Within you, I lose myself. Without you,

I find myself wanting to be lost again.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ôi không ngờ Nguyện đi đã mang theo tất cả niềm vui và may mắn của nhiều ngày. Ngoài những phút bận rộn, phần còn lại của một ngày trĩu nặng những mong ngóng. Cả toà báo sáng nay hoang vắng, mới gặp mặt tôi ông chủ nhiệm đã lên tiếng ngầy ngà. Mặc dầu cảm thông với nỗi khổ tâm của ông vì đứa con mới tốt nghiệp ở Pháp xong lại quyết định về ngoài kia; tôi cũng không tránh được những ý nghĩ bực bội. Dưới nhà in lại mới bị cúp điện, thêm một lý do để gặp ai ông cũng la hét. Sự bình thản tha thứ của tôi được ông coi như khiêu khích. Ông khó chịu hỏi tôi:
“Sao gần một tuần nay anh biến đâu? Lên hoài cao nguyên làm chi, cái Đại hội Thượng vụ mà anh thấy cũng cần đi lắm sao? Anh phải có một chọn lựa, hoặc một nhà khảo cổ hoặc một nhà báo.”
Chưa bao giờ ông nói với tôi như vậy. Tôi đi lại phía cửa sổ yên lặng nhìn xuống những đoàn xe cộ dưới mặt đường, ở phía bên kia là một dãy thùng phuy trắng ngăn riêng một khu cao ốc, chỉ có bóng dáng những người Mỹ. Tôi vẫn còn hứng khởi để làm báo trong những điều kiện hiện tại, tôi cũng chưa có một chọn lựa dứt khoát khác. Nhận ra dạy trường Mỹ thuật ngoài Huế chỉ do một ngẫu hứng hơn là một dự định đứng đắn. Như không có một định mệnh, tôi tự do dàn trải đời sống tương lai của mình. Khi thấy khuôn mặt ông bắt đầu dịu xuống, tôi tìm cách gợi chuyện lại. Tôi hỏi ông chủ nhiệm về một phái đoàn báo chí được mời đi viếng thăm Hàn Quốc, như chợt nhớ ra ông bảo tôi:
“Chẳng thà mất thì giờ cho những chuyến đi như vậy. Nếu muốn tôi sẽ đề nghị anh vào phái đoàn, theo tôi sau chiến tranh Cao Ly tàn phá, kinh nghiệm mười năm tái thiết của họ là điều chúng ta nên nghiên cứu và quan tâm. Chiến tranh Việt Nam rồi cũng phải chấm dứt. Sửa soạn đón nhận hoà bình trong tình trạng một đất nước chiến tranh là thái độ sáng suốt cần thiết.”
Với tôi, ông chủ nhiệm đối xử chân tình, tôi biết ông cũng không cấm cản tôi ở những chuyến đi cao nguyên sau đó. Tôi không thể dứt khoát với tờ báo nhỏ hẹp này để nhận lời làm việc với Davis cũng vì thế. Rồi ông chủ nhiệm lấy từ ngăn kéo đưa cho tôi một phong thư:
“Hôm kia có ông Trung tá tới đây kiếm anh, để lại gói đó nói là của ông Tướng gửi biếu trước khi trở ra Trung. Mà sao anh có vẻ thân với tướng Thuyết quá vậy?”
“Cũng không phải là thân, tôi thường gặp và ăn cơm với ông ta vài lần. Cảm tình sâu đậm của ông ta nếu có cũng bởi thanh danh uy tín của tờ báo.”
Ông chủ nhiệm tỏ vẻ cảm kích vì sự chân thật của câu nói. Tướng Thuyết tặng tôi hai cuốn tiểu luận bản đặc biệt vừa mới in xong. Chiến Thắng Mùa Mưa đề cập tới những trận đánh lớn trên cao nguyên; Triết Lý Hai Cuộc Cách Mạng là suy tư của riêng ông về sự cần thiết cách mạng trong tương lai; và một bức hình màu thật đẹp chân dung ông Tướng với lời đề tặng. Cầm những cuốn sách trong tay, ông chủ nhiệm tỏ vẻ ngạc nhiên:
“Không ngờ ông Tướng mà cũng viết sách, vậy mà chưa bao giờ tôi nghe ai nói.”
