Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Một Centimet - Bích Thục Mẫn
T
hông thường khi đi xe buýt, Đào Ảnh rất ít khi mua vé. Vì sao lại cứ nhất định phải mua vé nhỉ? Nếu không có cô thì trạm nào xe cũng vẫn đỗ cơ mà. Và cũng không phải vì chẳng có lái xe hay người bán vé thì cũng tiết kiệm được chút nào đâu? Đương nhiên cô biết rằng khi gặp những người bán vé nghiêm túc thì tốt nhất là mua vé ngay đi cho rồi. Chỉ có những người lười biếng thì cô mới trừng phạt họ và cũng tiết kiệm luôn cho mình một chút tiền.
Đào Ảnh là cấp dưỡng của một nhà máy. Thông thường chị nấu cơm 2 bữa cho công nhân.
Chị dắt Tiểu Dã đến bến xe, bồng nó lên trước rồi bước lên theo. Cửa xe sập sau lưng, kẹp cả tà áo của chị làm cho mảnh áo ấy bay lật phật ngoài xe. Phải khéo léo lắm chị mới gỡ được ra.
— Mẹ ơi, mua vé đi! — Tiểu Dã nhắc mẹ. Thằng bé coi trọng hình thức hơn cả người lớn. Nếu chưa cầm chiếc vé trong tay, nó coi như chưa được đi xe.
Trên khung cửa màu sẫm có một vệt ngang mờ mờ, đề 1m10. Tiểu Dã đứng áp vào đấy, mái tóc xù rậm rạp của nó rối tung răm rắp chứ không được mượt mà. Đào Ảnh rất tiết kiệm, nhưng việc bảo đảm đủ dinh dưỡng cho con thì chị rất chu đáo. Chỉ có điều bồi bổ thế nào chăng nữa thì các chất dinh dưỡng cùng chẳng lên đến mái lốc. Nhưng bé Tiểu Dã rất thông minh.
Chị ép ép mái tóc thằng bé xuống. Cảm giác như là một đám cỏ cứng queo. Lớp da đầu mềm mại như làm bằng chất dẻo vậy. Trên lớp da mềm mại ấy có một vệt gồ lên. Đó là khớp nối của hộp sọ. Nghe nói ai cũng bị thế. Nếu vết khép không khít thì đầu sẽ bị gồ lên, còn nếu khít thì dầu sẽ tròn trịa mịn màng. Nhưng cũng phải mất nhiều năm. Đó là cánh cửa tiếp xúc với bên ngoài, nó nửa khép, nửa mở. Thế giới bên ngoài như một dòng nước nhập vào một con người theo lối đó. Mỗi khi xoa lên vết gồ ẩn hiện ấy chị thường cảm nhận được trách nhiệm lớn lao của người mẹ.
— Tiểu Dã, còn chưa đến 1m10 đây này. Còn thiếu 1cm — Chị dịu dàng nói.
Đào Ảnh xuất thân bình thường, chẳng phải tầng lớp quý tộc gì mà chị cũng không được học hành nhiều nhưng bao giờ chị cũng nói năng nhẹ nhàng lịch sự, nhất là tạo thành một thói quen khi cư xử với con mình. Và trong những lúc ấy chị cũng thấy mình như chững chạc hẳn ra.
— Con cao rồi, con đủ chiều cao rồi mà!
Thằng bé kêu váng xe, nó kiễng chân lên — Lần trước mẹ chả bảo là đến lần sau đi ô tô là con sẽ đủ chiều cao để mua vé cơ mà? Sao mẹ lại không mua cho con? Mẹ nói mà không giữ lời! Thằng bé ngước lên, nài nỉ.
Đào Ảnh nhìn con. Hai hào một vé, mà chị thì rất quý hai hào bạc. Chừng ấy tiền cũng mua được cân dưa chuột hay hai cân cà chua. Nếu khéo ra thì mua được ba bó cà rốt hoặc bỏ rẻ cũng đủ rau ăn cho ba ngày.
Thằng bé lại ngước mắt lên. Khuôn mặt thơ ngây mà trang nghiêm. Chị đành đồng ý.
