Số lần đọc/download: 1603 / 41
Cập nhật: 2015-06-22 11:59:16 +0700
Chương 9
T
ối nay Lê Ni về rồi, nó lẩm bẩm:
- Đáng lẽ mẹ chẳng nên nói cả một lúc cho nàng biết một lần như thế.
- Mẹ có nói hết đâu?
Lê Ni nói như nghẹt thở:
- Nàng đâm ra suy nghĩ khi nàng biết tại sao con có vẻ khác người.
Tôi những muốn ôm con vào lòng, nhưng làm như vậy chắc nó giận dữ. Tốt hơn là bảo nó sự thật:
- Con phải tập hứng chịu cái bản chất của mình. Con có một phần dòng giống Trung Hoa. Con sẽ không bao giờ sung sướng một khi con không hãnh diện về mình.
Tôi hôn vào má Lê Ni. Gia đình A Lệ không thể hợp với con tôi. Nó cần phải hiểu như vậy. Nỗi buồn sẽ qua đi, rồi con tôi sẽ gặp người đàn bà vừa ý có thể giao phó cả cuộc đời sau này.
*
Nhân việc này lại tự hỏi vì sao tôi lại lấy Diên Tôn? Còn nhớ một buổi sáng mùa xuân trong niên học cuối ở đại học, tay ôm sách tôi đi vội vã đến giờ học triết lý. Tôi đến chậm vì lơ đãng ngắm cảnh đẹp vạn vật vào mùa này, khi tôi trông thấy Diên Tôn chạy xuống các bậc phòng học mà tôi sắp vào, với một dáng điệu thật đẹp. Làm sao tôi quên được ánh mặt trời lóng lánh trên mớ tóc đen, cặp mắt huyền sắc sảo, làn da ngà mịn màng của chàng? Chúng tôi không trao đổi một lời nào, chỉ nhìn nhau, mà cũng đã quyết định cho đời tôi rồi. Tôi muốn biết tên chàng, nói cho chàng rõ, chàng đã là của tôi.
Không phải một ngày, một tuần, cả một tháng trời tôi ngây ngất về sắc đẹp khác thường của chàng. Muốn được nói với chàng, tôi thu xếp giờ học để cùng ra trường một lần với chàng. Chàng rất rụt rè, nhưng cũng không rời được tôi. Một buổi kia, tôi mời chàng về nhà. Tôi đã yêu thương chàng thật rồi!
Sau cùng chàng cũng tỏ tình yêu với tôi. Ôi! Mới dài làm sao, trước khi chàng quyết định, ba tháng, có lẽ đến bốn tháng! Tôi tưởng như chàng không bao giờ dám thổ lộ nữa.
- Tôi không biết nếu em có thể coi tôi như một người bạn được không?
Chàng đưa lưỡi liếm cặp môi khô.
Tôi cười, nói quả quyết, lòng tràn ngập sung sướng:
- Cố nhiên, cố nhiên là được.
Sau ngày cưới, khi tôi hỏi tại sao ngày hôm đó chàng bối rối thế, chàng ngập ngừng trả lời:
- À! Chỉ vì... anh nghĩ không bao giờ... yêu được một thiếu nữ Mỹ.
Tôi trêu đùa chàng:
- Thật sao? Vậy anh lấy ai, nếu không phải em?
Chàng trả lời nghiêm nghị:
- Anh vẫn nghĩ sẽ lấy một người Tàu. Đó là nguyện vọng của mẹ anh.
Đó là điều chàng nói với tôi đã lâu lắm rồi. Nay tôi ngắm chân dung của mẹ chàng. Không phải là một khuôn mặt lạnh lùng. Trong đáy mắt trầm lặng của một thiếu phụ Trung Hoa, tôi cảm thấy cả một tâm tình nồng nhiệt. Chúng tôi có thể là cặp bạn thân thiết, nếu không vậy bà coi tôi là kẻ thù ngay. Sự quyết định là ở bà. Tôi chưa bao giờ nghĩ sai lầm về người đàn bà Tàu, ngay đối với thiếu nữ trẻ đang tươi đẹp như hoa. Người đàn bà Tàu là người nhiều nghị lực nhất.
Mặc dù phục tùng bề ngoài, họ chưa dễ bao giờ chịu nhượng bộ. Sự dũng cảm đó đã từ ngàn xưa di truyền lại, sức mạnh của những kẻ bị bỏ rơi. Ở Trung Hoa, chỉ có con trai được hoan hỉ tiếp nhận trong xã hội. Chúng được nuông chiều, bảo vệ, thương yêu. Còn con gái bó buộc phải chấp nhận tình trạng lép vế qua đời này sang đời nọ, nên họ quen chỉ nghĩ đến mình trước tiên.
