A good book on your shelf is a friend that turns its back on you and remains a friend.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Nghiêm Kế Tổ
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4219 / 52
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Đức Quốc Trưởng Hoạt Động
Bôn Tẩu Trung Hoa
Từ ngày thoái vị, Cựu Hoàng sống một cách giản dị giữa Thủ Đô trong một biệt thự xinh xắn. Cử chỉ thoái vị siêu phàm của một Quân Vương đầy tâm huyết với non sông, Cựu Hoàng đã tỏ cho quốc dân rõ lòng nhiệt thành thân mến quốc dân, trong thái độ ủng hộ chính phủ mới (quan niệm chính phủ một cách đứng đắn), trong lối sống thanh đạm hàng ngày.
Thâm tâm của Người tuy muốn yên vui làm công dân một nước dân chủ, độc lập, nhưng buồn thay, tình trạng đất nước khiến Người phải suy nghĩ: Chính phủ Hồ chí Minh thất bại, các cường quốc xa lánh một chính phủ tượng trưng chủ nghĩa vô sản. Dù Việt Minh có thắng lợi trên trường quốc tế chăng nữa, chẳng lẽ Người lại chịu ngồi im để dân con mất tự do, mất tài sản, mất thuần phong mỹ tục, mất nền văn minh cổ kính, tinh hoa, ngồi im để một lũ vong bản hiện dâng non sông cho đế quốc độc tài. Như thế không những Người có lỗi với giang sơn, tổ quốc, có lỗi với chính bản thân Người và lịch sử sẽ còn phê phán Người sau này nữa.
Cựu Hoàng ở Hà Nội. Người đã mục kích mọi hành động của những người mệnh danh là yêu nước, Người đã quá rõ mặt trái của họ, đã thấy những cảnh tượng xung sát đẫm máu, những huynh đệ thương tàn, những tranh quyền cố vị, đồng thời Người cũng đã rõ lòng dân, ý chí của dân.
Nước nhà muốn được yên ổn cần phải có một người trong được lòng dân, ngoài có uy tín với các cường quốc.
Người đó không ai ngoài Cựu Hoàng Bảo Đại.
Đối với các cường quốc, việc thoái vị của Hoàng Đế không có nghĩa là Người đã rút lui khỏi trường chính trị. Biết Việt Minh là cộng sản, Pháp vẫn mong được trực tiếp nói chuyện với Người. Hoa Kỳ đã cố ý lánh xa chính phủ Việt Minh, người ta không còn thấy các nhân viên, sĩ quan Mỹ tới dự những cuộc họp công cộng, những cuộc mít tinh, biểu tình nữa. Hoa Kỳ đã quay lại phía Cựu Hoàng, chờ đợi. Chỉ cần Cựu Hoàng ưng thuận là Hoa Kỳ sẵn sàng tích cực giúp đỡ, hăng hái giúp đỡ.
Tháng 3 năm 1946, Nghiêm Kế Tổ, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp Hồ chí Minh, thân dẫn phái đoàn sang Trung Quốc để tỏ ý thân thiện. Buổi tối, trước hôm đi, trong phiên họp riêng tại Dinh Chính Phủ (cụ Hồ chí Minh, Cựu Hoàng Bảo Đại, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Công Truyền, Hà Phú Hương) sau khi đã vạch rõ ý nghĩa cuộc đi và nhiệm vụ phái đoàn, cụ Hồ chí Minh quyết định cả Cựu Hoàng cũng sẽ cùng đi và phái đoàn phải cấp bách sửa soạn, khởi hành ngay ngày hôm sau.
Cựu Hoàng và Nghiêm Kế Tổ không tán thành việc đi vội vàng như vậy và phản đối việc Cựu Hoàng đi Trung Hoa với tư cách một nhân viên trong phái đoàn mà chỉ đi với tư cách một vị Quân Vương đi du lịch. Cụ Hồ chí Minh, thái độ biến đổi bất thường và sau một lát suy nghĩ, chỉ đồng ý Cựu Hoàng ở lại và dục phái đoàn vẫn phải đi ngay, quyết định Nghiêm Kế Tổ lãnh đạo phái đoàn (hai đoàn viên là Nguyễn công Truyền, Hà phú Hương, Việt Minh). Đêm hôm đó, sau cuộc hội nghị, Nghiêm Kế Tổ tới Biệt Thự riêng của Cựu Hoàng, rồi cùng sang nhà bên cạnh gặp Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam. Mọi người đều trình bày lợi hại, khuyên Cựu Hoàng nên xuất ngoại với tư cách một vị Hoàng Đế thoái vị đi du lịch. Cựu Hoàng đồng ý ngay.
Sáng hôm sau, Cựu Hoàng cùng Nghiêm Kế Tổ tới Dinh Thủ Tướng từ giã cụ Hồ và đón hai đoàn viên, cụ Hồ chí Minh thấy sự đột ngột thay đổi thái độ của Cựu Hoàng, rất đỗi kinh ngạc, nhưng chẳng biết tính sao, đành lặng lẽ bắt tay tiễn biệt…
Chiếc phi cơ của Trung Quốc Hàng Không Công Ty đã chở Cựu Hoàng và phái đoàn bay thẳng tới Côn Minh, để lại trong lòng những người cộng sản nhiều thắc mắc, lo âu.
Người ra đi không tùy tùng thân thuộc, cô đơn (Nam Phương Hoàng Hậu và các Hoàng Tử, Công Chúa vẫn còn long đong ở miền Trung nước Việt) nhưng chí cương quyết của Người không vì gia đình mà chùn, nản. Bởi vì, cùng với gia quyến của Người, quốc dân Việt Nam cũng đang quằn quại đau thương: Nam Việt trong khói lửa, máu đào, Bắc, Trung với những vụ ám sát, bắt bớ tra tấn, thủ tiêu, dã man, hung ác, cảnh tương tàn buồn thảm…Cựu Hoàng cương quyết ra đi. Người ra đi tìm nguồn sống cho dân tộc.
Đất Trung Hoa tiếp đón người công dân yêu nước số một của dân tộc Việt. Vì cuộc ra đi của phái đoàn Nghiêm Kế Tổ xẩy ra một cách quá đột ngột, không dùng nghi thức ngoại giao thường lệ giữa hai quốc gia, cho nên nhà đương cục ở Côn Minh không hề hay biết. Phái đoàn tới Côn Minh phải tạm trú ở Khách Sạn Commerce.
Ngay buổi chiều, sau khi Nghiêm Kế Tổ trình Ủy Nhiệm Thư ra mắt tiếp xúc, các nhà đương cục Trung Hoa ở Côn Minh vội vàng tiếp đãi một cách vô cùng trịnh trọng. Họ mời phái đoàn ra ở Biệt Thự riêng nhưng Cựu Hoàng từ chối, tránh phiền phức và tạm ra trú ngụ tại Hoa Viên Lữ Điếm. Ở Côn Minh được ít ngày với ý định đợi tin Ngài Nam Phương cùng gia quyến. Nhưng khi được tin gia quyến Người có ủy ban hành chính Trung Bộ gìn giữ. Người đành cùng phái đoàn quyết định đi Trùng Khánh. Cuộc đi không trống, không kèn, khiến chính phủ Tưởng Giới Thạch không hề hay biết.
Đến Trùng Khánh, lặng lẽ phái đoàn vào trọ tại Khách Sạn Victory Hoise, nhà đương cục Trung Hoa ngay lúc đó được biết tin. Các yếu nhân Trung Hoa khi hay Cựu Hoàng tới Trùng Khánh vội vàng tới tiếp kiến và tỏ ý trách phái đoàn không cho biết trước để chính phủ Trung Hoa có thể tổ chức cuộc đón tiếp trọng thể.
Cựu Hoàng được Tưởng Chủ Tịch tiếp đón ân cần, riêng biệt, ngày ngày đàm luận. Trong thời gian ở Trùng Khánh, Cựu Hoàng đã là Thượng Khách của chính phủ Trung Hoa.
Sau một tháng giời, Cựu Hoàng vẫn ở lại Trùng Khánh. Riêng phái đoàn Nghiêm Kế Tổ trở về nước. Vấn đề đó đã mặc nhiên như vậy. Cựu Hoàng sang Trung Hoa với tư cách cá nhân của một Quốc Vương đi du lịch, không liên lạc gì với phái đoàn ngoại giao, mặc dầu Người đã cùng đi với phái đoàn. Thái độ ân cần đặc biệt của Tưởng Chủ Tịch đã chứng minh chân giá trị, của Cựu Hoàng. Tưởng Chủ Tịch đã tiếp Cựu Hoàng trước khi tiếp phái đoàn, đã đàm luận riêng biệt với Người, đã mời Người đi du lịch Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải (Cựu Hoàng từ chối).
Phái đoàn Nghiêm Kế Tổ trở về nước, từ giã vị Quân Vương đầy tâm huyết, một mình ở lại trên đất khách, tạm xa lánh quốc dân, đem tài sức xoay lại sơn hà (lúc đó Nguyễn Tường Tam suy cử, một vài bạn cũng từ Việt Nam tới Trùng Khánh tiếp giúp Cựu Hoàng như Lưu Đức Trung, Phạm Văn Bình, Đinh Xuân Quảng, Bùi Tường Chiểu v.v…
Sau những cuộc tiếp xúc với Tưởng Thống Chế và các yếu nhân trong chính phủ Trung Hoa, tháng 6 năm 1946, Cựu Hoàng tới Hồng Kông, mặt ngoài, Người làm như vẻ một khách du lịch Thành Phố Anh-cát-lợi, dự xem một cuộc vui thể thao…bên trong, Người tích cực suy tính một chương trình hoạt động mặc dầu nền tài chính quá eo hẹp đã khiến Người lắm phen thắc mắc.
Tháng 7 năm 1946, các lãnh tụ quốc gia lục tục bỏ Việt Minh xuất ngoại, hòng tính toán lại nước cờ riêng biệt. Nguyễn Tường Tam, trở lại Nam Kinh, Vũ Hồng Khanh, trở lại Vân Nam, Cụ Nguyễn Hải Thần đi Quảng Tây…
Dưới sự khủng bố ghê gớm của Tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh miền Nam nước Việt, phần lớn lãnh tụ của các nhóm chính trị Cao Đài, Hòa Hảo… lần lượt rời bỏ Bưng Biền quay về Thành. Những phong trào quốc gia trong và ngoài nước tự tìm nhau kết hợp, đoạn tuyệt với chính phủ Hồ chí Minh và chịu đặt dưới lãnh đạo của Cựu Hoàng Bảo Đại, thành lập mặt trận quốc gia, chống Việt Minh và tranh đấu với Pháp dành Độc Lập cho Tổ Quốc.
Các đảng phái Đồng Minh Hội, Quốc Dân Đảng, Dân Chủ Hội, Xã Hội Đảng, Cao Đài, Hòa Hảo…các yếu nhân từ Nam chí Bắc đã yêu cầu Cựu Hoàng Bảo Đại lãnh đạo phong trào quốc gia chống lại cộng sản, giao thiệp với Pháp ngõ hầu thực hiện thống nhất, tự do cho nước nhà.
Đằng sau Cựu Hoàng, một lực lượng quốc gia đang kiến tạo, đầy quả cảm, nhất trí ủng hộ Người. Tương lai Tổ Quốc, toàn thể quốc dân trông chờ Cựu Hoàng Bảo Đại.
Công khai đoạn tuyệt với Việt Minh, Cựu Hoàng đã tuyên bố với báo chí (Union Fracaire): ‘’Nếu tất cả dân chúng Việt Nam đặt tín nhiệm vào tôi, nếu sự hiện diện của tôi có lợi cho cuộc giao thiệp hòa hảo Việt-Pháp, tôi sẽ sung sướng mà trở lại Việt Nam. Tôi không hoạt động cho Việt Minh, không hoạt động cho đảng phái nào cả, tôi chỉ tranh đấu cho Tổ Quốc…’’
Lời tuyên bố của ông Trần Văn Tuyên, Đặc Ủy Viên của Cựu Hoàng tại Sài Gòn sau khi ở Hồng Kông về qua Hà Nội và Huế, đã nêu rõ đức tính cao cả, quãng đại và ý chí cương quyết của Người trong lập trường tranh đấu.
Cựu Hoàng Bảo Đại không phải là Cố Vấn Tối Cao của chính phủ Hồ chí Minh nữa, nhưng không vì thế mà gạt bỏ hẳn Việt Minh. Ngài sẽ ân cần thỏa thuận cho Việt Minh tham gia ý kiến trong cuộc thương thuyết với nước Pháp do Người hướng dẫn miễn là Việt Minh phải thành thật và đừng tự coi mình hơn các đảng phái khác.
Nếu chính phủ Hồ chí Minh từ chối sự ưu đãi do Người dành cho, sau cuộc thương thuyết, thực hiện được thống nhất, độc lập cho nước nhà, chính phủ do Người lãnh đạo sẽ coi Việt Minh là giặc và chính phủ của Người có nhiệm vụ phải dẹp yên.
Tinh thần quốc gia của Người còn được nhấn mạnh bằng câu nói: ‘’Nếu mai đây, nước Pháp thương thuyết với Hồ chí Minh thì tất cả những người quốc gia sẽ nhất tề nổi dậy chống cả Pháp lẫn Hồ chí Minh’’.
Lập trường của Cựu Hoàng đã rất rõ ràng. Lập trường quốc gia sáng tỏ, đúng ước nguyện quốc dân, được các cường quốc nhiệt liệt hoan nghênh ủng hộ.
Ý chí của Người rất cương quyết. Ý chí có dân làm hậu thuẫn, Người đã nói, đã hành động, điều vui cho quốc dân, điều lành cho giang sơn đất nước.
Trong khi chỉ vì chủ nghĩa vô sản, chính sách dĩ đảng trị quốc, dân tộc Việt Nam chịu quằn quại đồng thời dưới gót giầy đinh cứng nhọn của quân đội viễn chinh Pháp, dưới làn mưa bom đạn, với chiến thuật tiêu thổ, vườn không nhà trống của Việt Minh, ngày 9 tháng 9 năm 1947, hàng đoàn đại biểu từ đất nước bay sang Hồng Kông yết kiến Cựu Hoàng. Đại Biểu miền Nam có: Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Sâm (Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia) Nguyễn Phan Long (viết báo) Trần Quang Vinh (Cao Đài) v.v…Đại Biểu miền Trung: Trần Thanh Đạt (nguyên Thượng Thư Bộ Giáo Dục) Trần Văn Lý (Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Chính Huế) Cao Văn Chiểu v.v…Đại Diện miền Bắc có: Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long v.v… (thuộc thành phần Hải Ngoại)
Trong khi Cựu Hoàng cùng những Đại Diện các đảng phái, các nhóm chính trị hội họp Hồng Kông tìm đường đi cho xứ sở thì ở nước nhà, khắp chốn, từ nơi núi rừng âm u cho đến nơi đồng chua nước mặn, mầu tang tóc đặc dầy bao phủ, mùi máu, lửa say nồng khét lẹt. Chiến thuật đại khủng bố của Nguyễn Bình miền Nam Việt đối với kế hoạch ‘’cloclo’’ của Tướng Valluy ngoài Bắc (Thu Đông 1947).
Việt Minh khủng bố đại quy mô để ngăn cản nhân dân ủng hộ Cựu Hoàng. Pháp cũng tấn công đại quy mô để tỏ cương quyết đối phó với Việt Minh, ở giữa dân chúng dơ đầu chịu báng.
Dân Việt ép mình dưới hai làn mưa đạn. Sự nguy khốn của quốc dân khiến Cựu Hoàng vô cùng chua xót.
Trong lúc các người con ưu tú của quốc gia bao quanh Cựu Hoàng để định đoạt tương lai cho xứ sở, ở trong nước, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân tích cực triệu tập nhân tài làm hậu thuẫn.
Ngày 6.12.47 cuộc gặp gỡ đầu tiên công khai Việt-Pháp giữa Cựu Hoàng và Cao Ủy Bollaert trên chiến hạm Duguay-Trouin tại Vịnh Hạ Long.
Cuộc gặp gỡ để dò xét lập trường, để mở đầu mối giây liên lạc đã khiến cho đại diện Pháp phải nhìn nhận thấy lòng cương quyết của Cựu Hoàng trên phương diện Thống Nhất và Độc Lập cho tổ quốc.
Không phải vì thiếu sót lực lượng quân sự mà Cựu Hoàng đã phải mềm, nhún với nước Pháp. Trái lại, Người quả quyết hơn bao giờ hết, trong việc đòi hỏi chân chính của Người: Độc Lập và Thống Nhất.
Ý chí cương quyết ấy đã làm cho đại diện Pháp có lúc phải cau mày suy nghĩ: ‘’Cựu Hoàng đòi hỏi hơn Việt Minh. Cứng rắn hơn Việt Minh!’’. Một lần nữa, nước Pháp nhận thấy ý chí người dân Việt mà đại diện của họ là Cựu Hoàng.
Trước thái độ gay go của Đại Diện Pháp, Cựu Hoàng quyết định sang Pháp. Ngày 26.12.47, chiếc phi cơ tối tân Anh-cát-lợi cất cánh rời Hương Cảng đã đem theo vị lãnh tụ thân yêu của dân tộc Việt sang trốn trời Âu. Ngài dừng gót ở Biệt Thự riêng, lâu đài Thorenc tại Cannes. Ở đấy, để chính phủ Pháp trực tiếp hiểu rõ lập trường của dân tộc Việt trong cuộc tranh đấu dành Độc Lập Tự Do. Ở đây, để những người Pháp có nguyên nước Pháp, nhận rõ chân giá trị của người Việt Nam: Người Việt Nam mới trong cục diện Thế Giới mới.
Nước Pháp vì quá tự do nên có lắm chính đảng, nào cộng sản, nào Cộng Hòa Bình Dân, Xã Hội, Cấp Tiến, Độc Lập, Liên Hiệp Quốc Dân…Chính phủ và Quốc Hội Pháp là nơi tập họp các chính đảng, là nơi các đảng phái phân chia phần ảnh hưởng. Lắm chính đảng, lắm chính kiến, lắm chủ trương dị đồng, tư tưởng rách rời mỗi phe một mảnh. Tình trạng ấy vô cùng ảnh hưởng đến công cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam, một dân tộc chưa dứt khoát với vòng cương tỏa Pháp-lan-tây.
Tháng 2.1948, Cựu Hoàng trực tiếp gặp gỡ các Chính Khách tại Kinh Thành Ba Lê, thăm dò ý kiến họ. Trước thái độ không dứt khoát, mâu thuẫn nhau của các nhóm chính trị lãnh đạo dân chúng Pháp công cuộc tranh đấu bằng ngoại giao và chính trị của Cựu Hoàng vấp phải bao nhiêu gay go, khó nhọc.
Xung khắc nhau về vấn đề Đông Dương, bất đồng ý kiến trong Quốc Hội giữa các đảng phái chính trị, giữa các bộ trưởng, Cựu Hoàng thấy con đường của Người đi còn lắm chông gai, trắc trở.
Tháng 3 cùng năm ấy, Người quyết định quay trở lại Hồng Kông.
Chọn Hồng Kông! Ngay từ khi còn ở Trùng Khánh, Cựu Hoàng đã sáng suốt nhận thấy, muốn lãnh đạo trực tiếp công việc nước nhà, Người không thể trú ngụ tại Trùng Khánh hay Nam Kinh hay trên một lãnh thổ nào khác biệt, mà đích thân Người phải về Hồng Kông, sát ngay biên giới. Sự hiện diện của Người ở sát cạnh nước nhà sẽ đem lại bao nhiêu dễ dàng cho hoạt động của các chính khách quốc gia, do đó, Người dễ dàng theo dõi cặn kẽ tình hình trong nước, dễ dàng đo đắn mỗi bước tiến, nói chung và nói riêng.
Thái độ của Pháp đầu năm 1948 đối với Việt Nam thật chẳng tiến bộ chút nào so với năm 1946. Pháp muốn bóp nghẹt Việt Minh, muốn diệt tan quân ‘’kháng chiến’’, hy vọng thương thuyết hòa bình với Cựu Hoàng Bảo Đại và những phần tử quốc gia nhưng Pháp vẫn khư khư chưa dám hé răng tuyên bố hai chữ Độc Lập. Chắc Pháp quan niệm rằng một khi tuyên bố Độc Lập là Việt Nam sẽ thẳng cánh mời Pháp kiều cư trú trên giải đất Việt Nam phải sách khăn gói ra tài? Quan niệm như vậy có nghĩa là Việt Nam sẽ mặc nhiên chiếm đồn điền, hầm mỏ và muôn vàn quyền lợi khác, ‘’của mồ hôi’’ của Pháp trong 80 năm ‘’làm ăn lương thiện’’. Quan niệm như vậy có nghĩa là nền văn hóa Pháp sẽ bị tiêu diệt trên lãnh thổ Việt Nam. Bởi vì xét cho đúng và đến cùng, giàng buộc nhau để làm gì nếu không thể hưởng quyền lợi phi vật chất thì tinh thần? Trái lại, Cựu Hoàng tượng trưng một quan niệm khác hẳn: Phải dứt khoát, Độc Lập nước nhà, nền độc lập mà cha ông đã chót lỡ đánh mất trên 80 năm Thống Nhất lãnh thổ vì non sông bị chia xẻ, xé rách. Quan niệm đó là quan niệm của cả một dân tộc, một quan niệm chính xác và đứng đắn, không thể ai nếu đã có giòng máu Việt Nam chạy trong huyết quản, lương thiện biết yêu nước, vi phạm nó, làm tổn thương nó.
Hai năm đầy chết chóc, tốn của hao người để rồi vẫn đi đến chỗ phải thương thuyết trên nguyên tắc Thống Nhất và Độc Lập, Pháp thật đã rút nhiều kinh nghiệm cũng đau thương.
Dư luận Pháp rêu rao rằng điều kiện của Cựu Hoàng nêu ra nhiều nhất hơn điều kiện của Việt Minh.
Năm 1946, Việt Minh đã đồng ý thỏa thuận hai chữ Tự Do, lồng Việt Nam trong hai khung: Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp. Đến nay phe Quốc Gia đòi hơn nữa…Họ đòi Độc Lập!…
Dư luận Pháp khó chịu với những câu Độc Lập, Thống Nhất của Cựu Hoàng, khi đã kém thiện chí không chịu nhìn nhận đến vấn đề thời gian: Đã gần hai năm, nhà cửa Việt Nam đã tan nát, gia đình Việt Nam đã bơ vơ, bao cô nhi quả phụ, bao chết chóc đau thương. Sự thể ấy phải đánh giá bằng Thống Nhất và Độc Lập. Cựu Hoàng chỉ chủ trương một việc dĩ nhiên của lịch sử, không đòi hỏi gì quá quắt.
Nếu Pháp bảo Pháp cũng tốn tiền, thiệt máu ở trận giặc Đông Dương, việc đó đúng, nhưng người Pháp phải nhận rằng: Trong hàng ngũ kháng chiến, đại đa số không cộng sản vẫn sẵn lòng nghe theo tiếng gọi của Cựu Hoàng khi nước nhà đã được độc lập, lãnh thổ đã được thống nhất. Quân đội Pháp đã bắn vào đầu cái ‘’đại đa số’’ quốc gia kháng chiến ấy, thì việc tốn máu của quân viễn chinh Pháp kiều thuộc địa có nghĩa lý gì đâu.
Lập trường ‘’nhất định’’ của Pháp và nguyên tắc ‘’cứng cõi’’ của Việt Nam chẳng lẽ không có biện pháp nào dung hòa được. Trên thế giới còn biết bao nhiêu rắc rối tơ vò hơn nữa người ta vẩn gỡ được thường huống chi vấn đề Việt-Pháp, vấn đề gia đình và ‘’nội bộ’’, chỉ cần có thiện chí xây dựng, có tin tưởng lẫn nhau.
Giải quyết được Thống Nhất và Độc Lập của Việt Nam tức là Việt-Pháp có thể vui vẻ đề huề trong tình bang giao hữu nghị. Ngược lại, hai dân tộc đã hao người tốn của sẽ hao người tốn của nhiều hơn nữa để rồi cũng phải đi đến một giải pháp thích hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Giải pháp thứ hai ai cũng có thể biết rõ sẽ chẳng có lợi gì thêm cho Pháp.
Cuối tháng 4.1948, vài chính khách Nam Việt bay sang Hồng Kông. Việc giải quyết vấn đề thống nhất bắt đầu thành tựu. Trên thực tế, chính phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam giải tán (chính phủ có tính chất địa phương này thành lập tháng 10.1947 do Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân làm Chủ Tịch gồm toàn nhân vật miền Nam)
Giải tán chính phủ Nam Phần để tiến tới thành lập một chính phủ trung ương toàn quốc. Cựu Hoàng đã thành công một phần trong sự nghiệp tranh đấu của Người giữa những lời than vãn la ó vô duyên của một số người Pháp thuộc địa chưa thức thời và một số ít phần tử có óc phân ly. Nhưng mặc la ó, mặc than vãn, một chính phủ toàn quốc, nghiễm nhiên ra đời. Cuối tháng 5.1948, tại Hồng Kông, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân đệ trình lên Cựu Hoàng danh sách của chính phủ Trung Ương Lâm Thời Việt Nam:
• Thủ Tướng: Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân.
• Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trấn Nam Việt: Trần Văn Hữu
• Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trấn Bắc Việt: Nghiêm Xuân Thiện
• Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trấn Trung Việt: Phan Văn Giáo
• Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp: Nguyễn Khắc Vệ
• Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục: Nguyễn Khoa Toàn
• Bộ Trưởng Bộ Kinh Tài: Nguyễn Văn Vinh
• Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Tuyên Truyền: Phan Huy Đán
• Bộ Trưởng Bộ Canh Nông: Trần Thiện Vàng
• Bộ Trưởng Bộ Y Tế: Đặng Hữu Chí
• Bộ Trưởng Bộ Công Chính: Nguyễn Văn Ty
• Thứ Trưởng Dinh Thủ Tướng: Đinh Xuân Quảng
• Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ: Đỗ Quang Giai
• Thứ Trưởng Bộ Lao Động: Ngô Quốc Côn
• Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng: Trần Quang Vinh
Thủ Tướng chính phủ mới tuyên bố sẵn sàng ủng hộ và tuân theo Cựu Hoàng để phụng sự xứ sở Việt Nam, đồng thời bên Pháp chính phủ Schuman cũng tỏ ý hoan nghênh việc thành lập chính phủ Trung Ương Lâm Thời Việt Nam. Hành động hòa nhịp đã báo hiệu một tương lai tốt đẹp cho đất nước.
