With compassion you can die for other people, like the mother who can die for her child. You have the courage to say it because you are not afraid of losing anything, because you know that understanding and love is the foundation of happiness. But if you have fear of losing your status, your position, you will not have the courage to do it.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Godfather
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Biên tập: Open Heineken
Upload bìa: Open Heineken
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 49
Cập nhật: 2023-11-05 19:16:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ại úy Mark McCluskey đang ngồi trong văn phòng, mân mê ba bao thư dầy cộm phiếu đề. Lão nhăn nhó ước chi giải mã được những ký hiệu ghi đề. Những phiếu này là do toán đi càn của lão hốt được từ một ổ đề thuộc đường dây nhà Corleone đêm hôm qua. Chắc chắn đám thầu đề phải chuộc lại, mới có cơ sở để chung chi cho mấy tay chơi chứ.
Điều quan trọng là nếu lão giải mã được những con số, lão mới không bị tụi chủ đề "ăn gian". Vì nếu tổng số tiền ghi là năm chục ngàn đô chẳng hạn, lão sẽ bắt chuộc giá năm ngàn là vừa đẹp. Nhưng lỡ là một trăm hoặc hai trăm thì sao? Lão bị qua mặt à? Lão quyết định cứ để cho đám chủ đề lo sốt vó, toát mồ hôi hột, rồi thế nào chẳng phải chạy tới lão năn nỉ, ra giá.
Lão ngó đồng hồ treo tường, đã tới giờ đón thằng Thổ Sollozzo đến điểm họp với cánh nhà Corleone. Lão mở tủ áo, thay đồ dân sự. Rồi lão gọi vợ, dặn lão không ăn tối ở nhà, bận công tác. Lão chẳng bao giờ tin vào mụ vợ, nên mụ mù tịt chuyện mánh mung riêng của lão, cứ đinh ninh tiền bạc chi tiêu đều do đồng lương chân chính cả. Lão thú vị nghĩ ngày xưa mẹ lão cũng ngây thơ tin tưởng ông già của lão như vậy. Còn lão đã học nghề "ăn mảnh" từ ngày còn bé. Chính ông già lão đã dẫn dắt cậu con.
Bố lão là một trung sĩ cảnh sát. Mỗi cuối tuần McCluskey bố lại dẫn McCluskey con đi vòng vòng mấy cửa hàng giới thiệu "đứa con lên sáu của tôi". Các chủ hàng bắt tay, khen cậu bé con ông đội rối rít, "lì xì" cậu tờ năm hoặc tờ mười đô. Cuối ngày, túi cậu phồng lên vì tiền giấy. Cậu hãnh diện vì bạn bè bố quá tốt, tháng nào cũng lì xì. Nhưng ông bố tịch thu hết, gửi ngân hàng, để dành cho con mai kia vào đại học, bé Mark chỉ được bố cho lại nhiều nhất là năm mươi xu.
Mỗi khi các chú đồng nghiệp của bố hỏi, lớn lên làm gì, bé Mark hào hứng la to: "Làm cảnh sát", làm mọi người cười rầm rầm. Mê nghề từ tuổi
còn thơ như thế, nên dù ông đội ao ước cả đời một cậu con sinh viên, nhưng vừa qua khỏi trung học, McCluskey nhào ngay vào ngành cảnh sát.
McCluskey từng là một anh cớm dũng cảm, tận tâm. Mấy thằng ma cà bông cát cứ đầu đường, góc phố lỉnh ngay khi thấy nó xuất hiện, mấy vụ thanh toán đánh lộn từ từ cũng biến hết. Nó là một tay cớm rất ngầu, nhưng cũng là tên sòng phẳng, chơi đẹp. Nó không hề chơi trò của bố xưa kia, dắt con đi vòng vòng, kiếm tiền lì xì, để làm lơ những vụ vi phạm vệ sinh công cộng, hay đậu xe không đúng chỗ, mà chính nó trực tiếp nhận tiền. Nó thấy xứng đáng với những đồng tiền đó. Những khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, nhất là những đêm đông lạnh giá, nó không bao giờ chui vào rạp chiếu phim hay là đà vào nhà hàng để ăn ké như nhiều anh cớm khác. Nó tận tình bảo vệ những nhà hàng, quán ăn trong khu vực. Nó trị những thằng say xỉn đánh lộn, đập phá thẳng tay đến nỗi mấy trự chuyên mượn hơi men gây lộn xộn không còn dám bén mảng trở lại nữa. Dân làm ăn trong khu vực rất biết ơn McCluskey và đương nhiên là có đền đáp công ơn đó.
Nó cũng rất tuân thủ luật chơi. Dân ghi số đề trong khu vực kiểm soát của nó chưa bao giờ bị gây khó dễ để vòi vĩnh thêm phần riêng. Nó nhận phần cũng bằng mấy tay đồng nghiệp kia thôi. Nghĩa là nó có ăn, nhưng ăn sạch. Về nghề nghiệp thì tiến triển rất khả quan.
Trong thời gian này McCluskey lấy vợ, lần lượt cho chào đời bốn thằng con trai, không thằng nào nối nghiệp cha ông trong ngành cảnh sát. Trong lúc bốn con vào đại học Fordham, ông bố tà tà từ trung sĩ lên lon thiếu úy, cuối cùng là đại úy, lão không để con cái thiếu thốn bất cứ thứ gì. Đây cũng là thời điểm McCluskey nổi tiếng "ăn" sát nút luôn. Tụi làm đề trong khu vực của nó phải chi tiền bảo kê nhiều hơn khu khác nhiều. Có lẽ do những phát sinh cho bốn chàng sinh viên của lão, tốn kém quá.
Lão cảm thấy chẳng có gì là có lỗi trong chuyện "đớp" bạo này, lỗi là do Sở cảnh sát trả lương bèo quá, không đủ để người ta lo cho gia đình, con
cái đàng hoàng. Nó phải bảo vệ đám làm ăn bằng cả mạng sống, chống trả lại đám lưu manh, cô hồn. Nó phải hạ cho tụi nó sát ván để giữ bình yên cho khu phố, chỉ để được lãnh đồng lương chết đói. Nhưng lão không phẫn nộ vì đồng lương thấp kém, lão hiểu ai cũng phải tự lo cho mình.