— Vào trong đi, đừng cố chặn cửa thế. Đây không phải là xe hỏa trạm nào cũng có khách lên xuống. Lại sắp tới trạm nữa rồi — Người bán vé nói giọng đầy vẻ khó chịu. Theo logic thông thường, với thái độ ấy, tốt nhất là chị không mua vé. Nhưng hôm nay trái lại, chị bảo:
— Cho tôi hai vé.
Nét mặt đanh, người bán vé cau mày bảo:
— Thằng bé này còn nhỏ, không phải mua vé.
Lập tức, thằng bé như thấp hẳn đi mấy phân. Có vé hay không vé quả là ảnh hưởng rất lớn đối với một đứa trẻ. Chỉ với hai hào bạc mà có được sự đàng hoàng cho một đứa trẻ. Chả có bà mẹ nào nỡ cự tuyệt con điều ấy.
— Cho tôi mua hai vé — Đào Ảnh kiên quyết, thằng bé dính tấm vé của mình lên khóe miệng, thổi phù phù vẻ rất thỏa mãn.
Hai mẹ con chuẩn bị xuống xe. Người đàn ông thu vé đứng ở cửa giữa. Đào Ảnh hơi có vẻ bực vì hình như anh ta chẳng để ý gì cả. Có người mẹ nào đem theo con mà lại không mua vé? Tuy nghèo thật đấy, nhưng trước con chị luôn ngẩng cao đầu. Chị từ tốn đưa vé cho anh ta.
— Có thanh toán không?
— Không cần đâu — Chị đáp.
Thực ra cũng nên giữ lại vé để sau này nếu có đi họp hay công chuyện gì của nhà máy, chị đi xe đạp sau đó lấy vé này thanh toán. Phụ nữ bao giờ cũng là người biết tính toán. Những gì tiết kiệm, tận dụng được thì đều làm. Nhưng Tiểu Dã là một đứa trẻ rất thông minh. Nó dồn mẹ:
— Vé mình đi chơi thì không được thanh toán hả mẹ?
Trước mặt con, chị không muốn nói dối. Cũng giống các ông bố bà mẹ mà chị đọc được ở sách, Đào Ảnh luôn tự tạo cho mình một vẻ ngoài đàng hoàng nhưng quả thật là mệt. Lúc nào chị cũng phải để ý đến mọi điều, và như luôn có một đám người ở quanh mình. Có điều lúc nào chị cũng thấy tràn đầy tình cảm ấm áp. Ngay cả khi ăn dưa hấu, nếu như có thằng bé bên cạnh thì chị luôn tự nhắc nhở mình không được gọt vỏ dưa quá mỏng. Thực ra thì ruột và cùi dưa cũng có khác nhau là mấy. Đều ăn được cả. Chỉ có điều màu đỏ của dưa nhạt dần đi nhưng tác dụng giải khát vẫn như nhau. Ấy mà cái cùi xanh còn là một vị thuốc nữa. Cũng có ngày chị chợt nhận thấy thằng bé giống hệt mẹ, nó cắn miếng dưa ngập đến tận cùi xanh, lộ rõ từng vết răng, mấy cái hạt đen nhánh còn bám cả ở má ở miệng thằng bé. Đào Ảnh chợt bực mình.
— Ai bảo con ăn đến tận chỗ cùi ấy hả? Vỏ dưa chỉ dùng để rửa mặt thôi, con hiểu không?
Bị mẹ mắng, mặt thằng bé xị xuống, nhưng đôi mắt to trong của nó lại ánh lên vẻ bất phục. Từ đó, Đào Ảnh hiểu rằng, dù với hoàn cảnh hiện tại chị vẫn phải dạy con cho đàng hoàng như những người có điều kiện khác, phải dốc hết sức ra và điều đó thật khó. Giống như dùng tiểu liên chống lại đại bác. Nhưng điều đó không có nghĩa là không làm được. Khi làm những việc ấy chị cảm thấy cuộc sống quan trọng và có ý nghĩa hơn.
