Every breath we take, every step we make, can be filled with peace, joy and serenity.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 47
Cập nhật: 2020-12-23 17:01:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 - Truyện Thứ Chín - Người Gián Điệp Điển Hình
ừ sau đại chiến thứ hai, gián điệp điện tử giữ vai trò mỗi ngày một lớn, nhưng vẫn không thay thế nổi con người. Vụ điệp viên Cohen của Do thái, đại tá Penkốpky của Anh-Mỹ 1, đại tá Abel của Liên sô...đã hùng hồn xác nhận tính cách quan trọng của con người bằng xương bằng thịt.
Bởi vậy sau đại chiến thứ hai cũng như sau chiến tranh Cao ly, sau chiến tranh Do thái Ả-rập 1967, sau chiến tranh Việt nam..dẫu gián điệp điện tử bành trướng tột độ nhưng nhân viên gián điệp vẫn còn. Vạn vật biến đổi, đại chiến thứ hai khác những trận chiến kế tiếp, nhưng những nguyên tắc cơ bản của nghề gián điệp không hề biến đổi. Đức tính cơ bản của người điệp viên cũng không biến đổi. Các nguyên tắc và đức tính cơ bản này được giảng dậy trong mọi trường gián diệp từ đông sang tây, ở bên này hoặc bên kia bức màn tre và màn sắt.
Một trong các đề tài được ghi thường trực trong chương trình huấn luyện điệp viên G.R.U., C.I.A., MI-6, Tình báo Sở, Shinbet, là cuộc đời hoạt động của con người được mệnh danh là đại tá Shelley - Con thỏ trắng - tức Forest Fredrick Edward, Yeo.Thomas. Con người từng làm Phản gián Đức mất ăn mất ngủ. Con người vùng vẫy trên đất Pháp bi tạm chiếm với những thành tích kinh thiên động địa. Con người phá kỷ lục về vượt ngục, đùa rỡn với tử thần. Con người có nhiều huy chương nhất thế giới. Ấy thế mà đời tư Con thỏ trắng lại rất bình lặng..
Chiến tranh chấm dứt, ông làm nghề...bán nước hoa cho phụ nữ ở Ba lê.
Mở tập hồ sơ thế chiến về điệp báo mà quên nhắc đến Shelley là đắc tội với lịch sử. Cho nên...
I.
Đêm lạnh và buồn. Nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng,thực phẩm thiếu hụt, nhà cửa bị tàn phá, tang tóc bao trùm nông thôn và thành thị nên lòng người càng lạnh và buồn hơn. Đêm lạnh và buồn ấy, một chiếc xe tang lạnh và buồn chạy lọc cọc trên một con đường nhỏ bé, gập ghềnh. Mỗi khi bánh xe lọt vào ổ gà — những ổ gà khổng lồ do bom gây ra — chiếc xe cũ kỹ lại nhảy chồm, có lẽ người chết nằm trong quan tài đóng chặt phía sau xe cũng phải sống dậy, hất tung nắp ván thiên, vọt ra ngoài.
Bầu không khí đồng quê chìm trong yên lặng. Bỗng trong trong xe tang có tiếng kêu lục cục. Xác chết bừng thức trong quan tài chăng?
Không. Tiếng lục cục này không phải của người chết. Mà là của người sống. Tài-xế xe đòn ngồi đằng trước phía sau có 3 ngưòi sống, 2 cô gái và một thanh niên.
Thanh niên này tên là Sênli, siêu điệp viên của đồng minh đang bị mật vụ Giét-ta-pô quốc xã săn đuổi ráo riểt trên khắp nước Pháp. Sênli ẩn trong xe tang trên đường từ nước Pháp bị chiếm đóng đi Luân đôn, với những tài liệu cực kỳ quan trọng. Đó là những tài liệu liên quan đến các giàn bom bay khủng khiếp VI và V2 của Đức, loại bom cha đẻ của hỏa tiễn từng tàn phá Luân đôn, và làm đồng minh lo sốt vó.
Hai cô gái cùng đi với Sênli đều là nhân viên kháng chiến có thành tích, bị bại lộ, và cũng bị mật vụ săn đuổi ráo riết. Bộ tư lệnh kháng chiến quyết định cho họ rời Pháp, tá túc trên đất Anh một thời gian, sợ ở lại họ bị bắt, bị tra tấn tàn bạo và bị... giết.
Đêm lạnh buốt tận xương tủy. Hai cô gái xinh xắn rùng mình, ớn rét tuy cửa xe đóng kín, và tuy họ mặc đồ ấm. Vì đột nhiên chiếc xe tang đứng phắt lại.
Đối với Sênli, bị bắt, bị tra tấn tàn bạo và bị... giết đã trở thành nếp sống thường trực nên khí lạnh ban đêm đìu hiu và khí lạnh của sự chờ đợi căng thẳng không làm chàng nổi gai ốc. Chàng nghe một khẩu lệnh bằng tiếng Đức. Bọn sen-đầm Đức đi tuần lưu động vừa hạ lệnh cho tài-xế xe tang ngừng lại. Hai cô gái nằm dán mình xuống sàn xe, bên quan tài. Sênli trao khẩu súng sáu nạp đạn sẵn cho cô gái gần nhất. Khẩu Colt 45 này được Sênli đeo trong bao da dưới nách, cô gái cầm súng, bàn tay hơi run. Nếu lính Đức mở cửa nhìn thấy, nàng sẽ lẩy cò.
Về phần Sênli, khẩu tiểu liên Sten đã được chàng thủ sẵn. Ngay trong tích-tắc đầu tiên chàng sẽ tặng bọn Đức nguyên một băng đạn. Chàng sẽ thoát thân như trong những lần trước. Hay chàng sẽ bị bắt. Bị trúng đạn... Khi ấy Sênli vẫn thản nhiên vi cái chết đã trở nên quá quen thuộc đối với chàng.
Gi-đô (Gidot), người đàn ông trung niên lái xe tang, và cũng là chủ hãng tang sự có môn bài đàng hoàng, cũng không phải là người dễ mất tinh thần và dễ bộc lộ cảm xúc mỗi khi bị công an địch chặn đường với những điệp viên đồng minh giấu trong xe.
Sen-đầm Đức lớn tiếng:
- Chở gì đấy?
Gi-đô cười "ngoại giao":
- Chào xếp. Như thường lệ. Phía sau chỉ có một người. Một cô gái khá ngon lành.
