Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 41
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 - Tưởng Tượng Và Thực Tế
ó khi nào anh thấy Mặt Trăng chưa? Một ông thầy giáo mỉa mai hỏi cậu học trò.
- Thưa thầy, chưa ạ, – cậu học trò đáp, giọng còn mỉa mai hơn – nhưng con phải nói rằng con đã nghe nói đến nó.
Với một ý nghĩa nào đó, có thể nói câu trả lời giễu cợt của cậu học trò đó chính là câu nói của vô số con người trần thế nói chung này. Biết bao người đã nghe nói đến Mặt Trời nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nó… ít ra là qua một ống nhòm hay một loại kính thiên văn! Có biết bao người chưa bao giờ xem bản đồ vệ tinh của họ!
Khi nhìn một bản đồ Mặt Trăng điểm làm chúng ta chú ý là tính chất đặc biệt của nó. Khác với cách xếp đặt trên Mặt Trăng và Hoả Tinh, đặc biệt những lục địa chiếm cả Nam bán cầu của Mặt Trăng. Những lục địa này không có những đường biên giới rõ ràng và đều đặn như vùng Trung Mỹ, Châu Phi, và bán đảo Ấn Độ. Bờ biển ở trên Mặt Trăng có góc cạnh bất thường, nham nhở và có nhiều vịnh và bán đảo. Chúng rất giống cái mớ bong bóng những hòn đảo ở La Sonde, ở đó đất đai bị chia cắt ra thành nhiều mảnh. Nếu trên nguyệt cầu có ngành hàng hải, thì chắc việc đi lại thật đặc biệt khó khăn và nguy hiểm, đáng ái ngại cho thuỷ thủ và nhà địa lý thuỷ văn nguyệt cầu – các thuỷ thủ thì phải vượt qua những bờ biển gồ ghề còn những nhà thuỷ văn thì phải đi qua những vùng biển sát bờ và nguy hiểm.
Người ta còn thấy rằng ở cực Nam Mặt Trăng, có nhiều đất liền hơn cực Bắc. Ở cực Bắc chỉ có một chỏm đất liền nằm lẻ loi giữa những đại dương. Ở phía Nam, những lục địa gần như bao phủ cả bán cầu. Có thể người nguyệt cầu đã đi đến những cực đó rồi trong khi những nhà thám hiểm Franklin, Ross, Kane, Dumont d’Urville, Lambert lại chưa đến được những nơi như vậy trên địa cầu.
Bề mặt nguyệt cầu cũng có rất nhiều đảo. Tất cả những vệt dài hoặc tròn như được vẽ bằng compa này tạo thành một quần đảo rộng lớn có thể so sánh với nhóm quần đảo hấp dẫn nằm giữa Hy Lạp và các vương quốc Tiểu Á, nơi mà người xưa đã đặt ra biết bao câu chuyện thần thoại kỳ diệu. Vô tình, những cái tên như Naxos, Ténédos, Milo, Carpathos, chợt hiện ra trong trí tưởng tượng và họ đi tìm xem con thuyền của Ulysse hoặc “chiếc thuyền buồm” của dân Argonautes nằm ở đâu. Ít ra đó là điều Michel Ardan quan tâm, anh đã nhận ra trên tấm bản đồ Mặt Trăng một quần đảo Hy Lạp như vậy. Đối với con mắt ít tưởng tượng hơn của những bạn đồng hành của anh thì hình dạng những bờ biển này giống với những vùng đất đứt đoạn của Tân Brunswick và Tân Écosse, anh chàng người Pháp tìm thấy ở đó dấu vết của những nhân vật huyền thoại còn những ông người Mỹ này lại nhìn thấy ở đó những quầy hàng phục vụ nền thương mại và kỹ nghệ Mặt Trăng.
Để kết thúc việc tả phần đất liền trên Mặt Trăng, cũng nên nói một chút về núi non ở đó. Người ta không phân biệt rõ ở đó những dãy núi, những ngọn núi lẻ loi, những đài vòng và những đường rãnh. Tất cả địa hình của Mặt Trăng đều chia ra như vậy. Hình thể thật là trắc trở. Đó là một Thụy Sĩ khổng lồ, một Na Uy liền một dải, lớp vỏ mặt đất ở đó coi như đã hoàn thành. Bề mặt lởm chởm này là kết quả của những đợt co thắt của vỏ đất ở thời kỳ thiên thể đang hình thành. Mặt Trăng rất thích hợp cho việc nghiên cứu những hiện tượng địa chất. Theo sự nhận xét của một số nhà thiên văn thì bề mặt của những nguyệt cầu mặc dù xưa hơn bề mặt của Trái Đất nhưng có vẻ còn mới hơn. Ở đó không có những dòng sông có sức phá huỷ địa hình nguyên thuỷ để tạo nên một mặt phẳng, không có không khí nên hình dạng những ngọn núi không bị biến đổi. Vì không có những tác dụng của nước nên bề mặt vẫn giữ nguyên tình trạng ban đầu. Do cũng chính là trường hợp của Trái Đất trước khi thuỷ triều và những dòng nước mang đến những lớp trầm tích.