Hôm nay chị chở con đến thăm một khu đền chùa nổi tiếng tham quan. Thằng bé lớn bằng chừng này rồi mà vẫn chưa từng được đến chùa, đền để lễ phật. Trong lòng Đào Ảnh cũng không thật tin là có phật, và chị cũng sẽ không cho con lạy. Bởi làm như vậy chỉ là mê tín thôi.
Ngày nay đền chùa cũng có giá lắm. Chiếc vé này là bác Chương cho. Vé có đề ngày tháng và hôm nay chính là hạn cuối cùng. Bác Chương là người giao thiệp rộng, ai bác cũng quen. Đào Ảnh rất phục bác, cũng vì sự nể phục ấy nên bác mới cho chị chiếc vé này. "Chỉ có một chiếc thôi à?" Sau phút cảm động, chị cảm thấy chưa hài lòng lắm. "Cha nó thì thôi, cô đưa thằng bé đi xem cho biết. Mà nó chưa cao đến mét mốt thì chưa phải vé đâu! Nếu không thích xem thì mang vé đến cổng khu tham quan mà để lại cũng mua được quả dưa đỏ đấy." Bác Chương dặn dò cẩn thận. Chờ mãi hôm nay chị mới có ngày nghỉ để dẫn Tiểu Dã đi chơi.
Trong phố khó kiếm được nơi nào có bãi cỏ xanh và rộng như ở đây. Chưa tới nơi mà đã cảm nhận được bầu không khí trong lành mát dịu khiến người ta tưởng như đang đứng trước một vùng núi non. Thằng bé giật chiếc vé trên tay mẹ, nhét vào miệng rồi chạy như bay vào cổng chùa. Chiếc cổng sơn son thiếp vàng lộng lẫy.
Đào Ảnh bổng lo lắng. Không biết có phải tại cái chùa này không mà đến mẹ nó cũng chẳng muốn chờ nữa, nó lao như bay ấy! Nhưng đưa con đến đây cốt để nó vui vẻ thoải mái mà. Tay gác cổng là một thanh niên mặc áo đỏ quần đen. Trong tưởng tượng của chị thì đó phải là một người mặc bộ đồ cán bộ màu vàng. Cách ăn mặc thế này làm người ta nghĩ rằng đây là một khách sạn hay nhà hàng. Tiểu Dã nhanh nhẹn chạy tọt vào trong, ùa theo dòng người. Tay gác cổng giật lấy chiếc vé trên miệng như giật một búp trà trong tiết thanh minh. Đào Ảnh nhìn con, dõi theo bước chân thằng bé, ánh mắt chị vấn vít như sợi tơ con tằm quấn lấy thằng bé.
— Vé! — Tay thanh niên áo đỏ ngăn chị lại. Câu nói bật ra như một cái hột táo. Đào Ảnh trìu mến chỉ tay theo Tiểu Dã. Chị cứ nghĩ là ai cũng phải thích đứa con của mình.
— Tôi hỏi vé của chị! — Tay gác cổng nói giọng lạnh lùng.
— Cháu bé kia vừa đưa anh rồi mà! — Đào Ảnh bình tĩnh giải thích.
Tay thanh niên này còn trẻ, chắc chưa thể làm bố. Hôm nay cho con đi chơi, Đào Ảnh rất vui nên chị muốn mọi sự suôn sẻ từ đầu đến cuối.
— Nó là của nó, chị là của chị — Tay kia đáp. Phải ngẫm nghĩ một lát Đào Ảnh mới hiểu thế là thế nào: Hai mẹ con chị cần phải hai vé.
— Trẻ con không phải vé mà? - Chị không hiểu.
— Mẹ ơi, nhanh lên đi — Ở tít phía trong, thằng bé gọi với ra. — Mẹ đến ngay đây! Chị vội đáp. Mọi người đã tụ lại xung quanh như đàn cá bắt đèn. Đào Ảnh cuống lên, chị muốn cho việc này chóng kết thúc. Con chị đang đợi mẹ.
— Ai nói không cần vé — Tay gác cổng hất hàm. Anh ta khoái người ta túm lại càng đông càng tốt.
— Ở trên vé ghi thế!
— Ghi thế nào? - Anh ta làm như chả hiểu điều gì.
— Trên vé có ghi, trẻ dưới mét mốt không phải mua vé vào tham quan. Cháu nào cao hơn mới phải mua vé. — Đào Ảnh rất tự tin. Chị định thò tay vào thùng nhặt lấy một cuống vé để đọc lên cho mọi người cùng nghe.
— Đừng có động vào! — Tay kia bỗng nghiêm giọng.
Chị cũng chợt hiểu ra mình làm thế là không đúng. Chị co vội tay lại như bỗng gặp lạnh.
— Bà đã hiểu chưa? — Anh ta chuyển giọng gọi chị bằng bà, vẻ cố ý — Con của bà lại cao hơn một mét mốt.
— Đâu có, cháu chưa đủ chiều cao mà! Chị nói và tủm tỉm. Đúng là trên đời này chỉ có người mẹ mới tuyệt vời như thế.
— Nó chạy qua đây, tôi nhìn rõ mà! — Tay kia khẳng định.
Theo tay chỉ của anh ta, mọi người thấy trên tường có vạch một vạch đỏ, trông như vết bò loằng ngoằng của con thạch sùng sau khi mưa.
— Mẹ, sao mẹ vẫn chưa vào? Suýt nữa thì con làm lạc mẹ đấy. — Tiểu Dã chạy đến bên chị, giọng nũng nịu làm như mẹ chỉ là món đồ chơi của nó vậy. Mọi người đứng quanh đây cười ồ lên. Không khí đôi bên có vẻ dịu lại. Tay gác cổng có vẻ căng thẳng. Nhưng anh ta là người đang thừa hành công vụ và anh ta nhìn rõ mà. Ấy thế mà cái bà trốn vé này lại không giống như những người khác. Thật quá dở. Anh ta nghĩ bụng.
Quả thật Đào Ảnh rất trấn tĩnh, thậm chí có vẻ rất tự đắc nữa. Con trai chị cũng thích sự huyên náo, thích được mọi người để ý. Cái chuyện lôi thôi này thằng bé chắc rất khoái.
— Cháu lại đây — Hắn ta gọi. Mọi người xung quanh im lặng chờ đợi. Thằng bé nhìn mẹ, thấy mẹ gật đầu cổ vũ, nó ho khẽ, xốc lại quần áo như lấy một tư thế thật hùng dũng để chạy 100m trước sự cổ vũ của khán giả. Và ai cũng nhìn thấy cái vạch đỏ ngoằn nghèo kia nằm kề ngang tai thằng bé.
Làm sao lại có chuyện ấy được! Đào Ảnh như một mũi tên lao đến, chị đập bốp một cái vào đầu con. Tiếng kêu nghe khô khốc như tiếng đập của quả bóng bàn. Thằng bé nhìn mẹ nhưng không hề khóc. Nó quá ngạc nhiên. Từ trước đến giờ nó chưa từng bị mẹ đánh đau thế.
— Đánh đau thì đánh chứ ai lại đánh vào đầu con thế!
— Thế mà cũng đòi làm mẹ!
— Có tiền thì mua lấy một cái vé, sao lại nỡ đánh con thế!
— Có đúng là mẹ đó không? Xem cái kiểu ấy thì chưa chắc.
Đào Ảnh sững người. Chị không định đánh con mà chỉ nghĩ rằng cái bờm tóc xù của nó làm cho nó bị tăng chiều cao. Nhưng chị cũng phải cay đắng nhận ra dù có trọc đầu thì thằng bé vẫn cao hơn cái vạch đỏ ấy.
— Tiểu Dã, con đừng nhón chân nữa! — Chị nói.
— Không ạ, mẹ ơi con có kiễng đâu. — Thằng bé rơm rớm nước mắt.
Đúng, nó đâu có kiễng, cái vệt đỏ tàn nhẫn vẫn vắt ngang tầm lông màythằng bé.