- Vậy hả? Mở cửa sau và bảo cô ta trình giấy tờ.
Gi-đô khoát tay:
- Em cũng muốn chiều lòng xếp nhưng phiền một nỗi là người ta đóng đinh dài gần đốt tay.
- Đóng đinh?
- Vâng. Không những thế, người ta còn bọc kẽm dầy nữa, nên...
- Hiểu rồi, đồ khỉ già. Chở hòm đi chôn hả? Thôi, cút đi cho được việc.
Chiếc xe tang lại chạy rì rì. Gần một giờ sau - trời, một giờ đồng hồ trong vùng tạm chiếm, binh sĩ Đức võ trang tận răng, canh phòng cẩn mật, sao dài thế... — xe tang mới đậu lại. Và lần này Sênli nín thở, chĩa súng chờ dợì. Nhưng không ai hô tiếng Đức, Gi-đô cũng không phải gãi đầu gãi tai đóng trò hề Sạc-lô để vượt qua trạm gác. Gi-đô dẫm gót giầy bình bịch nhiều lần xuống sàn xe, báo hiệu "đến nơi an toàn".
Sênli đỡ hai cô gái mảnh khảnh nhảy xuống mặt đường đông nghẹt bóng đen. Ít nhất là một trung đội súng ống chỉnh tề, chưa kể một số người khác quỳ núp trong bụi, ép bụng xuống cỏ. Họ là kháng chiến quân địa phương. Họ có nhiệm vụ bảo vệ một khoảnh đất hẹp được dùng làm sân bay tạm thời cho Sênli đáp phi cơ về Luân đôn.
Một người cao nhẳng, trạc 45, 45 tuổi, tư lệnh khu chiến, tiến tới, thân mật bắt tay Sênli:
- Đây là vinh hạnh lớn cho anh em kháng chiến và cho riêng tôi. Chào mừng đại tá.
Sênli và 2 thiểu nữ được dẫn băng qua những rặng cây um tùm và lùm bụi rậm rì trước khi đến cánh đồng cỏ phẳng lì. Đó là sân bay bí mật. Những đốm sáng do đèn bấm bật lên rải rác trên sân bay. Cháy, tắt, cháy, tắt, kháng chiến quân làm hiệu cho phi cơ hạ cánh. Ngay khi ấy tiếng động cơ nghe rõ hẳn và chiếc phi cơ nhẹ của tình báo đồng minh nhanh nhẹn đáp xuống.
Sênli trèo lên sau cùng. Từ lúc đáp xuống đến khi cất cánh bay lên tính không đầy ba phút. Bên trong phi cơ chật chội nên Sênli chỉ có thể ngồi bó gối. Thế là một lần nữa Sênli lại thoát khỏi tay địch. Nếu dọc đường phi cơ không trúng đạn cao xạ Đức hoặc không bị khu trục địch đuổi đánh thì trong vòng một giờ Sênli sẽ đến Luân đôn.
II.
Rạng sáng hôm sau Sênli đã có mặt tại dinh Thủ tướng Anh. chàng không có thời giờ tắm rửa, và thay đồ mới. Đến văn phòng bí thư, chàng cũng không có thời giờ ngồi chờ. Chàng yêu cầu được yết kiến thủ tướng ngay lập tức. Dĩ nhiên chàng đã yêu cầu là văn phòng bí thư phải làm chàng thỏa mãn. Vì họ đã biết chàng là đại tá kỳ tài Sênli.
Đại tá Sênli của không quân hoàng gia Anh quốc. Một trong các siêu điệp viên lỗi lạc nhất của đại chiến thứ hai. Người được thủ tướng Sớt-xin (Winston Churchill) cử làm liên lạc viên giữa Anh quốc và các khu chiến bí mật ở Pháp.
Sênli đã 39 tuổi song còn sống độc thân, bộ mã hào hoa, mặt khá đẹp trai, người Pháp nào cũng mến thương và khâm phục.
Những ai chưa gặp chàng đinh ninh chàng là con nhà võ, một chiến sĩ lạnh như tảng băng. Sự thật Sênli có dáng diệu nhà nghệ sĩ, hơn là một điệp viên luôn luôn cận kề với những nguy hiểm chết người. Tuy nhiên hồi còn đi học, cậu bé Sênli chuyên môn đánh lộn. Đánh lộn với bất cứ ai. Kể cả những học sinh lớp trên. Kết quả là cậu bị đuổi ra khỏi hai trường. Năm 16 tuổi, Sênli đầu quân và trong những năm cuối cùng của thế chiến thứ 1 chang tham dự các trận đánh ác liệt. Hòa bình vừa tái lập trên đất Pháp, chàng gia nhập bộ đội Ba Lan, giúp họ ngăn chặn người Nga tiến chiếm Vạc-sô-vi (Varsovie, Warsaw). Chàng bị phe bôn-sơ-vích bắt giữ và tuyên án tử hình.
Đêm trước ngày bị hành hình, một người lính Nga vào xà-lim cho chàng khoanh bánh lớn, và nói:
- Anh ăn đi, sáng mai anh sẽ bị bắn.
Mặt Sênli bỗng co rúm, rồi chàng ngã lăn xuống nền xà-lim. Chàng đóng kịch khéo đến nỗi tên lính tưởng chàng bị kinh phong vì nhận được tin xử bắn quá đột ngột. Tên lính vội cúi xuống xem xét thì nhanh như điện xẹt bàn chân chàng được phóng ra, trúng yết hầu. Nạn nhân bị mê man ngay tức khắc. Sênli thót dậy, lột binh phục tên lính, mặc đàng hoàng vào người, rồi ưỡn ngực mở cửa nhà giam, biến mất vào trong bóng tối.
Đó là cuộc trốn tù đầu tiên trong đời chàng. Sau này, trong thế chiến thứ hai, chàng đã nêu thêm nhiều thành tích vượt ngục khác.
Dường như Sênli được tạo hóa sinh ra chỉ để phục vụ trong thời chiến. Bằng chứng là trong những năm yên ổn giữa hai trận thế chiến chàng đứng ngồi không yên, thay đỗi sở làm gần như thường xuyên. Thoạt đầu chàng làm thợ máy trong hãng chế tạo phi cơ và xe hơi Rôn (Rolls - Royce). Chán nghề cơ khí dầu mỡ bẩn thỉu, chàng xoay ra làm kế toán viên cho một trung tâm du lịch, nhân viên kiểm kê trong ngân hàng. Rồi bất thần chàng xung làm thủy thủ, lênh đênh trên biển khơi. Để rồi chàng bất thần quay lại đất liền. Điều không ai ngờ đã xảy ra: chiến sĩ điệp báo hải hồ Sênli nhận làm quản đốc một hãng bán nước hoa và may mặc thời trang danh tiếng ở kinh đô ánh sáng 2.
