Số lần đọc/download: 2250 / 39
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Chương 10
S
inh nhật của Hạ năm đó, không có Hằng. Cô đã đi với Hùng lên rừng. Cuộc đời đúng là đầy dẫy những chuyện bất ngờ. Và mọi thứ đều mong manh làm sao ấy!
Từ Đắc Nông, Hằng nhờ người đem thư về cho Hạ, kèm theo một chai mật ong và một nhánh phong lan nở hoa vàng chi chít.
Hạ thân yêu,
Vậy là tao lên đây đã hơn một tháng. Vẫn còn buồn lắm. Nhớ tụi bây kinh khủng nữa. Nhưng cũng có nhiều cái vui. Anh Hùng cho tao thoải mái, vui chơi là chính. Phòng tao ở nhìn ra một mặt hồ, nước xanh cắt, đẹp không thể tưởng tượng được. Nhất là mấy đêm có trăng vừa qua, mày biết không, tao chẳng thể nào ngủ được, vì trăng đẹp quá! Phải chi có mày, mày tha hồ mà tả tình tả cảnh, văn sĩ ba xu ạ. Trên các bức vách phòng tao, treo đầy hoa lan đủ loại. Anh Hùng cho tao nguyên bộ sưu tập của ảnh, rồi dắt tao đi tìm thêm. Tao lựa cho mày nhánh lan hoàng yến này là cái số một của tao đó. Loại này dễ chăm sóc, mày cứ treo trước cửa sổ phòng, mỗi sáng phun cho nó ít nước, rồi ngắm nó mà nhớ tao.
Anh Hùng còn dẫn tao đi săn đêm nữa. Cả một đám. Đi suốt đêm trong rừng, mỏi rục cả chân. Nhưng vui lắm. Ông đó là nhà thơ gì mà bắn số một. Lần nào đi cũng vác về mễnh, cheo, nấu cháo ngon ơi là ngon. Tao không biết làm sao chia cho tụi bây.
Tao vừa nhận phụ dạy xóa nạn mù chữ cho mấy ông thanh niên bụi đời đang cải tạo trên này. Có cả con gái nữa. Run quá trời. Kệ, dạy đại. Biết gì dạy nấy. Nghĩ cũng tội nghiệp cho họ. Mà họ đối xử với tao cũng đàng hoàng lắm, mở miệng ra là “thưa cô”. Ngượng thấy mồ.
Ờ quên, tao còn được uống rượu cần. Ngon lắm, mà say ngủ hết một ngày lận. Còn được coi đồng bào Êđê dạy voi và biểu diển cồng chiêng. Hay cực kì.
Ít dòng cho mày. Chúc mày một sinh nhật thật vui. Ráng giữ hòa khí giữa hai thằng bồ. Ráng học giỏi, thi đậu. Cho tao gởi lời thăm hai nhỏ Hân, Hoa.
HẰNG
T.B.: Mật ong của tao đảm bảo xịn 100%. Nếu mày vẫn mập mạnh thì nên cho nhỏ Hân bồi dưỡng để nó có sức học thi. Lần sau, tao sẽ gửi cho mày chai khác.
Ba đứa chuyền tay nhau lá thư, vừa đọc vừa ngậm ngùi. Mắt Hân chưa gì đã đỏ hoe. Thương Hằng quá Hằng ơi! Chắc mày vẫn đang khổ lắm, mà ráng làm bộ vui với tụi tao. Tụi tao biết làm gì được cho mày bây giờ? Mày bỏ đi bất ngờ, chỉ để lại mấy dòng. Mọi người đều sững sờ... Không ai ngờ mày lì như vậy. Muốn cản cũng không kịp. Nhưng nghĩ cho cùng, như thế cũng còn tốt hơn là... tụi tao phải mất hẳn mày.
Lúc đó vào khoảng năm giờ chiều của một ngày oi bức giữa tháng tư, ba đứa đang ngồi ở nhà Hạ, chuẩn bị tiếp đón bạn bè đến dự sinh nhật Hạ. Hạ làm khá gọn nhẹ: món ăn chính là bánh mì thịt nguội, ai ăn nấy tự phục vụ. Trái cây. Nước chanh. Một cái bánh sinh nhật thật dẹp.
