Reading means borrowing.

Georg Christoph Lichtenberg, Aphorisms

 
 
 
 
 
Tác giả: Luigi Pirandello
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Quỳnh Dung
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2020-11-02 22:25:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
GƯỜI ĐANG SỐNG VÀ NGƯỜI ĐÃ CHẾT
Con tàu Táctana mà bác Ninô Mô đặt tên cho là “Philippa” để kỷ niệm người vợ thứ nhất, đang vào bến Empêđốcle. Hoàng hôn đỏ rực, hoàng hôn diễm lệ của biển Địa Trung Hải. Trong vẻ huy hoàng của ánh sáng và mầu sắc, những làn sóng biển lăn tăn cũng lấp lánh chuyển sắc mầu theo. Trên cửa sổ những ngôi nhà đủ mầu sắc các ô kính cũng ánh lên đỏ rực. Cao nguyên Mécghen lấp loáng. Bãi cát ven biển cũng như được mạ vàng. Điểm đen duy nhất nằm ngay cạnh đê chắn sóng là hình thù buồn tẻ của toà lâu đài cổ.
Lúc tàu chạy lọt vào giữa hai hàng đá ngầm, các thuỷ thủ nhìn thấy rằng, khắp bến cảng, từ toà lâu đài cổ cho đến cây đèn biển bằng đá trắng, chỗ nào cũng nhung nhúc người. Họ la hét, vẫy mũ nồi và khăn quàng phụ nữ.
Tất nhiên, cả bác Ninô lẫn các thuỷ thủ đều không hề biết rằng, họ được đón tiếp nồng nhiệt đến thế, mặc dù những tiếng gào thét và những cánh tay có vẻ như hướng về phía họ. Họ yên trí rằng, đấy là một đơn vị tàu chở ngư lôi nào đó cũng đang vào bến. Họ sắp sửa thả neo và dân chúng chào đón họ, bởi vì không phải ngày nào cũng có tàu quân sự loại lớn như thế cập bến.
Bác Ninô cẩn thận cứ ra lệnh hạ buồm xuống để chờ chiếc tàu từ trong bến ra kéo chiếc “Philippa” của bác vào cảng.
Các cánh buồm đều đã được hạ xuống. Con tàu từ từ lướt giữa hai dãy đá ngầm, trên làn nước biển xanh như ngọc. Và những thuỷ thủ trẻ hiến kỳ giống như những con sóc leo lên những sợi dây thừng, những cột buồm, thậm chí cả trục buồm nữa.
Kia rồi tàu, ra kéo, theo sau nó là vô số thuyền nhỏ. Tàu kéo chạy rất nhanh. Và những thuyền nhỏ, chiếc nào cũng đầy ắp người, đều như chực chìm. Người trên các con thuyền đều reo hò, vẫy tay và trỏ cái gì ấy.
Có nghĩa đúng là họ ra đón ta? Bao nhiêu là người? Mà sao ầm ĩ đến thế? Hay họ nghĩ chúng ta đã suýt bị đắm ngoài khơi?
Đám thuỷ thủ chạy ùa ra đằng mũi tàu, đón những chiếc thuyền nhỏ, để hỏi xem tại sao mà ồn ào đến như thế, nghe xem mọi người gào thét những gì. Từ nãy đến giờ họ mới chỉ nghe rõ mỗi một từ.
- Philippa! Philippa!
Bác Ninô bình thản đứng tránh sang một bên. Là người duy nhất không bị kích động bởi thói hiếu kỳ, bác không rời khỏi chỗ vẫn đang đứng, và vẫn thản nhiên nheo mắt bên trái, dưới trước mũ nồi kéo thấp như lê thường. Con mắt này lác. Cuối cùng bác rút trong miệng ra chiếc tẩu bằng gộc cậy, nhổ nước miếng rồi lấy mu bàn tay vuốt bộ ria mép cứng, mầu hung và chòm râu cằm nhọn hoắt, quay ngoắt sang chú lính thuỷ trẻ, ra lệnh kéo chuông báo tin đến giờ đọc kinh chiều.
Từ nhỏ tuổi đã lăn lộn trên sóng nước, bác tin hoàn toàn vào bàn tay của Chúa, nhẫn nhục chịu đựng mọi tai hoạ của số phận, và bao giờ cũng khó chịu khi nghe thấy dân chúng gào thét.