Máu phiêu lưu luôn luôn sục sôi trong huyết quản. Sênli tìm cách đăng lính Lê dương khi quân đội Đức quốc xã ào ạt xâm lăng nước Pháp. Các sĩ quan Lê dương thấy chàng có vẻ bạch diện thư sinh, chắc không biết đánh đấm, nên đã xếp đơn tình nguyện của chàng vào hộc tủ. Bực mình, chàng qua Luân đôn, và được động viên. Nhưng chẳng phải để ra mặt trận hoặc hoạt động tình báo do thám. Mà là giữ cái chức chán phèo của anh thông dịch viên trong Không quân Hoàng gia. Thông dịch viên, vì chàng giỏi tiếng Pháp...
Nghề thông dịch viên vô thưởng vô phạt làm Sênli bực mình. Chàng bất chấp quân kỷ, gõ cửa phòng một ông thiếu tướng Không quân,ngỏ ý xin thôi việc.
Viên thiếu tướng trợn tròn mắt:
- Đầu quân rồi, đâu có thể xin ra dễ dàng như vậy được?
Sênli nói luôn một hơi:
- Thưa thiếu tướng, tôi không xin ra khỏi quân ngũ, tôi chỉ xin được thay đổi công tác. Tôi giỏi tiếng Pháp, tôi lại quen thuộc nước Pháp, tôi muốn làm điệp viên tại Pháp.
Viên thiếu tướng còn đang suy nghĩ thì Sênli tiếp:
- Xin thiếu tướng tha lỗi, nếu thiếu tướng không cho phép tôi chuyển ngành, tôi sẽ gửi ngay thư khiếu nại đến tờ Thời báo (Time) nhờ đăng tải, đồng thời phản kháng tại Nghị viện.
Lệ thường, người ta xin làm lính văn phòng, lính kiểng, chứ ít khi xin ra mặt trận đánh giặc. Hoạt động gián điệp hồi ấy rất nguy hiểm, số người tình nguyện không nhiều mấy. Tự dưng một anh chàng yêu cầu muốn được chết. Dĩ nhiên là thượng cấp chẩp thuận.
Và Sênli trở thành nhân viên S.O.E.
Nhiệm vụ thiết yếu của S.O.E. là phá hoại ở hậu địch, làm cách nào cho địch mất ăn, mất ngủ, tinh thần bấn loạn ngày đêm trên khắp lục địa Âu châu.....
III.
Chẳng hiểu Sênli có đặc tài ra sao, chỉ biết là ban chỉ huy S.O.E. đặc biệt lưu ý đến chàng, và bổ nhiệm chàng làm trưởng ban Kế hoạch. Làm trưởng ban trong một cơ quan điệp báo hành động là đủ để sinh bệnh đau tim, thế mà Sênli vẫn thấy buồn tẻ và một lần nữa chàng lại nảy ra ý định... chuyển ngành để thỏa mãn bản tính giang hồ.
Hồi ấy, nội tình kháng chiến Phảp đang rối như tơ vò. Giét-ta-pô Đức càn quét mạnh mẽ, nhiều tiểu tổ điệp báo của đồng minh bị tiêu diệt, kháng chiến mỗi ngày một thêm nguy ngập. Sênli không còn là nhân viên tốt đen nữa. Chàng đã trèo lên địa vị chỉ huy. Nhân cơ hội này, chàng xin thượng cấp cử người khác thay chỗ chàng để chàng qua Pháp, đích thân tổ chức lại hàng ngũ kháng chiến, đặt lại nền móng của công tác lấy tin và phá hoại.
Ngày 24-3-1943, Sênli chuẩn bị lên đường đi Ba lê. Chàng đội lốt một người Pháp tên là Vi-sông (André Visson). Đề phòng Phàn gián Đức cật vấn, chàng học thuộc lòng mọi chi tiết về đời sống liên quan đến Vi-sông. Sênli mang theo dao bấm, súng lục, la bàn, họa đồ, và cái nhẫn giấu độc dược xy-a-nuya bên trong, có thể giết chết người trong nháy mắt. Theo chỉ thị S.O.E., mọi điệp viên phải dùng độc dược này trong trường hợp không chống nổi sự tra tấn của địch.
Cùng đi với Sênli là một yếu nhân kháng chiến Pháp tên là Bờ-rốt-sô-lét (Piette Brossolette), tóc hung, đầu có lọn tóc bạc phơ. Bờ-rốt-sô-lét đã cẩn thận nhuộm đen lọn tóc để mật vụ địch khỏi nhận diện.
Hai người nhảy dù từ một phi cơ Ha-di-fắc xuống miền bắc nước Pháp, bắt liên lạc với kháng chiến. Bí danh Sênli được dùng từ đó, và chẳng bao lâu bí danh này được cả bạn lẫn thù đều biết tới.
Hai người xuyên qua vùng địch bằng xe đạp, chở theo thật nhiều lựu đạn, chất nổ và một điện đài truyền tin cỡ nhỏ. Đạp xe trên đường lúc xẩm tối là một hành động nguy hiểm vì quân Đức ra lệnh giới nghiêm sớm, thôn xóm vắng tanh, binh sĩ địch canh gác nhan nhản. Nửa giờ sau khi rời "phi trường", họ bị một toán lính tuần chặn lại và một trung sĩ Đức hỏi Sênli:
- Giờ này các anh lang thang ngoài đường làm gì?
Vừa trông thấy bọn Đức Sênli giả vờ loạng choạng, ghi-đông đảo từ trái sang phải rồi từ phải sang trái lung tung. Chàng chạy đến gần toán lính thì hấp tấp thắng lại bằng chân. Chàng cầm sẵn trong tay chai rượu cỏ-nhát. Cỏ-nhát là món uống thịnh hành của dân nhậu nước Pháp. Người Đức cũng như mọi công dân khác trên thế giới — đều có thịnh tình với chất cay êm ái và thần tiên này. Sênli ghé cổ, tu một hơi dài, rồi ông ổng hát một bài dân ca trữ tình.
Gã trung sĩ quát:
- Im đi. Không được ca hát. Các anh đi đâu?
