Số lần đọc/download: 2266 / 45
Cập nhật: 2015-12-12 10:58:39 +0700
Người Nói Tiếng Bồ Câu
M
ỗi lần ông văn sĩ Già đi ngao du, tán gẫu với bạn bè, hay đến nhà xuất bản để nhận chút tiền nhuận bút, hoặc khá hơn là ký họp đồng ứng trước cho một quyển tiểu thuyết mới, ông thường thích có một người bạn văn nghệ đi cùng. Ông văn sĩ Già sống một mình, đạm bạc, có hơi khác đời một chút là không bao giờ tự lái xe đi đâu. Người bạn văn nghệ cùng ở xóm Bắp và thường chở ông Già đi rất ít nói và không chút khôi hài. Ông ta thật thà như trái bắp, điều lạ kỳ là... lâu lâu từ miệng ông bạn này lại khe khẽ phát ra tiếng “gù gù”.
Xóm Bắp là một cái xóm chuyên... luộc bắp trong những thùng phuy cũ dày. Mỗi sáng tinh mơ mùi bắp ngòn ngọt dễ chịu bay khắp xóm nghèo ngoại ô. Ông bạn văn nghệ giao thùng bắp cho bà vợ để bà ngồi bán ngoài đường đâu đó xong rồi mới chở ông văn sĩ Già xuôi về nội thành.
Trong dòng người đi làm đủ thứ chuyện trên đời, cứ như vậy, y vậy, cũng cả chục năm rồi, nếu tính như đi du lịch thì hai ông bạn già này đã đi mấy vòng trái đất, chưa chừng hơn chục bận ghé qua Paris nhảy đầm, uống rượu chát, ăn xúp củ hành, ăn phô-mai như ai rồi. Được tiếng... văn nghệ, bầu bạn với bậc thầy, một người nổi tiếng, được mọi người trọng vọng, ông bạn văn nghệ của ông văn sĩ Già cũng lấy làm hãnh diện lắm. Vốn hay đọc sách, thích văn thơ, nay được dịp nghe các văn sĩ bạn bè của ông Già trò chuyện, ông cũng khơi lại cho mình một giấc mơ đẹp hồi còn thanh niên. Ngày nào đó, biết đâu chừng, tự thân mình cũng in được chí ít là... một cuốn tiểu thuyết để đời, mỏng thôi, thì nó vẫn là tiểu thuyết, chắc chắn như đinh đóng cột, sẽ có lời giới thiệu chí tình của ông bạn văn sĩ Già ở mấy trang đầu, rồi tấm ảnh, cùng với tiểu sử, không quên ghi trước một vài tựa sách... không biết khi nào sẽ xuất bản của mình ở bìa lưng sau như ai.
Nói cho ngay hồi trẻ, ông SuDa (cái tên ngộ nghĩnh này do các văn sĩ tiếu ngạo bạn ông văn sĩ Già đặt cho người bạn hiền tài xế của ông, bởi ông này có chiếc xe Suzuki từ thời Minh Trị Thiên Hoàng bên Nhật Bổn chưa có râu, lâu năm chầy tháng, cái máy Su chịu đời không thấu, ông bỏ máy Su, đi chợ Tân thành mua một lốc máy Honda gắn vô, chiếc xe hỗn hợp giữa hai hãng xe gắn máy nổi tiếng của ông trở thành xe... SuDa) cũng có viết trước chút đỉnh rồi nhưng chuyện đó toàn là những kỷ niệm buồn. Nhà xuất bản khĩ đột nào đó, chào trước cứ trả lại bản thảo cho ông rồi kiếm cớ gửi kèm theo tờ giấy in sẵn lời cảm ơn chân thành, còn chúc mừng cho sự cộng tác... lâu dài, mong được nhận nhiều tác phẩm khác... Nghe lời, ông SuDa cong xương sườn viết tiếp, thành ra bộ sưu tập những lá thư cảm ơn và mong sự cộng tác dài lâu như vậy, ông SuDa tội nghiệp có nhiều, rất nhiều.
