Số lần đọc/download: 3251 / 34
Cập nhật: 2015-09-24 03:56:18 +0700
Chương 10
T
rịnh Sâm bị trận ốm nặng thường hay sợ nắng, sợ gió. Do đó, nơi Chúa ngự, che chủm, hành lang tối như hũ nút. Ban ngày đi vào những nơi rợp bóng cây, nội giám phải thắp đèn lồng hoặc cầm nến. Chúa càng ốm yếu, càng yêu thương Đặng Thị Huệ, bởi Chúa thấy Huệ yêu mình thật sự, nghĩ đến con trai của mình hết lòng. Khi người ta ốm, mọi sinh hoạt không được bình thường như cũ, bị luôn luôn kiềm chế, thì nhìn những thứ thường ngày mình có, mình coi thường bỗng yêu quý lên gấp bội. Có hôm Chúa ngồi bên vườn hoa, không ngắm những cỏ hoa lộng lẫy trong vườn, mà lại ngắm con chuồn chuồn kim bay đi bay lại trong đám cỏ tóc tiên, ngắm con châu chấu non, chưa có cánh, hai hạt mắt nâu nhỏ ti, mình xanh màu ngọc lục, tưởng chẳng có màu gì đẹp hơn, đôi chân mảnh mai và óng chuốt, mà nghĩ ngợi về vũ trụ của những loài bé nhỏ hồn nhiên.
Có hôm, Chúa ngồi ngắm Đặng Thị Huệ, cởi áo gấm ngồi sắc thuốc bên bếp lò dân giã, nhìn ánh lửa ánh lên khuôn mặt đẹp tư lự của Huệ, nhìn bàn tay Huệ úp trắng ngần lên hai cái tai của ấm thuốc, dốc ấm lên, chắt thuốc vào bát, xem độ thuốc đã được chưa, rồi Huệ bưng bát thuốc lên, tự nếm, đi lại trong phòng... Cái dáng ấm cúng của người vợ hết lòng với chồng như bất kỳ một gia đình thường nào khác, lòng Chúa vời vợi yêu thương quí trọng. Bởi thế, thuốc đắng thế nào khi Huệ khuyên Chúa cũng uống.
Người mà Chúa sợ, Chúa yêu quý nể trọng như Thánh mẫu Thái tôn, hôm nào cũng sang thăm Chúa một lần, có lúc Chúa ứa nước mắt vì thấy mẹ vất vả vì mình, lo lắng cho mình. Tuy bà thấy Thị Huệ lộng quyền, xui Chúa làm nhiều điều không được như ý bà, song thấy Huệ tận tụy bên Chúa, bà cũng không ghét bỏ như trước. Nhưng giữa bà và Tuyên Phi vẫn có điều gì đó xa cách, khiến mẹ chồng, con dâu không xích lại gần nhau lại. Bà thương quí Chúa lắm. Khi Chúa còn nhỏ, ốm đau tự tay bà ủ ấp Chúa, không giao cho các bà bảo mẫu, chừng nào Chúa thật tươi tỉnh, xởn xơ mới chịu giao cho người ta chăm. Nhưng bây giờ, bà có thể ân cần ngồi bên Chúa hàng giờ, khuyên nhủ Chúa, nhưng Chúa không cảm nhận được từ bà những tình cảm mẹ con như ngày xưa nữa. Ý bà vẫn muốn bù đắp cho Dương Ngọc Hoan và Trịnh Tông. Bà không bao giờ ủng hộ Tuyên Phi và Trịnh Cán... Chỉ có thế, hai mẹ con ngồi bên nhau, nói năng những lời rất đỗi yêu thương mà tự đáy lòng đã bời bời trăm thứ.
Chúa thương mẹ, song cho là mẹ cố chấp, không thực sự cầu thị.
Thánh mẫu Thái Tôn thì vẫn cứ tình sâu nghĩa nặng với mẹ con Dương Ngọc Hoan hơn. Bà thấy rằng Cán và Tông, thì chọn Tông vẫn hơn Cán nhiều bởi Tông đã trưởng thành. Chúa thành kiến với Tông từ lúc sinh ra, cho nên Chúa có bao giờ đối xử như tình cha con với con trưởng. Cán thì sáu bảy tuổi, nếu có làm Chúa cũng bị Quận Huy lấn quyền, tiếm quyền, rồi sau đó chuyện gì nữa sẽ xảy ra, làm sao lường hết được.
Rút cục, hai mẹ con gần nhau, thương nhau mà vẫn không xích gần được thêm chút nào. Có lúc Trịnh Sâm não lòng thấy mẹ nhìn mình, nước mắt cứ ròng ròng chảy xuống. Tuyên Phi thấy vậy, lại tìm cách đứng dậy lảng đi chỗ khác.
Thánh mẫu Thái Tôn ghét Quận Huy nhất, nhưng không làm gì được. Có một lần, bà đến, thấy Quận Huy ngồi đó, tâu việc cơ mật cùng Chúa. Chúa nghe hết việc mới đứng dậy ra đón bà. Quận Huy thấy bà sụp lạy, bà chỉ ừ hữ cho bình thân. Suốt buổi hôm ấy, ngồi bên con, gương mặt bà chẳng vui vẻ gì, khác hẳn thường ngày, rồi bà đứng dậy lẳng lặng ra về, ba bốn hôm sau mới trở lại.
Việc trong phủ Chúa một mình Quận Huy cáng đáng. Đặng Thị Huệ thấy Chúa ốm liền hỏi Quận Huy:
- Ông vẫn thao túng được triều đình đấy chứ?
- Sao Tuyên Phi lại hỏi thần như vậy?
- Chúa khoẻ được ít lâu, vừa coi được mấy buổi chầu, vồ vễ trăm quan chưa được bao lâu, thì lại lăn ra ốm. Ông có thấy có đám nào lòng dạ kia khác không?
