Số lần đọc/download: 5415 / 14
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 10 -
Ô
ng Trực hất hàm nhìn Đông Nghi:
- Ba không kêu tài xế tới nhà rước con lên đây chắc chẳng đời nào con thèm lên phải không? Hừ! Thật đáng ăn đòn!
Nghi chống chế:
- Con chỉ sợ không có ba ở nhà.
- Thì gọi điện thoại hẹn trước, ba sẽ chờ.
- Như vậy mất công lắm, nhiều khi lỡ cuộc vui của ba thì sao?
Ông Trực cười ha hả:
- Ranh con lẻo mép! Ở đây, ngoài ba và thằng Kha ra, không có ai nữa hết. Cứ nghe lời tuyên truyền của mẹ rồi lờ luôn chuyện ghé thăm ba. Hay là con ở lại đây, ba có dành phòng cho con từ trước rồi?
Đông Nghi lắc đầu thật nhanh:
- Con ở với mẹ hà!
Giọng ông Trực cay độc:
- Biết mẹ có thích hay không, hay là bà ấy xem con và thằng Kiên như kỳ đà?
- Sao ba nói kỳ vậy?
Ông Trực làm thinh. Một lúc sau ông nhỏ nhẹ:
- Về ở với ba đi Nghị Con gái nhờ đức cha, con ở với mẹ, ba không an tâm chút nào.
Kha từ trên lầu đi xuống hỏi lớn:
- Dạo này mẹ vẫn đi tới khuya phải không Nghi?
Cô thản nhiên:
- Thì công việc mà. Mẹ cũng phải ngoại giao như ba hay anh thôi.
Kha lừ mắt:
- Ê! Mày nói móc anh hả Chuyện ngoại giao của đàn bà là gì biết không mà lách chách?
Ông Trực cau mày:
- Mỗi một đứa em gái sao không biết thương hả?
Rút điếu thuốc gõ gõ trên móng tay, Kha nói:
- Thương chớ sao không ba. Lần đó con "binh" vô mặt thằng Triệu cũng vì nó. Hừ! Cái thằng tồi!
Nghi buột miệng:
- Vậy sao anh lại rêu rao chuyện đó với nhỏ Thủy?
Kha trợn mắt:
- Hồi nào? Trước đây mày đã nói vậy một lần, bị ăn bạt tai rồi chưa chừa sao?
- Nếu anh không nói tại sao nhỏ Thủy biết chuyện đó chứ? Vả lại, chính nó nói là anh mà!
Kha dằn cái quẹt gas lên bàn:
- Chuyện này phải hỏi thằng Triệu. Mẹ! Cái thằng ném đá dấu tay, nó muốn anh em mình mâu thuẫn với nhau vì nó thù tao. Hừ! Cái thằng ấy chơi không được. Không hiểu sao ông Kiên dắt nó về nhà cho sanh chuyện.
Đông Nghi cong môi:
- Anh sanh chuyện với người ta trước thì có.
- Hừm! Lần ấy đúng là tao gây sự trước, nhưng cái gì cũng có nguyên do hết.
Ông Trực ngạc nhiên:
- Nguyên do gì khi mày và nó nào lạ gì nhau?
Kha phì phèo phun khói:
- Hồi mình mới thành lập công ty, chú Long có gởi thằng Triệu sang phụ ba. Nó hy vọng cái chức phụ tá giám đốc hiện giờ của con lắm, đi tới đâu cũng "nổ" tùm lum. Nó tin chắc sẽ là phụ tá đắc lực của ba, ai ngờ ba lại giao cho con, đẩy nó vào phòng tài trợ làm nhân viên. Nó cay cú nên chưa đi làm ngày nào đã nghỉ. Sau đó nó dược nhận vào công ty của anh Hai, rồi lân là kết thân với ảnh nhằm mục đích gì con chả biết. Chỉ biết một điều Triệu chuyên môm đâm thọc con với ảnh, làm hai anh em cứ như mặt trời với mặt trăng.
