Số lần đọc/download: 4352 / 180
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Chương 10
V
ụ ngô thu hoạch bết bát nên chúng tôi bị thổi “ác-mô-ni-ca” có hai mươi ngày. Hai mươi ngày sáng ngô, trưa ngô, chiều ngô. Răng đã hư vì mày của bo-bo, bao tử đã loét vì mày của bo-bo, bây giờ đến mày ngô vàng, tức là bắp đá. Ngô già luộc cả đêm, cạp muốn rụng răng, nhai muốn lệch quai hàm. Hùng nhí cầm “kèn”, không dám “thổi”. Nó đi xin mì vụn sống cầm hơi đợi thu hoạch vụ khoai. Và vụ khoai trúng lớn. Chúng tôi ăn khoai ròng rã ba tháng. Khoai ăn nóng ruột. Nhưng nhuận tràng. Tù nhân đăng ký… đi cầu tối và sáng sớm. Suốt đêm, đạn tiểu liên chơi ra-phan. Nhuận tràng quen thói hoá tiêu chẩy. Tiêu chẩy biến chứng rất nhanh sang kiết lỵ. Y tế của Sa Ác B chỉ có …Xuyên tâm liên 1. Xuyên tâm liên vô hiệu quả thì bác sĩ Thạch phát thứ thuốc tiêu chẩn uống cầm ngay nhưng táo bón và kiết lỵ thì thuốc chích Emitine lạc hậu đã đầu hàng. Khoai ăn liên miên, tù nhân kiết lỵ hơi nhiều, anh em cứ nhè các đội nông nghiệp mà chửi.
Bác sĩ Thạch kê cái bàn giữa sân trước giờ kẻng báo tập họp lao động. Tù nhân hình sự khai bệnh nằm nhà rất đông. Thời gian này. Sa Ác B có thêm một cán bộ trực trại. Ông thầy này tên Nguyễn Tấn Độ. Thầy Độ da ngăm ngăm đen, mắt trắng dã, rất ưa đinh tù hình sự. Nét độc đáo của thầy Độ là thầy “phản động” nói ngọng. Toàn thể các đồng chí của thầy L hóa N. Riêng thầy N hóa L. Đám tù hình sự khai bệnh nằm nhà phải ngồi dưới gốc cây gần “phòng mạch” của bác sĩ Thạch, đợi thầy tới khám bệnh lại. Thầy xăn tay áo, gỡ đồng hồ. Thầy bắt từng tù nhân hình sự đứng dậy. Chỉ cần bác sĩ Thạch lắc đầu là thầy đinh tù tại chỗ về tội khai bệnh láo. Nhưng bác sĩ Thạch gật đầu lia. Bác sĩ đã cho nghỉ rồi mà. Tù chính trị thoát cảnh tái khám. Ròng rã 15 tháng ở Sa Ác B, tôi chưa hề thấy cai tù đánh đập tù nhân sĩ quan cải tạo, công chức cải tạo và phản động, trong trại và ngoài bãi. Một vài tù nhân phản động bị đánh thì đều thuộc thành phần phản động cà chớn, phản động vượt biên. Vượt biên là tù chính trị. Trung gian vượt biên lại là tù hình sự. Tôi có cảm tưởng cộng sản đã lố bịch hóa cái nghĩa tù chính trị. Cho nên, thế giới đã lắc đầu vì con số 1 triệu tù nhân chính trị sau 1975.
Phải thành thật nói điều này: Cai tù ở trại lao cải không hề chửi bới tù nhân một cách tục tĩu. không hề dùng roi vọt quất tù nhân, bắt tù nhân lao động. Vệ binh ghét tù nhân nào thì gọi tới giáo dục Nội quy.
- Anh cải tạo mấy năm rồi?
- Ba, cán bộ.
- Thuộc Nội quy chưa?
- Thuộc.
- Đọc điều bốn.
-”Trại viên phải triệt để tuân hành mệnh lệnh và chỉ thị của cán bộ”…
-Tốt.
Nó có thuộc nội quy đâu. Mọi điều nó bắt mình đọc, cứ đọc điều một là nó sướng phổng mũi. Đứng đực hay nói không thuộc, sẽ bị nó giáo dục lung tung, giáo dục mỏi chân. Đi lao cải phải thông minh, mồm mép đỡ… học tập. Đi lao cải mà ngu thì vất vả. Thật thà thì lại càng vất vả.
- Anh bảo tuân hành mệnh lệnh cán bộ sao anh không tuân hành mệnh lệnh tôi?
- Cán bộ ra lệnh gì?
- Tôi gọi anh.
-Tôi điếc, cán bộ ơi!
- Thế hả? Thôi thông cảm. Có điếu thuốc lá nào không?
Còn quản giáo có quyền tập họp cả đội mà “lên lớp”:
- Các anh vô lương tâm, thiếu tình cảm gia đình, không chịu cải tạo tiến bộ, ngồi chờ vợ con thăm nuôi.
Đó là về lao động lề mề. Đánh nhau, chửi nhau thì nó “lên lớp”:
- Các anh không thương nhau, ai thương các anh?
Một tù nhân ăn cắp củ khoai, bắp ngô, trái mướp, nó lên lớp:
- Tưởng các anh sĩ quan, trí thức miền Nam là ghê lắm. Các anh cũng ăn cắp. Ăn cắp là xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa.
Sa Ác B không có ai “ăn vụng thịt dưới nhà bếp, ăn tranh phần khoai và cháy của heo” nên tôi không hiểu cai tù sẽ “lên lớp” nhục nhã chừng nào.
Tuyệt nhiên, cai tù cộng sản không “đù cha, đéo mẹ” tù nhân lao cải, không “mày tao” và không xử dụng ngôn ngữ mất dậy để mắng mỏ tù nhân.
Thầy trực trại Nguyễn Tấn Độ mềm dẻo với tù chính trị bao nhiêu thì cứng rắn với tù hình sự bấy nhiêu. Nhưng thầy không thể cứng rắn với đồng chí Amibe vĩ đại “sống mãi trong sự nghiệp” kiết lỵ. Chính thầy đã bị đánh dội ra khi thầy vào nhà kiểm soát nếp sống văn hóa mới. Mùi phân kiết lỵ tanh tưởi. Nhiều tù nhân “con bà phước” kiệt sức không thể lết vào cầu, leo lên bục. Nên hoặc chơi tại chỗ, hoặc chơi dưới sàn nhà. Ruồi nhặng vo ve. Thêm nạn chuột ngày ngao du máng cầu, đêm phiêu lưu chỗ tù nhân ngủ kiếm chác quà thăm nuôi. Chuột đem phân kiết lỵ lên quần áo người! Chúng tôi đã ăn, uống, hít, thở, ngủ bằng dưỡng khí nặng mùi phân kiết lỵ. Không ai chết cả. Thế mới là phép lạ. Con người bị tiêu hao, xoáy mòn thì trông rõ. Sức đề kháng của con người Việt Nam thật kỳ ảo. Bọn Mỹ nằm nhà tù lao cải thì chỉ có chết.
Tuy nhiên, khoai cũng làm khởi sắc nhiều tù nhân hợp khoai. Đám hình sự xì ke, trộm cắp mập mạp trông rõ. Vào thời kỳ “lao động là vinh quang” khoai, tôi nhận được thuốc men, quà cáp của nhóm Amnesty International ở Lannion miền Bretagne, Pháp gửi về địa chỉ gia đình tôi. Con tôi thăm tôi cho biết AI đang ráo riết can thiệp cho tôi được trả tự do. Tôi bình tĩnh chờ đợi ngày cộng sản phải thả tôi ra. Cũng vào thời kỳ này, Sa Ác B xuất hiện một “nhân vật” cai tù quan trọng: thầy giáo dục Mai Sơn. Công tác đầu tiên của Mai Sơn là thử tài vẽ của Đằng Giao và Nguyễn văn Thương, giáo sư trường Mỹ thuật. Đằng Giao bị chê vẽ thiếu phẩm chất. Anh ta cố tình bôi bác để khỏi bị vẽ. Nguyễn văn Thương được chấm. Tác phẩm của Nguyễn văn Thương cảm hứng từ khẩu hiệu thi đua: vượt cờ xanh. giành cờ đỏ, bỏ cờ trắng. thắng cờ vàng được thể hiện trên cái paneau to tướng dựng trước mặt tù nhân khi ngồi tập họp lao động. Nó như vầy: Xe cải tiến biểu tượng của cờ xanh, xe vận tải biểu tượng của cờ đỏ, máy bay phản lực biểu tượng của cờ trắng, hỏa tiễn biểu tượng của cờ vàng. Tôi hiểu sự xỏ lá kềnh của Nguyễn văn Thương. Cờ đỏ cộng sản mới chỉ là xe vận tải. Cờ vàng quốc gia mới là hỏa tiễn. Anh Thương đưa ý kiến, Mai Sơn “nhất trí”. Và tù nhân khoái chí.
Công tác thứ hai của Mai Sơn là thực hiện một ngày lao động xã hội chủ nghĩa liên khu ABC mở con đường từ cầu sông Ray ra Long Khánh. Ngày lao động xã hội chủ nghĩa là ngày chủ nhật. Mai Sơn phát động thi đua giữa ba khu ngày đó. Vậy cần tin tức nóng hổi để phát thanh tại chỗ gây khí thế lao động. Nó lập ban văn nghệ khẩn trương, rồi nó gọi Phạm Long và tôi “làm việc” với nó:
- Anh nào là Phạm Long?
- Tôi.
- Anh đã cộng tác với đài phát thanh nào?
- VOF.
- Đài địch hả?
- Đài Tiếng Nói Tự Do.
-Tự do mẹ gì, phản động nặng! Anh làm cái gì?
- Tôi viết tin và đọc.
- Anh nói cách đọc tin của anh cho tôi nghe?
Phạm Long mỉm cười:
- Thì nói như tôi đang nói.
Mai Sơn bĩu môi:
- Thế mà địch nó cũng thuê anh?
Nó quay sang tôi:
- Anh chắc là Duyên Anh rồi?
Tôi đáp:
- Phải.
- Bao nhiêu năm tay nghề báo?
- 15 năm.
- Báo lá cải hả?
- Lá cải.
-Bao nhiêu năm tay nghề tiều thuyết.
- 15 năm.
- Tiểu thuyết ba xu chớ mẹ gì! Anh biết làm thơ không?
- Biết.
- Anh có biết mắt của thơ không?
- Không.
- Mỗi bài thơ đều có mắt đấy.
Tôi không đủ can đảm để hỏi ông thầy giáo dục Mai Sơn, đại diện của Tố Hữu, ngoài mắt, thơ có mũi, miệng, tai, rốn và hậu môn?
- Anh biết viết tin không?
- Biết.
- Tin ngắn và tin dài khác nhau thế nào?
Tôi chợt nhớ Thanh Tâm Tuyền nói về truyện ngắn, truyện dài. Bèn trả lời:
- Thưa cán bộ, tin ngắn là tin không phải tin dài và tin dài không phải là tin ngắn.
Nó quác mắt:
- Anh dở trò phản động cộng lưu manh hả?
Rồi nó đuổi Phạm Long và tôi về. Nó nhún vai rất ngạo mạn:
- Sài gòn không có tài năng!
Thầy tu Phạm Long khoác tay lên vai tôi:
- Đ.m. cộng sản con hỗn hơn cộng sản ông nội. Nó dạy sư tổ nó cách viết tin cắc ké và đọc tin bằng Ô-pạc-lơ xách tay! Anh buồn không?
Tôi cầm tay Phạm Long:
- Cậu sẽ kể kỷ niệm này cho Phạm Hậu, Phạm Huấn nghe. Chúng nó sẽ cười vỡ nước Mỹ.
Mai Sơn khoái trò bầy hương án sáng chủ nhật. Nó nói về kinh tế, xã hội, chính trị miền Nam. Thằng này mang quân hàm thượng sĩ. Hễ mở miệng nói về văn hóa. Nó không quên tôi: “Văn hóa miền Nam toàn bọn nhà văn lá cải, thí dụ tiểu thuyết ba xu của Duyên Anh”. Một hôm nó nói về phòng Hạnh Phúc 2 nằm trong nhà thăm gặp. Nó bảo tù nhân nào xuất sắc đoạt giải thi đua lao động sẽ được ngủ với vợ suốt một đêm và miễn lao động hai ngày. Nó đem vợ tù nhân ra treo giải thưởng và ban ân bố đức. Nó thi hành chính sách đốn mạt của Đảng nó.
Phòng Hạnh Phúc, cái phòng khốn kiếp này, chỉ dành cho tù nhân phụ trách thăm nuôi, y tế trật tự, văn hóa. Mà Sa Ác B có một tù nhân chính trị duy nhất được làm y tế: bác sĩ Thạch. Mai Sơn nham nhở như Amibe. Nó thao túng Sa Ác B nhờ có thầy đỡ đầu ở Bộ nội vụ. Nó qua mặt giám thị Hiểu. Mai Sơn còn khoái trò tổng vệ sinh chủ nhật. Nó huy động vệ binh, quản giáo bắt tù nhân đem hết chổi cùn dế rách ra sân, lục tung hành lý kiểm tra tỉ mỉ. Lúc ấy, sân trại là chợ trời.
Nhưng mà “tác phẩm” đáng kể của nó là xây một cái hồ chứa nước mưa bằng đá. Bốn đội bị động viên xuống sông Ray vác đá tảng lên bờ. Có đội của tôi. Tháng 11 đã lạnh lắm. Buổi sáng đầy sương mù. Ra bãi lao động, chúng tôi thường sưởi ấm ở những gốc cây đốt còn hồng rực than. Thế mà chúng tôi phải trần truồng lặn xuống sông Ray móc đá trôi tới tự kiếp nào bê lên xếp đống trên bờ. Cho cai tù có nước mưa trong mùa nước lũ. Tôi sẵn bệnh bao tử, thêm bệnh dị ứng da. Hễ dầm mưa một lát, y rằng mu bàn tay đỏ ửng, ngón tay ngứa ran rồi mông, đùi ngứa ran. Tôi đã lặn dưới nước những sáng mùa đông. Bệnh dị ứng da của tôi sợ… tự kiểm, hết dở chứng! Tưởng đã sưng phổi. Tôi chả hiểu tại sao chúng tôi không có ai bị sưng phổi. Lạnh nó bắt đói. Đói nó làm lạnh gia tăng. Vài cục đường chẳng đủ chống lạnh. Tôi mới thấy hình phạt của thù hận gớm ghiếc quá. Một tháng lặn sông mò đá thì cũng như tổ tiên mình đã “xuống biển mò ngọc trai”. Có lẽ, đau xót hơn tổ tiên, vì chúng tôi bị mò đá giữa kỷ nguyên “độc lập, tự do, hạnh phúc”, kỷ nguyên “không còn người bóc lột người”, kỷ nguyên “tôn trọng con người”, kỷ nguyên của “chủ nghĩa ưu việt,, của “hòa giải dân tộc”, kỷ nguyên của người Việt Nam đối xử với người Việt Nam tàn tệ và tồi tệ hơn cả thực dân, phát xít, đế quốc. Nghĩ đến thù hận, tôi cảm hứng viết bài thơ tù:
Thư tù
Gửi cho anh đôi mắt
để anh ráp trên khuôn mặt hận thù
Nó sẽ biết nhìn sự trơ trẽn ngục tù
và nó thấy nó bọ hung lầm lũi
Gửi cho anh cái mũi
để anh ráp trên khuôn mặt hận thù
Nó sẽ biết ngửi mùi tanh tưởi cachot
và nó thấy nó côn trùng câm nín
Gửi cho anh cái miệng
để anh ráp trên khuôn mặt hận thù
Nó sẽ biết ăn thực phẩm trâu bò
và nó thấy nó nghìn năm rác rưởi
Gửi cho anh cái lưỡi
để anh ráp vô họng hận thù
Nó sẽ biết tập tành nói chuyện thương yêu, lãng mạn, mộng mơ
và nó thấy nó xụt xùi muốn khóc
Gửi cho anh bộ óc
Gửi cho anh trái tim
Gửi cho anh ái tình
Gửi cho anh cuộc đời dạt dào cảm xúc
Gửi cho anh con người hào hoa đích thực
Gửi cho anh
gửi tặng hận thù
Tôi cũng nghĩ cả đến lòng trắc ẩn của những kẻ làm chúng tôi đau khổ, nhìn chúng tôi đau khổ, tưởng tượng chúng tôi đau khổ và đã quên chúng tôi vẫn đau khổ. Than ôi, “mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho người công nghĩa cùng kẻ bất nghĩa” thì lòng trắc ẩn ở chỗ nào nhỉ? Tôi làm tiếp bài thơ tù:
Lòng trắc ẩn
Con chuột đã chui vào
ăn hết phần cơm anh để dành khuya đói
chẳng cho anh ngủ yên khi anh đã rã rượi
nó cắn chân anh bắt anh thức với niềm đau
Con dán đã chui vào
bơi đùa trong ca nước
Làm sao anh uống được
cổ anh khô mà cánh nó ướt nhầu
Con thạch thùng đã chui vào
thở than sám hối
nó muốn linh hồn anh chới với
sáng hôm sau tự khai vỡ máu trong đầu
Con muỗi đã chui vào
đốt anh sưng vù mặt
nó thích anh mở to đôi mắt
nhìn đêm đen chua chát nỗi đời
Nhưng một hôm
anh tha thiết yêu người
Con dán thương anh ngậm đầy oan khổ
con thạch thùng nhìn anh tư lự
con muỗi cong lưng chích còng xích ngục tù
con chuột gặm cửa sắt cachot
Em yêu dấu
thấy chưa
lòng trắc ẩn
Ở thời đại tôi và với đồng bào của tôi, lòng trắc ẩn, hình như, đã tê liệt. Và tôi đành nhận lòng trắc ẩn của con dán, con thạch thùng, con muỗi, con chuột, nhân danh tất cả những gì tôi biết về thống khổ, về thù hận, về hình phạt của thù hận.
Cực hình lặn sống mò đá kéo dài đến cuối tháng 12-1979. Tôi lại về với gốc cây, xe cây và gò mối.
° ° °
Chuẩn bị đón Tết, TH6 tuyển lựa các nhân tài cho văn nghệ, thể thao. Mỗi khu sẽ có một hội tuyển bóng đá, một hội tuyển bóng chuyền. Trước đó, mỗi Nhà có một hội bóng chuyền giao đấu đề chọn cầu thủ vào hội tuyển. Văn nghệ duy nhất một đội cho liên khu gồm nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ tân cổ. Ông cựu giám đốc Viện âm nhạc và kịch nghệ Huế làm chánh chủ khảo chấm điểm nghệ thuật… tù. Một bạn tù Long Thành kể rằng kiến trúc sư Ngô Viết Thụ 3, giải nguyên khôi La Mã, người vẽ họa đồ tái thiết dinh Độc Lập, đã từng được giao nhiệm vụ vẽ họa đồ xây cất cái điểm canh ở trại Long Thành. Thì ông giám đốc Viện âm nhạc và kịch nghệ quốc gia có sắm vai chánh chủ khảo thi đánh đàn, thi hát ở trại tù là chuyện thường. Chấp kinh phải tùng quyền. Một số tù nhân sĩ quan từ Phước Long về đã lao động làm lược, làm mâm bằng nhôm cho quản giáo đề tránh mưa nắng, cũng là chuyện thường. Nhưng với nhiều anh khó tính – thường là chẳng có chút tài mọn nào – hay bầy tỏ “chí khí” và lòng bất khuất” lãng nhách. Các anh này công kích nhạc sĩ, ca sĩ, cầu thủ và thợ kim hoàn nhà tù. Thanh Tâm Tuyền, hồi mới ở Vĩnh Phú về cuối năm 1981, thuật chuyện “ca sĩ” Phan Lạc Phúc khiến tôi ngậm ngùi, thương Ký giả Lô Răng vô cùng. Có ai mời nổi Phan Lạc Phúc hát những buổi thân hữu gặp gỡ ăn nhậu, văn nghệ? Anh ta hát hay lắm. Hôm khai trương Đêm Mầu hồng, Sài gòn, Thanh Tâm Tuyền lên hát, Phan Lạc Phúc nhất định “em chả, em chả”. Thế mà vì đổi đời, anh ta đã đứng giữa sân trại lao cải Vĩnh Phú hát vài bài ca cách mạng lấy khí thế cho tù nhân lên đường khổ sai lao động. Mỗi sáng ca vài bài, cả ngày nằm nhà. Đề tồn tại. Đổi 5000 tù nhân vớ vẩn chết lấy một Thanh Tâm Tuyền sống, một Doãn Quốc Sĩ sống, một Lê văn Tiền sống, một Phan Nhật Nam sống, một Nguyễn Hải Chí sống…tôi cũng chịu. Cái sống của những tài năng là cái để lại khi họ chết. Họ cần thiết sống để làm thăng hoa sự để lại. Mà có bao nhiêu tài năng văn nghệ đúng nghĩa, ở miền Nam? Tôi đã bị nguyền rủa thê thảm vì cái ý nghĩ này. Bọn tướng lãnh, nghị sĩ, bộ trưởng nằm tù nên chết hết, nhưng đừng bao giờ chết Phan Nhật Nam. Tôi không phê bình những người nhờ tài mọn mà tránh lao động vất vả, kể cả vẽ chân dung Hồ Chí Minh. Song, những người này đừng giả vờ sắm vai “uy vũ bất năng khuất” khi thoát nạn và đừng gang họng, lột lưỡi công kích thiên hạ để “sáng danh” cái đức bẩn và hèn của mình. Nếu tôi biết hát, tôi sẽ “thi” vào đội văn nghệ; nếu tôi biết đá bóng, tôi sẽ xin vào đội thể thao. Tù đánh đàn, tù hát cho tù nghe. Tù đá bóng, tù đánh bóng cho tù coi. Văn nghệ, thể thao béo bở gì, miễn lao động thì tập dượt tối ngày. Trình diễn xong được bồi dưỡng cơm cháy! Đá bóng chân đất trên sân rừng, vấp gốc cây là đi chơi cái móng. Giao hữu với cai tù, nó đi giầy vải, nó “cộp” sưng vù giò. Mỗi cái vinh đều có cái nhục. Máu văn nghệ tài tử và máu thể thao tài tử nó kỳ lắm, cứ tìm cái nhục mà lao vào. Để được đàn ca, chạy nhẩy. Dân chuyên nghiệp thì lại chán phèo. Bởi thế, những tay đàn cự phách của Sa Ác B không thi vào đội văn nghệ.
Những ca sĩ, nhạc sĩ tù trúng tuyển được chuyển sang khu A. Khu A dễ chịu hơn khu B nhưng lại có cái hầm đá nhốt tù nhân bị kỷ luật. Nghe nói khu A đã một nửa chức sắc tù là hình sự, nửa là chính trị. Khu B và khu C hình sự là cánh tay, là con mắt của cai tù.
° ° °
Ngày 30 tháng Chạp, tù nhân nghỉ lao động. Ban giám thị sợ cuối năm, tù nhân nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con sẽ có thể gây ra những bất lợi cho trại nên bầy trò tổng vệ sinh ăn Tết. Nghĩa là tù nhân phải mang toàn bộ hành lý của mình ra triển lãm từng món trên manh chiếu, trên tấm ni lông lớn để vệ binh và quản giáo kiểm tra. Tháo tung hành lý rồi thu dọn hành lý mất nửa buổi. Trực trại loan báo Ban giám thị cho phép hát nhạc vàng ba ngày Tết. Những bài ca chỉnh huấn vẫn bị nghiêm cấm. Trại bãi bỏ giới nghiêm đêm giao thừa. Tù nhân tự do liên hoan văn nghệ trong phòng khóa cửa!
Người bạn tù Phước Long về Sa Ác B kể tôi nghe một kỷ niệm Tết tù của anh ở một trại lao cải Tây Ninh những năm bộ đội còn quản lý. 29 tháng Chạp, cuốc trúng mìn. Vài người chết. Nhiều người bị thương nặng. 30 tháng Chạp khám xét hành lý. Mồng 1 Tết, Ban Giám thị bắt tù nhân tập họp ở sân trại để nghe họ chúc Tết, họ gửi lời chúc Tết gia đình tù nhân và tổng kết thành quả lao động năm cũ, đề ra kế hoạch lao động năm mới. Họ yêu cầu tù nhân hồ hởi phấn khởi chào mừng năm mới, không nhớ gia đình, phải cười vui bầy tỏ thiện chí lao động. Tù nhân cả trại không thể cười nổi. Vì các bạn tù, người chết, người chờ chết, người rên rỉ vết thương ở bệnh xá. Vệ binh dí súng vào ót các tù nhân cưỡng bức họ cười, vỗ tay và hát bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tù nhân bèn cười đủ kiểu, đủ lối. Nhiều người phát khùng vì cười có người vừa cười vừa chửi Hồ Chí Minh. Bị bắn chết. Tôi vội vàng viết bài thơ:
Chào mừng năm mới
Tù nhân tập trung giữa sân trại
nghe giám thị chúc tết mừng thêm một tuổi tù
Hôm qua một đội cuốc đụng mìn
người chết chưa kịp chôn
người mang thương tích còn đang rên xiết
Tù nhân thương bạn
nỗi đớn đau khó nói ra
Giám thị ban lệnh không được nhớ nhà
nhớ vợ nhớ con nhớ cha nhớ mẹ
Chào mừng năm mới
lao động thi đua là đáng kể
Những khẩu AK dí sát gáy mọi người
Cười
Cười
Cười
Cười
không cười chưa tiến bộ
Tù nhân òa lên cười khốn khổ
cười rơi nước mắt cười lệch cả đời
cười lạc giọng cười hụt hơi
Nhưng thế giới chẳng ai biết
ít ngày sau có tù nhân cười hóa điên bị bắn chết
Thế giới chẳng ai biết đã đành, đồng bào của tôi định cư khắp nơi trên trái đất cũng chẳng ai biết. Và cai thầu nỗi khổ đại diện tù nhân càng chẳng biết. Như năm ngoái, ở đây, ngay chiều 30, tù nhân đã được ăn cơm trắng với thịt kho và canh bắp cải nấu xương heo. Tiêu chuẩn thịt khiêm tốn: Mỗi bữa một cục nhỏ hơn nửa nắm tay. Tù nhân hưởng 6 bữa cơm trắng với thịt. Ba ngày Tết thả sức nấu nướng. Từ chập tối, không khí giao thừa đã sôi nổi. Đây là dịp may của mấy ông ái quốc biểu diễn miệng. Nổi đình đám nhất ở Nhà tôi vẫn là ông Phạm Thái Ất. Ông Thái Ất nhất định không cho ai ngủ. Ông ta đơn ca bài “Dậy mà đi”! ông vỗ tay rất nổ. Một tù nhân khó chịu.
- Tôi chưa ngủ. Tôi thức trắng đêm nay. Nhưng cửa khóa chặt. Dậy đi đâu, anh Ất?
Tù nhân khác lên tiếng:
- Vào cầu tiêu đi đái, đi ỉa! Đi cái mồm. Những thằng to mồm không được tích sự gì cả.
Ông Phạm Thái Ất im lặng. Vì người lên tiếng là sĩ quan Võ Bị quốc gia Đà-lạt. Khi ông Ất hết nổ, văn nghệ thuần túy bắt đầu. Càng về khuya càng buồn. Một tù nhân tay đàn guitare miệng hát “Xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm…” khiến cả Nhà sụt sùi. Vệ binh gác Nhà ngồi nghe. Chú nhỏ gọi tôi:
- Anh Nong, anh Nong…
Qua chấn song gỗ của tường vách khoang dưới, chú vệ binh và tôi trò chuyện đón giao thừa.
- Bài anh gì vừa hát nà bài gì đấy?
- Tôi không biết tên.
- Anh thuộc không?
- Không.
- Anh nhờ chép hộ tôi bài ấy nhé?
- Cán bộ thích nhạc vàng à?
-Vàng, xanh, đen, đỏ mẹ gì đâu, bài ấy nàm tôi nhớ mẹ tôi, tôi chẩy nước mắt.
- Cán bộ cũng nhớ nhà, nhớ mẹ?
- Ai không nhớ mẹ.
- Tôi tưởng chỉ tù mới nhớ nhà thôi.
- Các anh tù trong, chúng tôi tù ngoài.
- Cán bộ nói sao?
- Các anh tù trong, chúng tôi tù ngoài. Bảo chúng tôi vào Sài gòn, chúng tôi ham quá. Ai ngờ ném vào rừng già canh gác tù. Anh tính xem, tiền cơm, áo, xà phòng, ninh tinh trừ hết, mỗi tháng còn mấy đồng. Để dành bao nhiêu năm mới mua nổi vé tầu về Bắc. Thế nên hai năm một nần phép, vẫn hủy phép. Chắc nâu nắm mới về thăm mẹ được
- Tôi bốn năm tù rồi.
- Tôi hơn anh hai năm. Anh tù trong còn được gặp mặt vợ con, còn được tiếp tế đủ thứ. Tôi tù ngoài ai thăm, ai cho cái gì?
Chú vệ binh móc gói thuốc thơm mời tôi:
- Hút một điếu Sông Cầu, anh Nong. Tôi mời anh. Tiêu chuẩn thuốc Tết đấy.
Tôi rút điếu Sông Cầu. Chú vệ binh quẹt diêm cho tôi mồi thuốc.
- Anh đáng tuổi cha chú tôi. Ở trong này, anh thông cảm nhé!
Tôi nói:
- Nhằm nhò gì.
-Các anh thù chúng tôi nắm hả?
- Thù hận chi, cán bộ.
-Này, nói thật, cũng có thằng náo nếu, hống hách nhưng nệnh cả. Nệnh bắt chúng nó náo nếu rồi chúng nó quen thói. Tôi mong các anh về sum họp gia đình hết. Cứ hết trại cải tạo nà tôi có cơ hội về Bắc.
Chú vệ binh hỏi:
- Thuốc thơm ra phết hả?
Tôi đáp:
- Thơm lắm.
Chú vệ binh dặn tôi:
- Nhớ nhờ chép hộ tôi bài ấy nhé!
Rồi bỏ đi. Tôi có nhiều kỷ niệm với vệ binh, toàn kỷ niệm buồn cười. Có chú cứ đến phiên gác đội tôi là ngày vài lần mời thuốc lá.
- Anh Nong.
- Gì, cán bộ?
- Nại bảo.
-Chi?
- Có thuốc ná cho xin một điếu.
Rút điếu thuốc cống thầy, thầy sai:
- Nại bếp nấy giùm tí nửa.
Có chú xin thuốc nhưng sợ bị “đồng chí” biết, bảo tôi vất một chỗ rồi ra lượm. Có chú bắt tôi cầm con rắn giơ cao, đứng giữa nắng thật lâu vì tôi “đang nao động mà đánh rắn nại còn cãi cán bộ”. Hôm đó, tôi đập chết con rắn bò gần chỗ tôi, chủ ý tặng anh em nướng chia nhau mỗi người một miếng. Vì hết thuốc cống thầy, bị thầy xử ức. Tôi chưa bao giờ gây thù hận mấy chú nhãi chăn trâu cắt cỏ cả. Nói tôi thương hại mấy chú ẩy thì có vẻ giả đạo đức. Nhưng đêm giao thừa 1980, nghe tâm sự chú vệ binh, tôi thương hại thật sự. Chú vệ binh không hiểu câu trả lời thuốc lá “thơm lắm” của tôi. Ở bất cứ không gian và thời gian nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào, tình người vẫn thơm lắm. Anh sẽ tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản, lãnh tụ cộng sản hay tiêu diệt luôn những con người sống trong chế độ cộng sản như chú vệ binh “ai không nhớ mẹ”?
Chú vệ binh cỏn nguyên vẹn cảm xúc “tôi nhớ mẹ tôi, tôi chẩy nước mắt” đi tuần một lúc thì trở lại.
- Anh nào vừa hát bài “Xuân này con không về chắc mẹ buồn nắm ” đấy?
- Tôi.
- Nàm ơn hát nại nần nữa cho tôi nghe. Hay nắm, buồn nắm…
Người tù trong cảm động hát lại. Người tù ngoài cảm động nghe. Giao thừa 1980, với tôi, đầy ý nghĩa. Ý nghĩa ấy soi sáng đường hướng sáng tác và chiến đấu của tôi, dẫu tôi có vì cái ý nghĩa ấy mà bị chụp bủa bằng những ngộ nhận, những hệ lụy chập chùng. Không cần. Điều cần thiết là nhà văn phải sống thật với lòng mình.
…Ô dẫu sao tối vẫn thấy họ rất người
Vẫn thấy họ níu tay đời tha thiết
Một nỗi gì xa xôi cách biệt
Có phải con người hay tại chủ nghĩa phi nhân
Con người sinh ra đã muôn thuở cô đơn
nhưng khao khát gần nhau và thèm gần nhận thêm nữa
Ở chín tầng oan khiên nhục nhã
bỗng tự nhiên tôi yêu quý con người
thiếu con người sẽ thiếu hẳn đất trời
Tôi sống với ai
thơ tôi còn chi để viết
° ° °
Mồng một Tết, như năm ngoái, Ban giám thị bày bàn hương án và bắt tù nhân tập họp đề nghe chúc Tết và động viên tinh thần lao động tích cực. Trước khi Ban giám thị xuất hiện, thầy giáo dục Mạo yêu cầu tù nhân văn nghệ lấy khí thế mừng xuân. Tù nhân nhao nhao “Hùng nhí, Hùng nhí”! Tên tù nhóc anh dũng đứng dậy, tiến lên bàn hương án. Nó nhe “hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay” cười khì. Tù nhân vỗ tay hoan hô. Hùng nhí cầm mi-cô của cái máy phát thanh chạy pin, hắng giọng hát không đàn đệm:
… Ta thắp lửa bên con cua đồng
Ta thắp lửa bên lũy tre xanh
Quê hương ta từ ngày làm tương lai
bằng AK bằng lựu đạn 4
Thầy giáo dục Mạo vội vàng chụp mi-cô và đuổi Hùng nhí về chỗ. Văn nghệ lấy khí thế chấm dứt ngay. Tù nhân bầu Hùng nhí là: “người của năm 1980″. Ban Giám thị chúc Tết xong đến lượt các thầy quản giáo xông nhà thăm các đội của mình. Các thầy mang theo mứt Hà nội và thuốc lá Hoa Mai. Lại văn nghệ trong Nhà. Cái đinh văn nghệ của Nhà tôi là Tạ Dung thuộc đội của Đằng Giao. Tự nhiên, anh tù nhân Vovinam đầy mình “đờ mi tốc đờ mi phu” này xuất chúng một màn tự biên tự diễn. Tạ Dung, cháu chín đời Kim Mao sư vương Tạ Tốn, mào đầu:
- Thưa quý cán bộ, thưa các bác, các chú, các anh. Nhân dịp xuân về, Tạ Dung xin cống hiến quý cán bộ và cả Nhà ta màn văn nghệ đặc biệt. Tạ Dung đóng vai người đi từ Bắc vô Nam. Trước hết, anh ta ở Hà nội.
Tạ Dung hát cò lả, trống quân. Đến Huế, anh ta chơi hò mái đẩy. Vô Sài gòn, anh ta hò lơ.
- Bây giờ, người này trở về Bắc.
Tạ Dung đã đi đến cửa cầu tiêu, anh ta trở lại, hát nhạc Phạm Duy. Tạ Dung nhắm mắt giả vờ mù và bước khập khiễng giả vờ què.
- Ngày trở về, anh bước lê, trên quãng đường quê đến bên lũy tre….
Quý cán bộ chán quá, vất mứt Hà-nội và thuốc lá Hoa Mai cáo từ vội vã. Tù nhân vỗ tay sôi nổi. Tạ Dung số một. Tạ Dung đâu có khùng. Anh ta tiên tri ngày tháo lui của cộng sản. Trong ba ngày Tết, đội múa lân khu A vào biểu diễn. Rồi bóng chuyền khu A và C vô đấu vòng loại với khu B. Vân vân. Những tiết mục giải trí nghèo nàn này không hấp dẫn tôi. Nó chỉ làm tăng cái vẻ thê lương của đời tù lao cải. Đằng Giao và tôi có dịp bách bộ quanh trại, gần hàng rào kẽm gai, tâm sự vẩn vơ. Tôi chú ý hàng rào. Hồi tôi mới đến Sa Ác B, hàng rào thấp và thưa, cột bằng cây rừng. Bây giờ, hàng rào cao, dầy, cột sắt và bốn góc là bốn chòi canh bố trí súng trung liên.
- Ông thầy, ở bên Mỹ người ta đang làm gì?
- Chuẩn bị ra báo số Tân Niên.
-Tôi muốn, sau này, ông thầy viết một tiểu thuyết mộng và thực lồng vào nhau như Tiêu Sơn tráng sĩ. Nhân vật của ông thầy là một thôi, không phải hai Phạm Thái và Quang Ngọc, Quỳnh Như và Nhị Nương. Nhân vật ấy đang ở nhà tù, ở trại lao cải thì thoát ra nhập vào đời sống Mỹ. Nghĩa là, vừa mới vục phân dưới hầm, anh ta đã đi nhẩy đầm tíu tít. Rồi một chút suy nghĩ dưới hầm phân và trong phòng trà.
- Ý kiến hay.
- Một định nghĩa về đau khổ và hạnh phúc.
- Ông đã nghĩ chuyện sang Mỹ chưa?
- Không bao giờ..
- Tại sao?
- Tử vi vẽ sẵn con đường xuất ngoại của tôi: Mã lộ cùng đồ, ông thầy đi chứ?
- Phải đi thôi.
- Rồi ông thầy cũng sẽ cô đơn.
- Con người sinh ra đã cô đơn, lầm lỗi trên sinh đạo. Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền đã thét nỗi thét cô đơn đó.
Đằng Giao chỉ lên cây cổ thụ ngoài cổng trại:
- Ông thầy, lạ quá.
Tôi hỏi:
- Gì?
- Cây cổ thụ cũng trổ hoa. Ngắm đi, ông thầy. Đóa hoa tuyệt đẹp. Chỉ tiếc mình không hít được hương vị của nó.
Tôi ngước mắc nhìn đóa hoa duy nhất trên cây cổ thụ của nhà tù Sa Ác. Tôi chưa hề thấy cổ thụ trổ hoa. Mà cổ thụ đã trổ hoa. Lại trổ hoa ở nơi chốn buồn thảm của đời sống.
-Tôi sẽ viết một bài thơ ngắn.
- Nhan đề?
- Đóa hoa.
Và bài thơ ấy như sau:
Cây cổ thụ bỗng trổ một đóa hoa
Anh nghe giây kẽm gai thổn thức
Tự nhiên kẻng tù hết gầm gừ
âm thanh thoảng gió đàn rạo rực
Và đó là mùa xuân
anh vừa thấy sau nhục nhằn phát vãng
Gã cai tù xem chừng lãng mạn
Cây cổ thụ đã trổ hoa
Lòng suối độc xôn xao tình đá
Những thứ còng ở biệt giam
râm ran cảm giác lạ
thèm đôi tay ôm gọn cuộc đời
Họng súng sát nhân mệt mỏi rồi
Thù hận cúi đầu xấu hổ
Bản tình ca
dấy lên tự đất khổ
Cây cổ thụ cũng trổ hoa
tình yêu và hạnh phúc không già
Anh bẻ gai viết nhanh trên lá
những vần thơ ái ân
bồng bế
Rồi con người sẽ yêu nhau
ở khắp nơi trên mặt địa cầu
Tôi đã manh nha một cuộc chiến đấu của con người chế ngự thù hận và hình phạt của thù hận. Trước hết, con người cần phải là nạn nhân khốn khổ của thù hận và hình phạt của thù hận.
--------------------------------
1 Thứ thuốc trị bách bệnh của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2 Khi tôi rời Sa Ác B, phòng Hạnh Phúc mới mở cửa. Và một số tù nhân được ngủ với vợ.
3 Đã cộng tác với cộng sản. Được cho ra Bắc du ngoại. Được cho sang Liên Xô tham quan, về gáy cộng sản điếc tai cả nước.
4 Tôi không biết tên bài hát này và nhớ mấy câu trên có thể sai vài chữ.