When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
hu nhân dựa người trên chiếc ghế mây gần lan can lặng lẽ nhìn về phía hương án đặt trước sân, nơi đám cưới đang diễn ra. Chú rể là người hoàng tộc nên hôm nay nhiều người mặc triều phục màu xanh, màu lục nhưng tuyệt đối không có màu đen vì đây là màu kiêng kị. Khi thấy một vị quan đưa cái tráp đựng đồ nạp lễ cưới cho phu quân, bà khẽ thở dài. Chồng bà nhận lấy đưa lên cao cung kính dâng ngang trán rồi trao cho người quỳ bên cạnh, cứ thế ông tiếp tục nhận lễ vật.
Cuối cùng phu quân cúi đầu lạy năm lạy trước hương án rồi cứ thế nhiều người phủ phục quỳ lạy, người bước tới kẻ lui ra…Riêng bà,đau ốm lâu ngày tuy với tư cách mẹ cô dâu đã được miễn lễ. Không biết tự bao giờ bà có cảm giác thật kỳ cục. Hạnh phúc khi được ốm nặng nằm liệt. Lúc còn trẻ khi biết chị mình được tiến cung làm một thiếp yêu của vua nhưng đã trở nên như một người câm suốt mấy tháng ròng, chỉ sợ mở miệng phạm huý, bà mau mắn nhận lời cầu hôn với quan thượng thư bộ lễ vì không muốn sẽ giống như chị, bị nhấn chìm cuộc đời trong cái biển đố kỵ, ghen tuông căm hận, giằng xé lẫn nhau của hàng trăm phi tần trong chốn nội cung.
So với chị, bà thấy mình may mắn được làm vợ quan thượng thư sống một mình một cõi, được phu quân yêu chiều hết mực, song tận đáy lòng vẫn thấy chưa được thoả mãn vẫn có cái gì mong chờ nhưng không đạt được.
Lễ nghi kéo dài đến nỗi trời tối lúc nào không hay. Ánh lửa từ hai ngọn đuốc đặt hai bên cầu thang hắt bóng bà lên bức vách. Lần đầu tiên từ khi bệnh hoạn đến nay bà thấy mình tỉnh táo không buồn ngủ vào thời điểm này như thường ngày.
Đã lâu lắm rồi, áng chừng phải đến gần ba năm trời giam mình trong căn phòng kín gió kia, ít tiếp xúc với ai, hôm nay được đám gia nhân đưa ra bên ngoài ngồi ở lan can nhìn xuống cũng coi như bà chính thức dự lễ. Lúc nãy con rể cùng con gái đã đến lạy bà. Không khí lễ cưới vui vẻ, mọi người nói cười huyên thuyên. Được để ngồi yên nơi đây không phải vì cố tình bị bỏ quên. Chồng và con trai đề nghị đưa bà xuống ngồi ở bàn tiệc danh dự nhưng bà từ chối. Không hiểu sao những người thân thuộc, bạn bè một thời thân thiết sống gần trọn đời với nhau vậy mà giờ đây bỗng dưng quá đỗi xa cách, như thể chẳng liên quan gì tới mình. Thấy cũng được, không thấy cũng chả sao.
Ánh đuốc bỗng nhiên thu nhỏ lại, khiến phu nhân như đang từ từ lùi vào bóng tối. Khí sắc nhợt nhạt chỉ còn ánh mắt long lanh. Mùi thức ăn, rượu bốc lên thơm ngào ngạt nhưng cổ họng lại lờm lợm, buồn nôn. Đã lâu lắm cơ thể bà không thể tiếp nhận những thứ đó nữa. Nhìn ngắm mọi thứ xung quanh như để gợi nhớ về những kỷ niệm, chợt bà thở hắt ra như muốn trút đi những phiền não cho nhẹ người rồi từ từ khép hờ mắt lại. Trong đám quan khách được mời bà mong nhìn thấy một người, mong là mong vậy nhưng tin chắc chàng sẽ không có mặt. Người bà từng mong sẽ là con rể mình. Trong tâm tưởng, cô dâu dưới kia là hình ảnh của bà khi còn thiếu nữ mấy mươi năm trước. Con gái bà hôm nay lộng lẫy thướt tha trong bộ xiêm y màu hổ phách, thêu những cánh hoa màu trắng bạc lấp lánh như những vì sao. Cái khăn vành dây quấn quanh đầu làm tăng thêm vẻ đoan trang thuỳ mị mỗi khi con khẽ cúi đầu chào quan khách. Chú rể đi bên cạnh cô dâu cứ ngẩn ngơ ngắm, đôi khi quên cả chào quan khách, lúc ngước nhìn khuôn mặt đẹp như trăng rằm lúc lại cúi xuống dán mắt vào những bước đi yểu điệu của đôi hài đỏ đính những hạt cườm long lanh.
Chú rể thuộc hoàng tộc nên cô dâu trang phục không kém gì công chúa. Cô dâu chú rể dừng lại cùng nâng ly nghe mọi người chúc phúc. Thỉnh thoảng cô dâu đưa những ngón tay thon lên vân vê làn tóc mai thò ra dưới cái khăn vành dây, lâu lâu nở một nụ cười thay cho lời đáp lễ. Chỉ có bà mới hiểu tâm trạng cô dâu lúc này. Lòng bà chợt quặn đau xót xa. Bộ ngực lép kẹp rướn lên từng hồi phát ra những tiếng rên khe khẽ.
Bà có cảm giác mình như một người đi xa trở về. Ngày hôm nay, ngày mọi người thân trong dòng họ quy tụ lại với nhau, trong thời điểm hoan hỉ này sao lòng bà vẫn thấy thiếu thốn mong mỏi?. Không ai ở dưới kia, kể cả chồng bà, con bà có thể bù đắp được sự thiếu thốn trống vắng ấy. Tiếng cười nói chúc tụng càng lớn bà càng cảm thấy mình nhỏ bé lạc lõng giữa đám đông. Cô đơn ngay giữa những người thân thuộc.
Bà liếc nhìn về phía hành lang bên trái, qua cánh cửa khép hờ của căn phòng con gái yêu, cây đàn tranh đã được treo lên. Đã hơn tháng nay từ hôm quan ngự y đến từ biệt, cây đàn đã không còn rung lên những tiếng tơ đồng. Lòng bà đã từng thổn thức theo tiếng đàn khoan nhặt, thư thả, khi trầm khi bổng rồi bất chợt dồn dập như cơn lốc xoáy cuồng mê khi chàng xuất hiện và chạy trên các bậc cầu thang, rồi lại chơi vơi lơ lửng, một lúc sau những nốt nhạc đuổi bắt nhau thảng thốt kiếm tìm, thoắt lại lịm chìm vào thẩm sâu, thoắt lại dâng lên rồi buông thả vào không gian những giọt buồn tưởng chừng như không dứt, trước khi câm lặng không còn rung nữa. Đó là những thời khắc quan ngự y đến thăm bệnh cho bà. Không biết đã bao lần qua cánh cửa khép hờ kia, bà đã thoáng thấy bóng con gái yêu lặng lẽ đổ dài trên hành lang dõi theo bóng chàng, khi không còn nghe tiếng vó ngựa cũng là lúc cánh cửa phòng khép lại.
Tuy không đứng dậy được nhưng có hôm bà thấy bóng hai người in trên vách đối diện phòng bà. Họ đứng lại khá lâu bên nhau. Hình như cả hai có nói chuyện. Tiếng rất khẽ như thầm thì. Cuộc đời Ngọc Điểm rồi cũng như bà. Cô dâu dưới kia phải chăng là hình ảnh bà mấy mươi năm trước? Thương con, tiếc cho con vô cùng! Dịu dàng, tài hoa, sâu sắc thế mà vẫn không lấy được người mình thương. Thật ra bà biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Cách đây ba năm khi cơn bệnh nan y hành hạ tưởng không qua khỏi thì Tùng lúc đó được lệnh của hoàng phi đến chăm sóc cho bà. Lần đầu tiên gặp chàng, cảm xúc rất mạnh khiến bà phá lệ cho gia nhân lui ra. Bà cho phép chàng chẩn mạch không cần qua một tấm lụa mỏng, chàng có thể nói chuyện hỏi han trực diện với bà. Từ đó những đau đớn mệt mỏi dần dần vơi đi. Bà thấy mình hạnh phúc hơn những cung tần mỹ nữ trong cung nhiều vì được tiếp xúc thẳng với quan ngự y không bị ngăn cách bởi bất cứ gì.
Là phu nhân quan thượng thư tiếp xúc với biết bao hiền tài, vương tôn công tử vậy mà chỉ khi gặp chàng, bà mới thực sự xao động, thấy mình như trẻ ra, ước mơ được trở lại thời xuân sắc. Chàng làm bà nuối tiếc đã không gặp may, không gặp được người trong mộng sớm hơn. Ngày ấy bà lập gia đình không có tình yêu nhưng cũng không thật sự khao khát hướng về ai cả. Tùng như chất kích thích khiến bà ngỡ mình còn xuân xanh, cái thời mà những tính toán lo toan hầu làm tròn chữ hiếu chưa đè nặng, chưa có gì ngăn chặn bà được tự cảm nhận. Lúc đó tâm hồn ấp ủ bao ham muốn, ước mơ riêng còn cháy bỏng chưa lụi tàn, tất cả còn phơi phới bay bổng chưa bị chèn ép vuông vắn trong nề nếp gia phong cũng chưa phải gò uốn tròn trịa với phận làm dâu làm mẹ. Chỉ cần vài lời hỏi han, những đầu ngón tay nhè nhẹ khẽ bấm, mệt mỏi khó thở bỗng luì lại lắng xuống. Lẽ ra bà đã chết từ lâu, nhưng không hiểu sao đau ốm liệt giường bà vẫn kéo dài sự sống ròng rã ba năm trời. Đôi khi lại còn rất tỉnh táo minh mẩn. Người ta đồn ngự y có thuốc thần. Ước gì thời gian lùi lại. Sao ngự y không tới thăm bệnh khi mình còn son trẻ? Chàng và con gái đã cho mình sống lại quãng đời tươi đẹp. Mỗi khi bóng chàng lướt qua hành lang tiếng đàn tranh bật lên réo rắt thiết tha. Âm điệu thanh thoát lăn tăn lướt trên phiếm đàn nhanh bao nhiêu thì bước chân chàng lại trì chậm bấy nhiêu. Tiếng đàn tranh của con gái thầm trao cho người yêu sao như tiếng lòng bà? Nó làm cho tâm hồn bà từ lâu đã bị những khuôn phép, những bổn phận trói buộc rồi sau đó bị thân xác tàn tạ bệnh hoạn kìm giữ, đột nhiên được giải toả.
Tấm thân khô đét như xác ve giờ là bề ngoài, chỉ có bà biết bên trong sự đam mê khao khát vẫn rạo rực căng tràn nếu không muốn nói còn hơn lúc bà là một thiếu nữ. Lòng như nở hoa tươi tắn trở lại, hân hoan khấp khởi,hồi hộp đợi chờ, xao xuyến nhớ mong. Nhờ Tùng bà sống thêm được ba năm. Ai cũng cho là phép lạ.
Nhưng nào ai biết được, ba năm nằm liệt giường nào phải ba năm nhạt nhẽo vô nghĩa, có thể đó là ba năm đẹp nhất trong đời bà. Nghĩ tới đây bà nở một nụ cười bí ẩn trong bóng tối. Trong đầu miên man suy nghĩ nhưng ánh nhìn không rời khỏi cô dâu. Ân cần duyên dáng cô dâu thỉnh thoảng lại hơi nghiêng người nhận rượu mời rồi bất chợt bà thấy con gái ngước lên nhìn mình, chắc tưởng mẹ ngủ gật vì bà khép hờ mắt, nét mặt con gái bỗng trầm tư phảng phất buồn. Bà đã từng mong Tùng sẽ là con rể bà. Ngọc Điểm không thể sống cuộc đời như bà nữa! Thế nhưng khi bà gợi ý muốn chọn Tùng cho con thì mới vỡ lẽ chàng đã có hôn ước trước khi phụ thân mất. Biết được điều này Ngọc Điểm gục đầu ngay trên giường bà khóc tấm tức. Thấy vậy bà cũng khóc theo, hụt hẫng tiếc nuối như chính mình để vụt mất thứ gì vô cùng quý giá chứ không phải con gái.
Bên dưới tiệc bắt đầu tàn. Cô dâu chú rể lần lượt cúi chào khách. Bà thoáng thấy con gái khẽ quay mặt ra sau đưa tay áo nhẹ thấm nước mắt. Con khóc không phải vì rời những người thân bắt đầu cuộc sống mới theo chồng đi vào tận miền nam xa xôi, nơi chồng đang giúp một vị tướng trấn biên, nắm quyền điều hành cảng Sàigòn mở thêm các con kênh. Bà biết con gái cũng như bà đang nhỏ lệ cho những gì mình mong ước nhớ thương nhưng không bao giờ có được.
Ngọn đèn cầy trong căn phòng tù mù hiu hắt đã tắt. Bà không còn thấy cây đàn tranh. Lát nữa con sẽ lên chào từ biệt. Biết bao giờ bà mới gặp lại con?. Cũng có thể hai mẹ con sẽ không bao giờ còn nhìn thấy nhau. Ôi! Sao lạnh quá, không thể chịu được sự xa cách chia phôi! Bà rùng mình. Mệt mỏi bà bật ngửa người ra sau, luồn bàn tay run run khẳng khiu nổi đầy gân xanh trắng nhợt vào túi áo rút ra chùm lục lạc lắc nhè nhẹ. Hai gia nhân từ phía trong chạy ra. Bà rướn người lên thều thào: “Cho ta vào phòng ngay! buồn ngủ quá!”.
Vân Sa trở mình từ từ mở mắt. Gian phòng không sáng cũng chẳng tối. Giấc ngủ sâu đến nỗi đầu óc mụ mị không biết ngày hay đêm? Mồ hôi vã ra như tắm. Uể oải mệt mỏi đến nỗi nàng rên lên khe khẽ. Bây giờ là lúc nào nhỉ? Sao đầu óc lại trống không như vậy? Nằm lì một lúc vẫn không sao nhớ ra cái gì cả, nàng xoay người quay mặt vào vách nhắm mắt lại. Bỗng bên ngoài tiếng dép lệt sệt vội vàng rồi tiếng va vỡ loảng xoảng.
Sa bật dậy nhìn quanh ngơ ngác. Tiếng guốc khua vang cùng với tiếng dì Lam la lên:
_Giời ơi! Ông sao vậy? mắt mũi để đâu không thấy cái vại to lù lù trước mặt thế? Khổ quá cái vại tương bần mới mang vào chưa kịp nhờ thằng Bôn nó bê lên kệ cao ông đã làm tiêu tùng rồi! Tha hồ mà ngửi, mùi đầy phòng rồi nhé!
Giọng cha rít lên giận dữ:
_Bà im đi! Chỗ này là chỗ bà để mấy cái vại chết bầm của bà đấy phỏng?
Rồi ông gào to hơn:
_Dẹp đi! Còn đứng đó mà quai mồm ra. Đừng để tôi thấy cái cảnh chướng mắt này nữa! Nhà đã có sẵn “hủ mắm” treo lững lờ đầu chạn rồi, coi chừng nó bể ra thối hoắc lúc nào không biết, tôi đang lo ngay ngáy đây! Chưa đủ sao mà bà còn dàn mấy cái vại to vại nhỏ ngang lối đi thế này hả?
_Ơ hay cái ông này hôm nay mắc chứng gì mà vừa về đến đã nổi đoá lên thế! Nói nhăng nói cuội cái gì thế?
Lời qua tiếng lại giữa cha và dì khiến Sa chột dạ. Nàng ngồi im dõng tai nghe ngóng tiếp nhưng không nghe rõ họ nói gì thêm. Cả hai đang hạ thấp giọng chỉ nghe rù rì như thể họ đang thầm thì to nhỏ riêng với nhau. Linh cảm cho nàng biết có gì nghiêm trọng đang xảy ra. Bố chưa bao giờ giận dữ như lúc nãy lại nóng bóng gió cái gì mà “hủ mắm treo đầu chạn” không ám chỉ mình thì ám chỉ ai đây?. Không kịp suy nghĩ thêm nàng vội chạy ra khe khẽ rút chốt he hé cánh cửa lò đầu ra ngoài xem xét.
Cha và dì đang ngồi châu đầu vào nhau. Trước mặt họ vũng tương và những mảnh sành vỡ bắn tung toé.
Chợt ngửng lên thấy Sa ông Mạc đứng bật dậy tằng hắng một tiếng vừa liếc nhìn con gái vừa ra lệnh:
_Bà dẹp đống bầy nhầy này đi, nhanh lên!
Đoạn ông lật đật quay lưng đi vào gian giữa nơi đặt bàn thờ tổ tiên lui cui thắp nhang đứng lâm râm khấn vái
Nhìn thái độ của cha, Sa bỗng nhiên lo lắng mặc dù chưa biết chuyện gì xảy ra. Nàng mon men lại gần dì Lam, ngồi xuống vừa lượm những mảnh vỡ vừa gợi chuyện:
_Dì để cái vại tương bần sao mà vỡ tan tành thế này vậy dì?
Dì Lam khẽ nhìn Sa ậm ừ cho qua rồi lại cúi xuống dọn dẹp lau chùi. Bỗng từ trong phòng thờ ông Mạc gọi với ra:
_Con Sa đó phải không? Làm cái gì mà cứ rúc trong phòng không chịu ra giúp dì làm việc nhà là sao? Vào đây bố có chuyện muốn nói với con
Vân Sa giật mình thon thót. Vào phòng thờ ngồi trước tổ tiên để noí. Chuyện phải nghiêm túc chứ không phải chuyện nhỏ. Tự nhiên nàng nghĩ về Hải, nhưng giờ này chắc chàng còn bận việc thi cử làm gì có đây? Vậy chuyện gì đây?
Sa bước vào phòng thờ ấp úng:
_Bố…gọi..con? Việc… việc gì ạ?
Ông Mạc cắm cây nhang cháy đỏ vào lư hương ngồi xuống manh chiếu nhỏ trải trước bàn thờ nói:
_Con cũng ngồi xuống đây đi. Hôm nay bố báo cho con biết một chuyện hệ trọng trong đời con. Bố vừa nhận lời dạm hỏi của nhà quan ngự y bên kia sông, bằng lòng cho họ bỏ trầu và cưới luôn thể vào 18 này tức còn chừng tám ngày nữa hôm nay là mùng 10 rồi vì ngự y còn bận việc ở triều đình không về lâu được.
Tuy đã lường trước tai hoạ có thể sẽ tới với mình nhưng nhanh và đột ngột quá làm Sa cứ đờ người ra một lúc sau mới lắp bắp:
_Hồi hôm kia bố..bố…hứa chờ cho..cho…đến khi có kết quả treo bảng thi mà! Nếu anh Hải đậu thủ khoa bố xét lại mà! Con lạy bố xin bố khất lại ngaỳ cưới được không ạ?
Ông Mạc đứng bật dậy đập mạnh tay lên bàn thờ rồi chợt nhận ra thái độ hơi quá đáng ông vội chắp tay lạy lạy nhiều cái trước bàn thờ lâm râm khấn:
_Xin ông bà tha thứ cho con, con nóng quá, xin ơn trên phù hộ độ trì cho con cháu luôn sáng suốt để mọi việc trong nhà được yên ổn đề huề. Con xin cảm tạ.
Khấn xong ông cúi xuống nhìn Vân Sa mặt hầm hầm nhếch miệng cười nhạt rồi hất hàm hỏi:
_Mày vừa nói tao phải chờ phải khất à? Chờ ai? Chờ thằng Hải chắc? Cái thằng bị loại ngay từ đầu không được phép thi vì phạm quy đi trễ hả?
Sa bật ngửa người nhìn cha trân trối, người run lập cập mồ hôi tươm ra lấm tấm trên vầng trán, hai cánh mũi nhỏ xinh cứ phập phồng, hàm răng trên cắn chặt lên vành môi thắm một lúc sau nàng mới bật lên những tiếng nghẹn ngào:
_Có thật thế không bố hay bố nghe lầm, ai đó phao tin đồn nhảm hãm hại anh ấy?
_Bà cô nó lên đình thắp nhang tạ tội mới hồi trưa đó. Bây giờ cả làng biết rồi chỉ có mày u mê nên chưa biết thôi!
Vân Sa vùng chạy ra khỏi phòng. Ông Mạc gầm lên:
_Đi đâu đó?
Sa không trả lời cắm đầu chạy bổ ra ngoài ngõ nhưng khựng lại vì cửa đã bị chốt. Ông Mạc chạy theo sau doạ:
_Mày không thể đi đâu được từ đây cho tới ngày cưới. Đứa nào tòng phạm dám qua mặt tao, giúp mày gặp thằng Hải, tao sẽ không tha!
Nhìn vẻ mặt cha, thái độ len lét của dì, xung quanh vườn tược đều khép kín im lìm tuyệt không thấy bóng anh Bôn đâu, Sa chết lặng. Như vậy là không thể gặp Hải? Không hy vọng gì được làm vợ Hải rồi ư? Không! Mình đã lường trước điều này, đã chuẩn bị tính toán cả rồi mà!. Kể cả việc xấu nhất là mình phải lấy ai đó, tội nghiệp anh ấy quá! Mà cũng ức thật! Sao anh lại phạm vào tội dễ tránh dễ nhận ra như vậy chứ? Một sơ xuất khó chấp nhận! Nhưng với tình thương yêu Sa không có thì giờ để trách Hải thêm. Nàng lủi thủi trở về phòng chốt cửa lại rồi gieo mình xuống giường ấm ức khóc. Trong nỗi bàng hoàng nàng nghe tiếng đứa em trai gọi nàng ra ăn cơm nhưng không buồn đáp trả. Nàng nhìn trừng trừng lên trần nhà, đầu óc quay cuồng với biết bao suy tính. Phải đến nhà Hải bằng bất cứ giá nào. Mình phải trốn thoát cùng anh ấy trước khi mọi người kịp phát giác và có thể sẽ bị buông sông. Mình không đời nào để bị xử như chị Lạc và Thu. Muốn vậy phải âm thầm nhẫn nhịn diễn trò thật giỏi để không ai nghi ngờ. Nàng luồn tay dưới gối mò mẫm.Tay chạm vào túi nữ trang và tiền lộ phí đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc trốn chạy. Tuy có bàng hoàng đau đớn nhưng quyết không suy sụp. Có lẽ ước muốn đến với Hải quá mãnh liệt khiến nàng thấy mình bình tĩnh để lường trước mọi việc rủi ro nhất sẽ đến với cả hai, sẵn sàng tính đến những phương cách thật táo bạo nếu cần tất phải liều! Thật ra tính đi tính lại không còn gì để mất. Nếu không đến được với Hải, không được kết tóc trăm năm với chàng điều đó tương tự như một bản án tử hình, nếu cả hai không trốn thoát được điều đó có nghĩa là phải chịu gọt đầu buông sông, thế nhưng may trốn thoát được mình sẽ có Hải, sẽ hạnh phúc. Tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, mình không còn màng nữa! Đám cưới ư? Cứ làm! Mình không quan tâm. Đó không phải việc của mình! Vừa suy nghĩ vừa rút cái túi dưới gối mở ra lôi cái “ruột tượng” dài đã khâu thành nhiều ngăn ngắm nghía. Nàng đã chuẩn bị sắp sẵn tiền, nữ trang giấu đâu vào đó. Mong ước Hải thi đỗ để việc xin chung sống với chàng thuận lợi dễ dàng hơn nhưng điều đó đã không xảy ra.
Nghĩ tới đây nàng đứng vụt dậy định lẻn ra ngoài tìm Hải nhưng lại ngồi phịch xuống vì biết chắc lúc này khó lòng đi được, có đi cũng bị theo dõi phát hiện điều đó sẽ gây khó khăn cho kế hoạch sau này. Ngồi bó gối mắt đăm đăm nhìn xuống nền nhà lâu lâu Sa chép miệng thở ngắn thở dài, lòng nóng như lửa đốt. Không biết bây giờ Hải ra sao? Chắc hẳn đang buồn thúi ruột. Phải chi mình được ở bên chàng để an ủi chia sẻ, nỗi buồn thất vọng sẽ được chia đôi nhẹ đi, mình sẽ nói rõ dự tính của mình để chàng hy vọng yên tâm chờ đợi. Thật ra hôm tiễn chàng đi thi mình đã nói rõ rồi. Chàng là người thông minh nhạy cảm lẽ nào không hiểu, mình không đến được với chàng lúc này vì bị cấm chứ lòng nào muốn thế?
+++
Hôm nay cái quán nước chè ở đầu làng Dâu bỗng nhộn nhịp rôm rả hơn ngày thường.
Cô chủ quán rót nước liền tay, khay lạc đầy ụ mới mang ra khi sớm chưa được nửa canh giờ đã vơi gần hết. Ai ai cũng cười cười nói nói, người này chưa nói hết câu kẻ khác đã chen vào cứ thế câu chuyện nổ như bắp rang.
Bà Huệ ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng nhấp nhẹ tí nước trà. Bà kéo cái khăn che mặt nép mình trong một góc lặng lẽ nghe mọi người bàn tán. Càng nghe họ nói, lòng bà càng như muối xát. Ngồi chật trong quán khong đủ, người ta kéo nhau chồm hổm tụm năm tụm ba bên ngoài. Một bà chỉ cái gánh trống trơn của mình nói:
_Đấy hôm nay rằm tôi bán rồi nghỉ đến ngày cưới con gái ông Mạc luôn. Hoa của tôi đã được đặt trước. Rồi bà chép miệng:
_Tôi mà biết được như thế này tôi không trồng rau đâu, để mấy liếp đất đó trồng hoa bây giờ bán cũng còn thiếu nữa!
_Vậy à? Thế đám cưới làm gì mà nhiều hoa thế hả bà?
_Thì nghe nói dự định đưa mấy cái thuyền hoa ra giữa sông để đón đàng trai mà!
_Giời! Đúng là đám cưới con nhà quan có khác. Mà cũng phải, cô Sa tiểu thư đài các sánh duyên với quan ngự y trong triều cũng xứng thôi! Lần này làng Dâu ta kết xui gia với làng Y được rồi đấy nhỉ? Tôi thấy cô ấy mấy lần. Phải nói là “quốc sắc thiên hương” đấy! Cho nên hay chữ đẹp giai như cống Hải nhưng không đỗ trạng thì cũng hụt lấy!
_Ủa sao lại có liên quan đến cống Hải? Cống Hải bị hụt thi kỳ này kỳ sau thi có sao đâu?
_Ờ thì trong làng này chỉ có cống Hải là tài hoa, xứng đôi với cô Vân Sa thôi nhưng ai dè cổ lại không chịu làm dâu làng này!
Người đàn ông nãy giờ ngồi nhai kẹo không nói gì chợt xen vào:
_Nói đúng ra chú rể làng Y không phải là quan, bố cậu ấy mới có chức phẩm đàng hoàng. Quan ngự y là người được triều đình tín nhiệm lắm nên ông tuy có gia trang lớn ở làng mà đành phải để cho con trai cả trông coi lâu lâu mới ghé về chừng dăm ngày rồi lại đi. Khi nghe ông đột tử cùng với con trai cả trong tai nạn xe ngựa bị lật, các vương tôn công tử trong triều vô cùng tiếc nuối. Rồi nghe đâu bà em gái Hoàng phi, phu nhân của quan thượng thư lâm bệnh không ai chữa được, triều đình cho người về làng vời người em của quan ngự y nhưng ông này bận đi Vân Nam lấy thuốc chưa về, tình cờ cậu con trai út của quan lúc đó về thăm mẹ ở làng đã thân chinh vào chẩn bệnh cho phu nhân. Em gái hoàng phi qua cơn nguy kịch từ đó anh ta được trọng dụng ra vào tự do như người trong hoàng tộc. Nếu lần này không xin về quê nối nghiệp tổ tông chăm sóc mẹ già chắc chắn thế nào anh ta cũng lên chức chánh phẩm ngự y thôi! Không những giỏi về y thuật mà anh ta còn giỏi võ thuật nữa đấy!
_Ủa sao bác biết rõ vậy?
_Thì tôi người cùng làng với chị dâu của chú rể tương lai mà!
_À ra thế! Không phải quan chỉ là con quan. Dù chẳng lên làm quan thì cũng thế thôi các bác nhỉ? Thế thì nhất cô Vân Sa làng này rồi!
Vô Biên Vô Biên - Nguyễn Minh Trân Vô Biên