Thằng Bruno Tattaglia là bạn trong đại học của một trong mấy đứa con lão. Từ khi thằng Bruno mở quán, mỗi lần gia đình McCluskey có tiệc tùng, lễ lạt gì lại kéo tới quán của Bruno. Dịp Năm mới, bao giờ cũng có thiệp mời và được dành một bàn xịn nhất. Bruno luôn giới thiệu gia đình lão với những người danh tiếng, kể cả những ca sĩ, những ngôi sao lẫy lừng của Hollywood. Tất nhiên đôi khi Bruno cũng nhờ vả vài chuyện nhỏ, thường là giấy phép hành nghề cho mấy nhỏ vũ nữ đã có hồ sơ trong cảnh sát về tội trộm cắp, cờ gian bạc lận. McCluskey rất sẵn lòng giúp đỡ.
Quy tắc của McCluskey là không hề tỏ ra "tôi biết anh làm gì". Như khi Sollozzo nhờ lão dọn sạch hàng rào bảo vệ lão già Corleone trong bệnh viện, McCluskey chẳng hề thắc mắc hỏi "Tại sao?" mà hỏi "Bao nhiêu?". Sollozzo đưa giá mười ngàn. McCluskey hiểu ngay, nhưng chẳng hề áy náy. Vì thằng già Corleone này là một trong những Trùm xã hội đen lớn nhất xứ, thì kẻ nào diệt được lão cũng coi như làm một nghĩa cử có ích cho đất nước. McCluskey nhận tiền đặt cọc, tiếp tay cho Sollozzo. Vì thế lão mới tức điên lên khi Sollozzo báo cho lão biết vẫn còn hai thằng nhà Corleone xớ rớ trong bệnh viện. Số tiền mười ngàn đô la đặt cọc, lão đã gửi tiết kiệm để dành cho việc học hành của bầy cháu nội, nay phải nhả ra, vì việc không xong. Trong cơn giận dữ lão phóng tới bệnh viện và đập cho thằng con út nhà Corleone vỡ quai hàm.
Nhưng mọi chuyện cũng được thu xếp êm đẹp. Lão đã gặp gỡ Sollozzo tại quán nhà Tattaglia, hai lão lên một kế hoạch còn ngon lành hơn. Lần này McCluskey cũng không hỏi "Tại sao", vì lão đã thừa biết câu trả lời, và cũng như mọi khi, lão chỉ hỏi giá cả của lão. Chuyện hiểm nguy thì lão chấp. Thịt một đại úy cảnh sát của thành phố New York là chuyện mơ cũng
không bao giờ xảy ra. Những thằng ngầu nhất trong băng đảng Mafia khi đụng cảnh sát tuần tra cũng chỉ đành đứng chết trân chịu đòn, bố bảo cũng không dám chống lại đại diện pháp luật. Hạ một thằng cớm đã chẳng lợi lộc gì, mà ngay lập tức đám anh chị bị càn quét, bị giết, bị bắt và sẽ chẳng có thằng nào dám đứng ra can thiệp.
McCluskey thở dài bước ra khỏi Sở cảnh sát, lòng da lão ngổn ngang đủ thứ chuyện phải lo. Chị vợ lão mới chết sau khi đã làm tốn cả đống tiền của lão trong nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư. Bây giờ lão còn tốn thêm mộ tiền ma chay cho bà ta tận quê nhà ở Ái Nhĩ Lan. Mấy ông chú, bà cô của lão cũng từ quê cũ nay gửi thư, mai gửi thư xin tiền để vun đắp cho mấy trại trồng khoai tây của họ. Lão vẫn vui vẻ giúp đỡ. Vì thế mà khi về thăm quê, vợ chồng lão được tiếp rước như ông hoàng, bà chúa vậy. Đã hết chiến tranh, lại có món bổng lộc này, lão định mùa hè sẽ về thăm quê chuyến nữa.
McCluskey cho gã thư ký biết nơi lão sắp tới, để nếu có gì cần thiết còn biết nơi liên lạc. Lão thấy chẳng có gì cần thiết phải cảnh giác. Lão vẫn cho rằng Sollozzo chỉ là một tên điểm chỉ của lão, đi gặp hắn để lấy tin tức, có gì phải giấu.
Lão thả bộ mấy đoạn đường, rồi kêu taxi tới điểm hẹn với Sollozzo.
Chính Tom Hagen sắp xếp tất cả vụ trốn ra nước ngoài của Michael, từ giấy thông hành, thẻ thuyền viên giả, con tàu chở hàng sẽ ghé cảng Sicily. Những sứ giả bí mật cấp tốc bay qua Sicily để thu xếp nơi ẩn cư tại một đồi quê của một ông Trùm Mafia.
Sonny lo xe và một tài xế tuyệt đối tin cẩn đón Michael ngay khi nó bước ra khỏi quán, nơi gặp Sollozzo. Chính lão Tessio đích thân làm tài xế. Phải sử dụng một cái xe có vẻ rất tã, nhưng máy móc phải tuyệt hảo. Bảng
số xe tất nhiên là giả. Xong việc, cái xe cũng biến luôn, không để lại chút dấu vết nào.
Michael được Clemenza tập cho cả ngày với khẩu súng nhỏ. Đó là khẩu 22 ly, với những viên đạn đặc biệt, xuyên thẳng vào cơ thể, rồi nổ bung tạo thành những lỗ hổng toác hoác. Michael thấy khẩu súng không được chính xác khi nhắm bắn mục tiêu trên năm bước. Cò súng hơi cứng, Clemenza đã phải chỉnh lại để bóp nhẹ hơn. Họ quyết không xài hãm thanh, phòng khi có tay ngoại cuộc nào nổi máu anh hùng, nhào vào can thiệp. Tiếng nổ lớn, làm mọi người hoảng vía chạy xa khỏi Michael.
