Số lần đọc/download: 8043 / 171
Cập nhật: 2016-07-02 16:49:07 +0700
Chương 9 -
1
9 giờ. Bóng tối trùm thành phố. Đèn đường chưa lên. Đạn vẫn nhằm ông Trời mà bắn. Tôi đi trong cái âm u của Sài gòn lịm chết. Hình tưởng một nghĩa địa hoang vắng? Sài gòn ở đó. Tiếng đạn bắn chỉ thiên cơ hồ tiếng nứt vỡ của hàng triệu trái tim. Rồi tiếng đạn ngưng hẳn. Dân chúng bỏ chạy tán loạn. Bộ đội miền Bắc và quân giải phóng xuất hiện trên các vỉa hè. Mạnh phe nào phe ấy nhặt nhạnh "chiến lợi phẩm". Bộ đội miền Bắc chú trọng quân trang, quân dụng nhiều hơn võ khí. Chắc chắn, họ thèm quân trang, quân dụng của lính ta. Họ liệng "chiến lợi phẩm" lên mô-lô-tô-va. Quân giải phóng chú trọng vũ khí. Họ thu lượm vội vàng và phương tiện chuyên chở là xe ba bánh đạp và gắn máy. Đường phố, lúc này, đầy người. Chỉ còn xe quân sự của cộng sản qua lại Cộng sản nằm vùng đã sách động quần chúng xuống đường làm mùa vui giải phóng. Tôi thấy dọc phố Công Lý, cờ mới đã treo nhiều. Quả thực, tôi không nhận ra mầu cờ nữa. Vì bóng tối. Vì mắt tôi mờ. Tai tôi cũng đã điếc, chẳng thể nghe nổi tiếng hoan hô xem chừng đã cuồng nhiệt. Nhạc cộng sản muốn lấp vùng trời Sài gòn.
Hãy chọc mắt tôi mù
để khỏi nhìn người Babylone
Hãy đâm thủng tai tôi
để khỏi nghe nhạc Babylone
Hãy cắt lưỡi tôi
để khỏi hát nhạc Babylone...
Tôi không nhớ rõ có phải là Thánh vịnh trong Cựu ước. Mười tuổi, tôi đã nghe:
Nhanh bước nhanh nhi đồng
theo cờ đỏ sao vàng...
Mười chín tuổi tôi đã nghe:
Quê hương chúng ta
xanh ngát cánh đồng bao la
Noi gương Trung quốc, Liên xô ta xây cuộc đời
Quê hương chúng ta
toàn dân trường kỳ kháng chiến
Tiến bước dưới cờ Malenkov vinh quang
Bốn mươi tuổi, tôi lại nghe:
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công
Việt Nam
Hồ Chí Minh
Việt Nam
Hồ Chí Minh...
Lần thứ nhất, nghe nhạc, tôi còn bé. Lần thứ hai, nghe nhạc cộng sản, tôi bỏ vào Sài gòn. Lần thứ ba tôi mắc kẹt lại Sài gòn để bị nghe nhạc cộng sản. Mà không dám đâm thủng lỗ tai! Ai đã dám đâm thủng lỗ tai? Ai đã dám cắt lưỡi? Có lẽ, người ta đang lột lưỡi để hát nhạc kẻ thù cho ngọt ngào.* Tôi nghĩ kẻ viết Thánh vịnh hay Thánh thi đã không chọc mắt mình, đâm thủng tai mình, cắt lưỡi mình. Tôi thì không đủ can đảm đó. Mà tôi cần sáng mắt, thính tai. Chưa hiểu số phận mình ra sao trong biển máu, nhưng tôi cứ mơ mộng những tác phẩm lớn của đồng nghiệp của tôi về một Sài gòn, ngày dài nhất
o O o
- Long ạ!..
- Gì?
- Hay là mày để tao về nhà trước xem có chuyện gì xẩy ra không đã.
- Chuyện gì?
Tôi nói tiếp:
- Nếu xảy ra chuyện gì, tôi sống vô ích.
