Số lần đọc/download: 1148 / 33
Cập nhật: 2017-03-31 13:33:31 +0700
Chương 8 - Cuộc Chiến Thắng Mông Cổ Lần Thứ Ba (1287-1288)
Được tin giặc Nguyên định sang xâm lược lần nữa, vua Trần Nhân Tôn (1279-1293), tháng sáu, năm Bính Tuất (1286), có hỏi đức Trần Hưng Đạo rằng: “Thế giặc năm nay ra sao?”. Ngài thưa: “Nước ta thái bình đã lâu, dân không biết đến việc binh. Vì thế, năm trước, người Nguyên vào lấn cướp, hoặc có kẻ xuống hàng, hoặc có người trốn tránh! May nhờ oai linh của tổ tông và thần võ của bệ hạ, quét sạch được bụi trần. Nếu chúng nay lại kéo sang khi quân sĩ ta đã quen việc đánh trận, mà quân địch phần thì ngại đi xa, phần thì chột vì trận bại vong của Lý Hằng và Lý Quán trước (Ất Dậu, 1285), chắc không có chí chiến đấu nữa đâu. Cứ như tôi xem ra, tất thế nào cũng phá vỡ được giặc”.
Hưng Đạo vương bèn đốc suất hết các vương hầu tông thất điều bát quân lính, chế tạo khí giới và chiến thuyền.
Tháng mười năm ấy (Bính Tuất, 1286), điểm duyệt và huấn luyện binh lính đã điều động.
Mông Cổ khởi binh báo thù
Năm Đinh Hợi (1287), Mông Cổ lại dấy quân để báo thù trận thua trước, nhưng lót miệng bằng việc đưa Trần Ích Tắc, một tên phản quốc, giặc phong làm An Nam quốc vương, về nước ta.
Bọn Bình chương Áo Lỗ Xích đem Mông Cổ quân, Hán quân và Vân Nam binh213 ở ba tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quang, cùng Lê binh214 ở bốn châu Nhai, Quỳnh, Đam, Vạn215 luôn với Hải đạo vận lương Vạn hộ Trương Văn Hổ, tất cả ba mươi vạn quân216 đều chịu Thoát Hoan tiết chế.
Mồng ba, tháng chín, quân giặc khởi hành từ tỉnh Ngạc (Hồ Bắc).
Ngày 28 tháng mười, quân Nguyên đến Lai Tân, chia ra từng đạo:
Tham chính Ô Mã Nhi coi quản một vạn tám nghìn (18.000) người; lũ Ô Vị, Trương Ngọc và Lưu Khuê thống suất vài vạn quân, năm trăm thuyền chiến, bảy mươi thuyền vận tải, từ Khâm châu217 tiến phát.
Ngày 11 tháng một, chu sư giặc Nguyên tiến trước khi chúng qua cửa Vạn Ninh, tướng ta là Nhân Đức hầu Trần Da218, đặt quân phục ở Lãng Sơn219, chực đánh chẹn phía sau giặc. Chúng biết trước, ngay đêm ấy, bổ quân vây núi, đến tảng sáng, quân ta bị đánh lui: bên ta vài trăm người chết đuối; vài chục thuyền bị bắt!
Ô Mã Nhi thừa thắng, ruổi đi trước, không đoái đến lương thuyền ở sau, thành thử lương thuyền của giặc mới bị hãm220.
Quân Mông Cổ xâm vào nội địa bên ta
Ngày 13 tháng một năm Đinh Hợi (1287), quân bộ Mông Cổ đến Lộc Châu, chia ra từng đạo:
Hữu thừa Trình Bằng Phi221 và Tham chính Xách La Đáp Nhi do ải Chi Lăng kéo xuống.
Thoát Hoan do ải Khả Lợi tràn vào; Hữu thừa A Bát Xích làm tiên phong, cùng tiến.
Hữu thừa Ái Lỗ cũng từ Vân Nam tiến quân đến Tam Đại giang, đánh nhau với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, bắt được hai tướng ta là Hà Ưởng và Lê Thạch (theo An Nam chí lược, quyển 4, tờ 3b).