- Tuyên Phi yên tâm, tôi đã bẻ hết nanh vuốt của Thế Tử Tông rồi. Bè đảng lớn chỉ có mấy đại thần bâu quanh Tông thôi, những kẻ khác thì an phận thủ thường, nhát nhúa lắm!
- Ông không được coi thường bọn chúng. Chúng ta mới diệt được Nguyễn Khắc Tuân và mấy đưa hầu hạ quanh Trịnh Tông, tài cán chẳng là bao. Nguyễn Khản từng làm trấn thủ Sơn Tây và Hưng Hoá, kỳ vừa rồi đáng lý phải chết, nhưng Chúa vì nghĩ tình bạn cũ, Khản lại khéo léo làm thơ riêng, dâng cho Chúa, Chúa cảm động mà tha chết, cho giam lỏng ở kinh đô, nếu hắn liên hệ được với tay chân khác, trốn ra được, tụ tập bè đảng, thì không phải là chuyện đùa...
Rồi Đặng Thị Huệ tìm mọi cách hại Trịnh Tông, song Thánh mẫu Thái Tôn cũng không phải vừa, bà đến bên giường Trịnh Sâm nói:
- Con ốm đau, mệt mỏi, mẹ không muốn nói chuyện này với con. Vợ nào cũng là vợ, một ngày nên nghĩa. Có thể yêu vợ này, xa vợ kia, nhưng con đừng để mang tiếng bất nghĩa... Con nào cũng là con. Thằng Tông có bất hiếu, có ngu đần vụng dại cũng là con của Chúa. Mà, nó đã có hành động gì đâu, chẳng qua là hình sự gom lời, lấy chứng thành vụ án lớn của kinh thành. Vụ án đã gây kinh động cả Thăng Long, mẹ rất mừng con sáng suốt, không giết Trịnh Tông, xử sự được yên lòng trong thành ngoài nội. Nhưng con không giết nó, thì cũng đừng để người khác giết nó... Nếu nó chết về tay người khác, thì thiên hạ vẫn đô tiếng cho con là bất nhân... Con hãy nghĩ cho kỹ.
Chúa nghe mẹ nói thế, lúc đầu có vẻ bực giận, nhưng sau nghĩ lại, không nói với Đặng Thị Huệ, nhưng ngầm bảo Quận Huy, không được để người nào ám hại Trịnh Tông, do thế, Huy cũng sợ, không cho bọn tay chân hạ độc thủ.
Đặng Thị Huệ căm tức lắm, một bữa trách Quận Huy:
- Ông chưa thật hết lòng với ta!
- Có chuyện gì vậy thưa Chính phi(1), tôi...
- Mấy lần ta nói với ông phải giết Trịnh Tông đi, sao ông lại cứ để chúng nhơn nhơn như thế. Thằng Khản, thằng Tông còn sống, thì có ngày ông cũng chết mà mẹ con ta cũng chẳng toàn mạng đâu.
Quận Huy không dám lộ chuyện Chúa đã mật dụ cho mình, chỉ phân trần:
- Nhưng tội họ đã rõ, họ đã bị giam cầm, đi đâu cũng phải bẩm bái, thì còn lo gì nữa.
- Không được, nếu có chuyện gì xảy ra thì ngươi đừng nhìn mặt Chúa, mặt ta nữa.
Huệ gắt gỏng, mặt đỏ bừng bỏ đi. Ngay hôm ấy Quận Huy phải gọi người đến cho bốn đội quân Ngự lâm canh giữ Tông và Khản, mấy ngày sau Tuyên Phi nghe biết, mới nguôi nguôi giận.
o O o
Gia đình Viêm Quận Công Nguyễn Trọng Viên dạo này hay thức khuya. Bởi từ buổi gặp mặt với Bằng Vũ, Bùi Bật Trực đã tìm cách gần gũi với Chiêu lĩnh bá Nguyễn Trọng Chiếu, con trai lớn của Quận Viêm. Chiếu là người phương cương hăng hái. Nguyễn Trọng Chiếu là cháu cưng của Thánh mẫu Thái Tôn, hay được gọi vào hầu chuyện. Quận Viêm thường ít dấn thân vào những chuyện rắc rối, không muốn đụng chạm đến ai, và nếu có ai khích bác, đụng chạm đến mình thì cũng nín nhịn cho qua chuyện không thích gây gổ. Bởi thế, khi Quận Huy về triều, đến xin làm tay chân cho Thế tử Tông, Thế tử đuổi thẳng cánh, ông cũng chẳng quan tâm.
Kịp đến khi, Quận Huy tập hợp được bè cánh, liên kết với Đặng Tuyên Phi, thao túng triều đình, ông có chút quyền lực trong tay, cũng án binh bất động.
Thánh mẫu Thái Tôn không nhờ cậy được ông điều gì. Cũng nhờ lối sống giữ thân cho chắc ấy mà sau này Quận Huy thâu tóm được binh quyền, để lấy lòng Thánh mẫu Thái Tôn, lại cho Quận Viêm chỉ huy một đạo quân lớn ở Cấm thành. Đó là quân Nhưng, Kiệu, thường được điều động trong các ngày Thánh mẫu, vua Lê, Chúa Trịnh xuất ngoại, hoặc những ngày đại lễ. Nhưng bọn này vì thế lại biết lắm chuyện trong cung hơn là những đội quân khác. Chúng phần lớn loại là người xứ Nghệ An, có một số ở Thanh Hoá... Do đó, mọi chuyện ồn ào trong cấm quân đều khởi sự từ quân của quận Viêm cả... Chiêu lĩnh Bá Nguyễn Trọng Chiếu không những không ngăn cấm chúng, mà còn thích thú vì có đám lính sắc sảo, linh hoạt hơn hẳn những đội quân khác. Một hôm, Nguyễn Trọng Chiếu có món gỏi cá ngon, mời Bùi Bật Trực đến chơi uống rượu. Sau khi nói chuyện văn chương, xênh phách, Trực liền khích Chiếu rằng:
- Vai vế của tướng quân ngang với Chúa Trịnh. Mà trong hoàng cung, người tin cậy lại học hành đến nơi đến chốn này, tôi xem ra có mình ông. Vậy mà Chúa thường không dùng ông, lại dùng Quận Huy, thì thật là bất nhẫn.