Sau khi đã đảo qua những lục địa bao la cần thiết phải để ý đến những đại dương còn rộng lớn gấp bội. Không những cách cấu tạo, vị trí, hình dáng của những đại dương này giống với đại dương của Trái Đất mà những đại dương này cũng chiếm phần lớn diện tích Mặt Trăng như trên Trái Đất. Tuy nhiên, điều mà các nhà du hành hy vọng có thể xác định được tính chất, không phải là những vùng biển mà là những đồng bằng.
Để thích hợp hơn, các nhà thiên văn đã đặt cho những vùng biển nói trên những cái tên nghe rất lạ mà khoa học còn giữ mãi đến ngày nay. Michel Ardan có lý khi so sánh cái bản đồ này với một thứ “bản đồ tình yêu” do một bà Scudéry hoặc một ông Cyrano de Bergerac nào đó lập nên.
- Chỉ có điều – anh ta nói tiếp – đây không còn là thứ bản đồ tình cảm như hồi thế kỷ XVII mà là bản đồ của cuộc sống được phân thành hai phần, một phần dành cho đàn bà, một phần dành cho đàn ông. Bán cầu bên phải dành cho các bà. Bán cầu bên trái dành cho các ông!
Câu nói đó của Michel làm cho những người bạn đồng hành của anh phải nhún vai. Barbicane và Nicholl nhìn tấm bản đồ Mặt Trăng dưới một góc độ khác nhau với người bạn giàu trí tưởng tượng của họ. Tuy nhiên, người bạn giàu trí tưởng tượng này vẫn có nhiều lý lẽ riêng của anh, dù những lý lẽ này không nhiều cho lắm. Hãy để người ta phán xét.
Ở bán cầu bên trái có “Biển Mây” là nơi trí óc con người thường chết chìm trong đó. Cách không xa đó là “Biển Mưa” được nuôi dưỡng bằng những mối lo lắng của con người. Bên cạnh đó là “Biển Bão” nơi con người phải chiến đấu không ngừng chống lại những sức mạnh ghê gớm của thiên tai. Bị kiệt sức vì những thất vọng, sự phản bội, không chung thủy và một lô những sự bất hạnh trần thế khác, vậy còn gì trong cuộc đời của con người nữa? Vùng “Biển Bực Bội” được xoa dịu bằng một vài giọt nước của “Vịnh Sương Sa”. Mây, mưa, bão, bực bội, cuộc đời của người đàn ông còn có điều gì khác ngoài bốn từ đó?
Bán cầu bên phải “được tặng cho phụ nữ” gồm những vùng biển nhỏ hơn mà những cái tên có ý nghĩa bao gồm tất cả những sự kiện trong cuộc đời của phụ nữ. Đó là “Biển Thanh Thản”, nơi hình người thiếu nữ đang cúi mình nhìn xuống, và “Hồ Mơ” phản chiếu một tương lai vui tươi. Đó là “Biển Phong Phú”, “Biển Khủng Hoảng”, rồi “Biển Phẫn Nộ”, biển này có bề rộng quá nhỏ, và sau cùng “Biển Yên Tĩnh” nơi thu hút tất cả những tình cảm, tất cả những ước mơ không tưởng, tất cả những dục vọng chưa được thoả mãn, và tất cả những đợt sóng đó bình thản đổ vào “Hồ Chết”!
Thật là một loạt những cái tên lạ lùng! Hai bán cầu của Mặt Trăng được phân chia rõ ràng và nối kết với nhau như đàn ông với đàn bà, tạo thành quả cầu của cuộc sống bay trong không gian. Và anh chàng thích bằng sự tưởng tượng của những nhà thiên văn học đời xưa?
Nhưng trong khi trí tưởng tượng của anh đang vẫy vùng khắp những “vùng biển” như thế, thì những người bạn đồng hành nghiêm trang của anh đang quan sát sự vật dưới góc độ địa lý. Họ học thuộc lòng cái thế giới mới lạ này. Họ đo những góc và những đường kính.
Đối với Barbicane và Nicholl, Biển Mây là một vùng đất trũng rộng lớn có điểm xuyết những ngọn núi miệng tròn, chiếm một phần lớn ở phía Tây Nam bán cầu, với một diện tích khoảng một trăm tám mươi bốn ngàn tám trăm dặm vuông, và tâm của nó nằm ở 15° vĩ Bắc và 45° kinh Tây. Biển Bão, Oceanus Procellarum, đồng bằng lớn nhất của Mặt Trăng chiếm một diện tích ba trăm hai mươi tám ngàn ba trăm dặm vuông, tâm của nó nằm ở 10° vĩ Bắc và 45° kinh Đông, ở giữa biển đó nổi lên những ngọn núi hùng vĩ Képler và Aristarque.