Ngày 24 tháng một ấy, ta sai cấm quân giữ cửa Linh Kinh. Hưng Đức hầu Quán đem binh đón đánh giặc. Bắn tên thuốc độc; giặc chết và bị thương rất nhiều! Mông Cổ phải lui đóng ở cửa Vũ Cao.
Ngày hai mươi tám tháng ấy, Phán thủ Thượng vị Nhân Đức hầu Tuyền đem chu sư đánh giặc ở eo biển Da Mỗ: giặc chết đuối nhiều lắm. Nhân Đức hầu Tuyền bắt được bốn mươi tên giặc cùng với thuyền, ngựa và khí giới của chúng, đem cả dâng lên vua Trần (Toàn thư, quyển 5, tờ 52a-b).
Mồng ba tháng chạp ấy, quân bộ Mông Cổ mới đến Tứ thập nguyên.
Thoát Hoan thấy lương bị hãm, bèn sai Ô Mã Nhi đốc thúc quân lính cướp bóc lương hướng của ta để dùng trong quân.
Ngày mười sáu tháng chạp, Minh tự Nguyễn Thức, đem Thánh dực Dũng nghĩa quân tới chỗ đức Trần Hưng Đạo, giữ cửa biển Đại Than222.
Ngày hai mươi ba tháng chạp ấy, Thoát Hoan lại chia quân tiến đánh. Chu sư của Tham chính Phàn Tiếp theo Thoát Hoan đến Bắc Giang223.
Quân ta ngăn sông, chống giữ, nhưng không cản được giặc. Chu sư Mông Cổ vào được sông Cái (sử chép là sông Lô): vua Trần thua quân.
Đánh bật được bọn phản quốc Lê Tắc!
Bấy giờ bọn phản quốc Lê Tắc cũng theo giặc Mông Cổ sang lấn cướp, nhưng vì còn lưu lại ở châu Tư Minh224, nên mới đi sau.
Lê Tắc đưa đường cho bọn Sảnh đô sự Hầu Sư Đạt cùng lũ Vạn hộ họ Đạt, Thiên hộ họ Tiêu, đem năm ngàn quân, từ châu Tư Minh lục tục tiến. Ngày hai mươi tám, tháng chạp, năm Đinh Hợi (1287), chúng phá ải Nội Bàng225, tiến chiếm sông Bằng226: ngoảnh lưng về phía nước mà bày trận.
Quân ta đánh suốt ngày đêm: nhà cửa cháy, tên thuốc độc bắn như mưa... Giặc kiệt sức, đến canh năm thì tan vỡ: Hầu Sư Đạt chết trận. Vài ngàn tên giặc lạc đường, đều bị vây hãm.
Thông thuộc đường lối, Lê Tắc hướng dẫn bọn Vạn hộ họ Đạt, Thiên hộ họ Tiêu, Thiêm sự Nguyễn Lĩnh và Thủ phán Lê Yến. Hắn cắp con trai của tên phản quốc Trần Ích Tắc là Trần Dục, chín tuổi, ngồi trên mình ngựa. Bấy giờ còn có hơn sáu chục tên kỵ binh, bọn Tắc liều chết cố đánh để chạy về nước Bắc.
Lê Yến cưỡi con ngựa yếu, phải tụt lại sau cùng, suýt bị quân ta bắt sống. Tắc liền đổi cho Yến con ngựa khỏe mà Tắc đang cưỡi, rồi ra roi vút ngựa Yến, ruổi vụt lên trên. Phía trước lại bị quân ta hai mặt giáp công: chúng phải nheo nhóc chật vật, suýt chết hàng muôn lần, một ngày phải chạy đến vài trăm dặm, đi từ nửa đêm đến mờ sáng, mới quay về được đến ải Châu Chiêu(?) là đất nhà Nguyên.
Trận cửa Đại Bàng: bắt ba trăm thuyền địch
Ngày hai mươi chín, tháng chạp, năm Đinh Hợi (1287), Thoát Hoan qua sông Cái (sử chép là sông Lô). A Bát Xích theo dọc bờ phía đông sông Cái phá cửa ải Hàm Tử.
Vua Trần lui giữ ải Hải Thị: bị đại binh bên Nguyên đánh phá được.
