Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Chương 10
C
on mệt lắm hay sao? Ba đã bảo con đừng có đi cơ mà.
- Không, con có mệt đâu.
- Sao trông con uể oải như thế.
Khánh Ngọc quất ngựa cho chạy lên mười bước, rồi quay lại tươi cười:
- Ba trông con có uể oải đâu nào. Có anh François uể oải thì có.
- Tôi mệt thật, giá bây giờ có chỗ nào để nằm ngủ một giấc thì sung sướng ghê.
Khánh Ngọc giơ roi, quất vào mông ngựa của Giáp:
- Này ngủ!
Con ngựa đau, chạy lồng lên va phải một tên lính dõng:
- Marie cứ nghịch tinh thế, nhỡ lao xuống dốc thì khốn!
Khánh Ngọc cười sằng sặc:
- Thì anh lại nằm sóng sượt như ở dốc Khấu Chẩn.
Ông Nam Long thấy con cười, sung sướng:
- Thế mà con gái ba khỏe đáo để cơ đấy.
Cầm roi trỏ bọn thư ký và cai, ai ai cũng mặt mũi bơ phờ, ngồi gật gù trên mình ngựa:
- Con ba thế mà còn dai sức hơn các ông tướng này cơ đấy.
Khánh Ngọc móc túi lấy một điếu thuốc lá thơm, hút mấy hơi, thở khói lên trời:
- Ba trông, con nhả ra mây.
Sự vui vẻ gượng gạo của Khánh Ngọc không lâu. Mười lăm phút sau, nàng ngồi lầm lầm lì lì trên ngựa, chẳng nhìn gì đến những đồng ruộng như hoa như gấm, chênh chếch ở trên sườn núi.
Ông Nam Long thấy thế lại hỏi:
- Con mệt đấy à? Con có sao không?
Khánh Ngọc như vừa bị lôi khỏi một giấc mộng. Nàng giật mình:
- Không.
Rồi từ đấy, nàng cũng chẳng gượng vui nữa. Nguồn vui của nàng từ khi ở Cơ Cải đi ra, hình như đã bị Trọng Khang đem lên đằng đầu đoàn người ngựa mất rồi. Trọng Khang không ở gần nàng, nàng thấy trong mình buồn buồn làm sao. Đã mấy lần, nàng muốn tiến lên trước, nhưng lần nào, nàng cũng bị ông Nam Long ngăn cản:
- Đây đã đến những con đường nguy hiểm, con phải ở gần ba.
Bao nhiêu phong cảnh, nàng nhìn mà không phân biệt thấy gì hết. Gần đến động Diêm Sinh, nàng đang cúi đầu nghĩ ngợi thì vụt, ở một con đường rẽ, Trọng Khang phi ngựa lại, cách nàng có mấy bước. Nàng giật mình rú lên. Rồi nàng cười.
- Ông làm tôi sợ quá. Ông quay lại có việc gì thế?
- Có một vệ đội và một ông phài-chướng đón cụ ở nhà kia. Tôi lại để báo cho cụ nhà biết. Họ xếp hàng cả ở rìa đường, cạnh gian mà nhà họ đã chọn cho chúng ta. - Cụ nên lên "duyệt binh" qua một tị.
- Duyệt binh cơ à, to chuyện thế?
- Cái con bé hay quá. Để yên cho người ta nói chuyện nào. - Thế cách đây có xa không?
- Hai cây số. Đáng lẽ ông phài-chướng cũng lại chào cụ, nhưng tôi gạt đi. Chúng ta phải đến một cách rất oai vệ để cho họ phải phục. Sự gặp gỡ lúc đầu cũng ảnh hưởng to lắm.
- Ông nghĩ phải. Ông đã rõ phong tục bên này, bây giờ ta phải thế nào?
- Gần đến nơi, cụ và tôi, chúng ta đi lên trước, cho bốn tên người nhà vác súng xếp hàng đôi theo sau.
- Thế không cho tôi đi à?
- Cô và ông Giáp cũng đi chứ. - Họ xếp hàng ở rìa đường. Đến nơi chúng tôi dừng lại, cụ cứ tiến lên, diễu qua mặt họ, họ bồng súng chào, cụ giơ tay chào trả. Rồi cụ vẫy tôi, tôi đến làm thông ngôn. Cụ nói mấy câu ủy lạo họ. Ta nói rộng ra một chút. Nhưng mà nói rộng thế nào, cũng không linh ứng bằng cụ cho họ một trăm bạc. Bọn này họ ở trông nom cho ta mãi đến khi xong việc.
- Được rồi.
- Cụ chỉ giao thiệp với những người bề trên họ, cụ không rõ. Đời những lính và dân đây khổ cực lắm. Họ chỉ thấy biết có đồng tiền.
- Không, tôi đi qua đây một lần, tôi cũng đã hiểu sơ sơ.
Trọng Khang cho gọi bốn tên người nhà lại:
- Các bác nên nhớ sang đến đây, khác hẳn ở bên nước nhà. Cái thanh thế của cụ chủ là một thứ gì to lắm. Ừ ăn mặc quần áo vàng, mũ vàng, lại giày như thế kia chỉ oách hơn lính Tàu nhiều lắm rồi. Các bác phải xếp hàng hai cho đều, và mặt mũi lúc nào cũng phải nghiêm trang kính cẩn nghe không?
