Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 9
Chấp hành chỉ thị của ủy ban tỉnh, xã Đạo Thắng thành lập một khẩu đội nữ dân quân tham gia cùng đơn vị cao xạ bảo vệ hai cái cầu đường sắt, đường bộ và một nhà ga nằm trên địa phận của xã. Khẩu đội gồm mười cô. Năm cô của Hợp tác xã Gia Đạo, năm cô của Hợp tác xã Nhân Đạo. Bích, bí thư chi đoàn Gia Đạo được cử làm khẩu đội trưởng. Ăn uống mỗi tháng được huyện cấp cho mỗi cô mười hai cân gạo. Thức ăn thì hai Hợp tác luân phiên nhau từng tháng cung cấp thịt cá, rau củ. Nấu cơm cho tổ dân quân là người của Hợp tác xã Gia Đạo. Các cô gái được trang bị một khẩu trọng liên 14,5 li bốn nòng. Tiểu đoàn cao xạ 13 cử hai người qua giúp huấn luyện cho khẩu đội nữ dân quân và kềm cặp các cô gái chiến đấu bắn trả máy bay Mỹ. Trung uý Phong ba mươi mốt tuổi, hơn Liên, cô gái nhiều tuổi nhất trong khẩu đội nữ dân quân đến sáu tuổi nên Phong thường xưng anh rất ngọt ngào với các cô gái. Còn anh thượng sĩ Đảo hai bốn tuổi tính tình bẽn lẽn như con gái. Mỗi lần các cô gái hỏi là mặt Đảo đỏ bừng, mồm ấp úng trông đến tội nghiệp. Đã thế, thấy Đảo nhút nhát, các cô gái càng trêu già.
Thường lệ từ năm giờ sáng, Phong và Đảo đã có mặt tại trận địa của các cô dân quân. Đơn vị cách đó không xa nên trưa chiều về ăn cơm đơn vị. Tối đến, có khi chín mười giờ đêm mới trở về đơn vị để ngủ. Hôm nay đến bài học nhận dạng các loại máy bay của không quân Mỹ. Phong cầm trên tay mẫu máy bay bằng gỗ nói với các cô gái:
- Các em chú ý nhé. Vừa rồi anh đã giới thiệu cho các em nghe về tính năng của súng trọng liên mười bốn li năm và các bộ phận của súng. Bây giờ anh sẽ giới thiệu cho các em hai loại máy bay phổ biến hiện nay đế quốc Mỹ đang dùng để đánh phá miền Bắc nước ta để các em nhận dạng. Loại anh đang cầm đây là máy bay cường kích F105, có tên gọi khác là Thần Sấm. Máy bay F105 có hai cánh rời ở hai bên thân máy bay như cánh én. Đầu nó rất dài. Nhìn nó chẳng khác gì một con ngỗng đang bay. Thế mạnh của máy bay này là ném bom. Còn không chiến thì không được linh hoạt nên chúng thường có các tốp máy bay tiêm kích yểm trợ.
Phong bỏ chiếc máy bay mẫu trên tay xuống đất và cầm một mẫu máy bay khác lên nói tiếp:
- Còn đây là loại máy bay tiêm kích F4H, có tên gọi nữa là Con Ma.
Các cô gái xì xào. Mơ bảo:
- Khiếp! Toàn ma quỷ thần sấm thần sét nghe mà rợn tóc gáy. Có khi anh Phong bịa ra để dọa chúng mình thì có.
Phong hỏi:
- Có chuyện gì mà các em bàn tán rôm rả thế?
Bích đáp:
- Chúng nó bảo anh bịa ra mấy cái tên Thần Sấm, Con Ma để dọa chúng nó.
Phong cười:
- Thần Sấm, Con Ma là tên gọi của F105 và F4H thật chứ không phải do anh bịa ra đâu. Các em trật tự để nghe anh giới thiệu tiếp nhé. Máy bay F4H là loại máy bay tiêm kích. Thế mạnh của F4H là không chiến với máy bay đối phương. Tuy thế Mỹ cũng thường dùng để ném bom và phóng rốc-két vào các mục tiêu ở dưới mặt đất. Về hình dạng của máy bay F4H cũng rất dễ nhận. Thân nó nhỏ hơn F105, cánh liền nhau thành hình tam giác. Vì trông nó giống cái vỉ ruồi nên có người gọi nó là máy bay vỉ ruồi.
Mơ hỏi giọng nghịch ngợm:
- Ngoài giống vỉ ruồi ra nó còn giống gì nữa không anh Phong?
Phong chưa kịp đáp thì mấy cô gái đấm lưng nhau cười ré lên. Phong hiểu ra cũng cười rồi bảo:
- Còn giống gì nữa thì các em tự biết.
Các cô gái xấu hổ rúc mặt vào lưng nhau cười khúc khích.
Trong số các cô gái dân quân, Mơ là người tinh nghịch và mạnh mồm nhất. Cô hỏi Phong:
- Vậy là mười chúng em thành mười Con Ma rồi anh Phong có sợ không?
Phong cũng không vừa:
- Mười con ma hay hai mươi con ma, lính cao xạ chấp tất. Bây giờ mười cái F4H đã trật tự để nghe tiếp chưa nào?
Nghe Phong gọi thế lại một trận cười nữa nổi lên.
- Thôi nhé, anh nói tiếp đây. Ngoài F105 và F4H ra còn có loại AD6. Loại này chưa thấy xuất hiện trên bầu trời tỉnh ta, có lẽ vì tốc độ của loại máy bay này chậm nên không dám vào sâu trong không phận của ta. Vừa rồi anh đã giới thiệu nhận dạng hai loại máy bay phổ biến mà Mỹ thường dùng để ném bom miền Bắc nước ta. Bây giờ các em nghỉ giải lao mười lăm phút rồi ta vào huấn luyện động tác đánh trả máy bay địch.
Vừa nghe Phong bảo nghỉ giải lao, Hảo và Thược vội vàng kéo tay nhau đứng lên chạy vòng ra sau thành ụ súng.
Mơ:
- Có máy bay đâu mà chúng mày chạy nhanh thế?
Hảo và Thược chẳng nói gì ngồi sụp xuống phía sau ụ súng. Phong ngồi cạnh Bích bảo:
- Em phải nói với Ban quản trị Hợp tác cử người ra làm cho các em chỗ đi vệ sinh. Các em ở trận địa này còn lâu dài, không thể tạm bợ như thế được.
- Em cũng định mượn cuốc xẻng ra tự làm lấy chứ chẳng phải nhờ Hợp tác.
- Không phải chỉ làm chỗ đi vệ sinh mà cần làm một cái lán để còn tránh mưa tránh nắng và nghỉ ngơi khi không phải chiến đấu. Công việc đó các em không làm được đâu.
- Vâng. Em sẽ đề nghị với Hợp tác làm lán và làm chỗ đi vệ sinh cho chúng em.
Thấy Hảo và Thược trở lại, Mơ nói luôn:
- Sao chúng mày không chạy ra ngoài xa kia mà tè, lại đi tè vào cạnh ụ súng khai ai chịu được.
Hảo xấu hổ mắng:
- Cái con này.
- Tao nói không đúng à?
Bích gỡ thẹn cho Hảo và Thược:
- Cái Mơ lắm chuyện quá.
Mơ quay sang Phong:
- Anh Phong thấy cái Bích có xinh không anh Phong?
- Cả mười em đều xinh – Phong cười đáp – Anh không ngờ con gái Đạo Thắng xinh đến vậy.
- Em muốn hỏi riêng cái Bích có xinh không chứ có hỏi mười chúng em đâu mà anh bảo mười chúng em đều xinh. Anh nói lại đi. Cái Bích có xinh không?