Suốt buổi tập, Clemenza luôn nhắc nhở Michael:
– Xong việc, mày phải buông súng xuống ngay. Xuôi tay cặp bên hông, thả cho súng trôi xuống, như vậy không ai nhận ra, chúng tưởng tay mày vẫn cầm súng. Vì chúng chỉ chăm chăm nhìn mặt mày. Dời nơi đó gấp, nhưng không được chạy. Đừng nhìn thẳng mắt đứa nào nhưng không được quay đi chỗ khác. Hãy nhớ rằng lúc đó chúng sợ mày chết khiếp, hãy tin tao, không thằng nào dám can thiệp đâu. Ra tới ngoài đã có Tessio chờ sẵn. Vào xe rồi, mọi phần hành còn lại là của ông ấy. Đừng lo gì hết. Mày sẽ thấy mọi chuyện rất ngon lành. Nào, đội cái mũ này lên, thử xem trông mày ra sao.
Lão chụp cái mũ nỉ xám lên đầu Michael. Nó nhăn mặt, vì cả đời chẳng bao giờ đội mũ. Clemenza bảo:
– Mày phải đội mũ để người ta khó nhận diện, nhiều khi cũng là cái cớ để nhân chứng thay đổi lời khai, sau khi đã được chúng ta "khai sáng" cho. Mike, mày đừng lo dấu tay. Bá và cò súng đã được bôi một chất đặc biệt. Nhớ đừng đụng vào những phần khác.
Michael hỏi:
– Sonny đã biết điểm cháu phải gặp tụi nó chưa? Clemenza nhún vai:
– Chưa. Thằng Sollozzo cẩn trọng lắm. Nhưng đừng lo vụ nó hại được mày. Thằng sứ giả ở trong tay ta. Có chuyện xảy ra cho mày, thằng kia bị trả giá ngay.
Michael hỏi:
– Lý do gì nó đưa đầu ra lãnh đạn vậy? Clemenza cho biết:
– Vì tiền. Nó sẽ được một gia tài nho nhỏ đấy. Vì nó cũng là một tay quan trọng của gia đình bên kia, nó biết thằng Sollozzo không dám thí mạng nó đâu. Đơn giản là mạng mày, đối với Sollozzo, không đáng giá bằng thằng sứ giả, nên mày sẽ được an toàn. Sau đó chỉ có tụi tao là lãnh đủ.
Michael hỏi:
– Tệ lắm không? Clemenza trả lời:
– Rất tệ. Nghĩa là sẽ có cuộc chiến công khai của nhà Tattaglia đánh lại nhà Corleone. Và hầu hết những phe khác sẽ ngả về phe Tattaglia. Công ty vệ sinh thành phố sẽ bận rộn hột xác mùa đông này. Những chuyện như thế này, hầu như cứ mười năm lại phải xảy ra một lần. Cũng là dịp để quét bỏ tụi máu dơ bẩn. Nhân nhượng chúng chuyện nhỏ, chúng sẽ được đà lấn lướt ta. Phải chặt từ lúc mới manh nha. Nếu người ta chặn tên độc tài Hitler ngay từ lúc đầu ở Munich, thì sau này nhân loại đầu đến nỗi thống khổ vì nó.
Michael đã nghe Bố Già nói điều này vào năm 1939, trước chiến tranh thế giới II. Nó cười cười nghĩ, nếu gia đình Corleone nắm chính quyền chắc chẳng bao giờ có cuộc chiến tàn khốc đó.
Hai người lái xe về nhà Ông Trùm, nơi Sonny đặt bộ chỉ huy. Michael thấy Sonny đang ngủ khò trên trường kỷ, một bàn nhỏ kế bên còn vương
vãi bánh mì, mấy miếng thịt bò và nửa chai Whisky. Văn phòng Bố Già lúc nào cũng ngăn nắp sạch bóng, giờ bừa bãi như một buồng kho. Nó lay ông anh cả dậy:
– Sao bừa bộn, dơ dáy quá vậy. Dọn dẹp đi chứ. Sonny vừa ngáp vừa bảo:
– Mày làm thanh tra vệ sinh đó à? Mike, mày có biết cho đến lúc này mình vẫn chưa biết một tí gì về kế hoạch của hai thằng khốn kiếp Sollozzo và McCluskey không? Nếu không biết chúng định gặp mày ở đâu, thì làm thế đếch nào để chuồn súng đến tay mày được.
Michael hỏi:
– Em mang trong người được không? Có thể tụi nó không thèm lục xét em đâu. Mà nếu nó mò được, bất quá chúng tịch thu là cùng, chứ gì.
Sonny lắc đầu:
– Không, đã ra tay là phải chắc ăn. Không thể để sẩy thằng Thổ được. Mày nhớ là hạ nó trước. Thằng đại úy già chậm chạp và ngốc hơn nó nhiều. Mày dư thì giờ chơi sau. Chú Clemenza đã dặn mày phải bỏ súng ngay sau khi xong việc chưa?
– Cả triệu lần rồi. – Michael nói. Sonny đứng dậy, hỏi em:
– Còn quai hàm mày, sao rồi nhóc?
– Tệ lắm
Michael nói cụt ngủn. Hàm bên trái nó nhức nhối, chỉ trừ phần gây tê bị kẹp lại. Nó cầm chai rượu tu một ngụm cho bớt đau.
Sonny bảo:
– Vừa thôi, nhóc, bây giờ không phải lúc say xỉn đâu.
Michael nổi quạu:
– Ôi, trời đất, anh dẹp cái giọng huynh trưởng đi cho tôi nhờ. Tôi đã từng chiến đấu với những đứa chì hơn thằng Sollozzo gấp bội. Trong một tình trạng gay go hơn nhiều. Bộ thằng Sollozzo có súng cối, phòng không, pháo binh, địa lôi à? Nó chỉ là một thằng chó đẻ láu cá. Kẻ nào một khi có quyết tâm thịt nó là nó phải chết. Quyết tâm, rõ chưa? Đó mới là vấn đề chính yếu.