Tôi bỏ tấm hình vào ngăn khoá lại, nhưng nó vẫn ám ảnh tôi. Ngày hôm nay là thứ bảy, ông cụ và tôi ngồi đối diện ăn bữa sáng, vì Lê Ni đi câu cá. Tôi không thể yên, lại khơi câu chuyện về bà mẹ của Diên Tôn:
- Thưa ông, chắc ông còn nhớ đã nói chuyện với con về mẹ của Diên Tôn bữa nọ? Con muốn ông nói rõ cho con biết thêm.
Ông ăn từ tốn, dùng đôi đũa như mỗi lần tôi mời ông ăn cơm. Rồi đặt đũa xuống, ông nói:
- Con muốn biết thế nào nữa?
- Con có bức ảnh của bà để trên lầu.
Ông tái mặt:
- Tại sao có?
- Trong một tạp chí.
Tôi không thể thú thật với ông là do Diên Tôn gửi cho.
- Con mang cho ta xem.
Tôi chạy lên lầu lấy chiếc ảnh và đem xuống đặt trước mặt ông. Ông cụ nói từ tốn:
- Phải rồi, ta nhận ra bà. Có thay đổi.
- Trước bà thế nào?
- Khi ta vén chiếc khăn choàng mặt cô dâu, ta thấy bà thật đẹp.
- Thưa ông đúng thế ạ?
- Nhưng sau đó, ta không thấy chắc chắn nữa. Bà nhìn ta với bộ mặt khác lạ.
- Tại sao vậy?
- Ta cũng không hề hỏi bà. Chúng ta không thân thiết với nhau lắm để tiện hỏi chuyện đó.
Ông cầm đũa và tiếp tục ăn. Tôi tự hỏi xưa kia người thiếu phụ Trung Hoa này có yêu ông không, và trước sự lạnh nhạt của ông, bà có ý lấy lại đứa con không? Còn ai nói cho tôi biết được nữa?
*
Tối nay, vầng trăng soi sáng đỉnh núi và cả thung lũng chìm đắm trong bóng đêm. Những viên đá sỏi trên đường lóng lánh như bạc, tôi nhận thấy ngay sau đó hai bóng người quàng vai nhau đi chậm chạp dưới bóng các cây lớn, Lê Ni và A Lệ. hai người đi xa dần và biến mất trong rừng phong.
Một sự thay đổi đã diễn ra trong tháng này với tuần trăng mới. Lê Ni trở nên trầm lặng, luôn luôn nó vội vã, không phải vì công việc nhưng vì một nỗi nóng nẩy trong lòng. Nó đi đi lại lại không nói năng gì, khi thoáng gặp mắt tôi đăm đăm nhìn thì nó lại quay ngay đi.
Tối qua tôi nấn ná ở ngoài hiên quá nửa đêm chưa vào. Gió mát tôi choàng khăn len đỏ lên đầu. Lúc đó tôi trông thấy Lê Ni trèo lên sườn núi thật lanh lẹn. Trong bóng tối, hình dáng của nó rõ ra người lớn rồi, cao và khoẻ mạnh. Nó trông thấy tôi, đáng lẽ tìm gặp tôi trên hiên nhà, thì nó lại tiến thẳng về phía cửa bếp. Tôi không thể ngăn gọi nó:
- Lê Ni!
Nó ngừng lại, tay cầm nắm cửa:
- Vâng.
- Con hãy lại đây.
Không nói lời nào, nó yên lặng đi lại phía tôi.
Nó hỏi:
- Mẹ ngủ muộn thế?
- Ta đợi con.
Tiếng nói của nó nay rõ ra giọng người lớn:
- Mẹ không cần phải đợi con.
- Mẹ không thể ngủ được khi không biết con hiện ở đâu.
- Rồi mẹ sẽ quen đi.
Tôi hơi bực mình tuy biết Lê Ni nói có lý, nhưng tôi không thể im lặng mãi.
- Mẹ biết tối nào con cũng đi với A Lệ, và mẹ không sao mến nàng được.
Đó là lần đầu tiên nói rõ cho nó biết, tôi không mến thương người con gái nó bắt đầu yêu. Nếu Diên Tôn ở gần, ít nhất tôi có thể thảo luận và nghe ý kiến chàng.
- Lê Ni, con ngồi đây. Chưa lấy gì làm muộn, mẹ có ít lời nói với con.
Nó ngồi trên bức tường thấp ngoài hiên, lưng quay về phía mặt trăng, nó ở trong bóng tối, còn tôi trông ra ánh sáng.
- Chính là ta không ưa A Lệ. Nàng cũng như bao thiếu nữ khác, xinh xắn, dễ thương nhưng nông nổi. Nàng sẽ làm cho người đàn ông không nhiều ước vọng sung sướng, cũng như nàng chỉ có chút ít tình yêu và hạnh phúc đó sẽ được trả lại vì hai người bù đắp cho nhau. Nhưng Lê Ni, đối với con, phải cả một bể tình một nguồn nước sôi nổi không bao giờ khô cạn, phải cần một người đàn bà với tấm lòng sâu xa, tình thương yêu tràn ngập. Một khi con tìm thấy người đó, con hãy tin mẹ, không còn bao giờ mẹ chờ đợi con về nữa.
- A Lệ nói mẹ ghen tị với cô ấy!
- Vì nàng biết không phải là người hợp với con và cũng thừa hiểu mẹ rõ điều này.
Đến lúc trao đổi lời không sao cứu vãn được và trên bờ vực thẳm nên tôi cố trấn tĩnh:
- Nếu mẹ chú ý đến việc con yêu một người đàn bà có thể làm cho con hết sức sung sướng, chẳng qua cũng vì mẹ nghĩ đến diễm phúc mẹ đã được hưởng với cha con. Trước sau mẹ chỉ yêu cha con, và cha con cũng vậy. Mẹ biết như vậy chẳng hợp thời lúc này. Ngày nay, người ta tưởng rằng phải thí nghiệm với tình yêu. Điều đó quả đúng với người nông nổi. Nhưng không thể hợp với người có tấm lòng yêu thương sâu sắc thì thật hiếm. Cha con và mẹ là còn loại người này. Tình yêu ư? Chúng ta càng hoàn toàn hơn nữa, vì từ trước chúng ta chưa trao đổi cho một ai. Mẹ quả quyết với con điều đó là đúng.
Lúc này tôi mới thấy không cho Lê Ni xem bức thư dấu trong ngăn kéo là phải. Mặc dù ý nghĩa của lá thư, tôi biết Diên Tôn chỉ yêu mãi mãi có tôi. Nhưng Lê Ni hiểu sao được, và sau đây cũng chẳng bao giờ hiểu, nếu nó không tìm được người bạn trăm năm xứng đáng.
Nó nói một lời khá tàn nhẫn:
- Như vậy tại sao cha con không còn viết thư cho mẹ nữa?
- Điều đó có gì lạ. Cha con chắc còn phải có lý lẽ riêng, không liên hệ đến con và đến mẹ. Trong đời này, người thương yêu nhau thường bị chia ly. Nhưng như vậy không thể để mối tình tiêu tan được. Cần phải chờ đợi và không ngừng yêu thương mới được.
Chính cho bản thân tôi và cho cả Lê Ni, tôi giảng bài luân lý này.
Nó đứng dậy ôm chầm lấy tôi.
- Mẹ đừng giận con. Mẹ hiểu nhầm A Lệ. Nàng xứng đáng mẹ ạ. Nhưng dù sao, con không phải là cha con, và nàng không phải là mẹ, mỗi người phải sống cuộc đời riêng của mình.
Như vậy còn biết nói sao?
- Chào mẹ.
- Chào con.
Tôi nghe thấy tiếng chân con tôi bước mạnh trên cầu thang, từ bếp dẫn lên phòng nó. Mùa hạ năm nay, Lê Ni đã rời ở sát phòng tôi, từ ngày chúng tôi trở về đây, để sang căn phòng ở ngay trên bếp. Tôi biết tại sao, như thế nó có thể đi qua lại không phải qua trước cửa phòng tôi để được tự nhiên hơn. Nếu A Lệ là thiếu nữ tôi hằng mơ ước cho nó, điều đó không có gì quan hệ. Chao ôi! Còn người mẹ nào có thể cứu vãn con mình được! Họ chỉ còn biết dò xét, đợi chờ, nắm chặt thất vọng. Tin chắc con tôi không hiểu, khi tôi nói đến mối tình đằm thắm sâu xa. Tôi thương A Lệ vì con tôi đòi hỏi quá nhiều mà nàng không bù lại được. nàng sẽ đau đớn không đáp lại được tình yêu khẩn thiết để chiều đầu óc nàng và không làm vừa lòng được người mình yêu. Chính A Lệ là người đáng thương. Phải cứu vãn Lê Ni, cố nhiên rồi, nhưng cũng phải che chở nàng nữa.