Cơ hội luôn đến vào lúc bạn không ngờ nhất.

Khuyết danh

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2045 / 25
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7: Mã Lai: Trường Hợp Một Phòng Tuyến Vỡ
hìn chung toàn vùng Đông Nam Á, phòng tuyến Miến-Thái-Việt giăng ngang đã chận phần lớn các đợt di cư ào ạt của người Tàu trong thế kỷ vừa qua. Nhưng trên mặt biển Nam Hải mênh mông đã không có một chướng ngại vật nào giữ chân những đoàn quân xâm lược không võ trang ấy. Kết quả là ngày nay môt nước Tàu thứ ba sau Hoa lục và Đài Loan là Singapore đã chính thức ra đời ngày 9 tháng 8 năm 1965 sau khi tách rời khỏi liên bang Mã Lai.
Một hải đảo Singapore giàu có chưa được coi là đủ! Nắm trọn chủ quyền kinh tế tại liên bang Mã Lai cũng chưa được coi là đủ! Người Tàu vẫn còn đang nỗ lực vận động đoạt nốt quyền chính trị tại liên bang này một cách “hợp pháp”, nghĩa là bằng lá phiếu công dân.
Phương tiện ư? Chính là sự gia tăng dân số gốc Hoa của liên bang. Hiện nay cái đa số của người Mã chỉ còn rất mong manh (47% Mã, 42% Tàu), chẳng bao lâu nữa người địa phương sẽ trở thành thiểu số và mất hẳn chủ quyền như trường hợp Singapore (76% Tàu, 15% Mã). Và lúc ấy, thủ tướng Mã sẽ là một nhân vật họ Lý, họ Tưởng hay họ Mao nào đó. Viễn ảnh ấy đã đưa tới những xáo trộn không nhỏ mà khởi đầu là cuộc chém giết ngoài đường phố giữa Mã thổ dân và Mã gốc Hoa hồi tháng 5 năm 1969.
Tất cả chỉ vì đã không có sự liên kết hữu hiệu giữa các quốc gia Đông Nam Á để lập chung một tuyến đường phòng ngự bền chặt trước cái họa to lớn miền Bắc, Mã Lai đã là một khe hở trong thời trước và là một phòng tuyến vỡ trong thời này!
Chung Quanh Việc Thành Lập Liên Bang Mã Lai Á
Trước khi đề cập đến hiện tượng phân hóa tại Mã Lai, chúng ta hãy duyệt xét lại quá trình thành lập liên bang tại đất này kể từ sau ngày thâu hồi chủ quyền.
Tiếp nối chương 4, phần “Khu vực Mã Lai”, liên bang Mã Lai đã được trao trả độc lập từ tháng 8 năm 1957 sau khi Anh đã thu xếp để chắc chắn các phần tử thân Anh (phe phong kiến Mã) nắm vững chính quyền tại đất này.
Mặc dầu liên bang Mã Lai đã độc lập, nhưng thương cảng Singapore vẫn tiếp tục thuộc Anh. Dù sao lúc đó, Anh cũng chỉ còn kiểm soát về mặt đối ngoại và quốc phòng còn việc nội bộ để cho chính phủ tiểu bang thân Anh tập tành tự quản. Trong việc chuyển quyền giữa Anh và người địa phương, đảng Nhân dân Hành động (People’s Action Party) đã nắm được trọn quyền hành pháp cũng như lập pháp, nhất là sau bầu cử 1959. Cơ chế Singapore cũng tương tự như Mã Lai. Đứng đầu tiểu bang là vị đại diện Hoàng gia Anh mang danh hiệu Yang di-pertuan Negara, còn thực quyền chính trị ở trong tay thủ tướng. Về vấn đề an ninh, tiểu bang có Hội đồng An ninh Quốc nội gồm 3 ủy viên của tiểu bang, 3 ủy viên Anh và một ủy viên của liên bang Mã Lai (cấp bộ trưởng).