Tay thanh niên vặn mình như vừa ngủ dậy buổi sáng, ánh mắt sắc lẻm như muốn tóm gọn cả lũ trốn vé ở quanh đó.
— Mua vé đi, mua vé đi — Anh ta rao to. Bao nét nho nhã lúc trước đã bị con thằn lằn đỏ ấy nuốt sạch đi rồi.
— Nhưng cháu nó chưa đến mét mốt thật mà! — Chị bỗng thấy thật cô độc. Chị chống đỡ gượng gạo.
— Ai trốn vé mà chả nói thế. Tin bà hay tin tôi bây giờ. Đây là thước đo theo chuẩn thế giới. THước chuẩn quốc tế được đặt ở Paris, làm toàn bằng bạch kim đấy, bà có biết không bà?
Đào Ảnh há mồm ra. Chị chỉ biết may một bộ váy áo hết 2m80. Chị không biết thước chuẩn quốc tế được đặt tại đâu. Chị chỉ khâm phục thánh thần ở khu này, vì trong nháy mắt đã làm cho con chị cao thêm mấy cm.
— Nhưng vừa rồi trên ô tô cháu nó cũng chưa cao đủ thế mà?
— Khi sinh ra nó cũng không cao thế đâu! Tay kia cười nhạt, giọng khiêu khích. Mọi người xung quanh cười rộ lên. Mắt Đào Ảnh xanh tái như chiếc vé.
— Mẹ ơi, mẹ sao thế! — Bé Tiểu Dã vụt chạy ra khỏi bức tường. Bàn tay nhỏ bé ấm áp của nó áp lấy tay chị.
— Không sao đâu! Mẹ quên mua vé cho con. — Đào Ảnh đáp yếu ớt.
— Quên à? Dễ nghe thế. Làm sao quên được con mình chứ. — Tay thanh niên áo đỏ còn nhớ sự trấn tĩnh lúc nãy của chị nên quyết chưa buông tha.
— Anh còn muốn gì nữa? — Chị cố nén sự bực bội trước con, nói giọng ôn tồn.
— Hãy còn cứng mồm cứng miệng nhỉ? Tôi chẳng cần gì mà chỉ cần phải nhận là mình sai không biết kiếm đâu được chiếc vé dớ dẩn ấy chứ cũng chả chịu mất tiền đâu. Lại còn định lậu một người nữa. Chắc nghĩ là trốn vé cũng dễ phải không? Đừng có hòng. Tốt nhất thì mua vé sớm đi. — Anh ta dựa lưng vào tường, quay ra nhìn mọi người.
Tay Đảo Anh run lên như một viên đạn sắp vọt ra khỏi nòng. Làm thế nào bây giờ? Cãi nhau chăng? Chị đâu có sợ nhưng chị không muốn cho con nhìn thấy cảnh ấy. Vì con, chị cố nhịn.
— Mẹ đi mua vé đây. Con đứng yên ở đây chờ, đừng có chạy lung tung nhé. — Đào Ảnh cố bình tĩnh mỉm cười. Thật không dễ có dịp để đưa con đi chơi, chị không muốn hỏng hết mọi việc. Hãy để cho bầu trời trở lại sáng sủa.
— Mẹ ơi, mẹ chưa mua vé thật à? — Thằng bé hỏi, khuôn mặt thơ ngây đầy vẻ ngạc nhiên, ngơ ngác, khiến người ta thấy thật kinh khủng. Tay chị như cứng lại. Chiếc vé ngày hôm nay không nên mua, nếu mà mua thì vĩnh viễn chị sẽ không bao giờ giải thích được.
— Mình đi đi — Chị kéo mạnh Tiểu Dã. Nếu không phải là đứa bé trai khỏe mạnh, chắc thằng bé sẽ bị trật khớp mất. Hai mẹ con đến một công viên khác dạo chơi. Đào Ảnh muốn cho con vui vẻ, nhưng làm mọi cách thằng bé vẫn cứ lẳng lặng. Hình như nó lớn lên rất nhiều rồi. Chị đi qua một quầy kem, đột nhiên nó bảo:
— Mẹ ơi, cho con tiền. — Nó cầm tiền chạy ra sau quầy bán kem.
— Bà ơi, bà đo xem cháu cao bao nhiêu. — Lúc ấy Đào Ảnh mới nhìn thấy một bà cụ ngồi bên một chiếc thước đo bên quầy kem. Bà lão móm mém run run chỉnh chiếc thước. Từng nấc nâng cao lại hạ xuống.
— Một mét mốt một phân. — Bà cụ ghé sát vào nhìn.
Chị thấy hết sức kỳ quái. Chẳng lẽ thằng bé lớn nhanh như măng tre vậy? Đôi mắt Tiểu Dã sáng một tia nhìn lạnh như băng. Nó chả đế ý đến mẹ, nó ngoắt người chạy lên phía trước. Nó bỗng ngã nhào. Trong tích tắc ấy trông nó giống như con chim non dang cánh ra tập bay, rồi loạng choạng ngã xuống. Đào Ảnh vội chạy đến để đỡ con. Đúng lúc chị vừa tới nơi, thì nhanh như cắt, Tiểu Dã nhổm dậy và lại lao lên phía trước. Chị đứng sững người. Chị nghĩ nếu mình chạy theo con thì Tiểu Dã sẽ lại vấp ngã lần nữa. Nhìn bóng con chạy xa dần, chị nói theo: "Tiểu Dã, con cũng không cả quay lại nhìn mẹ nữa sao." Chạy được một quãng xa thằng bé mới ngoái đầu lại tìm mẹ. Nhìn thấy rồi nó lại quay mình chạy tiếp. Đào Ảnh thấy sự việc có gì không đúng lắm. Chị quay lại tìm bà cụ.
— Bà ơi, chiếc thước của bà...
— Chiếc thước này làm cho chị vui đấy. Chị rất mong con mình lớn hơn một chút có phải không?
— Đừng phải lo lắng gì nữa. Thằng bé đã lớn rồi. Làm mẹ ai chả thế — Bà lão móm mém nói.
— Chiếc thước của bà...? — Chị hỏi lại.
Bà lão trông hiền từ ấy thế mà không chịu nói rõ ràng gì cả.
— Chiếc thước này non hơn thước thường một chút, để ai đó cũng cao hơn. Ai mà chả thích cao ráo đẹp đẽ phải không chị? Đây là chiếc cân kiểu Mỹ đấy. — Khuôn mặt hiền từ ấy lúc này lộ vẻ giả dối. Hóa ra là như thế. Làm thế nào để thằng bé nghe được những lời này? Tiểu Dã đã chạy xa. Hơn nữa nó đâu hiểu được sự ngoắt ngoéo này.
Đôi mắt Tiểu Đã cứ lờ đi chỗ khác, dường như mẹ nó là một người xa lạ. Về đến nhà, chị lôi cái thước cuộn ra định đỡ lại cho con.
— Con không đo... Ai cũng nói con cao rồi. Chỉ mỗi mẹ nói là con chưa đủ chiều cao. Mẹ không muốn mua vé cho con. Mẹ đừng nghĩ là con không biết. Nếu mẹ lại đo, dứt khoát con vẫn chưa đủ cao, con không tin mẹ, không tin mẹ.
Cầm chiếc thước thép mà chị thấy như đang cầm một con trăn lạnh toát trong tay:
— Chị Đào ơi, cơm hôm nay làm sao ấy! Một người khách bảo chị. Đúng thật, cơm nhão nhoét chẳng ra sao cả. Đào Ảnh vốn là người cẩn thận, nhưng hai hôm nay tâm trí chị để đâu đâu ấy. Nhất định phải làm cho sự việc rõ ràng.