Lá thư và món quà của Hằng đến đúng ngày và xem như chính cô là người khách đầu tiên. Hạ nhớ bạn quá. Từ ngày Hằng đi, cô buồn không thể tưởng được. Lớp học như trống vắng hẳn. Nhóm 4H cứ ngẩn ngơ như đám mất hồn. Nhưng rồi ngày thi càng lúc càng gần kề. Cả lớp lao vào học như điên. Chấm dứt mọi cuộc đi chơi. Chấm dứt tất cả những việc gì có thể xâm phạm đến khoảng thời gian một tháng ít ỏi còn lại. Nỗi nhớ Hằng tạm bị đẩy lùi vàọ một góc ký ức. Ba đứa còn lại ngoéo tay nhau: Thi xong sẽ cùng xin phép ba mẹ đi thăm Hằng.
Nhưng với Hạ, vẫn có một chuyện không thể chấm dứt. Tình cảm giữa cô và Long ngày càng ăn sâu. Hằng chỉ đùa vậy thôi, chứ lúc sau này, Thiện gần như đã rút lui hẳn. Cu cậu thay Hằng làm lớp trưởng, và vì cái mục tiêu y khoa quá lớn nên cu cậu học ngày học đêm đến phờ người.
Hạ và Long cũng quyết định là phải học tốt, hẹn sẽ cùng đậu điểm cao và vào được đại học. Nhưng họ vẫn dành được cho nhau những buổi đi chơi hiếm hoi và ngắn ngủi, thường chỉ là vào một quán kem, ngồi nói với nhau những điều vớ vẩn mà xưa nay những anh chị yêu nhau nhưng chưa dám thổ lộ vẫn thường phải nói. Niềm thương và nỗi nhớ vì vậy càng cao hơn. Những buổi tối ngồi học một mình trong phòng, nhớ Long, thỉnh thoảng Hạ lại dành ít phút giải lao để viết nhật ký.
... Giờ này L đang làm gì? Có giữ đúng chương trình với mình là tối nay tập trung học Anh văn không? Như vậy hai đứa sẽ cùng có cảm tưởng là đang học chung với nhau. Oh, why do I think of you so much? And how about you? Do you miss me the same as I do with you?
...
Hôm nay, L mới hớt tóc, coi ngố và con nít đến tức cười. Nhưng nhìn kĩ thì thấy dễ thương. Chỉ vì hôm qua mình lỡ phán một câu chê L sao lúc này để tóc dài quá, coi thấy ghê.
L chiều mình quá! Cho đến bao giờ? Sao mình cứ linh cảm một điều gì đó không may rồi sẽ xảy đến. Mình cầu mong dù gì đi nữa, mình và L vẫn sẽ là bạn bè. Bạn thân. Mà con trai con gái có thể là bạn thân với nhau thật lâu không nhỉ? Kể cả khi đã có chồng có vợ? Chắc không được quá!
...
Hôm nay, mẹ mình lại nói chuyện nhiều với mình. Cũng cái chuyện ấy, mình biết ba mẹ rất thương mình, muốn mình học giỏi, học cao, sau này có tương lai. Nhưng sao mẹ cứ nói đi nói lại chuyện không nên chơi với bạn trai khi còn đi học? Mẹ để ý đến L nhiều quá! Và có vẻ ác cảm nữa. Mẹ chẳng nghĩ gì đến những tính tốt của L, đến việc L học giỏi như thế nào. Có lẽ mình với L chỉ còn một cách: Hai đứa sẽ học hoài, cho đến khi nào L chứng tỏ được với mẹ về vị trí tương lai của mình. Đến chừng ấy...
...
Bỗng dưng sao mình thấy nhớ nhỏ Hằng quá! Thấy thương nó làm sao ấy. Tự nhiên mất hết mọi thứ. Hôm đi, nó viết thư để lại nói suýt chút nữa là đã tự tử, ngay cái đêm nó đi tìm má nó. Ông Hùng tốt thật, nhưng liệu đó đã là giải pháp tốt đẹp cho nhỏ Hằng? Mình vẫn tiếc cho việc học của nó quá!
Nhắc tới ông Hùng, mới thấy ông M tồi bại quá! Mặt ông ấy cứ tỉnh bơ như không, chẳng một lời nhắc đến nó. Đàn ông sao nhiều người hư quá! Không biết L sau này ra sao. Mình phải giao hẹn với L mới được. Lộn xộn là mình dẹp liền...
Cứ thế, những dòng nhật ký ngắn ngủi, hồn nhiên... cứ dài ra trên những trang giấy trắng, theo ngày tháng học thi của Hạ. Cho đến hôm nay là sinh nhật cô.
Thiện là người đầu tiên đến, sau Hân và Hạ đã đến từ buổi trưa. Rồi Vân, Cúc, Ngọc, Triệu... lục tục kéo tới. Những gói quà đủ màu sắc chất đầy trên mặt tủ.
Sắp đến giờ nhập tiệc, Hạ bồn chồn khi Long vẫn chưa đến. Kim đồng hồ lạnh lùng quay. Quá giờ năm phút, mười phút, mười lăm phút, hai mươi phút. Hải và Thanh là hai người cuối cùng đến trễ. Buổi sinh nhật chỉ còn chờ mỗi mình Long. Anh vẫn bặt tăm.
Hiểu được phần nào tâm sự của bạn, Hân va Hoa tìm cách câu giờ bằng trò hát hò trong khi chờ Long tới. Không ai nghĩ rằng Long có thể “xù” buổi sinh nhật của Hạ, vì vậy, sự không xuất hiện của Long càng làm cho mọi người ngấm ngầm âu lo. Thiện đi đến hỏi nhỏ Hạ:
- Để mình chạy tới nhà Long xem thử nghe Hạ?
Hạ khe khẽ gật đầu. Thiện nhanh nhẹn lấy xe ra đạp đi. Đúng lúc ấy thì mẹ Hạ vừa đi công việc ở đâu về. Thấy bạn bè của con kẻ đứng người ngồi đầy nhà mà những dĩa thức ăn vẫn còn nguyên vẹn, bà ngạc nhiên nói với Hạ:
- Ồ kìa, Hạ! Sao con chưa mời các bạn nhập tiệc đi? Còn đợi gì nữa?
Hạ đành tuyên bố bắt đầu buổi tiệc. Cả bọn ồn ào ăn uống trong khi Hạ nuốt không trôi một miếng nào. Cho đến khi Thiện về, một mình, và báo rằng Long đã ra khỏi nhà từ chiều, nói là đi dự sinh nhật một người bạn.
*
* *
Đúng là Long đã ra khỏi nhà từ chiều, trong túi có món quà nhỏ cho Hạ: một cây bút thật xinh xắn mà Long đã lang thang suốt cả buổi sáng Chủ nhật vừa qua mới chọn được. “Với cây bút này, Hạ sẽ thi đậu 1.001 cuộc thi sắp tới.”
Long nắn nót ghi như vậy vào một mảnh giấy nhỏ. Trên cây bút, Long còn cho khắc mấy chữ Hoàng Lê Thúy Hạ thật mảnh, dưới là ngày sinh nhật năm nay. Để mỗi lần cầm bút, Hạ sẽ nghĩ đến mình.
Vừa ra khỏi hẻm, Long chợt nghe tiếng gọi tên mình. Dừng xe quay lại nhìn, anh giật mình nhận ra bà Nga, mẹ của Hạ, đang thò đầu ra khỏi cửa một chiếc xe hơi, rối rít vẫy anh. Long bối rối dắt xe đến, gật đầu chào. Lần đầu tiên, Long thấy bà Nga cười với mình.
- Cháu Long, bác có chuyện muốn nói riêng với cháu. Bác cháu mình đi lại quán nước nào gần đây nhé. Một chút thôi.
Long vừa đạp theo chiếc xe chầm chậm lăn bánh phía trưđc, vừa băn khoăn không hiểu mẹ Hạ có việc gì muốn tìm mình trong chính buổi chiều nay. Anh linh cảm điều sắp xảy ra sẽ không tốt đẹp, và có liên quan đến anh và Hạ. Bởi nếu không, không khi nào mẹ Hạ lại đi tìm anh có tính chất riêng rẽ như thế này. Muốn gì, bà chỉ việc bảo Hạ gọi anh đến.
Họ vào một quán cà phê khá vắng vè gần đó. Bà Nga vào đề khá dễ dàng:
- Từ lâu, bác đã muốn nói chuyện với cháu về Hạ, nhưng cứ chần chừ mãi. Cũng khá tế nhị, nhưng không thể không nói. Theo bác biết, cháu và Hạ rất mến nhau. Bạn học cùng lớp, mến nhau là tốt. Nhưng nếu không giữ được cho nhau một giới hạn nào đó thì thật không hay...
Chàng trai mười tám tuổi tái mét mặt trước người đàn bà dư thừa kinh nghiệm trong những cuộc đấu tranh bằng ngôn từ, ngay từ phút đầu đã biết cách đưa đối phương vào thế bị động. Chính những trang nhật ký của Hạ - mà bà Nga đã lén vào phòng con lục soát và đọc trộm được - đã khiến bà không thể không ra tay. Biết rằng ngăn cản Hạ là vô ích, thậm chí có thể có tác dụng ngược, bà nghĩ mãi và cuối cùng quyết định tốt nhất là tấn công Long, làm cho cậu bé tự ái và tự động rút lui. Còn không, cũng phải cho cậu hiểu rằng sẽ không có một con đường nào để đến với Hạ. Đừng hòng, chú bé ạ. Gối rơm thì hãy theo phận gối rơm.
Bà Nga bình tĩnh tiếp:
- Bác nói ngay cho cháu biết điều này. Cỡ của cháu không thể có gì với con Hạ được đâu. Gia đình cháu và gia đình bác không cùng một hệ, cháu hiểu chứ? Nhà bác cả hai bên nội ngoại đều ba đời cách mạng nòi, còn nhà cháu diện H.O. đang chờ, không sống ở nước ngoài thì khó lòng làm được chuyện gì nên thân ở đất nước này. Bác nói thật, cháu đừng buồn, đó là vì hoàn cảnh lịch sử, không thay đổi được đâu.
Bà Nga vừa nói vừa dò xét nét mặt của Long. Chỉ mong thằng bé này là đứa biết tự ái. Những đứa con trai mới lớn, nhà nghèo, có tài, thường đều có lòng tự ái rất cao. Phải tiếp tục tấn công nó bằng đủ đòn phép, phải cho nó hiểu tới nơi tới chốn mới được. Thấy nét mặt Long đanh lại, hai bên thái dương giật nhẹ, bà biết những câu nói đầu tiên của mình đã có hiệu quả. Chỉ cần dấn thêm một chút nữa...
Bà thở dài sườn sượt:
- Gia đình bác đặt rất nhiều hi vọng vào Hạ. Nó đậu phổ thông xong, nhất định bác phải lo được cho nó đi học ở nước ngoài. Dính dáng vào những chuyện tình cảm quá sớm, thật không tốt cho tương lai của nó. Bác nói vậy, cháu hiểu chứ?
Long nghe tức nghẹn nơi lồng ngực. Như thể có một vật gì rất nặng đang đè lên tim anh. Bà Nga vẫn thản nhiên nhìn anh:
- Bác muốn mọi chuyện đều diễn ra thật êm thấm. Cháu đừng chơi với Hạ nữa. Rồi mai mốt cần gì thì cứ nói, bác sẽ giúp cho. Lý lịch của cháu rất khó đậu vào các đại học, nhưng bác nói thật bác vẫn có thể giúp cháu được. Thậm chí tốt nghiệp đại học rồi, muốn nhận công tác ở thành phố, bác sẽ lo cho.
Bà ấy đang ra giá cho mình - Long cay đắng nghĩ - Bà ấy nghĩ mình là thứ như thế nào? Rất dễ mua và dễ dụ. Hạ ơi, sao Hạ lại có một bà mẹ như vậy? Thật kinh khủng! Nhưng bà ấy có lý lẽ riêng đó chứ. Phải rồi, từ lâu mình đã hiểu là mình không nên yêu Hạ. Gia đình hai đứa quá khác nhau. Rồi sẽ chẳng đi đến đâu. Thế nhưng sao mình không thể tự kiềm chế được. Không thể không yêu Hạ. Còn Hạ nữa. Hạ đã làm gì khiến bà ấy phải đi gặp mình như vậy? Gặp và trả giá. Như đang đi chợ.Cần gì cứ nói, bác sẽ giúp cho. Thi đậu đại học. Nhận công tác ở thành phố. Mình cần quái gì sự tử tế ấy của bà! Cảm ơn! Cảm ơn! Cảm ơn!
Bà Nga quan sát rất kĩ những diễn biến trên nét mặt của Long:
- Cháu thấy thế nào?
Long chỉ nói được một câu, giọng nghèn nghẹn:
- Được rồi, bác cứ yên tâm.
Rồi Long đứng dậy, bước nhanh ra ngoài, leo lên xe đạp vụt đi. Cảm giác trong anh là một sự mất mát quá lớn. Sẽ không có gì nữa đâu. Không có gì nữa cả. Anh và Hạ. Sự khùng điên của tuổi trẻ. Đừng hòng hi vọng gì.Cỡ của cháu không thể có gì với con Hạ được đâu. Phải rồi. Rất đúng. Mày là con ngụy. Người ta là con nhà cách mạng.Không cùng một hệ. Sao mày không biết thân hả?
Long cứ chạy như điên trên khắp các ngã đường thành phố. Đã quá giờ sinh nhật của Hạ rồi, Long biết. Hạ đang trông chờ, Long biết. Nhưng... sẽ không có gì nữa đâu, Hạ ơi. Mọi cố gắng sẽ đều vô ích. Chia tay. Chia tay. Phải vậy thôi. Vậy còn dự sinh nhật làm gì nữa? Hãy quên Long đi, nhé Hạ. Quên hẳn đi. Không bạn bè gì nữa. Mỗi người một cuộc đời.Không cùng một hệ. Hạ sẽ bước vào một tương lai huy hoàng, với sự chăm sóc chu đáo của bà mẹ ấy. Còn Long, Long sẽ có phần đời của Long, ở lại đất nước này,sẽ khó lòng làm được chuyện gì nên thân. Đúng như vậy đó. Đừng ảo tưởng nghe chưa!
Long cứ đạp đều đều, mải miết. Trời đã chuyển qua tối hẳn tự lúc nào không hay. Mãi đến lúc mệt rã người trên dốc cầu Kiệu, anh mới dừng xe. Và bất chợt, Long rút món quà trong túi áo ra, vung tay ném thật mạnh vào khoảng không trước mặt. Gói giấy vẽ một đường sáng lượn cong trên không trước khi rơi mất hút xuống dòng kinh đen kịt. Long lặng người nhìn theo, thì thầm:
- Vĩnh biệt Hạ.
Không ai hiểu được thái độ của Long trong những ngày sau đó. Không một lời giải thích hoặc xin lỗi vì sao không đến dự sinh nhật Hạ. Ngay đêm hôm ấy, khi về nhà, Long đã thấy Thiện đang ngồi chờ sẵn, vẻ mặt đầy lo lắng. Chính Thiện, giữa buổi tiệc, đã dùng điện thoại nhà Hạ gọi đến các bệnh viện và những đơn vị công an giao thông, công an quận... để hỏi thăm xem Long có bị tai nạn hay không. Buổi sinh nhật cũng vì thế mà không vui chút nào. Dù Hạ cố giữ bình tĩnh, nhưng cũng không giấu được bạn bè sự lo âu của mình. Nhất định là Long phải bị một tai nạn nào rồi, chứ anh không thể nào bỏ cuộc họp mặt này.
Thiện là người chạy ra mở cổng cho Long:
- Kìa, Long đi đâu về vậy? Sao không đến nhà Hạ?
- Đến để làm gì? - Long hỏi.
Thiện tròn mắt:
- Hôm nay sinh nhật Hạ mà! Hồi chiều Long cũng nói với ở nhà là Long đi dự sinh nhật bạn mà!
Long nhún vai:
- Long có nhiều bạn ở ngoài lớp lắm. Đâu phải chỉ có mình Hạ sinh ngày này.
- Nhưng sao Long hứa với Hạ là Long sẽ đến?
- Long hứa hồi nào? Mà Long không đến thì đã sao? Long có là gì đâu!
Thiện ngao ngán bỏ về, điện thoại cho Hạ theo đúng lời hứa lúc tan tiệc. Chính bà Nga là người nhấc điện thoại.
- Alô, Hạ phải không?
- Ai đấy? Tôi là mẹ Hạ đây!
- Dạ, thưa bác, cháu là Thiện đây ạ. Xin bác cho cháu được gặp Hạ một chút.
- Được rồi. Thiện chờ tí nhé.
Bà Nga khẽ nhếch môi cười. Suốt buổi chiều nay, thỉnh thoảng đi ra đi vào, bà không thấy mặt Long trong bàn tiệc sinh nhật. Vậy là thắng lợi rồi. Nghĩ cũng tội, nhưng dứt khoát phải vậy thôi. Rồi mình sẽ lo cho nó vào đại học và tìm chỗ làm ở thành phố à? Còn lâu! Đã nói thứ gối rơm thì phải biết an phận. Có lo là lo cho cái thằng con ông phó giám đốc công an này nè. Nó học cũng giỏi mà lại muốn thi vào y khoa, trúng ngay ổ của mình. Con Hạ nói vậy thôi chứ tội tình gì phải đẩy nó đi học ở nước ngoài, con gái qua xứ người mười đứa hư hếtchín. Cho nó vào y luôn. Hai đứa học chung sáu, bảy năm...
Thiện vắn tắt cho Hạ biết là Long vẫn bình yên bận việc riêng đột xuất nên không đến được. Anh thấy bất nhẫn nên không dám nhắc lại những lời Long nói với anh cho Hạ nghe. Để sáng mai cậu ấy sẽ giải thích sao với Hạ thì cứ việc giải thích.
Thế nhưng Long chẳng giải thích gì cả, thậm chí còn làm ngơ, không nói chuyện với Hạ. Rồi bỏ qua ngồi bàn khác. Gần hết năm học, sơ đồ lớp chẳng còn ai tuân theo. Nhóm “Bốn Mùa” lại kéo nhau xuống cuối lớp. Hân và Hoa cũng ngồi lại một bàn. Hạ buồn và giận Long không thể tả, nhưng lòng tự ái khiến cô cũng làm mặt lạnh lùng, như chẳng quan tâm gì đến Long nữa. Hoa tức lắm, gặp Long là cự ngay:
- Ê, Long! Sao hôm qua không tới dự sinh nhật Hạ?
- Tôi kẹt.
- Kẹt, kẹt cái con khỉ! Đồ bất lịch sự! Bạn bè gì kì cục vậy?
- Tôi đâu dám làm bạn với ai.
Long quay lưng bỏ đi trước đôi mắt ngạc nhiên của Hoa. Chắc tên này học dữ quá bị “tin tin man man” rồi. Mới cách đây mấy hôm hắn đâu có như vậy. Thật không hiểu nổi!
Được hai ngày thì Hạ không dằn được nữa. Vả lại, theo thông tin cùa bạn bè, ở Long một sự thay đổi thật kì lạ, khó hiểu. Cứ lầm lầm lì lì suốt buổi học, chẳng nói chuyện với ai. Đến lớp đúng giờ, tan học là về ngay. Giờ ra chơi thì biến đâu mất tăm.
Giữa giờ sinh hoạt lớp sáng thứ bảy, Hạ nhờ chuyển đến Long một mảnh giấy nhỏ:
H cần gặp L để nói chuyện. Gấp. Sau giờ sinh hoạt, hoặc tại lớp, hay ở đâu thì tùy L.
Thật không ngờ Long đã viết trả lại:
Xin lỗi. L không thích nói chuyện với ai nữa cả.
Và hết giờ sinh hoạt, Long chính là người đầu tiên bước ra khỏi cửa lớp, biến mất. Hạ phải ngồi lại một lúc lâu mới hết cảm giác lảo đảo để đứng dậy ra về được. Cô không hiểu gì nữa cả. Sao bỗng dưng Long lại như vậy? Cô đã có lỗi gì?
Hạ đau khổ viết vào nhật ký:
…
Mình buồn quá, không muốn làm gì nữa, không muốn học gì nữa. Sao L lại có thể đối xử với mình như vậy? Con người ta có thể thay đổi 180 độ chớp nhoáng như vậy sao? Mình không tin. Chắc chắn phải có một lý do nào đó, nhưng sao L lại không chịu nói với mình? Hay L đã quyết định sẽ theo gia đình đi Mỹ? Trước đây, L nói sẽ ở lại Việt Nam kia mà. Ngay cả ba L cũng đang do dự nhiều về chuyện này... Mà đi Mỹ thì cứ đi, tại sao lại làm mặt xa lạ với mình? Đâu rồi những lời hứa bạn bè, những ánh mắt thân thiết? Sao vậy L? Sao L ác vậy?...
Những dòng chữ ấy, bà Nga vẫn tiếp tục đọc được. Hạ hoàn toàn không ngờ chìa khóa phòng riêng của cô, mẹ cũng có một chiếc. Quyển nhật ký cất sâu bên trong chiếc hộc bàn dưới cùng cũng không thoát khỏi mắt bà. Bà vừa mừng vừa lo khi hiểu những tâm sự mới của con. Vậy là Long đã rất triệt để. Tốt. Nhưng thái độ ấy có thể gây một phản ứng tiêu cực ở Hạ. Con bé mà không chịu học hành nữa thì gay quá! Bà Nga theo dõi Hạ rất sát. Cô ăn uống uể oải hẳn, ở nhà là cứ rúc lên phòng, trái với bình thường rất thích xuống sinh hoạt, trò chuyện vui vẻ với cả nhà ngoài những giờ học theo đúng quy định tự đặt ra. Không khéo lại có tác dụng ngược thì nguy. Phải làm sao cho con bé vui lên bây giờ? Không ngờ chuyện của chúng nó đã ăn sâu như vậy. May mà mình hay và can thiệp còn kịp.
Nỗi lo của bà Nga cũng chính là nỗi lo của Long. Long biết Hạ đang buồn lắm. Chính Long cũng đang đau khổ đến rệu rã cả tâm hồn. Anh cũng không thể làm gì được. Dùng hết nghị lực để ngồi vào bàn học, thì những con chữ cũng cứ nhảy múa trước mắt, nhòe đi, rồi gương mặt u buồn của Hạ lại hiện ra, với đôi mắt trĩu nặng nhìn anh. Đã mấy lần Long định gặp Hạ, kể lại hết những gì đã xảy ra. Và cũng không biết bao nhiêu lần, Long đã cầm bút viết những dòng thư trần tình với Hạ, nhưng rồi anh lại cắn chặt răng vò nát tờ giấy. Không. Chẳng có hi vọng gì cả. Chỉ càng làm khổ nhau. Vậy tốt nhất hãy tiếp tục chọn thái độ dứt khoát. Chỉ vài tháng nữa thôi. Hai đứa sẽ xa nhau và đường ai nấy đi. Rồi Hạ sẽ quên mình. Sẽ quên. Rất nhanh.
Nhưng nỗi buồn của Hạ, dù cố che giấu, cũng không qua được mắt Long. Trong lớp, đôi lúc lén nhìn, Long cứ thấy Hạ ngồi thừ người không để ý gì đến lời thầy giảng. Thậm chí có lần, cô giáo môn Sinh gọi đến tên Hạ, Hạ vẫn không hay, phải được Vân ngồi cạnh bên thúc tay mới giật mình đứng dậy. Long nhìn thấy mà lòng đau như muối xát. Phải làm sao? Làm sao cho Hạ đừng buồn nữa, để Hạ còn học, còn vui sống trong những ngày sắp tới? Chứ cứ mãi như thế này thi mình sẽ không thể chịu đựng nổi.
Hãy để Hạ hoàn toàn thất vọng về mình. Chỉ còn cách đó. Long nghĩ vậy. Và thế làđột nhiên, anh quay qua tìm cách kết thân với Trinh, dù hơn ai hết, anh hiểu rằng, trong mắt Hạ, Trinh là một cô gái quá tệ hại.
Sự chuyển hướng đột ngột của Long làm mọi người đều ngạc nhiên, nhưng chỉ làm Trinh thấy thích thú. Dù sống phóng túng, bất chấp nhiều điều, nhưng từ lâu Trinh vẫn thầm cảm phục Long. Đằng sau lớp vỏ bất cần đời, lên gân, thích chứng tỏ ăn chơi hơn người, tự sâu bên trong tâm hồn, cô gái vẫn còn một khát khao được sống yên lành, được yêu thương, quý mến như các bạn gái bình thường trong lớp. Tính ham nổi, thích được mọi người để ý mà không biết dùng biện pháp nào hơn là kiểu cách ngổ ngáo, quậy phá, lâu dần làm Trinh như người bị lún lầy, không thể quay về điểm xuất phát. Càng bị đám bạn gái trong lớp xa lánh, cô càng làm mặt kên đời và tìm đủ cách cho thấy là mình không thèm sống giống họ. Thật sự, sự hư hỏng của cô chẳng là bao so với vẻ bề ngoài muốn chứng tỏ.
Chẳng mấy chốc mà mọi người đều thấy Long bắt đầu đều đặn chở Trinh đến trường bằng chiếc Chaly của Trinh. Một đôi người còn thấy ngày Chủ nhật họ chở nhau lượn vòng vòng trên những con đường khu vực trung tâm thành phố. Thậm chí, Hoa ngồi ngoài sạp phụ bán hàng cho mẹ còn thấy Long và Trinh nhởn nhơ đưa nhau đi mua sắm. Thật chướng mắt, cái đồ dỏm! - Hoa phun nước miếng khi thấy Long từ xa đang nhìn mình. Thằng mắc dịch, mắc toi! Tưởng nó “mát” vì học nhiều, ai dè nó tồi như vậy. Vậy mà có lúc nhỏ Hạ cũng kết mô-đen với nó!
Hơn ai hết, Hạ càng không chịu nổi tình trạng đó. Một buổi chiều, khi Long đi học thêm về vừa dựng xe bước vào nhà thì giật mình thấy Hạ đã ngồi chờ sẵn trong phòng khách. Mặt Hạ thật lạnh lùng, nghiêm trang, gương mặt trắng thoáng chút xanh xao. Không còn cách nào khác, Long đành kéo ghế ngồi đối diện với Hạ:
- Có việc gì vậy Hạ?
Hạ nhìn thẳng vào mắt Long:
- Hạ muốn mình nói chuyện với nhau một lần cuối cho đâu đó rõ ràng. Hạ không thích sự mù mờ. Vì Long cứ tránh Hạ nên Hạ buộc lòng phải đến đây.
Long nhìn Hạ, lòng quặn đau. Hạ xinh đẹp quá, trong sáng quá! Và trước mắt anh, cái hình ảnh hôm Tết, Hạ mặc áo dài đỏ tay cầm nhánh mai vàng đứng sau cánh cổng mỉm cười chào đón anh lại hiện ra. Cái hình ảnh sẽ suốt đời dõi theo anh, dù anh có đi trốn Hạ ở đâu đâu, tận chân trời góc biển nào.
Nhưng rồi, gương mặt bà Nga hiện ra. Đôi mắt sắc, giọng nói chắc nịch. Đôi mắt và giọng nói của một người tuyệt đối tin ở mình và có thói quen sai khiến người khác. Cỡ của cháu không thể có gì với con Hạ được đâu. Không cùng một hệ. Bác nói vậy, cháu hiểu chứ?...
Cũng cố hết sức tỏ ra bình thản, Long nói:
- Mình có gì đâu mà Hạ phải cần đâu đó rõ ràng! Chỉ là bạn cùng lớp, thấy không hợp nhau nữa thì thôi. Lúc này, ai cũng bận rộn học thi đâu rảnh nữa để trò chuyện vui vẻ như trước. Chuyện bạn bè bình thường thì tốt nhất nên tạm gác lại.
- Long nói như vậy à? Thật sự Long nghĩ vậy?
- Chứ sao?
Hạ nhẹ nhàng đứng lên:
- Cảm ơn Long đã cho Hạ một bài học về tình bạn. Thôi, Hạ về.
Trái tim Hạ như bị hóa đá, nghẹn nặng một khối trong ngực. Cô rảo bước đi ra khỏi cổng nhà Long. Đừng Hạ, đừng. Nhất định mày không được khóc ở chỗ này. Không được chảy một giọt nước mắt nào hết nghe chưa? Không được khóc, không được khóc. Nhưng nước mắt chảy ngược vào trong mới là thứ nước mắt dao cắt. Hạ chỉ bước được ra khỏi cổng nhà Long một đoạn là đã thấy ngộp thở. Cô tựa lưng vào tường một ngôi nhà khác và nhắm mắt lại cho đỡ thấy cảnh vật quay cuồng. Lúc ấy, hai dòng nước mắt mới lặng lẽ tuôn ra.
Còn Long? Anh đã xô ghế, dợm chạy theo Hạ. Nhưng rồi, ở chỗ bậc tam cấp, anh đã dừng lại, đứng chết lặng nhìn Hạ đi như một bóng ma bước ra khỏi cổng. Thế là tất cả đã chấm dứt: hạnh phúc, niềm ước mong, hi vọng, cùng những gì đáng được gọi là ý nghĩa của cuộc đời này... tất cả đã cùng Hạ trôi qua khỏi cánh cổng kia, và mất tăm.