã đáo thành công và đang reo hò khúc khải hoàn -”
Johnny Fontane, mang một bao da rất kiểu cách, đi qua Neri sát sườn, và bằng một giọng chỉ cao hơn tiếng thì thầm một tí, nói điều gì đó nghe thoáng như là “Em út thế nào, mấy bồ?” Neri cau có. Anh ta coi mình không phải là hạng người mà người khác có thể va quẹt để qua mặt, lại còn bỡn cợt chớt nhã kiểu bổ bã như thế. Cho dầu anh có là ca sĩ, tài tử nổi tiếng Johnny Fontane đi nữa thì cũng không được phạm thượng với ta! Phải hiểu thế chứ!
“Chúng tôi vừa mới nói về anh đấy,” Clemenza nói. “Bức tượng mà anh làm vỡ, trong căn phòng đàng kia, đáng giá ba ngàn đô đấy, anh biết không?”
“Thế là ông được món hời rồi,” Fontane nói. “Tôi định đền năm ngàn đô đấy.”
Anh chưa bao giờ thân thiết với Michael, nhưng anh mạnh dạn băng ngang phòng và, với cánh tay tự do, ôm hôn chàng. Michael không phản ứng gì. Cũng không nói gì.
Hagen không dính líu gì với những người kinh doanh ngành trình diễn.
Hal Mitchell xuất hiện nơi hành lang, giờ đây cũng mặc tuxedo, vẻ gấp gáp, thở không ra hơi, rối rít xin lỗi. “Màn khai mạc đang diễn và -”
“Điều trước tiên” Fontane nâng chiếc túi da lên tầm cao nhất mà anh có thể với tới. “Là cái này đây.” Anh buông nó rơi xuống. Chiếc túi đánh bịch xuống mặt bàn giấy trước mặt Michael. Tiếng động phát ra hình như là... âm vang của tiền. “Thư hàng không từ Frank Falcone. Ông ấy gửi lời chào mừng, cùng với ông Pignatelli.”
Dường như đó là một khoản vay từ quỹ trợ cấp của các nghiệp đoàn Hollywood mà Falcone kiểm soát
- một khoản góp vốn đầu tư vào Lâu Đài Trên Mây.
Michael vẫn ngồi yên. Anh nhìn vào chiếc túi da. Ngoài ra anh bất động. Biểu cảm nơi khuôn mặt anh là hoàn toàn... phi biểu cảm!
Một mạch máu nơi thái dương của chàng ca sĩ bắt đầu co giật. Michael đưa ngón tay xoay quanh viền của chiếc ly không.
Những người khác giữ yên lặng, để cho Fontane và Mike đấu nhãn với nhau và chờ Fontane nói ra điều thứ nhì là cái gì. Dường như khó có thể nghĩ rằng điều này, một ơn huệ nhỏ nhoi như thế để đáp lại bao nhiêu chuyện lớn lao đã làm cho anh ta, lại có thể tạo ra một bột phát trẻ con như thế.
Có lẽ Hagen không bao giờ hiểu nổi cái tính vô ơn bạc nghĩa của Fontane. Mười năm trước, đúng vào ngày cưới của Connie, Hagen đã phải đi xa với hai ân huệ phải thực hiện: lo liệu mọi thủ tục để nhập tịch Mỹ cho Enzo Aguello và giành phần cho Johnny trong một bộ phim chiến tranh quan trọng. Kể từ đó, Enzo trở nên người bạn trung thành, tin cậy, từng sát cánh với Michael ở bệnh viện, tay không vũ khí, khi hai chiếc xe chở đầy người chạy tới tìm giết Vito, một hành động dũng cảm mà có lẽ nhờ đó đã
cứu được mạng sống cho Ông Trùm. Còn Johnny Fontane đã làm được gì để gọi là đền ơn đáp nghĩa cho nhà Corleones?
Chưa ai từng ấn mũi súng vào đầu Johnny để buộc anh kí hợp đồng với Les Halley Orchestra, thế nhưng Vito Corleone đã phải gửi một người đến dí mũi súng vào đầu Halley để buộc tay này chịu hủy hợp đồng cho Fontane. Nhà Corleones đã buộc Jack Woltz phân vai cho Fontane trong bộ phim chiến tranh đó, bộ phim lẽ ra Johnny đã được phân vai chính ngay từ đầu nếu phải chi anh chàng đừng có nô giỡn với nàng xì -tác -lét mà Wolt, nhà sản xuất, đang mê đắm. Hagen rùng mình. Sau những cuộc ám sát biết bao nhiêu người, điều còn đọng lại với anh trong những cơn ác mộng là hình ảnh Luca cầm một thanh đại đao chém bay đầu con ngựa đua trị giá hàng triệu đô của Woltz rồi treo cái đầu ngựa đó nơi phòng ngủ của lão ta. Tại sao cảnh tượng đó cứ ám ảnh anh mãi? Mà thật ra anh chưa từng tận mắt chứng kiến những hình ảnh đó. Chỉ là qua lời kể của người khác. Và chuyện đó ngay cả Johnny cũng không hề biết, bởi vì Woltz, như được chờ đợi, đã bưng bít, ỉm đi chuyện đó. Một tặng phẩm khác từ nhà Corleone: ngu si hưởng thái bình (The blessings of ignorance). Nhà Corleones còn mua cho Fontane Giải thưởng Hàn lâm viện Điện ảnh Hoa kỳ. Bao nhiêu là ân nghĩa, và đấy, anh ta đã đền đáp như thế?