Tom Hagen vào phòng, gật đầu chào mọi người, rồi tiến thẳng tới cái điện thoại xài số giả. Nó gọi mấy lần nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính xác điểm gặp Sollozzo.
Chợt tiếng chuông điện thoại reo lên, Sonny cầm ống nghe, một tay đưa lên ra dấu cho mọi người im lặng, nó ghi vội vào cuốn sổ, trả lời đầu kia:
– OK. Michael sẽ có mặt tại đó, rồi nó gác máy. Sonny phá lên cười, bảo:
– Thằng chó đẻ Sollozzo gớm thật. Đây, chương trình của nó. Tám giờ tối nay, nó và thằng đại úy sẽ bốc Mike trước cửa quán Dempsey ở Broadway. Rồi đưa Mike đến một nơi khác nói chuyện. Mike và thằng Thổ sẽ nói bằng tiếng Ý, để thằng cớm Ái Nhĩ Lan không hiểu con mẹ gì hết. Nó bảo tao đừng ngại, vì nó biết thằng cha đại úy mù tịt tiếng Ý, trừ một tiếng "soldi" (lính), nó còn biết cả thằng Mike nói được thổ ngữ Sicily nữa kìa.
Michael bảo:
– Tôi cũng quên gần hết rồi. Nhưng có gì đâu để nói dài dòng. Tom Hagen hỏi:
– Theo thỏa thuận, nếu chúng ta chưa nắm được thằng sứ giả thì không để Mike đi, phải không?
Clemenza gật đầu:
– Nó đang ở nhà tao, đánh bài với ba thằng đàn em tao. Ba thằng em tao chỉ thả nó về khi nào có điện thoại tao ra lệnh.
Sonny thả mình xuống cái ghế bành:
– Nào, bây giờ làm thế chó nào biết được điểm nó dẫn thằng Mike tới chứ? Tom, mình có mật thám bên nhà Tattaglia, sao nó không cho mình biết được tí gì vậy?
Hagen nhún vai:
– Thằng Sollozzo khôn thật. Nó kín như bưng, đến nỗi không xài bất kỳ thằng nào làm vệ sĩ. Thêm người rách việc. Nó thấy chỉ một lão đại úy là quá đủ. Sự an toàn còn quan trọng hơn súng đạn. Chắc chúng ta phải cho người bám đuôi thằng Mike, rồi tùy cơ ứng biến.
Sonny lắc đầu:
– Không được. Việc đầu tiên là chúng nó phải kiểm tra xem có bị theo dõi không. Cắt đuôi chẳng khó khăn gì.
Lúc đó đã là năm giờ chiều, Sonny lo lắng bảo:
– Hay mình để Mike bắn nát cái xe đón nó. Hagen lắc đầu:
Lỡ trên xe không có thằng Sollozzo thì sao? Mình tốn bao công của, vô ích à? Tiên sư nó, mình phải tìm cho ra nó định đưa thằng Mike tới đâu.
Clemenza chợt nói:
– Có lẽ mình nên bắt đầu bằng cách cố tìm hiểu lý do tại sao nó làm vụ này quá bí mật như vậy.
Michael nóng nảy nói:
– Vì bí mật có lợi cho nó. Tại sao nó phải cho ta biết bất kỳ điều gì mà nó có thể giấu được chứ? Ngoài ra nó đánh hơi thấy mùi nguy hiểm. Đôi mắt tinh quái của nó đảo khắp hướng, cho dù có thằng đại úy sát bên như cái bóng.
Hagen búng ngón tay rồi nói:
– Đúng rồi. Thằng cảnh sát đó, thằng Phillips ấy mà. Tại sao mày không gọi cho nó, Sonny? Có thể nó tìm ra Sếp nó đi đâu. Thử coi. Vì lão cớm này có khi nào giấu ai lão đi đâu bao giờ.
Sonny bốc điện thoại quay số. Nó nói nhỏ, rồi gác máy, bảo:
– Nó sẽ gọi lại.
– Cả bọn chờ chừng nửa giờ thì có tiếng chuông điện thoại. Chính là phôn của Phillips. Sonny ghi chép vào sổ, rồi gác máy. Mặt nó căng thẳng:
– Có rồi. Lão đại úy luôn cho nhân viên biết lão đi đâu để tiện bề liên lạc. Từ tám tới mười giờ đêm nay, lão có mặt tại quán Luna Azure trên phố Bronx. Có ai biết quán đó không?
Tessio bảo:
– Tao biết. Điểm đó rất hoàn hảo cho việc của ta. buồng ngăn, rất tiện bàn việc riêng tư.
Lão nghiêng mình trên bàn, lấy những điếu thuốc xếp một bản sơ đồ:
– Đây là lối vào. Mike, xong việc mày bước ra khỏi quán ngay, rẽ phải, rồi rẽ nơi góc phố. Tao sẽ bật đèn xe ra dấu cho mày, bốc mày vọt ngay. Nếu có gì rắc rối hãy la lên, tao phóng tới liền. Clemenza, bắt tay vào việc gấp, cho thằng nào đó đến giấu súng cho Mike. Quán đó có một nhà toilet kiểu xưa, có một khe hở giữa vách tường và bồn nước. Bảo người của ông dán khẩu súng ngay sau bồn nước. Mike, trên xe thế nào chúng cũng lục xét mày, thấy mày không vũ khí, chúng sẽ bớt ngại mày. Vào quán được một lúc, mày kiếm cớ đứng dậy. Không được, cứ ngồi im, xin phép đi
toilet. Giả bộ khó chịu đã, phải thật tự nhiên nhé. Đừng để chúng nghi ngờ gì. Nhưng khi trở ra, không được trù trừ, phí thời giờ. Đừng ngồi lại xuống bàn, nổ ngay. Nổ ngay đầu, một thằng hai phát, rồi vọt thật lẹ.
