Số lần đọc/download: 7390 / 81
Cập nhật: 2017-04-11 11:35:20 +0700
Chương 11
T
rần Đức bắt tay làm việc đã suốt tuần lễ rồi. Hôm đầu chưa quen với công việc nên nó tỏ ra lúng túng, bỡ ngỡ. Nhưng nhờ thông minh và lanh lợi, vài hôm sau nó đã thạo việc. Bây giờ nó xỏ lẹm và may miệng bao một cách tài tình chẳng kém mấy tay thợ rành nghề. Công việc cũng khá nặng nề, đối với sức vóc của nó.
Thế mà Trần Đức chẳng hề núng chí, chẳng hề than vản. Nó can đảm và hăng hái làm việc. Chính Năm Hương còn phải ngạc nhiên về năng lực của nó. Năm Hương giao cho Trần Đức cái việc làm quá sức nó, gã định bụng thằng bé làm không siết sẽ có cớ hành hạ nó để trả cái thù bị Mỹ Lan sĩ nhục và cự tuyệt. Mãi đến bây giờ gã vẫn nuôi hận thù đối với Mỹ Lan.
Tuy đã thành công trong việc làm hư hỏng cuộc đời của Mỹ Lan nhưng Năm Hương vẫn chưa hả dạ. Gã còn manh tâm đày đọa Trần Đức. Làm khổ Trần Đức, Năm Hương còn trả được cái nhục bị Triệu Vĩ lăng mạ. Còn gì thích khoái cho Năm Hương hơn là nhìn thấy cha con Triệu Vĩ gặp nhau mà chẳng hề biết nhau. Cha chẳng nhìn ra con, con chẳng nhận ra cha.
Vào làm việc chẳng bao lâu, Trần Đức mua được cảm tình của tất cả các anh chị em lao công. Trần Đức siêng năng, làm việc giỏi, lễ phép, vui tính. Tối ngày nó ca hát luôn mồm làm cho mọi người vui lây. Họ còn ưa thích Trần Đức ở chỗ nó cũng có tánh cứng đầu như họ, nhưng chỉ cứng đầu trước những sự bất công thôi. Những con người đã giác ngộ, đã hiểu biết quyền lợi của mình thì chẳng bao giờ chịu khom lưng trước bất cứ một sức mạnh nào. Họ chỉ nghiêng mình trước lẽ phải. Người dân quê thời nay đã khác hẳn người dân quê thời xưa. Ngày xưa dân quê nhút nhát yếu hèn bao nhiêu, thì ngày nay, dân quê cương quyết và can đảm bấy nhiêu.
Sáng hôm đó, cũng như mọi hôm, Trần Đức vừa làm việc, vừa hát vang một bản ca hùng mạnh mà nó vừa học được của trẻ Thới Bình thôn. Tình cờ Triệu Vĩ đi ngang qua chỗ thằng bé làm việc. Nghe giọng hát lảnh lót của nó, Triệu Vĩ dừng bước nhìn tên thợ lạ mặt. Không hiểu sao thoạt nhìn mặt Trần Đức, Triệu Vĩ thấy có cảm tình với nó ngay. Hình như mặt thằng bé có nhiều nét giống Mỹ Lan.
Triệu Vĩ liền gọi Năm Hương đang đứng coi sóc nhân công ở cạnh đấy. Chẳng hiểu chuyện chi, Năm Hương bước nhanh tới trước mặt Triệu Vĩ và lễ phép hỏi:
- Dạ cậu Hai gọi chi?
Không thèm để ý đến Năm Hương, Triệu Vĩ ngó Trần Đức và hất hàm hỏi:
- Thằng bé nào đó?
Trước câu hỏi đột ngột của Triệu Vĩ, Năm Hương thất sắc, nhưng may Triệu Vĩ không nhìn thấy mặt gã. Năm Hương lo sợ Triệu Vĩ đã tìm ra được tông tích Trần Đức. Giữa lúc Năm Hương lúng túng chưa tìm được câu trả lời suôn sẻ thì Triệu Vĩ lại giục:
- Chú chưa trả lời câu hỏi của tôi!
Năm Hương giả vờ nghe không rõ:
- Dạ, ban nãy cậu Hai hỏi chi?
Triệu Vĩ đã bực mình nhưng cố giữ vẻ lạnh lùng:
- Tôi hỏi chú, thằng bé đang làm việc đó tên gì?
Năm Hương đáp nhanh:
- Dạ, nó tên Trần Đức.
Triệu Vĩ hỏi tiếp:
- Cha nó tên gì?
Triệu Vĩ thật tình hỏi, nhưng vì có tịch nên Năm Hương lại một phen mất hồn. Gã cúi mặt xuống và đáp không còn bình tĩnh như trước:
- Dạ, cha mẹ nó là ai tôi không được biết. Chắc nó không phải ở trong làng này. Hình như nó ở ngoài chợ tỉnh thì phải. Nó một mình đến sở xin việc làm và khai rằng mồ côi cha mẹ. Tôi thương tánh tình nên cho nó một chỗ làm.
Nhìn vết mồ hôi vẽ rằn rịt trên trán và mặt mũi Trần Đức, Triệu Vĩ bảo Năm Hương với giọng trách móc:
- Tôi nhận thấy công việc của chú trao cho thằng bé quá sức của nó.
Năm Hương nhanh miệng ngắt ngang:
- Cậu lầm rồi, nó làm việc rất chạy. Sức của nó còn có thể làm nhiều chuyện nặng hơn nữa.
Triệu Vĩ cau mày:
- Dù sao cũng không nên lợi dụng sức lực của nó. Cái gì quá lố đều có hại, nhất là trẻ nít.
Năm Hương không khỏi mừng thầm, Triệu Vĩ chẳng biết gì hết. Gã giả vờ xuống nước nhỏ:
- Dạ, cậu Hai nói đúng, tôi sẽ kiếm việc khác nhẹ hơn cho nó làm.
Không hỏi thêm Năm Hương lời nào nữa, Triệu Vĩ bước đến bên cạnh Trần Đức trước sự lo sợ của Năm Hương. Gã quản lý nhìn chằm chặp Triệu Vĩ không bỏ sót một hành động nào của chàng. Gã hồi hộp lo ngại sợ Trần Đức nói tách bạch ra hết cho Triệu Vĩ rõ chuyện. Gã tức thầm vì quên ngăn ngừa trước chuyện Trần Đức có thể nói cho mọi người biết chính Năm Hương gởi tiền cho nó ăn học. Mà nếu Triệu Vĩ biết như thế rồi thì chàng sẽ khám phá ra hành động mờ ám của gã.
Triệu Vĩ thân mật hỏi Trần Đức:
- Em làm việc có mệt lắm không?
Trần Đức ngừng tay, ngước đôi mắt đen nhánh nhìn Triệu Vĩ. Đã có sẵn ác cảm đối với các chủ nhân ông, Trần Đức lễ phép xỏ ngọt:
- Bẩm ông chủ, không mệt lắm vì công việc rất nhẹ.
Triệu Vĩ chẳng chút giận dỗi, trái lại chàng mỉm cười:
- Em có muốn tôi giao cho em một công việc khác nhẹ hơn nữa?
Trần Đức đáp ngắn ngủn:
- Cảm ơn ông chủ!
Triệu Vĩ gợi chuyện:
- Có phải quê em ở ngoài tỉnh?
Không muốn thổ lộ cho Triệu Vĩ biết tông tích của mình nên Trần Đức nói dối:
- Không phải, quê tôi ở làng kế cận đây.
Để cho Triệu Vĩ khỏi hỏi thêm, Trần Đức cúi gầm mặt tiếp tục công việc. Nhưng Triệu Vĩ vẫn chẳng chịu buông tha. Chàng thấy có cảm tình đặc biệt với thằng bé mặc dù nó đã tỏ ra rất khó chịu với chàng. Triệu Vĩ tìm cách gợi chuyện:
- Em có thể cho tôi biết cha mẹ em là ai chăng?
Nghe nhắc tới cha mẹ Trần Đức xót xa vô cùng. Càng tủi nhục nó càng bực tức Triệu Vĩ nhiều thêm. Nó cáu kỉnh đáp;
- Tôi mồ côi cha mẹ từ thuở bé. Tôi không biết gì hết.
Trước sự giận dữ của thằng bé dễ thương, Triệu Vĩ cười xòa. Chàng từ giã Trần Đức:
- Hôm khác em hết giận tôi sẽ nói chuyện với em nhiều. Em rất dễ thương như hay quạu quá. Thôi ráng làm việc siêng năng nhé!
Triệu Vĩ quay lại Năm Hương dặn dò vài điều đoạn rời khỏi nhà máy. Nhưng chàng không quên nhắc nhở Năm Hương:
- Chú tìm công việc khác nhẹ nhàng hơn giao cho thằng bé Trần Đức đảm nhận. Nếu nó cố gắng làm quá sức nó sẽ mang bệnh. Chừng đó chúng ta phải chịu hết trách nhiệm. Một lần chót, tôi chân thành khuyên chú nên tỏ ra tốt và thân mật với anh em nhân công. Cần nhất là đừng lợi dụng sức lực và cướp đoạt quyền lợi của họ.