Chỉ cần đọc những dòng chữ mở đầu tôi biết đó phải là ngôn từ phù thuỷ của nhà văn, ông đã tìm lại được sự hăng say làm việc dưới trướng của ông Tướng. Tôi nói:
“Tôi để ông chủ nhiệm đọc trước. Xem ra tướng Thuyết dành nhiều cảm tình cho báo chí vậy mà không hiểu sao các nhà báo Mỹ lại cay ghét ông đến như vậy. Tôi chưa thấy một bài báo Mỹ nào khi đề cập tới giới tướng lãnh Việt Nam mà có lời khen ngợi ông, đến nỗi tôi cảm tưởng là có cả một chiến dịch báo chí bôi nhọ ông nhất là các sự việc liên quan tới một chánh sách cứng rắn ở cao nguyên.”
Tôi cũng kể lại cho ông chủ nghiệm nghe trong một chuyến lên Pleiku, tướng Thuyết đã gửi tặng tôi một số tiền khá lớn và rồi tất cả những nỗi khó khăn để chối từ sau đó. Tướng Thuyết bảo đó là hảo ý thường xuyên của ông đối với nhà báo lên đây. Tôi nói tiếp:
“Tôi vẫn quan niệm độc lập báo chí khởi từ sự độc lập tài chánh. Tôi muốn ngòi bút được tự do trong vấn đề phán xét và khen chê ông ta, ở bất cứ trường hợp nào tôi cũng sẽ không cảm thấy là mình đã không “fairplay” với ông Tướng.”
Ông chủ nhiệm ngả lưng ra sau ghế, hạ thấp gọng kính xuống, nói giọng nhỏ nhẹ với tôi:
“Tôi hoàn toàn đồng ý thái độ cư xử độc lập của anh, tôi không bao giờ tiếc đã đặt để ở anh nhiều sự tin cậy. Hơn bốn mươi năm trong nghề báo, tôi tự hào đã giữ được mình trong sạch đến ngày nay, ngay cả bây giờ không thiếu gì những cám dỗ khi mà người ta hứa bỏ tiền ra không thêm một điều kiện nào để mở rộng tờ báo, tôi vẫn cương quyết từ chối.”
Thật rất khác với nhận định của nhà văn cố vấn của tướng Thuyết, thì ở xứ mình sống lâu trong nghề báo cũng không đến nỗi phải bồi bút để vinh thân hoặc trở nên cay đắng. Trải qua nhiều cuộc thăng trầm, ông chủ nhiệm vẫn là con người nhiều lý tưởng bảo thủ. Với một ký giả theo cái ý nghĩa tự do như tôi, dù có vui đến đâu, ông chủ nhiệm cũng tìm ra ít nhất một khuyết điểm để kìm hãm chỉ trích:
“Phải cái anh nghệ sĩ quá, điều đó chẳng phải là tôi không thích nhưng khi đã bước chân vào nghề báo thì cũng phải chấp nhận kỷ luật của nó và khi thích nghi được anh có hy vọng sẽ trở nên rất khá.”