Đặng Xuân Côn gạt đi:
- Mày có ích lắm. Ít ra, xuất bản trọn bộ Vẻ buồn tỉnh lỵ.
-Tôi và ông cùng về.
- Suy nghĩ kỹ đi.
-Tôi vững tin.
- Cộng sản?
- Không. Người Sài gòn không thích biển máu. Người vô sản Sài gòn không thích biển máu. Người Sài gòn sẽ khước từ học tập căm thù. ông thấy rồi đó, chưa có villa nào trên đường Công Lý bị người vô sản hay là nhân dân xông vào đập phá, cướp của, giết người. Ngay cả cái bảng "coi chừng chó dữ" cũng vẫn còn nguyên vẹn. Đó là một dấu hiệu, ông hiểu chứ?
-Sao?
- Sài gòn vẫn là Sài gòn. Chúng ta không mất Sài gòn bởi vì Sài gòn chế ngự mọi thù hận. Bằng thù hận, mọi sự đổ vỡ. Sự đổ vỡ thê thảm nhất là đổ vỡ tình người. Còn chế độ vỡ đổ, chả nghĩa lý gì cả. Thù hận đạp đổ tất cả nhưng thù hận không xây dựng lại tất cả những gì nó đạp đổ. Thù hận không chinh phục nổi lòng người.
- Mày sẽ viết về cái đó?
- Tôi đã viết từ lâu. Tư tưởng của tôi đã gây nhiều hệ lụy cho tôi, sẽ còn gây nhiều nữa, nếu tôi sống sót sau cơn hồng thủy 30-4.
- Mày phải sống sót.
- Cám ơn ông, tôi mong được sống sót.
Hai chúng tôi đi sát bên nhau, như thuở mười tuổi, chúng tôi đã đi sát bên nhau trong buổi tối thị xã miền Bắc đầy xác chết đói.
- Long!
- Để tao về trước.
-Tôi đi đâu?
- Mày ghé sang Tân Định xem có "bắt" được vài chai Cognac không.
- Rồi sao?
- Tao đợi mày ở cổng. Hễ không thấy tao, mày vù lẹ.
- Vù đâu?
- Long Xuyên.
- Tôi đi mua rượu và tôi cứ về, dù ông không đợi tôi ngoài cổng.
Chúng tôi chia tay. Vỉa hè Tân Định không còn những đống quân trang, quân dụng, võ khí nữa. Mà thay bằng những lái buôn cờ. Nhà máy nào sản xuất cờ cộng sản nhanh thế? Cờ đảng, cờ "tổ quốc", cờ mặt trận. Chắc chắn Chợ Lớn đã "chế tạo" từ lâu. Dân chúng sợ hãi cộng sản, chen chúc nhau mua cờ mới. Tôi cố tình quan sát những người mua cờ. Khuôn mặt người nào, người nấy ủ ê. Cảnh tượng này không lọt vào ống kính điện ảnh cộng sản đã đành, còn không lọt vào ống kính điện ảnh Tây phương. Tại sao vậy? Dễ hiểu thôi, Tây phương luôn luôn mù. Có thể, họ còn giả vờ mù đề không thích nhìn một người đàn bà mà chồng "thua trận" đang nằm rên rỉ trong phòng kín ở nhà, phải ra phố xếp hàng mua cờ của kẻ chiến thắng? Tôi không biết vợ con tôi đã "sắm" cờ mới và nhà tôi đã treo cờ mới chưa?
o O o
19 giờ 30. Thành phố lên đèn. Đèn phố giúp tôi nhìn rõ một thay đổi mới của Sài gòn, 9 tiếng đồng hồ sau lệnh đầu hàng. Sự sang trọng của Sài gòn đã vội vàng dấu biến. Dân chúng ra đường ăn mặc tiều tụy. Đàn bà, con gái không áo dài, không son phấn, không sơn móng tay hoặc là đã rửa móng tay sơn. Nhiều bà, nhiều cô sợ hãi móng tay dài nhọn hoắt là lười biếng lao động, sẽ bị dùng kìm rút đi, đã nhanh nhẹn cắt móng tay. Đàn ông con trai, áo bỏ ngoài quần, lê giép Nhật made in Chợ Lớn. Xe Honda hết lạng bay bướm. Xe đạp chạy êm đềm. Khu Tân Định nhẫy nhụa những bài ca cách mạng tiết ra từ những cái loa gắn chung quanh chợ. Nhưng mà những kẻ gây khí thế cách mạng ồn ào, những kẻ cách mạng hơn cách mạng, vẫn chỉ là cỏ đuôi chó và sư đoàn 304. Rất lẹ, cỏ đuôi chó đã kết hợp thành những đội ngũ vác cờ, mang khẩu hiệu diễn hành.
- Long, Long....
Tôi ngó vào tiệm mì cạnh rạp Kinh Thành. Người vừa gọi tên cúng cơm của tôi là Thế Phong, tác giả Nửa đường đi xuống, một trong những phản đồ của Văn Nghệ chủ quan viễn kiến môn phái Nguyễn Đức Quỳnh. Thế Phong vẫy tay ra dáng bí mật. Tôi bước vô tiệm.
- May còn tiệm chú Ba mở cửa. Thế Phong nói.
Tôi ngồi xuống ghê. Thế Phong mời mọc:
- Ăn một tô nhé?
Tôi gật đầu. Cần thiết ăn một tô mì vịt trước khi bị ném vào biển máu. Tôi cũng thấm đói rồi.
- Mày không lọt lưới à? Mỹ bỏ rơi à?
- Ừ. Còn mày?
- Xêm xêm. Tao "đào ngữ từ đêm qua. Tụi nó pháo kích khiếp quá, không vào "sở" được.
Trung sĩ văn nghệ không quân Thế Phong vẫn thích khôi hài. Tác giả Tôi đi dân vệ Mỹ nhấp ngụm bia:
- Mày đi đâu qua đây?.
- Xem Sài gòn đổi cờ và định ghé mua rượu về uống đợi chết.
- Không chết đâu.
-Tại sao?
- Không có biển máu nhưng chúng ta sẽ chết dần chết mòn, chết như cây cỏ, chết chẳng ai thèm biết.
- Nửa đường đi xuống!
- Đi xuống địa ngục.
- Vậy đó. Bố Quỳnh đã không sai.
- Nhưng mày thì là phản đồ Văn Nghệ chủ quan viễn kiến.
- Đồng ý. Bố Quỳnh đã tiên đoán Sài gòn sẽ bị đổi thành Hochiminhgrad.
-Tao cũng tiên đoán, sau ông Quỳnh.
-Trong Sa mạc tuổi trẻ?
- Đúng. Tao đã viết, rồi sẽ có ngày, bừng mắt dậy, chúng ta thấy cờ đỏ sao vàng treo trên nóc Việt Nam quốc tự, trên nóc chùa ấn Quang, trên nóc Hạ Viện, trên nóc nhà thờ Đức Bà...
-Tiếc rằng ông Quỳnh không còn sống.
Nguyễn Đức Quỳnh, nhà văn, nhà lập thuyết, kiện tướng của nhóm Hàn Thuyên, đồng chí đệ tứ quốc tế của Trương Tửu. Cuộc đời bôn ba hải ngoại của ông không thua gì Hồ Chí Minh. Kiến thức của ông thì Hồ Chí Minh khó mà sánh nổi. Nhưng ông là con người thiếu may mắn với lịch sử. Rốt cuộc, tác giả những Thằng Kình, Thằng cu So, Con Phượng cam đành sống những ngày còn lại ở miền Nam với bút hiệu Hoài Đồng Vọng và lập Đàm trường chủ trương nền văn nghệ chủ quan viễn kiến. Những khuôn mặt văn nghệ lớn của hai mươi năm văn nghệ Sài gòn đều đã ghé Đàm trường. ông có thiện ý giúp những người văn nghệ trẻ tiến xa. Và ông đã cho họ mang hia bẩy dặm. Thế Phong là người được ông ví như Marxime Gorki. Đáng lẽ, Thế Phong phải kiên nhẫn học hỏi và cố gắng sáng tạo cho bằng Gorki. Thì anh ta lại đem cái kỳ vọng của Nguyễn Đức Quỳnh nơi anh ta làm một sự tự mãn. Anh ta công kích vung vít. Cuối cùng, anh ta công kích luôn cả ông Nguyễn Đức Quỳnh.
- Bây giờ mày mới thương ông Quỳnh?
Thế Phong gật đầu, đôi mắt chớp nhanh:
- Tài của tao bất cập ý ông ấy. Ông Quỳnh là phù thủy cự phách mà tạo chỉ là âm binh hạng tồi. Tất cả bị tẩu hỏa nhập ma.
-Trừ một tên.
- Đứa nào.
- Lý Đại Nguyên.
- A, đúng đấy. Nó khá đủ mọi nghĩa, mọi mặt.
Thế Phong nằng nặc đòi trả tiền mì, tiền bia. Lúc chia tay tôi, anh ta nói một câu buồn bã:
- Tao và mày không biết thằng nào về đất trước. Vậy vĩnh biệt mày, Duyên Anh?
Dứt câu, Thế Phong bước nhanh. Anh ta khuất vào đám đông hoan hô giải phóng. Tưởng chừng người bạn văn nghệ của tôi đi vào cõi chết, tôi nghe lòng tôi những tiếng rạn nứt hãi hùng. Đứng ngẩn ngơ cả mấy phút tôi mới lết đi. Tôi đi đâu trong nỗi khôn cùng tịch mịch của đất nước tôi? Thế mà tôi vẫn cứ đi, tôi cứ đi. Đường phố đã đông nghẹt người. Xe cộ không chạy nổi. Người và cờ. Tự nhiên, trời lất phất mưa. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Trần Dần:
Tôi đi không thấy phố, thấy nhà
chỉ thấy mưa sa
trên nền cờ đỏ
Mấy câu thơ này rất hợp với tâm trạng của tôi chiều 30 tháng 4. Tôi đi, không thấy gì cả, ngoài cờ đỏ sao vàng, cờ trên đỏ dưới xanh giữa sao vàng dưới ánh đèn hiu hắt và trong bụi mưa ảm đạm. Tôi đi, không nghe thấy gì cả, ngoài tiếng hoan hô cách mạng điên cuồng. Tôi đi giữa cảnh đổi đời oan nghiệt. Ai đã đi như tôi? Ai đã thấy như tôi? Ai đã nghe như tôi? Nếu người ta đã thấy đã nghe như tôi, người ta sẽ thay đổi hẳn nhân sinh quan khi người ta thoát biển máu, luân lạc phương trời nào đó ngoài nước Việt Nam. Nhưng người ta không thấy, không nghe như tôi đã thấy, đã nghe. Nên cái nhân sinh quan đáng lẽ cần phải được hủy diệt thì nó.lại rực rỡ ánh sáng bần tiện. Và dưới ánh sáng bần tiện ấy, những người tưởng mình hạnh phúc đã trở thành những kẻ bất hạnh nhất. Bất hạnh và nhỏ bé thêm. Đó là những con người không dám thoát ly cái quan niệm sống ích kỷ, thủ lợi, hám hư danh, đố kỵ, gian dối... Ngay cả một số người bị kẹt lại Sài gòn, đã thấy, đã nghe như tôi - những người văn nghệ và tự nhận mình văn nghệ - cũng vẫn loay hoay trong cái nhân sinh quan cũ, thứ nhân sinh quan trải trên chiếu rách ăn mày. Và, hôm nay, trốn thoát sang Hoa Kỳ, họ vẫn thi triển nhân sinh quan hôi hám cũ và cộng thêm tính chất lưu manh họ tiếp thu của cộng sản Nếu Như văn úy là tên đã biết khai thác cái miệng của mình để thành dân biểu to mồm - tuy rất rỗng và ngu dốt - của chế độ Nguyễn văn Thiệu thì, ít ra, sau nó, khối kẻ đã làm sáng danh nó bằng cái miệng lớn hơn khỏa lấp thiên hạ. Để phô diễn "tài năng" chính trị, văn hóa. Hình như, ít ai suy nghĩ về hai tiếng đổi đời của cộng sản. Vậy thì một mình tôi đi...
Không thấy phố, thấy nhà
chỉ thấy mưa sa
trên nền cờ đỏ...
o O o
Rồi tôi cũng mua được hai chai Courvoisier. Trên đường về nhà, bất ngờ tôi gặp Phan Kim Thịnh, chủ nhiệm tạp chí Văn Học. Xuất thân của ông chủ nhiệm họ Phan từ chân tùy phái của tạp chí Quê Hương. Tạp chí Quê Hương do ông Nguyễn Cao Hách đứng tên chủ nhiệm, quy tụ nhiều trí thức khoa bảng khuất thân chế độ Ngô Đình Diệm. Tạp chí Quê Hương nhận tài trợ của Sở nghiên cứu chính trị. Phan Kim Thịnh là mật vụ thứ yếu của Sở nghiên cứu chính trị được biệt phái "nằm" ở Quê Hương, giữ chức loong toong khiêm tốn để theo rõi sinh hoạt của tòa soạn Quê Hương. Thời ông Diệm, các nhật báo đều có người của Sở nghiên cứu chính trị "nằm" cả. Các "người" này, đa số là nhà văn, nhà báo có danh. Do đó, dưới chế độ ông Diệm không có nạn "tự ý đục bỏ" và "tịch thu bừa bãi". Riêng tạp chí Quê Hương, Sở nghiên cứu chính trị đã tỏ ra khôn ngoan, chỉ "cài" chân tùy phái sai vặt. Khoảng năm 1962, tùy phái Phan Kim Thịnh rầm rộ quảng cáo tạp chí Văn Học do ông ta làm chủ nhiệm. Xuất bản báo có nghị định của nhà nước vào thời kỳ này rất khó. Phan Kim Thịnh đã "vượt" khó, vì là người của Sở nghiên cứu chính trị. Với chủ bút Dương Kiền, mấy số đầu Văn Học thật giá trị. Về sau, Dương Kiền thành luật sư, bỏ chức chủ bút. Văn Học xuống dốc từ chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Năm 1968, Phan Kim Thịnh sang Gia Định làm phụ tá cho cò Tùy ở Ty cảnh sát. Tạp chí Văn Học ra số đực, số cái.
Phan Kim Thịnh luôn luôn để lộ sự hèn mọn của mình khi ông ta tiếp xúc với các nhà văn, nhà báo. Bà cụ thân sinh của ông quét dọn sân trường Régina Mundi. Ông thân sinh của ông bán hình Chúa, tượng Chúa, sâu chuỗi, sách kinh ở cửa nhà thờ Đức Bà. ông ta sống như những người cần cù làm ăn và ai cũng hiểu ông ta là mật vụ trốn lính. Bất ngờ, tối nay, tôi gặp chủ nhiệm Văn Học trên vỉa hè Hai Bà Trưng. ông ta mặc bộ quần áo xuềnh xoàng, chân diện giép râu, đầu đội nón tai bèo, vai đeo cái xặc cột vải Phan Kim Thịnh vỗ vai tôi:
- Đi đâu đấy, ông Duyên Anh?
Tôi không trả lời mà hỏi:
- Thay đổi lẹ thế?
Phan Kim Thịnh cười:
- Rồi sẽ thay đổi hết.,
Nhìn hai chai rượu kẹp nách tôi, ông ta nói:
- Uống tiêu sầu à?
Tôi đáp:
- Uống mừng cách mạng.
Tôi hất đầu:
- Mua mũ và giép ở đâu vậy?
Phan Kim Thịnh nhún vai:
- Ông về nhà ông uống rượu đi. Nhớ đừng say sưa. Sáng mai gặp nhau ở Trung tâm Văn Bút.
- Tôi sợ khó gặp ông.
- Tại sao?
- Vì tôi sắp bị liệng vào biển máu.
- Ai bảo thế?
- Mỹ.
- Mỹ cút rồi. Cách mạng đại xá, đại đại xá. Tôi quả quyết không một nhà văn, nhà báo nào bị trả nợ máu cả. Rồi Huy Cận sẽ đến tận nhà ông tìm ông.
- Ông lấy tư cách gì mà quả quyết?
- A, à... Khó nói lắm. Thôi, chia tay nhé!
Phan Kim Thịnh rảo bước. Tôi ngơ ngác. Chưa bao giờ tôi đánh giá Phan Kim Thịnh là một tên nằm vùng. Trời ơi, chúng ta đã có Phan Kim Thịnh nằm ở Sở nghiên cứu chính trị và Huỳnh văn Trọng nằm ở Dinh Độc Lập?
CHÂN DUNG MỘT TÊN NẰM VÙNG THƯỢNG THẶNG
Vũ Hạnh là một tên nằm vùng bị cháy. Vì cả nước đều rõ. Chỉ riêng linh mục Thanh Lãng không thèm rõ, không thích rõ nên ông ta mới cứu Vũ Hạnh ra khỏi Tổng nha cảnh sát quốc gia, cam kết với ông Nguyễn văn Thiệu và cho Vũ Hạnh làm việc tại Trung tâm Văn Bút Việt Nam, đường Đoàn thị Điểm. Trước khi bị cháy, Vũ Hạnh hoạt động ra sao?
Nó chỉ viết truyện đường rừng. Từ Mùa xuân trên đỉnh non cao đến Lửa rừng của nó, toàn là truyện vô tội vạ Nó tinh quái, biết ngụy trang bằng cách miêu tả những nhân vật vô sản của nó như hạng người bần tiện. Chưa hề thấy Vũ Hạnh đề cao một nhân vật vô sản chính thống nào trong sách của nó cả. Đi từng bước, Vũ Hạnh viết ngôi trường đi xuống rồi Con chó liêm sỉ, nó hơi hơi lộ văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng không mấy ai chú ý. Vì nó viết không hấp dẫn, ít người đọc nó. Vũ Hạnh không có tài lôi cuốn độc giả. Hà Nội đã sai lầm xử dụng nó và tưởng nó có thể thao túng văn nghệ Sài gòn. Thất bại sáng tác, Hà Nội chỉ thị Vũ Hạnh phê bình văn học. Nó dùng tạp chí Bách Khoa, phê bình văn nghệ với bút hiệu Phương Thảo. Cô Phương Thảo dịch sách Người Việt cao quý của nhà văn Y đại lợi. Rõ ràng dụng ý đạo đức dân tộc của nó. Nó đã thành công ngay khi nó phê bình một bà vợ ông chủ đồn điền ở Blao hám danh nhà văn. Bà này (tôi quên tên rồi) xuất bản tập truyện ngắn. Bất hạnh cho bà ta là có một truyện "thuổng" nguyên con của Vũ Hạnh. Cô Phương Thảo khám phá ra. Bà nhà văn chủ đồn điền đành "cáo lỗi". Từ đó, văn học Việt Nam mất một tài năng. Vì bà nhà văn "đạo văn không bao giờ viết nữa. Tất cả những bài phê bình văn nghệ của Vũ Hạnh đều đặt nặng vấn đề đạo đức văn chương, thứ đạo đức giả hình mác xít. Vũ Hạnh nhắm đối tượng mà phê bình.
Những năm 65, 66, 67, là những năm cực thịnh của nhật báo Sống và Chu Tử. Báo Sống chống cộng rất hỗn và rất ngoạn mục. Báo Sống nhiều độc giả nhất nước. Báo Sống lố bịch hóa lãnh tụ cộng sản. Báo Sống bảo "Hồ chủ tịch làm thơ như cục kít". Đảng cộng sản điên lên, chỉ thị cho Vũ Hạnh nhằm những điềm vô luân trong tiểu thuyết của Chu Tử mà đánh. Vũ Hạnh đánh luôn Lê Xuyên về phương diện dâm đãng. Đảng cộng sản lầm lẫn tai hại. Là đụng vào... báo phiệt, đụng vào thần tượng. Kết quả, Vũ Hạnh bị cháy, hết dở trò, kéo theo sự lộ hình của Lương thịt chó nằm ở Đài phát thanh Sài gòn và hai tờ báo thân cộng bị đóng cửa.
Thái Bạch là tên nằm vùng bị cháy. Ít ai dám nghĩ Thái Bạch nằm vùng, trừ ông tướng Nguyễn Ngọc Loan. Cảnh sát đặc biệt bắt nhốt Thái Bạch. Chủ nhiệm nhật báo Xây Dựng là linh mục (lại linh mục?) Nguyễn Quang Lãm xin ông tướng Loan thả Thái Bạch ra. Ông tướng Loan nể tình linh mục Lãm bèn thả Thái Bạch ra.
Ít ai dám nghĩ Thái Bạch nằm vùng. Tại sao thế? Vì vóc dáng và diện mạo của nó như con gà mái ướt. Nó mặc quần ống thấp ống cao, môi dề ra, mắt lơ láo. Nó "chuyên trị" ca dao miền Nam và luận cổ suy kim. Tôi làm việc chung với nó khá lâu ở toà soạn Xây Dựng mà cũng không biết nó nằm vùng. Ngày nó bị bắt, tôi tưởng nó bị bắt oan. Ngày nó được tha, tôi ngồi ăn ở quán Ngọc Hương, đường Gia Long, thấy nó thất thểu trên vỉa hè.
Tôi gọi nó lại:
- Thái Bạch!
Nó vào quán.
- Anh đi đâu vậy?
- Đi đòi tiền nhuận bút.
- Ăn uống cái gì đã.
- Tôi phải đi ngay, vì nó thất hẹn ba lần rồi, lần này bảo trả nhưng bắt đến đúng giờ.
- Bao nhiêu?
- Có tám trăm.
Thái Bạch nghèo nàn và thường tỏ ra hèn hạ.
- Ngồi xuống ăn một đĩa bánh cuốn, rồi tôi tặng anh một ngàn.
Thái Bạch ngoan ngoãn ăn bánh cuốn, ngoan ngoãn nhận một ngàn. Sau 30-4 một tuần lễ, văn nghệ sĩ phải đăng ký địa chỉ ở Tòa đại sứ Đại Hàn, đường Nguyễn Du. Tôi gặp Thái Bạch đeo súng lục, ngời bàn giấy oai vệ lắm. Nó đã quên đĩa bánh cuốn và ngàn bạc của tôi. Nó không còn tỏ ra hèn hạ nữa. Nó đã là... cách mạng! Bấy giờ tôi mới biết nó nằm vùng.
Những thằng nằm vùng lõa lồ như Thế Nguyên, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, không có gì đáng nguy hiểm cả. Vì chúng nó chỉ biết đi về một phía và húc đầu vào một phía. Thằng nằm vùng tôi sắp kể là thằng nằm vùng thượng thặng. Nó là biểu tượng của bọn cộng sản nằm vùng nên tôi không nêu đích danh. Có thể, nó vừa mới ăn phở với bạn ở California, vừa uống bia với bạn ở Stuttgart, vừa nhâm nhi cà phê với bạn ở Paris. Cũng có thể, nó vừa phẫn nộ, rất phẫn nộ chuyện bạn bị chụp mũ cộng sản và xui bạn nộp đơn kiện kẻ chụp mũ bạn. Và, rất có thể, nó đang điều khiển một cơ sở truyền thông chửi cộng sản vung xích chó. Tại sao kỳ vậy? A, xin bạn nhớ giùm câu này "Cứu cánh biện minh cho phương tiện". Đó là bí kíp... nằm vùng?
Thằng nằm vùng này, ta tạm đặt tên nó là Biểu Tượng, hành tung bí mật lắm. Biểu Tượng không thèm biết trường Bộ Binh Thủ Đức, dù nó tốt nghiệp đại học. Người ta mơ hồ hiểu rằng nó làm việc cho CIA. Hôm nay, ta gặp nó ra vào Juspao, ngày mai, ta gặp nó lởn vởn trong sân Usis. Khi nó tới Ấn Quang, khi nó lui Việt Nam quốc tự Buổi sáng nó ở báo đối lập, buổi chiều nó ở báo thân chính quyền. Nó quen với linh mục Hoàng Quỳnh, quen luôn thượng toạ Trí Quang. Sinh hoạt phát triển học đường, nó dính một tí. Du ca nó dính một tí. Phong trào bài trừ tham nhũng, nó dính một tí. Nó giao du đủ mặt nghệ sĩ lớn, nhỏ, đủ ngành sáng tác, trình diễn. Chẳng ai biết chỗ làm cố định của nó và lương bổng của nó. Bề ngoài, nó sống giản dị, không mất lòng ai, không hề tham vọng làm lớn. Nó thường ngồi đấu láo với Phạm Xuân Ẩn, Ngô Công Đức, Võ Long Triều và cả Cao Dao, Chu Tử, Mặc Thu, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hạnh...
Biểu Tượng chống Mỹ, chống Cộng hơn bất cứ ai chống Mỹ, chống Cộng. Đạo đức của nó vút lên Bắc đẩu. Tinh thần dân tộc của nó nặng như Thái sơn. Nó hoan hô tất cả những người chống Cộng quá khích, cổ võ Mặt trận kháng chiến HCM, khích lệ người quốc gia chụp mũ cộng sản lên đầu người quốc gia rồi xui kẻ bị chụp mũ kiện cáo. Đòn kiện ép-phê mạnh. Người quốc gia hết dám tố cáo cộng sản. Đòn chụp mũ cũng ép-phê mạnh. Hai tiếng cộng sản bị vô hiệu hóa. Riết rồi cộng sản chính cống và quốc gia bị chụp mũ cộng sản bình đẵng và hóa nhàm. Biểu Tượng rất ngại chức vụ. Nó sợ chường mặt. Nó khoái làm con bài chưa chia, con bài còn nằm trong bó bài bầy bán ở tiệm chạp phô. Nếu Biểu Tượng nuôi tham vọng thì tham vọng của nó là quy tụ các danh sĩ dưới trướng nó. Nó sẽ ban phát cơ hội tiến thân rồi đẩy danh sĩ vào quỹ đạo của nó.
Như Thái Bạch chỉ nói về ca dao miền Nam, chỉ luận cổ suy kim; như Vũ Hạnh chỉ viết truyện đường rừng, chỉ phê bình đạo đức văn chương; như Thế Nguyên chỉ đặt vấn đề lương thiện của người cầm bút, Biểu Tượng khoái viết về Nguyễn Du, Nguyễn Trãi y hệt cộng sản Hà Nội hăng say ca ngợi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, làm như là quốc gia không biết đến sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi. Có kẻ nói: Cộng sản bốc Nguyễn Trãi lên chín tầng mây, thiếu một điều quật mả Nguyễn Trãi, dựng ngài đứng dậy, thấy tay trái ngài cầm Gia huấn ca, tay phải ngài cầm Lê-nin toàn tập! Biểu Tượng ca ngợi Nguyễn Trái, Nguyễn Du theo "chỉ đạo" của cộng sản. Nó dân tộc quá. Ai bảo nó cộng sản nằm vùng, nó sẽ kiện. Hoặc nó lôi CIA ra hù.
Này anh Biểu Tượng và các anh Biểu Tượng? Người quốc gia không mù, không điếc, không câm và không biết sợ hãi. Trần Dần đã viết:
Tôi chửa khi nào quên táo bạo
Chửa khi nào quên hát, quên đau
Chúng tôi cũng thế. Sở dĩ tôi chưa đánh anh là vì anh chưa dở trò cụ thể. Vậy đó. Anh đừng quên chúng tôi đã nhận diện anh.