Mỗi con người có 03 loại tính cách: tính cách anh ta phô bày, tính cách anh ta có, và tính cách anh ta nghĩ anh ta có.

Alphonse Karr

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Sakitabi
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1390 / 16
Cập nhật: 2016-06-17 07:56:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
heo lời hẹn của Ẻn, tôi ra suối ngay lúc ăn bữa sớm xong.
Hôm ấy là một ngày tươi sáng. Các hình sắc điều hòa nhau một cách rất thi vị.
Gần chỗ thạch bàn, một cây đào chớm nở rung rinh trong nắng như một cây bằng vàng nạm ngọc hồng và biếc.
Xa nữa, một cây cơi, hoa nở trắng như hoa mai.
Dòng suối vẫn rì rầm kể cho hai bờ sậy nghe những chuyện đem từ những nơi xa lạ đến.
Và, náu hình đâu đó, một con chim khướu bách thanh rủ rỉ hót, tiếng nghe êm đềm và hơi đượm buồn, như một khúc nhạc tương tư.
Tôi yêu cảnh tượng nơi này quá.
Ấy thực là một chốn hẹn hò lý tưởng cho những cặp tình nhân lý tưởng.
Trong làn nước chuyển động, trong điệu bổng trầm của con chim khướu tôi thấy có một cái phong thú dị kỳ nó gợi cho lòng tôi những xúc cảm giống như hy vọng và yêu đương.
Bữa nay, Ẻn thình lình hẹn tôi ra đây, chắc hẳn nàng đã có quyết định; và sự của nàng lần này hẳn tốt đẹp cho tôi.
Tôi hớn hở bước nhanh.
Đến nơi, tôi đã thấy nàng ngồi trên võng đợi tự bao giờ.
Nàng mỉm cười chào tôi. Trong nụ cười và trên gương mặt đẹp của nàng, lạ thay vẫn phảng phất cái vẻ buồn đành phận!
- Chào cô Ẻn!
- Chào ông.
- Cô chờ tôi tự bao giờ?
- Đã khá lâu rồi. Ông lên ngồi đây ta nói chuyện...
- Tốt lắm, vì tôi đương mong nghe chuyện của cô.
Ẻn lắng tai:
- Con khướu hót hay quá nhỉ?
- Chính thế. Cô nghe kỹ mà xem; có phải hình như nó bảo ta:
Yêu đi, yêu đi!
Đời yêu như cánh hoa kia rỡ ràng.
Màu tươi, hương ngát mơ màng.
Yêu đi, kẻo lại lỡ làng tuổi xuân.
Gió đông thổi lạnh xa gần,
Nhị tàn, hương tạ, tiếc xuân, muộn rồ!
- Ông hát khéo quá!
- Thật à?
- Tôi không hay nói dối...
- Nhưng cô Ẻn thử nghĩ mà xem: cô có nên yêu đi không? Cô có nên bỏ phí đời cô vào những cái sầu muộn vô ích không?
Ẻn nhìn tôi; má nàng ửng đỏ; cặp mắt nàng long lanh; trên môi nàng, một nụ cười khó hiểu.
- Cô nên yêu đi, cũng như tôi yêu cô ấy. Chúng ta hãy làm vợ chồng với nhau, chả hơn cứ sống lẻ loi mãi như thế này à?
Nàng cúi đầu, tay vân vê một tàu lá cây cơm lênh.
Ánh nắng từ trên cao rót xuống mái tóc óng, cái cổ trắng như mỡ đọng của nàng, khiến tôi càng bâng khuâng ngây ngất.
- Ông giáo có nhà không?
- Cô hỏi làm gì?
- Tôi hỏi thế...
- Anh ấy đi rừng rồi.
Tôi hỏi tiếp:
- Thế nào, cô Ẻn?
- Thế nào cái gì?
- Cái việc tôi hỏi cô.
- Tôi không thể...
- Cô không thể hay là cô không muốn?
Tôi đứng sát lại chỗ nàng ngồi.
Ẻn ngắt từng chiếc lá ném xuống dòng suối. Nước cuồn cuộn trôi xa. Một câu thơ của Tản Đà chợt lại trong trí nhớ tôi:
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh,
Sông thu đưa lá bao ngành biệt li!
- Ông hát gì thế?
- À, tôi...
- Ông thử nói sang tiếng Thổ cho tôi nghe xem nào.
Tôi làm theo ý Ẻn.
Nàng nhìn xa mơ mộng:
- Hay và buồn quá nhỉ?
Tôi đột ngột hỏi:
- Cô Ẻn à?
- Thầy bảo gì...
- Hay là tôi có điều gì khiến cô giận?
- Không. Chẳng có điều gì khiến tôi giận thầy hết. Chỉ có một việc là thầy cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu chuyện lấy nhau là tôi không thích mà thôi.
- Cô lạ quá!
- Không lạ đâu...
- Tôi biết rồi.
- Ông biết gì?
- Rằng cô yêu Phù lắm. Cô vẫn thiết hắn ta nên cô không nhận lời tôi...
- Phù à?
- Ừ.
- Ông hay đoán liều quá!
- Tôi đoán đúng chứ!
- Ông lấy gì làm chứng cớ là đã đoán trúng?
- Tôi lấy cái việc cô ngồi khóc lóc ở trước cửa nhà hắn.
- Ồ!...
- Cô yêu hắn, mặc dầu hắn què và chột. Cô muốn lấy hắn nhưng mà hắn không bằng lòng. Bởi thế cô buồn cô mới khóc chứ gì?
- Ông đừng nói nữa.
- Nhưng có phải như vậy không?
- Tôi đã bảo ông đừng nói nữa. Ông quên Phù đi. Ông quên việc lấy tôi làm vợ đi. Tôi sẽ vẫn cứ lại với ông.
Giọng nàng run run tỏ ra nàng cảm động quá.
Chúng tôi cùng nín lặng, lúng túng như hai đứa trẻ.
Chính tôi khó chịu về tình thế ấy nên cất tiếng nói trước:
- Cô làm tôi khổ quá, cô Ẻn ạ!
- Ồ! Tôi cũng khổ chứ!
- Tại sao? Cô thực khó hiểu. Tôi cố đoán mãi mà vẫn chẳng thể biết đích lòng cô ra sao...
Nàng mỉm cười:
- Ông nói thế đấy! Có gì mà không hiểu, tôi biết rằng ông yêu tôi rất nhiều. Ông lại có lòng tốt muốn nhờ ông giáo làm mối tôi cho ông...
- Phải.
- Tôi rất cảm ơn ông. Tôi lại sẵn lòng để ông yêu tôi tùy ý...
- Nhưng...
- Nhưng tôi không thể lấy ông được!
- Tại sao?
- Chẳng tại sao cả, hay là tại nhiều lắm...
- Tại cô yêu Phù?
- Tôi đã xin ông để yên anh Phù mà lại! Vả không phải thế đâu!
- Thế nào vậy?
- Chẳng thế nào cả!
- Thực, cô làm tôi có thể tức chết được.
- Ông nóng nảy đến hay. À, ông hát đi cho tôi nghe. Ông có bằng lòng hát cho tôi nghe không? Tôi buồn lắm!
- Tôi có bằng lòng hát để cô nghe. Nhưng tại sao cô buồn?
- Tại tôi buồn. Thực đấy, tôi buồn đáo để, chỉ muốn chết thôi!
Giọng nói của nàng có một cái gì làm tôi lạnh người.
- Sao cô lại nói thế, gở lắm!
Nàng mỉm một nụ cười chua chát:
- Gở à? Cần gì gở. Ông hát đi.
- Hát gì bây giờ?
- Hát những câu ban nãy ấy.
- Nào thì hát.
Tôi sửa lại giọng và hát:
Yêu đi, yêu đi!
Đời yêu như cánh hoa kia rỡ ràng!
Màu tươi hương ngát mơ màng;
Yêu đi, kẻo lại nhỡ nhàng tuổi xuân.
Gió đông thổi lạnh xa gần,
Nhị tàn, hương tạ, tiếc xuân muộn rồi!...
Ẻn thở dài:
- Hay quá, và buồn quá!
- Yêu đi tự khắc vui.
- Không yêu được thì làm thế nào? Thực là:
Đêm khuya ngủ chẳng được say,
Nghe chim khảm khắc nó bay gọi đàn
Chim kia còn biết gọi đàn
Buồng không, bóng lẻ, dạ vàng nấu nung.
Dứt lời, Ẻn từ trên võng dây tụt xuống.
Nàng vừa bước nhanh trên các hòn đá xanh rêu vừa nói:
- Chào ông nhé; tôi đi... đây!
Tôi ngây ra nhìn theo thiếu nữ, không biết nên cử động thế nào hoặc nói câu gì cho phải.
Chẳng mấy lúc, bóng nàng đã mất trong cây cỏ...
Đồng thời, một giọng hát buồn chết người vọng đến tai tôi:
Phận hồng nhan; nghìn thu vẫn thế
Bạc như vôi, mỏng tựa cánh chuồn
Ai ơi, giải hộ cơn buồn
Má đào ướt đẫm lệ nguồn nhớ thương.
Giọng hát xa dần, mất dần trong khoảng tịch mịch.
Chung quanh, cây cỏ vẫn thờ ơ.
Dòng suối vẫn rì rầm kể chuyện.
Con khướu bách thanh vẫn ca khúc trường tương tư.
Cây đào vẫn mỉm cười qua trăm nụ thắm.
Tôi cảm thấy lòng tê tái bởi cái cảnh cô độc của mình giữa sự thờ ơ của cả vũ trụ. Sự nhận xét này phát sinh trong tâm trí tôi từ lâu, hồi tôi còn học ở trường Bưởi, và cứ ám ảnh tôi không dứt.
Hồi ấy, một buổi chiều tôi ra chơi ở bãi tập của nhà trường, sát ngay ven hồ. Mặt trời vừa lặn. Sương chiều đã ướt ngọn cỏ. Xa xa, về phía làng Nghi Tàm, cả một góc trời phương Tây rực lên những màu vàng, son, hoa cà, lam biếc. Mặt hồ cũng là một mảnh xà cừ đối với nền trời. Một chiếc thuyền chở đất thó cho nhà máy gạch bơi ngang, mái chèo vỗ nước sóng lên như vàng lỏng...
Gần chỗ tôi đứng chơi, một con bò béo, lông nhoáng như mỡ, thủng thẳng vặt cỏ xoàn xoạt. Bỗng, con vật ngẩng đầu nhìn vơ vẩn đoạn kêu một tiếng dài...
Sự xảy ra như thế mà, không hiểu sao, lại đã phát sinh trong óc tôi một ý tưởng rất buồn: Loài người phỏng thử không sinh trên mặt đất, hoặc giả có sinh mà không có mắt để nhìn những màu tươi vẻ đẹp trong vũ trụ chắc cũng vẫn cứ hiện ra và mất đi một cách thờ ơ vô ích.
Ấy lần ấy là lần thứ nhất, tôi cảm thấy sự cách biệt giữa người và cảnh. Tôi đâm ra chán ghét thiên nhiên và bắt đầu lăn mình vào nhân sự. Ở đây, tôi lại càng thất vọng nhiều! Nếu giữa con người với hoàn cảnh sinh hoạt tự nhiên của nó, luôn luôn có một tấm màu băng ngăn biệt, thì giữa người với người, cái quãng chia ly còn lớn lao vô hạn. Người ta, dù là cha con, vợ chồng, bè bạn, miệng nói bô bô những là hiểu nhau mà, sự thật, chẳng hiểu nhau chút nào hết. Danh, lợi, thù, ghét nhầm và bao nhiêu cái khác nữa nó làm cho con người đối với nhau, tuy là trong gang tấc mà xa nhau chẳng khác những tinh tú trong không gian. Rốt cuộc cõi nhân sinh chỉ gồm có những người lẻ loi ngăn cách bởi những khoảng tịch mịch thê lương.
Tôi thở dài, nằm ườn ra võng, không biết nên làm như thế nào.
Về ư? Nơi quê hương của tôi hiện đã như lời thơ cổ:
"Công hầu độ trạch giai tân chủ;
Văn vũ y quan dị tích thì!
"Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo;
Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương!
Lại đi nữa ư? Nhưng đi đâu? Kiếp bồng bềnh thoát cái đã ngoài ba chục tuổi đầu rồi.
Tháng ngày thấm thoát thoi đưa,
Tuổi ba mươi lại đã dư một vài!
Câu tri kỷ, cùng ai tri kỷ,
Chuyện chung tình, ai kẻ tình chung?
Chẳng những không ai tri kỷ, không kẻ chung tình mà cõi đời rộng lớn còn không cả một tấc đất cắm dùi là khác:
"Càn khôn vạn lý gia hà tại!" 1
Hay ở lì đây? Ở lì đây lại càng không được lắm! Khúc đàn Tư Mã chót đã ngang cung, hôm sớm nhìn cỏ hoa chẳng cũng bẽ bàng lắm ư!
--------------------------------
1 Đất trời muôn dặm nhà ở đâu?
Suối Đàn Suối Đàn - Lan Khai Suối Đàn