Sênli giả vờ sợ sệt:
- Xếp, xin xếp thông cảm... cô dâu quá đẹp, quá đẹp, xếp ơi, cho đến lúc này chúng em vẫn còn choáng váng.
- Cô dâu nào?
- Đám cưới ở làng bên. Thằng em họ của tôi thật tốt phước, nó vớ được cô dâu ngon ghê. Nó vừa làm đám cưới xong. Sợ lỡ giờ giới nghiêm, bọn tôi trèo lên xe, đạp muốn chết... nhưng, thưa xếp, phần vì cô dâu và mấy cô phù dâu đẹp như tiên nên.....
- Hiểu rồi. Đi mau lên kẻo chậm. Mau lên kẻo ông đẹt cho một phát bây giờ.
Sênli chưa chuồn vội. Chai cỏ-nhát vẫn đang còn, chàng mời gã trung sĩ làm một ngụm. Gã trung sĩ đang thèm muốn chết đã uống ngay không từ chối. Trong chớp mắt, không còn một giọt rượu nào đọng lại trong chai nữa. Sênli và bạn lại ngất ngưởng lên đường giữa tiếng cười và tia mắt cảm tình của toán lính Đức.
Hai ngày sau Sênli mới đến được Balê.
Kinh đô ánh sáng được coi là pháo đài kiên cố của mật vụ và phản gián quốc xã. Các nút chặn được lập khắp nơi để xét giấy tờ. Chân ướt chân ráo đến Ba lê, Sênli tạt qua đường Fờrănklanh (Rue Franklin) nơi có trụ sở mật vụ. Chàng cần kiểm điểm lại phản ứng của mình. Liệu mình có thay đổi sắc mặt khi gặp mật vụ Đức hàng hàng lớp lớp không? Liệu những giấy tờ giả do S.O.E. cung cấp có đánh lừa được mật vụ Đức nổi danh khôn ngoan và sáng suốt không?
Muốn trả lời những câu hỏi này Sênli cần đến tại chỗ. Chàng vừa quẹo ngã tư vào đường Fờrănklanh đã đụng đầu với một toán cảnh sát. Chân tay chàng hơi run. Nhưng chỉ một tích-tắc đồng hồ sau đó chàng đã lấy lại bình tĩnh, bước thẳng về phía địch, xuất trình thẻ căn cước. Bèn cạnh mật vụ Đức có cả cảnh sát Pháp của chính phủ Visi 3 nữa. Cớm Pháp mà khám dân Pháp thì phải biết! Tên cảnh sát mặt mày đằng đằng sát khí nghiên cứu kỹ lưỡng tấm thẻ rồi đưa cho xếp Đức. Giấy tờ của Sênli hoàn toàn hợp lệ. A-lê, cho đi... điều này có nghĩa là từ nay trở đi điệp viên đồng minh Sênli có thể tự do xài giấy tờ giả của S.O.E....
Giáp mặt bọn mật vụ quốc xã xong. Sênli bèn rẽ vào một con đường quen thuộc, đến một ngôi nhà quen thuộc, bấm chuông 3 lần. Một ông già mở cửa, ló đầu ra ngoài, giọng mệt mỏi:
- Ông kiếm ai?
Sênli đáp:
- Chào cụ, tôi đến để bán đồ. Mời cụ mua vì hàng rất tốt lại hời. Cụ cho phép tôi vào nhé.
Ông già giật mình, mở rộng cửa cho Sênli. Sau khi đóng lại, ông già ôm Sênli hôn.Thì ra ông là thân phụ của Sênli. Mặc dầu đã lớn tuổi, ông cụ vẫn hoạt động tích cực cho kháng chiến.
Trong những tuần, những tháng kế tiếp, điệp viên Sênli đi khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất Pháp. Chàng đến gặp từng tổ chức kháng chiến một để bàn bạc. Hồi ấy, mỗi tổ chức hùng cứ một phương, không ai phục ai, ít ai chịu liên lạc với ai để thống nhất hành động, thậm chí giữa những đơn vị kháng chiến còn có sự kèn cựa, tranh chấp tai hại nữa. Đại để, phe quốc gia Pháp tập hợp trong bốn tổ chức kháng chiến: Chiến sĩ kháng Đức, Giải phóng, Tổ chức Dân quân, Chiến sĩ Giải phóng. Cộng sản Pháp cũng chống Đức song lại hoạt động riêng rẽ dưới chiêu bài Mặt trận Quốc gia. Trong các cuộc gặp gỡ, Sênli đã trao tận tay các chỉ thị của đồng minh cho lãnh tụ của năm tổ chức kháng chiến. Những chỉ thị này được in bằng mật mã trên giấy vấn thuốc lá.
Có lần, tạt qua thành phố Ly-ông, chàng bị nhân viên mật vụ chộp ở dọc đường. Gã mật vụ Đức lục lọi khắp người chàng nhưng chẳng tìm thấy gì. Sênli rút hộp thuốc lá trong túi ra, lễ phép biếu gã mật vụ một điếu, rồi lễ phép châm lửa. Gã mật vụ thở khói một cách khoan khoái, hắn không bao giờ ngờ được rằng mỗi hơi thuốc của hắn là một phần của bức mật thư viết trên giấy qụyến bị tiêu hủy. Sênli hút chết nhiều lần như thế. Mật vụ giăng bẫy bắt chàng song chàng đều thoát khỏi. Dường như chàng sinh ra dưới ngôi sao hồng vận. Những người cùng làm việc với chàng lại nói rằng lý do giúp chàng tránh được thần chết là sự thận trọng.
Một thời gian sau, Sênli quy tụ được các phần tử yêu nước thành một tổ chức kháng chiến trung ương. Nhiệm vụ của tổ chức này là phối hợp điều hành hoạt động của 5 tổ chức khác biệt, và thành lập một quân đội bí mật nhằm quấy phá hậu tuyến của địch, và phụ lực với đồng minh, sau ngay đổ bộ lên lục địa 4.
IV.
Khi nhà cầm quyền Đức phát động chiến dịch động viên người Pháp để xung vào lực lượng lao động cưỡng bách, nhiều thanh niên đã được kháng chiến che giấu. Những thanh niên này là nòng cốt của đạo quân Pháp tương lai, góp phần quan trọng vào công cuộc chiến thắng Đức quốc xã bên cạnh đồng minh.
