Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả: Yasunari Kawabata
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Ngô Quý Quang
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2537 / 95
Cập nhật: 2015-08-06 20:51:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nhà Của Chim Ó
Cả mùa đông lẫn mùa hè, cứ đúng sáu giờ, tiếng chuông của ngôi đền sau nhà lại vang lên. Mỗi khi nghe thấy nó, Singo lại tự bảo là mình đã tỉnh giấc sớm quá.
Sáu giờ vào mùa đông quả là quá sớm, song ít có khi nào đã thức dậy rồi mà Singo lại yên trí nằm thêm được nữa, khi ấy ông thường ra mở thùng như để lấy báo.
Kể từ khi nhà không còn người giúp việc, sáng ra Kikuco phải làm hết việc nhà.
- Ba đã dậy đấy à? Thật là sớm quá!... - Cô vẫn thường nói với Singo như vậy mỗi sáng. Còn ông thì làu bàu vẻ có lỗi:
- Ờ, ba sẽ nằm thêm một lúc nữa.
- Vâng, thế là tốt nhất đấy, vì con vẫn chưa chuẩn bị xong nước nóng...
Cứ nghe thấy tiếng cô mỗi sớm ngủ dậy là tâm hồn ông lại ấm áp hẳn lên vì cảm nhận thấy sự có mặt của con người.
Đã là giữa tháng năm, một buổi sáng, khi thức giấc, Singo nghe thấy tiếng chim Ó kêu.
"Nó lại đến đây rồi"' ông lẩm bẩm và lắng tai nghe.
Hình như con chim lượn vài vòng trên mái nhà rồi bay về phía biển.
Singo trở dậy, rửa mặt đánh răng rồi ra cửa dõi nhìn lên bầu trời. Con chim đã khuất dạng, tiếng kêu của nó như một giọng trẻ con thánh thót đã xuyên qua không trung và tan vào trong cái lồng của bầu trời.
- Kikuco, con có nghe thấy tiếng chim Ó của chúng ta kêu không?
Singo gọi về phía bếp, nơi Kikuco đang dỡ món cơm nóng bốc khói nghi ngút vào một cái tô lớn bằng gỗ.
- Không ạ. Con mải nghĩ quá nên chẳng nghe thấy gì hết. - Kikuco trả lời.
- Nó lại về với chúng ta đấy.
- Ôi hay quá!
Một khi con Ó đã về đây, thì lũ chim sâu cũng bay về.
- Vâng, cả quạ nữa.
- Quạ ấy ư? - Singo hỏi lại và bật cười vì cái ý nghĩ rằng một khi đã nhận chim Ó là "của nhà ông" thì lũ quạ cũng là "của nhà ông" luôn. Thì ra nhà của chúng ta không chỉ là chỗ ở của người, mà còn là của chim chóc.
- Sắp tới còn có cả rận và muỗi nữa đấy ạ.
- Ối chà, nào thôi đi! Nhà ta làm gì có rận với muỗi? Hơn nữa, những giống ấy không hoạt động vào mùa đông.
Kikuco nhìn bố chồng và mỉm cười hỏi:
- Dịp này cả con rắn cũng sẽ bò ra, phải không ạ?
- Cái con rắn bự đã làm con hết hồn ấy hả?
- Vâng.
- Ồ nó là chủ nhân ở nơi đây.
Có một lần - đó là vào mùa hè năm ngoái - khi đi chợ về, Kikuco trông thấy ở trước cửa bếp, phía ra vườn, một con rắn ráo to tướng... Cô lao vọt vào nhà, người run bắn lên vì sợ. Nghe tiếng hét của cô, con Teru chạy xổ đến sủa như điên, đầu cúi thấp sẵn sàng ngoạm con rắn. Nó định lao tới mấy lần nhưng rồi đều chùn lại.
Con rắn ngóc đầu lên, phóng cái lưỡi đỏ ra rồi không thèm nhìn con chó, nó trườn đi dọc theo ngưỡng cửa bếp ra vườn. Theo lời của Kikuco thì con rắn dài gấp đôi ngưỡng cửa, nghĩa là khoảng hai mét và to hơn cổ tay cô.
Trước sự hoảng sợ của Kikuco, bà Yasuco giảng giải tỉnh như không:
- Nó là chủ nhân của chốn này và đã sống ở đây từ rất lâu trước khi con về làm dâu trong nhà kia.
- Nếu lúc ấy con Teru cắn nó thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
- Chẳng có chuyện gì xảy ra hết. Teru sẽ thua thôi. Con rắn ráo mà quấn lấy nó thì... Có điều con chó cũng biết cái gì sẽ giáng xuống đầu nó và vì thế nó chỉ sủa thôi.
Song Kikuco thì sợ chết khiếp và rất lâu sau cô không dám bén mảng đến trước cửa bếp mà chỉ ra vào qua cửa chính. Cái ý nghĩ rằng có một giống vật ngoằn ngoèo to lớn như vậy ẩn náu đâu đó trên trần hoặc dưới sàn nhà làm cô ăn ngủ không yên.
Hẳn là con rắn ráo ấy sống ở trên đời và hiếm khi thấy nó xuất hiện ở trong vườn.
Khu vực phía sau nhà không phải của gia đình Ogata. Chính Singo cũng không hiểu nó thuộc quyền sở hữu của ai nữa. Một triền dốc gồ ghề từ chân đồi kéo dài đến mảnh vườn. Đối với các giống vật thì mảnh vườn là một phần kéo dài tự nhiên của triền dốc và các giống cây cỏ trên đồi mọc lan cả xuống vườn.
- Đó, nó đã trở lại rồi! - Singo lẩm bẩm rồi lắng nghe và kêu lên mừng rỡ. - Kikuco, con Ó đang về đây!
- Vâng, bây giờ thì con nghe thấy rồi, - Kikuco đáp và ngước nhìn lên.
Những tiếng kêu xao xác của chim Ó ngân vang trong không trung.
- Chắc nó đã tìm được mồi và trở về tổ đây. - Kikuco nói.
- Hay là ta để cá cho nó ăn nhỉ?
- Chó sẽ ngửi thấy và ăn mất ngay thôi ạ.
- Nhưng ta để lên cao chứ!
Kể cả năm ngoái và năm kia cũng vậy, mỗi khi Singo thức dậy mà nghe thấy tiếng Ó kêu là tim ông tràn đầy một tình cảm trìu mến. Có vẻ là những thành viên khác trong nhà cũng có một tình cảm tương tự. Dù là thế nào đi nữa thì tất cả đều gọi con chim là "chim của chúng ta".
Có điều là Singo không biết chắc chỉ có một con chim hay là một đôi, ông có cảm giác là trước đây nhiều năm, ông đã từng thấy một cặp Ó lượn trên đầu nhà mình.
Singo cũng không tin là năm nào ông cũng nghe tiếng của cùng một con Ó ấy cả. Biết đâu các thế hệ chim chẳng nối tiếp nhau?
Chẳng có gì lạ nếu những chim già chết đi và giờ đây con cái của chúng đang kêu vang phía trên ngôi nhà.
Ông đặc biệt thích thú với cái ý nghĩ rằng những con chim cũ năm ngoái đã chết và mọi người trong nhà không biết chuyện đó, khi mắt nhắm mắt mở thức dậy nghe thấy tiếng Ó kêu thì lại cứ nghĩ rằng đó là con chim Ó "của họ".
Ở Kamukura có rất nhiều đồi, vì thế thật khó mà giải thích được vì sao chim Ó lại chọn đúng quả đồi nhà Singo.
"Tôi đã gặp được cái khó gặp đến như vậy, tôi đã nghe được cái khó nghe đến như vậy" Có thể là ở đây sự việc cũng như thế trong chuyện con chim ó.
Một khi con chim đã chọn nhà của họ để làm tổ, thì đối với họ tiếng hót của nó là hay nhất.
2
Trong nhà chỉ có Singo và Kikuco dậy sớm nên sáng nào hai cha con cũng trò chuyện với nhau được một lúc, còn với Suychi thì Singo chỉ có dịp nói chuyện những khi họ ngẫu nhiên cùng đi một chuyến tàu.
Mỗi khi tàu chạy qua chiếc cầu sắt và ở phía xa hiện lên cánh rừng nhỏ Ikegami, Singo lại thầm bảo: "À, ta đã gần đến rồi". Ông đã có thói quen ngắm cảnh khu rừng từ trên con tàu đi Tokyo.
Chính vì thế mà Singo không hiểu nổi, vì sao đã nhiều năm qua lại nơi này, mà mãi đến gần đây ông mới phát hiện ra hai cây thông. Chúng cao vượt hẳn những cây khác. Ngọn của cây này hướng về phía cây kia, dường như muốn chạm hẳn vào nhau, còn cành của chúng len lẫn như thể sẵn sàng ôm lấy nhau.
Đó là hai cây thông cao nhất của cánh rừng mà lẽ ra Singo phải để ý đến chúng từ trước. Giờ đây thì chúng thu hút toàn bộ sự chú ý của ông.
Sáng nay cảnh vật rừng mờ mịt qua màn mưa xối xả.
- Suychi! - Singo quay sang hỏi con trai. - Kikuco nó làm sao vậy?
- Đâu có sao ạ? - Suychi đáp, mặt vẫn cắm vào tờ báo.
- Có chuyện gì vậy? - Singo hỏi lại ôn tồn.
- Thấy cô ấy kêu là bị đau đầu.
- Thế hả? Vậy mà mẹ anh cho tôi biết là hôm qua nó đi Tokyo. Mãi đến xẩm tối nó mới về và đi nằm ngay. Trông nó khác lắm nên mẹ anh lo là có chuyện gì xảy ra với nó ở Tokyo. Tối qua nó bỏ cả ăn, và khi anh về đến nhà lúc chín giờ thì nó òa lên khóc, phải không? Tuy nó cố giấu, nhưng tôi với mẹ anh vẫn nghe thấy.
- Vài ngày nữa vợ con sẽ khỏi thôi ạ. Chẳng có gì nghiêm trọng đâu.
- Chắc không? Nếu chỉ vì đau đầu thì hẳn Kikuco đã không khóc nghe đến não lòng như vậy. Mà sáng nay hình như nó cũng khóc đấy.
- Vâng.
- Chị anh giận vì khi mang đồ ăn sáng vào cho Kikuco thì nó lại ngoảnh mặt đi. Và thế nên tôi mới hỏi anh, thực sự chuyện gì đã xảy ra?
- Hình như tất thảy những ai sống trong nhà này đều chú ý đến Kikuco thì phải! - Suychi đáp lại và liếc nhìn cha mình. - Nói cho cùng thì cô ấy cũng có khi đau ốm chứ, phải không ạ?
- Hừ, thế căn bệnh của nó tên là gì vậy? - Singo giận dữ căn vặn.
- Nạo thai, - Suychi rít lên qua kẽ răng.
Singo giật mình và nhìn đăm đăm vào hàng ghế trước mặt. Ở đó có hai người lính Mỹ đang ngồi. Sau đó ông lại tiếp tục cuộc nói chuyện với con trai, trong lòng tin chắc rằng những người Mỹ kia không hiểu một tiếng Nhật nào cả.
- Nó đã đi đến chỗ bác sĩ à? - Singo hạ giọng hỏi.
- Vâng. - Suychi đáp và gập tờ báo lại.
- Và lại trở về ngay trong ngày ư?
- Vâng.
- Tại sao? Ý anh như vậy hả?
- Không ạ, tự cô đã quyết định như vậy. Cô không cho ai nói vào một lời nào.
- Kikuco ấy hả? Anh nói láo?
- Con nói thật mà.
- Nhưng vì sao mới được chứ? Điều gì đã khiến vợ anh làm như vậy?
Suychi im lặng.
- Anh không nghĩ là lỗi của anh sao?
- Có thể. Nhưng cô ấy đã tuyên bố là ngay thời điểm này cô sẽ không đẻ dù bất cứ lẽ gì.
- Anh có thể ngăn nó, nếu anh muốn.
- Lần này thì chưa chắc.
- "Lần này" là nghĩa thế nào?
- Ba thừa hiểu là thế nào rồi. Nói vắn tắt thì Kikuco không muốn có con trong khi con đang...ở trong tình trạng thế này.
- Trong khi anh còn chưa cắt đứt với cô ả kia chứ gì?
- Vâng, đúng thế.
- Cái "Vâng, đúng thế" là nghĩa lý thế nào hả?
Singo nói mà cảm thấy giận dữ đến nghẹt thở:
- Đối với Kikuco, điều đó ngang bằng với tự sát, mày có hiểu không? Nó đã hủy hoại bản thân mình, chứ không phải là thể hiện một sự cố chấp ngu ngốc nào hết.
Suychi chột dạ vì những lời nói gay gắt của ông bố.
- Mày đã giết chết tinh thần của nó và nói theo nghĩa nào đó thì với nó thế là hết.
- Có điều tinh thần của cô ấy, nếu ba muốn biết, thì vẫn còn mạnh mẽ đấy.
- Thì chẳng lẽ nó không phải là đàn bà? Là vợ của mày? Nếu mày thể hiện lấy một chút dịu dàng, quan tâm, Kikuco hẳn đã vui mừng sinh con, mày chưa rõ hay sao? Nó sẽ không thèm để tâm đến việc mày có nhân tình nữa kia?
- Vấn đề là ở chỗ cô ấy lại quan tâm cơ chứ!
- Kikuco biết rất rõ là mẹ anh mong chờ có cháu nội. Và chính vì thế mà nó cảm thấy có lỗi vì mãi vẫn chưa có con. Vậy mà nó đã bỏ đi đứa bé mà nó thành tâm mong đợi, và đó cũng chỉ vì anh đã chà đạp tâm hồn nó.
- Nhưng đâu có phải hoàn toàn như vậy ạ... Chung quy cũng chỉ tại cô ấy quá xét nét chấp nhặt mà thôi.
- Chấp nhặt ư?
- Cô ấy bảo là sẽ lấy làm khó chịu khi phải sinh con trong một tình cảnh như vậy...
- Hừm...
Chuyện đó thì đã là vấn đề riêng của vợ chồng họ rồi và Singo bắt đầu thấy không chắc là Suychi có xúc phạm vợ và làm cho cô ta ghê tởm đến mức ấy nữa hay không. Tuy nhiên ông vẫn tuyên bố.
- Tôi không thể tin được điều đó. Dù là vợ anh có nói gì và làm gì, thì đó cũng không phải là Kikuco thực nữa. Còn người chồng một khi đã đi đến chỗ thắc mắc là vợ mình chấp nhặt hay quỷ quái gì đấy, thì điều đó cũng chỉ chứng minh rằng anh ta hầu như không yêu vợ. Có người chồng bình thường nào mà lại đi xem trọng những sự làm mình làm mẩy của vợ mình cơ chứ? - Nới đến đây Singo thấy không còn vững tin như trước. - Tôi cũng không hiểu mẹ anh sẽ nói gì nếu biết được là vừa để mất một đứa cháu nội nữa đây...
- Ồ ít ra mẹ con cũng yên tâm là Kikuco có thể sinh nở được.
- Cái gì? Anh có thể đảm bảo được là giờ đây nó vẫn còn giữ được khả năng ấy hả?
- Đảm bảo chứ ạ, tất nhiên.
- Chỉ những kẻ không biết sợ Trời Phật và không có lấy một chút tình yêu đối với mọi người mới có thể ăn nói như vậy. - Nói thế kể cũng hơi quá, nhưng mà thôi... Thực ra mọi cái đơn giản hơn rất nhiều.
- Ngược lại, chẳng đơn giản một chút nào hết. Hãy thử nghĩ và sẽ hiểu. Nếu đơn giản đến như thế thì Kikuco đã không đau khổ.