Tiếng chuông đầu tiên, bác bỏ mũ nồi, để lộ ra chiếc đầu hói, chỉ được phủ bằng một lượt tóc thưa thớt mầu hung. Bác làm dấu và đã sắp sửa đọc kinh thì bỗng nhìn thấy đám thuỷ thủ chạy đến và gào lên như điên:
- Bác Ni! Bác Ni! Bác gái! Bác Philippa! Còn sống! Bác gái đã trở về!
Bác Ni kinh ngạc. Bác hoảng sợ đưa mắt nhìn họ và hiểu ra rằng đấy là sự thật chứ không phải ma quỷ hiện hồn. Trên khuôn mặt bác lần lượt thay nhau bốn hình thái tâm trạng: đầu tiên là nhăn nhó ngờ vực, rồi không tin hoàn toàn, rồi hoảng sợ và cuối cùng là mừng rỡ. Bác bỗng như nổi điên, gạt các thuỷ thủ đang sấn đến, túm ngực một người, lay mạnh và quát:
- Cái gì? Cái gì? - Rồi giơ tay lên như phòng bị một cuộc tấn công, bác lao đến mũi con tàu, nhìn những người ra đón. Họ gào thét và vẫy tay với bác. Bác lùi lại như sợ sự việc mới xảy đến (mà cũng có thể bác muốn lao đầu xuống biển chăng?) rồi lại quay về phái các thuỷ thủ, như cầu xin sự giúp đỡ, sự viện trợ. Bà ấy còn sống ư? Sao lại còn sống được kia chứ? Bà ta đã trở về? Đi đâu mà trở về? Bác không thốt lên được thành lời, chỉ đưa tay ra hiệu thả thang dây xuống cho nhanh. Thuỷ thủ thả xong, bác hét lên:
- Nào, giữ chặt nhé! - Rồi bám lấy dây, nhanh nhẹn như con vượn, bác leo sang con tàu kéo và mọi người bên đó đỡ lấy bác.
Đám thuỷ thủ trên tàu “Philippa” thất vọng và giận giữ nhìn theo người thuyền trưởng. Rồi, dường như sợ bỏ qua mất cảnh tượng hiếm hoi, họ lại gào ầm lên, để người ta chọn dây thừng buộc con tàu này vào với tàu kéo. Không ai chú ý đến họ. Tất cả những chiếc xuồng đã bơi theo tàu kéo. Trên chiếc tàu này bác Ninô Mô đang bối rối theo những lời kể rời rạc lộn xộn về chuyện bà vợ thứ nhất của bác hồi sinh. Trước đây ba năm bác gái đi Tunix[16] thăm bà mẹ sắp chết, và mọi người đều tưởng bác đã chết cùng với các hành khách khác trên con tàu đắm. Nhưng bây giờ mới biết, thì ra riêng bác gái thoát chết: suốt một ngày lênh đênh trên mặt sóng, bám vào một mảnh gỗ và cuối cùng được một con tàu Nga vớt lên. Trên đường sang Mỹ, vì quá hoảng sợ bác gái phát điên, và nằm hai năm tám tháng trong bệnh viện tâm thần ở Niu Yooc. Sau đấy bác khỏi bệnh, tìm đến cơ quan lãnh sự. Ba ngày sau bác lên tàu về đây, qua đường Ghênoa.
Bác Ninô Mô bị cả một trận mưa những chi tiết lộn xộn về những vụ việc ấy đổ xuống đầu, bác chỉ nhấp nháy cặp mắt lác. Mi mắt trái máy liên hồi và mặt bác méo xệnh như bị ai đâm cái trâm nhọn vào.