Xa hơn về phía Bắc và cách Biển Mây bởi những dãy núi cao, là Biển Mưa, Mare Imbrium, tâm của nó nằm ở 35° vĩ Bắc và 20° kinh Đông, nó hơi tròn và chiếm một diện tích một trăm chín mươi ba ngàn dặm vuông. Không xa đó là Biển Bực Bội, Mare Humorum, một đồng bằng nhỏ chỉ rộng bốn mươi bốn ngàn hai trăm dặm vuông, nằm ở 25° vĩ Nam và 40° kinh Đông. Sau cùng là ba cái vịnh của bán cầu này. Vịnh Torride, Vịnh Sương Sa và Vịnh Iris, đó là những đồng bằng nhỏ nằm giữa những dãy núi cao.
Bán cầu “Nữ giới” đương nhiên là thất thường hơn, nổi bật vì nhiều vùng biển nhỏ hơn. Về phía Bắc, Biển Lạnh, Mare Frigoris, ở 55° vĩ Bắc và kinh tuyến 0° với diện tích bảy mươi sáu ngàn dặm vuông tiếp giáp Hồ Chết và Hồ Mơ; Biển Thanh Thản, Mare Serenitatis, ở 25° vĩ Bắc và 20° kinh Tây, rộng tám mươi sáu ngàn dặm vuông; Biển Khủng Hoảng, Mare Crisium, rất tròn và được bao bọc chung quanh, nằm ở 17° vĩ Bắc và 55° kinh Tây, rộng bốn mươi ngàn dặm vuông, thật là một Caspienne[20] nằm sâu giữa vòng những ngọn núi. Rồi ngang đường xích đạo ở 5° vĩ Bắc và 25° kinh Tây là Biển Yên Tĩnh, Mare Tranquillitalis, với diện tích một trăm hai mươi mốt ngàn năm trăm lẻ chín dặm vuông, biển này thông về phía Nam với Biển Mật Hoa, Mare Nectaris, trải rộng trên một diện tích hai mươi tám ngàn tám trăm dặm vuông nằm ở 15° vĩ Nam và 35° kinh Tây và ở phía Đông của Biển Phong Phú, Mare Fecunditatis, biển rộng nhất của bán cầu này, chiếm một diện tích hai trăm mười chín ngàn ba trăm dặm vuông nằm ở 3° vĩ Nam và 50° kinh Tây. Sau cùng, hai biển cách xa nhau, một ở phía Bắc và một ở phía Nam, đó là Biển Humboldt, Mare Humboldtianum, với diện tích sáu ngàn năm trăm dặm vuông, và Biển Nam, Mare Australe, với diện tích hai mươi sáu ngàn dặm vuông.
[20] Biển Caspienne: biển nằm giữa Châu Âu và Châu Á, tiếp cận miền Caucase, Kazakhstan, Turkmenistan và Iran (ND).
Ở trung tâm của Mặt Trăng, nằm ngang với đường xích đạo và trên đường kinh tuyến số không là Vịnh Trung Tâm, Sinus Medii, một hình gạch nối giữa hai bán cầu.
Đó là tất cả những gì thấy được ở trên vệ tinh của Trái Đất dưới mắt của Nicholl và Barbicane, khi cộng tất cả những kích thước trên, họ tính được diện tích của bán cầu này là bốn triệu bảy trăm ba mươi tám ngàn một trăm sáu mươi dặm vuông, trong đó những núi lửa, những dãy núi, những đài vòng, những hòn đảo, nói tóm lại là tất cả phần đất cứng của Mặt Trăng chiếm ba triệu ba trăm mười bảy ngàn sáu trăm dặm vuông, và biển, hồ, đầm, tất cả phần nước chiếm một triệu bốn trăm mười ngàn bốn trăm dặm vuông. Tất cả những điều này đối với Michel không quan trọng gì.
Như vậy, bán cầu này nhỏ hơn bán cầu của Trái Đất mười ba lần rưỡi. Nhưng những nhà nghiên cứu Mặt Trăng đã tính ở đó có hơn năm mươi ngàn núi lửa. Như vậy, đó là một bề mặt lồi lõm, nứt nẻ, một cái muôi hớt bọt không thơ mộng như những người Anh gọi là green cheese, có nghĩa là pho mát xanh.
Michel Ardan bật dậy khi Barbicane nói đến cái tên khó nghe này.
Thế mà vào thế kỷ XIX, những người Anh đã gọi Mặt Trăng là nàng Diane xinh đẹp, nàng Phoebé tóc vàng, Isis đáng yêu, Astarté kiều diễm, Nữ hoàng của Màn đêm, con gái của Latone và Jupiter, người em gái của thần Apollon rực rỡ.
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng