Số lần đọc/download: 4819 / 291
Cập nhật: 2016-02-02 03:55:23 +0700
Tố Tâm Của Song An
M
ấy ngàn năm nay, trong xã hội Việt Nam vẫn tiềm tàng sự xung đột âm thầm của cá nhân và gia đình.
Quá trọng lý tính, Nho giáo đàn áp những tình cảm thiên nhiên của lòng người. Bao nhiêu lễ nghi, phong tục và gia đình – gốc của xã hội - kiềm chế sự phát triển tự do của cá nhân. Mỗi người chỉ là một chiếc vòng trong chuỗi xích, một cái gạch ngang của hai thế hệ.
Cái tình trạng xã hội ấy, gây nên bởi văn hóa lại đuợc pháp luật và dư luận hộ vệ nên nó tồn tại qua các cuộc biến đổi trong lịch sử, nguyên vẹn như một tử vật (chose morte).
Tuy vậy, dù tránh được sự tàn phá của thời gian, nó cũng không thể bất di vì nó trái tự nhiên. Nó hãm vào trạng thái liệt bại những năng lực nhân loại, bao giờ cũng yêu cầu sự phát dục hoàn toàn.
Vì thế nên trong cái yên lặng giả dối của xã hội Việt Nam vẫn ẩn nấp một sức phá hoại. Dân tộc ta sống theo hai giòng sinh khí ngược nhau, ở từng trên, các đồ đệ trung thành của đạo Khổng chịu hy sinh cá thể cho chế độ cổ truyền. Trái lại, đám bình dân quê mùa, thô lỗ vẫn chạy theo tự nhiên. Những câu ca dao tục ngữ tự tình chỏng lỏn, mánh khóe, theo ý tôi, chính là sự trả thù cái quan niệm nhân sinh khô khan của Nho giáo. Những câu ve vãn, bỡn cợt, những bài ca than thân trách phận, những khúc ca ai oán của thôn nữ nhỡ nhàng về tình duyên, những ngạn ngữ phóng đãng, táo bạo, ta thường nghe bên trong lũy tre xanh, chúng thực rằng dân chúng Việt Nam vẫn khao khát sống một cuộc đời đầy đủ, lý thú hơn cái đời nhân tạo ngoài xã hội. Họ có một tâm hồn dồi dào biết cảm xúc tất cả những tình tha thiết của loài người.
Nhưng sự khao khát ấy, pháp luật, phong tục, luân lý kết án như một đại tội, nên những linh hồn yếu đuối phụng sự nó phải mau mau trở lại mực thường nếu không muốn bị đẩy ra ngoài gia đình, xã hội. Không được thỏa mãn, nó có thể giết một tâm hồn quá khích, ở dân quê, nó chỉ để lại một tiếng rền rĩ âm u. Những con người ngây thơ đó không biết đến cái vết thương không bao giờ lành của ái tình. Thất vọng, họ không tuyệt vọng. Rồi ngày tháng xóa dần trong trí nhớ họ những cảm giác êm đềm, cuồng dại. Tấn kịch, vì thế, chưa thành một vấn đề.
Ngày nào những tâm hồn cao đẳng thức tỉnh bắt đầu hưởng ứng tiếng gọi của trái tim, sự xung đột ngấm ngầm kia nó bùng ra, đột ngột, hãi hùng.
