Số lần đọc/download: 2309 / 37
Cập nhật: 2017-08-29 16:36:29 +0700
Chương 10: Cây Argan
N
hững thứ rất vặt vãnh cũng có thể làm hỏng một ngày đẹp trời, chẳng hạn như một đôi giày đang làm ta đau chân. Lúc ấy thì chẳng gì còn có thể làm cho ta thích thú được nữa, và đầu óc phán xét cũng vì thế mà trở nên trì độn. Phương thuốc thì đơn giản thôi: toàn bộ nỗi bất hạnh ấy có thể được cởi bỏ như quần áo giày dép. Chúng ta biết rõ là nỗi bất hạnh sẽ trở nên nhẹ nhõm, ngay bây giờ, nếu như ta hiểu ra nguyên nhân của nó. Đứa trẻ sơ sinh bị cái kim băng chọc vào người gào khóc như đang mắc phải một chứng bệnh gì khủng khiếp lắm, đó là vì nó không hề có ý niệm về nguyên nhân cũng như phương thuốc. Thậm chí đôi khi nó còn tự làm mình đau hơn vì cứ phải gào mãi, rồi cũng vì thế mà mỗi lúc lại gào một to hơn. Ta nên đặt tên cho hiện tượng này là cơn đau tưởng tượng, những cơn đau tưởng tượng cũng có thực như mọi cơn đau khác, chúng chỉ mang tính tưởng tượng ở chỗ ta vừa duy trì chúng bằng hành vi của mình, lại vừa đổ tội cho những thứ ở bên ngoài. Không chỉ có trẻ sơ sinh mới cảm thấy tức tối vì chính nó la hét.
Ta thường nói tâm trạng tồi tệ là một loại bệnh mà đứng trước nó ta thấy bất lực. Bởi vậy trước hết tôi muốn nhắc lại một vài ví dụ về sự đau đớn và cáu giận mà chỉ cần một động tác rất đơn giản là có thể loại trừ ngay lập tức. Ta biết rằng khi bị chuột rút thì dù cứng rắn đến đâu, người ta cũng phải hét lên, nhưng nếu áp thẳng bàn chân xuống đất, bạn sẽ tự chữa khỏi cho mình trong giây lát. Khi bị muỗi bọ hay muội than bay vào mắt, nếu lấy tay dụi, bạn sẽ khốn khổ suốt hai hay ba tiếng đồng hồ; nhưng bạn chỉ cần để yên hai tay mà tập trung nhìn vào chóp mũi, nước mắt sẽ chảy ra và ngay lập tức giải thoát cho bạn. Kể từ khi học được cái mẹo rất đơn giản ấy, chắc tôi đã dùng nó đến hơn hai chục lần. Đó chính là bằng chứng cho thấy nếu khôn ngoan thì ta đừng vội đổ lỗi cho người và vật xung quanh, mà trước tiên phải đề phòng chính mình đã. Đôi khi ta quan sát thấy một số người thích thú với nỗi bất hạnh, và cái này còn được phóng đại lên nữa ở một số dạng người điên. Bởi thế mà ta rất dễ sáng tác ra một thứ cảm giác vừa thần bí vừa ma quỷ. Như vậy là ta đã mắc lừa trí tưởng tượng rồi, không có gì sâu sắc ở trong việc gãi ngứa, và cũng chẳng hề có sự thích thú đau đớn nào, mà chỉ có một sự chộn rộn, cáu giận bộc phát do không hiểu rõ nguyên nhân. Nỗi sợ khi bị ngã ngựa là kết quả của những cử động vụng về và hỗn loạn tưởng đâu sẽ giúp cho ta tránh được cú ngã, điều tồi tệ hơn cả là những cử động ấy làm cho con ngựa cũng bị hoảng loạn theo. Từ đây mà tôi có thể rút ra kết luận, theo kiểu của người Scythie[19], chừng nào một người đã biết cưỡi ngựa vững thì anh ta coi như là đã đủ khôn ngoan, hoặc gần gần như thế. Thậm chí còn có cả một nghệ thuật ngã đáng kinh ngạc ở người say rượu, vì anh ta không hề cố tình ngã sao cho khéo, và đáng ngưỡng mộ ở người lính cứu hỏa, vì nhờ tập luyện mà anh ta biết cách ngã sao cho không bị gì.
Ta cảm thấy dường như một nụ cười là cái gì đó thật nhỏ bé và không có tác động lên tâm lý, vì thế ta không cố gắng để cười. Nhưng phép lịch sự thường làm thay đổi toàn bộ con người ta chỉ với việc làm ta nỏ một nụ cười và chào hỏi một cách duyên dáng. Nhà sinh lý học biết rất rõ nguyên nhân của điều này, cười có tác động sâu sắc tương đương với động tác ngáp, nó làm giãn cổ họng, tác động đến buồng phổi rồi dần dần đến cả trái tim của ta. Bác sĩ sẽ không thể tìm thấy thứ gì trong hòm đồ nghề của mình có tác dụng nhanh và điều hòa đến vậy. Ở đây trí tưởng tượng lôi ta ra khỏi cơn đau bằng một cách nhẹ nhõm thực sự, thực không kém gì những cơn đau do chính nó gây ra. Ai muốn tỏ ra mình là người vô tư lự đều biết cách nhún vai duyên dáng. Nếu để ý ta thấy động tác này làm thông khí cho phổi và làm tim đập dịu lại, theo tất cả các nghĩa của từ này. Từ này thì có nhiều nghĩa, nhưng trái tim thì chỉ có một mà thôi.
11 tháng chín 1923