There is a wonder in reading Braille that the sighted will never know: to touch words and have them touch you back.

Jim Fiebig

 
 
 
 
 
Tác giả: Graham Green
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Hà Hùng
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1302 / 27
Cập nhật: 2017-12-18 08:35:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
gồi trước hàng hiên lộng kiếng, người đàn bà không còn trẻ nữa đang vá tất: bà mang kính và đã bỏ giày ra cho thoải mái. Anh bà, ông Lehr, đọc tờ báo in ở New York ba tuần trước; nhưng ngày tháng không quan trọng. Mọi thứ đều yên tĩnh: hình ảnh của bình an.
• Khi nào cha muốn uống nước, cô Lehr nói, xin cha cứ tự nhiên. »
Một cái bình đất nung to tướng đặt trong góc mát,một cái ly.
• Ở đây có phải uống nước nấu chín không? linh mục hỏi.
• Dạ không, ở đây nước mát và tinh khiết, cô Lerh trả lời.
• Nước tốt nhất tỉnh đó, anh bà nói thêm.
Tiếng giở trang báo nghe sột soạt. Trong tờ báo,có hình các nghị sĩ, dân biểu. Ngoài hàng rào trải dài mênh mông những đồng cỏ, uể oải chập chờn đến tận chân núi; gần hàng rào cây hoa tulíp đang trổ bông.
• Cha đã khá hơn nhiều rồi đó, cô Lehr nói.
Bà và anh bà nói tiếng Anh pha nhẹ giọng Mỹ. Ông Lehr đã rời nước Đức khi còn rất trẻ để tránh nghĩa vụ quân sự; khuôn mặt ông là khuôn mặt thông minh của người có định kiến và nhiều vết nhăn. Trong xứ nầy, cần phải khéo léo nếu mình là người có lý tưởng nào đó; ông đã dùng tất cả sự khôn ngoan của mình để bảo vệ một cuộc sống nhân đức.
• Cha chỉ cần nghĩ vài ngày thôi, ông Lehr nói.
Ông ta không tỏ ra ngạc nhiên về việc ba ngày trước, người quản gia mang vị linh mục về trên lưng lừa trong tình trạng hầu như kiệt quệ. Chỉ nghe những gì vị linh mục kể lại; ông lại biết thêm một điều mà cái xứ nầy dạy cho ông…không bao giờ đặt câu hỏi hay giả thuyết….
• Chắc tôi sẽ sớm tiếp tục lên đường,linh mục nói.
• Cha không cần vội, cô Lehr nói, tay lần tìm những chổ rách trên đôi tất của ông anh.
• Ở đây thật yên bình.
• Chúng tôi cũng có những lo lắng của mình, cô Lehr nói.
Ông anh lật một trang báo và nói:
• Cái ông nghị sĩ Hiram Long nầy, phải bắt hắn ta câm mồm. Chưởi bới các nước khác có ích gì đâu.
• Họ không tìm cách tịch thu đất đai của ông chứ?
Ông anh quay lại: « Tôi đã cho họ những gì họ yêu cầu: năm trăm mẫu đất khô cằn. Cái đó giúp tôi khỏi phải đóng một số tiền thuế lớn. Tôi không trồng trọt gì ở đó được. » Ông hất hàm về phía mấy cột hiên:
• Cái đó xảy ra hồi biến loạn gần đây. Ông có thấy mấy vết đạn đó không? Phe Villa. »
Linh mục đứng đậy đi uống nước; ngài không khát lắm, nhưng muốn tận hưởng cái xa xỉ của nơi ngài đang sống.
• Từ đây đi Las Casas mất bao lâu?
• Bốn ngày, ông Lehr trả lời.
• Không, trong tình trạng mệt mỏi như thế nầy, cha phải mất sáu ngày, cô Lehr nói.
• Thật kỳ lạ, linh mục nói. Thành phố có nhà thờ, trường đại học…
• Dĩ nhiên rồi, ông Lehr nói, tôi và em tôi, chúng tôi là người tin lành, chúng tôi không ưa giáo hội của cha. Giáo hội giàu có quá, còn người nghèo thì chết đói.
• Anh ơi, đó có phải là lỗi của cha đâu.
• Giàu có? Linh mục nói. Ngài ngồi gần bình nước, và tay cầm ly, ngài cố gắng tập trung ý tưởng. Hai mắt ngài say sưa ngắm những đồng cỏ trải dài hút mắt.” Ý ông muốn nói...? Có lẽ ông Lehr có lý. Ngài xưa ngài đã sống trong lười biếng và bây giờ đây, ngài cũng sẽ sẵn sàng lặp lại cuộc sống dễ dãi đó.
• Tất cả vàng trong nhà thờ..
• Đó chỉ là đồ mạ, anh biết mà.Linh mục thì thào giọng muốn làm hoà. Ngài nghĩ:” Vâng, vâng, từ ba ngày nay, mình không làm gì hết.” và ngài nhìn xuống hai chân đang xỏ trong đôi giày xinh xắn của ông Lehr, chiếc quần dài cũng của ông Lehr.
Ông nầy nói với cô em:
• Ông cha không phật ý vì anh nói những gì anh nghĩ. Chúng ta đều là ki tô hữu mà.
• Dĩ nhiên. Tôi thích nghe….
• Tôi nghĩ là những đồng đạo với cha quá xem trọng những chi tiết không quan trọng.
• Vậy sao? ví dụ như..
• Như việc ăn chay,kiêng thịt ngày thứ sáu… »
Vâng,ngài nhớ lại ngày xưa ngài đã tuân giữ những luật nầy. Xưa rồi,như là ký ức thời con trẻ.
« Tóm lại, ông Lehr nầy, ông là người Đức. Nước ông là một nước nổi tiếng về quân sự.
• Tôi chưa bao giờ đi lính. Tôi không đồng tình….
• Vâng, vâng, đúng thế.Nhưng ít nhất ông cũng hiểu hơn ai hết sự cần thiết của kỷ luật. Có thể cách hành xử tạo nên tính cách. Không kỷ luật, sẽ sinh ra những người, những người…như tôi. »
Ngài nhìn xuống đôi giày và tự nhiên nổi giận, đó là dấu chỉ của việc đào nhiệm.
• Những người như tôi đây » ngài giận dữ lập lại.
Một chút bối rối. Cô Lehr cố gắng nói cái gì đó:
• Xin cha…. »
Nhưng ông Lehr mau lẹ hơn. Ông đặt tờ báo với đòan lũ dân biểu nghị sĩ xuống và tuyên bố với cái giọng Anh pha Mỹ:
• Tôi nghĩ là đến lúc đi tắm rồi. Cha có đi không?
Và linh mục ngoan ngoãn đi theo ông vào phòng. Ngài cởi áo quần mượn của ông Lehr, mặc áo mưa của ông Lehr và đi chân không theo ông đi qua hàng hiên ra đồng cỏ.Hôm qua, ngài đã ngập ngừng hỏi ông Lehr: « Không có rắn à? » Và ông Lehr đáp lại giọng khinh bỉ rằng nếu có rắn thì chúng cũng chạy biến. Ông Lehr và cô em đã tìm cách cho ngài quên đi cái thực tại đang vây quanh họ bằng cách lờ đi những gì không phù hợp với nếp sống của một gia đình Đức-Mỹ. Cuối cùng đó cũng là một cách thu xếp tuyệt vời.
Dưới đồng cỏ,một con suối nhỏ không sâu chảy trên nền đá cuội xám. Ông Lehr cởi áo và nằm ngữa; cả hai cái chân già, nhỏ xương xẩu cũng là dấu chỉ của sự ngay thẳng và lý tưởng.Những con cá nhỏ đùa giỡn trên ngực ông,cắn nuốm vú của ông. Đó là bộ xương của người thanh niên ngày xưa đã lên án nghĩa vụ quân sự đến nỗi phải trốn khỏi quê hương..Một lúc sau, ông ngồi lên và cẩn thận xoa xà phòng hai chân.Linh mục cũng cầm xà phòng và làm như ông ta. Ngài làm cái cử chỉ người ta mong muốn ngài làm dù cho ngài nghĩ rằng việc nầy chỉ mất thời gian. Mồ hôi cũng rửa sạch như xà phòng.Nhưng ở đây: những người nầy thuộc giống dân đã sản sinh ra câu nói: sạch sẽ là chị của thánh thiện (sạch sẽ chứ không phải là trinh khiết).
Người ta cảm thấy thoải mái khi nằm dài trong làn nước lạnh nầy, lúc mặt trời chìm xuống phía chân trời…Ngài nhớ đến xà lim trong tù, ông già và người đàn bà đạo đức, đến tên tạp chủng nằm chắn ngang lối ra vào căn lều, đến xác thằng bé, khu trại chuối, ngài xấu hổ nhớ đến con gái ngài đã bỏ mặc lại gần đống rác. Ngài không có quyền thụ hưởng thú vui nầy.
- Cha cho xin cục xà phòng, ông Lehr nói. Ông nằm sấp và xát mạnh lên lưng.
- Tôi nghĩ là, linh mục nói, tôi phải báo cho ông: ngày mai, tôi sẽ dâng lễ trong làng. Ông có muốn tôi rời khỏi nhà ông không? Tôi không muốn ông bị liên luỵ. »
Không từ bỏ cái vẻ nghiêm túc, ông Lehr làm tung toé một đám bọt nước.
• Ồ,không, họ không làm khó tôi đâu.Nhưng cha cần cẩn thận. Cha biết như thế là phạm luật.
• Vâng tôi biết.
• Có vị linh mục kia đã phải đóng phạt bốn pêsô. Và vì ngài không có tiền, ngài đã bị giam một tuần. Tại sao cha cười?
• Không, không. Ở đây yên bình quá. Một tuần tù giam!
• Nhưng tôi nghe là bên công giáo, các cha quyên góp mà. Cha muốn dùng xà phòng không?
• Không, cảm ơn.Tôi xong rồi.
• Thôi mình về thôi. Cô Lehr muốn tắm trước khi mặt trời lặn.
Khi họ về đến nhà,họ gặp cô Lehr đi ra trong bộ đồ xùng xình. Cô hỏi cách máy móc:
• Hôm nay nước có mát không? Rồi ông anh trả lời như ông đã trả lời cả ngàn lần:
• Tuyệt vời,em ạ.
Rồi cô Lehr đi ra đồng cỏ: cô hơi cúi đầu về phía trước vì cận thị.
• Nếu cha muốn, ông Lehr vừa nói vừa đóng cửa phòng, xin cha ở trong nầy một lúc cho đến khi cô Lehr quay về. Cha biết không, từ đây, mình thấy con suối.
Cao, gầy,hơi cứng, ông mặc lại áo quần. Hai cái giường bằng đồng, một cái ghế duy nhất, một cái tủ,nhưng không có thánh giá- không có cái mà ông Lehr có thể nói là « những chi tiết không quan trọng », có một quyển Kinh Thánh. Cuốn Kinh Thánh đặt dưới sàn nhà, gần giường, bọc vải dầu đen. Khi đã mặc đồ xong, linh mục mở sách.
Trên trang trong,một cái nhãn cho biết cuốn Kinh Thánh nầy do nhà Gideon cung cấp. Bảng quảng cáo ghi: « Một cuốn Kinh Thánh trong mỗi phòng khách sạn. Mang về cho Chúa những thương gia. Tin mừng. »
Sau đó là danh sách các bài đọc,linh mục ngạc nhiên đọc:
• Nếu bạn đang bối rối, hãy đọc Thánh vịnh XXXIV.
• Nếu công việc không xuôi thuận, hãy đọc Thánh vịnh XXXVII.
• Nếu buôn bán phát đạt, hãy đọc thư thứ nhất gởi Cô rin tô, X, 2.
• Nếu bạn phạm tội hay tái phạm, hãy đọc thư Gia cô bê, I, Tiên tri Ô sê, XIV câu 4-9.
• Nếu bạn mệt mỏi vì tội, hãy đọc Thánh vịnh L1, Luca đoạn XVIII, 9-14.
• Nếu bạn muốn được bình an, quyền lực và sung túc,hãy đọc Gioan XIV
• Nếu bạn cảm thấy cô đơn và thất vọng, hãy đọc các Thánh vịnh XXIII và XXVII.
• Nếu bạn mất niềm tin vào con người, hãy đọc I, Cô rin tô, XIII.
• Nếu bạn muốn ngủ yên giấc, hãy đọcThánh Vịnh CXXI.
Ngài ngạc nhiên vì kỷ thuật in quyển sách rất xấu, chú giải quá đơn giản, lại có ở đây,trong vùng Nam Mê xi cô nầy. Ông Lehr, tay cầm cái lược to tướng quay ra khỏi gương để nhìn ngài, rồi nói:
« Trước đây em tôi có một khách sạn dành cho thương nhân. Sau khi vợ tôi mất, cô ta bán đi rồi đến ở với tôi. Cô ta mang những quyển Kinh Thánh của khách sạn theo. Đó là điều cha không hiểu được. Người công giáo không thích đọc Kinh Thánh. »
Khi đụng đến vấn đề đức tin, ngài luôn giữ thế thủ như thể ngài nhận thức được cái khó chịu giống như khi phải mang giày mới.
« Vợ anh chôn ở đây à? Linh mục hỏi.
• Vâng, trong cánh đồng.
Ông ta dừng lại lắng nghe, cái lược trên tay, tiếng bước chân nhẹ nhàng đi vào nhà.
• Cô Lehr về rồi đó. Mình đi ra được rồi.
Khi đến trước nhà thờ, vị linh mục nhảy xuống khỏi con ngựa già mượn của ông Lehr, cột cương vào hàng rào. Từ cái hôm ngài ngất xỉu bên tường, đây là lần đầu tiên ngài quay lại làng. Chung quanh ngài, trong ánh hoàng hôn, ngôi làng trải rộng: nhà mái tôn, chòi vách đất nằm đối diện nhau hai bên con đường rộng rãi duy nhất, hai bên cỏ mọc um tùm. Một vài nhà đã lên đèn và người ta mang lửa từ nhà nầy sang nhà khác trong những túp lều nghèo nhất. Linh mục đi chậm rãi, cảm giác bình an. Người dân làng đầu tiên gặp ngài cất mũ, quì gối và hôn tay ngài.
• Con tên gì? linh mục hỏi.
• Thưa cha Pedro.
• Chào Pedro.
• Thưa cha, ngày mai có lễ không?
• Có, mai có lễ.