Ông Trực bực bội:
- Toàn vì những chuyện phán đoán bằng cảm tính mà đi đánh người ta. Hừ! Tao và cậu nó quen quá mà!
Kha nheo nheo mắt:
- Chỉ có vậy, con đánh nó làm chi cho bẩn tay.
- Vậy còn thêm vụ gì nữa?
Kha cộc lốc:
- Nó giành gái với con.
Đông Nghi nhăn mặt như bị ai đánh, cô cố gắng ngồi yên nghe Kha nói tiếp:
- Lần ấy, tiếc là con đi có một mình, trong khi tụi nó tới bốn thằng. Biết con lép vế, thằng Triệu đã tuôn ra những lời cố tình hạ nhục con và động chạm đến cả ba...
Ông Trực bỗng nóng nãy:
- Nó nói cái gì?
Kha nghiến răng:
- Nó bảo: hạng giám đốc và trợ lý như ba với con chỉ đáng vào quán nhậu ở Dốc Sương Mù, khu Hai Bà Trưng thôi...
Ông Trực buột miệng:
- Đồ khốn! Sao lâu nay mày im ỉm vậy?
- Thì đập vào mặt nó rồi, còn nói làm gì nữa cho rộn. Thú thật, lúc gặp nó và con Nghi trong quán nhậu, con sôi máu lên. Thằng ấy muốn hạ nhục mình, vậy mà nhỏ Nghi có biết gì đâu, cứ ong óng cái mồm cãi lại anh ruột. Hừ! Con cho thằng Triệu dắt nó đi là dễ dãi lắm. Gặp đứa khác nó dần nhừ xương, chớ đừng tưởng...
Đông Nghi nghe ù hai tai, cô bám vào ghế như cố bám về một điều gì đó... Nhưng thực tế chả có gì tốt về Triệu để Nghi tiếp tục nghĩ về anh nữa hết.
Cô ấp úng:
- Sao lúc đó anh không kể thật cho em biêt?
Kha nhún vai:
- Kể làm gì khi mày đã hứa không giao du với nó nữa. Vả lại, anh nghĩ nó cũng sợ ăn đòn, nên phải lặn, chớ không dám gặp mày đâu.
Đông Nghi cay đắng nhếch môi. Thì ra là vậy! Sau một thời gian dài, Triệu nghĩ rằng Kha hết quan tâm đến cô nên anh mới quay lại. Nhưng để làm gì?
Giọng Kha ồm ồm vang lên:
- Dạo này, mày có gặp nó không?
Nghi lắc đầu nhanh hơn máy. Cô khổ sở, xấu hổ và nhục nhã khi nghĩ mình đã bị lừa.
Dụi đầu thuốc vào gạt tàn, Kha nói:
- Cũng phải! Sắp cưới rồi, nó đâu dám lông bông nữa.
Nghi thảng thốt:
- Anh bảo sao?
- Tao nói thằng Triệu sa hũ nếp. Nó vừa về công ty mới là đã cưới ngay con gái giám đốc, mà là con gái duy nhất thừa hưởng gia tài đồ sộ nữa. Chứ có thằng nào hắc ám như tao. Hừ! Nếu biết Triệu thuộc hạng đào mỏ, lần đó tao đã đánh cho nó lết rồi.
Ông Trực nhíu mày:
- Sao mày biết nó sắp cưới con nhà giàu?
Kha vươn vai mệt mỏi:
- Chú Long vừa gởi thiệp mời hồi sáng. Ổng đứng ra chủ hôn chứ đâu phải ba mẹ nó. Ông kể lể về Triệu, con mới biết đấy chứ.
Không chịu nổi nữa, Nghi đứng dậy chạy ra sân. Ngồi xuống kế hòn non bộ thật đẹp, cô tha hồ khóc.
Từ hôm đó tới nay, Đông Nghi không gặp lại Triệu nữa. Anh vụt biến mất như trước đây anh từng biến mất.
Cũng như trước, Nghi không dám hỏi thăm Kiên, nên đâu hề biết Triệu đã chuyển sang công ty của ba Nhật Lan... Hắn đúng là đồ đểu. Nghi đưa tay quẹt nước mắt, cô nghe Kha hối hả:
- Nó đã làm gì mày?
Nghi lắc đầu:
- Không!
- Vậy sao lại khóc? Hừ! Không đáng đâu... đồ ngu... Rồi ta sẽ cho nó một trận.
Đông Nghi sụt sịt
- Anh lấy lý do gì mà đánh người ta? Chỉ tại em dễ tin, nên tưởng Triệu thật tình.
Nhìn Nghi trân trối, Kha ngập ngừng:
- Mày... mày... đã...
Mặt đỏ lên, cô gắt:
- Anh lại nghĩ bậy. Em không tệ đến thế đâu.
- Hừ! Con gái tụi bây ngu chết được. Ai mà biết... Ngẫm lại tức thật. Rõ ràng thằng này muốn chơi nhà min`h nên mới giả bộ tán tỉnh mày rồi đi cưới đứa khác. Tao nhất định không để nó yên.
Đông Nghi van lơn:
- Tốt nhất anh làm ơn để em yên. Hạng như Triệu có đáng gì chớ! Em khóc vì thấy mình ngu, không nghe lời anh và anh Kiên.
Kha nhếch môi:
- Ông Kiên cũng không đồng ý mày quen nó à!
Đông Nghi làm thinh ngồi ủ rũ như chồi non gặp nắng gắt.
Kha cao giọng:
- Buồn... làm gì. Tối nay đi với tao và ba.
- Đi đâu?
- Dự tiệc.
- Thôi...
- Hừm! Định ở nhà một mình để khóc hả Ngu vừa vừa thôi!
Nghi nhăn nhó:
- Em đâu có quen tiệc tùng.
Kha thản nhiên:
- Từ từ sẽ quen. Bạn bè anh thiếu gì. Họ hơn thằng Triệu nhiều.
Đông Nghi bĩu môi:
- Nhớ tới mấy ông đi với anh ở Dốc Sương Mù, em ớn da gà.
Kha có vẻ ngượng:
- Tụi nó là bạn nhậu. Còn trong những đám tiệc cao cấp này toàn là thứ xịn không hà.
- Anh khỏi quảng cáo. Em ở nhà coi phim còn sướng hơn.
Kha nhún vai:
- Vậy cứ vào mà từ chối với bạ Ổng kêu mày lên đây không phải để xem mày khóc. Ba muốn mày làm quen với giới làm ăn trong thành phố. Tối nay có buổi chiêu đãi lớn, số người mời rất hạn chế đâu phải ai muốn dự cũng được. Lớn rồi, có dịp nên tự khẳng định mình giữa xã hội, như vậy mới khôn ra, mới hiểu đời hơn.
Đông Nghi chớp mắt. Lâu lâu mới nghe anh Ba nói lọt lỗ tai. Nhưng Kha là người ích kỷ chỉ nghĩ tới bản thân, sao hôm nay lại lo cho cô dữ vậy?
Nghi thoái thác:
- Em chẳng có quần áo đẹp...
Kha xua tay:
- Chuyện này khỏe re. Vào shop thiếu gì. Ba có thể sắm cho mày một lúc hai ba cái đầm xịn, mỗi cái khoảng một vài trăm đô. Hàng xịn hẳn hoi. Ba đâu muốn thua kém ai khi dắt ái nữ theo để khoe cùng thiên hạ.
Đông Nghi do dự:
- Nhưng đám tiệc này ở đâu vậy? Em không quen, nên sợ quê lắm.
- Mày khéo lọ Tới đó người ta sao thì mình vậy. Tiệc đứng mà, đơn giản lắm.
- Tiệc đứng là sao?
Kha la lên:
- Trời ơi! Coi phim Hồng Kông cho nhiều vào mà không biết tiệc đứng. Đúng là... "Hai Lúa ". Mày theo mẹ với ông Kiên mãi rồi chẳng được quái gì.
Đông Nghi xụ mặt xuống. Anh Kha nói đâu có sai. Mẹ chẳng hề lo gì cho cô, lâu rồi Nghi cũng quen, nhưng bây giờ nghe Kha động tới, tự dưng cô tủi thân.
Nghi tấm tắc:
- Từ ngày ba mẹ bỏ nhau tới nay, có ai nghĩ tới em đâu. Ba mẹ cứ tưởng hàng tháng ném cho em một xấp tiền dầy cộm là đủ. Đôi lúc em nghĩ: thừa tiên sao mình không lao vào một cuộc chơi nào đó xem sao? Hừm! Cũng có thể tại em không có bạn kiểu như nhỏ Bích Thủy. Từ bé, ba mẹ đã ép em vào một khuôn mẫu, lâu rồi thành thói quen, nên em không... chơi theo kiểu tụi thằng Nhân hay con Thủy được. Cũng có thể em chán mọi thứ... chán đến mức thích như con ốc, tối ngày thu mình vào lớp vỏ cứng và cảm thấy an toàn.
Chớp mắt, Nghi buồn bã:
- Em chờ một điều gì lạ đến với mình. Nhưng tình cảm đó cũng là giả dối. Suy cho cùng, em thấy những việc đã xảy tới cho gia đình, cho bản thân đều khác xa mong ước của em. Thử hỏi trên đời này còn gì đáng để em tin nữa không?
Kha trố mắt nhìn em gái. Dường như đây là lần đầu con bé nói những lời thật người lớn với anh. Hồi còn ở chung nhà, nó lóc chóc loi choi, chỉ ham chơi và mê quà... vặt. Mới một năm thôi mà Nghi đã chững chạc hơn. Tội nghiệp! Cuộc sống thay đổi làm con nhỏ trưởng thành. Kha chỉ quen tính toán sao cho có lợi cho mình. Anh hờ hững với gia đình. Nếu ba không phải là giám đốc của anh, có lẽ ông cũng chẳng được Kha quan tâm đặt biệt như vầy đâu... Anh cũng yêu thương cha mẹ, anh em, nhưng là phải lựa chọn, cân nhắc. Trước một vấn đề gì có lợi, chắc chắn Ka sẽ đặt bản thân lên trên. Điều đó khiến anh chẳng áy náy gì khi đã nhận của mẹ chiếc Dream mới cáu, nhưng vẫn đặt một cái bẫy để bà rơi vào đúng như ý ba muốn.
Có chết ai đâu khi thật sự hai người đã quá chán chê nhau. Bây giờ, ba mẹ tha hồ sống theo ý mình cho đến hết đời. Chỉ tội con Nghi... Nhưng tự nó phải biết thích ứng với hoàn cảnh chứ!
Kha cao giọng:
- Không nên trách người lớn, cũng không nên bi quan. Cuộc đời này ngắn ngủi lắm, vì vậy nếu cứ buộc ba mẹ sông vì mình thì quá ích kỷ. Ai không buồn khi gia đình đang ấm yên bỗng dưng tan vỡ. Lớn rồi phải tập đối diện với thực tế. Trước hết, em không nên tiếp tục chui vào lớp vỏ của mình nữa, con` trẻ, xinh xắn, lại là con gái giám đốc nữa, tội gì chứ! Nhất định tối nay phải đi với ba và anh. Đừng nghĩ đó là đi chơi, mà thực chất là ngoại giao, là công việc. Trong làm ăn bây giờ, người ta có cái mốt khoe vợ con với nhau, ba đã không có vợ, lẽ nào em để ba không có luôn con gái?
Đông Nghi mệt mỏi xua tay:
- Em hiểu rồi. Anh khỏi nói nữa.
Kha tỉnh queo:
- Vậy có đi hay không?
- Đã là công việc thì phải đi thôi. Dầu sao ba cũng là ba của em mà!
Phớt lờ như không biết Nghi đang mai mỉa, Kha nói:
- Chuẩn bị đi shop với anh. Anh Ba sắm phải là xịn, là sang, là sộp...
Đông Nghi gật gù:
- Té ra anh từng sắm đồ cho Hồng Hà.
- Chậc! Ba ra lệnh, tao phải thừa hành.
Nghi gằn giọng:
- Tối nay "nó" có đi không?
- Không! Đây đâu phải chỗ khoe bồ nhí.
Nghi buột miệng:
- Toàn là giả dối.
Kha nhún vai:
- Em nói đúng. Nhưng cuộc sống lúc nào mà không có hai mặt. Trong giới làm ăn, hai mặt ấy đều... giả như nhau. Tìm sự chân thật ở chốn thương trường là chuyện mò kim đáy biển.
Nghi thở dài:
- Lẽ ra em không nên học kinh tế.
- Nếu nghĩ vậy là thiển cận. Chỉ có làm kinh tế mới đổi đời được thôi, em ạ.
Kha gạt ngang:
- Sao lúc nào mày cũng châm chích. Cứ thử về với ba rồi xem mình có còn là nạn nhân nữa hay không, hay lúc ấy mày sẽ ân hận vì lâu nay đã ở với mẹ.
Thấy Đông Nghi làm thinh, Kha hất hàm:
- Thôi, đi cho rồi! Muốn sắm quần áo ưng ý phải lựa chọn lâu lắm. Tao cũng phải mua một bộ đồ mới. Tối nay, anh em mình ráng làm ba nở mày nở mặt chút xíu coi!
Mặc Kha nói gì thì nói, Đông Nghi lầm lì ngồi sau cho anh chở. Cô không vào nói với ông Trực lời nào trước khi đi mua sắm. Niềm vui cỏn con của Nghi lúc ngồi trên xe du lịch đến đây biến mất rồi. Thì ra chẳng phải ba nhớ thương gì cô con gái út như Nghi tưởng. Ông đang muốn nhờ cô vẽ quanh ông vài nét chấm phá để gây chú ý ỏ đám đông đây mà.
Những mảnh vỡ của gia đình bỗng dưng như vỡ vụn ra hơn nữa làm xốn xang lòng cô.
Nghi chua chát nghĩ:
"Ba đang đem mình đi tân trang để trình diện mình trước mọi người nhằm nâng uy tín bản thân ông lên "
Đời đã như thế còn buồn vui chi nữa. Nghĩ cho cùng, ba cũng làm chuyện tốt cho mình mà. Tại sao cứ nhìn mọi việc bằng đôi mắt đa nghi vậy? Chả lẽ con bé dễ tin, đầy lạc quan yêu đời ngày nào đã vĩnh viễn chết rồi?
Đông Nghi buồn bã nhìn những dòng xe đanh hối hả chạy trên đường. Tự nhiên cô nhớ tới một bài hát rất cũ:
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...
Để làm gì em biết không... Để gió cuốn đi...
Gió đã cuốn đi tấm lòng thơ dại ngày nào, giờ chỉ còn lại trái tim đau đang muốn xé tung lồng ngực để đi tìm những điều mới lạ.
Đêm nay có điều gì mới chờ đợi cô không? Nghi tưởng tượng mình xúng xính trong chiếc áo dạ hội sang trọng đắt tiền và được ngưỡng mộ bởi ánh mắt của rất nhiều người, rồi mỉm cười.
Dầu sao, cô cũng mới 19 tuổi. Cái tuổi buồn có nhiều bao nhiêu cũng dễ bị đánh bạt bởi những hiện thực muôn màu vẻ của cuộc sống.
Nghi khe khẽ hát:
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp ngưòi...
Còn cuộc đời ta cứ vui. Đã vắng bóng ai...