- Cái đó ông không cần phải dặn. Bọn này ở với tôi đã lâu, chúng nó biết cả rồi. Có cái con Khánh Ngọc kia kìa. Lúc nào, nó mà thích cười thì đến ở đâu nó cũng cười.
- Chốc nữa, ba duyệt đạo binh tí hon, con cười cho mà xem. Ba với ông Trọng Khang dàn cảnh khiếp quá; cứ nghĩ thế con đã đủ bật phì cười rồi.
Nàng cười lên sằng sặc. Cả bọn cùng cười.
- Thôi, thôi ba xin con.
- Thì cụ cứ để yên. Tôi chỉ sợ lúc ấy, cô không cười được nữa mà thôi.
- À, ông thách tôi có phải không?
- Ai lại thách cô một thứ dở hơi như thế?
Khánh Ngọc cho ngựa đi gần Trọng Khang, rồi khẽ nói:
- Trong cái sự dàn cảnh này, đàn ông các ông chẳng ghê gớm một tí nào.
Trọng Khang cười tủm, quay sang François:
- Chốc nữa gặp lão phài-chướng, tôi sẽ giới thiệu ông một cách đặc biệt.
Giáp chưa nói, thì Khánh Ngọc đã xen vào:
- Ông có giới thiệu cái chỗ anh ấy lên dốc Khấu Chẩn bở mồ hôi tai ra không đấy? À ông cứ nói phài-chướng, phài-chướng nghĩa là gì?
- Chức cũng như quan một. Cô thấy không: ở xứ nhà thì bao giờ chúng ta có được một ông quan một dàn binh đi đón. Cái vinh dự ấy không đáng một chút công bày cảnh hay sao?
Đoàn người ngựa đến cách động Diêm Sinh chừng hai trăm thước thì phài-chướng họ Minh đã cùng một tên vệ binh đi ngựa tới đón.
Đôi bên vái chào, rồi họ Minh đưa ra một chiếc danh thiếp để tự giới thiệu. Ông Nam Long cũng giới thiệu mọi người. Trọng Khang làm thông ngôn. Hai mươi bốn người lính xếp hàng ở bên vệ đường cùng quay mặt vào phía làng. Đó chỉ là mười túp lều tồi tàn làm trên tít ngọn núi. Mọi người đứng lại. Ông Nam Long và họ Minh tiến lên. Một người đội hô. Cả bọn bồng súng. Ông Nam Long tay giơ cạnh vành mũ chào lại rất oai vệ. Trọng Khang hất hàm làm hiệu:
- Sao cô không cười đi?
- Ông này nhớ dai lắm. Kìa, ba tôi vẫy ông.
Trọng Khang thúc ngựa lại. Ông Nam Long gò cương nói mấy câu. Trọng Khang thông ngôn:
- Tôi vì việc nước của các ông mà sang đây, nay quan đốc bản Mai-lin Phố sai các ông đến đây đưa đón tôi thế này, lòng tôi thật là cảm kích khôn cùng. Tôi xin tỏ lòng cám ơn các ông đã vì tôi mà phải khó nhọc.
Họ Minh trả lời ngay:
- Đó là bổn phận của chúng tôi. Ông chủ không cần phải băn khoăn như thế.
- Tôi rất mong rằng nhờ sự trông nom của các ông mà không xảy ra sự gì để công việc có thể mau chóng. Trước khi tôi đi, ông lãnh sự Trung Hoa ở Hà Nội đã nói với tôi rằng tôi có thể tin ở sự che chở của các ông, và tôi sẽ gặp ở đây những người bạn rất tốt. Điều đó thì bây giờ tôi có thể chắc.
Giơ tay vẫy người đội lại gần:
- Đây, ông cầm lấy trăm bạc phân phát cho anh em gọi là để đền chút công khó nhọc. Rồi đây, tôi làm ở trên ấy, chúng ta còn nhiều... tình nghĩa đi lại về sau.
Họ Minh đưa mọi người đến một gian nhà mà thoạt trông, Khánh Ngọc đã giãy nảy:
- Trời ơi, ngủ ở đây ấy à? Thế thì chắc mai tôi phải ốm mà chết.
- Cô nên biết người ta phải quét dọn cả một ngày hôm nay để tiếp đón mình rồi đấy.
- Quét dọn một ngày mà còn thế này? Nếu không quét dọn thì còn bẩn đến thế nào?
- Thì phân trâu, phân bò và phân lợn ngập lên đến gối không còn chỗ nào mà để chân nữa.
- Chà chà! Người Tàu thật chiếm kỷ lục về khoa ở bẩn.
Vừa vào trong nhà được một lát, mọi người đã bị bọ chó và mạt gà đốt ran. Khánh Ngọc gãi luôn tay.
- Thế này thì tôi ngủ làm sao được?
- Thế rồi mà cũng phải quen cả.
- Quen làm sao được?