Đêm đến, Tiểu Dã đã ngủ say. Chị duỗi thẳng đôi chân con ra. Chị lấy thước đo từ chân đến đầu con. Chỉ được có một mét lẻ chín. Chị quyết định sẽ viết một bức thư gửi cho ban lãnh đạo của tay thanh niên áo đỏ kia. Nhưng cầm bút lên rồi mới không biết nên viết như thế nào. Nhìn vẻ đăm chiêu khổ sở của vợ, chồng chị bảo:
— Có viết cũng chắc gì có tác dụng? — Phải, chị cũng không hiểu có tác dụng gì, nhưng đẻ giải tỏa đuợc ánh mắt lạnh lẽo của thằng bé, chị cần phải làm một cái gì đó. Cuối cùng chị cũng viết xong.
Trong nhà máy, có một người được mệnh danh là nhà văn. Nghe nói anh đã viết nhiều bài báo. Đào Ảnh cung kính đến tìm anh, đưa bức thư của mình nhờ xem.
— Đây giống như một bức thư thông báo, chẳng sinh động gì cả. — Nhà văn gõ ngón tay vàng khè khói thuốc lên bức thư chị định gửi cho báo.
Chị không hiểu thư thông báo là cái vẻ gì mà chỉ biết kể ra như thế. Rõ ràng là bức thư chưa đạt. Chị gật đầu theo nhịp gõ tay của anh.
— Chị nên viết thế này. Mở đầu phải trang trọng, làm sao để cho mọi người phải ngạc nhiên. Khiến cho người biên tập vừa đọc đã bị cuốn hút vào. Điều quan trọng nhất là phải thể hiện thật cảm động và là lạ, chị có hiểu không?
Đào Ảnh gật đầu lia lịa. Nhà văn như được tiếp thêm sức mạnh, lên cao giọng!
— Chẳng hạn, chị có thể bắt đầu thế này: "Phật pháp vô biên, một đứa trẻ 5 tuổi vừa bước qua cửa miếu đã lập tức cao hơn một tấc. Phật pháp hữu hạn, vừa trở về nhà lại trở lại chiều cao như cũ. Tuy nhiên, câu ấy cũng chưa phải là tuyệt tác. Chị về suy nghĩ thêm.
Đào Ảnh cố sức để nhớ lại những điều ấy, nhưng chị không thể nhớ hết được mọi lời của nhà văn, chị cũng có sửa lại đôi ba chỗ, sau đó dán tem vào và gửi đi. Khi anh nhà văn đến ăn com, chị bảo:
— Anh chờ cho một chút — Khuôn mặt chị ló ra sau khung cửa đưa thức ăn trông như một bức tranh thật nghiêm trang.
Hóa ra để cảm ơn sự giúp đỡ của anh, chị biếu thêm chút ít thức ăn — Đó chính là cách biểu đạt sự cảm ơn duy nhất của một người đầu bếp.
Và sau đó là một sự chờ đợi đằng đẵng. Ngày nào chị cũng đọc báo. Tất tật các mục, kể cả quảng cáo chị cũng không bỏ sót. Chị còn nghe đài. Chị nghĩ rằng vào một buổi sớm nào đó, giọng đọc rành mạch của người phát thanh viên sẽ đọc to bức thư của chị lên. Chị còn đến phòng phát thử xem có thư gửi đến không vì chị cho rằng nơi chịu trách nhiệm quản lý khu tham quan chắc sẽ gửi thư đến.
Chị hồi hộp xem chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chờ mãi chờ mãi vẫn chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Ngày tháng lặng lẽ trôi qua, không có gì đặc biệt Tiểu Dã cũng đã trở lại bình thường, nhưng Đào Ảnh nghĩ rằng trong lòng nó vẫn còn thất vọng.
Cuối cùng thì chị cũng được nghe câu nói mà chị hằng mong đợi.
— Nhà đồng chí Đào Ảnh ở đâu nhỉ?
— Cháu biết đấy, để cháu dẫn các bác đi — Tiểu Dã nhanh nhẹn dẫn hai người mặc bộ đồ cán bộ vào trong nhà.
— Mẹ ơi, nhà mình có khách này!