- Thì chính con, nếu đặt ra câu hỏi, con cũng muốn có con. Nhưng con không chắc là trong tình trạng thế này lại có thể sinh ra được một đứa con bình thường.
- Tôi không biết tình trạng của anh thế nào, song tình trạng của Kikuco thì chẳng làm sao cả. Chỉ có anh là lúc nào cũng ở trong tình trạng tồi tệ mà thôi. Kikuco là một con người khác thế. Anh không mẩy may nghĩ đến việc tránh cho phải ghen tuông và vì thế nó mới bỏ đứa con đi đó. Và chắc là cũng không chỉ có thế thôi đâu!
Suychi sửng sốt nhìn cha.
- Mày cứ thử từ chỗ cái con nhân tình của mày bò về mà say khướt như một con lợn rồi gác đôi giầy bẩn thỉu lên cho Kikuco nó cởi một lần nữa...
3
Trong ngày hôm đó, Singo có việc phải ghé vào nhà băng và mời người bạn là viên chức ở đấy đi ăn trưa. Họ ngồi với nhau ở nhà hàng cho đến hai rưỡi chiều. Sau đó, Singo gọi điện cho hãng và về thẳng nhà.
Kikuco đang ngồi ở ngoài hiên với đứa cháu nhỏ trong lòng.
Nhìn thấy Singo, cô tỏ vẻ ngạc nhiên và định đứng dậy.
- Cứ ngồi yên, ngồi yên! - Singo nói. - Sao con không nằm nghỉ? Chẳng phải là con nằm thì sẽ tốt hơn sao?
- Vâng. Con định cho cháu bé hóng gió một chút thôi...
- Thế Fusaco đâu?
- Chị ấy đến bưu điện cùng với Satoco ạ.
- Nó có việc gì ở đấy đâu nhỉ? Bỏ con bé ở nhà mà đi được...
- Nào, đợi mợ một chút nghe con! - Kikuco nói với đứa bé. - Bây giờ mình sẽ mang quần áo lại cho ông ngoại thay nhé.
- Không cần. Con cứ lo cho nó đi. - Singo bảo cô.
Kikuco ngước nhìn ông với khuôn mặt tươi cười. Giữa đôi môi của cô hiện lên hàm răng đều sít. Cô đặt đứa bé xuống sàn để thay đồ lót cho nó. Con bé co ngay hai chân lên và đưa tay nắm. Nó cử động chân thành thạo hơn là tay.
Trên trời có một máy bây Mỹ bay ngang qua. Giật mình vì tiếng gầm, đứa bé nhìn chăm chăm lên quả núi sau nhà. Không nhìn thấy chiếc máy bay đâu, nhưng cái bóng khổng lồ của nó lướt nhanh trên sườn núi. Có thể đứa bé cũng nhìn thấy cái bóng. Trong đôi mắt thơ ngây của nó ánh lên nỗi ngạc nhiên làm Singo giật mình.
Nó còn chưa có khái niệm thế nào là những trận ném bom đâu.
- Hiện giờ đã có nhiều trẻ sinh ra sau chiến tranh. - Singo nói và nhìn vào mắt đứa cháu, ánh ngạc nhiên trong đó đã tắt. - Chà, giá mà ta chụp được ảnh đôi mắt của nó nhỉ. Mà lại có in hình chiếc máy bay trong đó. Còn bức ảnh thứ hai sẽ là...Một đứa bé, thân thể tan nát vì bom đạn, ông định nói như vậy.
Chút xíu nữa ông đã buột ra, song ông dừng lại kịp vì nhớ ra là hôm qua Kikuco vừa phá thai. Thực ra thì trên trái đất có biết bao đứa trẻ giống như ở trong bức ảnh thứ hai Kikuco tay bế cháu, tay cầm mớ tã lót đi vào nhà tắm. Singo vào trong bếp. Liền sau đó bà Yasuco xuất hiện.
- Hôm nay ông về sớm nhỉ? - Bà ngạc nhiên thốt lên.
- Thế còn bà nãy giờ ở đâu?
- Tôi gội đầu. Trời mới hửng lên sau cơn mưa, thế là đầu tôi ngứa quá nên...
- Kikuco nó không nằm nghỉ à? - Singo hỏi khẽ.
- Thì nó mới dậy, nhưng mà... trông nó xanh mét ông nhỉ?
- Thế là mẹ con bà đẩy ngay cho nó con bé con đây hả?
- Lúc đầu con bé ngủ và Fusaco bế nó vào giường nhờ Kikuco trông giùm...
- Lẽ ra bà phải coi cháu.
- Thì phải rồi, nhưng tôi đã nói là con bé nó ngủ mà lại. Lúc nó dậy khóc thì tôi lại đang gội đầu. - Yasuco phân bua và đem kimono lại cho chồng.
Thấy Kikuco từ nhà tắm đi ra, Singo gọi:
- Kikuco, đem con bé lại đây nào.
Đứa bé được Kikuco dắt đi khi đến chỗ bà ngoại thì ôm lấy bà.
Yasuco bỏ bộ âu phục đang chải dở của chồng xuống và đón lấy cháu. Kikuco đem bộ đồ của Singo cất vào tủ quần áo và cô chậm chạp đóng cửa tủ lại với vẻ mặt đăm chiêu. Có thể cô đã nhìn thấy mình trong tấm gương gắn vào thành tủ.
- Kikuco, con nên nằm đi! - Singo khuyên.
- Vâng ạ. - Kikuco đáp và vai cô run lên rồi cứ quay lưng về phía cha mẹ chồng như thế cô lặng lẽ đi về phòng mình.
- Ông không thấy nó khác sao? - Bà Yasuco hơi nhíu mày hỏi chồng.
Singo không đáp.
- Nó không được khỏe, nhưng chẳng nói là bị làm sao. Nó không chịu nằm, trong khi đi thì không vững nữa. Tôi sợ là nó sẽ quỵ mất thôi. - Yasuco nói tiếp.
- Ừ, thì...
- Ông phải làm cái gì đó đối với chuyện của Suychi!
Singo gật đầu.
- Sao ông không nói chuyện thành thực với Kikuco đi? Tôi có thể đưa cháu đi chơi để cho hai bố con nói chuyện. À, bà cháu tôi đi đón mẹ nó, nhân tiện xem có gì mua cho bữa tối luôn thể. Ôi, mà Fusaco nó cũng trơ trọi một mình...
Yasuco ôm đứa bé đứng dậy. Singo hỏi:
- Có việc gì mà Fusaco phải đến bưu điện thế nhỉ?
Bà vợ giật mình quay lại.
- Tôi cũng lấy làm lạ... Có thể nó đi gởi thư cho Aikhara. Đã nửa năm nay chúng nó không sống với nhau rồi...
- Nếu chỉ để bỏ thư thì đâu có cần phải đi đến đó? Thùng thư cách nhà có hai bước chân mà!
- Có thể nó nghĩ rằng ở chỗ bưu cục thì đảm bảo hơn chăng? Chắc là khi nhớ đến Aikhara, nó không ngồi yên một chỗ được...
Singo mỉm cười cay đắng. Trong những lời của vợ ông có một chút lạc quan. Phải chăng sự lạc quan đã bắt rễ sâu trong tiềm thức của những người phụ nữ đã gìn giữ được gia đình cho tới lúc lớn tuổi?
Singo lấy tập báo của vợ và lật giở đại khái. Bất đồ một đầu đề thú vị đập vào mắt ông: "Đóa hoa sen hai nghìn năm nở".
"Vào mùa xuân năm ngoái, khi khai quật một di tích bên bờ con sông Camigava ở thành phố Chiba, người ta đã tìm thấy ba hạt giống hoa sen ở trong một chiếc thuyền nằm sâu trong lòng đất. Việc khảo cứu cho phép giả định rằng những hạt giống ấy là từ 2.000 năm về trước. Một giáo sư về thực vật học, chuyên gia về các loài sen, đã thành công trong việc cho các hạt giống ấy nảy mầm, mà sau đó ông đã cho trồng tại ba nơi khác nhau, trong đó có một mầm được trồng ở nhà của một người làm rượu ở Hatakemachi, một thành viên trong cuộc khai quật. Ông này đã thả mầm sen vào trong một cốc nước và cây hoa sen của ông đã ra hoa trước nhất. Được tin, vị giáo sư đã lập tức đến nơi và sung sướng vuốt ve bông hoa rồi nhắc đi nhắc lại: mó đã nở, nó đã nở!"
Dưới bài báo có đăng tấm ảnh của vị giáo sư - một người luống tuổi đeo kính có mái tóc bạc. Ông ta đang đỡ lấy cuống đóa hoa sen.
Singo ngắm bức ảnh một lát, rồi cầm tờ báo và đi gặp Kikuco.
Cô đang ở trong phòng của vợ chồng cô. Trên chiếc bàn thấp - một đồ vật trong số của hồi môn của Kikuco - có một xấp giấy trắng. Hẳn là cô định viết thư cho ai đó.
- Con từ trong người thế nào? - Singo hỏi và ngồi xuống cạnh bên. - Lẽ ra con không được dậy và đi khắp nhà thế đâu.
Kikuco mở mắt nhìn ông và định ngồi dậy, song ông đã ngăn lại:
- Con đã đọc bài báo nói về bông hoa sen nở sau hai nghìn năm chưa?
- Rồi ạ.
- Vậy là con đọc rồi hả? - Singo lầm bầm. - Giá mà con thổ lộ với chúng ta, thì đâu xảy ra như vậy... Lẽ ra con không nên trở về ngay hôm đó.
Kikuco lặng đi vì bất ngờ.
- Tháng trước, khi ta nói chuyện với con về việc con cái, con đã biết chưa?
Kikuco lắc đầu.
- Hừm... Suychi thì khẳng định là con làm như vậy vì quá chấp nhặt. - Singo bắt đầu nói nhưng thấy mắt Kikuco đầy lệ nên ông lảng đi. - Thế con có phải đi khám bệnh lại không?
- Có ạ, ngày mai. Con sẽ ghé lại, vậy thôi...
Hôm sau, khi đi làm về, Singo thấy vợ ông đang sốt ruột ngóng đợi ông.
- Kikuco đi về nhà cha mẹ đẻ rồi. - Bà Yasuco nói. - Họ mới báo lại là nó ốm và nằm ở bên ấy. Fusaco nghe điện thoại, ông bà bên kia thanh minh là Kikuco ghé qua nhà và thấy người không được khỏe nên nằm nghỉ lại, ông bà bên ấy hỏi chúng ta có gì phản đối nếu Kikuco ở lại vài ngày không.
- Vậy là vài ngày hả? - Singo trầm ngâm nói.
- Tôi đã bảo Fusaco trả lời là mai sẽ cho Suychi sang bên ấy xem tình trạng Kikuco thế nào. Liệu có phải vì thế mà hôm nay nó đi Tokyo không? Ông nghĩ thế nào?
- Cũng chẳng chỉ vì một chuyện đó.
- Nói thật là tôi không còn hiểu đang có chuyện gì xảy ra nữa đấy.
Singo cởi áo vét, nhướng cổ lên và tháo cravát.
- Nó vừa mới phá thai xong. - Ông nói sau một lát.
- Cái gì-ì? Yasuco co thót người lại. - Ông vừa bảo gì? Mà nó không hề nói gì với chúng ta ư? Không thể thế được? Kikuco à? Không, tôi không thể... Đám trẻ ngày nay rồi sẽ làm tôi chết mất thôi!
- Nhưng mà mẹ thì cũng mù mờ quá. - Fusaco lên tiếng và lại gần với đứa bé trong tay. - Con thì con hiểu ngay lập tức.
- Do đâu mà cô biết được? - Singo buột miệng hỏi.
- Con không thể nói chuyện với ba được, đại khái là có những chi tiết ở trong buồng vệ sinh và nói chung...
Singo sững người và không còn biết nói gì.
Tiếng Rền Của Núi Tiếng Rền Của Núi - Yasunari Kawabata Tiếng Rền Của Núi