Trên một chiếc xuồng có tiếng thét: “Thế là có hai vợ, sướng thế!” và tiếng cười rộ lên thô bỉ. Bác lắc người như để tỉnh lại, khinh bỉ và khó chịu lườm đám họ xa dần rồi chìm mất dưới đường chân trời. Và bây giờ họ lũ lượt kéo đến đây! Để chờ đợi cái gì kia chứ? Họ chen lấn nhau, gào thét như lũ người điên. Họ muốn được xem một người có hai cô vợ ra đón. Họ thú vị lắm đấy! Nhưng bản thân bác thì sao? Bởi vì hai vợ của bác lại là chị em ruột. Và hai chị em ấy yêu quý nhau biết chừng nào! Chị, tức Philippa đã bao nhiêu năm nuôi nấng em, tức là Rôda, chăm sóc em thay mẹ. Sau khi lấy chồng chị vẫn không chịu xa em, đem cô về ở cùng và coi như con. Cho nên ngay từ khi cưới chị, Rôda đã cùng ở một nhà với bác. Cũng vì thế, khi Philippa bị nạn đắm tàu, tưởng không còn sống nữa, bác suy tính: “Kiếm ai chăm sóc thằng con trai cho chu đáo được bây giờ?” Thế là bác lấy luôn Rôda, nhất cử lưỡng tiện. Nhưng bây giờ thì sao? Bây giờ làm cách nào đây. Từ khi nghe tin Philippa thiệt mạng, và Rôda trở thành vợ bác, đến nay cô đã có thai đến tháng thứ tư rồi. Có gì đâu mà đám người kia thích thú kia chứ? Bác có hai vợ, mà đều là chị em với nhau, cả hai đều có con! Kia rồi, Philippa đứng trên bến đang đợi! Đúng là cô ấy rồi. Đúng là Philippa! Và còn đang sống! Đang vẫy tay chào bác, rõ ràng cô không hề bực bội gì mà còn muốn động viên chồng. Một tay vẫy chồng, một tay ôm ngang lưng em. Còn Rôda thì khóc, người run lẩy bẩy, đau khổ và xấu hổ. Trong lúc ấy mọi người xung quanh cười đùa thích thú, vỗ tay reo hò và vẫy mũ. Họ cũng đang chờ bác.
Bác Ninô Mô run lên vì giận dữ. Giá mà nhảy tót xuống biển cho chết đuối ngay được nhỉ? Bác đã tính, hay ra lệnh cho thuỷ thủ quay ngược con tàu ra khơi trở lại! Trốn đi nơi nào thật xa và không trở về đất này nữa. Ngay lúc ấy, bác hiểu ra rằng, không thể đương đầu nổi với sức mạnh thù địch của đám người đông đúc kia. Đột nhiên ruột gan bác như đứt đôi, tai ù và mắt tối xầm lại. Lát sau bác Ninô thấy đầu mình đã ngả trên ngực người vợ vừa mới hồi sinh. Bác gái Philippa cao hơn chồng hẳn một cái đầu: người cao, gầy, da mặt rám nắng, nghiêm nghị. Bác dáng đàn ông, từ cử chỉ, giọng nói đến cách đi đứng. Buông chồng ra là bác đẩy bác trai đến với cô em, ngay trước mặt tất cả mọi người để chồng ôm hôn cả Rôda nữa. Còn cô em gái, vợ thứ hai thì vẫn chăm chú nhìn chồng không chớp cặp mắt trong vắt giống như mặt hồ đầy nước mắt. Bị tiếng hò reo của đám đông làm cho bối rối, bác Ninô cảm tháy vừa xấu hổ vừa đau đớn. Bác cố nén tiếng khóc cứ chực bật ra, cúi xuống thằng con trai lên ba, bác nhấc bổng lên rồi điên cuồng rảo bước trên lối đi, miệng quát:
- Về nhà! Về nhà!
Hai người phụ nữa bước theo bác và đám đông, chen chúc hai bên thậm chí cả đằng sau, bám sát họ. Bác gái Philippa ôm Rôda dẫn đi, che chở cô. Bác Philippa cứ luôn luôn phải ngoái đầu lại, đối đáp với những câu trêu chọc. Thỉnh thoảng bác cúi đầu về phía em gái nói rất to:
- Đừng khóc nữa! Khóc lắm có hại cho cái thai đấy! Đúng rồi, thế là rất tốt! Mà việc gì phải khóc kia chứ? Mọi sự đều là do ý Chúa. Rồi sẽ yên ổn cả thôi. Kìa, chị bảo đừng khóc nữa kia mà! Đâu khắc vào đấy tất. Chúa không bỏ rơi chị em mình đâu.
Sau đấy bác gái quay lại phía sau, quát hết người này đến người khác:
- Ô hay! Có chuyện gì lạ đâu chứ? Các ông các bà thấy rồi đấy: Hai chị em chúng tôi có đánh chửi nhau đâu nào? Chị em tôi là người lành hiền.
Khi họ đi đến lâu đài cổ, ánh hoàng hôn đã tắt, đám mây tím đỏ chỉ còn thưa thớt và nhiều người đi xem đã bỏ về nhà. Họ thắp đèn bão lên rồi đi ra phía đường cái, trở về phía thành phố. Nhưng đa số vẫn cố bám theo mấy vợ chồng bác Ninô. Đám người đi dọc bờ biển, qua những xóm chài ra đến bãi Balatê, nơi bác Ninô ở. Đến trước cửa ngôi nhà, mọi người đứng lại chờ xem ba vợ chồng xử sự ra sao. Họ lầm tưởng chuyện rắc rối này có thể ngã ngũ được ngay.