Ông văn sĩ Già chưa hề nói với bạn về thời kỳ mình... giống như cảnh ngộ của bạn hiện giờ, có lẽ lúc đó ông cũng nhận được nhiều lá thư cảm ơn in sẵn. Ông chỉ nói chậm rãi, hào phóng rặt kiểu Nam Bộ:
- Tại sao phải hà tiện? Tội gì mà không kêu văn sĩ bằng... văn sĩ? Đâu phải mới viết được một cuốn sách là chưa phải văn sĩ, cũng không chưa phải viết chữ nào, trang nào lại không phải là nhà văn. Anh nghiền ngẫm thâm canh lâu năm, từ nhỏ cho tới già, rồi làm một cuốn một cho ngon, đúng khi anh ngáp ngáp từ giã cõi trần, chưa kịp lãnh nhuận bút thì anh vẫn là văn sĩ.
Câu chuyện trên xe tiếp tục ở quán cà phê vỉa hè, cạnh một tuần báo, nơi các văn sĩ hay ngồi. Một văn sĩ trẻ nói, đại ý là mỗi một văn sĩ khi viết bất luận vê nhân vật nào đều có cái tôi trong đó, lập tức nổ ra cuộc tranh luận. Điều quan trọng hơn hết mọi sự, giờ đây ông SuDa ngẫu nhiên được ngồi chung chiếu với các nhà văn thiệt sự, có tên tuổi, có sách in. Ông chỉ ngồi một bên, như mọi ngày lặng lẽ hút thuốc. Lệ thường ông hay gù gù trong miệng, nay bỗng nói thành tiếng:
- Suốt đời tôi chỉ muốn viết về con bồ câu thôi. Khổ cái là chữ ít quá viết sợ không diễn tả nổi, sợ bị hiểu lầm.
Ai đó nói lại:
- Ông sao cứ rụt rè không đáng. Chữ chỉ là một trong những phương tiện, muốn tới nơi chịu khó đi bộ cũng tới. Có điều nếu ai viết về con bồ câu, vẫn có cái tôi của người viết trong con bồ câu đó. Anh tả con bồ câu đang bay, tức chính anh bay. Không ai lìa bỏ cái tôi của mình lâu hơn một giây, rõ ràng là như vậy, không thể khác. Anh có thể viết về con bồ câu của anh như một nỗi ám ảnh riêng tư, khổ nỗi người ta lại cần có câu chuyện để đọc và thấy người ta trong đó.
Đôi mắt ông SuDa long lanh, ánh lên một điều chi đó mà ông tìm đã lâu, nay mới bắt gặp. Rồi một buổi chiều thoang thoáng nỗi buồn, ông SuDa chạy xe về nhà mình. Nhà vắng, bà nhà với đứa con trai duy nhứt mới mười bảy tuổi đi đâu không rõ. Trong ánh đèn dầu, ông SuDa dựng xe xong, đi vô bếp. Lạ thay, cái bếp sạch bong, nồi niêu thường ngày ám khói giờ láng coóng long lanh. Ông trờ ra trước thấy cái lồng bàn bằng tre úp trên bàn, mũi đánh hơi mùi thơm. Giở ra, tuy thức ăn đạm bạc nhưng tươm tất nóng hổi. Căn nhà nhỏ không còn chút bụi, đừng nói tới rác, nghĩa là như có ai hiện ra thu dọn sắp xếp tinh tươm giùm, sẵn kiến đang cắn bụng, ông ăn cơm, rồi uống trà, sau đó nằm trên cái giường tre ngủ khò. Khi ngủ ông nghe thấy tiếng ai đi lại nhẹ bước, có lẽ đã khuya... Ông choàng thức, thấy một đứa con gái nhỏ nhắn, như con bồ câu con mới ra ràng, da trắng xanh, ngồi nhìn ông mỉm cười.
- Ba!