*
Ngày ấy, sự tình cờ của lịch sử đã đem lại cho dân tộc Việt Nam. Tự nhiên văn chương Pháp thành môn học bắt buộc của thanh niên, đầu thế kỷ XX. Lần đầu, họ được biết cái kỳ thú của cảnh vật. Bao nhiêu vẻ đẹp hùng tráng u uẩn, cao siêu, bát ngát của trời, trăng, mây, gió, núi, bể, v.v... Thanh niên biết Pháp văn được hưởng thụ say sưa thấm thía. Những áng văn tài tình của Rousseau, Bernadin de St. Pierre, Chateaubriand, Lamartine, Pierre Loti... làm họ ngây ngất tâm hồn trong thiên nhiên (la nature). Họ sống bằng cảm giác luôn luôn triền miên trong những cảnh huyền ảo, tả trong văn chương Pháp. Mà lạ! Trong thế giới mơ mộng ấy, phía chân trời xa lắc xa lơ, bao giờ họ cũng gặp hình bóng hai người - chàng và nàng. Cả vũ trụ mông lung họ chỉ thấy kết tụ ở một cử động - cái hôn đắm đuối nồng nàn.
Linh hồn, thể chất, họ đều cựa cậy rung động, xôn xao. Văn chương Pháp đã mở cửa cho thanh niên Việt Nam vào hai thế giới tân kỳ: mỹ thuật và ái tình. Lần đầu, vẳng đưa bên tai họ tiếng gọi xa xăm của cái vô tận ngoài vũ trụ và tiếng gọi huyền ảo của cõi lòng.
Với mỹ thuật, đạo đức tất nhiên phải ngã. Với ái tình, lý tính tất nhiên phải đổ.
Ai không biết đạo đức và lý tính là hai yếu tố của Nho giáo? Hai hòn đá tảng mấy nghìn năm của xã hội ta?
Cho nên thanh niên Việt Nam đầu thế kỷ XX có linh cảm (le pressentiment) sắp phải vật lộn với một cái quá khứ kiên cố nếu muốn toại ý nguyện mình. Trước sự phấn đấu, thanh niên lo ngại rụt rè. Một mối hoài nghi không căn cứ tràn ngập cả tâm hồn.
Say đắm sắc đẹp, khao khát tình yêu, lo buồn vơ vẩn, đó là ba nguyên tố của sự lãng mạn. Lãng mạn! Với nó thanh niên trở thành kẻ thù của cổ nhân. Với nó nước Việt Nam bắt đầu làm sân khấu cho một tấn kịch não nùng thê thảm.
Tấn kịch văn hóa này, đau đớn nhất trong gia đình.
Ông Song An Hoàng Ngọc Phách là người đầu tiên đánh cái dấu ấy trong lịch sử hiện đại. Thấy trong xã hội đầy dẫy "những cảnh đời lỡ lầm chếch lệch, quá mơ mộng đến thành như mấy tan khói tỏa", ông đau xót cho đôi lứa thiếu niên xô nhau vào bể ái đến bị trọng thương. Rồi, sẵn mối từ tâm ông muốn cứu vớt họ, ông ít mong ở truyện Tố Tâm một cách làm giàu văn học nước hơn là một "hành vi tốt" (bonne action). Viết tới đấy, tôi nhớ nhà tiểu thuyêt Pháp Paul Bourget. Tiên sinh xuất bản cuốn Kẻ đệ tử cũng chỉ cốt giác ngộ thanh niên Pháp đang đắm đuối trong chủ nghĩa duy vật...
Bằng cuốn Tố Tâm, ông Song An đánh hai cái dấu hỏi thật lớn vào trang đầu của thời đại. Ông nêu ra, rồi giải quyết hai vấn đề quan trọng:
1. Đôi trai gái "lãng mạn" gần nhau có thoát được ái tình không?
2. Ái tình ấy, ở hiện trạng xã hội bấy giờ gặp những trở lực gì và gây ra những tai họa gì?
Một vấn đề tâm lý và một vấn đề xã hội. Toàn truyện là một bài khảo cứu cái nguyên nhân và cái kết quả của thời bệnh (le mal du siècle).
*
Ngay bài tựa đã công bố rằng "Tố Tâm là một quyển tâm lý tiểu thuyết". Tác giả định ý "bày ra một tình trạng của lòng người, xét cái hành động của tâm lý, còn luân lý, phẩm bình xin để phần dư luận".
Muốn cho hợp phép, phê bình truyện Tố Tâm trước hết phải đứng trong phạm vi tâm lý.
Bằng những nét đơn sơ, ông Song An vẽ chân dung hai người "lãng mạn", “lòng đã thiên về tình cảm lại sẵn óc văn chương”, mơ ước những cảnh ái ân thơ mộng trong đời thực tế: Đạm Thủy, Tố Tâm. Một việc tình cờ cho hai người gặp nhau. Họ kín đáo, e lệ, cử chỉ theo đạo lý. Rồi văn chương là sợi giây nối họ vào tình bạn. Cả hai đều định bụng coi nhau như anh em, để giúp nhau tư tưởng, sinh hoạt.
Những "lúc đêm nằm chưa ngủ, hay lúc sáng sớm mở mắt ra, những lúc chiều trơi mát mẻ hay là đêm vắng trăng trong" trí tưởng họ tự nhiên thích bày ra "cái thế giới bào ảnh" những cảnh mơ màng của hai người yêu nhau đang vơ vẩn ở chỗ cao sơn lưu thủy".
Chưa kết hợp trong thực tế, hai người đã kết hợp trong mộng tưởng, nhưng phải biết say đắm thiên nhiên mới có thể thêu dệt được những ảo cảnh. Đạm Thủy và Tố Tâm đều chịu ảnh hưởng của Pháp văn nên dễ sa vào trạng thái nói trên.
Đúng trong miếng đất lãng mạn ấy, tất nhiên tình bạn phải khuynh hướng đến tình yêu. Nguồn gốc của sự biến hóa này là trí "tưởng tượng". Nó mãnh liệt lắm, nhất là khi nó duy nhất và tập trung. Có thể truyền tin tức qua không gian, nó đã được khoa học dùng làm căn bản của môn thần giao cách cảm (télépathie). Vô tình, hai người trong cuộc đã thành những tay thôi miên cũng ám thị nhau mà không biết.
Thế là, chàng và nàng đều ôm ấp một tình yêu đắm đuối ở đâu đâu đem lại. Tưởng tượng là địa phận của cõi vô ý thức (le domaine de l'inconscience) nên không thuộc quyền kiểm soát của lý trí. Nhiều khi nó làm xong việc, lý trí mới tỉnh ngộ, phản động nhưng không kịp. Vì thế, nên Tố Tâm, ở ngay con mắt người thường - vú em - đã nghiễm nhiên phụng sự ái tình mà vẫn không hay. Câu nói, miệng cười, buồn rầu, thẹn tủi, thảy thảy đều ở cõi vô ý thức. Đến lúc để chân lên chân Đạm Thủy, nàng đã thành nguời của ái tình rồi!
Hai người chỉ còn chờ một lời thú, là công nhiên yêu nhau. Lời thú ấy, thương thay lại chỉ là một tiếng khóc.
*
Đến đấy, ông Song An đã giải quyết vấn đề tâm lý nêu ra. Theo ý ông, "một đôi trai gái quen nhau, hợp tính tình nhau... gần nhau luôn... thì không sao khỏi sinh tình luyến ái; dù muốn nhận là anh em hay bè bạn... cũng toàn là ảo tưởng cả". Ông đã chứng thực lý thuyết ấy, rõ ràng, chân xác. Tố Tâm tuy biết chỉ theo đuổi tình tuyệt vọng mà vẫn cứ yêu, yêu để mà yêu, yêu vì đã trót yêu, yêu vì không thể yêu lần thứ hai được nữa. Nàng tự thú "anh ơi, anh có ma lực gì mà lòng em một ngày một vướng vít... cuộc đời em không thể rời anh ra được nữa". "Ôi nhân tâm! Ôi tạo vật! Nhờ ai giải hộ cái yêu cái ghét ở đời cho lòng người ta khỏi vì ghét, yêu mà sướng khổ"... Tóm lại, theo ông Song An, ái tình là một định mệnh (une fatalité). Nó là biểu thị của cái vô ý thức. Không giảng giải - mà ai giảng giải được? - ông chỉ vạch cho ta xem con đường phải đi của ái tình từ lúc phát khởi đến khi thành tựu. Nhờ ông, ta được biết cái tính tàn khốc của ái tình ở những tâm hồn lãng mạn: nó không phải chỉ là một việc tâm lý xẩy ra trong đời người, nó là một thế giới huyền ảo, bước vào không ra được nữa.
*
Với tình yêu tuyệt vời ấy, thanh niên đi tìm hạnh phúc. Bỗng dưng, trong linh hồn họ, bên cạnh những sự mơ ước cao xa, hiện ra một phản động lực: tình gia quyến.
Cuộc vật lộn bắt đầu có. Ái tình trong Tố Tâm, không phấn đấu với một chế độ hay một hạng người. Nó phải tranh sống mái với một cảm tình thiêng liêng, thắm thiết di truyền đã mấy mươi thế kỷ.
Chưa đủ sức mạnh, ái tình vứt giáo chịu thua, nhưng không hàng phục giữa bãi chiến trường. Tố Tâm tình nguyện lấy cái chết để bảo toàn con tim khối óc. Sống vì ái tình, chết vì ái tình, nên nàng sẽ được lưu truyền như một tượng trưng (un symbole).
Ông Song An mượn cái thảm trạng của Đạm Thủy và Tố Tâm để bày ra cái nguy hiểm của ái tình trong phạm vi xã hội lúc ông viết truyện, ông thấy rằng, nếu lòng gia quyến còn mãnh liệt thì ai vương vào ái tình chỉ mua chuốc lấy nỗi đau lòng. Nhưng ông quên rằng ái tình đến vì nó phải đến, không sức gì ngăn cản được. Nó chưa ban hạnh phúc cho người sùng bái nó vì nó còn yếu đuối.
Công nhận lãng mạn là một thực trạng và khuyên thanh niên xa tránh ái tình, ông Song An đã làm một việc trái nguợc. Theo tôi, quyển Tố Tâm là hình ảnh của một cái vòng luẩn quẩn.
Phải yêu.
Không nên yêu.
Phải yêu.
Nó là biểu thị của một sự khủng hoảng tinh thần. Toàn truyện toát ra một tâm trạng bối rối lo sợ, rụt rè.
Cũ và mới gặp nhau đột ngột quá nên thanh niên chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Không ai biết nên theo ngả nào. Trong tâm hồn, một sức mạnh ẩn đến tình yêu, một sức nữa co lại gia đình. Thanh niên bị dày vò nhưng khoái trá, sẵn lòng để vết thương tình thiêng liêng tràn láng khắp trái tim.
Tóm lại cá nhân mới thức tỉnh chưa có tín ngưỡng ở tính toàn thắng về tương lai. Tính lãng mạn vẫn còn đứng trong cõi vô ý thức.
Truyện Tố Tâm là bức vẽ hoàn toàn của hiện trạng tâm lý và xã hội ấy.
*
Phê bình Tố Tâm, tôi không thể quên văn chương nó và ảnh huởng của ông Song An trong văn giới.
Trước hết tôi phải khen tác giả có ngòi bút đơn giản, mộc mạc và rất cảm động. Tài tình nhất là lúc ông tả những cảnh tâm lý kín đáo, ngây thơ. Đạm Thủy muốn về trường, Tố Tâm giữ lại, ngòi bút vụng về ở đoạn này tất làm ta buồn cười. Ông Song An biết đặt nghệ thuật ngang hàng với đầu đề: "Tôi đúng dậy cầm mũ, thì nàng bảo để cho người gọi xe đã; tôi ra về thì nàng lại hỏi một câu gì đó, bắt tôi phải cắt nghĩa; hay tôi có nhờ mua hoặc làm hộ cái gì thì đợi lúc tôi ra về nàng mới hỏi lại. Thành ra từ lúc chuyển về đến lúc ra cửa có khi hàng giờ đồng hồ".
Bức tranh linh hoạt hình như chụp hình cái tình quyến luyến của đôi trai gái, đến thời kỳ không muốn rời nhau. Nhũng cảnh khác (bày cỗ rằm tháng Tám, thú nhận, ngồi vẽ) đều êm đềm, thanh thú và kín đáo như thế cả.
Ông Song An lại còn có tài tả những sự phát hiện lặng lẽ của ái tình: "Lắm khi trong hai con mắt nàng nhìn tôi có vẻ thiết tha hình như kêu van tôi ngỏ lời trước đi cho nàng được thỏa, mà chắc lắm lúc trong con mắt tôi cũng kêu van nàng đừng làm cho tôi một ngày kia phải thú tội với nàng".
Nhưng khéo nhất là những cảnh thiên nhiên ông mượn để lồng khung cái tình yêu.
Những lúc hai người say đắm "ngồi dưới gốc cây mà ngắm đồng lúa mông mênh bát ngát; trận gió ào ào lay động ngọn lúa như những làn sóng bể vàng, còn những đám tre lơ thơ ở giữa đồng thì tựa như những hải đảo có cây xanh".
Hoặc lúc "Tố Tâm đi ngắt từng bông lúa, chạy đuổi cào cào châu chấu như một đứa trẻ ngây thơ rồi bắt tôi cầm một cách nũng nịu... chạy hết ruộng nọ sang ruộng kia, lên bờ cao, xuống bờ thấp, mà dưới ánh nắng buổi chiều thu hơi nhạt nhạt, trông mặt nàng đỏ hồng hồng, giấp tí mồ hôi dính mấy sợi tóc mấy xõa xuống trán".
Ngòi bút của ông Song An không kém chổi sơn của nhà họa sĩ.
Những mầu sắc vàng, xanh, hồng hồng, nhạt nhạt, những mấp mô, cao, thấp, những tiếng ào ào... ghi trong cảnh khiến ta có một cảm giác đứng trước một bức vẽ kỳ thú, dịu dàng.
Trong truyện có cảnh hai người đi tắm biển Đồ Sơn thật là tuyệt bút.
Đấy, một nét vẽ mong manh: "Những đám xanh đỏ lúc nãy (có người đi tắm mặc áo nịt) đã hóa ra một đàn cò mình đen, chân cánh trắng, lô nhô ở giữa làn sóng lờ đờ".
... Một nét chấm phá: "Ngoài xa, lơ thơ những chiếc thuyền đánh cá, buồm trắng phất phơ in vào mấy rặng núi mờ xanh ở bên chân trời hung hung đỏ".
Kìa, một cảnh đắm đuối: "Lúc đó thủy triều lên mạnh... chúng tôi ngồi xuống những mỏm đá nổi lên gần bờ... bỏ chân xuống nước cho sóng vỗ vào, thỉnh thoảng bị con sóng to đập vào đá, nuớc tóe bắn lên tận mặt. Chúng tôi tưởng tượng ra như Vũ trụ chỉ có hai người... chỉ còn thấy khói hương của ái tình đang nghi ngút bay trong đám tít mù..."
Hoặc một cảnh mơ mộng ngây ngất: "Trên bãi cát phẳng... chúng tôi bỏ giày lội xuống mấp mé mặt nước đi đuổi bắt con dã tràng..."
Sự thật hay ảo tưởng? Tác giả đã có biệt tài nhắc cho ta cái cảm giác huyền hồ ấy, bất kỳ ở cảnh nào.
Không những chỉ làm ta say sưa, ông Song An còn khiến ta nhiều khi bồi hồi, thổn thức. Ồng khéo đem một cảnh vật gọi cảm tình, một cảm giác bâng khuâng đau khổ: "Bốn bề vắng lạnh, duy chỉ có tôi đúng chỗ một trời một đất với mộ nàng, xa trông những hạt mưa bay mờ mờ trắng, mấy hàng tre gió lướt đổ ngà ngà, nhũng con chim bạt gió kêu bầy, mấy con bê lạc đàn gọi nạ... Tôi nghĩ đến lúc đi chơi với nàng...".
Ngòi bút của Song An kỳ thú đậm đà lúc tả cảnh tả tình bao nhiêu thì sắc mắc đanh thép bấy nhiêu lúc biên nhận một điều nghiệm xét tâm lý (une observation psychologique): “Những lúc tôi đên gặp nàng đang cúi đầu ngồi thêu, chẻ dưa hay đọc sách bất thình lình ngửng lên thấy tôi thì nét mặt có vẻ khác, có một tia mừng từ trong tâm chạy lên mặt thoáng qua đôi mắt và đôi gò má".
Có nhiều câu ký nhận (remarque) rất chân xác: "Trong cách dẹp ái tình không gì dở bằng đang đằm thắm mặn nồng mà đem ngăn lại."... không gì vô ích bằng giảng đạo đức với người đang ham mê..." Ông Song An tỏ ra người rất sành khoa tâm lý học.
Tuy vậy, tôi phải nói ngay rằng văn Song An nhiều chỗ còn cũ rích.
Lối biền ngẫu: "Em ơi! Sinh ra gái mưa sa là phận, rủi may âu cũng sự trời..."
Lối ví von: "... Tôi nói vậy thấy đôi mắt nàng thoáng qua một vẻ buồn; bên kia bể mặt trời cũng hé ánh nắng, hồng quân với khách hồng quần".
Lối pha trộn: "... Ta là nguời chung tình nên ta buồn; ta buồn ai có biết chăng, ta vui ta chỉ mong rằng ai vui."
Câu văn không sửa tỷ mỷ nên nhiều chỗ cẩu thả, nặng nề lằng nhằng như giây chão: "Anh ơi! Ấy chỗ khổ tâm của chúng tôi đấy, anh đừng tưởng lúc yêu nhau đã dễ bỏ nhau như vậy đâu, cái thứ ái tình như ái tình của tôi với nàng không thể bỗng chốc đã xa nhau ra được, vả chăng tôi không hiểu vì sao không muốn buông nhau ra".
*
Nhưng ta nên biết công cho ông Song An. Hồi ông cầm bút viết truyện Tố Tâm, quốc văn còn lủng củng, lộn xộn. Ông Vĩnh, ông Quỳnh mài cây bút để dịch những bài triết lý, những vở kịch bình dân. Ông Song An là người đầu tiên dùng quốc văn viết một quyển tiểu thuyết tâm lý. Thế mà văn ông cũng sáng sủa lý thú, tao nhã, nhẹ nhàng, thật đáng cho ta ngả mũ chào cung kính.
Trong văn giới, ông Song An là người có công to. Ông đứng đầu những nhà văn tả cảnh, tả tình như Khái Hưng, Thế Lữ... Ông mượn của Pháp văn, của tâm hồn "hai thứ" ông trao cho văn chương: cảnh thiên nhiên và lòng người. Những ai bấy giờ biết ca tụng mỹ thuật và ái tình phải nhìn nhận ông Song An như người khởi xướng.
*
Có công và tài như vậy, Song An tiên sinh vẫn bị người ta không hiểu và trách móc. Viết bài phê bình nay tôi có ý muốn đặt danh vọng ông ngang xứng với biệt tài và công trạng của ông đối với văn chương Việt Nam cận đại.
TRƯƠNG TỬU
Loa, 25 Juillet 1935.
In lại sau sách Tố Tâm in lần thứ tư.
Nxb. Nam ký, Hà Nội, 1937;
tr. 142-156.