Bích gỡ thế bí cho Phong:
- Cái Mơ hỏi thế là nó muốn anh khen nó xinh đấy.
- Thôi không phải nói đỡ cho anh Phong nữa. Thế nào anh Phong?
Thấy Mơ hỏi mãi, Phong buột miệng đáp:
- Bích xinh lắm.
- Thấy chưa. Anh Phong bảo cái Bích xinh lắm chứ không xinh vừa đâu nhé.
Bích lại mắng Mơ:
- Cái con này. Sao hôm nay mày lắm chuyện thế.
- Đánh nhau với máy bay Mỹ, anh có sợ không anh Phong? – Hạnh từ nãy đến giờ ngồi nghe các bạn trêu đùa bây giờ mới hỏi.
- Sợ chứ. Anh nào bảo mình không sợ là nói phét. Nhưng chỉ sợ khi nghe tiếng máy bay địch đang lao tới thôi chứ khi đã choảng nhau rồi hăng máu lên chẳng biết cái sợ bay đi đâu mất. Có điều này các em nên ghi tâm. Bọn phi công Mỹ là những phi công nhà nghề. Chúng nó được huấn luyện rất bài bản. Máy bay của chúng nó cũng là những máy bay hiện đại. Nếu để các mục tiêu cho chúng tự do ném bom và phóng rốc két thì chúng chẳng khi nào ném trượt hay bắn trượt. Nhưng tinh thần của quân địch bao giờ cũng bạc nhược. Chúng nó rất sợ chết. Vì thế khi chúng định bổ nhào để ném bom, chúng ta phải ngẩng đầu lên đối mặt với chúng thì chúng khó mà ném bom hay phóng rốc két trúng mục tiêu. Các em xem đấy. Trận địa cao xạ 37 li của bọn anh đánh nhau đã mười bốn trận mà không có lấy một quả rốc-két hay bom rơi vào trận địa. Sau này các em cũng thế. Thấy chúng bổ nhào là căng to mắt ra bắn thật lực là chúng phải vội cắt bom để tránh đạn của ta. Nhất là các em xinh như thế này, khi chúng bổ nhào xuống nhìn thấy các em, thế nào cũng bị hoa mắt khó mà ném trúng mục tiêu.
- Anh không khen một người mà lúc nào cũng chúng em, chúng em nghe sốt ruột – Mơ tiếp tục trêu Bích.
Bích trả đũa:
- Anh Phong khen cái Mơ một tiếng kẻo nó đang bảo sốt ruột kia kìa.
- Này, không có cái kiểu muốn ăn gắp bỏ bát người như thế đâu nhé.
Phong:
- Ở đây còn có cậu Đảo vừa trẻ vừa đẹp trai hơn anh mà sao chẳng thấy em nào nhắc đến là thế nào nhỉ?
Mơ:
- Anh Đảo là của riêng em rồi nên chẳng đứa nào dám đụng đến đâu.
Đảo xấu hổ cúi mặt nhìn xuống đất. Phong thấy thế nói với Đảo:
- Khẩu đội trưởng cao xạ pháo thấy địch công kích mà cúi mặt xuống đất thế kia làm sao mà hạ được đối phương hả Đảo? Dũng cảm lên chứ.
Đảo nói lí nhí trong mồm:
- Em chịu.
Phong bảo Mơ:
- Em Mơ nhận Đảo là người của mình thì ngồi gần lại nắm tay Đảo xem nào.
Mơ cười rồi đứng lên đến ngồi xuống cạnh Đảo, đưa tay ra định nắm tay Đảo. Đảo rụt tay lại. Mơ vẫn tìm cách nắm được tay Đảo đưa lên cao. Các cô gái vỗ tay hoan hô. Đảo giật tay mình ra khỏi tay Mơ rồi đứng lên bỏ chạy ra ngoài. Mơ đuổi theo khiến mọi người cười nghiêng ngả. Phong đưa tay xem đồng hồ rồi bảo:
- Thôi, hết giờ nghỉ rồi. Các em tập trung vào cạnh súng để anh và Đảo hướng dẫn động tác ngắm bắn máy bay.
Các cô gái lần lượt đi đến đứng vây quanh khẩu trọng liên.
2
Một thanh niên gầy gò, nước da xanh rớt, chừng hai lăm, hai sáu tuổi, dáng vẻ chất phác rụt rè bước vào phòng làm việc của ông Kim.
- Chào bác ạ – Anh thanh niên chào lí nhí trong mồm.
- Vâng. Chào cháu. Cháu gặp tôi hay gặp ai?
Anh thanh niên không trả lời câu hỏi của ông Kim mà chăm chú nhìn ông rồi hỏi:
- Cháu xin lỗi bác, bác có phải là bác Hoàng Kim, bí thư tỉnh ủy không ạ?
- Đúng. Cháu muốn gặp tôi à?
- Vâng. Cháu tên là Sơn, con ông Mạch, bí thư huyện ủy Văn Lâm trước đây ạ.
Có cái gì đó nhói buốt chạy dọc xương sống ông Kim. Ông ngắm Sơn như cố nhớ lại khuôn mặt của người đồng chí đã một thời lăn lộn với ông trong vùng địch hậu của huyện Văn Lâm.
- Cháu là con thứ mấy của ông Mạch?
- Cháu là con trai cả. Chắc bác biết bố cháu chứ ạ?
- Không những biết mà bố cháu còn cùng với bác ăn bụi ngủ bờ mấy năm trời với nhau – Ông Kim tự tay mình rót chén nước đưa cho Sơn – Cháu uống nước đi. Cháu có mấy anh em?
- Thưa bác, cháu có bốn anh em. Sau cháu còn hai em trai và một em gái. Hai em trai cháu đã đi bộ đội. Một em đã lên đường đi Bê tháng trước, còn một em vừa nhập ngũ vào tiểu đoàn cao xạ pháo của tỉnh vừa mới thành lập. Trước đây cháu cũng đã mấy lần đi khám nghĩa vụ nhưng vì cháu bị bệnh tim bẩm sinh nên không trúng tuyển.
- Mẹ cháu có khỏe không?
- Từ khi bố cháu bị đội cải cách tử hình, mẹ cháu quá buồn phiền nên sức khỏe ngày càng suy sụp.
- Bác tưởng chuyện cũ qua lâu rồi mà mẹ cháu vẫn chưa quên được hay sao?
- Đã qua đâu bác.
- Sao thế?
- Bố cháu bị bắn hai hôm thì lệnh của trên gửi về yêu cầu đội cải cách hoãn tử hình bố cháu. Mẹ cháu được tin liền ngất xỉu phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau ngày sửa sai, nhà cháu được hạ xuống thành phần trung nông. Những thứ tịch thu của nhà cháu đều được trả lại, nhưng việc bố cháu bị bắn oan chẳng thấy ai nhắc tới. Cháu và chú em của bố cháu đã gửi đơn đi các nơi yêu cầu khôi phục lại danh dự cho bố cháu nhưng chẳng thấy ai đoái hoài. Đến một lời xin lỗi cũng không có. Cháu khuyên mẹ cháu việc gì đã qua cho nó qua, nhưng mẹ cháu không chịu. Mẹ cháu bảo cho qua hóa ra bố cháu là người có tội bị xử bắn là đúng hay sao. Mấy tháng nay sức khỏe mẹ cháu càng ngày càng yếu, chúng cháu lo mẹ cháu có chuyện gì có khi mang cả nỗi uẩn ức xuống mồ nên cháu mới tìm đến bác, cầu cứu bác có lời với mẹ cháu, nhỡ mẹ cháu có mệnh hệ nào thì cũng yên lòng nhắm mắt.
Ông Kim vỗ vào trán mình và để nguyên tay ở trán kêu lên:
- Bác có tội với vong linh bố cháu, có lỗi với mẹ cháu và các cháu rồi! Lâu nay bác cứ đinh ninh chuyện phục hồi danh dự cho bố cháu đã được cấp trên làm rồi.
Sơn nhìn nét mặt đau khổ của ông Kim, cảm thấy mình như người có lỗi.
- Việc này do người khác gây ra chứ có phải do bác gây ra đâu mà bác phải áy náy dằn vặt ạ.
- Đúng là bác không gây ra, nhưng bác hóa ra là kẻ vô tình trước đau khổ của gia đình cháu. Cháu uống nước đi. Người ta lấy lí do gì mà tử hình bố cháu, cháu có thể kể lại cho bác nghe được không?
Sơn cầm chén nước lên uống một ngụm rồi đặt chén xuống bàn:
- Người ta ghép cho bố cháu không biết bao nhiêu tội bác ạ. Mới hơn mười năm thôi nhưng hình ảnh của những ngày khủng khiếp ấy lúc nào cũng hiện lên trước mắt cháu. Ngày đó quê cháu không khí sôi lên sùng sục. Một buổi trưa bố cháu đi làm về dựng chiếc xe đạp vào cái cột ở hàng hiên, bước vào nhà vứt chiếc xắc cốt lên giường rồi nằm thở dài than vãn với mẹ cháu: Hỏng hết rồi. Sai bét cả rồi. Cái anh Dụ dưới Kiện An tốt như thế, bao nhiêu năm trong kháng chiến che giấu cán bộ về hoạt động, thế mà quy cho người ta làm gián điệp cho Pháp rồi kéo người ta đi bắn. Sai rồi bà ạ. Mẹ cháu bảo: Ông là bí thư huyện ủy thấy người ta làm sai sao không nói mà chạy về nhà than vãn là thế nào. Bố cháu bảo: Bí thư huyện ủy chứ bí thư tỉnh ủy cũng chẳng là cái gì đối với đội cải cách ruộng đất. Hai hôm sau đó bố cháu đạp xe đạp về giữa buổi. Mẹ cháu hỏi: Có việc gì mà ông về sớm thế? Bố cháu bảo: Tôi bị cách chức bí thư huyện ủy và bị khai trừ ra khỏi Đảng rồi. Mẹ cháu kêu lên: Sao thế? Bố cháu đáp: Tôi cũng chả biết nữa. Người ta đưa cái anh gì đó thành phần cố nông ở bên Tức Mạc vừa mới được kết nạp Đảng lên làm bí thư thay tôi vì lập trường tôi không vững, dám minh oan cho địa chủ. Mấy ngày đó bố cháu vật vờ như người ốm. Đến bữa ăn lùa vội bát cơm vào mồm rồi lên giường nằm, mồm lẩm bẩm những gì mấy mẹ con cháu không nghe rõ. Thế rồi một buổi sáng có ba anh dân quân, một anh mang súng, hai anh cầm gậy xồng xộc đi vào nhà cháu. Ba người dừng lại trước cánh cửa gỗ. Anh mang súng nói dõng dạc: Tên địa chủ cường hào ác bá Nguyễn Đình Mạch nghe lệnh của đoàn ủy cải cách ruộng đất đây: Sáng nay mày ra tòa án nhân dân đặc biệt để cho nông dân hỏi tội. Bố cháu chưa kịp nói gì thì hai anh dân quân cầm gậy xông vào kéo bố cháu dậy và lấy dây thừng trói giật cánh khuỷu bố cháu lại dong ra sân. Anh dân quân mang súng xua mấy mẹ con cháu đi theo bố cháu. Bấy giờ cháu đã mười ba tuổi, còn em gái cháu mới lên năm tuổi…
- Họ tử hình bố cháu ngay ngày hôm ấy?
- Vâng. Ngay chiều hôm ấy.
Ông Kim ngồi nhìn những giọt nước mắt lăn trên má Sơn. Sau đó ông cầm cái điếu cày ra ngồi lặng lẽ hút thuốc ở ngoài hiên để một mình Sơn ngồi lại trong phòng. Hút liền một lúc mấy điếu thuốc lào, ông Kim ngồi lặng lẽ nhìn lên ngọn cây. Quá khứ bị vùi lấp hơn mười lăm năm qua bỗng nhiên bị đào bới trở lại từng chi tiết rất nhỏ.
Năm 1950 với cương vị tỉnh ủy viên, ông được phân công chỉ đạo huyện Văn Lâm. Bấy giờ Văn Lâm nằm trong vùng tạm chiếm. Dạo đó ông Mạch làm bí thư chi bộ xã Lâm Du. Thời kỳ ấy xã chỉ có chi bộ chứ không có đảng ủy như bây giờ. Gia đình ông Mạch là cơ sở của ông. Cơ quan tỉnh ủy lúc đó ở an toàn khu. Mỗi tháng vài lần ông về Văn Lâm vài lần, lần nào ông cũng chỉ ở trong nhà ông Mạch. Ông Mạch là một đảng viên trung kiên. Hoạt động trong vùng tạm chiếm hết sức nguy hiểm nhưng chưa khi nào ông Mạch tỏ ra dao động. Ông nhớ có một lần vào mùa đông giá buốt chưa từng thấy, với bộ quần áo bà ba màu nâu, khoác trên mình cái áo tơi chằm bằng lá cọ, đầu đội chiếc nón rách, tay cầm cái nơm, ông bước đi liêu xiêu trong gió. Làng xóm yên tĩnh. Thỉnh thoảng ông dừng lại nghe ngóng động tĩnh rồi bước đi tiếp. Đến một khóm tre, ông dừng lại nhìn trước nhìn sau rồi đi vào nhà ông Mạch. Ông lần đến tấm liếp làm cửa sổ đưa tay gõ ba tiếng một. Lát sau có tiếng ông Mạch hỏi rất khẽ:
- Ai đấy?
- Tôi đây. Kim đây.
Nhận ra tiếng ông, ông Mạch hé cửa lách ra ngoài.
- Chỉ một mình anh hay có ai nữa không?
- Chỉ một mình tôi thôi.
- Anh vào nhà đi. Đứng ngoài này rét lắm.
Hai người rón rén bước vào nhà. Ông Mạch hỏi:
- Có đói không? Còn mấy củ khoai lang luộc ăn tạm nhé. Khuya rồi, đỏ lửa nấu cơm sợ lộ bí mật.
- Có khoai lang ăn là tốt rồi. Tôi ăn cơm ở Lai Xá từ lúc ba giờ chiều. Rét nên đói bụng quá.
Ông Mạch mò mẫm lấy cây đèn dầu đi xuống bếp thổi nùn rơm châm đèn rồi vặn bấc nhỏ hạt đậu cầm đến chỗ bà Lành đang nằm lay nhè nhẹ. Bà Lành gắt khẽ:
- Ngủ đi đừng có vớ vẩn, cả ngày đi làm cỏ lúa đang mệt bã người ra đây.
- Ai làm gì mà vớ vẩn. Anh Kim về. Bà dậy xem khoai lang ban chiều còn lại để đâu cho anh ấy ăn tạm.
Bà Lành nhổm ngay dậy:
- Anh Kim về thật à?
- Tôi nói dối bà làm gì. Anh ấy đang ngồi ở giường tôi ấy.
- Đừng hòng lừa tôi đến giường ông để ông giở trò. Tôi biết tỏng mưu mô của ông rồi.
- Khổ quá. Vợ chồng nếu muốn làm chuyện ấy làm khi nào chả được, việc gì tôi phải lừa bà. Tôi đứng nguyên đây, bà đến đó một mình xem có phải anh Kim ngồi ở đó không.
Ông cố nhịn cười trước những câu nhấm nhẳng của vợ chồng ông Mạch. Bà Lành vùng dậy bảo:
- Thế thì để tôi đi nấu cơm cho anh ấy ăn. Rét mướt thế này ăn khoai nguội có mà chết rét.
- Giờ là mấy giờ rồi mà bà định đỏ lửa?
- Tôi che kín chẳng để ánh lửa lọt ra ngoài đâu mà lo. Anh Kim đâu?
Ngồi ở góc giường ông Mạch, ông đáp khẽ:
- Tôi đây chị ạ. Sợ chị thức giấc nên tôi ngồi im ở đây.
- Anh coi giấc ngủ của tôi còn quý hơn công việc kháng chiến của anh hay sao. Anh ngồi đó chờ tôi đi thổi cơm cho mà ăn.
Ông đi đến cạnh bà Lành:
- Nghe anh Mạch bảo còn khoai lang lúc chiều, chị đem cho tôi ăn là được rồi.
- Khoai lang tối nay tôi đổ vào máng rau lợn hết rồi.
- Chị nói dối không phải lối. Vừa rồi tôi nghe chị bảo với anh Mạch là trời rét thế này ăn khoai vào thì có chết rét, giờ lại bảo đã đổ cho lợn.
- Anh ngồi nói chuyện với nhà tôi, tôi chỉ nấu một loáng là xong thôi.
Ông Mạch bảo ông:
- Thôi, cứ để bà ấy đi nấu cơm cho anh ăn cho ấm bụng. Tình hình có gì mới không anh?
- Địch tăng cường khủng bố nhằm quét cơ sở của ta ở vùng tạm chiếm. Tỉnh ủy phân công tôi về Văn Lâm nắm tình hình và truyền đạt lại Nghị quyết của tỉnh ủy. Anh chuẩn bị cho tôi ở lại công tác trong vòng hai đến ba tuần.
- Anh ở đây cả năm cũng được chứ đừng nói hai, ba tuần.
- Tất cả hầm bí mật trong xã Lâm Du vẫn còn nguyên vẹn cả chứ?
- Vẫn thế. Có cần đào thêm không?
- Chưa cần đào thêm. Chỉ cần củng cố các hầm hiện có đã. Này, tôi muốn họp chi bộ Lâm Du vào đêm mai có được không?
- Có chuyện gì mà gấp thế?
- Tôi muốn phổ biến Nghị quyết của tỉnh ủy càng nhanh càng tốt. Làm được xã nào thì tranh thủ làm luôn. Bọn ở bốt Cầu Ngang có hay đi phục kích ban đêm không?
- Thỉnh thoảng.
- Phải tìm cách nhổ cái bốt này sớm ngày nào hay ngày đó chứ để nó lù lù ra thế rất trở ngại cho mọi hoạt động của ta ở vùng này.
- Bốt Cầu Ngang chỉ có hơn ba mươi tên lính Bảo hoàng do một thằng Tây mũi lõ làm đồn trưởng. Rào giậu cũng sơ sài. Chỉ cần đại đội địa phương của huyện cũng nhổ nó được. Hiện Lâm Du của tôi có hai mươi lăm du kích bí mật và chín khẩu súng trường. Nếu đại đội địa phương huyện đánh bốt, tôi sẽ chỉ huy anh em du kích phối hợp.
- Việc này để tôi về báo cáo lại với đồng chí bí thư tỉnh ủy rồi tính sau.
Bà Lành một tay bê cái niêu đất, một tay cầm cây đèn dầu leo lét từ dưới bếp đi lên nhà.
- Cơm được rồi đây. Anh Kim đến ăn cho nóng. Tôi chạy xuống bếp lấy mắm tép lên cho mà ăn.
- Chị nấu kiểu gì mà có cơm nhanh thế?
- Nấu chỉ một nhúm gạo, ít nước nên mới nhanh được thế.
- Nhà có muối cà không chị?
- Mùa này làm gì đã có quả mà muối.
- Thế thì cái tay địa chủ Đình thánh thật. Nhà hắn quanh năm suốt tháng có cà muối cho thợ cày ăn. Tôi ăn mãi gần chục năm nên đâm ra nghiện cà.
Bà Lành đặt một chén mắm tép xuống mâm:
- Mắm tép tôi làm đấy. Nếu thấy ngon, hôm nào làm việc đây xong trở về an toàn khu, tôi lấy cho một ít đưa về mà ăn.
Thấy ông ăn xong, ông Mạch bảo:
- Ăn no, lên giường nằm với tôi ngủ một giấc, gần sáng hẵng xuống hầm bí mật chứ dại gì nằm dưới hầm cho rét.
Ngay đêm hôm sau, ông và ông Mạch tổ chức họp chi bộ Vân Du. Khi hai người băng qua cánh đồng để đi đến địa điểm họp, ông Mạch xuýt xoa:
- Năm nay rét quá anh ạ. Phủ một đống rơm trên giường dày đến thế mà vẫn lạnh thấu xương.
- Sao không ấp nhau mà ngủ cho nó ấm lại đi nằm riêng?
- Cô ấy lúc nào cũng ôm chặt lấy hai đứa con như gà mẹ ấp con. Tôi chỉ cần đụng tay vào người là xù lông xù cánh lên, hãi lắm.
Ông cất tiếng cười khẽ trong đêm.
- Vậy không khi nào nằm với nhau à?
- Năm ba đêm mà không nằm được với nhau một lần chịu sao nổi.
- Thế sao anh vừa bảo chạm tay vào người chị ấy là chị ấy xù lông lên như con gà mẹ?
- Nói thế thôi chứ đôi khi cô ấy tự mò đến tôi xin tí chút rồi về ngủ với con.
Ông Kim khẽ cười, rồi hỏi chuyện khác:
- Anh định tổ chức họp ở đâu mà đi mãi không đến?
- Tôi triệu tập họp ở cái điếm canh lúa giữa đồng làng Hạ. Cũng sắp đến nơi rồi.
- Liệu địa điểm ấy có giữ được bí mật không?
- Anh yên tâm. Đây là cái điếm canh lúa và làm nơi nghỉ ngơi cho bà con đi làm đồng, nằm giữa đồng không mông quạnh nên an toàn lắm.
Có khoảng mười lăm, mười sáu người đang ngồi thì thào to nhỏ trong cái điếm canh thì ông và ông Mạch vào. Ông chào mọi người. Ông Mạch bảo:
- Hôm nay có thượng cấp về để phổ biến chủ trương của tỉnh ủy. Các đồng chí mình đã đến đủ mặt chưa?
Trong bóng tối có tiếng người đáp:
- Đồng chí Thừa cáo ốm. Cũng chẳng biết ốm thật không hay là dao động.
Ông Mạch bảo:
- Chưa biết chắc thì đừng có nói thế rồi đâm ra mất đoàn kết trong nội bộ. Đồng chí Tính đâu rồi? Đã bố trí lực lượng bố phòng chắc chắn chưa. Có thượng cấp về nhớ cẩn thận đấy.
- Tôi đã bố trí anh em đâu vào đó rồi. Nếu gặp lính đi lùng sục ban đêm, anh em sẽ nổ súng làm tín hiệu cho chúng ta biết để giải tán.
Ông Mạch kêu lên:
- Chết rồi. Có động thì bí mật chạy về báo chứ ai bảo cho nổ súng.
- Súng chôn dưới đất rỉ sét hết có dịp phải để cho anh em bắn xem có nổ không chứ.
Ông nói với ông Mạch:
- Thôi nhỡ ra rồi cứ để thế. Ta bắt đầu làm việc kẻo chẳng mấy chốc mà trời sáng đến nơi. Tôi tự giới thiệu luôn nhé. Nhiều đồng chí biết tôi rồi nhưng cũng có đồng chí chưa biết. Tôi là Kim, thường vụ tỉnh ủy. Được tỉnh ủy phân công chỉ đạo phong trào của huyện Văn Lâm và Tam Bình. Hôm nay tôi về đây để phổ biến trực tiếp Nghị quyết của tỉnh ủy về tình hình và nhiệm vụ mới để các đồng chí nắm được. Để giữ bí mật, tôi chỉ phổ biến bằng miệng và các đồng chí nhớ để lãnh đạo phong trào. Để bảo đảm bí mật nên không được ghi chép gì, vì vậy các đồng chí cố tập trung để nhớ những điểm chính của Nghị quyết…
Hơn mười lăm năm trôi qua rồi… chỉ vì giáo điều, máy móc mà không biết bao nhiêu đảng viên trung kiên như ông Mạch đã bị hại. Giờ đây có lẽ cũng do giáo điều, máy móc mà cuộc sống của người nông dân đang rơi vào cảnh thiếu thốn. Cơm không đủ no, áo không đủ lành. Chuyện cũ, chuyện mới lẫn vào nhau khiến lòng ông Kim rối như một mối tơ vò.
Ông Kim xách cái điếu cày trở vào ngồi xuống ghế.
- Bác thực sự đau lòng khi nghe câu chuyện của cháu. Bác cũng đã từng nghe nhiều trường hợp oan khiên như bố cháu. Nhưng thôi, tất cả đều thuộc về quá khứ của lịch sử cháu ạ. Thời ấy Đảng ta cũng đã coi sai lầm trong cải cách ruộng đất là nghiêm trọng và quyết tâm sửa sai. Nhưng cái sai làm chết người như bố cháu thì làm sao mà sửa được. Có điều bác không hiểu vì sao cháu đã gửi đơn từ đi khắp nơi yêu cầu phục hồi danh dự cho bố cháu mà người ta không giải quyết. Làm sai thì sửa chứ có khó khăn gì đâu.
- Bác có minh oan cho bố cháu được không bác?
- Các đoàn cải cách ruộng đất trước đây thuộc sự chỉ đạo của trên. Vì vậy phục hồi danh dự cho bố cháu cũng thuộc thẩm quyền của Trung ương. Tuy vậy với trách nhiệm là bí thư tỉnh ủy, đồng thời bố cháu cũng là ân nhân của bác trong những năm kháng chiến chống Pháp nên bác hứa với cháu sẽ làm hết sức mình để trả lại danh dự cho bố cháu trong thời gian ngắn nhất. Cháu về nói lại với mẹ cháu như vậy để mẹ cháu yên tâm. Trước mắt bác sẽ sắp xếp công việc để xuống thăm và động viên mẹ cháu. Cháu ngồi uống nước, bác sang gọi bác Dần sang để gặp cháu. Bác Dần là trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy.
Lát sau ông Kim trở về cùng với ông Dần.
- Đây là cháu Sơn, con trai đồng chí Nguyễn Đình Mạch, nguyên bí thư huyện ủy Văn Lâm đã bị xử lí sai trong cải cách ruộng đất – Ông Kim giới thiệu Sơn với ông Dần.
Sơn đứng lên:
- Cháu chào bác ạ.
- Chào cháu. Bác Kim vừa nói chuyện về bố cháu cho bác nghe. Bác hết sức bất ngờ vì nghĩ người ta đã minh oan cho bố cháu trong thời gian có chủ trương sửa sai cải cách ruộng đất.
Ông Kim hỏi ông Dần:
- Theo ông, ta nên giải quyết việc này như thế nào?
- Trước hết Ban tổ chức và ban kiểm tra tỉnh ủy có tờ trình gửi cho Ban Bí thư Trung ương Đảng báo cáo cụ thể quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đình Mạch và nói rõ việc xử lí sai với đồng chí ấy. Sau đó ta đề nghị Ban Bí thư ủy quyền cho tỉnh ủy đứng ra tổ chức việc khôi phục đảng tịch và danh dự cho đồng chí ấy. Anh thấy thế có được không?
Ông Kim suy nghĩ giây lát rồi đáp:
- Có lẽ chỉ có cách đó thôi. Ông bàn với chị Thường khẩn trương giải quyết việc này nhé. Nếu cần thì ông hoặc chị Thường trực tiếp lên gặp các đồng chí ở Ban bí thư.
- Vâng. Tôi sẽ bàn với chị Thường rồi báo cáo lại với anh.
Ông Kim nói với Sơn:
- Hôm nay cháu tận mắt nhìn thấy các bác bàn về việc khôi phục danh dự cho bố cháu rồi đấy. Cháu về nói lại để mẹ cháu yên tâm.
- Vâng. Cháu xin thay mặt mẹ cháu cám ơn các bác.
- Trách nhiệm của các bác chứ ơn huệ gì. Sáng nay cháu đi lên đây bằng phương tiện gì?
- Cháu phải nhảy ô-tô tải đi nhờ ba chặng mới lên đến thị xã.
- Lát nữa cháu về nhà bác ăn cơm trưa rồi bác cho ô-tô đưa cháu về tận nhà.
- Cháu cám ơn bác, mẹ cháu sức khỏe không được tốt nên cháu phải về kẻo mẹ cháu nằm ở nhà một mình không ai trông.
- Nếu cháu vội về thì bác không giữ.
Ông Kim bảo Đô đi xuống nhà mình lấy hai hộp sữa và cân đường, tiêu chuẩn bồi dưỡng của ông gửi biếu bà Mạch và bảo Hành cho xe đưa Sơn về tận nhà. Sơn đi rồi, ông ngồi thẫn thờ như kẻ mất hồn.
3
Bích hỏi Phong:
- Bốn, năm hôm nay sao không thấy máy bay Mỹ hoạt động anh Phong nhỉ? Hay là chúng nó sợ chúng em rồi.
- Theo tin báo thời tiết của đài Tiếng nói Việt Nam, hiện nay ở vịnh Bắc Bộ đang có áp thấp nhiệt đới. Có lẽ do thời tiết xấu nên máy bay của hạm đội Bảy không cất cánh được.
Mơ bảo:
- Trời cứ làm áp thấp nhiệt đới mãi thì hay anh Phong nhỉ.
Bích cười:
- Mày lại sợ đánh nhau rồi chứ gì?
- Không sợ đánh nhau, chỉ sợ người khác không có thì giờ để ngồi bên nhau thôi. Em nói có đúng không anh Phong?
- Mơ hỏi cậu Đảo xem thử?
- Em nói thế có đúng không anh Đảo? – Mơ quay sang hỏi Đảo.
Đảo chỉ tủm tỉm cười chứ không đáp.
- Lính cao xạ gì mà hèn thế? Đứng lên nhìn thẳng vào đối phương mà nhấn cò xem nào – Phong kích Đảo.
Thược, một cô gái có thân hình to béo, vẻ tinh nghịch bảo Mơ:
- Cái Mơ đâu, đứng lên cho anh Đảo nhìn thẳng vào mày để nhấn cò kìa.
Các cô gái đấm lưng nhau cười rộ lên.
Phong mắng:
- Chỉ được cái xuyên tạc thôi.
Mơ liến láu:
- Anh Phong khen cái xuyên tạc của cái Thược chúng mày ơi.
Một trận cười nữa nổi lên. Phong lắc đầu:
- Tôi chịu thua con gái Đạo Thắng rồi.
Mơ đứng lên đi đến ngồi sát vào Đảo.
- Anh Đảo ơi. Anh đổi quần áo cho em nhé. Tính tình anh có khi mặc quần áo của em hợp đấy.
Nói xong Mơ đưa tay định cởi cúc áo của Đảo. Đảo xấu hổ đứng lên bỏ chạy ra khỏi lán.
Bích mắng Mơ:
- Cái Mơ chuyên đùa ác. Anh ấy đã nhát thế mà mày cứ trêu mãi, khổ thân anh ấy.
Mơ vẫn không buông tha Đảo:
- Anh Đảo ơi về đây ngồi với em. Đứng gì ngoài ấy nắng bị cảm thì khổ thân em lắm.
Đảo chẳng nói gì, bỏ đi đến chỗ khẩu súng trọng liên.
- Đã có máy bay đâu mà anh vào vị trí chiến đấu thế? – Mơ vẫn không tha.
- Thôi, đừng trêu anh ấy mà tội, chúng mày – Bích khuyên các bạn.
Chị Phấn vai gánh cơm, tay xách ấm nước đi về phía trận địa của các cô gái. Thược nhìn thấy kêu lên:
- Có cơm rồi chúng mày ơi.
Mấy cô chạy đến tranh gánh cơm trên vai chị Phấn.
Chị Phấn mắng yêu:
- Cái lũ quỷ cái này. Để chị gánh cho kẻo làm đổ hết mất ăn bây giờ.
Thược giành xách ấm nước trong tay chị Phấn.
- Chúng mày chắc đói lắm rồi phải không? – Chị Phấn hỏi.
Thược bảo:
- Ngồi không hóa ra chóng đói hơn đi làm đồng chị ạ.
Chị Phấn đặt gánh cơm xuống đất rồi mở hai cái mẹt đậy ở bên trên lên. Mơ reo lên:
- Hôm nay Hợp tác cho chúng mình ăn thịt gà chúng mày ơi. Ôi, có cả cá mè kho dưa nữa này. Sao hôm nay Hợp tác lại phóng tay với chúng mình ghê thế nhỉ.
Chị Phấn bảo:
- Nhờ cô Chi bí thư huyện ủy đấy. Hôm qua gặp chị gánh cơm ra cho các em, cô ấy mở cơm ra xem. Thấy gánh cơm chỉ có rau luộc với bát muối vừng, cô ấy nói ngay: Hôm trước bí thư tỉnh ủy đã chỉ thị Hợp tác xã phải chịu trách nhiệm cung cấp thực phẩm cho khẩu đội phòng không của dân quân ăn uống theo tiêu chuẩn của người trực tiếp cầm súng chiến đấu, sao lại cho ăn uống kiểu này. Chị bảo chị đã đề nghị Hợp tác hàng ngày cung cấp cá cho các em ăn, nhưng không nghe Chủ nhiệm nói gì. Cô Chi bực lắm. Chắc cô ấy nói thế nào đó nên hôm nay ông Lịch bảo với chị, đến phiên Hợp tác Nhân Đạo người ta cho ăn gì mặc người ta. Riêng Gia Đạo mỗi tuần cung cấp cho các em hai con gà và mười cân cá và bảo chị đến nhà bà Ngật cân gà rồi tính vào tiêu chuẩn nghĩa vụ.
Chị Phấn dọn cơm ra chiếu bảo mọi người ăn. Nhìn ra chỗ khẩu trọng liên thấy Đảo vẫn đứng đó liền bảo:
- Cô nào chạy ra bảo chú ấy vào ăn cơm.
- Để em ra bảo cho – Nói xong Mơ đến chỗ Đảo:
- Em đùa một tí mà anh Đảo giận em đấy à?
- Tôi không giận Mơ đâu.
- Không giận sao thấy cơm gánh đến không vào ăn? Hay là chờ em ra xin lỗi.
- Tôi không giận Mơ thật mà. Nhưng lần sau trước đám đông, Mơ đừng đùa như vừa rồi nữa nhé. Từ bé tôi đã hay ngượng khi đứng trước con gái.
- Em biết thế nên đùa để cho anh dạn dần. Con trai gì mà chán thế không biết.
Thược từ trong lán gọi to:
- Anh chị tâm sự quên cả ăn hay sao. Vào ăn kẻo cơm nguội hết rồi. Hay muốn nhịn ăn để tâm sự cho hết cõi lòng con nhện thì cứ đứng đấy mà tâm sự.
Mơ bảo Đảo:
- Vào ăn cơm đi anh. Anh mà cứ đứng đây là chúng nó còn trêu đấy.
Bích nói với mọi người:
- Tính anh Đảo hay ngượng, chúng mày để cho anh ấy ăn cơm chứ không được trêu đâu đấy nhé.
Bữa cơm đang ăn giữa chừng thì chiếc máy điện thoại dã chiến reo. Phong bỏ đũa đứng lên chạy lại nghe. Lát sau Phong thông báo:
- Trên cho biết máy bay địch cách ta năm trăm cây số về hướng Tây Nam. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Các em tranh thủ ăn nhanh lên. Thông báo lần hai là phải vào ngay vị trí chiến đấu đấy.
Chị Phấn rủa:
- Tiên sư cái thằng Mỹ. Trời đánh cũng tránh bữa ăn. Cả canh cả buổi không gì, chờ người ta ăn cơm mới mò tới.
Phong giục:
- Ăn nhanh đi các em. Mấy hôm nay thời tiết xấu chúng nó không xuất kích được, hôm nay trời trong như thế này thế nào chúng nó cũng đánh liên tục đấy.
Mọi người tiếp tục ăn cơm. Chuông điện thoại lại reo. Phong chạy đến nghe và thông báo:
- Máy bay địch cách ta hai trăm năm mươi cây số. Kiểu này là thế nào chúng nó cũng xâm nhập vùng trời khu vực tỉnh ta đấy. Các em ăn khẩn trương lên.
Thược chửi đổng:
- Mẹ chúng nó chứ. Được bữa thịt gà kho gừng ngon thì chúng nó lại không cho mình kịp nuốt.
Mơ can:
- Mày ăn từ từ thôi. Các cụ bảo hóc xương gà sa cành khế thì chỉ có chết.
- Tham ăn nhất hội chỉ có mày thôi, chứ tao là đứa ăn uống nết na nhất Hợp tác xã đấy.
- Phải. Mày nết na gấp mười con Thị Mầu – Mơ bảo.
Bích giục:
- Thôi, ăn nhanh lên, còn ngồi đấy nhẩn nha trêu nhau nữa.
Mọi người ăn chưa hết bát cơm thứ nhất thì chuông lại reo lần nữa. Phong nghe rồi thông báo:
- Máy bay địch đang bay về hướng vùng trời của tỉnh ta, còn cách năm mươi cây số. Khẩu đội ra ngay vị trí chiến đấu. Số xạ thủ dự bị xuống hầm ẩn nấp.
Bích đứng lên giật lá cờ đỏ dắt trên mái lán hô to:
- Khẩu đội theo tôi vào vị trí chiến đấu.
Chị Phấn bình tĩnh thu dọn thức ăn gọn lại rồi lấy mẹt đậy lên.
Đảo gỡ chiếc điện thoại dã chiến treo ở trên cột, kéo dây đem ra đặt trên thành ụ súng rồi chạy lại đứng cạnh Mơ.
Phong bảo Bích:
- Em thật bình tĩnh chỉ huy khẩu đội chiến đấu nhé. Trận đầu bao giờ cũng hơi hốt một tí nhưng khi đã nổ súng rồi thì đâu vào đó hết.
- Anh yên tâm. Có anh bên cạnh em chẳng lo gì cả.
Mơ ngồi ở vị trí xạ thủ chính. Đảo đứng bên cạnh hỏi:
- Mơ có sợ không?
- Sợ gì?
- Sợ máy bay Mỹ.
- Em chỉ sợ anh thôi.
- Sao Mơ lại sợ tôi?
- Chẳng biết nữa.
Bích hỏi Phong:
- Sao yên tĩnh vậy nhỉ?
- Trước giờ nổ súng bao giờ cũng vậy. Cảm giác như đôi khi nghe được cả tiếng ruồi bay.
Thược bỗng nhiên thét to và nhảy tót lên thành ụ súng. Mọi người ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì.
Bích hỏi:
- Chuyện gì thế Thược?
- Trong ụ súng có con cóc. Kinh quá!
Mơ lại trêu Thược:
- Anh Phong vừa khen cái xuyên tạc của mày xong. Mày mà nhảy kiểu ấy thì chỉ ba lần là rơi ngay cái xuyên tạc của mày ra đất đấy.
- Cái xuyên tạc của tao rơi đã có người nhặt.
- Ai nhặt?
- Cái Bích nhặt cất để làm cái xuyên tạc phụ, giống như thùng dầu phụ của máy bay ấy.
Các cô gái cười rộ lên.
Mơ láu lỉnh:
- Anh Phong thích nhé. Có một lúc vừa xuyên tạc chính vừa xuyên tạc phụ.
- Sao Mơ hay ăn nói táo tợn thế? – Đảo trách nhẹ Mơ.
- Anh không thích em nói như vậy à?
- Cũng chẳng biết nữa.
Phong nhìn nòng khẩu trọng liên rồi bảo Bích:
- Nòng súng sao lại chổng lên trời thế kia? Cho hạ thấp xuống mười lăm độ.
Bích hô dõng dạc:
- Hạ nòng súng thấp xuống mười lăm độ.
Mơ gọi Thược:
- Cái Thược đâu. Mày định ở lì trên thành công sự hay sao mà không xuống làm nhiệm vụ?
- Anh Đảo bắt con cóc vứt đi cho em với.
Đảo chưa kịp nói gì thì tiếng điện thoại reo. Phong chạy đến cầm lấy điện thoại.
- Tất cả vào tiếp tục ăn cơm. Máy bay Mỹ đã chuyển hướng bay rồi – Phong thông báo.
Mọi người rời ụ súng máy. Có tiếng bom và tiếng cao xạ từ một nơi nào đó vọng lại ì ầm.
Phong bảo:
- Bom nổ hướng ấy chắc chúng đánh sân bay rồi.
4
Từ cuộc họp do huyện tổ chức bàn công tác thu hoạch vụ chiêm và triển khai làm vụ xen canh để chống đói giáp hạt ra, Noãn và Lịch đạp xe đi song song bên nhau.
Noãn hỏi Lịch:
- Ông thấy những lời phát biểu của tay Huy, Chủ nhiệm Hợp tác xã An Bình như thế nào?
- Tôi còn lạ gì cái tính ăn tục nói phét của thằng ấy nữa. Có đến tết âm lịch may ra mới thực hiện cách khoán như hắn đưa ra.
- Tớ thấy bà Chi và một số người nữa có vẻ tâm đắc với đề nghị của tay Huy lắm.
- Con hát lúc nào mẹ chẳng khen hay.
Thấy Thưởng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Minh đạp xe đi đằng xa, Lịch bảo Noãn:
- Rủ tay Thưởng đi ăn thịt chó cho vui. Tay này có một giọt rượu vào cổ, nói chuyện vui lắm.
- Hình như hắn cũng đang đi tìm quán thịt chó hay sao ấy.
- Hắn mà dám móc túi bỏ tiền ra ăn thịt chó thì ếch đã biến thành tiên. Đói lắm hắn mới dám mò vào quán ăn bát mì sợi luộc chan nước tương. Nếu không thì ôm bụng về nhà ăn cơm nguội.
Noãn cười:
- Đúng là cái thân làm tội cái đời.
Đạp xe đến gần Thưởng, Lịch gọi:
- Ông Thưởng, chờ bọn tôi với.
Thưởng dừng xe ngoái cổ nhìn lại.
- Ông Lịch đấy à. Có chuyện gì thế?
- Tôi và ông Noãn định rủ ông đi ăn thịt chó.
- Tôi lâu lắm cũng chẳng có miếng thịt chó nào vào mồm, thèm quá. Nhưng sáng nay đi vội không cầm tiền theo nên đành nhịn bụng về nhà ăn cơm nguội đây.
- Bọn tôi mời ông, chứ không bắt ông mời đâu mà bảo quên tiền ở nhà. Đi không?
Thưởng cười hề hề:
- Ông làm như tôi keo kiệt lắm.
- Keo kiệt thì không, nhưng rỉ sắt thì có – Lịch bảo – Ông có đi không?
- Hai ông mời thì phải đi chứ. Không đi các ông lại bảo tôi coi thường các ông.
Lịch cười:
- Mừng bỏ mẹ, còn nói đãi bôi.
Ba người đạp xe đến một cái quán thịt chó lụp xụp nằm bên đường. Trước quán treo chiếc mành tre cũ kỹ, viết nguệch ngoạc mấy chữ bằng vôi: Thịt chó. Tiết canh. Bún xáo chó. Chủ quán là một người đàn ông tuổi trung niên, mặc quần đùi, áo nâu cộc tay, vắt cái khăn màu nước dưa trên vai chạy ra niềm nở mời chào khách:
- Mời ba đồng chí vào hàng nhà em. Hôm nay có con cầy tơ ngon không phải nói.
Lịch bĩu môi:
- Lần trước ông cũng giới thiệu với tôi có con cầy tơ vừa mổ ngon không chê vào đâu được. Thế mà đến khi ăn thì dai chẳng thua kém gì giẻ rách. Lần này mà gặp con cầy dai như vậy, tôi không trả tiền đâu đấy.
Chủ quán xoa xoa hai tay vào nhau:
- Đồng chí nhầm với quán nào chứ quán nhà em làm gì có cầy già. Ba đồng chí không biết chứ nhà em làm nghề này đến đời em là đúng ba đời đấy.
Ba người ngồi vào bàn. Chủ quán lấy mấy chai rượu cam màu đỏ đặt lên bàn rồi vơ chiếc khăn vải màu nâu lau quèn quẹt xuống bàn, hỏi:
- Ba đồng chí dùng món gì?
- Đưa trước ra đây ba bát tiết canh – Lịch bảo – Sau đó cho một đĩa thịt nướng, một đĩa luộc và bát rựa mận. Có gì sẽ gọi tiếp. Không có rượu trắng hay sao mà đưa rượu cam của mậu dịch ra?
- Các đồng chí thông cảm. Cái món rượu lậu thì em không dám mua đâu ạ.
Noãn lắc đầu:
- Ăn thịt chó mà uống rượu cam bán cả chum ở cửa hàng mậu dịch thì chán bỏ mẹ.
Chủ quán bê ra ba bát tiết canh đặt xuống bàn:
- Xin mời ba đồng chí uống rượu, các món khác lát nữa em đưa ra cho nóng.
Mời xong chủ quán đến đứng tựa lưng vào cột đưa mắt quan sát ba ông khách. Lịch cầm chai rượu định rót vào chén của Noãn thì chủ quán chạy đến giữ tay Lịch lại.
- Đồng chí chờ cho em một lát. Em sẽ đưa rượu nếp chính cống Văn Lãng ra để các đồng chí dùng.
- Thế sao khi nãy ông bảo cái món rượu lậu ông không dám mua? – Noãn hỏi.
- Cũng phải cảnh giác cao độ ạ. Lần trước có hai đồng chí chẳng biết ở đâu đến cũng vào quán em ăn thịt chó và hỏi rượu trắng. Em đưa rượu Văn Lãng ra cho họ uống. Không dè ăn uống no say, hai đồng chí ấy quay ra hoạnh họe em mua rượu lậu ở đâu? Em bảo người ta đưa đến tận quán bán thì em mua chứ chẳng biết người bán ở đâu. Thế là các đồng chí ấy đổ tội cho em vừa tiếp tay cho con buôn, vừa tiêu thụ hàng quốc cấm, đòi đưa em vào công an huyện. Em lạy lục cúc bái đến sái cả cổ, hai đồng chí ấy mới chịu tha cho và bỏ đi. Quên luôn cả việc trả tiền bốn bát tiết canh, một đĩa thịt luộc và hai cút rượu Văn Lãng. Sở dĩ khi nãy em bảo không có rượu trắng là muốn để từ từ xem tướng mạo của ba đồng chí có phải giống quân lừa lọc không đã rồi mới đưa rượu ra.
Thưởng hỏi:
- Thế ông có thấy ba chúng tôi có giống quân lừa lọc không?
- Không ạ. Mặt mũi của ba đồng chí, đồng chí nào cũng phúc hậu, thoáng đãng và tươi như hoa. Ba đồng chí chờ em đi lấy rượu nhé.
Chủ quán cầm cút rượu trắng ra từ từ rót vào chén của Noãn.
Noãn bảo:
- Ông để tự chúng tôi rót lấy.
- Các đồng chí thông cảm. Em rót xong cho các đồng chí, em phải cất kín cái chai này vào bên trong buồng. Thấy các đồng chí uống hết, em lại đưa ra rót chứ để công khai giữa bàn là cực kỳ nguy hiểm.
- Thế cũng được. Lúc nào hết, tôi vẫy tay ra hiệu cho ông nhé.
- Vâng. Nếu có ai vào, các đồng chí vờ cầm chai rượu cam rót vào chén hộ em nhé.
Chủ quán rót đầy ba chén rượu cho ba người rồi cầm cút rượu lui vào bên trong.
- Uống đi các ông – Lịch mời – Làm món tiết canh trước – Lịch nhấp một ngụm rượu, chép chép môi nói với Noãn – Nước rượu này giống nước rượu con mẹ Hoang lắm ông ạ. Không khéo lão này cất rượu của con mụ Hoang cũng nên.
Thưởng cũng nhấp một ngụm rượu rồi bảo:
- Đếch phải rượu Văn Lãng. Nước rượu này nồng và hơi có mùi khê.
Lịch vẫy tay ra hiệu cho chủ quán lại. Chủ quán tưởng hết rượu chạy vào xách cái chai đưa ra.
- Chúng tôi mới uống một nhấp thôi, còn nhiều – Lịch bảo với chủ quán – Tôi gọi ông đến để hỏi có thật rượu này là rượu Văn Lãng không?
- Văn Lãng chính hiệu con nai vàng đấy các đồng chí ạ.
- Chúng tôi uống rượu thành thần, ông chẳng lừa được chúng tôi đâu. Có phải rượu này ông cất của cái cô người dong dỏng, mắt sắc như dao cau, người ở xã Đạo Thắng không?
- Em bái phục ba đồng chí. Đúng là các đồng chí uống rượu thành thần thật, chẳng có gì qua mắt được ba đồng chí. Quả là em cất rượu của cô Hoang, người Đạo Thắng. Rượu cô này chẳng thua kém gì rượu Văn Lãng, có phải thế không ba đồng chí?
- Rượu thì kém xa Văn Lãng, nhưng vì đôi mắt cô bán rượu nên ông mới trông gà hóa cuốc, có phải thế không?
- Không dám, không dám. Con hổ cái nhà em móng vuốt sắc lắm, em chả dại. Ba đồng chí đã dùng món nướng chưa để em vào cho qua than một lát cho nóng?
Noãn:
- Ông cứ vào bê ra đây được rồi.
Lịch hỏi Thưởng:
- Lúa má dưới ông đã bắt đầu gặt chưa?
- Độ mươi hôm nữa.
- Có được vài tấn một héc-ta không?
- Xúc đất đổ thêm vào để cân may ra.
Noãn hỏi:
- Lão Toàn, chủ tịch Bình Minh họp xong đi đâu mà không cùng về với ông?
- Về vội để chuẩn bị chiều nay làm việc với bí thư huyện ủy.
- Xã ông đang có chuyện gì hay sao mà bí thư huyện ủy về làm việc?
- Các đảng ủy viên cấu xé lẫn nhau. Còn chủ tịch và bí thư đảng ủy thì như sừng với đuôi.
Noãn hỏi:
- Ông có chân trong đảng ủy không?
- Tôi không có chân trong đảng ủy thì ai có. Thôi ăn cho ngon cái đã. Tiết canh của cái quán này ăn cũng được đấy nhỉ.
- Ông chưa vào đây bao giờ à?
- Tôi khoái nhất là món mì sợi luộc chấm với tương. Còn thịt chó ăn cũng được, không ăn cũng chẳng sao.
- Thế mà tôi không biết nên mời ông đi ăn thịt chó. Đáng ra khi chúng tôi rủ ông đi ăn thịt chó, ông phải nói ông không khoái khẩu với món thịt chó mà chỉ thích ăn mì sợi luộc chan với tương để chúng tôi khỏi kéo ông vào đây. Thôi đã nhỡ rồi, uống với chúng tôi vài chén rượu rồi đi ăn mì sợi chan tương vẫn chưa muộn.
- Xỉa nhau làm gì. Các ông kiếm chác được mới đi ăn thịt chó với nhau chứ bỏ tiền túi ra bố bảo.
- Có thật các ông không kiếm chác được gì không?
- Có gì mà kiếm chác.
- Tôi đếch tin.
- Tin hay không là quyền của các ông.
Lịch:
- Ông thấy những lời phát biểu của bà bí thư đảng ủy xã tôi và mấy tay lãnh đạo An Bình trong cuộc họp sáng nay như thế nào?
- Toàn chuyện vớ vẩn. Tôi chẳng dại thực hiện làm ăn kiểu ấy.
- Sao thế?
- Tại sao à? Thành công thì người khác hưởng. Thất bại thì mọi tội vạ đổ lên đầu cái thằng chủ nhiệm. Cấp trên đẻ ra cái Hợp tác xã đã đủ tay đủ chân, đủ mặt đủ mũi thì cứ việc để thế nuôi cho nó lớn. Việc gì gắn thêm chân tay mắt mũi giả vào làm gì để cho nó biến thành kẻ dị nhân.
Lịch reo lên:
- Hay! Hay! Đúng là lời nói của thánh nhân. Vì sao sáng nay ông không nói những lời vừa rồi ở trong cuộc họp?
Thưởng cười:
- Chưa có rượu và thịt chó nên không nghĩ ra. Theo tôi khi cấp trên có chủ trương đưa Hợp tác xã lên quy mô là đã nghiên cứu đâu vào đó hết rồi. Có khi còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc nữa cũng chưa biết chừng. Thứ dân như bọn mình mà đòi thay đổi thế này, thay đổi thế kia thì đúng là điếc không sợ súng.
Lịch góp lời:
- Ông Noãn thấy tôi nói có đúng không. Ngồi uống rượu với tay Thưởng nghe hắn phán hết điều này, điều nọ, rượu không ngon cũng biến thành ngon.
- Chí lí. Chí lí. Thế nhỡ huyện ủy yêu cầu ông phải thay đổi phương pháp làm ăn giống như của một số ý kiến phát biểu sáng nay thì ông tính sao?
- Chủ trương đường lối mình đã nhuyễn trong đầu. Điều lệ, nguyên tắc mình nhét đầy xắc cốt. Cứ giở ra mà hỏi chỗ nào đúng, chỗ nào sai. Còn nếu ép tôi làm, nếu sai, cấp trên phê bình thì tôi không chịu trách nhiệm.
- Không hẹn mà sao suy nghĩ của ông giống của chúng tôi thế – Lịch nói và nâng chén rượu lên – Nào xin chúc ông một chén rượu. Nếu lần sau họp ở huyện, tôi mời ông đi chén thịt chó chứ không để ông ăn mì sợi luộc chan với tương đâu.