Đào Ảnh đang giặt quần áo, bọt xà phòng bám đầy hai cánh tay. — Chúng tôi ở Ban quản lý chùa chiền tới đấy. Tòa soạn báo đã chuyển bức thư của chị cho chúng tôi nên hôm nay chúng tôi đến để làm rõ thực hư. Đào Ảnh thấy hồi hộp và hơi lo lo, bởi vì nhà cửa đang bề bộn quá. Chị chưa kịp thu dọn gì cả. Chị sợ người ta nghĩ chị là một người đàn bà lười biếng và vì thế sẽ không tin chị.
— Tiểu Dã, con ra ngoài chơi đi!
Đầu tiên chị định để con ở nhà cho nó biết rõ mọi chuyện. Nhưng đến phút này chị lại ngại ngại, không biết rồi sẽ thế nào? Nhỡ những người này cũng giống tay thanh niên áo đỏ kia thì sao?
— Chúng tôi cũng đã gặp người cán bộ hôm đó để điều tra rồi. Nói chung chuyện là đúng. Chị không phải bảo cháu ra ngoài đâu. Chúng tôi muốn đo lại xem thực sự thì cháu cao bao nhiêu — Người trẻ tuổi nói.
Tiểu Dã nghiêm trang đứng nép vào tường. Bức tường trắng hiện rõ hình thằng bé như một bức tranh, nó áp chặt lưng vào tường.
Hai người cán bộ đo thước lên tường, phân từng vạch nhỏ. Chiếc thước sắt loang loáng bên họ. Đào Ảnh đã lấy lại được bình tĩnh.
— Cao bao nhiêu? — Chị hỏi.
— Vừa đúng mét mốt — Một người đáp.
— Không phải là vừa đúng! Một tháng chín ngày rồi các anh mới đến. Một tháng trước thằng bé chưa cao thế này. — Đào Ảnh bình tĩnh phản đối.
— Đúng, đó là một lý do xác dáng.
Họ đưa ra một phong bì 5 nghìn đồng. Họ đã có chuẩn bị ở nhà và họ có đo con giun đỏ ngoằn ngoèo ở trên tường ấy và biết bị thiếu 2 cm.
— Dù sao thì hôm ấy chị cũng không vào tham quan, nên chúng tôi bồi thường cho chị chút ít này. — Nguòi cán bộ có tuổi nói từ tốn. Xem ra ông có vẻ là một lãnh đạo. Đào Ảnh không nhận. Niềm vui hôm ấy dã mất rồi. Tiền nào có thể mua lại được.
— Nếu chị không nhận tiền thì đây là đôi vé để thăm quan. Xin mời chị và cháu đến. — Nguòi cán bộ trẻ nhã nhặn nói.
Đó cũng là một đề nghị hấp dẫn. Nhưng Đào Ảnh lắc đầu ngay không chút do dự. Nơi ấy đối với chị và Tiểu Dã sẽ vĩnh viễn không bao giờ đem lại niềm vui nữa.
— Vậy chị muốn thế nào ạ? — Cả hai người cùng hỏi.
Phải, giờ đây chị cũng đang tự hỏi mình. Chị là một người phụ nữ bình thường. Nếu không phải là hai người đàn ông xa lạ đến để xin lỗi mà chính tay thanh niên áo đỏ kia đến thì chị cũng không thể làm khó dễ cho anh ta được. Cuối cùng chị muốn gì đây? Chị đẩy con đến trước hai người đàn ông:
— Thưa bác đi con.
— Thưa bác. — Tiểu Dã nói giọng ngoan ngoãn.
— Thưa hai vị lãnh đạo. Tiền xin các vị cầm về cho. Vé cũng xin giữ lấy. Còn anh soát vé hôm ấy xin dừng làm khó dễ cho anh ta. Chẳng qua anh ta cũng vì công việc.
Thấy Đào Ảnh nói bình tĩnh, hai ngưòi cán bộ cũng không phản ứng gì. Đào Ảnh kéo con lại gần hai người hơn một chút:
— Chỉ cần hai bác đây nói rõ sự việc hôm ấy phải trái ra sao để cháu biết mẹ nó không sai là đủ rồi!
TRINH BẢO dịch