Sonny nghiêm túc lắng nghe, rồi bảo Clemenza:
– Tôi muốn thằng làm việc giấu súng phải là một thằng thật giỏi, thật an toàn. Đừng để thằng em tôi từ toilet ra, trong tay chỉ có mỗi con chim của nó. OK. Tất cả khởi động đi.
Tessio và Clemenza ra khỏi phòng. Tom Hagen hỏi:
– Sonny, tao có nên lái xe đưa thằng Mike đi không? Sonny lắc đầu:
– Không, mày phải ở đây. Tao cần mày, vì xong việc thằng Mike, bắt đầu đến việc tụi mình. Mày lo tụi nhà báo sẵn sàng hết chưa?
Hagen gật:
– Rồi, tao sẽ cung cấp tin tức cho báo ngay sau khi vụ đó nổ ra. Sonny đứng dậy bắt tay Michael:
– OK nhóc, mày ở trên lưng ngựa rồi đó. Tao sẽ tìm cách nói để bà già hiểu vì sao mày đi không kịp chào, tao cũng sẽ báo cho bồ mày biết khi thuận tiện. Được chứ?
Michael hỏi:
– Bao giờ tôi trở về được? Sonny bảo:
– Í t nhất một năm. Hagen lên tiếng:
– Bố có thể thu xếp để mày về sớm hơn, nhưng đừng hy vọng quá. Vì cũng còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Tin tức mình cung cấp cho báo chí có đủ
thuyết phục không. Quyết tâm của cảnh sát đến cỡ nào. Phản ứng của những phe kia có khốc liệt không. Chỉ một điều tao biết chắc là sẽ có đụng độ lớn.
Michael bắt tay Hagen:
– Anh ráng làm mọi cách nhé. Tôi không muốn phải xa nhà ba năm nữa đâu.
Hagen nhẹ nhàng bảo:
– Mike, cậu rút lui lúc này vẫn còn kịp, mình sẽ kiếm người khác thay thế được mà. Có lẽ mình nên thay đổi kế hoạch, không nhất thiết phải triệt thằng Thổ.
Michael cười lớn:
– Mình có thể đưa ra cả đống quan điểm. Nhưng ngay từ đầu chúng ta đã nhất trí chỉ có một phương án này là đúng nhất. Vả lại cả đời tôi đã hưởng của gia đình, phải để tôi trả nợ chứ.
Hagen bảo:
– Mày nên nhớ đây là công việc, chứ không phải chuyện cá nhân. Đừng để cái hàm vỡ của máy ảnh hưởng đến công việc. Đừng chấp thằng đại úy khùng đó.
Lần thứ hai Hagen thấy mặt thằng Michael đóng băng lạnh lùng như mặt nạ, giống Ông Trùm một cách lạ lùng. Nó bảo Hagen:
– Này Tom, đừng để bất kỳ kẻ nào bịp anh chứ. Từng chuyện nhỏ trong công việc đều là chuyện cá nhân cả đấy. Mỗi chuyện thối hoắc hàng ngày con người phải gánh chịu đều là chuyện cá nhân. Phải, thiên hạ gọi là công việc, nhưng đều là chuyện cá nhân. Anh biết tôi học điều đó từ đâu không? Từ Ông Trùm, Bố Già, cha tôi đó. Nếu sét có đánh bạn ông, ông cũng cảm thấy trách nhiệm của cá nhân ông. Việc tôi đi lính thủy quân lục chiến ông cũng đón nhận như chuyện riêng ông. Chuyện công, tư là một. Vì thế ông
mới là người vĩ đại. Và anh biết không, tai nạn không xảy ra cho những kẻ coi tai nạn như một sỉ nhục cá nhân. Tôi nhập cuộc trễ thật đấy, nhưng tôi sẽ đi tới cùng. Đúng, vụ nó đập bể quai hàm tôi, tôi coi như chuyện tư thù. Cũng quá đúng khi tôi coi việc thằng Sollozzo rắp tâm giết bố tôi là chuyện cá nhân tôi. Nhờ anh nói lại với ông già là tôi đã học tất cả những điều này từ ông. Tôi sung sướng có dịp đền đáp lại công ơn của bố. Vì ông là một người cha tuyệt vời.
Nó ngừng lại một lúc, rồi trầm ngâm hỏi Hagen:
– Anh biết không, tôi nhớ là chưa bao giờ bố đánh tôi, Sonny hay Fred. Tất nhiên cả Connie nữa, thậm chí chưa bao giờ ông la rầy nó. Anh Tom, hãy nói thật cho tôi biết, phỏng chừng ông già tôi đã giết bao nhiêu mạng rồi?
Hagen quay đi, nói:
– Tôi cho cậu biết một điều cậu đã không học được từ ông: nói năng cái kiểu cậu đang nói lúc này. Phải biết rằng có những điều cần làm là làm, không bao giờ nên nói ra. Đừng bao giờ chứng minh, hiện giải. Hãy làm và quên đi.
Michael nhíu mày hỏi:
– Trong vai trò một consigliori, anh đồng ý để thằng Sollozzo sống là rất nguy hiểm cho Ông Trùm và gia đình chứ?
Hagen gật:
– Đúng.
Michael nói:
– Xong. Vậy là tôi phải giết nó.
Michael Corleone đứng chờ phe Sollozzo đến đón trước cửa nhà hàng Jack Dempsey trên phố Broadway. Nó nhìn đồng hồ tay, tám giờ thiếu
năm rồi. Chắc chắn Sollozzo sẽ tới đúng giờ.
Ngồi trên xe suốt đoạn đường từ nhà vào thành phố, Michael ráng quên những lời đã nói với Hagen. Vì nếu nó thật tình tin vào những điều đó, thì cuộc đời nó sẽ bị an bài trong một dòng chảy chẳng thể đổi thay. Sau đêm nay đời nó sẽ ra sao? Nhưng nếu nó cứ nghĩ vớ vẩn thế này, không tập trung vào việc trước mắt, rất có thể nó sẽ bị chết ngay đêm nay. Vì thằng Sollozzo đâu có ngốc, lão đại úy là một thằng rất cô hồn. Nó mừng vì cái hàm bị kẹp lên cơn nhức nhối, làm nó quan tâm lại công việc.
Vào buổi tối mùa đông lạnh lẽo này, đường phố Broadway thưa thớt, mặc dù sắp tới giờ rạp hát trình diễn. Michael lùi lại, khi một chiếc xe đen rề lại sát lề đường, tên lái xe nghiêng mình mở cửa trước, bảo:
– Lên đi, Mike. Tài xế là một thằng trẻ tuổi, tóc đen, áo sơ mi phanh ngực. Michael chui vào xe. Sollozzo và thằng cha đại úy ngồi lù lù ngay băng sau.
Sollozzo với tay lên, bắt tay Michael. Bàn tay hắn ấm, cứng cáp và khô ráo. Sollozzo lên tiếng:
– Tôi mừng thấy anh tới, Mike ạ. Hy vọng chúng ta sẽ thẳng thắn giải quyết mọi vấn đề. Tôi thật tình không muốn những chuyện khủng khiếp như thế xảy ra.
Michael lặng lẽ nói:
– Tôi cũng hy vọng chúng ta dàn xếp hết mọi chuyện đêm nay. Tôi không muốn bố tôi bị quấy rầy nữa.
Sollozzo nói vẻ thành thật:
– Không đời nào. Tôi thề trên linh hồn các con tôi, không ai dám làm phiền ông già nữa. Hãy nói chuyện cởi mở với nhau. Tôi mong anh không nóng nảy như ông anh Sonny. Không thể bàn công việc với Sonny được.
Lão đại uý làu bàu:
– Thằng này được, tốt đấy chứ. – Lão thân mật vỗ vai Michael, bảo:
– Mike à, tao rất tiếc chuyện đêm qua. Già rồi đâm ra trái tính. Chắc tao phải xin về hưu sớm. Không thể chịu nổi áp lực suốt ngày, lúc nào đầu óc cũng căng thẳng.
Rồi lão rầu rĩ thở dài, đưa tay lần mò khám xét khắp người Mike. Michael thấy thằng tài xế thoáng mỉm cười.
Chiếc xe tiến về xa lộ miền Tây, lúc lách phải, lúc qua trái. Nếu có xe bám đuôi là bị phát hiện ngay. Michael bỗng hoảng hồn thấy xe chạy lối tắt về cầu George Washington, rồi tiến về New Jersey. Thằng nào cho tin Sonny, chắc tin dởm quá.
Xe phóng lên cầu, tiếp tục bỏ lại thành phố rực rỡ ánh đèn phía sau. Michael ráng giữ vẻ bình thản. Chúng định đem mình ném xuống đầm lầy hay sao đây? Hoặc thằng Thổ quỷ quyệt này đổi địa điểm vào phút chót. Nhưng gần tới ngã tư, thằng tài xế bẻ ngoặt tay lái, chiếc xe chồm lên, bay qua làn ranh, quay ngoắt đầu trở lại hướng New York. Cả Sollozzo và McCluskey ngoái lại sau, coi có xe nào cũng trở đầu xe thình lình như vậy không. Qua khỏi cầu, xe tiến thẳng về East Bronx. Lúc đó đã gần chín giờ. Chúng đã yên tâm và không có xe nào bám đuôi theo, Sollozzo mồi điếu thuốc, rồi đưa gói thuốc mời McCluskey và Michael, cả hai đều từ chối. Sollozzo bảo thằng tài xế:
– Khá lắm.
Mười phút sau, xe ngừng trước một quán ăn tại một khu ngoại ô của dân Ý. Trên đường phố vắng hoe, trong quán chỉ còn vài thực khách. Michael đã ngại là tên tài xế cùng vào quán, nhưng gã này ngồi lại xe. Thằng làm sứ giả không hề nhắc tới việc tụi này đem theo tài xế, như vậy trên lý thuyết, Sollozzo đã phạm hợp đồng, nhưng Michael lờ đi. Nói ra chúng tưởng mình sợ.
Sollozzo không chịu ngồi trong phòng có vách ngăn, cả ba ngồi ngay phòng ăn, quanh một bàn tròn. Trong quán chỉ có hai người khách khác nữa. Michael tự hỏi sự vắng vẻ này không biết có phải nằm trong kế hoạch của Sollozzo không?
Lão đại úy tỏ vẻ chỉ quan tâm "chẳng biết món ăn Ý ở quán này có khá không". Sollozzo khuyên lão nên gọi món thịt bê, vì thịt bê ở đây ngon nhất New York. Tên bồi độc nhất trong quán bưng đến chai rượu vang, mở nắp rót đầy ba ly. Điều ngạc nhiên là lão McCluskey lại không uống rượu. Lão bảo:
– Chắc tớ là tên Ái Nhĩ Lan duy nhất không say xỉn. Tớ nhìn thấy nhiều thằng rất khá, thế mà thân bại danh liệt chỉ vì say xỉn rồi.
Sollozzo nói với lão:
– Tôi sẽ nói chuyện với Mike bằng tiếng Ý. Chẳng phải vì tôi không tin ông, nhưng vì tôi không thể nói rõ ràng hết bằng tiếng Anh được, mà tôi lại rất cần phải thuyết phục Mike để anh ấy hiểu. Nếu đêm nay chúng tôi đồng ý với nhau, mọi người đều có lợi. Ông thông cảm, đừng phiền tôi nhé.
Lão đại úy cười xòa:
– Phiền gì đâu. Hai người cứ thoải mái chuyện trò. Tớ chỉ tập trung vào dĩa thịt bê, mì sợi này thôi.