Tuy bận công tác tổ chức, Sênli vẫn không ngừng liên lạc điện đài với Luân đôn, báo cáo chi tiết về hoạt động quân sự của địch tại Pháp. Chàng ra lệnh cho các toán cảm tử kháng chiến gắn mìn từ-thạch vào thân tàu biển, trộn chất nổ trong các kho than đá của quốc xã, làm trật đường rày những chuyến xe hỏa chở đạn dược, giấu trong đuôi phi cơ Đức một loại thuốc nổ đặc biệt, hễ phi cơ bay lên cao mới phát nổ, làm đứt đuôi máy bay và đâm nhào xuống đất.
Giới chỉ huy Giét-ta-pô điên đầu vì Sênli. Một chỉ thị được ban ra "phải lùng bắt điệp viên Sênli với bất cứ giá nào". Nhưng Sênli vẫn tiếp tục thoát hiểm.
Không quân Anh đang oanh kích ngày đêm vào các căn cứ quân sự Đức trên lãnh thổ Pháp. Trong số mục phiêu có nhà máy sản xuất vòng bi ở Anơxi (Annecy), tuy bị ăn bom dữ dội nó vẫn chưa bị tàn phá và còn chế tạo được quân cụ cho Đức. Sênli bèn cử một nhóm cộng sự viên gan dạ và giàu kinh nghiệm để giật min làm xụp nốt phần còn lại của nhà máy. Và Sênli đã thành công.
Tuy vậy, Sênli không phải là người an phận thủ thường. Đã thành công nhiều lần, chàng đòi thêm những lần thành công nữa. Tại Gi-nhi (Gigny), giòng sông Sôn (Saone) vẽ thành cái khuỷu được coi là trung tâm hàng giang quan trọng, tàu bè Đức thường qua đấy để chuyên chở quân cụ nặng như bộ phận ráp chiến xa, tàu ngầm. Không quân Anh oanh kích ác liệt song không làm sự chuyển vận này ngưng trệ được. Sênli bèn mang vấn đề ra thảo luận với Dê-rôm (Jerome), lãnh tụ khu chiến địa phương.
Dê-rôm băn khoăn:
- Theo ý anh, muốn bít khúc sông này lại phải làm cách nào?
Không suy nghĩ. Sênli đáp:
- Mìn. Dùng mìn nổi, nổ tung cửa sông.
- Đồng ý. Nhưng cái khó là mìn. Xoay đâu ra mìn bây giờ. Không lẽ chờ Luân đôn thả dù xuống.
- Hơi lâu. Đề nghị chúng mình đi mượn.
- Đi mượn? A, hiểu rồi, đi mượn của địch.
- Dĩ nhiên. Kho đạn của Đức sẽ cung cấp mìn cho chúng mình. Nào, ta bắt tay vào việc...
Quả như Sênli nói, phe kháng chiến đã lấy trộm mìn dễ dàng nhờ có tai mắt và cảm tình viên ở khắp nơi. Ngày tấn công đã đến, 4 nhân viên kháng chiến bơi lội giỏi như rái cá, mặc đồ người nhái được giao nhiệm vụ gắn mìn. Qua một đường dây khác, Sênli đã có đủ dưới tay họa đồ của cảng sông. Và ngày hôm sau, hai con tàu Đức nghênh ngang qua khúc sông được đặt mìn. Mìn nổ, xác hai con tàu nằm chênh ềnh ngang cửa sông, thủy lộ bị chặn nghẽn luôn trong nhiều tháng, hệ thống tiếp vận của địch bị thiệt hại nặng nề.
V.
Điệp viên Sênli đã vuốt râu hùm một cách ngạo nghễ. Không, mật vụ Giét-ta-pô không thể làm ngơ cho chàng hoành hành thêm nữa. Họ phải ra tay loại trừ chàng. Nhưng loại trừ cách nào bây giờ? Một số thủ lãnh Phản gián quốc xã không tin Sênli là điệp viên có thật bằng xương bằng thịt. Họ cho rằng Sênli là điệp viên tưởng tượng. Kháng chiến Pháp nặn ra huyền thoại Sênli để khích động tinh thần trong nộl bộ và hù dọa mật vụ quốc xã. Nhưng một số thủ lãnh khác lại không nghĩ như vậy: họ đã nắm được bằng chứng Sênli là điệp viên có thật trăm phần trăm. Sênli chưa bị sa lưới vì chàng quá khôn ngoan.
Sênli không trốn chui trốn nhủi trong nhà, chàng luôn luôn đi lại ngoài đường, mỗi ngày cải trang một khác, chàng thay đổi hàng chục kiểu mũ, thay đổi mầu áo sơ-mi dài ngắn, thay đổi com-plê, và thay đổi cả giày nữa. Chàng còn thay đổi dáng đi bằng cách nhét thêm độn gót, làm giầy chiếc cao chiếc thấp không đều.
Người Pháp sống trong cảnh thiếu thốn vì tài nguyên quốc gia bị Đức chiếm đoạt, chỉ riêng những kẻ cam tâm hợp tác với địch là được ăn ngon, mặc đẹp. Bởi vậy Sênli diện đồ sang trọng. Tưởng chàng là nhân viên chóp bu của chính phủ thân Đức, bọn mật vụ sẽ không dám chặn xét.
Chàng thường hẹn gặp cộng sự viên tại đường lớn, đông người, chàng tạt qua, nhìn xem tứ phía có gì khả nghi hay không, sau đó chàng đi vòng lại, theo chân cộng sự viên đến một bệnh viện gần đó, bước vào bên trong. Chàng có thói quen bàn bạc với cộng sự viên bên trong nhà thương.
Chàng luôn luôn đề cao cảnh giác. Một lần, chàng đang lang thang trên vỉa hè Ba-lê thì chạm trán hai mật vụ viên, họ nghi chàng, toan chặn chàng lại, chàng đã đoán trước, nhanh chân trà trộn vào một cửa hàng lớn, lẻn xuống tầng dưới, đi xuyên qua phòng rửa mặt giành cho nhân viên, rồi phóc ra đường, leo lên xe tắc-xi. Xe chạy được một quãng, chàng lại thót xuống, vù xuống hầm xe điện, bắt gặp một chuyến xe chật như nêm vừa tới.
Mỗi đêm chàng ngủ ở một nơi khác, trong số những người bạn cho chàng tá túc một đêm có đủ thành phần xã hội, minh tinh màn ảnh, chủ hàng thịt bò, tài-xế, tắc xi, gái nhảy, nghệ sĩ thoát y hoặc cựu dân biểu Hạ viện...Có lần chàng phớt tỉnh thuê luôn căn nhà kế cận tư thất của viên phụ tá của Tổng trấn Ba lê, người Đức. Chàng sống ở đó tự do, vì mật vụ Đức nào dám ngờ chàng mang thân đến tận hang hùm...