Tiếng vợ ông lao xao trước cửa với một bà già khác, đâu như người xóm dưới, cái xóm lúc nào cũng vương khói bắp. Ông ngồi dậy khi hai bà già vô, còn thằng con trai đi sau lưng hai bà ngượng nghịu. Lúc này trăng tròn sáng dịu trước sân nhà như giấc chiêm bao, mọi chuyện mơ mơ màng màng, bỗng bà già nói:
- Cháu tui như vậy coi như nó hư rồi. Tui thì thương nó, ẵm bồng nó từ khi ba má nó chết. Chú nó khó, chị nói với nó đừng có về chuồng, xấu hổ cho tui, mà nó cũng bị chú nó gọt đầu bôi vôi tội nghiệp. Anh chị nghĩ sao, nghĩ xong rồi nói cho tui biết sơm sớm, nhớ đừng cho chú nó biết.
Bà già chào về, hay là bỗng nhiên bay khỏi cửa, trong nhà bỗng lạnh tanh. Thằng con trai ông bà SuDa ngồi im re, khuôn mặt nó lì lì, quạu quạu, với hàm râu tơ trên mép, môi mím chặt. Đứa con gái tỉnh hơn, đứng bên cạnh nó. Thằng nhỏ coi bộ khờ hơn con nhỏ, mặc dù hai đứa non sèo, mặt búng ra sữa, coi giống như bằng tuổi. Ông SuDa chợt nhớ con nhỏ dễ thương này Tet hay bán bông vạn thọ với dừa tươi bên kia đường. Con nhà nghèo nhưng sạch sẽ, vui vẻ, lại còn có vẻ khôi hài. Nó nói chuyện ai cũng phải tức cười, có duyên chớ không phải khùng. Nó tên Ổi, coi bộ có gan buôn bán, chịu khó. Bỗng nghe nó cười rồi nói:
- Ba má có thương thì con nhờ, mà ghét con, con cũng đành phải chịu. Con nói tụi mình còn nhỏ lắm Trái Cây ơi, ăn chưa no lo chưa tới mà sao Trái Cây nóng tánh quá vậy, đợi tui lớn lớn chút xíu nữa không được sao. Nó hổng chịu nghe lời con, con đi tới đâu nó phá tới đó, tới nỗi này nè. Con không dám đi bán bông, trốn về dưới quê, nó cũng rượt theo sát nhíp. Cách đây một tuần lễ, không biết nó lấy chiếc xe đạp mini của ai, vụ này con không biết à nha, nó mới chạy xuống nhà cô con ở dưới Vũng Liêm, nó khóc, làm cho con cũng khóc theo...
Ông SuDa nhẩm tính thằng con ông “chà đồ nhôm”, chôm chiếc xe đạp mini sau bếp đi khỏi nhà đã hơn một tuần, làm ông đứng ngồi không yên. Con nhỏ chắc thương thằng Trái Cây rồi cho nên nói giấu... Con trai ông là cuarơ đua xe đạp hay sao mà từ thành phố chạy tuốt xuống Vũng Liêm kiếm con nhỏ. Cái thằng sôi nổi y hệt ông lúc còn trẻ. Tụi nó gân nhau hơn một tuần, bà nó nói chắc phải, con nhỏ hư rồi, ông sắp có cháu nội!
Tội nghiệp con nhỏ nhà nghèo lại mồ côi, mới chút xíu đã thấy khổ, rồi đây không bao lâu nó sẽ là một người mẹ còn con nít trân. Đêm mới yên tĩnh làm sao, trăng sáng lạnh hết cái sân, ánh trăng xuyên qua tầu cau, con chó nằm ngủ say sưa dưới ánh trăng... Không đâu bình yên bằng nơi quê nhà của mình, nơi sinh con đẻ cái, nở ra bầy bồ câu con, cháu chắt thấy thương. Ông SuDa lại nhẩm tính, cái thằng Trái Cây hiền khô nhưng lại cộc tánh, rồi nó sẽ nuôi con nó bằng cách nào hả trời? Con ổi thì ông khá yên tâm, con nhà lao động đã quen siêng năng, nhưng không thể nói rằng trời sanh trồi nuôi, hay trời sanh voi sanh cỏ, ai cũng phải làm việc để sống, dù cho phương trời góc biển nào chăng nữa, nói chi thì tụi nhỏ cũng là ruột thịt của ông. Phải hòa hoãn với chú của con Ổi thôi, ông chưa từng thấy ai hay bắt bẻ như tay này. Cộc tánh nhưng được cái dễ nguội. Phải thiệt khéo nói, không khéo chú nó giết nó. Chừng êm rồi thời lo làm lễ phú phạt cho hai đứa. Vạn sự khởi đầu nan, song vạn sự cũng ư tiền, bằng mọi thếp hải kiếm xu làm lễ nghĩa cứu con dâu non ngày non tháng rồi cứu thằng hay là con không biết, cháu nội đích tôn.