Ngôi nhà của bác Ninô mái rất thấp, tuyệt nhiên không có cửa sổ. Thêm đám đông tò mò che mất cửa ra vào, nên trong nhà càng tối tăm và ngột ngạt. Nhưng cả bác Ninô cũng như cô vợ đang có thai của bác không thể nói gì được. Đám đông như một thứ bóng đen che phủ khiến tâm hồn hai vợ chồng tối sầm lại và họ không nghĩ ra được cách gì thoát nổi. Mỗi mình bác Philippa xoay trở mọi việc. Bác thắp đèn, đặt đèn lên bàn lúc này đã bày sẵn bữa ăn tối, rồi bước ra cửa.
- Lại kéo đến tận đây nữa! - bác gái thét lên - Các ông các bà đứng đấy làm gì? Đã được bữa cười giễu cho sướng dạ rồi thì phải thôi mà về nhà đi chứ. Việc gia đình chúng tôi, chúng tôi khắc tự lo lấy. Thôi, các ông các bà về nhà đi cho!
Một số người bắt đầu tản ra. Trước khi về họ còn buôn thêm vài câu dí dỏm. Thật ra khá nhiều người đứng lại ngoài bờ biển, trong bóng tối, đợi xem biết đâu sẽ xảy ra chuyện gì ghê gớm.
Họ thèm đợi xem vì họ biết rất rõ bác Ninô cũng như hai chị em vợ bác xưa nay rất trung thực, sợ Chúa và bao giờ cũng tốt bụng.
Vào lúc này phẩm chất đạo đức ấy của họ cũng lại bộc lộ ra không chút vẩn đục. Suốt đêm cửa ra vào để ngỏ. Bờ biển đen ngòm một cách buồn tẻ, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi một vũng nhỏ ăn sâu vào. Mặt nước sẫm màu trông quánh lại. Những mô đá đen xì nhô cao phía dưới bị sóng đánh lõm vào và phủ đầy rong biển. Thỉnh thoảng một ngọn sóng đánh tràn qua rồi rút xuống rất nhanh tạo thành một dòng thác nhỏ đổ xuống. Suốt đêm ánh sáng vàng khè của ngọn đèn vẫn hắt qua cửa ra bên ngoài. Ai đi ngang qua cũng có thể nhìn thấy rõ những gì diễn ra bên trong. Thoạt đầu cả bốn người: ông chồng, hai bà vợ và thằng con trai nhỏ, cùng ngồi vào bàn ăn bữa tối. Sau đó hai chị em Philippa và Rôda quỳ xuống trước tượng Chúa đọc kinh, bác trai thì ngồi ở bàn, tay chống má cũng đọc kinh. Rồi thằng con trai bé lên giường bố mẹ, co quắp ngủ. Cô vợ thứ hai có thai thì ngồi ngay dưới sàn nhà, gục đầu lên tấm nệm. Hai người kia, bác Ninô và bác gái Philippa ngồi hai bên bàn trò chuyện. Lát sau họ ra ngồi trên bậu cửa tiếp tục thì thầm nói chuyện trong bóng đêm, chỉ có ánh sáng yếu ớt của các vì sao chiếu vào họ và tiếng sóng biển vỗ đệm theo.
Sáng hôm sau bác trai Ninô và bác gái Philippa, không nói với ai một lời, lặng lẽ đi tìm thêm chỗ ở. Họ thuê một túp lều ở cuối xóm, bên cạnh lối ra nghĩa trang và nằm lưng chừng núi. Họ chở giường, bàn, hai cái ghế và đến gần tối thì họ chở Rôda tới. Cô vợ đang có thai vào, đóng cửa lại. Hai vợ chồng bác Ninô quay về nhà ở bãi Balatê.
Cả vùng thương xót hộ Rôda. Chồng với bà chị làm như thế là nhẫn tâm, nỡ đuổi một phụ nữ đang có thai ra khỏi nhà, bắt phải sống một mình! Sao họ đang tâm làm như thế nhỉ! Cô Rôda ấy có lỗi gì đâu? Tất nhiên luật pháp quy định… nhưng luật pháp nào? Sao có thứ luật pháp kiểu Thổ Nhĩ Kỳ như vậy? Không được! Xin Chúa chứng giám, làm như thế là không thể được! Là vô lương tâm.