Độ yên lặng trong căn phòng như dày thêm lên, như cô đặc lại.
Fontane chuyển trọng lượng cơ thể từ chân này sang chân kia. Chàng ta có thực sự nghĩ rằng mình có thể thắng trong cuộc chiến cân não (a battle of nerves) với Michael Corleone?
Cuối cùng, Fontane xì ra một hơi thở sâu. “Được rồi, nhưng đây là điều thứ nhì.” Anh ta chỉ vào cổ họng mình. “Tôi rất, rất tiếc, nhưng tôi không nghĩ rằng tiếp tục, đối với tôi, là một ý tưởng hay.”
Michael chỉ nói gọn” Đúng vậy không?”
Clemenza nhếch môi và búng một que tăm đã mềm oặt vì thấm đẫm nước bọt bay xẹt qua lỗ tai Fontane. “Tôi nghĩ ông bạn bác sĩ của Fredo xác định chuyện đó. Cổ họng của anh. Anh chàng bác sĩ người Do thái, tên anh ta là gì nhỉ. Jules Stein?”
“Jules Segal,” Johnny chỉnh lại. “Đúng, anh ấy đã xác định.” Chàng ta nhìn quanh phòng. “Chuyện này nhắc nhở tôi. Các bạn có thấy Fredo? Tôi có món quà cho cậu ta. Món quà từ chính tôi.”
“Máy bay của anh ấy bị hoãn lại,” Hagen nói.
Fontane nhún vai. “Phải đợi, tôi đoán thế,” anh nói. “Xem nào, các bạn, các bạn biết tôi mà. Tôi là người chuyên nghiệp.” Tiếng thì thầm kiểu sân khấu làm cho anh chàng giống như một phụ nữ làm thế để dụ đàn ông lại gần hơn. “Giong tôi vẫn tốt, nhưng cổ họng tôi?” Anh lắc đầu. “Không còn được trăm phần trăm. Ngay dầu thế, tôi vẫn thực hiện mấy sô ở đây. Hôm nay tôi có một cuộc thu âm rất tuyệt ở Los Angeles. Nhưng điều khó khăn là chỗ này. Trên chuyến bay trở về đây, tôi đã chìm vào giấc ngủ. Và khi thức giấc, cổ họng tôi đau khủng khiếp. Nên tôi đang nghĩ -”
“Sai lầm đầu tiên của anh chính là chỗ đó,” Clemenza nói.
“ -Tôi phải súc họng với nước muối và đi ngủ. Tôi không tốt trong tình trạng này.”
“Tôi mạn phép,” Fontane nói, “gọi Buzz Fratello. Anh ấy và Dotty tối nay không có sô diễn. Họ có thể trình diễn thay cho tôi. Thực tế là họ đang trên đường đến đây ngay bây giờ..”
“Thế à?” Clemenza hỏi, có vẻ chịu ấn tượng. “Càng thấy anh chàng Buzz đó, tôi càng thích anh ta.”
“Không được đâu, Johnny,” Hal nói. Anh chàng này không được mời vào trong phòng và, giống như Neri, đứng ngay ngoài hành lang. “Buzz Fratello và Dotty Ames còn vướng trong hợp đồng độc quyền với Kasbah do bộ sậu Chicago kiểm soát mà.”
“Họ không bắt đầu ở đó cho đến cuối tuần tới. Còn ở đây chỉ là một sô diễn riêng tư, trong vòng thân mật, đúng không nào? Một party toàn bạn bè, người thân. Chuyện này đâu khác gì ai đó hát với nhau cùng ai đó rồi cùng nghe và cùng vỗ tay khen nhau. Như thế đâu có gì là vi phạm hợp đồng.”
Michael vẫn yên lặng, bất động như tượng nhân sư, đôi mắt nhìn bằng tia hội tụ, xoáy vào Fontane, không chớp. Sau một khoảng thời gian rất lâu, Michael ngồi thẳng người lên, chạm các đầu ngón tay úp vào nhau chống hàm, một động tác giống hệt động tác của Ông Trùm quá cố khiến Hagen lạnh người.
“Mike,” Fontane nói. “Michael.” Chàng ta tiến thoái lưỡng nan, ấp úng, lúng túng như gà mắc tóc. Dầu sao thì cũng phải trao cái này cho hắn ta. Nếu là người khác có lẽ đã đi lòng vòng và nhìn vào những người trong phòng, cố gắng đọc bất kỳ thứ gì có thể đọc được từ những khuôn mặt ít bí hiểm hơn. Chàng ta cũng có thể nói ra một nhận xét hóm hỉnh, một lời đùa dí dỏm, thâm thúy - vốn là một năng khiếu của Fontane, được bộc lộ trong đa số thời gian. Nhưng Johnny giữ vững vị trí. “Don Corleone. Tôi rất tôn trọng ông. Tôi chỉ có ý nói như thế. Nhưng còn chuyện này? Chỉ là một sô diễn thôi mà.”
Michael gấp tay lại để lên bàn. Anh không nháy mắt. Cuối cùng anh đằng hắng. Sau một khoảng lặng kéo dài, điều này gây nên hiệu ứng của một phát súng.
“Nhà ngươi có làm gì,” Michael nói, “cũng chẳng liên quan đến ta. Đi ra.”
Bố Già Trở Lại! Bố Già Trở Lại! - Mark Winegardner Bố Già Trở Lại!