Tại bán đảo Mã Lai, sau khi tình trạng an ninh đã vãn hồi (tình trạng khẩn cấp chấm dứt từ tháng 7 năm 1960), giới lãnh đạo Mã Lai bèn tiến thêm một bước nữa trong việc tổ hợp toàn vùng, đó là ý định thành lập liên bang Mã Lai Á. Vào tháng 5 năm 1961, Tengku Abdul Rahman đã chính thức đề nghị dự kế thành lập tân liên bang sau nhiều năm do dự vì sợ Singapore vào liên bang thì người Tàu sẽ trở nên đa số. Tại Singapore, thủ tướng Lý Quang Diệu là đại diện của khuynh hướng Trung Hoa hóa hoàn toàn Singapore trước rồi mới tính đến Mã Lai sau, nên vẫn thường tỏ ý không tán thành việc kết hợp với Mã Lai. Nhưng khi ấy, sau cuộc bầu cử, đảng Nhân Dân Hành Đ ộng của ông ta đang bị yếu thể rõ rệt trước đảng Xã hội, nên ông ta vội vã hoan nghênh ý kiến của thủ tướng Mã.
Tháng 8 năm 1961, một ủy ban tư vấn Liên Đới Mã Lai Á được thành lập với đại diện của liên bang Mã Lai, Singapore và ba tiểu bang bắc Bornéo (Brunei, Sarawak và Sabah thuộc Anh). Người Anh tán đồng kế hoạch Mã Lai Á; quốc hội Singapore cũng chấp thuận. Tại Sarawak và Sabah các chính đảng được thành lập để tham gia vào sinh hoạt chính trị; những đảng chủ trương gia nhập Mã Lai Á đã thắng phiếu trong cuộc bầu cử 1962. Riêng tại Brunei, Đảng Ra’kyat thành lập từ năm 1956 gồm toàn người Mã Lai, do Enche’ Ahman Boestaman và Burhannudin cầm đầu, đã toàn thắng trong cuộc bầu cử 1962 (16/16). Đảng này chủ trương sáp nhập Sarawak và Sabah vào Brunei cổ. Đảng có khuynh hướng chống người Tàu, được Indonesia và Philippines ủng hộ tinh thần. Tuy thắng lợi trong cuộc bầu cử, nhưng một số lãnh tụ không đủ kiên trì trong cuộc đấu tranh chính trị, đã vội vã gây chính biến bằng võ lực (ngày 8 tháng 12 năm 1962) và đã bị quân đội Anh dẹp tan trong một thời gian ngắn.
Brunei là xứ giàu có nhất trong ba tiểu quốc Bắc Bornéo nhờ mỏ dầu và đồn điền cao su. Tư bản Anh, tư bản Tàu và phong kiến địa phương đã cấu kết giữ xứ này tiếp tục thuộc quyền đô hộ của Anh, không chịu gia nhập liên bang Mã Lai Á.
Sau những sự dàn xếp giữa các thành phần, văn kiện thành lập liên bang Mã Lai Á đã được ký kết tại Luân đôn vào tháng 7 năm 1963 và Mã Lai Á đã chính thức ra đời vào ngày 16 tháng 9 năm 1963 [1].
Sự gia nhập của hai tiểu bang Sabah và Sarawak vào liên bang Mã Lai Á đã gặp sự chống đối của cả hai quốc gia Phi luật tân và Indonesia. Indonesia đã châm lửa chiến tranh trên vùng đất này suốt từ 1963-1965. Sau khi chế độ Sukarno bị sụp đổ, nhà cầm quyền mới của Indonesia từ bỏ hẳn mọi ý định và hành động gây rối trong lãnh thổ Mã Lai Á và hai nước đã ký kết nối lại liên lạc bình thường ngày 11 tháng 8 năm 1966.
Về tổ chức chính quyền, cơ chế tân liên bang cũng dựa theo cơ chế liên bang Mã Lai cũ, nghĩa là đứng đầu quốc gia vẫn là vị Yang di-Pertuan Agong do các tiểu vương thay nhau đảm nhiệm qua cuộc bầu cử. Còn thủ tướng và nhân viên nội các vẫn được chọn trong số những đại diện dân cử thuộc đảng đa số.
Trong những năm đầu của liên bang Mã Lai Á, ngoài tranh chấp vũ trang với Indonesia, mối bận tâm lớn nhất của các nhà lãnh đạo Mã vẫn là vấn đề chủng tộc trong nội bộ. Trước năm 1961, Tengku Abdul Rahman đã lo ngại cán cân chính trị sẽ lệch về phía người Trung Hoa một khi để Singapore gia nhập liên bang. Nhưng sau đã đổi ý vì trên bề mặt kinh tế, sự kết hợp với Singapore rõ ràng có lợi lớn cho bán đảo Mã Lai. Còn về phía Lý Quang Diệu, năm 1961 là năm suy đồi của đảng Nhân dân Hành động, ông ta níu kéo lấy tổ chức liên bang để gây lại uy thế. Cho nên ngay buổi chiều trước ngày lễ ra đời của liên bang (ngày 16 tháng 9 năm 1963), Diệu đã tuyên bố với vẻ thách thức đảng đối lập là Singapore sẽ bầu cử ngay sáu ngày sau đó (ngày 21-9) để tuy dân chúng chọn lại người lãnh đạo tiểu bang. Kết quả cuộc bầu cử: Đảng của Diệu đã chiếm được 37 trong số 51 ghế.