Sáng sớm hôm sau, ông SuDa chạy xe tới chở ông Già đi lãnh nhuận bút, bận về lại ghé quán cà phê trò chuyện với các văn sĩ. Mấy lần ông SuDa toan mở lời mượn tiền ông bạn già, nhưng chưa kịp nói thì ông Già đã trả hết số tiền còm cho chầu cà phê đãi bạn hôm nay và hôm ký sổ trước đó. Ông già này suốt đời chỉ có cái máy đánh chữ với tập giấy, ở nhà mướn, ít khi nào có tiền, mà có chút đỉnh rồi cũng không ở yên trong túi, mọi chuyện cơm áo gạo tiền với ông ngoại này nhẹ tênh như mưa bay gió thoảng! Thời kỳ xe gắn máy Tàu, xe gắn máy Thái, xe Hàn, mỗi chiếc láng coóng mà chỉ có vài triệu. Chiếc xe Nhật sản xuất năm một nghìn chín trăm lâu lắm của ông SuDa, sườn Honda mà máy Suzuki, chỉ bán được có bốn triệu cho một người Hoa chở hủ tiếu. Số tiền vừa đủ cho vợ chồng ông SuDa làm lễ phú phạt cho thằng Trái Cây, đồng thời ông cũng tạm biệt nghề lái xe ôm nghiệp dư.
Trong cái rủi có cái may, để rồi sau đó ông SuDa sống một cuộc đời toàn tâm toàn ý, theo mô hình văn sĩ chuyên nghiệp, nghĩa là không làm gì hết, chỉ có suy nghĩ để viết tiểu thuyết. Với ông SuDa thì đây là dịp mà ông vô cùng mong đợi. Ông sẽ bắt đầu lại cuốn tiểu thuyết mà ông nghiền ngẫm từ thời trẻ. Nhưng nói cho cùng và nói một cách sòng phẳng, không phải ai muốn trở thành văn sĩ cũng được. Dù sao thì tối thiểu ông SuDa cũng cần vài triệu in sách, mà phải chính thức ở một nhà xuất bản đàng hoàng, không chơi kiểu in chui. Một hôm ông kể câu chuyện mà ông muốn viết và in thành sách cho các bạn mình nghe, ai cũng ngạc nhiên, cười lớn, hể hả, nói hay, nói lạ. Ông kể như vầy:
- Lúc tôi còn nhỏ, ông nội tôi có nuôi một đàn bồ câu. Cái chuồng sơn xanh xanh, được ông đặt trên hai thanh cây cao, bằng với ngọn cây trứng cá. Tôi hay leo lên đó ngồi suốt ngày, nhờ vậy tôi mới nói, hỏi, trò chuyện và học tiếng nói của bồ câu. Ông nội tôi tưởng tôi khùng, ngồi trên cây nói chuyện một mình. Ông đâu có biết tôi có nhiều bạn bè là chim, vì ngoài bồ câu còn lũ chim se sẻ tới ăn trái trứng cá. Thật tình tiếng bồ câu không khó nói lắm, dễ hơn tiếng Anh nhiều. Nó cũng có túc từ, động từ, danh từ, các thứ, cũng giống như tiếng người ta vậy mà, chỉ khác một chút là một tiếng “gù” âm giống nhau, nhưng khi nghĩa này lúc lại nghĩa khác, rất ít tiếng nhưng đa nghĩa. Lạ kỳ là bồ câu ít khi mâu thuẫn, nói tiếng gì đúng nghĩa đó, nghĩ sao nói đúng vậy chứ không phải như con người. Khi cả đàn bồ câu bỏ chuồng nhà ông nội tôi bay đi, thật lâu, lâu tới nỗi khi tôi đã già, một buổi chiều, đang ẵm cháu nội của tôi đứng trước nhà thì có con bồ câu bay tới đậu trên vai tôi “gù gù” rồi nói nhỏ: “Con chào ông, con là con của cô bồ câu ta. Một lần trứng rớt từ trên ổ xuống, ông lụm vá lại, rồi ông la bà Tám sơ ý, ông hơ ấm cái trứng, ấp nở con bồ câu con là con nè. Má con là bà Tám, ông nhớ hông? Hồi trước má con ở chuồng nhà ông nội của ông, má con biểu con bay đi kiếm ông, con bay lâu rồi, mới thấy... chuồng của ông ở đây. Má con nói cả nhà con hết lòng cám ơn ông, ông đã thương tình mà cứu cho con sống, rồi mới đây ông nuôi một con bồ câu bay lạc vô nhà ông. Chúc mừng ông có bồ câu cháu, còn đây là món quà nho nhỏ, nếu ông không nhận con không dám bay về chuồng má con”. Rồi con bồ câu này - tôi nhìn một hồi thấy nó giống má nó lắm, màu trắng, cánh nâu nâu - nhả cho tôi một cây viết thần để tôi viết tiểu thuyết.
Câu chuyện của ông SuDa không phải là chuyện phù thủy vui nhộn như cuốn Harry Potter mà là một câu chuyện có thật, tới 80 phần trăm, tiếc cho các nhà xuất bản đã không nhanh tay. Rồi ông SuDa cũng có được năm triệu để có thể tự in cuốn sách. Không ai khác giúp ông hơn là các bạn văn sĩ tốt bụng. Nhưng đã nói trước rồi, văn sĩ thì hay gặp cảnh truân chuyên, khi về tới nhà, xui cho ông Su Da, ông lại đem truyện có tiền in sách đi nói với vợ, trong lúc con dâu của ông nằm ổ đẻ, còn thằng Trái Cây thì cần có cái gì làm ăn. Bà nhà vốn thiết thực hơn ông, không có chuyện “bồ câu” chim trời cá nước chút nào. Bà nói: “Ông không chịu lo làm ăn gì ráo trọi, suốt ngày cứ lo ba chuyện ngâm vố. Có cháu nội rồi đó, thằng Trái Cây cần chiếc Honda để chạy xe ôm, ông nuôi tụi nó nổi hông? Năm triệu này tui lấy mua chiếc xe cho thằng Trái Cây”. Vì vậy mà, thưa các bạn, cuốn tiểu thuyết của ông SuDa phải gác lại.
Có lẽ đây là lần đầu tiên có một người nói chuyện được với bồ câu và hết sức muốn ra mắt bạn đọc cuốn sách có một không hai đó. Nhưng, như vợ ông nói cũng có lý, xe cần hơn. Ông văn sĩ SuDa đành nợ chúng ta một cuốn tiểu thuyết phải nói là khá hấp dẫn.
Một hôm, chạy xe ngang qua khu bán chim chó mèo ở đường Ba Tháng Hai, tôi chợt thấy ông SuDa. Ông đưa tay lên như chào ai, còn mắt thì nhìn lên trời. Từ trên cao, một con bồ câu bay xuống, đậu trên tay ông, rồi đôi ba con khác đậu trên vai, nhiều con nữa đảo vòng vòng vui mắt, sau đó là cả một đàn bồ câu bay xuống quanh ông... Mọi người ngạc nhiên, vỗ tay khen ngợi. Đám bồ câu “gù gù”, ông SuDa... cũng “gù gù” theo vui vẻ. Họ trò chuyện về cây trứng cá, về bầy chim sẻ và nhiều chuyện khác như những người bạn lâu năm gặp lại, nhắc chút kỷ niệm thời thơ ấu bâng khuâng đã qua mau...