Giét-ta-pô dùng trên 30.000 mật báo viên tại Ba lê, và bọn cớm nổi cớm chìm này không phải là những tay lơ tơ mơ bất lực hoặc lười biếng họ được huấn luyện đàng hoàng và hoạt động khá đắc lực, điệp viên đồng minh bị họ thộp bắt không biết cơ man mà kể.
Bất cứ ở đường nào, khu nào, chung cư nào Giét-ta-pô cũng gài được tay sai, bởi vậy trước khi đến đâu Sênli đều nghiên cứu, điều tra và kiểm soát chu đáo. Và nhất là áp dụng mọi biện pháp an ninh cần thiết.
Khi đến đâu, Sênli để sẵn một nhân viên kháng chiến ở địa điểm hẹn, canh chừng mật vụ địch. Nếu chung quanh địa điểm hẹn không có khuôn mặt lạ, cuộc gặp có thể diễn ra, nhân viên này sẽ cầm tờ báo nơi tay làm hiệu. Trong trường hợp động ổ, nhân viên này sẽ đi tay không và Sênli phải đào tẩu thật nhanh. Một hôm kia. trời nhá nhem tối Sênli ghé qua nhà cô bạn gái làm nghề vũ nữ thoát y 5. Chàng không nhìn thấy nhân viên canh chừng. Đoán phỏng có mật vụ lảng vảng trong khu vực, chàng bèn vù thẳng một mạch. Sụ cẩn mật của chàng không đến nỗi vô ích, vì cách đó mấy giờ đồng hồ căn nhà của cô bạn gái đã bị mật vụ Đức quốc xã ập vào lục xét.
Một lần khác, chàng áp tải một cái va-li đựng đầy tài liệu tối mật do nhân viên kháng chiến thâu được của bộ tư lệnh Đức. Chàng bắt bồ thân mật với viên trưởng xa, và nói thiên hô bát sát về 3 đứa con tưởng tượng của chàng. Viên trưởng xa cũng kể lể những chuyện xẩy ra cho 4 đứa con của mình. Con tàu đang lăn bánh rầm rầm, Sênli rút chai rượu cỏ-nhát giấu trong áo tơi lạnh ra, mời viên trưởng xa một ngụm. Dĩ nhiên là viên trưởng xa uống đã đời. Vì dưới thời Đức chiếm đóng, rượu mạnh là thứ xa xỉ phẩm khó kiếm. Ngất ngây hơi men viên trưởng xa choàng vai bá cổ điệp viên Sênli:
- Anh đúng là công dân gương mẫu...
Sênli trề môi:
- Trái lại, ông xếp ơi. Tôi chẳng gương mẫu tí nào, tôi chuyên bán thực phẩm và đồ vật dụng chợ đen. Xếp biết không, phải làm nghề chợ đen, chợ đỏ mới kiếm đủ tiền nuôi bọn lau nhau. Trong va-li của tôi có thuốc lá, kẹo và đồ trang sức đem lên Ba lê bán, nếu bọn Đức chộp được là tôi sạt nghiệp...
Viên trưởng xa nói, giọng cảm động:
- Anh đừng sợ, tôi sẽ giúp anh.
Viên trưởng xa giấu cái va-li đựng tài liệu quân sự dưới đống hàng hóa cồng kềnh. Khi tàu hỏa đến ga ở Ba-lê, hắn thân chinh xách va-li của Sênli ra tận ngoài cửa rồi mới quay vào......
VI.
Thủ tướng Anh Sớt-xin có thiện cảm và biệt nhỡn đối với điệp viên Sênli. Chàng về Luân đôn than phiền với thủ tướng Sớt-xin là kháng chiến quân chỉ nhận được rất ít đồ tiếp tế. Thủ tướng hỏi:
- Ông cần gì?
Sênli đáp:
- Chúng tôi cần 100 phi cơ.
Hôm sau, không quân hoàng gia giành riêng 100 phi cơ cho công tác yểm trợ kháng chiến quân Pháp. Sự yểm trợ của Luân đôn làm Sênli mát lòng hả dạ, tuy nhiên những tin tức từ Pháp tới không làm cho chàng yên tâm chút nào. Phản gián Đức đã tóm bắt được đại tá Môrinô (Morinaud), một yếu nhân kháng chiến. Môrinô bị tra tấn tàn bạo và đã ngậm miệng một cách cương quyết, trước khi nuốt viên thuốc độc cyanur.
Chưa hết, Bờrốtsôlét, người bạn chiến đấu có lọn tóc bạc trước tuổi, cũng đã bị bắt và bị đưa về giam tại lao xá Ren-nờ (Rennes). Nhưng vẫn còn may vì mật vụ quốc xã chưa biết rõ tông tích Bờrốtsôlét. Nhưng chẳng bao lâu nữa thuốc nhuộm phai màu, lọn tóc bạc khác thường sẽ tố cáo căn cước thật của người bạn điệp báo gan dạ này với phản gián địch. Bờrốtsôlét giữ vai trò quan trọng trong hàng ngũ kháng chiến, địch không lạ gì điều đó, và một khi bắt được Bờrốtsôlét địch sẽ không ngần ngại áp dụng những biện pháp tra khảo ác độc nhất và nếu chàng không chịu đựng nổi, chàng phải tiết lộ một phần bí mật, chỉ một phần rất nhỏ là tổ chức kháng chiến đồng minh sẽ bị tan rã...
Do đó Sênli bắt buộc phải cứu bạn ra khỏi nhà giam quốc xã... Tháng 2-1944. Sênli lại giã từ Luân đôn, nhảy dù xuống một vùng cách thủ đô Ba lê 350 cây số (Clermont Ferrand) gần trại tù. Chàng giành mấy ngày tròn để nghiên cứu tỉ mỉ địa hình địa vật chung quanh lao xá Ren-nờ. Cổng chính được canh phòng rất cẩn mật, ở mỗi cửa đều có lính võ trang tiểu liên. Cách cổng chính vài trăm mét là một trại binh SS, đội xung kích của Hít-le. Trại binh này liên lạc với trạm gác bằng diện thoại.
Đúng 8 giờ sáng hôm ấy, một toán kháng chiến quân trang bị súng ống hẳn hòi lén lút mai phục trong giẫy nhà đối diện với cổng chính của nhà giam.
Đường dây điện thoại vừa bị cắt thì Sênli và 2 phụ tá — một trong hai người này nói tiếng Đức như người Đức — ngồi trên quân xa đậu lại trước cổng chính, tất cả đều mặc quân phục Đức, đeo phù hiệu công an mật vụ SD. Sênli hạ lệnh cho tên gác hộ tống chàng vào gặp quản đốc khám đường. Vào văn phòng quản đốc, chàng xuất trình chứng minh thư và sự vụ lệnh giả, yêu cầu giao nộp tù nhân Đi-ôn (Pierre Diole) tên giả của Bờrốtsôlét để giải về trung ương Giét-ta-pô Ba lê khai thác.
Quản đốc khám đường lễ phép mời Sênli đợi một lát trong phòng khách. Sênli đã tính trước việc này. Chàng được biết lính gác luôn luôn dựng súng sát tường sau khi hết giờ trực. Sênli và 2 kháng chiến quân đột nhập phòng bên, súng lục lăm lăm bắt hai tên gác úp mặt vào mặt tường. Một tên toan lấy súng đã bị Sênli đánh ngất. Tên còn lại là một trung sĩ, được lệnh mang Đi-ôn ra phòng gác.
Sênli nói:
- Tôi luôn luôn đi sau anh. Nếu anh có cử chỉ khả nghi tôi sẽ bắn anh nát óc. Nghe chưa? Muốn sống về Đức với vợ con thì đừng có mà lộn xộn.
Mọi việc diễn ra trong vòng 3 phút đồng hồ. Hai phút sau, Sênli, 2 cộng sự viên và tù nhân Đi-ôn đã ra khỏi nhà giam, nhảy phóc lên xe, phóng nhanh như tên bắn....Thoát nạn......
VII.
Nhưng Phản gián Đức không đến nỗi bết bát. Ngay sau vụ cứu tù, họ đã phăng ra linh hồn của hành động xuất quỷ nhập thần này là đại tá không quân Anh Sênli. Và từ Bá linh, một mệnh lệnh vô tiền khoáng hậu được ban ra: trong vòng một tháng nếu Sênli không bị bắt, các viên chức cao cấp mật vụ Đức ở Pháp sẽ bị cất chức.
Khi ấy Sênli đã lên Ba lê, hòa mình vào cuộc sống nguy hiểm. Chàng có hẹn với một điệp viên mới gần nhà ga xe điện ngầm Pát-sy (Passy). Tân điệp viên này tên là Giắc (Jacques). Theo chỉ thị, Giắc từ mặt đường bước xuống hầm, luôn luôn giữ lề trái cầu thang, trong khi Sênli ở lề phải. Sau khi thấy nhau hai người sẽ tiến lại sạp báo kế cận ghi-sê bán vé, rồi chào hỏi nhau vồn vã như thể bạn thân lâu ngày mới được gặp nhau.
Cuộc hẹn được định vào 11 giờ sáng, Sênli đến nơi đúng giờ mà không thấy bóng dáng Giắc. Như thường lệ, hễ người chàng muốn gặp đến trễ là chàng rút lui không trì hoãn. Chẳng hiểu sao hôm ấy, chàng lại lãng quên nguyên tắc an ninh tối thiểu này, và thay vì trở lui chàng lại bước tới sạp báo. 5 mật vụ viên Giét-ta-pô chực sẵn, chĩa súng buộc chàng giơ tay, chàng chưa kịp phản ứng thì cả bọn đã xúm lại quật chàng ngã và đánh đòn hội chợ.
Sau này, Sênli mới biết tại sao chàng bị bọn mật vụ quốc xã rình bắt. Là vì Giắc cẩu thả. Giắc bị Giét-ta-pô tóm với mẩu giấy trong túi đề chữ "Sênli, Pát-sy, 11."
Bị địch bắt là điều Sênli trù liệu từ trước. Không riêng gì chàng, bất cứ điệp viên nào hoạt động trên đất địch cũng phải nghĩ rằng một ngày kia sẽ bị sa lưới địch. Sênli trù liệu sẽ bị địch tra hỏi độc ác, vô cùng độc ác. Vì vậy chàng cố nghiến răng chịu đựng. Tại trụ sở Giét-ta-pô, bọn ngưu đầu mã diện quốc xã hùa nhau đánh chàng không nghỉ tay, như để trả thù những tháng dài chờ đợi. Không một chỗ nào trên thân thể chàng là còn nguyên vẹn. Mặt mày chàng sưng vù và bầm tím. Sau ba giờ đồng hồ bị "tẩm quất", Sênli lập mưu tháo cái nhẫn đeo ở ngón tay để lấy viên độc dược. Nhưng một mật vụ viên Đức nhanh mắt giật phăng cái nhẫn ném vào góc phòng.
Bọn thẩm vấn đặt hàng trăm câu hỏi và Sênli không trả lời. Tên chỉ huy nói:
- Ông cung khai những điều chúng tôi muốn biết rồi tôi ra lệnh cho cộng sự viên của tôi ngừng tay.
Sênli vẫn nín khe. Tên chỉ huy nói tiếp:
- Là con người văn minh trí thức, tôi nhận thấy tra tấn như thế này là man rợ, hẳn ông cũng đồng ý. Nhưng nếu ông ở vào địa vị tôi, ông cũng không thể làm cách nào khác, ông không ngậm miệng được mãi đâu. Nói đi, ông nói đi, mọi hình thức tàn bạo sẽ chấm dứt...
Sênli vẫn liếp tục nín khe. Tên chỉ huy Giét-ta-pô đỏ mặt tía tai, quát oang oang:
- A, nó thi gan với tao...Bay đâu, ném nó vào trong hồ nước.
Cái hồ trong phòng thẩm cung chứa nước mấp mé miệng. Trời đã lạnh, địch còn bỏ thêm nước đá vào hồ nên nước lạnh thấu xương. Sênli chìm sâu xuống hồ, nước ngập đến mũi. Chàng vùng vẫy, cố thoát khỏi những bàn tay gọng kềm song càng vùng vẫy chàng càng bị sặc nước. Chàng vẫn không chịu khai, và địch trấn nước đến khi chàng bất tỉnh. Cuộc tra tấn tiếp diễn đúng hai ngày, hai đêm. Sênli không hé răng nói nửa lời. Rốt cuộc Phản gián Đức đành chào thua Sênli gan lì...
Nói cho đúng. Phản gián Đức ngưng tra tấn Sênli chẳng phải vì chàng gan lì. Chẳng qua vì chàng gặp hên. Quân đội đồng minh khi ấy đã chuẩn bị đổ bộ lên đất Pháp, đồng minh đang thắng lớn trên các mặt trận và sẽ tiến như vũ bão về thủ dô Ba lê, Giét-ta-pô ra lệnh di tản toàn thể phạm nhân bị giam tại khám đường Phờren (Fresnes)
Kháng chiến Pháp được mật báo Sênli bị nhốt tại Fờren, và đến ngày 18-5 sẽ bị xử bắn. Nhờ môi giới, họ hối lộ số tiền khổng lồ 4 triệu phật lăng cho một viên chức Giét-ta-pô làm việc trong khám để làm thất lạc hồ sơ về Sênli. Do đó ngày 18-5 trôi qua mà Sênli không bị hành quyết. Một viên chức quốc xã khác nhớ đến vụ Sênli, tìm hồ sơ không thấy nên sai mở cuộc điều tra.
Lẽ ra Sênli chỉ bị coi là tép riu sau khi hồ sơ bị đánh mất. Sự trục trặc vào giờ chót này đã biến chàng trở thành một "tên khủng bố nguy hiểm", và chàng bị đưa sang Đức lưu đày trong trại giam Bu-xen-ôn (Buchenwald) được mệnh danh là trại giam của Tử thần.
Thoát chết là đủ rồi. Sênli không dám mong gì hơn nữa. Cho dầu sống tại Bu-xen-ôn chỉ là một cách chết từ từ. Bị giam bên Đức, trong sự thiếu thốn và khổ cực vô biên, điệp viên Sênli vẫn không quên nhiệm vụ của mình. Chàng lén gửi được sang Luân đôn một mật điện báo tin chàng nắm được bằng chứng cụ thể về việc Đức quốc xã tiến hành chiến tranh vi trùng, trái với điều khoản công ước Giơ-neo. Chàng lại còn thuyết phục được các sĩ quan Đức phụ trách trại giam chuyển chàng đến một nơi khác, sự đối xử bớt tàn ác hơn. Sở dĩ chàng uốn ba tấc lưỡi thành công là vì chàng hứa mai kia Đức bại trận, tòa án xét xử tội phạm chiến tranh, chàng sẽ làm nhân chứng bênh vực cho bọn sĩ quan cai tù ở Bu-xen-ôn. Đồng thời chàng lại vận động trả tự do cho 21 tù nhân bằng cách yêu cầu cai tù ghi vào sổ khai tử là những người này đã chết vì bệnh dịch.
Ngày 13-4-1945, một đoàn tù nhân trong số đó có Sênli được đưa từ Bu-xen-ôn đến một trại giam khác ở Tiệp khắc. Ba trăm người bị chết trong các toa tàu thường giành để nhốt heo bò vì thời tiết quá lạnh, và sự đánh đập, hành hạ của bọn gác vô lương tâm. Con tàu dừng lại dọc đường để khiêng xác xuống chôn trong cái huyệt chung do các tù nhân sống sót đào. Một số tù nhân hì hục đào đất, đào tới đâu Sênli và các bạn tù khác ném xác xuống tới đó. Sênli quan sát chung quanh: bọn lính gác rủ nhau ra tận xa vì không chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc. Cái huyệt chỉ cách rừng rậm khoảng một trăm mét. Sênli nói với các bạn:
- Chạy đại vào rừng đi. Nhanh Iên. May ra thì thoát...
Cả toán tù nhân do Sênli dẫn đầu ba chân bốn cẳng chạy trốn. Bọn lính Đức đuổi theo, tiếng súng nổ chát chúa. Tuy thân thể gày mòn, bệnh hoạn sau nhiều tháng bị giam giữ, ăn uống kham khổ. Sênli chạy nhanh như lực sĩ thế vận. Hy vọng về cuộc sống tự do đã mang lại cho chàng một sức mạnh phi thường.
Bọn gác không bắt kịp chàng, chàng trốn ngày, đi đêm, giòng dã như vậy trong suốt hai tuần lễ. Chuyến vượt ngục của chàng rất nguy hiểm, vì người Đức nhan nhản, ngoài các binh sĩ võ trang đến tận răng, còn có thường dân cũng được võ trang, sẵn sàng bắn gục tù nhân đồng minh.
Gần Sem-nít(Chemnits), đúng 15 ngày sau khi chàng biến vào rừng, chàng gặp hai quân nhân Mỹ. Râu tóc rậm rì, áo quần tơi tả, mặt mày xanh lét tưởng như con ma từ dưới đất hiện lên, điệp viên đại tá Sênli cho họ biết chàng là tù nhân chiến tranh vừa vượt ngục và chàng còn là sĩ quan không quân Anh quốc.
Sênli trở về Ba lê bằng xe Hồng thập tự. Chàng nằm bệnh viện trong nhiều tháng liền. Chính phủ Pháp và chính phủ Anh tặng cho chàng những huân chương cao cấp nhất. Các ký giả và nhà văn trên khắp thế giới viết hàng triệu chữ về chàng.
Cho đến nay những người hâm mộ điệp viên Sênli vẫn không hiểu nổi tại sao ham sống động, quen vào sinh ra tử như chàng lại có thể an phận làm việc giữa đống vải may quần áo và mùi nước hoa ủy mị của một tiệm thời trang và mỹ phẩm ở thủ đô Ba lê.....
NGƯỜI THỨ TÁM
1 Vụ đại tá Penkốpky đã được Người thứ Tám thuật trong - Chiến sĩ điệp báo Penkốpky - xuất bản năm 1969.
2 Hãng Molyneux tại Ba-lê...
3 Chính phủ này đóng đô tại Vichy nên gọi là chính phủ Vi-chy. Sau khi Pháp thất trận, tướng Đờ-gôn qua Luân đôn tiếp kháng chiến, phe ở lại theo thống chế Pêtanh hợp tác với Đức, đó là chính phủ Vichy.
4 Các tổ chức kháng chiến này là Ceux de la Résistance Libération, Organisation civile et militaire, Ceux de la Libération, Front National...
5 Vũ nữ thoát y này là Claire.
Z.28 - 13 Giờ Định Mạng Z.28 - 13 Giờ Định Mạng - Người Thứ Tám Z.28 - 13 Giờ Định Mạng