Ngày 30 tháng chạp, giặc Mông Cổ cả thủy lẫn lục cùng tiến. Quân ta chống không lại. Thoát Hoan sai Hữu thừa Trình Bằng Phi, Tả thừa A Lý và Lưu Giang đem hai vạn quân đánh Vạn Kiếp: chúng đắp rào lũy bằng cây, gỗ ở hai núi Phả Lại và Chí Linh, rồi chia quân chiếm đóng và chứa lương cho đủ. Hai làng Bàng Hà và Ba Điểm đều hàng giặc. Thoát Hoan lại sai Ô Mã Nhi và A Bát Xích hợp binh lại, qua sông Cái, phạm kinh thành Thăng Long (theo An Nam chí lược, quyển 4, tờ 3b-4a; Toàn thư, quyển 5, tờ 52b; Cương mục, quyển 8, tờ 3a).
Mồng bốn, tháng giêng, năm Mậu Tý (1288), Thoát Hoan quay về đồn cũ ở Bắc Giang (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh).
Ô Mã Nhi đánh phá phủ Long Hưng227, khai quật cả Chiêu Lăng là mộ vua Trần Thái, nhưng không xâm phạm đến tử cung228 (Toàn thư, quyển 5, tờ 55a).
Rồi do đường biển, Mã Nhi đi đón lương thuyền Trương Văn Hổ.
Mồng tám, tháng giêng ấy, bên ta hội quân, đánh giặc ở cửa Đại Bàng: bắt được tiễu thuyền229 địch ba trăm chiếc, chém được mười thủ cấp địch. Giặc Mông Cổ chết đuối nhiều.
Trận Vân Đồn: Đánh đắm lương thuyền Trương Văn Hổ
Bấy giờ Trần Khánh Dư làm phó tướng ở Vân Đồn, được đức Hưng Đạo vương ủy thác hết cả mọi việc biên cảnh.
Khi ấy, Ô Mã Nhi đem chu sư ra cửa Đại Bàng đón đoàn thuyền lương do Trương Văn Hổ vận tải, Khánh Dư giao chiến với Ô Mã Nhi, không thắng lợi, suýt bị xiềng đến chỗ Thượng hoàng Thánh Tôn đóng để chịu lỗi.
Khánh Dư tính trước: thuyền giặc đã đi khỏi, thì thuyền lương tất đến sau; bèn thu nhặt tàn quân để đợi giặc. Liền đó, thuyền Văn Hổ quả đến thật (Ngày mười một, tháng giêng, năm Mậu Tý, 1288), Khánh Dư đón đánh230, được đại thắng. Đến cửa Lục231, thuyền giặc Mông Cổ mắc cạn, không đi được, bị quân ta đánh, lương gạo đều đắm cả xuống biển. Ta bắt được quân lương, khí giới rất nhiều. Văn Hổ lén bơi một chiếc thuyền côi, chạy thoát, trốn về Quỳnh Châu thuộc tỉnh Quảng Đông232.
Khánh Dư ruổi thư báo tin thắng trận. Thượng hoàng Thánh Tôn xá cho tội thua trận trước.
“Giặc Nguyên chỉ trông cậy vào lương thảo, khí giới, nay đã bị ta bắt được cả rồi, nếu chúng chưa biết tin ấy, hoặc giả còn lăng xăng nhảy nhót chăng”. Nói thế rồi, Thượng hoàng Thánh Tôn sai thả những phu tù đã bắt được ra cho chúng đến dinh trại quân Nguyên mà báo tin.
Bởi trận thất bại ở cửa Lục ấy, giặc Nguyên thiếu ăn, ngày càng quẫn bách, ai nấy chán nản muốn về, không có tinh thần chiến đấu nữa. Cho nên năm Mậu Tý ấy (1288), trăm họ bên ta không bị đau khổ lắm bằng chuyến giặc Nguyên sang lấn cướp hồi năm Ất Dậu (1285)233.
Giặc cạn lương: tinh thần nao núng
Mồng hai, tháng hai, năm Mậu Tý (1288), vua Trần sai người anh con nhà bác (tụng huynh) là Hưng Ninh vương Trần Cao luôn đến trại Thoát Hoan ước hẹn xin hàng: cố ý “kéo dài”, làm cho quân Nguyên phải già yếu, kiệt sức, nhưng đêm đến, lại sai quân cảm tử đổ ra đánh cướp các dinh trại giặc. (Theo An Nam chí lược, quyển 4).
Thoát Hoan nổi giận, sai Vạn hộ Giải Chấn đốt thành Thăng Long234: cung điện đều cháy rụi. Cho nên đến khi yên hàn, hai vua Trần trở về kinh đô (27, tháng ba, Mậu Tí, 1288), bấy giờ đã là tháng tư năm Mậu Tý (1288), vậy mà chính Thượng hoàng Thánh Tôn hãy còn phải ở tạm tại Thị vệ lang (Toàn thư, quyển 5, tờ 55a).
Sau trận cửa Lục, lương thuyền bị đánh đắm, giặc Mông Cổ từ đấy đã thiếu ăn, lại bị quân ta đêm đêm đột kích: đánh trại, cướp đồn, nên chúng sa vào tình cảnh rất khốn quẫn! Chúng thường phải chia đường đi cướp lương thực. Thần nỗ Tổng quan là Giải Nhược Ngu dâng kế bàn với Thoát Hoan rằng: nên rút quân về, chứ không giữ được.
Thoát Hoan cũng nói: “Đất thì nóng nực, nước thì ẩm thấp, lương thì thiếu, quân thì mệt!”. Hắn bèn hạ lệnh rút quân.
Tướng hiệu trong thủy quân bàn với Thoát Hoan: “Thuyền lương hai lần chở vào đều bị hãm cả. Chi bằng phá hủy thuyền đi, theo đường bộ mà về, là chước cao hơn hết”. Thoát Hoan toan nghe, nhưng tả hữu can ngăn, mới không theo kế ấy nữa.
Tổng phản công
Hưng Đạo vương biết trước rằng giặc Mông Cổ thế nào cũng sắp rút lui, bèn họp tập tán binh được ba mươi vạn235, bố trí cả mặt thủy lẫn mặt bộ để phản công giặc.
Mặt bộ, ngài sai đào các hố đánh bẫy ngựa, đặt quân phục kích, quân truy kích và phá cầu cống những lối quân giặc định rút.
Mặt thủy, ngài sai đóng cọc ở sông Bạch Đằng, trên phủ bè cỏ che kín để chờ đợi giặc.
Mồng ba, tháng ba, Hữu thừa Trình Bằng Phi, Thiêm sảnh Đạt Mộc thống suất quân kỵ, đi đón chu sư Mông Cổ. Qua chợ Đông Hồ nghẽn nước, chúng lại quay về. Chẳng dè cầu cống cũ đều bị quân ta phá hủy cắt đứt, đang chờ để đón đánh giặc.
Hữu thừa Trình Bằng Phi bèn lựa lấy quân cứng mạnh, hộ vệ Thoát Hoan chạy trốn. Khi đến ải Nội Bàng236, chúng bị quân ta họp lại đông nghịt, đánh chặn đường. Vạn hộ Trương Quân, với ba nghìn lính, cố sống cố chết liều đánh, mới chạy thoát được ra khỏi cửa ải. Khi chúng do thám thấy nói quân ta chia giữ ải Nữ Nhi237 và núi Khưu Cấp238 đằng giang đến hơn trăm dặm để chẹn đường về, chúng càng vô cùng sợ hãi, vừa đánh vừa chạy. Quân ta từ trên cao, bắn tên thuốc độc, khiến cho các tướng địch là Trương Ngọc và A Bát Xích đều chết tại trận. Tướng sĩ bên Nguyên phải buộc vết thương, gượng gạo chống cự: xác chết ngổn ngang chồng gối lên nhau!239.
Còn bên ta tướng Phạm Trù và tướng Nguyễn Kỵ đều bị giặc bắt và chém chết (An Nam chí lược, quyển 4, tờ 4b).