Trọng Chiếu đặt bát rượu xuống nói:
- Ông Trực ơi, cảm ơn ông khơi dậy trong tôi chí tiến thủ, song cung quan lộc của tôi có Thiên La trấn cửa, làm sao mà thuận buồm xuôi gió được.
Bùi Bật Trực nói:
- Nhà ta đây, Thánh mẫu Thái tôn là mẹ của Chúa. Một thời tiên chúa rất yêu quý. Cho đến bây giờ Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm vẫn vô cùng nể trọng. Viêm Quận công là bậc quốc cữu trước từng được Tiên Chúa giao cho coi một vạn cấm binh ở hoàng thành. Đến thời Chúa hiện nay, rút bớt quyền lực của tướng công trao cho Nguyễn Khản và mấy ông khác theo Chúa thượng từ thời còn trẻ. Điều đó cũng đúng thôi. Tôi chỉ sợ tướng quân thoái chí, chứ triều đình này còn biết bao nhiêu cơ hội. Tướng quân không biết rằng đức năng thắng số ư... Tướng quân mới có Thiên La trấn ở cung Quan Lộc, người khác cung mệnh có Triệt đóng thì sao!
Nguyễn Trọng Chiếu bắt đầu ngấm rượu nói:
- Lắm lúc ta cứ muốn ra ngoài biên ải, lập công một trận, rạng rỡ như ai.
Bùi Bật Trực nói:
- Muộn rồi. Từ sau vụ án Canh Tý, thì những ai thân thích với Thế tử Trịnh Tông đừng hòng mặt mũi sủi tăm được.
- Đấy, ông xem, đến tên lính quèn cũng còn phải đổi ra biên trấn, huống chi ta lại là vai chú của Trịnh Tông, cháu của Thánh mẫu Thái Tôn, người luôn đỡ đầu cho đứa cháu đích tôn của mình.
Bùi Bật Trực và một miếng gỏi cá, uống thêm một ngụm rượu lớn, nhếch mép cười mỉm:
- Đường chính không thẳng thắn, thì ta tìm đường tắt đến vườn quả cũng được chứ sao?
- Ý ông thế nào. Cha ta và ta đã coi ông là người tâm phúc ở nhà này. Ta quý ông nhất trong đám mạc khách ở trong nhà, cần gì mà phải giấu nhau nữa.
Bùi Bật Trực nói:
- Tướng quân có thấy Quận Huy từ sau vụ án Canh Tý rất lộng hành không?
- Điều đó thì còn phải bàn gì nữa.
- Quận Huy dựa vào ai, tướng quân có biết không?
- Hẳn là Chúa thượng và Đặng Tuyên Phi rồi!
- Đây là chỗ dựa bên trên, cũng quan trọng nhưng không đủ cho hắn thao túng triều đình đâu.
- Vậy thì dựa vào mấy ông đại thần ở phủ Tham Tụng và phủ Bồi Tụng ư?
- Đấy không phải chỗ dựa, mà là tay chân mới, Quận Huy tâu với Chúa ngồi cùng làm việc với hắn mà thôi!
- Thế thì dựa vào ai?
- Tướng quân quả là thật thà. Vua, Chúa, quận công, vương hầu, tất cả đều dựa vào quân lính mà thôi. Ấy, cái anh tốt đen ấy mà làm nên sự nghiệp cả đấy. Tướng quân thử nhớ xem vua Lê Thái Tô xưa nếm mật nằm gai cũng là nhờ quân sĩ hết lòng mới đánh được giặc Minh, Thời Trung Hưng, nếu Trịnh Kiểm không cầm quyền coi lính thì sao giành được ngôi Chúa... Huy Quận công về đây, cái khôn ngoan của hắn là nịnh Đặng Thị Huệ, nắm ngay đạo quân Trung Vũ. Hắn ngày đêm mượn cớ luyện quân, mà tạo cho những quân lính của hắn thành đạo quân tinh nhuệ nhất ở hoàng thành, các đạo quân tinh nhuệ khác cũng vô cùng nể hãi. Do đó, mới chân ướt chân ráo về triều, sau hai năm đã trèo lên đầu lên cổ trăm quan, điều hành mọi việc trong triều ngoại nội... Đó chẳng là Quận Huy dựa vào quân sĩ là chính ư?
- Đúng quá! Ông thật là cao kiến.
- Bây giờ muốn phá Quận Huy, cũng phải từ quân lính mà phá ra...
- Thế nghĩa là thế nào?
- Có gì đâu! Quận Huy chỉ làm chủ được một đạo quân Trung Vũ, chứ đâu làm chủ được tất cả các đạo quân khác ở trong hoàng thành. Quận Huy từ ngày nắm quyền chỉ xu phụ công hầu tin cẩn của Chúa mà quên quân lính ở hoàng thành. Đám lính chán nản ra phố phường tác oai tác quái làm loạn. Quận Huy sợ mất lòng dân lại nạt lính. Quân lính đang mang oán Quận Huy, lúc này là lúc ta ra tay được đấy!
Chiêu Lĩnh bá Nguyễn Trọng Chiếu nói:
- Theo như ngài nói, tức là bây giờ ta phải khích bọn kiêu binh, chỗ dựa của Quận Huy làm loạn, xui chúng bỏ Cán lập Tông, như thế mối bứt được Quận Huy ra khỏi quyền uy được, có phải không?
Bùi Bật Trực nói:
- Đúng là như thế. Tướng quân đúng là con nhà nòi. Chỉ cần tướng quân nói với tướng công, còn tôi thi lo khuấy động đám kiêu binh, nếu cả hai bên đều nghe, thì phương lược của chúng ta có thể thành công được!
Nguyễn Trọng Chiếu ghé sát đến Bùi Bật Trực hỏi:
- Ông là mạc khách, làm sao len lỏi vào đám quân lính để kích động chúng được?
Bùi Bật Trực ôm vai Chiêu Lĩnh bá, khẽ bảo:
- Ông có biết Mạnh Thường Quân xưa nuôi hàng nghìn mạc khách ở trong nhà, đều là loại vô dụng, đến khi sa cơ lỡ vận, chỉ một người xui đốt hết văn tự nợ đi, mà được việc. Người ấy, coi như là tôi hôm nay đấy!
Nguyễn Trọng Chiếu nghe Bùi Bật Trực nói, rất cảm động, liền ôm vai Bùi Bật Trực nói:
- Tôi không như cha tôi đâu, ông yên tâm. Kỳ này nếu thành công thì tôi và ông, ta sẽ nương tựa nhau suốt một đời, chỉ khuyên ông rằng, đám quân sĩ cũng hàng nghìn, hàng vạn kiểu người. Chúng chỉ như cái khiên, cái giáo, nếu biết dùng đúng lúc, đúng chỗ thì đều được việc; chúng cũng như đám cháy, cơn lốc, nếu để tung hoành thì sự phá phách cũng không phải nhỏ đâu!
Hai người hôm đó, ý hợp tâm đầu, mê nhau như trai gái.
Tuyên Phi Đặng Thị Huệ lo lắm. Bây giờ quyền lực thâu tóm ở trong phe cánh của mình cả rồi, thì hai con người mình trông cậy, nhờ suốt một đời lại đều là hai con người ốm yếu cả. Trịnh Sâm cầm quyền qua tay Quận Huy, còn Trịnh Cán, tuy đã được phong Thế tử, nhưng chưa làm nổi điều gì đê triều thần có thể hướng về được. Còn Quận Huy cúc cung tận tụy đấy, nhưng nếu chồng và con mình không khoẻ mạnh, thành người thì sau này lòng dạ Quận Huy thế nào, có ai mà biết được.
Suốt ngày Đặng Thị Huệ đắm đuối vào lo toan đủ trăm thứ nên người cũng phờ phạc, hao gầy đi. Phi có lúc minh mẫn, có lúc thì cuống quít. Ai bảo cầu đâu, khấn đâu cũng cầu, cũng khấn. Thấy bệnh tình của Trịnh Sâm ngày một xấu đi, Phi lo cuống cuồng, tức tốc bảo Quận Huy phải triệu ngay Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào cung.
Lãn Ông chờ mãi không thấy được vào hầu thuốc, cứ quanh quẩn hết đi thăm bệnh cho tước vương này, quận công nọ, tước hầu kia... Bệnh của họ nói chung là: người tạm gọi là có đức thì khí huyết hao tổn vì công việc; người say nghề thì nghèo, lại hay suy tưởng, nên lúc nào cũng bàng bạc, trắng không ra trắng, hồng không ra hồng; còn đại loại là đám đắm đuối vào tửu sắc, đứa thì bất lực, đứa thì lưng còng rạp, thở không ra hơi, đụng tay vào con bệnh, tâm linh người thầy thuốc ít có phút đồng cảm mà hết lòng vào chữa trị. Lãn Ông nghĩ một cách là chữa cho họ cảm thấy khoẻ lên, hi vọng, còn bệnh của họ, người thì tâm bệnh, người thì danh bệnh, người thì sắc bệnh, có hoạ thần y Thánh y mới chữa nổi!
Bữa ấy, Lãn Ông sang ngoạn cảnh ở Chùa Lý Bát Đế phía Gia Lâm, được quan đốc trấn Kinh Bắc mời về chơi, ngâm vịnh, thưởng hoa. Đang lúc đắc ý thì thấy người nhà Quận Huy đem theo lính, phu trạm sừng sực tới.
Viên nội sai gấp gấp nói:
- Có Thánh chỉ triệu quan Hộ Phiên Câu Kê về triều. Quan chánh đường nửa đêm hôm qua còn đến nhà tôi truyền báo. Xin cụ quay về ngay cho.
Lãn Ông nghe thế, quay lại vái chào quan Đốc đồng trấn Kinh Bắc, từ tạ rằng:
- Cái nghề thầy thuốc của tôi là thế, mong Quan Lớn đại xá cho. Cái thân Lão-già-lười này thì suốt đời làm đầy tớ cho hình hài, biết làm sao được. Xin hẹn tái ngộ.
Quá ngọ từ dinh quan Đốc Đồng, Lãn Ông đi cáng tận gần tối mới đến bên sông. Thương lính và phu trạm mệt, ông-già-lười bảo viên nội sai vào quán bên đường cơm nước rồi đi thẳng đến bến Bát Tràng, Hải Thượng Lãn Ông hỏi qua về tình hình bệnh của Chúa, thì viên nội sai nói:
- Chúa vẫn đi lại được nhưng không khoẻ, Chúa thở dốc, kém ăn. Chẳng qua Tuyên Phi cuống lên cứ đòi triệu cụ về cho bằng được đó thôi.
Hải Thượng Lãn ông nói:
- Trời tối sập mất rồi. Sông thì to, nước cường, đi đò nhỏ phải hai chuyến. Dù có gọi thuyền to sang ngang thì cũng phải chỉnh đốn áo mũ mới vào chầu Chúa được. Mà về đêm Chúa cần được nghỉ ngơi hơn ban ngày, tôi sợ kinh động đến sự cần yên tĩnh của Chúa. Chi bằng ta ngủ lại bên này mai sớm sang đò, như thế chẳng tiện hơn sao?
Viên nội sai nghe theo. Mờ sáng hôm sau, Lãn Ông đã sang sông, mặc triều phục, đến thẳng dinh Quận Huy. Chúa đang nghỉ ở cung điện phía đông. Quận Huy làm việc ở nhà Thập Tự.
Thấy Hải Thượng Lãn Ông vái chào, Quận Huy mừng rỡ nói:
- Cụ đã về đấy à? Xem ý cụ cũng mải chơi đấy nhỉ!
- Bẩm thì tuổi già, lâu ngày mới ra Bắc Hà mà ngoài này chỗ nào không có danh thắng đi hàng năm không hết. Vả lại chờ lâu không có lệnh chỉ truyền đòi, tôi cũng mạn phép du một chút, đâu có dám quên nhãng nhiệm vụ.
Quận Huy đuổi hết tả hữu ra rồi nói:
- Vừa rồi, Thánh thượng thấy lầu Ngũ Long báo có cuộc đua thuyền của thuỷ quân ở cung Vọng, người háo hức đòi đi xem. Mặc dù màn che, trướng rủ, nhưng người lại thích đứng ngoài khoang, về lại vui với Tuyên Phi hơi quá quy định của Thái y viện, sáng hôm sau không dậy nổi. Vả lại năm sáu năm nay, bệnh cũ lại phát, nguyên khí suy tổn, chỉ qua một đêm, sáng nay xem ra bệnh nặng lắm hãy chờ đây, chờ ta vào xem, thỉnh mệnh Chúa thượng, rồi vào xem mạch hầu thuốc nhé...
Rồi đứng dậy, sửa áo mũ, Quận Huy còn ngoái lại nói đùa:
- Ông mà chữa cho Chúa thượng khỏi, thì ta cho người võng lọng đưa ông đi du ngoạn hàng năm cũng được.
Quận Huy đi rồi, Hải Thượng Lãn Ông bắt đầu ngẫm nghĩ:
- Thế mói biết hàng đống thái y bên mình Chúa, mà chẳng ai đáng mặt thầy thuốc. Bệnh không chuyển mói triệu mình vào. Mong sao cảm gió còn dễ quay trở, chỉ e lâu ngày kiêng kỵ, Tuyên Phi lại đẹp hớp hồn, dính vào bệnh phạm phòng, thì thật khó cứu...
Quận Huy vào chầu Chúa thăm thẳm không thấy ra... Hải Thượng Lãn Ông không hiểu mô tê ra sao, đành cứ chầu chực, không dám bỏ đi đâu, trong lòng vừa chán vừa bực, không dám nói ra, càng nghĩ càng thấy rằng, dù có được đứng đầu Thái y viện ở đây, cũng chẳng bằng về cái xó Hương Sơn, non xanh nước biếc, chữa bệnh cho những gia đình dân giã.
Gần tố, Quận Huy mới thấy ló mặt ra. Ông ta nói:
- Cụ chờ lâu hẳn sốt ruột. Nhưng tôi không làm sao thoát ra được. Chúa thượng suốt buổi hôm nay vật vã chân tay, cáu kỉnh, lại nóng âm, có lúc mê đi rất lâu... Tuyên Phi không muốn cho thầy thuốc vào chầu ráng đợi ở đây, sáng mai vào hầu mạch vậy!
Hải Thượng Lãn Ông nói:
- Tôi được triệu gấp, đi cả ngày hôm qua, sáng sớm qua đò, tuổi lại cao, xin quan chánh đường cho về nhà nghỉ ngơi qua đêm nay, sáng mai xin vào hầu thuốc sớm.
Quận Huy hôm ấy lại vào hầu thuốc suốt đêm. Đặng Thị Huệ lo lắm. Bệnh của Trịnh Sâm, tưởng chỉ bình thường hoá ra quá nặng. Từ sáng tới giờ, Chúa không dậy nổi, nằm mê mệt. Bữa trước, Chúa đứng ở mũi thuyền lâu, tươi tỉnh nói cười thoải mái, và bữa nay mê man, lịt mịt, bệnh tật hành hạ, đến nỗi đầu óc mụ mẫm, sốt nóng triền miên, chân lạnh bụng lạnh, ngực và đầu lại nóng, chạm tay vào như sờ vào hòn than.
Nghỉ một đêm, dậy sớm pha ấm trà nóng, ra quán xôi, ăn một bát thật ngon, sở thích của Hải Thượng Lãn Ông chỉ có thế. Hải Thượng Lãn Ông lên kiệu vội vã vào phủ Chúa, rợ rằng đến chậm, sẽ bị quở trách.
Trên đường gặp hai ba người đi ngược lại truyền vào hầu thuốc. Phu cáng phải chạy gấp lên, gặp ai cũng mặc. Có người không tránh kịp bị xô bật sang một vệ đường. Đến cửa phủ Chúa, Lãn Ông vội vã xuống cáng đi vào. Quận Huy đứng ở thềm, mặt mày phờ phạc vì thức đêm, nét lo toan gần như cũng nhiều hơn buổi tối hôm trước. Ông ta nói:
- Cụ chờ đây. Ta vào bẩm Chúa trước đã nhé!
Quận Huy vào một lúc thì thấy Trạch Trung Hầu ra, cúi đầu chào rồi nói:
- Mời cụ vào ngay cho.