Dần dần lấy lại được uy thế, Diệu bèn trở về với ý hướng cũ là củng cố Singapore trước, nên sau những cuộc thương nghị với Tengku Abdul Rahman, ngày 9 tháng 8 năm 1965, Diệu đã công bố sự tách rời của Singapore ra khỏi liên bang và cùng Rahman giải thích sự tách rời ấy là điều cần thiết để duy trì đa số Mã gốc cho Liên bang.
Để duy trì đa số Mã gốc cho liên bang ư? Nếu đó là điều thành thực thì hành động rút chân của Singapore ra khỏi Liên bang phải được coi như một bước lùi chiến thuật với người Tàu. Không cần vội vã, cái đích tối hậu rồi cũng sẽ tới khi mà chính phần còn lại của Liên bang cũng bị người Tàu tràn ngập một cách hợp pháp cũng như bất hợp pháp.
Di Dân Và Tranh Chấp
Nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua, người Tàu đã xuất hiện ở Mã cũng như các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng những đợt Hoa kiều tính chuyện thường trú ở đất Mã thì mới trong vòng vài chục năm nay.
Vào giữa thế kỷ 19, các toán tiền đạo gồm giới thương mại, khai mỏ đã vượt biển xuống vùng biển Malacca trước. Khi đã thấy hứa địa, họ liền cho người về mộ phu tạo thành phong trào di phu Nam dương (Nan Yang) rộng lớn. Trong thời Anh thuộc, người Anh không những đã không có biện pháp hạn chế người Tàu nhập cư mà ngược lại còn khuyến khích thêm để có nhiều nhân công khai thác đồn điền, hầm mỏ. Mãi đến năm 1930, vì khủng hoảng kinh tế, Anh mới cấm bớt ngoại kiều nhập nội. Tuy nhiên, lệnh cấm đoán đã có một khe hở: lệnh chỉ áp dụng cho Nam giới mà thôi. Người Tàu đã khai thác khe hở này bằng cách đưa phụ nữ Trung Hoa sang.
Nguyên trước 1930, số phụ nữ Hoa kiều ở Mã Lai chỉ bằng phân nửa số nam giới, vì vậy nhiều thanh niên Hoa phải lấy vợ Mã. Tuy áp dụng theo luật cổ truyền là những đứa con lai sẽ được Hoa hóa đến tận chân tơ kẽ tóc, nhưng liên hệ đàng ngoại cũng không phải là không còn chút ít trong những thế hệ trẻ. Hơn nữa, số phụ nữ Mã cũng không có quá thừa để mà cung ứng nổi chỗ trống quan trọng (hàng triệu) ấy. Vì vậy, nhân có sự hạn chế thanh niên, người Tàu bèn nhập cảnh phụ nữ. Tổ chức các gia đình Tàu nhờ đó mà trở nên thăng bằng hơn.
Năm 1940, thành phần dân số các tiểu bang Mã và thuộc địa eo biển được kiểm kê gồm 44% Trung Hoa, 42% Mã, 13% Ấn… Người Tàu nghiễm nhiên đã trở nên sắc dân đa số của toàn vùng và rõ ràng là một mối đe dọa nghiêm trọng cho đời sống người bản xứ.
Tuy vậy, phải đợi tới năm 1942, khi Nhật chiếm Mã, thì tinh thần dân tộc nơi người Mã mới có dịp bùng lên. Người Mã đã đón tiếp quân Nhật một cách cởi mở. Họ trông đợi người Nhật giúp họ đuổi người Tàu ra khỏi xứ. Còn người Tàu thì dĩ nhiên đứng hẳn về phía đồng minh chống lại Nhật. Họ dùng đảng Cộng sản[2] làm nồng cốt, nhận khí giới của Anh và tổ chức du kích chiến trong bán đảo.
Khi nhật đầu hàng, quân Anh ở Ấn độ đã tới Mã trễ hai tuần. Lợi dụng thời gian vô chủ, người Tàu đã tức tốc lập các tòa án nhân dân khắp nơi xử những kẻ hợp tác với Nhật. Phản ứng lại, người Mã cũng tổ chức những toán võ trang khủng bố người Tàu và hô hào dân chúng vùng dậy với khẩu hiệu đất Mã của người Mã. Chiến tranh chủng tộc đã bén ngòi, nhưng chưa kịp bành trướng thì quân Anh đã trở lại và đã dùng biện pháp mạnh để tái lập trật tự.
Khi đã đặt vững chân trở lại Mã Lai, người Anh liền thành lập Liên hiệp Mã Lai. Người Mã đã phản đối mãnh liệt điều khoản mở rộng cửa cho Hoa kiều nhào vô thành công dân thực thụ (ngoại kiều chỉ cần cư ngụ tại Mã 5 năm đến 15 năm là đủ điều kiện trở thành công dân Liên Hiệp Mã Lai). Một tuần lễ thọ tang đã được tổ chức và tiếp theo sau là phong trào bất hợp tác cũng được khơi dậy khắp nơi.
Về phía người Tàu, dù đã nắm được ưu thế về kinh tế, họ vẫn còn nuôi tham vọng nắm được ưu thế chính trị sau này. Tuy cùng ý chí tiến tới đoạt chính quyền nhưng phương cách thực hiện thì lại bị chia ra làm hai phe. Phe hữu khuynh hướng về Singapore với mưu đồ Trung hoa hóa thương cảng này một cách hòa bình trước đã rồi sẽ áp dụng chiến thuật vết dầu loang sau. Phe tả khuynh do các lãnh tụ Cộng sản kháng chiến cầm đầu, vẫn chủ trương đấu tranh cướp chính quyền bằng võ lực theo truyền thống cộng sản. Hai phe tả, hữu có vẻ chống đối nhau trên mặt chiến thuật, nhưng trong hố sâu thẳm của sách lược khuynh đảo Đông Nam Á họ đã thay nhau tiến thoái nhịp nhàng để tránh bị tiêu diệt.
Lần Lượt Ra Quân
Cánh Cộng sản đã ra quân trước vì có sẵn tố chức trong tay. Ngay sau Thế chiến 2, trên nguyên tắc Cộng đảng đã bị giải tán (ngày 1 tháng 12 năm 1945), vũ khí, đạn dược phải nộp cho nhà cầm quyền và mỗi du kích quân trở về đời sống dân sự sẽ được hưởng một số tiền tương đương 350 Mỹ kim. Cộng đảng đã đưa ra những phần tử du kích không quan trọng để lãnh tiền (chừng 6.000 người) và nộp những vũ khí cũ, xấu (chừng 5.000 vũ khí đủ loại), còn thành phần cốt cán vẫn được giữ lại, vũ khí tốt được chôn dấu.
Họ giữ thế nằm vùng để chờ thể chế mới cho Mã Lai do người Anh đưa ra. Nếu Mã Lai trở nên một nước Dân chủ Cộng hòa, giai cấp phong kiến Mã chung quanh vương tộc tại các tiểu bang tan rã, thì người Trung hoa sẽ nhào ra nắm chính quyền bằng lá phiếu, vì họ đa số. Còn nếu tình trạng không thay đổi họ sẽ dùng võ lực chống lại cả người Anh lẫn phong kiến Mã để đoạt quyền chính trị.
Hai năm 46-47 là thời kỳ bồi dưỡng bộ đội bí mật và tranh đấu công khai dưới hình thức tổ chức nghiệp đoàn Hoa kiểu để chờ đợi. Ngày 1 tháng 2 năm 1948, người Anh công bố việc thành lập Liên Bang Mã Lai. Các tiểu vương của chín tiểu bang vẫn trị vì các tiểu bang của mình (trừ hai tiểu bang thuộc địa cũ là Penang và Malacca không có tiểu vương). Singapore vẫn là đất thuộc địa riêng ngoài liên bang. Tình thế đã ngã ngũ. Đại hội Cộng đảng ngay sau đó đã quyết định khởi sự võ trang chiến đấu. Những hành động khủng bố, đốt phá xảy ra khắp nơi đã làm cho chính quyền Anh phải công bố tình trạng khẩn cấp khắp liên bang ngày 8 tháng 6 năm 1948.
Tổ chức cộng sản gồm hai bộ phận: quân sự và chính trị. Bộ đội cộng sản tự xưng là Giải Phóng Quân chiến đấu lẩn lút trong rừng rậm và luôn bị quân Anh và 28 ngàn binh Mã săn đuổi [3]. Còn bộ phận chính trị được gọi là phong trào “Dân chúng Vận động” (Min Chung Yuen Thong), mũi giáo nơi tuyến đầu của Đảng, có nhiệm vụ vận động quần chúng đấu tranh hỗ trợ cho Giải Phóng Quân và tiến tới thành lập chính quyền địa phương.
Trong thế chiến tranh cách mạng kiểu cộng sản, hai chân chính trị và quân sự cùng phải trụ vững trên địa bàn hoạt động thì mới tạo được thắng lợi. Trường hợp Mã Lai rõ ràng là cuộc khởi loạn có tính chất đấu tranh chủng tộc [4], mà dân miền núi cũng như miền quê ở đồng bằng hầu hết đều là người Mã (đa số người Trung Hoa tụ tập ở thành thị) nên chân chính trị đã chới với vì thái độ bất hợp tác. Không đặt được cơ sở trong dân chúng thì hoạt động quân sự (du kích) không thể bành trướng. Giải Phóng Quân cứ quanh quẩn trong rừng rậm và bị tiêu mòn dần.
Khi chính người Tàu đã nhìn thấy sự thất bại tất nhiên của lá bài cộng sản trong cái thế “cá sông vùng vẫy trong nước mặn”, thì họ lập tức nghĩ ngay tới lá bài khác để thay thế. Năm 1952, nhân có bầu cử các hội đồng thành phố, họ liền biến “Hiệp Hội Mã Lai Gốc Hoa”, nguyên là một tổ chức được lập ra từ 1949 để hoạt động xã hội, thành một chính đảng và liên kết với “ Tổ Chức Mã Lai Thống Nhất (UMNO) của Tengku Abdul Rahman trong việc ứng cử.
Sở dĩ có sự liên minh ấy là vì những phần tử Trung hoa thiên hữu vẫn nhằm vào việc kiểm soát Singapore trước, còn tại liên bang Mã Lai thì chỉ cần nắm chắc ưu thế về kinh tế, quyền chính trị tạm nhường cho người Mã nhưng cũng cần kèm sát cạnh kẻ cầm quyền – đi với đối tượng tranh chấp để chế ngự đối tượng! Hiệp hội Mã Lai gốc Hoa đã vung tiền ra cho “Đảng Liên Minh” vận động tranh cử nên đã đạt được thắng lợi lớn trước “Đảng Độc Lập Mã Lai”[5] trong các cuộc bầu cử địa phương 1952-1953. Tới cuộc bầu cử Quốc hội 1955, Liên minh (khi ấy có thêm đảng Mã Lai gốc Ấn gia nhập) đã toàn thắng với 51/52 ghế. Từ đó, Liên minh trở nên đảng cầm quyền và đã giữ vững vị thế suốt 14 năm trải qua thời kỳ liên bang Mã Lai tới thời kỳ Mã Lai Á ngày nay.
Tình trạng bề ngoài của Mã Lai Á vẫn là: người Tàu nắm kinh tế, người Mã nắm chính trị. Thực ra ưu thế về kinh tế của người Tàu là điều không cần luận bàn, nhưng ưu thế về chính trị của người Mã chỉ là một thứ ưu thế hết sức tương đối. Vì đường lối quốc gia cũng chính là đường lối của Liên minh, một đường lối trước khi đặt ra đã phải được sự chấp thuận của thành phần Hiệp hội Mã Lai gốc Hoa trong nội bộ Đảng. Ấy là chưa kể đến sự lũng đoạn bên trong, như một vài quan sát viên Tây phương đã quả quyết: một số lãnh tụ gốc Mã của Đảng đã bị các đồng chí gốc Hoa mua đứt!
Trong thời kỳ gần đây, nhóm gốc Hoa thiên tả lại bắt đầu tính chuyện thay chân nhóm thiên hữu trên chính trường. Đảng Hành Động Dân Chủ là một cơ quan qui tụ những bộ mặt mới của người Tàu. Cuộc bầu cử 1969 cho thấy kết quả xuống dốc của đảng Liên minh. Liên minh chỉ còn một đa số hết sức mong manh: 78/144 ghế. Các dân biểu gốc Hoa trong Liên minh đã tự ý rút lui khỏi chính phủ để mặc cho Tổ Chức Quốc Gia Mã Lai Thống Nhất lúng túng trong cuộc khủng hoảng nội các. Đảng Hành động Dân chủ đòi hỏi chỗ đứng trong chính phủ. Những phần tử quá khích trong Tổ Chức Quốc Gia Mã Lai Thống Nhất thì lại đòi thủ tướng Abdul Rahman hãy từ chức để Đảng có thể thành lập một chính phủ toàn người Mã và loại bỏ người Trung Hoa ra khỏi các địa vị trọng yếu trong chính quyền.
Tranh chấp chủng tộc vẫn ngấm ngầm, nay được dịp phát hiện. Hàng vạn người Trung Hoa và Mã Lai đã ùa ra đường phố Kuala Lumpur, Penang, Selanger chém giết nhau. Trung tâm thủ đô cháy ngút trời. Các cửa tiệm, xe cộ, cơ sở chính phủ bị đập phá, thiêu hủy. Chính phủ đã phải dùng cảnh sát và quân đội can thiệp mạnh mẽ. Chỉ trong vài ngày vào trung tuần tháng 5-1969, thủ đô Kuala Lumpur đã có hàng ngàn người thương vong. Tình trạng khẩn trương đã được ban bố; các thành phố lớn bị giới nghiêm 24/24; báo chí bị tạm đình bản; quốc hội ngưng hoạt động. Việc tái lập trật tự được trao phó cho một Hội đồng đặc nhiệm.
Sau nhiều tháng chấn chỉnh, tình trạng xáo trộn đã được giải quyết tạm thời. Nhưng, thảm cảnh mới chỉ chớm bắt đầu, chắc chắn trong tương lai sẽ còn nhiều đổ vỡ, nếu không tìm được giải pháp ổn thỏa.
Ghi Chú:
[1] Xin đọc Willard A.Hama, The Formation of Malaysia, New Factor in World Politics American Universities Field Staff, New York 1964.
[2] Đảng Cộng sản Mã là một chính đảng kỳ cựu nhất ở Mã Lai. Nguyên sau thời kỳ cách mạng tư sản ở Hoa lục, Quốc dân đảng có tổ chức được một phân bộ ở Mã Lai. Nhưng tới năm 1927, song hành với hoạt động mạnh của Cộng sản Trung hoa, một số phần tử trong hội đồng cách mạng của Quốc dân đảng phân bộ Mã Lai đã đứng ra thành lập đảng Cộng sản Mã Lai. Lúc đầu Cộng sản Mã chỉ được coi như một chi bộ địa phương của Cộng đảng Trung hoa, mãi tới năm 1930 Nga sô mới chú ý đến và tới 1933 Đông Phương Bộ Đệ Tam Quốc Tế mới công nhận và trợ giúp.
[3] Người Anh đã thất bại trong việc sử dụng cảnh binh Hoa kiều vào việc tiêu trừ Cộng sản. Trong số 10 ngàn cảnh binh Hoa kiều thì hơn 6 ngàn bỏ trốn sang Singapore, hàng ngàn khác trốn về Hoa lục, một số vào rừng theo du kích quân.
[4] Cộng đảng gồm 95% là Trung Hoa, vài phần trăm Ấn, còn người Mã thì quá ít không đáng kể.
[5] Nguyên Dato Onn Bin Ja’afar là lãnh tụ của tổ chức Quốc gia Mã Lai Thống nhất từ ngày thành lập (tháng 3 năm 1946). Ông có ý định lập một tổ chức không phân biệt chủng tộc, nhưng những diễn biến tự nhiên đã đưa đảng ông tới chỗ thuần túy Mã Lai. Ông đã bỏ đảng cũ đứng ra lập đảng mới, tức đảng Độc Lập Mã Lai với mưu tính thu hút cả người Tàu và người Ấn. Ông đac bị thất bại liên tiếp trong các cuộc bầu cử và về sau đảng ông bị tiêu tan, vì người Tàu và người Mã không chịu ngồi chung với nhau dưới hình thức hòa đồng ông vạch ra. Về sau họ đã chấp nhận kiểu liên minh của Abdul Rahman, nghĩa là liên minh trong những quyền lợi chung nhưng chủng tộc nào vẫn giữ nguyên đoàn thể của chủng tộc ấy trong liên minh.
Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh - Phạm Việt Châu Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh