You can never get a cup of tea large enough or a book long enough to suit me.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2990 / 75
Cập nhật: 2015-12-10 02:35:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ử gia của Đảng hỏi tôi:
- Cô cảm thấy sợ hãi chưa?
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt của sử gia. Dẫu mang kính cận, sử gia vẫn không dấu nổi những tia bàng hoàng. Bạn đã bao giờ thấy mắt diều hâu chưa? Dữ tợn lắm nhưng chưa bằng đôi mắt gà mái bảo vệ đàn con chống lại diều hâu.
- Cô... Cô điên rồi à?
Sử gia ngồi thủ thế. Tôi cười nửa miệng:
- Ông hỏi hai câu đều ngớ ngẩn.
- Ngớ ngẩn?
- Phải, ngớ ngẩn tuyệt đối. Có thể, ông giả vờ ngớ ngẩn như người giả vờ điên. Ông dặn tôi, khi nào cảm thấy sợ hãi mới báo cáo, tôi chưa cảm thấy, ông đã gọi tôi đi làm việc. Rồi ông lại hỏi tôi điên rồi à! Người điên không biết mình điên như kẻ độc ác không biết nó độc ác.
- Cô ám chỉ ai?
- Tôi nói thẳng vì tôi thẳng thắn.
- Cô liều mạng vô ích, cô Lan ạ!
- Ông lầm. Tôi biết lúc nào cần phải chết. Thế thôi.
- Vậy cô muốn gì?
- Tôi đã đọc «Ngục trung nhật ký» của ông Hồ Chí Minh và những bài thơ tù của ông Tố Hữu. Tôi rút ra hai điều nhận xét. Một, thực dân và phát xít nhốt các ông ấy lỏng lẻo quá. Ở tù kiểu đó, ai cũng ở được và ở suốt đời. Hai, cả hai ông đều thích rên xiết trong tù. Nhà tù của các ông gớm ghiếc gấp ngàn lần nhà tù thực dân, phát xích. Tôi không rên xiết, chúng tôi không thèm rên xiết. Chúng tôi sống phơi phới và có quyền nói chúng tôi can đảm hơn ông Hồ Chí Minh.
- Tôi hỏi cô muốn gì?
- Muốn dạy cộng sản làm người? Thực lòng, chúng tôi muốn dạy cộng sản làm người, dù cộng sản dạy chúng tôi điên, nhỏ từng giọt át xít lên đời chúng tôi.
- Tôi không hiểu cô.
- Tôi hiểu ông, hiểu các ông. Các ông độc ác và vô liêm sỉ. Đó là bản chất cộng sản. Muốn hành hạ thể xác tôi, nói toạc móng heo, muốn tra tấn tôi, các ông cứ việc tra tấn một cách thẳng thắn, mặt đối mặt cho nó quân tử. Hà tất phải bầy kịch công an sắm vai người điên tra tấn tôi. Người điên các ông cũng chưa tha, còn chà đạp lên phẩm cách của họ. Các ông, quả thật, chưa làm người nổi, cần được dạy dỗ nhiều.
- Cô điên rồi. Cô nói y hệt người điên.
- Các ông hèn mọn. Các ông là bọn ném đá dấu tay, bọn chuyên môn gây tội ác rồi vấy tội lên đầu kẻ khác.
Sử gia lắc đầu. Ông ta đốt điếu thuốc, hít một hơi đẫy đà, nhả khói rồi gật gù:
- Nếu cô tỉnh táo, cô sẽ khôn ngoan hơn.
Tôi phá ra cười:
- Tôi chưa điên đâu, sử gia ạ! Người điên dễ chịu hơn cộng sản và nhà thương điên thoải mái hơn chế độ xã hội chủ nghĩa. Tội nghiệp ông quá, ông vì cái sự nghiệp gì mà hành hạ chúng tôi? Ông sẽ được cái gì? Đừng hòng xác ông được bỏ vào hòm kính hay chôn trong Lăng Bác của ông. Đừng hòng, đừng hòng... Người cộng sản đáng tội nghiệp lắm, họ chẳng có chút ước mơ nào. Ông đang ước mơ gì? Ông mong tôi chết sớm hả? Ông mong tôi nếm đủ hình phạt của chủ nghĩa của ông hả? Rồi ông có leo lên xác tôi để sánh vai với Trường Chinh, Lê Duẩn không?
- Cô Lan, tôi sắp nói với cô những lời tâm cảm. Nói cho đúng, tôi sắp nói với cô những lời tâm cảm của Đảng. Tôi muốn cô nghe bằng thái độ thành khẩn.
- Tôi rất thích thành khẩn.
- Hẳn cô phải hiểu Đảng rất ưu ái tuổi trẻ.
- Để làm vật thí nghiệm.
- Hơn cả thế, để trao lịch sử vào tay các cô, các cậu. Những người bạn trong tổ chức của cô đã được thả về hết. Rồi cô sẽ gặp họ bằng xương bằng thịt. Sẽ gặp. Cô cũng sẽ gặp thân nhân của cô. Dù có thù ghét cộng sản, tôi vẫn nói với cô điều này: Cộng sản thèm muốn những người ngoan cường như cô. Tại sao cô không là cộng sản nhỉ? Chúng tôi sẵn sàng kết nạp cô. Lịch sử Đảng không thiếu những đảng viên lãnh đạo đã từng chống Đảng dữ dằn như cô. Nghĩ lại đi, cô Lan, giữa cô và Đảng, giữa gia đình cô và Đảng chưa hề có chút nợ nần gì. Tại sao cô chống Đảng mãi?
- Hình như tôi đã trả lời ông. Hình như người điên không nên nghe người cộng sản. Ông đứng nói nữa. Tất cả đều muộn bởi vì không bao giờ nó sớm.
- Cô điên rồi. Tự ái của cô đã làm cô điên. Chúng tôi sẽ chữa bệnh cho cô, sẽ đưa cô từ cái tĩnh ra cái động.
- Từ cái chết mòn ra cái chết lẹ! Ông đạo đức và nhân ái quá, ông sử gia ạ! Sẽ có ngày tôi dạy ông làm người.
Giám thị dẫn tôi về phòng. Chị Nga đã bị còng ở giữa cửa sắt. Chị đứng bên trong, thò tay qua chấn song. Hai cổ tay chị toòng teng chiếc còng số 8. Dĩ nhiên, còng chế tạo tại Mỹ! Giám thị mở khóa, kéo mạnh cửa ra phía ngoài. Chị Nga bị kéo theo, chị nghiến răng chịu đựng. Tôi bước vào. Cánh cửa đóng mạnh. Chị Nga lại văng vào tư thế cũ. Tôi thừa hiểu tại sao người ta phạt chị Nga. Chị không thể qua mặt được sử gia của Đảng như chị và tôi đã tưởng. Cộng sản họ thâm độc ở chỗ đó. Họ biết tất cả hành động của mình nhưng họ cứ lờ đi. Chỉ cái gì dấu trong đầu óc là họ mới không dám phá nổi. Chẳng hạn, họ chẳng thể nào hiểu được tâm hồn cao cả của chị Nga. Người đàn bà đã tàn tạ thời con gái trong các nhà tù, người đàn bà đang bị còng tay vào chấn song sắt của nhà thương điên, người đàn bà bao nhiêu ngày đêm phấn đấu với hình phạt của thù hận mà vẫn không thèm nghĩ đến chuyện hận thù, vẫn mơ ước dạy cộng sản làm người, vẫn âm thầm soạn những bài yêu thương giáo khoa thư cho thú vật để chúng sớm hóa kiếp thành người. Người đàn bà tuyệt diệu ấy, chị Nga kính mến của tôi, tôi đứng cạnh chị, trừng trừng nhin Giám thị đang loay hoay ổ khóa.
- Ông Giám thị! Tôi gọi.
- Gì? Giám thị đứng thẳng người, hất hàm.
- Tôi muốn làm việc lại.
- Với ai?
- Với người vừa làm việc.
Chị Nga lắc đầu:
- Vô ích, em nhỏ. Đừng dại dột xin cộng sản thương hại. Cũng đừng ngu si phản kháng. Tốt nhất là ngẩng mặt trong cô đơn.
Tôi chưa kịp nói thêm. Giám thị đã mất hút. Lát sau, sử gia tới. Ông ta hỏi tôi:
- Cô Lan muốn làm việc?
Tôi đưa tay lên vai chị Nga. Rồi tôi luồn cánh tay tôi qua cánh tay dính còng của chị.
- Không phải làm việc. Tôi muốn nhắc lại câu nói của tôi để ông khỏi nuôi ảo tưởng: Tất cả đều muộn bởi vì không bao giờ nó sớm. Không bao giờ.
- Nó vẫn sớm, lúc nào nó cũng sớm. Ngay bây giờ, chẳng hạn, cô muốn gì?
- Tôi muốn được còng chung với bạn tôi.
- Yêu cầu của cô, không được thỏa mãn đâu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ mở còng cho bạn cô.
- Tôi không xin điều đó.
- Cô Lan, tôi đáng tuổi cha anh của cô. Với cộng sản, các cô vẫn còn khờ dại lắm. Ngoan cường thừa nhưng thiếu gian ngoan.
Sử gia bỏ đi. Buổi chiều, người ta mở còng cho chị Nga thì buổi tối người ta gọi tôi lên văn phòng giám thị làm việc. Sử gia ngồi hút thuốc lá, tỏ vẻ đắc ý. Ông ta mở đầu câu chuyện có nước trà ướp sen thơm ngát và bánh ngọt:
- Cô đã làm say mê công cuộc nghiên cứu của tôi. Vì tôi say mê nên tôi muốn tâm sự với cô, nhân danh người lớn tuổi hơn cô. Cô dùng nước đi.
- Cám ơn ông, tôi đã quen uống nước tù.
- Vậy cô dùng bánh.
- Tôi cũng quen nuốt sắn rồi. Phải cám ơn các ông vì các ông đã dạy chúng tôi biết coi thường vật chất.
- Tôi tin cô nói thật.
- Tôi thiếu gian ngoan nên thích nói thật. Và tôi bằng lòng sự thiếu thốn ấy.
- Bởi vậy, chúng tôi mới mất công vì các cô, các cậu Sài Gòn.
- Các ông sẽ tốn công đấy.
- Cộng sản kiên trì tối đa. Các cô là đá, chúng tôi là nước chảy.
- Thí dụ chúng tôi là hư vô.
Sử gia cười. Ông ta không trả lời tôi mà nói:
- Quả thật, chúng tôi dễ dàng hy sinh thế hệ của các cô. Chúng tôi không cần các cô, các cậu đâu. Vài năm nữa, chúng tôi có thế hệ không biết chống đối, không dám chống đối chúng tôi, đã đành, mà còn trừ khử kẻ nào chống đối chúng tôi. Nhưng chúng tôi ngổn ngang vấn đề phải đối phó, chúng tôi không muốn phí thì giờ với các cô, các cậu. Tóm tắt, một là cô cộng tác với chúng tôi. Hai là cô ở tù suốt đời. Cô sẽ không được chết theo ý muốn của cô đâu.
Tôi nhớ lại chị Nga nói buổi trưa: «Đừng dại dột xin cộng sản thương hại. Cũng đừng ngu si phản kháng.» Và tôi chớp mắt ra chiều cảm động.
- Tôi sẽ suy nghĩ.
- Phải, cô nên suy nghĩ.
- Còn các bạn trong tổ chức của tôi? Tôi muốn gặp họ.
- Họ được tha hết rồi. Tất cả đều từ chối gặp cô. Họ có quyền công dân nên có đủ quyền tự do. Họ nói không thích dính dáng đến phản động và người còn đang bị tù. Rất tiếc.
Sử gia giải thích trôi trẩy quá. Mỗi sáng «sẽ gặp họ bằng xương bằng thịt» đã tới «họ không thích dính dáng đến phản động».
- Ông còn gì để nói với tôi nữa không?
- Cô sẽ từ cái tĩnh ra cái động rồi từ cái động về cái ấm êm. À, cô muốn gặp mẹ cô không?
- Không.
- Tại sao?
- Tôi muốn mẹ tôi để dành cho tôi những giọt nước mắt, mai này.
- Thế nghĩa là...
- Là mẹ tôi sẽ khóc trên nấm mồ của tôi, một mai, đất nước ta có cái hội đi tìm những nấm mồ không có mộ bia.
Tôi tự ý đứng dậy:
- Ông sử gia, xin ông cho tôi biết tên thật của ông?
Sử gia gỡ mắt kính, dụi mắt:
- Để làm gì, cô Lan?
- Dù chết cách nào thì tôi cũng sẽ chết sau ông. Và dù sống cách nào thì cũng sẽ đem một vòng hoa đặt trên nấm mồ buồn tẻ của ông.
- Cô lạ quá.
- Có chi lạ, tôi được vinh dự làm người, tôi phải cư xử như con người dầu cộng sản đã ngược đãi tôi ngang hàng con vật.
- Chắc chắn, tôi sẽ đặt vòng hoa lên mộ của cô.
- Ông chắc chắn?
- Phải.
- Vậy ông sẽ là người và tôi hãnh diện đã dạy ông làm người.
Sử gia bực bội. Ông ta xoắn tay, nét mặt danh lại:
- Tôi không thể kiên nhẫn hơn.
Tôi lại ngồi xuống ghế:
- Vậy là ông là đá, hết là nước chẩy rồi. Tôi rất phục ông. Những nhà nghiên cứu cộng sản nói rằng, chỉ cần có một chút lương tâm thôi, người cộng sản hết là cộng sản. Ông còn một chút lương tâm nào không? Ông cảm giác gì thấy con cháu ông bị đòn thù của các ông giáng nện? Ông nghĩ gì khi thấy xuân đời chúng tôi tàn tạ trong cachot, trong nhà điên? Ông có lợm giọng bởi những hình phạt tồi tệ dành cho chúng tôi, cho những kẻ mà ông đã sôi kính hiển vi không tìm ra dấu vết thù hận về ý thức? Sau hết ông cảm tưởng gì khi đã vuốt ve tôi bằng những lời nói dối?
Sử gia nín thinh. Căn phòng hoàn toàn yên lặng. Một lúc khá lâu, ông ta nói, giọng vương vướng chút gì đó xúc động làm cảnh:
- Cô sẽ được đi lao động cải tạo. Tôi tin rằng mọi ẩn ức của cô sẽ sớm được giải tỏa. Lao động sẽ giúp cô tìm lại sự sống. Tôi sẽ vẫn thường xuyên theo rỗi cô.
Tôi hỏi:
- Đó là tĩnh ra động?
Sử gia gật đầu. Bóng tối ra ánh sáng. Cô sẽ gặp những thử thách mới. Và tôi hoàn toàn vô trách nhiệm khi cô bước ra ánh sáng.
Tôi cười:
- Trách nhiệm của ông trong bóng tối?
Sử gia đứng dậy:
- Bây giờ cô về nghĩ ngơi. Người ta sẽ lo thủ tục cho cô thật sớm. Ở trại cải tạo, cô sẽ có rất nhiều cơ hội gặp thân nhân. Cô cần nhớ điểm đặc biệt này: Chợ Quán chưa phải là nhà thương điên đúng nghĩa. Nhà thương Biên Hòa mới đúng nghĩa!
Đưa tôi ra khỏi cửa phòng, sử gia nói lời từ biệt:
- Nhiệt tình và lòng tự phụ của tuổi trẻ Sài Gòn xứng đáng để tôi cảm phục. Trong lịch sử chiến đấu của Đảng Cộng sản, chưa có thời đại nào chúng tôi gặp địch thủ ngoan cường như các cô, các cậu hôm nay. Chúng tôi vẫn hy vọng có ngày các cô phản tỉnh. Chúng tôi thèm nhiệt tình của các cô, thèm kiến thức của các cô cho tương lai và cho sự tồn tại vĩnh cửu của Đảng. Nhiệm vụ của tôi đến đây là chấm dứt. Ngày mai tôi về Hà Nội. Nhưng tôi vẫn theo rỗi diễn tiến tư tưởng của các cô. Chúc cô mạnh khỏe.
Tôi nhìn sử gia không chớp mắt và nói:
- Cám ơn ông. Dẫu ông là cộng sản. Tôi sẽ nhớ suốt đời tôi rằng có một người cộng sản đã không đập bàn, la hét, dọa nạt tôi. Ông ngọt ngào hơn những người cộng sản khác nhưng cũng chua sót hơn. Tuy nhiên, nếu ông chết trước, tôi không quên đặt trên nấm mồ ông một vòng hoa.
- Tên thật của tôi là Nguyễn Bình Nam.
- Tôi ghi nhớ.
Giám thị dẫn tôi về phòng. Chị Nga vẫn còn thức chờ đợi tôi. Tôi kể cho chị nghe buổi «mạn đàm» của sử gia và tôi. Chị Nga thản nhiên nói:
- Em sắp làm chuyện phiêu lưu dưới ánh mặt trời.
Từ cái tỉnh ra cái động, từ bóng tối ra ánh sáng, chuyến phiêu lưu sắp tới của tôi sẽ ra sao? Chẳng ai có thể đoán nổi thâm ý của cộng sản. Với họ, con đường an toàn nhất cũng đầy rẫy mìn, chông, cạm bẫy. Sự thành thật và lương tâm là hai danh từ không có định nghĩa trong tự điển cộng sản.
- Chị Nga, chị khuyên em điều gì trước khi em ra đi chứ.
- Với em, với tháng năm tù đày của em, không cần khuyên điều gì nữa.
- Một lời thừa thãi cũng đủ sưởi ấm lòng em.
- Trong bóng tối, ta chỉ nhìn thấy ta. Ngoài ánh sáng, ta sẽ nhìn thấy mọi người. Cái tiểu ngã sẽ nhập vào đại ngã. Bóng tối và ánh sáng đều rất cần thiết.
- Cám ơn chị.
Hai hôm sau, người ta đưa tôi về đề lao Gia Định. Dĩ nhiên, tôi bị nhốt trong cachot. Và, lạ lùng biết mấy, cachot oan nghiệt đó lại là cachot số 12 khu B, cachot tôi «tạm trú» một thời gian khá dài. Tôi nhớ ngày tôi bước vào quán trọ địa ngục này là ngày 14 tháng 3 năm 1976. Bốn năm rồi, bên ngoài, hẳn đã nhiều thay đổi, nhưng, bên trong, đề lao Gia Định vẫn y nguyên. Người tù đến. Người tù đi. Cai ngục thì ở lại. Những khuôn mặt cai ngục cứ dầy dặn thêm vì độc ác như những lớp sơn xám mỗi năm một lần sơn phết trên cửa sắt. Cai ngục không biết mệt mỏi, không biết buồn bã. Họ cứng đơ trong giòng đời xã hội chủ nghĩa, ánh mắt cú vọ và giọng cười đười ươi. Mụ cai ngục của tôi mập mạp hơn năm xưa, con heo ủn ỉn, dũng sĩ nhà lao của chủ nghĩa, lại xách xâu chìa khóa, lại nói những câu cũ rích. Nghĩ tội nghiệp mụ và nghề coi tù của mụ. Thượng đế sinh ra con người, cho nó làm người và ước mơ. Chủ nghĩa tước đoạt hết, chủ nghĩa hủy hoại toàn diện ân huệ Thượng đế ban cho nó. Nó biến thành chó, thành trâu, thành ngựa... Rồi nó rên rỉ, đòi hóa kiếp: Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương. «Chết cho quê hương» là lý tưởng ngụy trang của yêu cầu «nếu là người». Bạn thấy chưa, cộng sản rất thèm làm người. Đừng tàn sát họ, hãy dạy họ làm người. Họ nên người, họ sẽ hết là cộng sản, sẽ liệng chủ nghĩa ngu đần của họ xuống hố phân thăm thẳm. Và, nhân loại sẽ vui mừng thấy cái chủ nghĩa thỏa hiệp với cộng sản, chủ nghĩa đấu thầu nỗi khổ, chủ nghĩa nhẩy đầm trên niềm bất hạnh, chủ nghĩa trục lợi từ sự gian ác của cộng sản chết đuối giữa đại dương. Từ đó, bước sang vận hội mới của loài người.
Tôi quan sát cái cachot «kỷ niệm». Nền xi măng đã đen thui và bức xi măng lỗ chỗ nhiều vết. Ba bức tường hoen ố, đầy vết máu quệt lên. Máu đập mũi, giết rệp đốt mình. Máu ghẻ lở, mụn nhọt. Cả máu cắn đầu ngón tay viết lời thề son sắt. Những vết gạch đánh dấu từng ngày nằm cachot, những tên người khắc sâu, những bức vẽ cảnh nằm còng, ngồi còng, đứng còng đầy khắp tường tù. Bao nhiêu người đã trọ ở quán địa ngục? Mùi hôi hám lợm giọng. Cachot khu B của đề lao Gia Định sắp sang ngang hàng với cachot FG Chí Hòa và đã vượt xa cachot Sở Công An thành phố. Qua ô cửa gió, tôi nhìn dẫy phòng tập thể buồn hiu. Những người từ năm xưa đã ra đi. Họ ở đâu bây giờ? Bao nhiêu người đã chết? Bao nhiêu người còn sống? Những người hiện đang lúc nhúc như bầy gà trong chuồng chẳng thiết nhòm ngó tới. Sự nồng nhiệt tiếp đón bạn tù mới đến của người năm xưa đã úa héo. Tù nhân không còn hấp dẫn tù nhân, không còn hấp dẫn ai nữa. Tất cả đã khô cằn, chai đá trong một xã hội mà chính cái xã hội ấy đã là nhà tù.
Tôi ngỡ sẽ phải trải qua nhiều đêm hiu quạnh ở cachot 12. Không ngờ, ngay buổi tối «tái ngộ đề lao», người ta dẫn tôi sang phòng tập thể C1. Ở đây, tập trung khoảng ba mươi tù nữ từ Chí Hòa, Đại Lợi và các trại giam của các quận trong thành phố gửi tới. Và, ngạc nhiên đến nghẹn ngào, tôi gặp chị Nga. Định mệnh nào êm ái thế? Nó cho phép chúng tới gần gũi nhau giữa biển khơi, trong bão táp. Tôi nghĩ tới chiếc còng và những đêm cachot dính chùm thân phận. Có lẽ, con người chỉ có thể gần gũi, cảm thông và gắn bó sau một kinh quá khốn khổ cùng nhau. Định mệnh tôi được sát kề định mệnh chị Nga bằng chiếc còng.
- Chị Nga, em rất sung sướng.
- Chị cũng vậy.
- Có chị, em không sợ hãi gì cả.
- Em sợ hãi gì?
- Từ bóng tối ra ánh sáng, người ta dễ bị chói mắt, choáng váng.
- Khỏi sợ. Ánh sáng trại tập trung vẫn chỉ là bóng tối, bóng tối nhầy nhụa. Ánh sáng ở trái tim em mới là thứ ánh sáng chị đã nói với em.
- Tại sao họ cho chị đi cải tạo?
- Vì họ chưa làm người.
- Họ có «mạn đàm» với chị không?
- Không. Họ tự hào «biến sỏi đá thành cơm». Ta tự hào biến sâu bọ thành người.
Chị Nga cười. Nụ cười của chị rất tươi và rất lạc quan dù đôi môi chị khô héo. Chúng tôi kiếm góc phòng ngồi tâm sự. Trong khi, các tù nữ ồn ào bàn tán về các trại cải tạo. Họ thuộc đủ thành phần: Phản động, tình nghi mãi dâm, gái điếm, buôn lậu, dân chợ trời, vượt biên... Một điểm nổi bật trong xã hội chủ nghĩa là không ai sợ tù đày, không ai có mặc cảm tù đày. Họ quan niệm thật giản dị: Tù trong thì khỏi tù ngoài. Quan niệm giản dị đó là vết nhơ trải dài lên cái ưu việt của chế độ. Thế mà người ta cứ vỗ ngực khoe khoang rằng cộng sản là tinh hoa của nhân loại. Khi súc vật phô trương, sỏi đá cũng phải ngậm ngùi.
- Họ sẽ đưa mình đi đâu, chị Nga?
- Đi đâu thì đi, ngày mai ta sẽ rõ.
- Chị thích ra Bắc không?
- Nếu được sang Sibérie càng thú vị.
- Em thì em muốn biết «Khách sạn Hilton» của lính Mỹ.
- Ồ, cái mụn ghẻ của tù ngục ấy, nghĩa lý gì. Chị nghĩ, cachot FG Chí Hòa, nơi em đã đến, mới là ung thư.
- Chị Nga à, chị thật phi thường.
- Phi thường?
- Vâng. Bị nhốt chung bao nhiêu ngày với người điên mà chị không điên. Em sẽ bị điên nếu không gặp chị.
- Tử vi của chị thiếu sao điên!
Chị Nga cười lớn. Từ khi gặp chị ở cachot ba người, tới nay, tôi mới thấy chị cười thoải mái và bông đùa. Tôi bỗng nhớ chị Nhi ra riết. Giá mà chị Nhi còn sống, chị đã lập xong cái thuyết tiểu tư sản của chị rồi. Tôi tin rằng học thuyết của chị sẽ rất nhân bản. Ai đó, hình như văn hào Georghiu trong Giờ thứ hai mươi lăm, đã tuyệt vọng vì những nền văn minh hiện đại, vì những chủ nghĩa phi nhân đày đọa con người, nô lệ hóa con người. Georghiu khẳng định rằng chỉ có thứ ánh sáng từ phương Đông lóe lên và dàn trải khắp trái đất mới cứu nổi loài người trong cơn hồng thủy chủ nghĩa hôm nay. Ánh sáng từ phương Đông, Giorghiu chưa nghĩ, và chưa biết nó sẽ xuất xứ từ đâu. Tôi, tôi đoán quyết, nếu chị Nhi không chết sớm, nó sẽ lóe lên từ cái cachot ẩm mốc, hôi hám có ba người con gái bị còng dính chùm bên xô cứt. Ánh sáng ấy tỏa lên cao ngút như pháo bông rạng ngời tư tưởng cao cả của những con người biết ngậm trái căm thù để định nghĩa yêu thương. Nghĩ cho cùng, trên thế giới, có một dân tộc nào triền miên nô lệ, chiến tranh, ngục tù, bất hạnh như dân tộc tôi. Vậy thì thứ ánh sáng cứu rỗi nhân loại có xuất phát từ vùng trời nghìn năm hiu quạnh, vùng trời quê hương yêu dấu của tôi, cũng chẳng có gì lạ lùng. Đó là nguyên lý và cũng là chân lý.
Sỏi Đá Ngậm Ngùi Sỏi Đá Ngậm Ngùi - Duyên Anh Sỏi Đá Ngậm Ngùi