Ngài đi qua trước trường làng. Ông giáo viên ngồi trên bậu cửa; anh nầy còn trẻ, mắt đen mang kính gọng đồi mồi. Khi thấy linh mục đến gần, anh ta quay mặt đi. Anh ta là thành phần thượng tôn luật pháp: anh không chào những tên tội phạm. Anh ta quay vào nói với ai đó với cái giọng thông thái rởm về những việc liên quan đến lớp đồng ấu. Một bà đến hôn tay ngài: ngài thấy ngạc nhiên vì người ta còn quý sự hiện diện của ngài, không xa lánh ngài như là mầm bệnh nguy hiểm.
• Thưa cha, cha có giải tội cho chúng con không?
• Có chứ, trong vựa lúa ông Lehr. Trước thánh lễ. Cha sẽ ở đó lúc năm giờ. Ngay khi trời sáng.
• Nhưng thưa cha,chúng con đông lắm…
• Vậy thì tối nay, lúc…tám giờ.
• Thưa cha, cũng có nhiều trẻ con cần được rửa tội. Từ ba năm nay, chúng con không có linh mục.
• Cha còn ở lại hai ngày.
• Thưa cha, cha cho giá bao nhiêu?
• Như thường lệ, hai pesô.
Ngài nghĩ: “ Mình phải thuê hai con lừa và một người dẫn đường. Như thế mình cần năm mươi pesô để đi đến Las Casas.” Thánh lễ năm đồng...còn thiếu bốn mươi lăm pesô..
• Thưa cha, ở đây chúng con nghèo lắm, bà nhẹ nhàng mặc cả. Bản thân con, con có bốn đứa con phải rửa tội. Tám pesô, nhiều quá.
• Bốn đứa à,nhiều đó, linh mục vặn lại. Cha kia mới đi có ba năm thôi!
Ngài nghe trong giọng nói của ngài cái cung bậc uy quyền của ngày xưa ngài thường dùng để nói với giáo dân...như thể những năm tháng vừa qua chỉ là một giấc mơ, như thể ngài chưa bao giờ rời xa các hội đoàn, con cái Đức Mẹ và thánh lễ hàng ngày.Ngài nói thêm giọng khô khốc:
• Có bao nhiêu trẻ trong làng chưa được rửa tội?
• Thưa cha,chừng một trăm em.
Ngài tính toán: như thế thì cũng không cần đến Las Casas như một tên ăn mày: ngài có thể mua được áo quần tươm tất, kiếm được chổ ở đàng hoàng,...
• Mỗi em trả cho cha một pesô rưỡi.
• Một pesô thôi cha.Chúng con nghèo mà.
• Một pesô rưỡi.
Một giọng nói vọng lại từ quá khứ xa xôi rót vào tai ngài: “ Họ chỉ quý cái gì họ phải mất nhiều tiền. “Chính cha xứ già mà ngài đã thay thế ở Conception đã khuyên ngài như thế:” Họ luôn luôn than nghèo với mình, rằng họ chết đói, nhưng bọn họ ai cũng dấu một hũ vàng đâu đó.”
“Đem trẻ đến thì mang tiền đến luôn, trong kho lúa ông Lehr, chiều mai,lúc hai giờ.
• Vâng, thưa cha.
Bà ta có vẻ hài lòng vì đã thuyết phục ngài giảm được năm mươi xu cho một em.Linh mục lại đi. “ Cứ cho là một trăm em, như thế với cả thánh lễ là một trăm sáu chục pesô. Thuê hai con lừa và người hướng đạo hết bốn mươi pesô. Ông Lehr sẽ cho mình lương thực sáu ngày đàng. Như thế mình còn một trăm hai chục pesô. “ Sau ngần đó năm khốn khó, một số tiền như thế là cả một gia tài. Ngài thấy như mình được kính trọng hơn suốt chặng đường đi. Đàn ông cất mũ chào ngài:có thể nói đã trở lại thời kỳ trước khi bách hại. Ngài thấy cuộc đời của mình trước đây, như một phiến đá đông cứng lại chung quanh ngài, bắt ngài phải ngửng cao đầu, đi đứng đúng cách và ngay cả trong lời nói:
• Thưa cha..”
Đó là người bán hàng ăn. Anh ta to con, cằm ba ngấn. Dù trời nóng,anh ta vẫn mặc áo gi lê lủng lẳng dây treo đồng hồ.
• Cái gì,linh mục hỏi.
Phía sau anh ta,những dải dài chai nước khoáng, bia, rượu mạnh..Linh mục từ bỏ con đường nắng nóng bụi bặm bước vào căn phòng mát mẻ.
• Anh muốn gì, ngài nói giọng uy quyền.
• Con nghĩ chắc là cha cần một ít rượu lễ.
• Chắc chắn rồi..nhưng anh có cho tôi nợ không?
• Cho linh mục nợ, Chúa ơi, con rất vinh hạnh. Con cũng là người đạo đức mà. Ở đây ai cũng đạo đức. Chắc cha sẽ rửa tội nhiều em.”
Anh ta hơi chồm về phía trước và nói với cái giọng vừa kính trọng vừa đểu giả như thể anh với ngài là hai người có cùng nền giáo dục và có chung ý nghĩ.
• Có lẽ…
Anh ta cười đồng lõa. Hình như anh ta muốn nói: giữa chúng ta với nhau, không cần giữ kẽ lắm đâu: chúng ta hiểu nhau mà.
• Hồi đó,anh ta nói,khi nhà thờ còn mở cửa, con là thủ qũy Hội Thánh Thể. Thưa cha, con là người công giáo tốt.Dĩ nhiên dân ở đây đa phần dốt nát. »
• Xin cha vui lòng dùng với con một ly cô nhắc, anh ta nói thêm. Anh ta thành thật theo kiểu của mình
Linh mục ngập ngừng: « Anh rất tốt...:
Rồi hai ly rượu đầy. Ngài nhớ lại lần cuối cùng ngài uống rượu, ngồi trên giường, trong bóng tối và khi ánh sáng loé lên,ngài đã thấy giọt cuối cùng ra đi...Kỷ niệm nầy, như bàn tay, bóc đi cái vẻ cứng cỏi của ngài. Mùi rượu làm ngài thấy khô miệng.Ngài nghĩ: « Mình là thằng hèn! Mình không có quyền ở đây, giữa những người nầy. » Ngài nhớ lại ông nha sĩ kể chuyện con cái với ngài, nhớ Maria đào chai rượu để dành cho ngài...linh mục nghiện ngập.Ngài uống cách bất đắc dĩ.
• Thưa cha, rượu ngon đấy, anh thanh niên nói.
• Vâng, rất ngon.
• Con có thể để cho cha mười hai chai,giá sáu mươi pesô.
• Nhưng tôi kiếm đâu ra sáu mươi pesô?
Ngài nghĩ, cách nào đó, thì ở bên kia biên giới vẫn tốt hơn. Sự sợ hãi và cái chết chưa phải là những điều tồi tệ nhất. Nhiều lúc, kéo dài kiếp sống là sai lầm.
• Con không ăn lời cha đâu.Năm mươi pesô thôi.
• Năm mươi hay sáu mươi: với tôi cũng như nhau.
• Vậy thì xin mời cha ly nữa, rượu ngon đấy.
Anh ta chồm tới, vẻ thân thiện.
• Sao cha không lấy nửa chục,hai mươi bốn pesô? rồi anh ta nói thêm: Cha sắp có tiền rửa tội mà.
Thật quá dễ quên và lại rơi vào tội lỗi; ngài đang nghe đâu đây ngoài đường giọng nói vùng Conception của mình, giọng nói chưa bị biến chất vì tội trọng, việc chạy trốn, không ăn năn.Sự hư hỏng của ngài quá sâu xa làm cho rượu có mùi chua loét.Dù Chúa có tha thứ cho tội hèn nhát và đam mê,liệu ngài có tha cho sự đạo đức máy móc bề ngoài không? Ngài nhớ lại người đàn bà trong tù,ngài đã không thể lay chuyển được cái tự mãn ngu xuẩn và ngài có cảm tưởng mình cũng giống như bà ta. Ngài nuốt rượu như nuốt sự hư mất của chính mình. Những người như tên tạp chủng còn hy vọng được cứu rỗi. Đấng Phục sinh có thể đánh vào trái tim tội lỗi như sét đánh,nhưng những buổi đọc kinh chiều, những buổi họp các hội đoàn, những cái hôn trên bàn tay mang găng…
« Thưa cha, Las Casas là thành phố tuyệt vời. Hình như ở đó ngày nào cũng có thánh lễ.
Lại thêm một người đạo đức. Có quá nhiều người đạo đức trên đời, anh nầy rót thêm cho ngài chút rượu-không nhiều- phải cẩn thận.
• Khi nào cha đến đó, xin cha gặp một đồng nghiệp của con. Nó ở đường Guadalupe. Quán nó ngay bên cạnh nhà thờ. Tay nầy được lắm.Thủ quỹ hội Thánh Thể...như con ở đây hồi xưa.Nó sẽ bán đúng giá cho cha những gì cha cần. Thôi thì, cha có muốn mang theo vài chai đi đường chứ?
Linh mục uống. Cần gì phải nhịn. Bây giờ ngài đã quen...cũng như ngài quen cầu nguyện, và với giọng cha sở.
• Ba chai. Mười một pesô. Anh giữ giùm tôi.
Ngài cạn ly và quay ra đường: đèn chiếu sáng qua khung cửa sổ, giữa hai dải nhà, con đường trải dài như đồng cỏ. Ngài loạng choạng bên một ổ gà, một bàn tay nắm lấy tay ngài.
• A,Pêdrô,cảm ơn con.
• Thưa cha, không có chi.
Giống như một tảng băng đã bị sức nóng làm tan chảy, ngôi thánh đường vươn lên trong màn đêm. Mái nhiều chổ đã bị hư hại; gần cửa ra vào, một góc tường tróc vữa. Linh mục nhìn trộm Pêdrô, nín thở để dấu mùi rượu,nhưng ngài có thể nhận ra khuôn mặt anh ta. Ngài nói với anh ta với sự giả dối như thể để đánh lừa cái sinh vật bần tiện bé nhỏ đang ẩn dấu trong lòng ngài:”Pêdrô, anh nói với dân làng là với mỗi em nhận bí tích rửa tội, tôi chỉ lấy một pesô thôi...” Với vụ rửa tội nầy,ngài còn đủ tiền đi đường, đến Las Casas ra sao mặc kệ. Một giây im lặng rồi tiếng người nông dân cất lên:
“ Thưa cha, chúng con nghèo lắm. Một pesô quá lớn. Như con đây, con có ba đứa. Thôi, xin cha bảy mươi lăm xu, được không cha?”
Cô Lehr thoải mái duỗi dài chân ra. Mấy con mối, tránh bóng tối bên ngoài bay tràn vào hàng hiên.
• Ngày nọ, ở Pittsburg...” cô nói.
Anh cô ngủ, một tờ báo đặt trên đầu gối: thư đã đến. Linh mục cười nhỏ,cái cười tự mãn, cái cười xã giao của ngày xưa. Cô Lehr ngừng nói, đánh mùi.
“ Lạ thật. Tôi nghe như có mùi rượu.”
Linh mục nín thở,ngồi lún xuống ghế bành. Ngài nghĩ: “ Thật thanh bình, thật an toàn.” Ngài liên tưởng đến những người thành phố không ngủ được ở nông thôn vì quá yên tĩnh: sự im lặng,cũng như tiếng động, đánh những cú dồn dập vào màng nhĩ.
• Tôi nói gì rồi, thưa cha?
• Ngày nọ, ở Píttsburg…
• À vâng, ngày đó ở Píttsburg…tôi đợi tàu và không có gì để đọc. Sách quá đắt. Khi đó, tôi chợt nảy ra ý định mua báo…báo gì cũng được. Tin tức thì khi nào cũng giống nhau, đúng không? Nhưng khi tôi mở tờ báo ra…Đó là cái tên như “ Những cô cảnh sát…Tôi chưa bao giờ tin người ta có thể in những cái bậy bạ như thế. Dĩ nhiên, tôi chỉ đọc một vài giòng.Tôi cho đó là điều tệ hại nhất mà tôi chưa từng gặp. Cái đó….nói sao nhỉ?... đã mở mắt tôi.
• Vậy sao?
• Tôi chưa bao giờ thuật lại chuyện đó với anh tôi. Anh tôi sẽ không còn kính trọng tôi nữa,nếu anh tôi biết. Tôi chắc chắn như thế.
• Nhưng cô có làm gì xấu đâu?
• Không, nhưng biết rằng….nguy hiểm….nguy hiểm, phải không?
Rất xa đâu đó,có tiếng chim hót; trên bàn, cây đèn phun khói. Cô Lehr quay người lại hạ tim đèn xuống: có thể nói đây là ánh đèn duy nhất trong bán kính một dặm. Mùi rượu cô nhác trào lên miệng ngài: cũng giống như mùi ê te làm người ta nhớ lại một lần phẫu thuật mới đây, trước khi anh ta hồi tỉnh hoàn toàn: cái đó làm ngài liên tưởng đến một lối sống khác. Ngài tự nhủ: Thời gian sẽ sắp đặt mọi việc; mình sẽ lội ngược dòng,lần nầy mình chỉ mới mua ba chai rượu. Đó sẽ là những chai cuối cùng. Qua bên kia,mình không cần uống nữa”.Ngài biết là ngài nói dối. Đột nhiên ông Lehr choàng tỉnh và nói:
• Như tôi vừa mới nói….
• Nhưng anh có nói gì đâu, anh ngủ mà.
• Ồ không. Tôi muốn nói đến cái tên Hoover khốn nạn đó.
• Tôi không tin, bạn ơi.
• Vậy thì, ông Lehr nói. “Ngày dài quá. Chắc cha mệt rồi…sau cái vụ xưng tội đó”, ông nói thêm vẻ không thích.
Từ tám giờ đến mười giờ, hàng người chờ xưng tội hầu như không dứt…Trong suốt hai giờ, ngài đã nghe những tội lỗi mà trong ngôi làng nhỏ bé nầy người ta đã có thể phạm trong ba năm qua. Tóm lại, cũng chẳng có gì nhiều: ở thành phố, chắc sẽ có nhiều chuyện hơn; nhưng ai biết? Mà con người có thật ít khả năng. Say rượu,ngoại tình, dâm dục. Vị rượu trong cổ họng,linh mục đã ngồi trong suốt thời gian đó trên chiếc ghế đặt trong chuồng ngựa, ngài tránh nhìn khuôn mặt người quì gối gần ngài. Những người chưa đến phiên đứng chờ ở ngăn bên cạnh. Chuồng ngựa ông Lehr mấy năm nay càng lúc càng trống…Ông chỉ còn một con ngựa già ho hen ốm yếu nằm thở trong bóng tối trong lúc những người kia xưng tội.
• Mấy lần?
• Dạ mười hai lần, có thể nhiều hơn. Và con ngựa thở ra.
Thật ra, một thứ tình cảm vô tội lạ kỳ kèm theo lời xưng tội... Chỉ duy nhất người cứng rắn, thận trọng và vị thánh thoát được suy nghĩ nầy. Những người đó ra khỏi chuồng ngựa, linh hồn trong sạch; chỉ có vị linh mục là người duy nhất không được hối cải, xưng thú và tha tội. Với một ông nào đó,ngài đã muốn nói:” Yêu không phải là tội, nhưng phải yêu cách quang minh chính đại và vui tươi. Chỉ có tội khi ta che dấu và cảm thấy đau khổ...cái đó làm ta đau khổ hơn mọi sự,nếu không nói là mất ơn Chúa. Chính ngài cũng mất Chúa. Con ơi, con không cần đền tội, con đau khổ như thế đã đủ rồi.” Và với người khác:” ước muốn xác thịt không phải là điều nguy hiểm nhất. Vì chính cái ham muốn nầy, một ngày nào đó, bất kỳ lúc nào đó, có thể trở thành tình yêu và chúng ta phải tránh xa: vì khi chúng ta yêu tội của mình, chúng ta bị kết án đời đời.” Nhưng thói quen toà giải tội đã trở lại với ngài. Ngài có cảm tưởng như đang ở trong toà giải tội, cái hòm người ta khâm liệm linh mục của mình cùng với tội lỗi của mình. Ngài nói: “Tội trọng...nguy hiểm.... kiên quyết chừa tội....” như thể những lời nầy có ý nghĩa gì đó.Ngài nói thêm:” Đọc ba kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng.”
Ngài mệt mỏi nói:” Say sưa chỉ là một khởi đầu…” và thấy mình không tìm được ví dụ nào để kết án cái tội tầm thường nầy, nếu không phải là gương xấu của chính mình và mùi cô nhác lan tỏa trong chuồng ngựa. Ngài nhanh nhẹn và máy móc giải tội. Có một người khi đi ra đã nói: “ Ông nầy là linh mục xấu” vì anh ta không thấy được an ủi cũng như thông cảm.
Ngài nói:” Luật lệ làm ra là để cho con người.Hội thánh không buộc….Nếu con không thể nhịn ăn, vậy thì, cứ ăn đi.”
Một bà già huyên thuyên bất tận, trong khi những người khác đang kiên nhẫn chờ, ở chuồng bên cạnh, con ngựa hí. Bà ta nói đến những lần ăn chay bị lỡ dở, kinh tối đọc ngắn lại. Đột nhiên, ký ức về sân nhà tù chợt hiện về trong ngài,khi các con tin sắp hàng trước vòi nước và tránh nhìn ngài….Ngài nhớ đến những khổ hình họ phải chịu, những người sống bên kia dải núi.Ngài ngắt lời bà ta:
• Tại sao bà không xưng tội cách nghiêm túc? Tôi đâu cần nghe chuyện cá mú của bà hay biết bà buồn ngủ lúc chiều tối…bà có nhớ tội của bà không…
• Nhưng thưa cha, con đâu có phạm tội,bà ta trả lời vẻ kinh ngạc và giọng rít lên.
• Vậy bà đến đây chiếm chổ người khác làm gì? Bà chỉ nghĩ đến mình thôi.
• Con yêu mến Chúa, thưa cha. Bà nói giọng tự mãn. Ngài kín đáo quan sát bà. Nhờ ánh sáng từ cây đèn đặt dưới đất,ngài thấy được đôi mắt không có chút lòng thương xót, đen như hai hạt nhãn, cái khăn choàng đen; lại thêm một người “đạo đức…như chính ngài.
• Con biết không, Yêu mến Chúa cũng giống như yêu một người…hay yêu một đứa bé. Là muốn ở với Ngài, gần ngài.” Hai tay ngài phác một cử chỉ tuyệt vọng: “Là muốn bảo vệ ngài chống lại chính bản thân chúng ta.”
Khi người cuối cùng đã ra đi, ngài băng qua sân về lại ngôi nhà. Từ xa, ngài đã thấy cô Lehr ngồi thêu gần ngọn đèn, ngài ngưởi thấy mùi hương ẩm ướt của đồng cỏ sau những cơn mưa đầu mùa. Ở đây,người ta đã có thể rất hạnh phúc nếu người ta không phải sợ sệt và đau khổ- Đau khổ, cũng như lòng mộ đạo có thể trở thành thói quen. Bổn phận của ngài là phá vở cái thói quen đó để khám phá sự bình an. Tất cả những người mới đến xưng tội với ngài đều đã nhận được ơn tha thứ làm ngài thấy ganh tỵ với họ vô cùng. “Sáu ngày nữa, ở Las Casas, mình cũng vậy…” nhưng ngài không thể tin là ai đó có thể vĩnh viễn cất được gánh nặng trong linh hồn ngài.Dù khi uống say, ngài thấy liên kết với tội của mình bằng tình yêu. Từ bỏ hận thù dễ hơn.
• Xin cha ngồi xuống, cô Lehr nói. Chắc cha mệt rồi. Tôi không bao giờ chấp nhận tòa giải tội, anh tôi cũng thế.
• Vậy sao?
• Đúng vậy. Tôi tự hỏi sao cha đủ kiên nhẫn ngồi nghe như thế….Tôi nhớ một lần ở Pittsburg…”
Từ hôm qua, người ta đã dắt tới hai con lừa để sau thánh lễ ngài có thể đi ngay. Đó sẽ là thánh lễ thứ hai ngài cử hành trong kho lúa nhà ông Lehr. Người dẫn đường ngủ đâu đó,không ai biết; chắc là với mấy con lừa, đó là một thanh niên gầy nhưng năng động, chưa bao giờ đi đến Las Casas; chỉ biết đường nhờ nghe nói. Cô Lehr đã hứa sẽ đánh thức ngài, cho dù ngài thường dậy rất sớm. Nằm dài trên giường,ngài nghe tiếng đồng hồ đổ trong phòng bên cạnh. Tiếng chuông ồn ào như tiếng chuông điện thoại. Lập tức, ngài nghe tiếng dép cô Lehr ngoài hành lang, rồi tiếng gõ cửa. Những cái đó không làm phiền ông Lehr, ông tiếp tục ngủ, nằm ngữa, gầy và thẳng như tượng một giám mục trên mộ phần.
Vị linh mục mặc nguyên quần áo để ngủ, ngài nhanh chóng ra mở cửa trước khi cô Lehr quay đi; dáng người nhỏ bé, đầu mang cái trùm tóc:
• Xin lỗi!
• Không sao đâu. Thánh lễ kéo dài bao lâu?
• Sẽ có nhiều người rước lễ. Có lẽ phải mất bốn mươi lăm phút.
• Tôi sẽ chuẩn bị cà phê và bánh kẹp cho cha.
• Xin cô đừng phiền.
• Ồ không, tôi không thể để cha ra đi bụng đói.
Cô theo sau ngài cho đến cửa chính, sợ người hay súc vật trong cái thế giới bao la và trống rỗng nầy nhìn thấy. Ánh sáng xám xịt phủ trên cánh đồng cỏ: bên hàng rào, cây tu líp nở hoa như mọi ngày; xa, rất xa, bên kia con suối mà ngài đã tắm,linh mục thấy đoàn người từ làng đi về phía vựa lúa của ông Lehr; từ khoảng cách nầy, họ quá nhỏ bé. Ngài cảm thấy bị bao bọc trong sự chờ đợi sự tôn vinh, hy vọng hạnh phúc mà ngài sẽ được dự phần, cái gì đó giống như một đám trẻ trong một rạp chiếu bóng, hay trước hay sau trận đấu bò. Ngàí ý thức được niềm vui ngài đã có thể cảm nhận nếu như ngài quên đi những kỉ niệm buồn bên kia dải núi. Ai cũng thích hoà bình hơn bạo lực và ai cũng muốn đi đến an bình.
• Cô quá tốt với tôi,cô Lehr ạ.
Lúc đầu,ngài ngạc nhiên vì không bị đối xử như tên tội phạm hay linh mục tội lỗi. Những người nầy là người lạc đạo: ngay cả ý nghĩ ngài là người có tội cũng không có trong đầu họ; họ không có cái tâm thức quy kết như người công giáo thường có với nhau.
• Thưa cha, chúng tôi rất vui khi đón tiếp cha. Nhưng khi đến Las Casas, cha sẽ vui lắm: đó là một thành phố lớn. Và rất lành mạnh. Nếu cha có gặp cha Quintana, xin cho tôi gởi lời thăm. Ngài đã ở đây ba năm trước.”
Có tiếng chuông.Dân làng đã tháo chuông nhà thờ và treo bên ngoài vựa lúa: giống như sáng chủ nhật. Cô Lehr nói:
• Có lúc tôi cũng muốn đi lễ.
• Tại sao không?
• Nhưng anh Lehr sẽ không bằng lòng. Anh ta không nhượng bộ đâu.Nhưng bây giờ thì ít có dịp. Tôi nghĩ chắc phải ba năm nữa mới lại có lễ.
• Tôi sẽ quay lại sớm hơn.
• Không, cô Lehr nói. Cha không trở lại đâu. Cuộc hành trình sẽ rất vất vả và Las Casas lại là thành phố đẹp. Ở đó có đèn đường: hai khách sạn. Cha Quintana đã hứa trở lại....nhưng ở đâu cũng có tín hữu, đúng không? Trở lại đây làm gì.
Một nhóm nhỏ người da đỏ đi qua hàng rào: đó là những sinh linh nhỏ bé từ thời đồ đá: đàn ông mặc áo choàng ngắn, tay chống gậy, đàn bà có những lọn tóc đen, mặt trẹt, nhăn nheo; họ gùi con trên lưng.
“ Mấy người da đỏ biết có cha ở đây, cô Lehr nói. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ phải đi bộ năm mươi dặm để gặp cha.”
Họ dừng lại cạnh hàng rào để nhìn ngài. Khi linh mục quay mặt về phía họ, họ quì gối xuống và làm dấu: cách làm dấu thật lạ, rắc rối, bao gồm cả trên mũi, trên lỗ tai và trên cằm.
“ Anh tôi thường nổi doá, cô Lehr nói, khi thấy ai đó quỳ gối trước linh mục..nhưng tôi thì tôi thấy không có gì sai cả.”
Sau góc nhà, mấy con lừa dậm chân lên đất. Chắc là người dẫn đường đã cho chúng ra để ăn bắp: những con vật nầy ăn chậm, phải cho chúng thời gian. Đã đến giờ dâng lễ và ra đi. Ngài hít cái khí trời thơm tho trong lành của buổi sáng, trời đất còn tươi mát và xanh, từ ngôi làng bên dưới vọng đến tiếng chó sủa. Trong tay cô Lehr, cái đồng hồ báo thức kêu tích tắc.
• Tôi phải đi thôi,ngài nói.
Ngài thấy rất khó khăn khi phải rời xa cô Lehr và căn nhà của cô, và ông anh còn ngủ trong phòng. Đối với họ,ngài cảm thấy yêu thương và tin tưởng. Thoát ra khỏi một cuộc giải phẫu nguy hiểm, người ta đánh giá rất cao khuôn mặt mà họ sẽ thấy đầu tiên, khi hiệu quả của thuốc mê tan đi.
Ngài không có áo lễ,nhưng ở trong làng nầy, thánh lễ cũng giống như ngày xưa ngài dâng trong giáo xứ của mình, không giống bất cứ thánh lễ nào ngài đã dâng trong suốt tám năm qua. Ngài không sợ phải ngưng giữa chừng, phải truyền phép nhanh trước khi cảnh sát đến.Lại còn có cả một tấm đá bàn thờ họ đã mang từ nhà thờ ( bị đóng cửa) đến. Nhưng chính vì tất cả cái an bình nầy, cái nhận thức về sự bất xứng của ngài lại tăng lên khi ngài sắp chịu lễ.
“ Xin cho việc đón nhận mình máu Chúa Yêsu,dù con bất xứng, sẽ không là án phạt đời đời cho con.”
Người nhân đức có thể không sợ hoả ngục: ngài thì mang hoả ngục trong tim. Nhiều khi,ban đêm ngài nằm mơ. Domine, non sum dignus...Domine,non sum dignus...Tội lỗi chảy trong máu ngài như bệnh sốt rét. Ngài nhớ lại một giấc mơ trong đó, chung quanh một hý trường rộng trồng cỏ, có đặt những tượng thánh; nhưng những tượng nầy là người sống; họ nhìn qua nhìn lại, như thể đang chờ đợi gì đó. Bản thân ngài cũng đang sợ hãi chờ đợi; những Phêrô Phaolô râu rậm, cuốn Kinh Thánh ấp vào ngực, đang canh chừng một cánh cửa mà không ai thấy. Người ta tưởng là một con vật hung tợn sắp xuất hiện. Cùng lúc đó, ngài đã nghe tiếng lục lạc, thanh la inh ỏi,rồi tiếng pháo nổ và Đức Kitô vừa nhảy múa tiến vào đấu trường: ngài nhảy nhót và tạo dáng,mặt trang điểm nhưng nhuốm máu; ngài nhảy chồm lên rồi ngã xuống, uốn éo, cười lả lơi và làm những động tác khêu gợi của gái điếm.Linh mục choàng tỉnh với cảm giác tuyệt vọng của một người chợt nhận ra rằng toàn bộ số tiền anh ta có là tiền giả. “…Và chúng ta đã thấy vinh quang của ngài, vinh quang của Con Một, đầy ân sủng và chân lý.” Thánh lễ chấm dứt.
“ Trong mười ngày nữa,mình sẽ ở Las Casas, ngài tự nhủ:mình sẽ đi xưng tội và sẽ được tha tội…” Rồi trong niềm xúc cảm, hình ảnh con bé bên đống rác đột ngột trở lại với ngài. Xưng tội có ích gì khi mình yêu mến hậu quả của tội?
Khi ngài bước ngang qua nhà kho,mọi người quì gối.Ngài thấy nhóm người da đỏ, những bà có con mới được ngài rửa tội, Pêdrô, anh bán quán đang quì ở đó, mặt dấu vào hai bàn tay có cầm tràng chuổi. Anh ta có vẻ là người tốt, có lẽ là người tốt thật: “ Có lẽ,linh mục nghĩ, mình đã mất khả năng phán đoán.” Có lẽ người đàn bà gặp trong tù tốt hơn mọi người chung quanh bà.Tiếng ngựa hý trong bình minh và cái mát lạnh của ban sáng ùa vào cửa.
Có hai người đợi ngài bên cạnh mấy con lừa: người dẫn đường đang cột yên cương và gần bên anh ta, tay gãi nách,tên tạp chủng nhìn ngài tiến đến, nở nụ cười ngập ngừng, gượng gạo. Nó giống như một cái nhói làm ta nhớ đến bệnh của mình hay như một kỷ niệm bất ngờ chứng minh rằng cuối cùng thì tình yêu chưa chết.
• Nầy,linh mục nói, tôi không chờ được gặp anh ở đây.
• Không, thưa cha chắc chắn là không...
Anh ta tiếp tục gãi nách và cười.
• Anh có mang cảnh sát theo không?
• Cha khi nào cũng cứng cỏi với con quá! Tên tạp chủng vừa chống chối vừa cười.
Phía sau nó,bên kia sân qua cánh cửa rộng mở,ngài thấy cô Lehr đang chuẩn bị bánh kẹp thịt cho ngài; cô đã ăn mặc đường hoàng, nhưng còn mang cái lưới bao tóc. Cô cẩn thận gói những cái bánh trong giấy sáp,và những động tác thư thái tạo nên cái cảm giác siêu tưởng kỳ dị. Chỉ có tên tạp chủng mới là sự thật.
• Vậy thì anh tính bày trò quỷ quyệt gì nữa đây?
Có thể nó đã lót tiền cho người dẫn đường để đưa ngài về lại bên kia biên giới. Ngài sẵn sàng chờ đợi bất cứ trò gian manh nào của tên nầy.
• Thưa cha, cha không nên nói như thế.
Cô Lehr biến mất khỏi tầm nhìn,không một tiếng động, như trong mơ.
• Vậy thì tại sao?
• Con đến ( nó hít một hơi thật sâu trước khi phun ra một loạt câu nói, con đến vì một việc bác ái.
Người dẫn đường đã đóng xong yên cương cho một con lừa và bắt đầu kiểm tra yên cương con thứ hai; linh mục cười kích động
• Việc bác ái sao?
• Thưa cha vâng. Cha là linh mục duy nhất ở đây và tên cướp thì đang hấp hối...
• Ai?
• Tên tướng cướp ngườì Mỹ.
• Anh nói ai?
• Tên người Mỹ mà cảnh sát đang truy lùng. Cái tên đã cướp nhà băng.Cha biết con nói đến ai mà.
• Anh ta không cần tôi,linh mục giận dữ nói, ngài nhớ lại tấm hình trên tường,tên cướp đang canh chừng đám tiệc rước lễ lần đầu.
• Nhưng thưa cha,nó là người công giáo ngoan đạo.
Nó tiếp tục gãi nách,không thèm nhìn linh mục.
• Nó đang hấp hối, tên tạp chủng nói tiếp, và cả cha cũng như con đều không muôn bị cắn rứt lương tâm vì nó...
• Hy vọng là chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nếu chúng ta không có nhiều hơn.
• Cha muốn nói gì?
• Nó chỉ lo cướp và giết,linh mục đáp. Nhưng nó không phản bội bạn bè.
• Mẹ Chúa ơi, con không bao giờ…
• Có đó,tôi cũng vậy,linh mục nói. Ngài quay lại nói với người dẫn đường: “ Lừa đã sẵn sàng chưa?
• Thưa cha xong rồi.
• Vậy thì đi thôi.
Ngài đã hoàn toàn quên cô Lehr: thế giới kia đã vuột khỏi tầm tay; ngài lại là người đi trốn.
• Cha đi đâu?tên tạp chủng hỏi.
• Đi Las Casas.
Ngài nhảy lên lừa.Tên tạp chủng cầm dây bàn đạp của ngài,làm ngài nhớ đến lần gặp đầu tiên.Ngài nghe lại những tiếng van nài, cầu khẩn và nguyền rủa.
• Cha là linh mục tốt quá! Nó càm ràm. Phải báo cho Đức Cha mới được. Làm sao...một người đang hấp hối, muốn xưng tội, và chỉ vì cha muốn đi dạo phố...
• Anh cầm tôi là tên ngốc chắc? linh mục giận dữ la lên.Tôi biết vì sao anh đến đây. Anh là người duy nhất biết mặt tôi; họ không thể theo đuổi tôi đến tận tỉnh nầy. Và bây giờ, nếu tôi hỏi anh tên cướp Mỹ ở đâu, anh sẽ nói - Ồ tôi biết, anh không cần nói- nó ở bên kia biên giới.
• Không, không, cha lầm rồi. Nó ở bên nầy.
• Một hay hai cây số không ăn thua gì cả. Không ai ở trong tỉnh nầy sẽ chống đối….
• Thật kinh khủng khi người ta không bao giờ chịu tin mình, tên tạp chủng nói. Đơn giản bởi vì có một lần…vâng, con nhớ…”
Linh mục thúc con lừa bước đi: Họ ra khỏi sân nhà ông Lehr đi về hướng Nam: Tên tạp chủng đi theo sát.
• Tôi nhớ,linh mục nói, anh đã nói với tôi là anh sẽ không quên mặt tôi.
• Đúng thế, tên tạp chủng la lên sung sướng, nếu không, con đã không đến đây, phải không? Cha nghe nầy. Con biết là cha có lý. Cha đâu biết là món tiền thưởng nó cám dỗ một tên nghèo kiết xác như con như thế nào. Còn cha thì bắt đầu nghi ngờ con.Lúc đó,con tự nhủ:” A, ông ta nghĩ như thế…rồi ông ta biết tay.” Nhưng con là người công giáo tốt,và khi có người đang hấp hối muốn gặp linh mục…”
Họ đi lên một triền dốc trong đồng cỏ của ông Lehr và hướng về ngọn đồi phía trước. Trời còn lạnh:lúc đó khoảng sáu giờ, trên độ cao một ngàn mét; trên kia, sẽ còn lạnh hơn.Họ còn phải leo lên hai ngàn mét nữa.
• Tại sao tôi lại để mình mắc bẫy anh? linh mục nói. Phi lý quá.
• Cha nhìn đây.
Tên tạp chủng đưa cho ngài một mảnh giấy; chữ viết như thể quá quen thuộc với ngài: chữ lớn như chữ trẻ con. Giấy nầy đã được dùng để gói thức ăn, dính nhiều vết mỡ. Ngài đọc:”Hoàng tử Đan Mạch tự nhủ có nên tự sát hay không, nên tiếp tục dằn vặt vì những nghi ngờ về vấn đề cha mình, hay, một phút thôi…”
• Thưa cha, không phải bên đó. Bên đó không có gì hết…”
• Linh mục lật mảnh giấy lại và đọc những giòng chữ tiếng Anh thô kệch viết bằng bút chì:” Vì Chúa, xin cha….”
Ngài quên đánh con lừa nên nó lại nặng nề, chậm chạp bước đi; ngài cũng không thôi thúc nó; mảnh giấy nầy là thực; ngài cảm thấy cái bẫy đang khép lại.
• Làm sao anh có được cái nầy, ngài hỏi.
• Dạ thưa cha, như thế nầy nầy. Con đi với cảnh sát, rồi họ bắn nó, trong một làng, bên kia biên giới.Nó đã cướp một đứa bé và ôm nó trước ngực, nhưng dĩ nhiên, cảnh sát không quan tâm. Đó chỉ là một trẻ con da đỏ. Họ đã bắn trúng cả hai,nhưng nó thoát được.
• Rồi sao nữa…?
• Như thế nầy nè, thưa cha.”
Nó hăng say nói.Nó kể là nó sợ viên trung uý. Ông ta nổi giận vì linh mục trốn thoát được, sợ đến nỗi nó nghĩ phải vượt biên giới. Cũng trong đêm đó, nó đã có cơ hội trốn thoát, và trên đường đi, có lẽ là phía bên nầy đường biên,nhưng ai biết tỉnh nầy chấm dứt ở đâu và tỉnh kia bắt đầu ở đâu? Nó đã gặp tên người Mỹ, một viên đạn ghim trong bụng...
• Và nó đã có thể trốn thóat...?
• Vâng, đó là một con người sức lực siêu phàm, thưa cha.Nó biết nó sắp chết, nó đã xin gặp linh mục...
• Nó đã nói với anh thế nào?
• Chỉ hai từ là đủ,thưa cha.
Rồi tên tạp chủng, để biện minh cho mình, kể rằng người kia đã thu hết tàn lực để viết thư nầy, thế mà bây giờ…Câu chuyện của tên tạp chủng thiếu đầu thiếu đuôi.Nhưng, còn giòng chữ nầy,nó như một bia đá sừng sững mà ngài không thể không thấy.
Tên tạp chủng lại nói:
• Cha không tin con,phải không?
• Vâng, tôi không tin anh.
• Cha cho rằng con nói láo?
• Hầu hết những gì anh nói đều giả dối.
Ngài dừng con lừa vài phút để suy nghĩ, mặt quay về hướng Nam. Ngài chắc chắn đây chỉ là cái bẫy- mà tên tạp chủng đã bày ra, có lẽ để lĩnh thưởng.Nhưng còn một sự kiện: tên người Mỹ đang hấp hối. Ngài nhớ lại kho chuối hoang vắng, chắc chắn ở đó đã xảy ra chuyện, đến cái xác đứa bé da đỏ nằm trong đống bắp; chắc chắn là có người đang cần ngài. Một người lương tâm đang trĩu nặng tội lỗi... Điều lạ lùng là ngài cảm thấy vui. Cái an bình mà ngài chưa bao giờ dám nghĩ tới. Khi còn ở bên kia, ngài thường nghĩ là chỉ có trong mơ. Ngài bắt đầu... huýt sáo một bài hát ngài đã nghe ngày xưa, không biết ở đâu:” Tôi đã tìm thấy một đoá hồng...” Đã đến lúc phải ra khỏi giấc ngủ.Giấc mơ không còn dễ chịu nữa...Ngài nghĩ đến phép giải tội ngài sẽ nhận ở Las Casas ở đó ngài phải xưng thú, ngoài những tội khác,còn có tội từ chối giúp người hấp hối đang trong tình trạng tội trọng.
• Tên người Mỹ còn sống không?
• Con nghĩ là còn,thưa cha, tên tạp chủng hấp tấp trả lời.
• Xa không?
• Năm hay sáu giờ đi bộ, thưa cha.
• Anh leo lên con lừa kia đi,hai người thay phiên nhau.
Linh mục quay lừa lại và gọi người dẫn đường. Anh ta nhảy xuống và ngẩn người nghe linh mục giải thích.
• Chú ý cái xách nầy: rượu của cha ở trong đó.
Họ chậm rãi quay lại nhà. Cô Lehr đứng bên hàng rào. Cô nói:
• Cha quên bánh kẹp rồi.
• Vậy sao.Cảm ơn cô.
Ngài nhìn quanh một vòng: với ngài, tất cả những cái nầy không có nghĩa gì cả.
• Ông Lehr còn ngủ à, ngài hỏi.
• Cha muốn tôi đánh thức anh ta dậy không?
• Không,không. Nhưng xin cảm ơn ông ta giùm tôi.
• Tôi sẽ nói. Và biết đâu vài năm nữa mình lại gặp nhau, như cha đã nói.
Cô nhìn tên tạp chủng mà không hiểu gì cả.
• Có thể,linh mục trả lời, rồi cười thầm.
• Vậy thì tạm biệt cha. Con nghĩ là cha phải đi rồi, phải không? Mặt trời đã lên cao rồi.
• Tạm biệt cô Lehr.
Tên tạp chủng cố gắng kìm con lừa.
• Cha đi hướng nầy nè,cô Lehr nói lớn.
• Tôi còn phải đi thăm một người,linh mục giải thích.
Lắc lư theo nhịp bước của con lừa,ngài đi về phía làng, theo sau là tên tạp chủng.Họ đi ngang trước ngôi thánh đường quét vôi trắng... đó cũng là một thị kiến trong mơ. Trong đời thực,không có nhà thờ. Con đường làng dài hai bên rải rác những căn nhà mở ra trước mắt họ. Trước cửa nhà, ông giáo viên vẫy tay chào kèm theo cái nhìn khinh bỉ.
• Vậy là ông ra đi với chiến lợi phẩm à?
Linh mục dừng lừa. Ngài nói với tên tạp chủng:
- Chết mất, tôi quên một việc...
• Mấy vụ rửa tội mang lại cho ông khá tiền nhỉ, ông giáo viên nói. Đợi vài năm cũng đáng.
• Đi thôi cha, tên tạp chủng nói, đừng nghe những gì anh ta nói. Đó là nguời không tốt.
• Anh biết rõ người ở đây hơn tôi,linh mục nói với ông giáo viên. Xin ông nói cho tôi biết: nếu tôi để lại cho ông một số tiền, ông có thể mua cho họ những thứ vô hại... ý tôi muốn nói là thực phẩm,mền chiếu...sách thì không?
• Họ cần thực phẩm hơn sách!...
• Tôi có bốn mươi hai pesô...
• Ơ, cha làm gì vậy...? tên tạp chủng rên rỉ.
• Tiền phi nghĩa phải không? Ông giáo viên hỏi.
• Chính xác.
• Dù sao tôi cũng cảm ơn ông. Thật vui khi thấy một cố đạo còn có lương tâm. Một bước nhảy vọt trong quá trình tiến hoá.
Dưới ánh mặt trời, hai tròng kính anh ta lấp lánh: đó là một gã đàn ông tròn trịa, đầy cay đắng, tự giam mình trong ngôi nhà lợp tôn.
Họ vượt qua những căn nhà cuối cùng, nghĩa địa và lại lên dốc.
• Nhưng tại sao, thưa cha,tại sao...? tên tạp chủng không ngừng phản đối.
• Anh ta không phải là người xấu. Anh ta làm cái gì anh ta có thể làm, và tôi sẽ không bao giờ cần tiền nữa, đúng không?
Họ im lặng đi một lúc lâu.mặt trời trở nên chói chang,mấy con lừa rướn dài cổ trèo lên những sườn dốc lởm chởm đá.
Linh mục huýt sáo:
• Tôi đã thấy một bông hoa hồng… » bài duy nhất ngài biết
Sau một lúc, tên tạp chủng lại cằn nhằn: « Thưa cha, khuyết điểm của cha là… » nhưng câu nói của anh ta dừng lại đó trước khi anh ta tìm ra cách để tự diễn đạt, vì thực ra, anh ta có gì phải phàn nàn đâu, và hành trình của họ tiếp tục không ngừng, hướng về phía bắc,phía ranh giới.
• Đói không?Linh mục hỏi.
Tên tạp chủng càu nhàu không thành tiếng.
• Ăn cái bánh đi,linh mục nói và mở gói quà của cô Lehr.
Vinh Quang Và Quyền Năng Vinh Quang Và Quyền Năng - Graham Green Vinh Quang Và Quyền Năng