- Không quen cũng không được, vì từ đây đi đến đâu, cô cũng bị mạt gà và bọ chó đốt. Cô xem tôi, nó có đốt nữa đâu.
- Da ai mà bì với da ông được.
Ba gian nhà trống, tuy đất quét đã sạch sẽ, nhưng vẫn còn nguyên dấu vết của những vùng nước dãi, những phân trâu, bò. Ngay trước cửa những đống phân còn lù lù. Chung quanh nhà, những vũng bùn và gò phân vây bọc. Mái nhà đen nhẫy những mồ hóng. Ruồi nhặng rình rình.
- Ba ơi, căng cái "tăng" ra, chứ đây thì ở làm sao được?
- Căng vào đâu, hở con? Con trông ngoài có chỗ nào là chỗ không lầy lội.
Trọng Khang gọi ông Phó:
- Ông hãy giăng tạm cái giường vải ra ngoài hiên kia cho cô ngả lưng. Rồi ông tẩy uế gian nhà này đi. Cô ra ngoài kia một lát, nửa giờ nữa, cô vào đây, tôi sẽ làm cho gian nhà này ở được cho cô xem. Bây giờ cô đã biết cái mùi phong trần chưa. Đây lại Mai-lin Phố, còn hai ngày nữa, rồi cô còn thấy. Cô bảo dựng "tăng" lên, nhưng nhỡ đêm động đụng, thì làm thế nào. Thà chịu bẩn một tị.
Khánh Ngọc nằm trên ghế vải chỉ một lát là thiếp đi.
Sáu giờ rưỡi, nàng mở mắt đã thấy trong nhà đèn đất đốt sáng trưng. Những cái màn trắng toát đã căng ra. Nàng choàng dậy vào nhà, thấy Trọng Khang đang đẽo một cái gióng gỗ. Ba nàng và François đã mặc quần áo ngủ, ngồi cạnh bàn, uống rượu:
- Con tôi ngủ một giấc ngon nhỉ? Đi rửa mặt mũi tay chân rồi thay quần áo, ăn cơm con.
- Ồ, đã không hôi mấy.
- Rẩy bao nhiêu là crésyl và đốt bao nhiêu là rác mới được thế này đấy.
Khi nàng trang điểm xong xúng xính trong bộ kimono lại bàn vẫn còn thấy Trọng Khang đóng và đẽo.
- Kìa, ông Trọng Khang, không lại uống rượu với chúng tôi.
- Cô cứ dùng trước đi.
- Ông làm gì đấy?
- Tôi còn phải soát lại cửa và cửa sổ. Thôi, thế này thì đêm nay, dù có trăm giặc đến, ta cũng có thể yên như thường. Các người nhà có súng nằm đây. Vệ binh cắt canh nhau, gác ngoài kia. Cô có thể ngủ kỹ.
Khánh Ngọc nhìn quanh nhà, thấy có ba cái giường vải kê song song.
- Thế ông nằm đâu?
- Tôi đấy à? Đâu chẳng được.
- Ông không có giường ư?
- Giá ông Phó không đi theo thì không có. Nhưng ông ấy...
- Thế sao ông chưa cho căng lên? - Ông Phó, sao chưa căng giường lên cho cậu ông?
- Thưa cô, nhà chật quá, chưa biết căng vào chỗ nào.
Khánh Ngọc nhìn khắp nhà:
- Thu những cái giường kia gần lại.
Trọng Khang giơ tay cản:
- Không được. Đêm hôm tôi còn phải dậy luôn. Kê gần đấy, cụ và ông Giáp không ngủ được. Ở nơi đèo heo hút gió này, ngủ say là một điều tối nguy hiểm. Tôi còn phải ra vào luôn để xem lính họ có gác cẩn thận không chứ.
Khánh Ngọc lặng yên. Năm phút sau, Trọng Khang ra, nàng cũng theo ra. Trọng Khang ngồi ghếch chân lên ghế cho ông Phó tháo giày thì nàng đến cạnh:
- Ông không mệt tý nào à?
- Cũng có mệt. Những đến cái trường hợp không thể mệt được thì cũng phải nén nó đi chứ.
Khánh Ngọc mấp máy môi muốn nói câu gì, nhưng không hiểu nàng nghĩ sao, nàng lại không nói. Nàng đứng yên một lát, rồi nàng bảo:
- Ông mau mau vào uống rượu nhé.
Nàng quay đi, rồi lại quay lại:
- Tôi tưởng ông chẳng cần phải vất vả như thế. Cứ để người nhà nó cắt phiên nhau canh gác cũng được rồi. Nếu ba tôi không gặp được ông thì sao?
- À, thế lại khác. Nhưng một khi đã có tôi, tôi muốn rằng mọi điều phải chu đáo. Mình phòng bị đủ lẽ, nhỡ có xảy ra việc gì, mình không còn ân hận nữa.
Giáp ngồi ở trong, thấy Khánh Ngọc ra cũng lại theo ra.
- Marie làm gì đấy? Không vào uống rượu đi, rồi còn ăn cơm chứ.
- Anh cứ uống trước đi. Tôi còn hỏi ông Trọng Khang câu chuyện này.