Thạch Trung Hầu đi trước, Lãn Ông chăm chú theo sau. Hai người đi qua một hành lang ngắn đến một ngôi nhà cao. Lên mấy bậc thềm, đi qua gian trước thì đến phòng ngủ của Chúa Trịnh, Thạch Trung Hầu ngoái lại, nắm lấy tay áo của Hải Thượng Lãn Ông. Hình như ông ta sợ ông-già-lười lại ngó nghiêng, không chịu vào ngay. Hai người qua mấy lần trướng màn bùng nhùng, đến lúc đứng trước một chiếc sập vàng, có treo màn lụa hồng, mặt trước màn là bức trướng kim tuyến và mới phủ lên. Quận Huy và một viên tham tụng đứng hầu ở bên trái sập ngụ. Phía sau giường ngự là một bức tường gấm nhung đỏ lớn. Phía trong có tiếng thì thào, lại thấy bức trướng rùng rùng nhẹ, như có người qua lại chạm phải. Lãn Ông chắc rằng, các bà phi, cung tần thấy thầy thuốc đến đều tránh vào đây. Trước sập Chúa ngự, trên một chiếc đôn lớn, đặt một giá nến lớn bằng đồng, trên thắp một ngọn nến hồng cực lớn, ánh sáng soi rõ cả căn phòng.
Thạch Trung Hầu dẫn Lãn Ông tới, đứng sang bên phải sập hầu Chúa. Lãn Ông đứng cách sập hơn mười bước, định sụp lạy thì quan Chánh đường truyền lệnh:
- Cho miễn lạy.
Chúa Trịnh nằm trên võng, từ sáng đến giờ xem ra khoẻ hơn. Chúa đã tỉnh, sốt cũng lui, người đã ăn được một bát yến...
Chúa nằm trên sập đưa tay ra cho Lãn Ông bắt mạch. Trịnh Sâm nhìn vào mặt Lê Hữu Trác rồi nói:
- Ta trông vẻ mặt ông giống mặt quan Thượng thư bộ Lễ Lê Hữu Kiều xưa đấy! Thì ra cũng là nhà dòng dõi...
Quận Huy nói:
- Mời cụ vào hầu mạch.
Hải Thượng Lãn Ông chắp tay, cúi mình lễ phép vòng qua trái bước tới. Viên tham tụng mời Lãn Ông ngồi. Đầu ghế bên kia là Quận Huy. Lãn Ông ngồi vào giữa, chỉnh đốn tư thế. Trịnh Sâm đặt tay lên chiếc gối gấm, nói:
- Các ông hãy cùng thầy thuốc họ Lê xem mạch đi.
Quận Huy hiểu ý liền ngồi xích lên. Viên tham tụng ngồi lui ra, Lãn Ông cũng nhích người theo. Quận Huy xem mạch xong, thì bảo:
- Cụ hầu mạch đi.
Lãn Ông cầm tay Trịnh Sâm đặt vào gối gấm, tay phải đặt lên cổ tay Chúa, ngón giữa và ngón cạnh đặt vào mạch lắng nghe. Có lúc ngón tay nâng lên, đặt xuống để xem mạch lúc mạnh lúc yếu cho tường tận thêm... khi đã thấy chấn mạch đủ để đoán bệnh rồi, thì buông tay ra, định đứng dậy, nào ngờ viên tham tụng lại nhích tới, lại tiếp tục hầu mạch cho Chúa.
Lãn Ông thầm hiểu, thì ra, mạch của Chúa phải có hai đại thần, cùng biết qua y lý, cùng xem để định liệu thuốc men...
Mấy người ngồi lui ra chiếc ghế sau. Lãn Ông vẫn cúi đầu khiêm cung. Quận Huy liền bảo:
- Cụ thấy thế nào, cứ thưa hết với Chúa thượng, để còn định các vị thuốc.
Lãn Ông nói:
- Thần Lãn Ông, được hầu mạch Chúa thượng, xin được tâu bầy: hai mạch quan, thốn hai bên tay phải, tay trái đều nổi rất to, mạch căng và nhanh. Mạch đỏ bên trái (tả xích) thì trầm, nhanh; mạch đỏ bên tay phải (hữu xích) thì lại phồng nổi, nhanh, ấn mạnh thì thấy yếu ớt.
Trịnh Sâm hỏi ngắt quãng, chứng tỏ đã trống hơi:
- Hai ông thấy thầy thuốc nói thế nào?
Quận Huy thưa:
- Thần thấy thầy thuốc họ Lê nói đúng, nhưng cảm thấy khác một chút, là mạch không căng lắm.
Quan tham tụng nói:
- Bẩm thần cũng thấy thế.
Chúa cười:
- Hai ông làm sao tinh tường bằng thầy thuốc được. Mời thầy Lê cơm nước chu đáo cho ta...
Lãn Ông lui ra, lặng lẽ kê đơn thuốc cho Trịnh Sâm. Bỗng Quận Huy lại đến.
Lãn Ông hơi cau mày khó chịu, rồi nét mày cũng giãn ra, theo tính nhu nhược của lão già cầu an. Lãn Ông nghĩ: Cái thằng Quận Huy này chẳng trách Chúa tin cũng là phải. Nó biết hầu hạ người đáng hầu hạ, qụy lụy người đáng qụy lụy, hầu Chúa hết lòng hơn cả con trai, vợ yêu... Song Lãn Ông cũng không cho là Quận Huy quá xấu như những sĩ phu Bắc Hà vẫn thường dè bỉu về ông ta.
Lãn Ông tin rằng, Quận Huy vẫn là người trọng sự chân thật và tình nghĩa. Quận Huy đến bên cạnh Lãn Ông kể lể hết cội nguồn gốc gác của bệnh của Chúa. Lãn Ông nghĩ:
- Phò Vua, phò Chúa phải như gã Quận Công này thì mới được tin cậy đến trèo lên đầu lên cổ trăm quan được.
Thấy Lãn Ông chưa nói gì, Quận Huy nói:
- Bệnh tình Chúa thượng thế nào?
Lãn Ông nói:
- Xin cứ cho uống thử thang thuốc này đã, sau xin được nói.
Rồi Lãn Ông ngồi kê đơn:
Thục địa: 5 lạng
Sơn dược: 3 lạng, tẩm nước cơm (sao 3 lần)
Sơn thù: 2 lạng (bỏ hạt, cho vào rượu nấu)
Mẫu đơn: 1 lạng năm đồng cân (sao)
Bạch phục linh: một lạng năm đồng cân (tẩm sữa)
Mạch môn: một lạng hai đồng cân
Ngũ vị: 8 đồng cân (để sống)
Phụ tử chế rồi: 5 đồng cân (kiêng lửa)
Tất cả các vị cho vào ấm đất sắc thật đặc, cho thêm hai lạng cao Lộc Nhung, một lạng củ ký, hoà đều, lại trộn bột quế lõi, đậy kín. Một lần Ngự dùng một thìa con hoà với nước sâm đặc.
Dưới lại viết câu:!!!“Thần, Hộ Phiên Câu Kê Lê Hữu Trác cẩn tấu”.
Quận Huy xem đơn nói:
- Thang thuốc này trị giá hàng trăm lạng bạc, ông cắt thuốc khác hẳn những thầy thuốc mà Chúa đã cho hầu hạ bao năm nay, thế là thế nào?
Lãn Ông nói:
- Ông có chịu nghe tôi nói không. Trước bệnh nhân với thầy thuốc thì thiên tử hay lê dân cũng chỉ là con bệnh. Khi đã quyết đoán được bệnh thì phải quyết đoán kê đơn, bốc thuốc.
- Ông thử kể bệnh không giấu giếm một chút nào ta xem nào, để ta còn liệu định.
Lãn Ông ngần ngừ một lúc, mặt trầm lại thưa:
- Tôi thấy quan Chánh đường hết lòng vì Chúa, nên cũng xin thú thực. Tôi chẩn bệnh thấy mình Chúa gầy rộc, da dẻ khô, nước tiểu vàng đục, đại tiện sẻn, bụng đầy, ợ hơi. Trong người thường âm dương quan cách, nóng bốc lên từng cơn, miệng khát, lưỡi dộp, ho mất tiếng... Những chứng bệnh này đều do tính huyết khô kiệt, mạch lại quá gấp chứng tỏ tim yếu. Tôi e rằng vị khí quá suy yếu... Chỉ còn chút hi vọng.
Quận Huy sốt ruột gặng hỏi:
- Ông nói tiếp đi!
- Tôi nghĩ rằng các thầy thuốc khi được vào cung, đều muốn Chúa tin, do đó, hay dùng thuốc công phá bệnh ngay, khiến Chúa thành nơi họ tung hoành trận mạc. Do thế mà thân thể hao kiệt, may mà Chúa còn là bậc thiên tử, thân thể vốn được nuôi dưỡng từ bé, chứ không thì không cứ nổi đến bây giờ.
Quận Huy vốn là người thông minh nghĩ ra ngay, liền bảo:
- Quả là đúng như lời ông nói. Trong cái đám quan thái y này, người thầy thuốc giỏi thì ít mà bọn hám lợi thì nhiều. Chỉ hiềm ta tiến cử ông quá muộn. Song trong đời ta, ta chưa thấy ai cắt thang thuốc bạo dạn, mà đắt đến chừng ấy.
Lãn Ông bình tĩnh cười nói:
- Thì là thuốc của vị Chúa tể đứng đầu thiên hạ kia mà.
Quận Huy nói:
- Cung cách của ông giống hồi ta làm tướng ở Nghệ An, phải tự tin và quyết đoán ở việc của mình làm, như thế công việc mới có hiệu quả.
Quận Huy đem đơn thuốc vào cho Chúa Trịnh xem, đến quá ngọ, Lãn Ông lại được gọi vào hầu mạch. Quận Huy và viên quan tham tụng vẫn được ngồi hầu cùng xem mạch. Thạch Trung Hầu thì hầu hạ phục dịch Chúa. Trịnh Sâm để Hải Thượng Lãn Ông xem mạch xong liền hỏi:
- Ông nói mạch của ta nhanh, sao lại còn dùng quế phụ?
Lãn Ông thưa:
- Bẩm Chúa thượng, thần thấy mạch nhanh, là do những cơn nóng giả từ phế gây ra, chứ tỳ thận thực ra lại hàn, do đó dâng bài thuốc có quế phụ là ổn đáng.
Chúa hỏi:
- Ta thấy nóng ngực, sao bụng lại đầy không tiêu hoá được?
Lãn Ông nói:
- Tâu, sách thuốc có nói: xem mạch mà thấy hiện tượng hoả nổi ngoài da, da dẻ nóng âm, thì chỉ là nóng “giả”. Bên trong lạnh mà gây ra nóng ở ngoài vậy thôi. Bởi “vị” lạnh nên ăn không tiêu bụng đầy chính là trên nóng dưới lạnh, sách gọi là trên thực dưới hư?
Chúa lại hỏi:
- Thế nước tiểu vàng, tức là nóng, ông lại bảo bên trong lạnh là làm sao.
Lãn Ông thưa, giọng chắc chắn:
- Tâu, sách thuốc Nội Kinh có nói: ở giữa không đủ sức điều hoà, thận chính là phần giữa vậy, chính vì vậy mà tiểu tiện khác thường, chính là do từ tỳ vị lạnh mà ảnh hưởng tới.
Chúa Trịnh nói:
- Ông thầy thuốc đã nói thế, thì cứ chế một thang, uống thử xem sao!
Quận Huy tâu:
- Thần tin là Quan Hộ Phiên Câu Kê đã hết lòng và bài thuốc là thoả đáng.
Lãn Ông trở ra, người mệt lử. Ông càng thấy đắm mình chữa bệnh cho vương hầu, vua chúa, chỉ chuốc lấy những phiền hà rắc rối vào thân. Người thường chữa bệnh, đón đúng thầy, đúng thuốc thì chỉ hết lòng tin theo thôi, như thế thì bệnh mới chuyển biến nhanh chóng được, có đâu lại vặn vẹo từng ly từng tý thế. Mà Quận Huy và viên tham tụng kia, có thể giỏi việc điều hành chính sự, nhưng y lý thì đâu là thầy thuốc giỏi mà Chúa lại nghe hơn cả mình.
Khi tiễn ra quán đợi, Quận Huy lại còn tỏ vẻ chưa tin, chắc là ông ta lại lấn bấn về những câu vặn hỏi của Chúa với Lãn Ông. Ông ta nói:
- Mạch đã to, nhanh lại dùng quế, chẳng là phụ thêm cho cơn nóng ở trong người. Tôi e không phải là “nóng giả” như cụ nói đâu, kiên quyết đến thế, kể cũng đáng ngại!
Viên tham tụng cũng tỏ ra hiểu biết hùa theo:
- Cách của cụ, khác gì lửa cháy đổ thêm dầu.
Hải Thượng Lãn Ông hơi khó chịu, nhíu lông mày nói:
- Tôi dẫu chỉ là gã thầy thuốc ở tít nơi cùng trời cuối đất, nhưng cũng biết trách nhiệm trước một bậc Vương giả. Hoạ phúc đều ở trong một thang thuốc. Nếu tính toán không kỹ càng, thì cái thân già chưa chắc về nổi quê cũ đất Hương Sơn. Xin hai vị đại thần cứ yên tâm, tôi xem hết các đơn thuốc thấy trước chữa cho Chúa thượng toàn dùng vị mát mà không chuyển, tức là chẩn đoán chưa đúng bệnh, thấy nóng mà dùng mát, thế thôi. Tôi cho rằng tỳ thận là hai nơi tạo ra cái nóng bị lạnh, nên dùng quế phụ để hỗ trợ cho các thứ bổ khác. Nóng đây là sắc ấm của dưỡng chất, chứ đâu phải là nóng của quế!
Quận Huy thấy mình chưa hiểu hết cái tính thâm của đơn thuốc, nhưng vẫn ra vẻ là người hiểu biết, liền nói:
- Ta cũng thử thêm xem cụ có kiên quyết không thôi. Vậy bây giờ hãy cứ bốc thuốc đi...
Hải Thượng Lãn Ông đem đơn tự đến cân thuốc. Ông già vừa cân vừa xuýt xoa ước ao, nếu mình được cái chỗ thuốc này mà cứu bệnh cho đám người dân giã thì hay biết mấy. Hai vị đại thần ngồi kèm bên Lãn Ông, nhìn vào từng mã cân tiểu ly, cho đến lúc cân hết cả thang thuốc mới đứng dậy. Thuốc được đem cho mấy viên nội sai, chỉ chuyên ngồi bên bếp lò chờ sắc thuốc cho Chúa và Thế tử. Hải Thượng Lãn Ông dặn dò kỹ lưỡng rồi quay về điếm nghỉ để chờ cho thuốc sắc xong.
Vừa đến chỗ nghỉ đã thấy quan hầu của Thái Tôn Thánh Mẫu đến hỏi:
- Thánh mẫu truyền chỉ cho cụ hầu mạch bốc thuốc cho Chúa thượng ra sao thì tâu lên.
Hải Thượng Lãn Ông hơi khó chịu, thấy rằng làm thầy thuốc cho vua chúa rắc rối quá lắm so với làm thầy thuốc cho thường dân. Song, vốn là con nhà quan, ông biết rằng, chỉ một lời nói hớ, cũng đủ mang vạ vào thân, nên ôn tồn thưa:
- Tôi vừa cắt thuốc cho Chúa thượng, chưa thể tâu trước được. Nhờ người về bẩm với Thái Tôn Thánh mẫu đợi cho Chúa dùng xong một thang thuốc này mới bẩm rõ được.
Thấy ngồi chờ ở đây còn phải hỏi han nhiều thứ, Lãn Ông liền cáo quan Chánh đường lui về nhà nghỉ. Quận Huy nói:
- Sớm mai, ông phải có mặt ở đây chờ mệnh đấy!
Mờ đất hôm sau Lãn Ông đã có mặt. Ông ngủ một giấc ngon lành, người tỉnh táo hơn trước. Tuy đến rất sớm, Lãn Ông được triệu ngay vào. Tự dưng ông đâm ra hồi hộp. Ông rất mừng thấy Chúa đã ngồi dậy được, thần thái hơn hẳn hôm qua. Chúa nhìn ông có vẻ thân mật, đưa tay ngay cho xem mạch, còn nói đùa:
- Thầy thuốc hôm nay hầu mạch hơi sớm phải không?
- Dạ, đó là vinh dự lớn của hạ thần!
- Ở quê Châu Hoan của ông, chắc các con bệnh trọng vọng ông lắm nhỉ, làm gì phải thức khuya dậy sớm thế này!
- Dạ, đó là nghề nghiệp của thầy thuốc, lúc nào bệnh khoan thì mới khoan được, lúc nào khẩn cấp thì dẫu chỉ là một đứa trẻ nghèo, cũng không dám trễ nải.
Chúa nghe cảm động khen:
- Ông thật là một lương y. Ta uống thang thuốc của ông đêm qua thấy dễ chịu, bụng đã tiêu không đầy, thấy muốn ăn!
Lãn Ông thưa:
- Thần nghĩ, Chúa thượng nên dùng một chút cơm nóng với chút canh nấm, nếu ăn thấy ngon miệng là tốt. Thần xin cắt thêm một thang nữa sắc theo lối thần cao, đợi khi Chúa thượng thuần sắc, thì xin hầu cả những thức ăn dân giã, sơn cước để phối hợp, thì bây giờ chắc là sẽ thấy muốn ăn giả bữa luôn.
Chúa thấy Lãn Ông rất thật thà, liền cười và gật đầu...
Chú thích:
(1) Quận Huy gọi nịnh