Thoát Hoan nghe nói quân ta đào hố đánh bẫy ngựa và đóng giữ cửa ải Nữ Nhi240, bèn sai viên Châu mục châu Tư Minh là Hoàng Kiên dẫn đi đường tắt chạy đến Lộc Châu241, rồi trốn về Tư Minh bảo Áo Lỗ Xích thu thập tàn quân, nheo nhóc kéo nhau về Trung Quốc242.
Trận Bạch Đằng: bắt Ô Mã Nhi
Mồng bảy, tháng ba năm Mậu Tý (1288), chu sư Mông Cổ rút đến Chúc Động; quân ta đổ ra công kích, bị tướng giặc Lưu Khuê đánh lùi: bắt được của ta hai mươi chiếc thuyền.
Mồng tám tháng ba ấy, Ô Mã Nhi đến sông Bạch Đằng.
Hưng Đạo vương nhân lúc triều lên, thả thuyền khiêu chiến, rồi giả cách thua chạy. Giặc tung hết quân ra đuổi theo...
Bấy giờ con nước rút xuống mau chóng. Quân ta trổ sức đánh giặc. Thấy thế nguy cấp, chính Ô Mã Nhi phải cầm đầu toán lương binh, ra nghênh chiến.
Tướng quân Nguyễn Khoái quản lĩnh Thánh dực Nghĩa dũng quân, thúc quân đánh hăng, cả phá được giặc243.
Ngay lúc ấy, hai vua Trần lại đem đại binh đến tung quân ngự doanh ra đánh rất kịch liệt.
Ô Mã Nhi phải thu nhặt những thuyền còn sót để chạy trốn.
Thuyền giặc mắc cọc, đều chìm đắm cả: Quân Nguyên chết vô kể. Nước sông đỏ ngàu. Ta bắt được hơn bốn trăm thuyền địch. Nội minh tự244 Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc245 đem dâng Thượng hoàng Trần Thánh Tôn. Ngài sai dẫn đến thuyền ngự, cho cùng ngồi, ôn tồn nói chuyện, niềm nở rót rượu mời uống246.
Ngày mười bảy tháng ba, năm Mậu Tý (1288), ta sai đem bọn tướng giặc Tích Lệ Cơ Ngọc, Nguyên súy Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoạn, Tham chính Phàn Tiếp, Nguyên súy họ Điền (không rõ tên) và Vạn hộ, Thiên hộ đến dâng ở Chiêu Lăng247 làm lễ hiến tiệp248.
Giết Ô Mã Nhi
Tháng hai, năm Kỷ Sửu, niên hiệu Trùng Hưng thứ năm (1289), ta cho Tòng nghĩa lang Nguyễn Thịnh đưa bọn phu tù nhà Nguyên về nước:
Tích Lê Cơ Ngọc được về trước. Phàn Tiếp phải bệnh, chết, được hỏa táng, rồi cấp ngựa cho vợ cả, vợ lẽ hắn đem nắm tro tàn của hắn về. Các Đầu mục trong quân Nguyên cũng đều được cho về cả.
Duy tên Ô Mã Nhi, trong mấy chuyến sang xâm, đốt nhà, cướp của, giết người rất thảm khốc! Chẳng những khai quật Chiêu Lăng là mộ vua Trần Thái Tôn ở Long Hưng (nay ở làng Thái Đường, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình), mà trong khi hành binh khoảng Đinh Hợi – Mậu Tý (1287-1288), hắn lại rắp tâm định hại vua Trần Nhân Tôn đến kỳ cùng. Chứng cớ ấy thấy rõ trong bức quốc thư hồi tháng mười, năm Mậu Tý (1288) vua Trần Nhân Tôn gửi sang cho vua nước Mông Cổ: “Tham chính (chỉ Ô Mã Nhi) nói với người nước bắn tin cho tôi biết rằng ngươi (chỉ vua Trần Nhân) lên trời thì ta (Ô Mã Nhi tự xưng) cũng lên trời, ngươi xuống đất thì ta cũng xuống đất, ngươi trốn xuống nước thì ta cũng lội xuống nước, ngươi trốn lên núi thì ta cũng trèo lên núi. Rồi trăm khoanh hủy nhục, không sao nói xiết!” (Nam sử tập biên, quyển 2, tờ 19b-20a). Vì thế, vua Trần Nhân Tôn vô cùng căm giận, quyết dùng mật kế của Trần Hưng Đạo mà trừ Ô Mã Nhi.