Theo quan điểm của ông chủ nhiệm thì cái khá trong con người tôi lúc nào cũng ở phía tương lai, cũng như sự nghiệp hội hoạ thì tác phẩm lớn là ở trong sự hình thành và cuốn sách lớn tạo bởi những dòng chữ chưa viết. Tôi mỉm cười nhìn ông chủ nhiệm lụ khụ như một vị sư già và thích thú với những suy diễn đó. Khi ông chủ nhiệm đi khỏi, tôi bắt đầu với công việc thường nhật. Soạn đống thư ngổn ngang của độc giả, tôi tìm ra dấu những con tem Takashi Oka gửi từ Bureau bên Paris, người Á châu mà lại là người Nhật mới có lối cư xử nhiều cẩn trọng như vậy. Bức thư chỉ gồm những trao đổi xã giao và ước mong duy trì mối liên hệ và tình bằng hữu. Số thư còn lại là công việc phân loại của cô thư ký. Sách báo gửi tới cũng thật nhiều, tôi không có thì giờ đọc hết, đọc một cách đứng đắn. Cuốn sách 500 trang của Đỗ nhờ tôi làm bìa, được gởi tặng với lời lẽ thật vuốt ve: là cuốn sách ưng ý nhất về hình thức của tác giả. Lại thêm một số báo đặc biệt của sinh viên nói về chủ quyền Việt Nam trên cao nguyên, họ đưa ra những nhận định quá khích mạnh bạo và còn nguyên sự trong sáng. Với chủ đề cao nguyên, “một cỗ xe với ba tên xà ích”, họ tấn công và mạt sát người Mỹ. Tội nghiệp là tướng Thuyết cũng không tránh được mũi dùi đó. Xem ra hai kẻ thù vẫn có thể bị coi là đối nghịch với một thành phần thứ ba. Họ chỉ là những sinh viên mà khả năng duy nhất chỉ là sự đối kháng. Tôi có ý định sẽ gặp gỡ những nhà báo tài tử này để nói chuyện với họ, biết đâu sẽ có thêm vô số những ý kiến mới. Chẳng hạn đề nghị của họ lập thêm một phân khoa Nhân chủng, trực thuộc viện Đại học, hỗ trợ cho công việc nghiên cứu của bộ Thượng vụ. Chỉ có những sinh viên trẻ này mới hy vọng đem lại một sinh khí mới cho cao nguyên. Một lần nữa tướng Thuyết đã có lý khi muốn đầu tư vào lớp người trẻ.
Đồng hồ tay chỉ sáu giờ năm phút, như thường lệ tôi mở đài để nghe bản tin vắn tắt buổi chiều. Có lẽ đồng hồ nhanh nhiều phút, bây giờ mới là giữa phần nhạc chuyển mục. Lại một bản đàn mà mỗi nốt nhạc là một nụ hôn quấn quýt, gợi nhớ kỷ niệm những ngày đầu tiên chung sống với Nguyện. Đó là những ngày thực sự êm đềm sống bên một người đàn bà. Tôi chưa có một dự định gì về tương lai nhưng có lẽ Nguyện sẽ là người đàn bà tôi có thể cưới làm vợ. Với nếp sống hiện tại, một người vợ cổ điển ngoan và hiền thục là điều khó có thể chấp nhận.
Ngay phần mở đầu của bản tin ngắn năm phút, như một luồng điện giật, tôi bàng hoàng khi nghe tin cộng sản tấn công dân làng tỵ nạn từ ấp Dakto. Ngót sáu trăm dân làng bị thảm sát mà đài Mỹ mệnh danh là một lối trả thù Việt Nam - Vietnam Vengeance, đó là một tổn hại về dân sự cao nhất trong năm kể từ ngày khai diễn những trận địa chiến. Tắt máy tôi vội vã lái xe tới tìm Davis, nhưng toà báo đóng kín. Trở lại toà soạn, rời một vòng cầu thang tối, bước vào một văn phòng im vắng chỉ còn cô thư ký ngồi đó. Tôi điện thoại đi khắp nơi với hy vọng có thể gặp Davis nhưng đều không thành tựu. Chỉ còn cách là đúng hẹn gặp Davis ở bữa ăn trong Cercle buổi tối.
Tôi tới chỗ hẹn sớm. Mọi người đang còn quần banh ở dưới sân buổi chiều. Một người đàn bà đẹp ngồi trong đám trẻ đùa chơi dưới mặt nước, ánh mắt vui và mơ mộng. Tôi cũng khó chịu phải gặp lại viên trung tá Tacelosky với bộ râu con kiến và một cô gái Á châu khác của hắn. Đặc trách về cao nguyên nhưng hắn lại có mặt thường xuyên ở Sài Gòn. Vẻ mặt dầy cộm lúc nào cũng bình thản bên ly rượu và khói thuốc khiến tôi tự hỏi về những phút làm việc của hắn. Tacelosky nhận ra tôi dễ dàng và khi nghe tôi nói về vụ thảm sát, vẻ mặt hắn lạnh như tiền và không để lộ một cảm xúc. Hắn nói:
“Có vụ đó nữa hả, có lẽ ông nhà báo Davis biết nhiều hơn tôi, sao anh không tìm gặp chính ngay ông ấy.”
Hắn cư xử với tôi lịch sự, Tacelosky kéo ghế mời tôi ngồi:
“Dùng với tôi một cognac soda chứ?”
Tôi thán phục trước trí nhớ phi thường của hắn, chỉ một thói quen không đâu sau một lần gặp gỡ cũng được hắn ghi nhận. Vào nghề báo tôi đã quen với những phút chịu đựng ngay cả với người đối thoại không mấy ưa mình. Lúc này tôi hiểu rằng không phải vô tình tên của tướng Thuyết được Tacelosky nhắc đến, hắn bảo đùa:
“Sống với một nền dân chủ không ngờ các anh vẫn còn lại những ông quan của đời vua nhà Nguyễn.”
Tôi mỉm cười phụ hoạ như tán thưởng sự so sánh bóng bảy của hắn. Trong lòng tôi nao núng với những phút chờ đợi Davis. Và kết quả là Davis lỡ hẹn, điều đó thật hiếm. Tôi trở ra xe và đi tới văn phòng Davis, không ngờ phải chứng kiến một tấn thảm kịch sau đó. Bằng một giọng đầy nước mắt, Davis bảo:
“Hơn sáu trăm dân làng tị nạn không còn một ai nguyên vẹn sống sót. Đó là một vụ trả thù dã man nhất từ hai phía. Vì không quyến dụ được theo chúng, cộng sản huy động toàn lực tiêu diệt trung tâm định cư này. Chúng dùng lựu đạn ném vào từng nhà, sử dụng cả súng phun lửa để thiêu cả đàn bà trẻ con chui trốn dưới hầm, nói tóm lại cảnh tượng chỉ còn là đống than củi với mấy trăm cái xác.”
Tôi thắc mắc về sự bảo vệ của phía quân chánh phủ, Davis cho biết:
“Như anh biết an ninh ở trên đó chia từng khu vực, hoặc Việt hoặc Mỹ. Khu tị nạn thuộc vùng trách nhiệm của một trại LLĐB Mỹ, cộng sản không dễ gì tràn ngập một cứ điểm kiên cố như vậy. Có thể là một kế hoạch bỏ rơi của Tacelosky để chứng tỏ sự bất lực của quân chánh phủ với bọn Thượng tranh đấu khác. Nếu quả đúng như vậy thì dã man hết sức.”
Tôi nghĩ với ai chứ Tacelosky, hắn có thể hành động như vậy, thí sáu trăm sinh mạng chỉ để chứng tỏ một điều: hạnh phúc và an ninh của người Thượng chỉ có thể bảo đảm hữu hiệu bởi những người lính Mũ Xanh Mỹ. Không kìm hãm được tình cảm, Davis đã khóc mùi mẫn khi đưa ra những tấm hình với cảnh đổ nát và hàng đống những xác chết. Tấm hình người mẹ tay còn ôm con, cả hai bị súng phun lửa thiêu thành than. Căn phòng bỗng trở nên lạnh lẽo, bộ cung nỏ chỉ còn là một vệt xẫm trên nền tường trắng muốt, dấu vết kỷ niệm của mấy trăm cuộc sống tang thương. Ánh mắt tôi được đôi chút nghỉ ngơi ở những tảng màu trắng và xanh trên một tấm bản đồ phóng lớn. Trên bàn máy chữ, Davis đã viết những dòng đầu tiên về tấn thảm kịch còn vấy máu. - Đó là sự vỡ mộng của người Thượng về hy vọng tồn tại sau những hình thức trả đũa dã man nhất của các phe tham chiến ở cao nguyên. Rồi Davis tự đặt câu hỏi: - Vậy thì họ muốn toàn thế giới nghĩ gì về những vụ đổ máu bẩn thỉu đó?
Chính những người như tướng Thuyết, Tacelosky và Mặt trận Giải phóng Tây nguyên phải trả lời. Tôi thì chỉ quan tâm tới những dữ kiện, và tôi có ý định sẽ trở lên cao nguyên ngày mai để đào sâu tấn thảm kịch ở những giờ phút chót.
Vòng Đai Xanh Vòng Đai Xanh - Ngô Thế Vinh Vòng Đai Xanh