Trong lúc non sông Việt còn đang mịt mùng trong khói lửa, Cựu Hoàng đã đem tia sáng cho tương lai mặc dầu ánh sáng còn yếu ớt.
Ngày 5 tháng 6 năm 1948, trên chiến hạm Duguay Trouin ngoài Vịnh Hạ Long, Cựu Hoàng chứng kiến Cao Ủy Bollaert và Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân ký Thỏa Hiệp, một cái ‘’bắt tay xây dựng’’ đầu tiên của hai dân tộc.
Chữ Độc Lập tôn kính và trìu mến đã mất ngót một thế kỷ, dân việt ngày nay lại được nghe, được đọc, được công khai ấp ủ trong lòng.
Theo Thỏa Hiệp, Pháp công nhận nền Độc Lập của Việt Nam, Việt Nam sẽ tuyên bố gia nhập Liên Hiệp Pháp.
Việt Nam sẽ phải bảo đảm quyền lợi của Pháp trên lãnh thổ Việt Nam và dành cho các kỹ thuật gia Pháp quyền ưu tiên công tác trong công cuộc kiến thiết xứ sở.
Các Đại Diện của chính phủ Trung Ương Lâm Thời Việt Nam và các Đại Diện của chính phủ Cộng Hòa Pháp sẽ được triệu tập để thương thuyết, bàn soạn về vấn đề văn hóa, ngoại giao, quân sự, kinh tài, kỹ thuật.
Trên giấy tờ, nền Độc Lập đã được tạm thời công nhận. Muốn xóa hẳn hai chữ tạm thời, hay nói một cách khác, muốn Độc Lập thực sự, Độc Lập mà từ chính phủ cho đến dân ‘’bạch đinh’’, mọi người đều trông thấy, nhận thực là thấy, Cựu Hoàng và các người con yêu đất nước còn phải tranh đấu nhiều, tranh đấu nữa.
Sau khi chứng kiến việc ký kết Thỏa Hiệp Hạ Long Cựu Hoàng lại rời sang Âu Châu. Người sang đó để đặt thêm viên đá xây dựng cho nước Việt Nam độc lập vững chắc hơn, hoàn hảo hơn.
Thỏa Hiệp Hạ Long, bước đầu thành công của Cựu Hoàng, là niềm vui cho dân tộc, điềm lành cho những người dân chất phác dầy lòng yêu nước thì nó lại là nỗi thắc mắc cho hai phái người:
Phái Thực Dân Và Phái Cộng Sản.
1.- Thiểu số thực dân Pháp làm quyền lợi ở Việt Nam bao giờ cũng chỉ muốn dân Việt Nam làm nô lệ để họ có quyền quật chết trong hầm mỏ, trong đồn điền cao xu, cà phê bao la rộng rãi, đầy muỗi khổng lồ và ‘’ghẻ hùm’’. Quật chết mới ra tiền, đó là phương châm không thay đổi của lý thuyết thực dân địa. Họ la ó, dóng trống, khua chiêng, quát tháo, đập bàn, đập ghế, đổ tội cho Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân là người nguy hiểm vì đã yêu nước Việt Nam, là người ‘’quốc gia, đáng sợ’’, để cảnh cáo chính quốc. Họ phản đối cả Cao Ủy Bollaert là người đã thay mặt chính phủ họ, Họ phản đối Thỏa hiệp Hạ Long đổ tội Thượng Sứ Pháp để vứt bỏ ‘’quyền lợi tối thiêng liêng’’ của những người Pháp ở Việt Nam.
Tóm lại, họ muốn cái túi tiền của riêng họ càng ngày càng dầy ra bằng đề nghị cũ cắt Nam Việt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với chế độ thuộc địa, cứ lập lại nền Bảo Hộ Bắc, Trung như trước khi có chiến tranh thế giới, dẹp tan bọn ‘’phiến loạn’’ bằng chiến thuật đánh mau, đánh mạnh…Và lập luận đi lập luận lại, các ông ấy đã chót quên, coi như không ai phải đổ máu trong trận giặc và giá trị của cuộc đổ máu do cần phải được đánh cân bằng. Người dân Việt chết, không chú ý, thanh niên Pháp bị hy sinh cũng thây kệ, tới thiểu số người Pháp không biết điều, chỉ nghĩ đến phệ bụng, tây riêng. Tiếng kêu của các ông ấy, như tiếng vo vo của loài muỗi mắc trước ngọn gió mát trong bầu trời trong đẹp.
2.- Người cộng sản Việt Nam đã đoạt được chính quyền mùa Thu năm 1945. Đã ngót hai năm, họ lãnh đạo cuộc kháng chiến. Quần chúng theo họ rất nhiều, vì quần chúng yêu nước mà cộng sản đã dựng bình phong ái quốc che đậy lý tưởng của họ. Quần chúng chưa trưởng thành về chính trị nhưng quần chúng có tinh thần yêu nước rạt rào. Họ đập tan những cái gì là chướng ngại vật trên con đường dành độc lập. Nếu như Phong Trào Cần Vương, phong trào khởi nghĩa, những vụ bạo động…trong 80 năm là những gợn sóng lăn tăn, bé bỏng trong quá trình tiềm tiến của cuộc đấu tranh dành độc lập, thì phong trào theo Việt Minh năm 1945 đã là một bộc phát tất nhiên không thể nào kìm hãm được. Lúc sơ khởi công cuộc hoạt động của Cựu Hoàng không khỏi vấp phải phẩm bình của đa số quần chúng nhất là số quần chúng trong ảnh hưởng Việt Minh, nói một cách ‘’địa dư’’ hơn, nghĩa là số quần chúng ở bên kia ‘’lằn mức’’. Đấy là một thực trạng không thể nào không công nhận và cũng không thể nào lên án quần chúng khi họ không bao giờ được biết sự thực, không bao giờ có dịp nghe đích ngôn của vị Quốc Trưởng lưu vong đã xa họ trong thời gian, trong không gian và nhất là qua bầu không khí dầy đặc của một phương pháp tuyên truyền ghê gớm. Lợi dụng những kết cấu tự nhiên đó, Việt Minh chỉ việc bịt thêm cho kín ‘’lỗ thông hơi’’ để nung thêm sức kháng chiến của dân tộc, với mục đích quyết thành lập chính quyền vô sản ở Đông Dương.