Nhiều người kéo đến có ý kiến ngay với bác Ninô. Bác đang bước chân trên bến cảng, xem xét việc lấy hàng (tàu của bác sửa soạn ra khơi). Mặt bác khó đăm đăm, âu sầu hơi mọi khi nhiều.
Bác không đứng lại, thậm chí không ngoái nhìn người đến gặp mình, mà chỉ kéo chiếc mũ nồi xuống sát mắt (một mắt mở, một nhắm) rồi vẫn không bỏ chiếc tẩu trong miệng ra, chặn đứng mọi lời yêu cầu hay lên án:
- Không phải việc của các ông, các bà!
Bác lạnh nhạt với cả những người mà bác gọi là “bề trên” như mấy ông môi giới, nhà buôn, chủ tiệm. Nói cho đúng ra, khi nói với họ bác có dịu giọng đi đôi chút:
- Mỗi người sống một cách, ông chủ ạ, - bác nói, - Đây là việc trong nhà. Những chuyện như thế này chỉ Chúa mới hiểu và phán xử được cho tôi.
Hai ngày sau bác theo tàu ra khơi, nhưng với thuỷ thủ bác cũng không hé răng thổ lộ điều gì.
Trong thời gian, bác trai đi vắng, hai chị em về ở chung với nhau trong ngôi nhà cũ kỹ. Họ sống hoà thuận, yên ổn, cùng trông nom đứa trẻ và lo toan việc nhà. Ai hỏi, họ chỉ giơ tay, ngước mắt nhìn lên trời rồi mỉm cười buồn bã:
- Chúng tôi tuân theo ý Chúa thôi, bà ạ.
- Chúng tôi tuân theo ý Chúa thôi, ông ạ.
Hai chị em cùng ra bến đón con tàu. Đứa trẻ đi ở giữa. Lần này số người hiếu kỳ giảm hẳn đi. Trên tàu bước xuống, bác Ninô chào cả hai chị em, lặng lẽ hôn thằng con trai, nhấc nó lên rồi bế về nhà. Hai bà vợ đi theo đằng sau. Nhưng lần này chỉ có cô vợ thứ hai Rôda đang có thai vào nhà. Còn bác gái Philippa thì bế con trai sang túp lều thuê ở lối ra ngoài nghĩa trang.
Đến lúc này cả vùng đều hiểu được ra rằng, không việc gì phải thương xót hộ Rôda. Không ai xúc phạm đến cô. Dân trong vùng đều phẫn nộ. Họ phẫn nộ vì cách giải quyết vụ này quá đơn giản! Thật ra lúc mới phát hiện, sự việc rắc rối được ba vợ chồng nhà này xử lý một cách đơn giản đến thế, mọi người chỉ sửng sốt. Rồi họ phì cười. Nhưng khi đã cười chán, ai cũng thấy cách giải quyết như thế này là hay nhất, bởi vì cả hai người vợ không ai có lỗi. Cũng chẳng phải chị hoặc em lừa dối hay làm điều gì sai trái. Cả hai đều là vợ chính thức của bác Ninô trước Chúa cũng như trước pháp luật, trước dư luận. Khốn nỗi dân chúng lại uất ức trước sự thanh thản, hoà thuận nhanh đến như thế của hai chị em. Họ đâm ghen tức. Hai chị em không căm ghét gì nhau. Ờ thì Rôda chẳng có lý do gì để ghen với bà chị. Từ thuở bé cô đã chịu ơn của Philippa. Còn bây giờ, muốn nói thế nào thì nói, cô đã lấy chồng của chị. Nhưng Philippa lại là chuyện khác. Ờ thì bác ta chẳng có lý do gì để trách cứ cô em. Nhưng có nên vui vẻ ngay như thế không? Như thế này nghĩa là cả hai chị em đều tôn trọng và tuân thủ sự thiêng liêng của hôn nhân, đều trung thành với bổn phận người làm vợ trước ông chồng. Mà cũng cần nói thêm rằng, chồng của họ, bác Ninô hầu như quanh năm vắng nhà. Về được vài ba ngày lại đi biệt, lần nào cũng vậy.
Chuyện chẳng có gì đáng nói. Họ đều làm đúng bổn phận… Tuy thế, tuy họ hoà thuận thật nhưng vẫn cứ có một cái gì đó không thật ổn.
Lần thứ hai, sau chuyến đi biển, vừa về đến nhà, bác Ninô bị nhà chức trách sở tại gọi lên và bảo rằng, tội lấy hai vợ là vi phạm luật pháp, sẽ bị trừng trị.
Trước khi lên gặp nhà chức trách, bác Ninô đã hỏi ý kiến một luật sư, cho nên lúc này nghe lời đe doạ của nhà chức trách bác rất bình thản. Bác phản đối. Bác bảo trong chuyện này không làm gì có chuyện cưới hai vợ. Bởi vì theo đúng như trong giấy tờ văn bản thì vợ thứ nhất của bác đã chết rồi. Theo đúng pháp luật thì bác chỉ có một vợ và đó là Rôda. “Nhưng cao hơn cả luật pháp của con người làm ra, - bác kết luận, - còn có luật pháp của Chúa, và tôi không thể làm trái cái luật pháp ấy”.
Bác còn gặp rắc rối cả tại toà Thị chính. Chẳng là sau đó, cứ năm tháng một lần đều đặn bác ra đấy khai sinh cho một đứa con mới ra đời. Đứa này là con của bà vợ đã chết, và đứa này là con của bà vợ đang sống.
Hôm lần đầu tiên ra khai cho đứa con của Rôda, mọi chuyện đều êm thấm. Philippa mới trở về nên vẫn được coi là người đã chết rồi. Nhưng lần thứ hai, khi bác Ninô ra toà Thị chính làm thủ tục khai sinh cho đứa con của Philippa ra đời sau đứa trước năm tháng thì đâm lôi thôi. Bởi vì theo đúng giấy tờ thì Philippa đã chết. Vậy đứa con này là không chính thức? Nếu nó là con chính thức thì đứa khai sinh năm tháng trước đó phải là không chính thức.
Bác Ninô Mô gãi gáy, kéo chiếc mũ nồi xuống sát mắt, nói với viên thư ký toà Thị chính:
- Hay là… xin ông cứ đăng ký, coi như đứa trẻ này là con của vợ thứ hai của tôi?
Người viên chức ngạc nhiên nhìn thẳng vào mắt đương sự:
- Sao lại thế được? Mới trước đây năm tháng đã khai một đứa là con bà thứ hai của bác rồi kia mà?
- Đúng thế. Đúng thế. - Bác Ninô vẫn tiếp tục gãi gáy, đáp. - Vậy làm thế nào bây giờ?
- Còn làm thế nào được? - viên thư ký toà Thị chính nổi xung. - Bác còn hỏi tôi làm thế nào ư? Vậy bác là gì? Là ông vua phương Đông có hàng chục vợ hay sao? Bác là thứ người gì đã? Lẽ ra bác phải suy tính từ trước kia chứ? Bây giờ bác làm tôi khó nghĩ đến mức này! Đến khổ!
Bác Ninô lùi ra xa, rồi trỏ tay vào ngực mình:
- Tôi ấy à? - bác quát to. - Tôi còn làm cách nào được? Chuyện này là do ý Chúa cả, đúng không nào?
Viên thư ký toà Thị chính cũng nổi nóng:
- Chúa! Chúa! Chúa! Lúc nào cũng viện Chúa! Ai chết thì bảo do Chúa đòi! Không chết thì bảo Chúa thương tình! Đẻ con ra thì bảo Chúa ban cho! Lấy hai vợ cũng đổ tại Chúa! Bác đừng có mà lôi Chúa ra như thế! Từ rày cứ chín tháng hãy ra đây một lần, tôi sẽ làm khai sinh cho bác đầy đủ hợp pháp. Và đứa con nào của bác cũng sẽ là con chính thức hết!
Bác Ninô bình thản lắng nghe ông ta nói. Rồi bảo:
- Nhưng chuyện ấy có tuỳ thuộc ở tôi đâu kia chứ? Ông muốn làm thế nào tuỳ ở ông nhưng tôi thì tôi đã làm tròn phận sự của tôi. Xin chào ông.
Và cứ năm tháng một lần, bác lại ra Toà thị chính để làm tròn phận sự, với niềm tin chắc chắn rằng đấy hoàn toàn là do ý Chúa.
Anh Chồng Của Vợ Tôi Anh Chồng Của Vợ Tôi - Luigi Pirandello Anh Chồng Của Vợ Tôi