Sollozzo bắt đầu nói, lão nói bằng thổ ngữ Sicily thật lẹ:
– Anh nên hiểu rằng tất cả những chuyện xảy ra giữa ông già anh và tôi hoàn toàn chỉ vì công việc. Tôi thật lòng rất kính nể Ông Trùm, ước mong được có dịp làm việc dưới quyền ông. Nhưng anh cũng phải hiểu là ông già tồn cổ quá. Ông không chịu được sự tiến bộ, đổi mới. Việc tôi đeo đuổi rất có tương lai, mỗi người kiếm được hàng triệu đô la. Nhưng ông già anh ngăn chặn vì những áy náy lương tâm rất vô lý. Mà ông làm vậy là áp đặt những người như tôi. Đúng, tôi biết, ông có bảo tôi "Cứ làm đi, đó là việc
của anh", nhưng chúng ta đều biết ý ông phải không vậy. Thật sự là ông bảo tôi không được làm ăn chuyện đó. Tôi là người kính nể ông thật, nhưng tôi cũng không muốn ai được quyền áp đặt tôi. Có thể cho anh biết, tôi có sự bảo trợ chứ, sự bảo trợ âm thầm của tất cả các Đại Gia ở New York. Gia đình Tattaglia thì đã là đồng sự của tôi. Nếu tiếp tục gây hấn, gia đình Corleone sẽ đơn độc chống lại toàn thể các phe phái khác. Nếu ông già khỏe, thì có thể còn lo nổi. Chứ anh cả của anh không giống như ông, không thể nào cáng đáng nổi. Còn cái thằng cố vấn Hagen gốc Ái Nhĩ Lan kia, làm sao được như ông Genco Abbandando quá cố. Vì vậy tôi đề nghị chúng ta hưu chiến, tạm dẹp hết những hành vi thù địch, chờ khi ông già mạnh lại, có thể đứng ra điều đình, thảo luận. Do sự thúc đẩy và bảo lãnh của tôi, nhà Tattaglia đồng ý bỏ qua vụ thằng con trai Bruno của họ. Chúng ta sẽ có hòa bình, đồng thời tôi có thể tiến hành việc làm ăn. Tôi không yêu cầu các anh cộng tác, nhưng tôi đề nghị các anh, gia đình Corleone, đừng can thiệp vào công việc của tôi. Đó là những đề nghị của tôi. Tôi mong anh có đủ thẩm quyền quyết định và đồng ý với chúng tôi.
Michael cũng nói bằng tiếng Sicily:
– Ông hãy nói rõ hơn đề nghị của ông, bao giờ công việc làm ăn bắt đầu, chính xác gia đình tôi đóng vai trò gì và lời lãi ra sao trong vụ này.
Sollozzo hỏi:
– Vậy là anh muốn biết toàn bộ chi tiết đề nghị làm ăn của tôi à? Michael nghiêm túc nói:
– Điều quan trọng nhất là phải có lời bảo đảm chắc chắn không được hại mạng sống của bố tôi.
Sollozzo giơ hai tay lên than:
– Tôi còn có thể bảo đảm gì với anh nữa. Chính tôi mới là kẻ bị săn lùng mà. Tôi đã lỡ dịp may rồi, đâu làm gì nổi ông già anh nữa. Anh đánh giá tối cao quá đấy, anh bạn ạ. Tôi không khôn ngoan đến thế đâu.
Bây giờ thì Michael biết chắc rằng cuộc đàm phán này chỉ để chúng trì hoãn thời gian vài ngày, cho Sollozzo bày phương án khác hạ ông già. Điều thú vị là thằng Thổ đã đánh giá thấp Mike, coi nó như một thằng nhóc vô tích sự. Michael cảm thấy một luồng khoái cảm ớn lạnh tràn cơ thể. Nó biểu diễn vẻ mặt đau khổ đến nỗi Sollozzo phải hỏi:
– Anh bị sao vậy?
Michael lúng túng nói:
– Tôi cứng bụng vì rượu vang rồi. Tôi đi toilet được chứ a?
Sollozzo đưa đôi mắt đen dò xét khuôn mặt Mike, rồi xích lại gần đưa tay rờ bụng dưới nó, thọc tuốt xuống, mò mẫm chung quanh. Michael làm như phản đối lối mò mẫm kỳ cục đó. Thằng cha đại úy cộc lốc bảo:
– Tao khám rồi. Kinh nghiệm cỡ tao, chỉ rờ qua là biết. Nó không có gì đâu.
Không rõ vì lý do gì, nhưng thằng Sollozzo vẫn cảm thấy không ưa cái trò đi đái bất ngờ này. Nó nhướng mắt ra hiệu cho một thằng đang ngồi bàn đối diện, rồi liếc mắt về phía buồng vệ sinh. Thằng kia nhẹ gật đầu, như báo nó đã kiểm tra rồi, không có ai trong đó. Sollozzo miễn cưỡng bảo Michael đi lẹ lẹ lên, thằng Thổ linh tính có điều bất ổn.
Michael đứng dậy, đi vào toilet. Nó cũng mắc tiểu thật, nên xả vội một phát, rồi mới bước vào ngăn có bàn cầu. Nó đưa tay mò sau bồn nước cho đến khi đụng khẩu súng đã dán bằng băng keo vào thành bồn. Nó gỡ súng, nhớ lời Clemenza dặn không lo dấu tay trên súng, nó nhét luôn vào lưng quần.
Nó rửa tay, vuốt tóc, lấy khăn tay lau núm tắt nước, rồi ra ngoài.
Thằng Sollozzo đang ngồi hướng thẳng về cửa nhà vệ sinh, đôi mắt đen đầy nghi ngại. Michael thở dài như vừa trút được gánh nặng, mỉm cười nói:
– Nào, bây giờ tôi mới thoải mái chuyện trò được đây.
Lão đại úy say mê với dĩa thịt bê, mì sợi. Thằng ngồi phía sát tường, cứng người quan sát từ lúc Michael vào toilet, lúc này có vẻ thoải mái hơn.
Michael nhớ lời Clemenza bảo bước ra là nổ ngay, không được ngồi lại, nhưng không hiểu do linh tính hay vì nhát gan, nó vẫn ngồi xuống ghế, nó có cảm giác, nếu nó có một cử chỉ khác lạ lúc này, nó sẽ bị hạ liền. Ngồi xuống nó thấy an toàn hơn, vì đứng là hai chân run lẩy bẩy.
Sollozzo nghiêng người về phía nó. Michael, nửa thân dưới được che bởi cái bàn, đưa tay xuống mở nút áo vest, mặt tỏ ra chăm chú nghe. Nó chẳng còn hiểu thằng Thổ đang lèm bèm cái gì. Đầu óc nó lùng bùng vì máu dồn lên căng thẳng, tay nó nhẹ nhàng rút súng. Ngay lúc đó thằng bồi tiến lại bàn, để nghe Sollozzo gọi món ăn. Sollozzo quay đầu về phía tên bồi. Michael xô cái bàn ra bằng tay trái, tay phải gí khẩu súng gần sát đầu thằng Thổ, phản ứng của Sollozzo rất nhanh. Nhưng Michael trẻ hơn, nhanh hơn, nó bóp cò liền. Viên đạn trúng ngay thái dương, xuyên qua đầu, nổ bung một lỗ toang hoác thái dương bên kia. Máu và xương sọ của Sollozzo văng tung tóe lên áo tên bồi. Ngay tức thì, Michael biết một nhát là đủ rồi. Sollozzo ngoẹo đầu, ánh sáng của sự sống trong mắt hắn lụn dần như ngọn nến tắt.
Michael quay ngay súng về McCluskey. Tay đại úy cảnh sát đờ đẫn ngạc nhiên, trừng trừng nhìn Sollozzo, như chẳng liên quan gì tới lão. Dường như lão chẳng biết tới mối nguy hiểm đang đến với chính lão. Tay lão vẫn cầm cái nĩa, ghim săn miếng thịt bò, mắt lão liếc về Mike, vẻ mặt lão, ánh mắt lão đầy quả quyết, như lão đang chờ Michael bỏ chạy hay đầu hàng, đúng lúc đó Michael vừa mỉm cười với lão vừa bóp cò súng. Viên đạn đi ngay vào cái cổ họng to như cổ trâu của lão, làm lão ằng ặc nghẹn như nuốt phải miếng thịt bê quá bự, lão sặc lên ho, không khí trước mặt lão hồng lên, như một làn sương mù bằng máu. Lạnh lùng, bình tĩnh, Michael bắn phát thứ hai ngay trên đỉnh đầu tóc bạc của lão.
Michael vụt hướng về gã đang ngồi dựa tường. Thằng này như bị tê liệt, không nhúc nhích được nữa, hai tay để lên bàn, mắt nhìn đi hướng khác. Gã bồi mặt mày khiếp đảm đi giật lùi vào bếp, nhìn Michael không thể tin được những gì đang xảy ra. Xác Sollozzo dựa lên bàn, cái thân nặng nề của McCluskey đã rơi xuống nền nhà. Michael thả khẩu súng khỏi tay, khẩu súng trôi sát người nó xuống sàn, không gây tiếng động. Nó thấy cả thằng ngồi sát tường lẫn thằng bồi đều không nhận ra nó đã buông rơi khẩu súng. Nó tiến ra mở cửa. Chiếc xe của Sollozzo vẫn yên chỗ cũ, nhưng không thấy bóng dáng thằng tài xế đâu. Nó đi về hướng trái, rồi rẽ ngay góc phố. Có ánh đèn pha của xe bật lên. Nó chạy vào xe và chiếc xe lao đi. Nó nhận ra Tessio đang cầm lái, mặt lão đanh lại như đá. Tessio hỏi:
– Mày làm gỏi chúng rồi chứ?
Lão hỏi như Michael vừa đi ngủ với gái vậy. Nó bình thản trả lời:
– Cả hai Lão lại hỏi:
– Chắc ăn chứ?
Michael bảo:
– Hai thằng đều phọt óc.
Michael thay quần áo ngay trong xe. Hai mươi phút sau nó đã ở trên chiếc tàu chở hàng Ý, sẽ cặp bến Sicily. Hai tiếng sau, khi chiếc tàu hướng ra biển, từ trong ca–bin, Michael có thể thấy vùng sáng của thành phố New York hắt lên như lửa địa ngục. Tinh thần nó bỗng hoàn toàn nhẹ nhõm. Nó đã thoát khỏi cái địa ngục kia. Cảm giác giống như lần nó được đưa ra khỏi hòn đảo mà sự đoàn nó tấn công, lúc trận chiến đang tiếp diễn thì nó bị thương nhẹ, rồi được đưa lên thuyền, di chuyển lên tàu bệnh viện. Nó đã có cảm giác vô cùng nhẹ nhõm như lúc này. Nó sẽ không có mặt ở đó, khi đau thương chết chóc xảy ra.
Một ngày sau cái chết của Sollozzo và đại úy McCluskey, tất cả các đồn cảnh sát thành phố New York đều ra lệnh: dẹp hết sòng bạc, đĩ điếm, số đề... cho tới khi bắt được tên sát nhân đã giết đại úy McCluskey. Hàng loạt cuộc bố ráp khắp thành phố. Tất cả những hoạt động bất hợp pháp đều im hơi lặng tiếng.
Mật sự của các Đại Gia đòi hỏi gia đình Corleone phải trao lại tên sát nhân. Họ được trả lời thẳng là chuyện đó không liên quan tới họ. Ngay đêm đó, một chiếc xe phóng ngang và ném bom vào cơ ngơi nhà Corleone ở Long Beach. Cũng đêm đó, hai đàn em nhà Corleone đang bình thản ăn uống trong một nhà hàng Ý ở Greenwich bị giết chết. Cuộc chiến của Ngũ Đại Gia năm 1946 bắt đầu.
Bố Già Bố Già - Mario Puzo Bố Già