Từ khi Cựu Hoàng bôn tẩu Trung Hoa, Việt Minh mặc sức tung hoành trong nước không lo sợ một cản trở tinh thần nào. Cụ Hồ gửi điện cho phái đoàn Nghiêm Kế Tổ bảo cứ việc ở Trùng Khánh muốn bao giờ về nước thì về. Giá nói một cách ‘’trắng trợn’’ thì nghĩa là cụ Hồ bảo những người đã ra đi đừng nên trở lại.
Từ khi Hoàng siêu Hải, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn Thủ Đô, kéo bộ đội rời khỏi Hà Nội, Việt Minh đã áp dụng chiến thuật rút lui để bảo tồn lực lượng. Lực lượng đây, vật chất thì ít nhưng tinh thần thì nhiều. Việt Minh tránh những vụ bị tiêu diệt để quần chúng khỏi hoang mang, để quân đội khỏi mất tinh thần chiến đấu. Sau vụ Hà Nội, hầu hết những tỉnh thành lớn, những trục giao thông quan trọng lần lần lọt vào tay quân đội Pháp. Quân viễn chính Pháp lập các đồn ải để canh giữ những vùng chiếm được. Từ đồn ải, các chỉ huy Pháp tung quân tảo thanh từng khu vực lẻ, áp dụng chiến thuật ‘’vết dầu loang’’ hòng tiêu diệt địch, song song với chính sách ‘’tam quang’’ muốn dân tâm khiếp đảm để bỏ hàng ngũ Việt Minh quay về quy thuận quân đội Pháp. Trận đánh ra Đồng Tháp Mười miền Nam, trận bình định Cao Nguyên Ban Mê Thuột, hay cuộc hành binh LEA chiếm Cao Bằng Bắc Kạn là những tiếng vang lớn làm vững lòng về phía Pháp. Pháp hành quân chớp nhoáng, về phương diện chiến thuật, Pháp thắng thế hoàn toàn, làm chủ động trên chiến trường toàn quốc. Kế hoạch của Pháp dựa vào kỹ thuật, dựa vào khí cụ nặng nề, dựa vào hỏa lực ào ạt và rầm rộ’’.
Trái lại, quan niệm của Việt Minh ngược hẳn, Việt Minh dùng nhu chống cương, dùng thủ chống công, áp dụng chiến thuật du kích. Đối với thắng lớn của quân đội Pháp, Việt Minh trả đũa trận La Ngà, trận Tầm Vu, trận Sông Lô…Việt Minh tận dụng khả năng tuyên truyền để phát triển tinh thần nhân dân.
Trường Chinh đã vạch rõ 3 giai đoạn phỏng theo 3 giai đoạn của cuộc Trường Kỳ Kháng Chiến của Mao Trạch Đông, đã áp dụng trong cuộc chiến đấu của Hồng Quân Trung Hoa với Quân Đội của Tưởng Thống Chế:
1.- Bảo tồn lực lượng.
2.- Cầm cự.
3.- Tổng phản công.
Cộng sản Việt Nam tuyên truyền cuộc Trường Kỳ Kháng Chiến và huấn luyện chiến lược ấy cho quân đội, cho cán bộ, cho quần chúng chất phác.
Về phương diện quân sự, từ 19 tháng 12 năm 46 đến trận Lô Giang cuối năm 1947, Việt Minh tuyên bố chấm dứt giai đoạn Bảo tồn chủ lực. Trong giai đoạn ấy, Việt Minh đã cố gắng huấn luyện cán bộ, tuyển mộ tân binh, thành lập căn cứ địa.
Biết tin Cựu Hoàng hiện đang hoạt động ở Hương Cảng, tiếp xúc với những lãnh tụ của các nhóm chính trị quốc gia, mưu việc tranh đấu giành lại Thống Nhất và Độc Lập cho đất nước bằng ngoại giao. Chính phủ Việt Minh vô cùng lo ngại.
Nếu để Cựu Hoàng thành công trong việc điều đình với Pháp, nhất định toàn dân sẽ rời bỏ hàng ngũ kháng chiến quay về với Cựu Hoàng và như vậy, những cố gắng của các lãnh tụ Việt Minh mưu đồ vô sản hóa Việt Nam sẽ bị tiêu ma như công dã tràng.
Với hy vọng làm hành động của Cựu Hoàng trở thành bất hợp pháp, các người lãnh đạo Việt Minh tuyên bố luôn rằng Cựu Hoàng vẫn còn là Cố Vấn Tối Cao của chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa, để nhấn mạnh vai trò ‘’độc quyền điều đình’’ của chính phủ họ với Pháp.