Ta sai Nội thư gia Hoàng Tá Thốn tiễn Ô Mã Nhi về đường thủy, nhưng dùng những tay giỏi bơi lội để làm thủy thủ trong thuyền. Nhân ban đêm, đục thuyền đánh chìm: Ô Mã Nhi chết đuối.
Rồi ta phải gay go giao thiệp mãi với Mông Cổ về cái chết của Ô Mã Nhi.
Tháng ba, năm Kỷ Sửu (1289), vua Trần gửi cho vua Chí Nguyên bên Mông Cổ một bức thư, trong có nói: “... Tham chính Ô Mã Nhi, theo kỳ đã định, đáng lẽ cũng kế tiếp về sau. Ông ta cho rằng đường đi qua lối Vạn Kiếp, nên xin trước hãy đến chơi nhà Hưng Đạo để sửa soạn hành lý. Chẳng may, đêm đến, thuyền rỉ nước. Tham chính, tầm vóc cao lớn lực lưỡng, khó bề cứu vớt, đến nỗi mới phải chết chìm. Người chở thuyền của tiểu quốc (chỉ nước ta, tiếng nói nhún) vì vớt ông ấy, cũng đến phải chết cả! Thê, thiếp, và tiểu đồng của Tham chính cũng suýt chết đuối, may vì mình mẩy bé nhẹ, nên mới cứu được. Tôi (vua Trần tự xưng) đã sai làm lễ hỏa táng, nhờ công đức Phật siêu độ cho ông ta rồi. Việc đó, chính mắt thiên sứ (sứ giả Mông Cổ) là Lang trung Lý Tư Diễn đã chứng kiến. Nếu có điều gì không kính cẩn, thì còn vợ cả, vợ lẽ của Tham chính ở đấy, che đậy thế nào được?...” (Nam sử lược biên, quyển 2, tờ 24a-b).
Về sau, người Nguyên cũng không vặn hỏi về việc này nữa. (Cương mục, quyển 8, tờ 11a-b).
Chú Thích
212. Xem bản đồ số 3 ở cuối sách.
213. Theo binh chế Mông Cổ, thì Mông Cổ quân là quân lính tuyển ở những người trong Mông Cổ tộc; Hán quân là quân lính tuyển ở những người tại Bắc bộ Trung Quốc, sau khi Mông Cổ đã diệt được Kim; Vân Nam binh là những quân lính tuyển ở tỉnh Vân Nam.
214. Quân lính tuyển ở các đông mán như Lê Man động ở Quảng Đông gọi là Lê binh. Binh chế Mông Cổ có đặt 12 cánh (dực) Lê binh.
215. Đều thuộc Quảng Đông.
216. An Nam chí lượcquyển 4, tờ 3a chép có mười vạn; sử Toàn thư,chép năm mươi vạn; sử Cương mục theo Nguyên sử chép ba mươi vạn.
217. Là Khâm huyện thuộc tỉnh Quảng Đông.
218. Vạn Ninh nay là Hải Ninh Móng Cái. Trần Da chắc là một tướng trong tông thất nhà Trần, đóng giữ mặt biển. Sử Toàn thư,và sử Khâm định không chép việc Trần Da này. Đây theo An Nam chí lược.
219. Có lẽ là một núi ở gần miền Móng Cái ngày nay.
2201. Đây là chuyến vận lương thứ nhất bị ta đánh đắm. Còn chuyến thứ hai vào ngày 11 tháng giêng, năm Mậu Tý (1288) lương thuyền Trương Văn Hổ bị phó tướng Trần Khánh Dư đánh: đắm ở cửa Lục.
221. An Nam chí lược chép là Trình Bằng; Cương mục chép là Trình Bằng Phi.
222. Thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
223. Sau đổi là Kinh Bắc, nay gồm Bắc Giang và Bắc Ninh.
224. Thuộc tỉnh Quảng Tây.
225. Thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay.
226. Thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng ngày nay. Trong An Nam chí lược, quyển 19, tờ 3b chép là Bình Giang.
227. Nay thuộc huyện Hưng Nhân tỉnh Thái Bình.
228. Quan tài nhà vua làm bằng gỗ tử, gọi là “tử cung” (梓宮).
229. Các tỉnh duyên hải bên Trung Quốc bấy giờ đều có tiễu thuyền để thao luyện thủy binh ra biển, đi tuần, bắt giặc cướp.
230. Trong An Nam chí lượcchép: “Trương Văn Hổ thoạt tiên đụng phải quân ta ở cửa An Bang” (thuộc Quảng Yên).
231. Ở phần biển gần Hòn Gai ngày nay. Hán văn trong Toàn thư,và Cương mục chép là “Lục thủy dương”.
232. An Nam chí lược chép: “Thuyền lương bị hãm, Văn Hổ cưỡi một chiếc thuyền côi, chạy về Khâm Châu”. (Là Khâm huyện, thuộc tỉnh Quảng Đông).
233. Đây theo Cương mục, quyển 8, tờ 4a-5b. Còn Toàn thư,quyển 5, tờ 54a-b chép Trương Văn Hổ bị bại vào trận Bạch Đằng, chứ không phải vào trận Vân Đồn: “... Kịp Văn Hổ đến, phụ binh ở hai bên bờ (sông Bạch Đằng) hăng hái đánh: Văn Hổ lại bị thua. Nước thủy triều rút xuống rất gấp. Thuyền lương Trương Văn Hổ mắc vào cọc, đắm chìm gần hết. Người Nguyên chết đuối rất nhiều...” (Quyển 5, tờ 54a-b).
234. Theo An Nam chí lượcquyển 4, tờ 4b, thì nhờ có tả hữu can ngăn, Thoát Hoan mới thôi việc đốt thành; nhưng sử Toàn thư,chép Thượng hoàng Thánh Tôn phải ngự ở Thị vệ lang, là vì cung điện giặc đốt cả.
235. Theo Trung Hoa thông sử, trang 125.
236. Thuộc tỉnh Lạng Sơn.
237. Thuộc Lạng Sơn.
238. Đây thuộc Lạng Sơn.
239. Đây theo sửCương mục, quyển 8, tờ 8a-b. Còn An Nam chí lượcchép: Hữu thừa Trình Bằng bèn hỏi dò những bô lão bị chúng bắt được và đang đêm bắt ép phải dẫn chúng dò đường khác chạy trốn. Khi đại quân Mông Cổ ra khỏi ải Nội Bàng quân ta lại đánh chặn, cắt đứt toán sau của giặc. Vạn hộ Đáp Thích Xích và Lưu Thế Anh đánh lại: quân ta phải chạy...
240. Thuộc Lạng Sơn. Trong An Nam chí lược chép là “Anh Nhi”.
241. Xưa thuộc châu Tư Minh bên Trung Quốc. Đến năm 1426 mới thuộc về ta. Đời Lê, gộp cả Lộc Châu với châu Tây Bình, đặt làm châu Lộc Bình. Nay thuộc Lạng Sơn. (Xem bản đồ số 3).
242. Đây theo An Nam chí lược quyển 4, tờ 4b-5a; Cương mục,quyển 8, tờ 9a. Còn Toàn thư,quyển 5, tờ 54b chép Thoát Hoan và A Thai đem quân về Tư Minh, bị thổ quan Hoàng Nghệ bắt được, đem dâng vua Trần.
243. Toàn thư,quyển 5, tờ 54a-b chép Nguyễn Khoái trong trận này, có bắt được Bình chương Mông Cổ Áo Lỗ Xích.
244. Một tước phong đời Trần.
245. Tên một tướng Mông Cổ. Nhiều sách báo quốc ngữ lầm làm hai người.
246. Toàn thư, quyển 5, tờ 54b.
247. Mộ vua Trần Thái Tôn, ở phủ Long Hưng (nay ở làng Thái Đương thuộc huyện Hưng Nhân, Thái Bình, còn mộ vua Trần và đền thờ những bậc vĩ nhân đời Trần).
248. Toàn thư, quyển 5, tờ 54b.