Một mặt bộ máy tuyên truyền của Việt Minh nào khẩu hiệu, biểu ngữ, truyền đơn, nào hội họp, mít tinh, biểu tình, rầm rộ phản đối, đả đảo bộ ba Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Văn Sâm, những người mà Việt Minh tưởng rằng sẽ đứng ra thành lập một chính phủ quốc gia đương đầu với họ. Việt Minh đã đặt những chuyện xấu xa gán cho các nhà cách mệnh quốc gia, thêm bớt phóng đại ra để gây công phẫn trong dân chúng, hướng dẫn tâm lý họ, hòng làm tê liệt hoạt động của Cựu Hoàng, làm giảm thanh danh, uy tín của các lãnh tụ phe đối lập.
Mặt khác, chính phủ Việt Minh cải tổ. Tác dụng của sự cải tổ này là để đánh lạc hướng nhận định của các chính khách Pháp, để vờ tỏ thái độ khuynh hữu của chính phủ mình, để nước Pháp ngừng dự định thương thuyết với Cựu Hoàng. Sự cải tổ còn có dụng ý làm cho đa số dân chúng chất phác nông cạn lầm tưởng đó là một chính phủ dân chủ tự do, một chính phủ liên hiệp rộng rãi, tượng trưng tinh thần đoàn kết toàn dân.
Người ta thấy:
• Võ nguyên Giáp tách khỏi địa vị một bộ trưởng để nắm giữ chức vụ mới: Tổng tư lệnh quân đội chính quy và dân quân du kích.
• Tạ Quang Bửu, không đảng phái (!) giữ ghế bộ trưởng bộ quốc phòng.
• Phan Kế Toại (Cựu Khâm Sai Bắc Kỳ thời Nhật) giữ ghế bộ trưởng bộ nội vụ (ba tháng sau mới nhận việc).
• Phan Anh giữ bộ kinh tế.
• Hoàng Minh Giám giữ bộ ngoại giao.
Chịu nhẫn nại. Chính phủ Pháp phái ông Paul Mus gặp gỡ Hoàng minh Giám nhưng quan điểm trái ngược của hai bên đã khiến cuộc hội kiến Giám-Mus hoàn toàn vô ích, không đem lại một kết quả nào.
Cuối năm 1947, Cao Ủy Bollaert đọc một bài diễn văn đặc biệt ở Hà Đông, vạch rõ đường lối cương quyết không chịu ‘’lép vế’’ của chính phủ Pháp.
Hiểu như vậy, chính phủ Việt Minh, tuyệt vọng về biển pháp ngoại giao, đổ dồn vào chỉnh bị lực lượng quân sự.
Với khẩu hiệu ‘’ủng hộ bộ đội’’, Việt Minh mạnh mẽ tuyên truyền hấp dẫn dân chúng. Tất cả các cơ quan quân, dân, chính phải triệt để áp dụng ‘’cần kiệm liêm chính’’ mục đích dự trữ tiềm lực trong cuộc chiến tranh lâu dài. Bộ trưởng tài chính Lê văn Hiến phát hành thêm giấy bạc để đủ chi dùng cho quân sự. Công tác tăng gia sản xuất được thi hành với kế hoạch cụ thể.
Dưới bàn tay họ Võ, bộ máy quân sự được cải tổ vĩ đại. Thiết lập các cơ quan đầu não cầu yếu như:
• Cục chính trị dưới quyền Thiếu Tướng Văn tiến Dũng.
• Cục tham mưu dưới quyền Thiếu Tướng Hoàng văn Thái.
• Cục tình báo dưới quyền Đại Tá Trần Hiệu.
Các khu quân sự trong toàn quốc đều do các tướng lĩnh cộng sản chỉ huy.
• Tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh miền Nam Việt.
• Tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh miền Trung Việt
• Tướng Chu văn Tấn, Tư lệnh miền rừng núi Đông Việt Bắc.
• Tướng Hoàng Sâm, Tư lệnh miền đồng bằng Bắc Việt.
• Đại Tá Bằng Giang, Tư lệnh miền rừng núi Tây Việt Bắc.
Tổ chức không chiến tiến đến có quy củ, phương tiện quân sự được tận dụng để củng cố đường lối chính trị.
Đầu năm 1948, hình thái chiến tranh đã cắt xẻ lãnh thổ Việt Nam rã rời ra từng mảnh, quân đội hai bên đi sát vào hậu tuyến của nhau hình dung một mặt trận xen kẽ sâu và rộng.
Cuộc chiến tranh vô phòng tuyến đã làm nhân dân vô cùng đau khổ. Trong khi hai quân đội rình lẫn nhau để tiêu diệt nhau thì dân chúng bị mắc nghẹt ở giữa hai luồng súng đạn. Người dân lành luôn luôn bị mất trâu bò, sản nghiệp khi xóm làng của họ bỗng chốc biến thành bãi chiến trường.
Việt Minh thúc đẩy những đứa con yêu của đất nước nằm gai nếm mật, ngày uống nước suối, tối phơi sương làm mồi cho muỗi độc, thiếu cơm gạo, thiếu cả thuốc men và cũng tương tự như vậy, những thanh niên ưu tú của nước Pháp Dân Chủ, Văn Minh, ngày ngày ngụp lội trong bùn lầy, len lõi trong rừng hoang, phơi mưa phơi nắng.
Hai bên quân đội luôn tìm nhau để đưa một bên xuống suối vàng và bên còn lại cũng không kém phần ngoắc ngoải.
Vì Tự Do, Dân Chủ?
Vì đấu tranh giai cấp
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa