Until I feared I would lose it, I never loved to read. One does not love breathing.

Harper Lee

 
 
 
 
 
Tác giả: Hồ Trường An
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2649 / 37
Cập nhật: 2015-08-12 08:24:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Hoàng Xuyên Anh, Người Cô Phụ Rơi Dòng Dư Lệ Trên Những Bài Thơ Sầu Vạn Cổ
ỉnh Trà Vinh (từ hồi Đệ nhất Cộng Hòa của Miền Nam Việt Nam được gọi là thị xã Vĩnh Bình) là một thành phố gần biển. Đất đai ở đó không có sông rạch chằng chịt chảy qua nên đa số nóc gia phải đào giếng. Trà Vinh có nhiều người Miên cư ngụ, có Ao Bà Om là nơi thắng cảnh, có dưa hấu ở Cầu Ngang ngon như dưa hấu Trảng hoặc dưa hấu Trà Bang. Dòng nước lợ tức là nước ngọt và nước biển trộn nhau chảy qua những địa danh nào trong lãnh thổ của tỉnh đều có loại cá thác lác và cá chái ngon nổi tiếng. Cá chái thịt béo lại có hai thỏi trứng to, được đem nấu ngót để chan lên bún và rau xắt ghém là một món ngon hiếm quý. Nhưng món bún nước lèo mới là một món ăn độc đáo của người Miên được biến cải đôi chút để hợp khẩu vị người Việt. Đó là món mắm sặt kho chan lên bún, bắp chuối thái nhuyễn điểm lất phất rau quế, rồi được đơm thịt phay, tôm luộc và rắc hành ngò, tiêu, ớt. Đến viếng Trà Vinh mà không ăn món bún nước lèo cũng như đi qua vùng Champagne nước Pháp mà quên thưởng thức món dồi heo và rượu sâm banh.
Tôi viếng Trà Vinh vài lần. Lần chót vào năm 1961. Bây giờ nghĩ về tỉnh ấy, tôi có thể mường tuợng những mái chùa Miên vàng rực với những ngôi tháp nhọn trong ánh nắng tơ vàng, những cây sa-kê cao khẳng khiu xõa chùm lá mềm mại trong đêm trăng, những giếng nước ngọt trong mát, những trái dưa hấu Cầu Ngang khi được bổ ra phơi ruột đỏ lòng son lộng lẫy và điểm hột đen lánh trong lớp vỏ xanh màu ngọc thạch óng mượt. Tôi nào biết nơi đó là chốn sinh quán cô nữ sinh kiều diễm Ôn Quế Anh đa sầu đa cảm để rồi cô lên Vĩnh Long, tỉnh lỵ sinh quán của tôi để làm cô bạn hàng xóm của tôi, để tiếp tục việc học tại trường Sư Phạm Vĩnh Long... Và rồi năm tháng trôi qua, khi bước chân ra đời, cô phải nhận lãnh gánh hệ lụy đè nặng vai mềm. Con đường oan trái lại trải rộng ra, định mạng khốc liệt xô cô dấn bước vào. Tuy nhiên định mệnh oái oăm ấy chẳng những không giết chết nổi Ôn Quế Anh, mà biến cô thành nhà thơ nữ Hoàng Xuyên Anh, một tên tuổi quen thuộc trong chi hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại - Bắc Cali.
Tôi xin giới thiệu hai thi tập "Nỗi Lòng Cô Phụ" và "Khung Trời Kỷ Niệm" của Hoàng Xuyên Anh trong niềm cảm thông giữa tác giả và bút giả. Đọc thơ chị, tôi nghĩ rằng đó là loại thơ đơn giản về ngôn ngữ lẫn tình ý. Chúng vẽ lên tấm chân dung một cuộc đời đáng lẽ phải bình thường, nhưng tai ương và thống khổ đã đưa nó vượt lên cái tầm thường, biến cái bình thường đó thành một cuộc sống tuyệt vời trong cõi thi ca.
Cuộc đất Trà Vinh đã sản sinh thi sĩ Khổng Dương 1 vào thời tiền chiến, thi sĩ Truy Phong 2 vào thời chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, cùng hai nhà thơ nữ Hoàng Xuyên Anh và Vũ Thi An 3 nơi hải ngoại. Và Trà Vinh được nhà thơ nữ Hoàng Xuyên Anh vẽ lên tấm chân dung của nó qua bài "Nhớ Tỉnh Trà Vinh" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm".
"Biển Ba Động nước xanh, cát trắng,
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây,
Xin mời du khách về đây,
Xem qua thì rõ chốn nầy thần tiên".
*
Làng tôi nghèo bên cạnh dòng sông Cửu,
Trà Vinh buồn trồng đủ lúa, ngô, khoai.
Miền Tây vựa lúa quanh con sông dài,
Dân quê chất phác miệt mài đồng áng.
*
Biển Ba Động hoàng hôn rơi bảng lảng,
Tiếng ai hò man mác khúc tình ca.
Bóng dừa cao lẩn khuất trong sương nhòa,
Ôi! Đẹp quá! Chiều tà trên bãi biển.
*
Lượn sóng nhấp nhô đưa thuyền cặp bến,
Bao dân chài gác mái trở về dinh.
Hàng tre xanh ấp ủ mộng yên bình,
Niềm hạnh phúc chan tình lên sức sống.
*
Ao Bà Om khắc ghi đôi hình bóng,
"Khà-Me" tình trai gái thuở xa xưa.
Yêu quê hương, nói sao hết cho vừa,
Ao sen trắng giữa bùn nhơ vẫn đẹp.
*
Trung học Vĩnh Bình nữ sinh khép nép,
Nón lá che nghiêng, áo trắng tung bay.
Trần Trung Tiên đào tạo bậc anh tài,
Tình giao hảo, tuổi ô mai đầy mộng.
*
Ngả Ba Đuôi Cá thênh thang gió lộng,
Vườn dừa trĩu trái in bóng hằng nga.
Gái trai làng vui hát khúc hoan ca,
Đêm thôn dã, tiếng "dù kê" rộn rã.
(các trang 82, 83)
Bài thơ đầy những hình ảnh thân thương, những nét tạo hình óng chuốt. Ngôn ngữ thơ bình đạm. Ý thơ trong vắt như nước giếng sâu và đầy sinh lực như cây dừa, khóm chuối, rẫy mía, vồng dưa sau cơn mưa mát mẻ.
Chỉ có tình quê hương mới nâng bước chân nhà thơ vào lối hoa mộng của quá khứ. Trong giây lát nào đó, chẳng hạn lúc cất bút làm những bài tình tự hoài hương, tác giả mới tạm quên cuộc sống ngang trái đau thương. Ý thơ chị tươi hẳn lên, sáng lấp lánh như sóng biển Ba Động dưới bầu trời ngát xanh màu lam ngọc.
Vườn quê hương trái ngọt,
Bóng mát rặng cây xanh,
Gió ru giấc mộng lành,
Đàn chim xa về tụ.
*
Cánh đồng vàng bát ngát,
Khúc khuỷu con đê dài,
Nhộn nhịp tiếng gái trai,
Mùa vụ vui gặt hái.
*
Dòng sông xanh uốn khúc,
Xuồng ba lá lênh đênh,
Đàn vịt bầu rỉa rúc,
Mặt trời bóng xế nghiêng.
*
Nhớ chiều xưa.. thu vàng,
Gặp anh nơi cố quận,
Nhìn nhau... mắt chứa chan,
Tình yêu vừa chợt hiện.
*
Xanh xanh màu mạ mới,
Tình ta giấc mộng đầy,
Thoáng hương đồng cỏ nội,
Ân tình ấm vòng tay.
*
Mây trời trôi lãng đãng,
Tiếng hạc buồn kêu sương.
Ngẩn ngơ đàn cò trắng,
Biển tình ngát yêu thương.
*
Gió lao xao lá cành,
Vũ trụ đẹp như tranh.
Tim em hồng dĩ vãng,
Ngàn hôn đọng môi xinh.
*
Tình Quê xao xuyến lạ,
Hoa bướm quyện thiết tha.
Men tình say giấc điệp,
Triền miên lịm hồn ta.
*
Hoàng hôn lau lách tím,
Quê hương cõi xa mờ.
Xao xác bìm bịp gọi,
Xứ người em bơ vơ.
(các trang 77, 78)
Qua những đoạn thơ trích dẫn trên đây, chúng ta có thể tìm phong vị thơ quê
hương đất nước của Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính, Đoàn văn Cừ vào thời tiến chiến. Chúng ta có thể bắt gặp hơi hướm âu yếm thiết tha trong thơ quê
hương của Tường Linh 4 và của Kiên Giang Hà Huy Hà 5 vào hai thời Cộng Hòa của Miền Nam Việt Nam, sau Hiệp Đinh Geneva. Chúng ta có thể gặp lại tình ý trong thơ Lê Ngọc Hồ, Dư Thị Diễm Buồn nơi hải ngoại.
Nhưng cái thú vị của người đọc là tìm gặp trong khung cảnh đồng quê trên đất nước thân thương chúng ta có lồng mối tình của đôi lứa thiéu niên. Nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội 6 quê ở Hà Tiên có núi rực sắc thúy màu lam, có hồ mộng trải gương trong, có Bách Phương Viên và Úc Viên với hoa quỳnh, hoa cúc, có Tân Nguyệt Hiên để bà đêm đêm ngắm vành trăng non thượng tuần và ngôi sao hôm sáng long lanh. Thế mà bà không thể làm một bài thơ tình yêu mà chỉ làm vài bài thơ vịnh cảnh. Hoàng Xuyên Anh có một quê hương ven biển với khung cảnh đồng ruộng bao la, nhưng không có kỳ hoa dị thảo, không có thanh sơn thủy tú, cũng không có nhiều địa linh nhân kiệt. Vậy mà chị có một mối tình để dệt thành những bài thơ kỷ niệm.
Từ tình yêu lứa đôi, chị phóng chiếu nó lên tình yêu non nước, tức là phóng đại nó vào một tình cảm vĩ đại hơn, hùng tráng và thiêng liêng hơn. Xin đọc bài "Trường Ca Nỗi Nhớ" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm":
Đã từ lâu không còn gì để nói,
Giấu cuộc tình vào đêm tối mênh mông,
Đời u buồn như xuân, hạ, thu, đông,
Cố chôn lấp sau bức rèm phủ kín.
*
Hai bốn năm quốc hận đành câm nín,
Dấu vết tình áo não tím buồng tim,
Cảnh phù du anh trôi nổi kiếm tìm,
Em nức nở hồi sinh trong kiếp nhớ.
*
Quốc lộ một dặm dài còn bỡ ngỡ,
Nối tình thương giữa Hà Nội Sài Gòn.
Dòng giống Tiên Rồng xanh biếc núi non,
Giang san gấm vóc cha ông gìn giữ.
*
Bắc, Trung, Nam lời ca dao tình tự,
Con đường làng sỏi đá uốn quanh thôn
Hàng dừa cao che mát chợ chiều hôm,
Em réo gọi tình hồng in đáy mắt.
(trang 88)
Hai tập thơ "Nỗi Lòng Cô Phụ" và "Khung Trời Kỷ Niệm" là hai môi trường để tác giả ký thác nỗi đau thương của mình. Nhưng ai biết đâu ở một con người thi sĩ thường có hai ba cuộc sống, nếu bỏ qua cuộc sống thực tế thường nhật qua một bên. Ở Hoàng Xuyên Anh, chị sống bằng ba cuộc đời buộc chặt vào thi ca: cuộc đời đẫm lệ của người cô phụ, cuộc đời của kẻ hoài vọng quê hương và cuộc đời ngưỡng vọng ánh vinh quang của Tổ Quốc và Dân Tộc. Nhưng cuộc sống tâm tình mới chiếm rộng lớn trong vòng sinh hoạt của chị. Tâm hồn và trái tim chị chia ra làm ba ngăn: ngăn tình cảm ủy mị tràn ngập nhân tính, ngăn bát ngát phong vị cố huơng cách xa đất nước nửa bán cầu và ngăn rực sáng lửa thiêng của nòi giống.
° °
°
Bước vào cõi thi ca của Hoàng Xuyên Anh, khách thưởng ngoạn có thể tưởng tượng như buớc vào mảnh sân truớc hay mảnh sân sau của một ngôi thảo am trong vùng châu thổ nằm giữa dòng Tiền Giang và dòng Hậu Giang. Mảnh vườn nào cũng nho nhỏ xinh xinh, có trồng những loại hoa phổ thông như hoa chuối nước màu vàng tái lấm tấm chấm đỏ; hoa móng tay đỏ viền vàng; hoa trúc đào và hoa đông hầu (tức là hoa mười giờ) màu hồng đào; hoa sao nháy màu hoàng yến; hoa trang màu vàng mỡ ngỗng; hoa sơn chi (tức là hoa dành dành) cùng hoa bạch ngọc (tức là hoa lài trâu), và hoa mộc đều có màu trắng tinh anh như tờ giấy ngọc cốt; hoa huệ lan màu hồng ửng tía ngọt lịm; hoa cẩm nhung vốn là loại cẩm chướng với màu trắng có sọc tím... Cạnh vuông đất trồng hoa là khu trồng rau với các loại sơ thái như cải diếp, cải ngồng, cải ngọt, cải cúc cùng là các loại rau thơm như húng, quế, kinh giới, rau răm, ngò gai, tía tô v. v... Hoa và các loại sơ thái tuy rất phổ thông, nhưng trong khu vườn thưởng ngoạn của những kẻ yêu quê mến đất, chúng luôn muôn tươi ngăn ngắt, mát dịu như tẩm sương mưa. Chúng rất gần gũi tâm tình và khẩu vị những dân miệt vườn an phận thủ thường, quen thanh thưởng các bữa cơm rau đạm bạc.
Nhưng mà các bạn độc giả chớ quên: Khu vườn của Hoàng Xuyên Anh dù gợi trong cõi mường tượng chúng ta những hoa đẹp cỏ thơm, dù vẽ trong óc tưởng tượng chúng ta biết bao cây lành trái ngọt, nhưng các bạn chớ quên tưởng tượng thêm trong đó còn có những cây gợi nên niềm bi ai thống khổ. Đó là những cây lệ liễu buông nhánh la đà xuống mặt đất như những dòng lệ tóc tang khóc người tình quá cố. Những cây thùy dương vi vút trong gió như trổi giọng than thở thiết tha. Những dây ti-gôn trổ hoa có hình quả tim vỡ đôi đã gieo cho nhà thơ TT. Kh biết bao hoài cảm ngậm ngùi, biết bao tâm sự cay đắng. Những cây mua hoang dại (giống như cây sim) trổ hoa tím man mác bâng khuâng cùng những trái tím than gội nên những vết thương dập nát mà máu bầm vẫn còn ứ đọng chưa tan...
Xin đọc bài "Dòng Sông Kỷ Niệm" trong thi tập "Nỗi Lòng Cô Phụ" 7:
Xa vắng đôi bờ cách núi sông
Tơ tình anh có bận lòng không?
Em thờ thẫn đọc dòng thơ cũ,
Thương nhớ người ơi! Lệ đổ dòng.
Mỗi chiều về lặng đứng bên sông,
Nhặt ánh tà duơng nhạt sắc hồng.
Nguồn nước yêu đương, ôi! Ngọt quá!
Bầy chừ vẩn đục những rêu rong.
Sao em thấy trong dòng sông ấy,
Có dáng anh ngồi mỏi mắt trông,
Em khẽ gọi anh qua nắng nhạt:
"Mình ơi! Cá lội có xuôi dòng?
Có đem trăng nước về bên ấy?
Thả cánh buồm yêu ấp ủ lòng.
Có ngược thời gian về dĩ vãng?
Giòng sông bẽn lẽn vẫn chờ mong;"
(trang 111)
Những kẻ bất hạnh trong tình yêu, trong hôn nhân thường ưa trở về thời dĩ vãng của cuộc hạnh ngộ. Bài "Ai Biết... Tình Ai?" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm" mở cho người đọc một thuở yêu đương thơ mộng của tác giả Hoàng Xuyên Anh giữa cảnh hoa bướm xôn xao màu sắc và ngào ngạt hương xuân. Nhưng cái thửa ấy đã bị lớp tro dĩ vãng phủ lên tuy không để lại trong lòng chị một vết thương khó lành lặn, nhưng vẫn giăng mắc trong tâm hồn chị một lớp mây xám thê lương của cảnh tiêu sơ:
Thuở ấy yêu xuân ai biết nào?
Trầm trồ anh ngắm áng mây cao,
Nắng xuân dìu dịu tươi hồng má,
Nắng ở trên mây, nắng nghẹn ngào.
*
E ấp làm sao một đóa hồng!
Nụ xuân biêng biếc đợi chờ mong.
Bướm ong bay lượn phương trời lạ,
Một chút tình xa chẳng ấm lòng.
*
Lan, mai, cúc, trúc dáng khoe xinh,
Xuân đợi chờ ai? Xuân hữu tình.
"Xuân khứ, xuân lai, xuân bất diệt",
Xuân nào vương vấn chuyện đôi mình?
*
Bây chừ anh chở nỗi sầu cay!
Sao để ngày qua lại tháng ngày?
Héo hắt nàng xuân lạc lối mộng,
Bao mùa thu đổ lá vàng bay.
*
Ai biết tình anh có trắng trong?
Có yêu... nhưng sợ xuân phai hồng?
Ngắm nhìn cũng đủ lòng vui suớng?
Ca tụng muôn lời thỏa ước mong?
(trang53)
Bài "Tâm Sự Đêm Trăng" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm" không vẽ bối cảnh chập chờn phiêu diễu dưới ánh trăng, mà chỉ nói tới cái hạnh phúc trong phút vai kề má tựa. Ngoại cảnh thiếu vắng, nhưng cái lẩn thẩn, cái lẩm cẩm của kẻ đang yêu và được yêu làm cho bài thơ thập phần thơ mộng. Hãy nghe:
Hãy xích gần nhau chút nữa anh
Vỗ về em nhé suốt năm canh,
Cho vơi tâm sự nhiều cay đắng,
Cho mắt thôi buồn lệ chảy quanh.
*
Anh hãy lau khô giọt lệ sầu,
Xây thành vọng nguyệt chống thương đau.
Đêm trăng đàm đạo hồn tha thiết,
Bóng nguyệt xuyên mành, ta có nhau.
*
Hãy nói đi anh chuyện nước non,
Nghìn năm thanh sử mãi lưu son,
Anh hùng, hào kiệt trong kim cổ,
Vị quốc vong thân dạ sắt son.
*
Hãy nói đi anh chuyện đất trời
Khai thiên lập địa một lần thôi.
Adong, Evà cùng chung bước,
Vườn địa đàng. Ôi! Cảnh tuyệt vời.
*
Rồi chuyện tương lai của chúng mình,
Ông bà ghi dấu thuở lưu sinh,
Cho em một chút niềm hy vọng,
Vườn mộng huy hoàng, xinh thật xinh!
(trang 56)
Bài "Đợi Tình" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm" cũng là phút hồi tưởng quá khư thơ mộng để rồi phải đối diện cái hiện tại áo não chán chường. Đây là cái bóng phản chiếu thơ của các thi nhân thời tiền chiến khi phong trào thơ văn lãng mạn dâng cao, làm ngập lụt và ướt sũng những tâm hồn thanh xuân khao khát sống.
Anh ạ, hôm nay chiều thứ bảy,
Đường phố xôn xao lắm tiếng cười,
Tài tử giai nhân đi tấp nập,
Em ngồi chờ đợi một niềm vui.
*
Nghĩ thầm anh sẽ đến thăm em,
Tiếng sáo nhà ai trải khúc êm,
Dấy động tâm tư niềm hạnh phúc,
Xiêm y yểu điệu dáng tơ mềm.
*
Soi gương, điểm phấn hồng đôi má,
Kẽ mắt, mày xanh thắm nét tươi.
Thấp thỏm tim lòng nôn nóng lạ,
Đứng lên, ngồi xuống, ngóng xa xôi.
*
Chiều nhẹ trôi nhanh phủ bóng mây,
Sương khuya lành lạnh cánh hoa gầy.
Chập chùng ảo mộng theo sương khói,
Mờ mịt chân trời dáng chim bay.
*
Đường mây cánh nhạn dạo nơi nao,
Bến vắng tơ vương ngọn trúc đào.
Cành liễu nhớ ai buồn rũ rượi?
Đêm dài tĩnh mịch bóng trăng sao.
(trang 50)
Những kẻ bắt hụt tình yêu hoặc tìm gặp được tình yêu nhưng để nó trơn trợt vuột khỏi tay mình thường sống trong cái ảo ảnh lộng lẫy được vẽ vời trong trí tưởng tượng của mình. Xin đọc bài "Tắm Ánh Trăng Vàng" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm". Ở đây, tác giả pha vào thơ trử tình một chút hơi hướm của thơ siêu thực, một chút phấn hương của loại thơ ấn tượng.
Ta về tắm ánh trăng mơ,
Đường hoa lối mộng ngẩn ngơ mắt nhìn.
Thuyền trăng bóng nước lung linh,
Chứa bao ân ái kết tinh tụ hồn.
Nhạc lòng thổn thức tình son.
Sóng xao ánh mắt xoay mòn tim em.
Đắm say trong phút trao duyên,
Tâm tư giao động rộn thềm trăng yêu.
Tình ơi! Giấc mộng diễm kiều,
Một vầng trăng tỏ vạn điều ước mong.
Trăng xưa, đêm cũ tình nồng,
Bướm hoa chung lối, tiếng lòng thân thương.
Tơ trời giăng mắc muôn phương,
Nụ hôn ngọt mật ướp hương men tình.
Vườn lòng một đóa hoa xanh,
Vùng trời thuơng nhớ phiêu linh mơ màng.
Gió ơi! Đừng thổi tình tan,
Để em tắm ánh trăng vàng yêu thương.
(trang 116)
Tuy nhiên bài "Tình Trong Ẳo Mộng" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm" là bài tiêu biểu tiếng lòng của một nhà thơ bất hạnh dù có ước mơ hoang tưởng, nhưng đây là một bài tâm sự của kẻ cô đơn gợi lên mối thương tâm sâu đậm cho người đọc đúng hơn:
Bên anh lòng thấy vui tươi,
Mấy ngày thơ mộng bằng mươi năm sầu.
Thời gian nước chảy qua cầu,
Thúy đình hiên trúc vương màu nhớ nhung.
Hắt hiu ngọn gió lạnh lùng,
Người trong sương gió mịt mùng khuất xa.
Con tàu hò hẹn nhạt nhòa,
Bóng đêm đen thẳm mình ta độc hành.
Lạc đàn tiếng hạc mong manh,
Chạnh lòng cô lữ mắt xanh lệ tràn.
Bơ vơ kiếp sống lang thang,
Thoáng vui phút chốc võ vàng canh thâu.
Dở dang ôm ấp mộng đầu,
Ve u buồn trổi khúc sầu đơn côi.
Thuận Hòa thung lũng ngậm ngùi,
Dù trong ảo mộng trọn đời nhớ thương.
(trang 68)
° °
°
Hoàng Xuyên Anh đến với độc giả khắp bốn phương trời hải ngoại bằng tâm sự thiết tha của nữ sĩ Lý Thanh Chiếu vào thời mạt điệp nhà Tống để khóc thời hạnh phúc lứa đôi ngắn ngủi. Chị đến bằng giọt lệ của nữ sĩ Tương Phố 8 khóc người chồng yểu mệnh. Nhưng cả hai bà kia chỉ khóc chồng. Đằng này, nữ sĩ Hoàng Xuyên Anh còn phải khóc con, khóc luôn cái dung nhan bị tai nạn phi cơ tàn phá. Ngày nay, dù chị được các nhà giải phẩu thẩm mỹ tái thiết trùng tu lại gương mặt. Nhưng họ làm sao trả lại cho chị một khuôn mặt bén nhạy với cảm xúc? Làm sao trả lại cho chị cái chân dung phản ảnh một tâm hồn thơ mộng và tràn ngập phong vị trử tình? Làm sao trả chị một ánh mắt âu yếm, một nụ cười tươi đẹp vì hạnh phúc trong sáng dịu lành? Cho nên thơ của chị là những khúc bi ca dội sâu vào nội giới người đọc một nỗi buồn bén nhọn để họ đối diện với căn phần oan nghiệt đã lạnh lùng giáng xuống cuộc đời một phụ nữ có một thời thanh xuân hạnh phúc hiền hòa như chị.
Xin đọc bài thơ "Kiếp Sau" trong thi tập "Nỗi Lòng Cô Phụ" để được nghe những lời tâm sự chân thành của người cô phụ đất San Jose:
Nếu kiếp trước em nhiều tội lỗi,
Kiếp này xin làm trâu ngựa đền bồi.
Đày đọa làm chi thân tàn tật,
Đêm dài không ánh trăng soi.
Không hương, không sắc, không danh vọng,
Và cũng không niềm tin cuộc đời.
Gió hờn rít khẽ qua môi,
Rêu phong phủ kín một đời sầu đau.
Đường đời lỡ bước chân vào,
Say mê bến đục tính sao bây giờ?
Gió hỡi gió bao giờ hết kiếp?
Trăng hỡi trăng có biết cho chăng?
Kiếp này đày đọa xác thân,
Kiếp sau chẳng làm thông rét muớt,
Cũng không làm người,
Không làm bướm lạ lả lướt vườn hoa.
Không làm màu sắc kiêu sa,
Không làm ve ru mùa hạ,
Không làm nhà thủy tạ,
Cho thiên hạ thóc mách xem chơi.
Mà làm thần gió chơi vơi,
Thảnh thơi đi khắp chân trời em yêu.
(các trang128 129)
Phật bảo rằng có hình thể, có săc tướng là có hoại diệt theo vòng sinh, lão, bệnh, tử. Trước hết là cái già làm cho nhan sắc tàn phai, thân vóc lệch lạc héo úa Rồi sau khi bất cứ một mỹ nhân nào hoặc là ta chết đi, hình hài xương cốt ta tan rã, trở về với cát bụi. Cái tai nạn khủng khiếp xưa đã cố tình hủy hoại nhan sắc tác giả, nhưng nó vẫn gieo vào tâm thức chị một tia sáng về sự khởi sinh và sự hoại diệt. Cho nên chị không muốn kiếp sau mình mang nặng tấm chân dung và tấm hình hài nữa. Và chị muốn làm thần gió vô ảnh vô hình, thong dong tự tại lưu hành khắp bốn phương trời bao la khoáng đạt. Ở đây, từ khái niệm tư tuởng Phật Giáo chị đưa thơ bước sang lãnh vực Lão Trang.
Nhưng đó chỉ là giấc mơ thì bao giờ cũng vẫn... là giấc mơ. Giấc mơ ấy vuợt qua sức nguời và vẫn ở trong bàn tay Tạo Hóa thì dễ gì giúp cho nhà thơ nữ Hoàng Xuyên Anh của chúng ta thực hiện nổi. Bất hạnh xưa, tang tóc cũ đã khắc ghi vào tâm khảm chị một vết thương sâu đậm và dù giờ đây nó đã lành lặn nhưng nó vẫn để lại cho chị một vết sẹo khó phai. Cho nên ở bài "Muời Năm Tình Nhớ" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm", chị cho chúng ta biết rằng chuyện tai ương cũ và cái chết của người chồng yêu quý vẫn là một ám ảnh khó phôi pha đối với chị:
Mười năm tình tự còn nguyên,
Mười năm nhung nhớ triền miên nỗi sầu.
Gọi anh đâu? Tìm anh đâu?
Trăng soi bến lạnh, nương dâu bẽ bàng.
Đường trần lê gót dở dang,
Mưa tuôn, nắng hạ, lệ tràn trăng thanh,
Còn đâu những chuỗi ngày xanh,
Phượng loan ríu rít trên cành yêu đương.
Tìm đâu tiếng ngọt thân thương,
Đất trời nghiêng ngã theo đường anh đi.
Đam mê ôm mối tình si,
Bao nhiêu kỷ niệm khắc ghi trong lòng.
Thẫn thờ gối chiếc phòng không,
Nhìn qua di ảnh mặn nồng lứa đôi.
Vì sao tình phải chia phôi,
Nghìn năm em mãi ngậm ngùi bóng mây.
(trang 75)
Bài thơ chan hòa "giọt lệ thu" của Tương Phố, soi lại một đoạn đời nổi dậy "mưa gió sông Tương" của bà nữ sĩ ấy. Tiếng khóc chồng trong thơ của Hoàng Xuyên Anh là bức phóng ảnh tiếng khóc trong thơ của nữ sĩ Tương Phố. Nhưng câu kết lại khéo léo hơn, đưa độc giả đến ý niệm cái hạnh phúc thời quá khứ trôi qua không bao giờ trở lại. Như bóng mây trôi qua để rồi sa mưa hoặc tan theo gió, nếu có trở lại chăng nữa thì nó đâu còn hình hài nguyên vẹn thuở xưa. Nó gợi lên ý tình trong bài thơ "La Fuite de la Jeunesse" ("Tuổi Xanh Trôi Mất") của Joachim du Bellay; bài này được đưa vào quyển giáo khoa trung học "Les Auteurs du Noveau Programme" ( "Những Tác Giả Chương Trình Mới"). Ngày xanh trôi qua mang theo luôn hạnh phúc thắm tươi của những tâm hồn lành mạnh trẻ trung.
Người chồng yêu dấu của tác giả đã ở bên kia cõi sống, cuộc gặp gỡ chỉ có thể trong cơn đồng thiếp và trong giấc chiêm bao, nếu vong hồn của chàng hiển linh, nếu giấc chiêm bao là phản ảnh của thực thể. Tuy vậy, chị vẫn mơ một cuộc gặp gỡ nên chị ký thác tâm sự mình cho tâm sự người cô phụ tìm chồng khắp nơi chân trời góc biển như nàng Mạnh Khương thuở xa xưa tìm chồng bên Vạn Lý Trường Thành ngoài biên ải. Xin cùng đọc bài "Tìm Anh" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm":
Tim anh khắp quả địa cầu,
Tuyết sương trắng phủ con tàu đong đưa.
Tìm anh giải nắng dầm mưa,
Rừng thay bao lá, người chưa thấy về.
Tìm anh khắp nẻo sơn khê,
Cầu bao nhiêu nhịp lê thê nỗi sầu.
Gập ghềnh mỗi bước về đâu?
Đường đi muôn ngả, niềm đau chất chồng.
Tìm anh xuân, hạ, thu, đông,
Vết thương loang lở lạnh vòng tay tiên.
Lang thang em mãi kiếm tìm,
Mênh mông nỗi nhớ triền miên ngập lòng.
Tìm anh bóng xế hoàng hôn,
Sương pha màu tóc, sóng cồn dậy khơi.
Tìm anh suốt cả cuộc đời,
Duyên đi sai hướng, tình trôi sai chiều.
Âm thầm trong cảnh cô liêu,
Sông dài, bến vắng, đò chiều ngẩn ngơ.
Kiếp tằm thì phải nhả tơ,
Em tìm cánh nhạn mịt mờ khói sương.
(trang 74)
Tâm sự tóc tang được thể hiện rõ rệt nhất trong bài "Tình Người Cô Phụ" trong thi tập "Nỗi Lòng Cô Phụ". Đây là ném tâm hương để tác giả thắp lên, hoài niệm người quá cố mà cũng ghi lại giai đoạn cáo chung của thời kỳ hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi. Và đây cũng là một trong những bài thơ bung vỡ cảm tính của tác giả. Bao nhieu thống khổ, mất mát trước đó dồn chị vào một con đường tối đen, không một tia sáng bạc nhược nào lóe bên chân trời viễn ảnh. Cho nên giờ đây, chị không thể để cho đôi dòng lệ tuôn chảy âm thầm. Ngọn trào lòng phải bật ra thành tiếng mới làm cho chị bớt bị đè nén bởi sự đau đớn tuyệt vọng nghìn cân đè nặng lên nội giới của chị.
Tình em như áng mây ngàn,
Phương trời vô định thênh thang dặm dài.
Tình nào cho kẻ đắng cay?
Bẽ bàng duyên kiếp đọa đày xác thân.
Tình tròn cho kẻ chinh nhân,
Sơn hà xã tắc dấn thân bụi mờ
Tình thương cho kẻ không bờ,
Con thuyền lạc bến bơ vơ giữa dòng.
Tình thơ cho kẻ long đong,
Thi nhân, kiếm khách vẫy vùng dọc ngang.
Tình hờ cho kẻ lỡ làng,
Con đò bến cũ ngỡ ngàng chào nhau.
Tình đầy cho kẻ thương đau,
Nửa chừng xuân mộng lao đao trọn đời.
Tình mơ theo kẻ ra khơi,
Nhớ người viễn xứ lệ rơi đôi hàng.
Tình non, tình nước, tình chàng,
Tình người nồng ấm phủ quàng đôi vai.
Bao nhiêu tình ấy hôm mai,
Gom hoa phủ trắng quan tài cho anh.
Nén hương khấn nguyện lòng thành,
Môi son má phấn trơ cành cây khô.
Sao trời lạc bến hư vô,
Tiếng than ai oán, tiếng thơ ngân sầu.
Mưa tuôn nuớc cuốn lệ trào,
Bao nhiêu tình nghĩa chôn vào mồ anh.
Còn đâu ân ái ngày xanh?
Trời gieo tang tốc vây quanh nấm mồ.
Anh đi tan tác cơ đồ,
Em nào có khác cùng mồ với anh.
Trầm luân vũ điệu thông hành,
Kiếp hoa mảnh hạt sương mành treo chuông.
Dật dờ khói trắng chiều buông,
Bao giờ hết kiếp đoạn trường trần gian?
(các trang 36, 37)
Nhà thơ nữ Hoàng Xuyên Anh không nghĩ rắng mình là nạn nhân của định mệnh mà là mình phải chịu trả cái nghiệp quả của thời tiền kiếp khi chị nhìn cuộc đời xuyên qua giáo lý nhà Phật. Chị còn tin rằng mình phải tuân theo ý Chúa khi chị quỳ dưới tượng Nữ Thánh Đồng Trinh Maria. Cho nên chị không oán Trời, không trách đất, không chửi đời hay nguyền rủa thế nhân. Ở bài "Hồi Chuông Chiêu Mộ" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm", chị cầu xin Phật Tổ soi đường đạo pháp cho chị trước là cầu cho vong linh người quá cố tỉnh "giấc mê thường" (sic) và sau là cầu cho mình lánh xa phiền não để được sống an vui.
Ta về gióng một hồi chuông,
Gọi anh tỉnh giấc mê thường mông lung.
Lời kinh như sóng trùng dương,
Bao la bát ngát tỉnh đường tu thân.
Giọt sương hồi hướng trong ngần,
Đời anh sương gió hồng trần đam mê.
Điệu ru man mác sơn khê,
Tay nâng tràng hạt bồ đề từ tâm.
Nam mô Phật Tổ cao thâm,
Soi đường đạo pháp thấm nhuần người thương.
Mau mau về dưới Phật đường,
Hồi chuông chiêu mộ tìm đường an vui.
(trang 117)
Ở bài "Thì Thầm Cầu Mẹ La Vang", cũng trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm, tác giả cầu Đức Mẹ Maria giúp chị tìm lại chuỗi ngày an lạc và hạnh phúc xa xưa vói trái tim nguyên vẹn không tì vết. Như thế, chỉ có vấn đề tâm linh mới làm những điểm tựa tinh thần kiên cố cho tác giả:
Thì thầm cầu mẹ LA VANG,
Làm sao tẩy sạch vết hằn trong tim?
Đời con đau khổ triền miên,
Sóng xô biển dập, ướt mèm lá hoa.
Thở than dưới ánh trăng tà,
Mẹ ơi! Ban chút lụa là thương yêu.
Sông Ngân một giải đìu hiu,
Hồng trần ô trọc dập dìu quỉ ma.
Tình, tiền vun vút bay xa,
Hồn con vất vưởng la đà gió lay.
Chắp tay khấn mẹ van nài,
Xin cho con được chuỗi ngày yêu xưa.
Quyền năng của mẹ dư thừa.
Xin cho con hết nắng mưa dãi dầu.
Con quỳ lạy mẹ ơn sâu,
Tình yêu của mẹ nhiệm mầu đời con.
(trang 118)
° °
°
Trên con đường đưa vào thi ca lãng mạn êm ái như gương mặt hồ, bát ngát cảm khái trử tình như khói tỏa sương lan, đôi lúc HoàngXuyên Anh theo lối cũ rêu phong, trở về lối thơ thất ngôn bát cú đẹp như cảnh đình viện cổ kính trong ánh nắng bàng bạc không khí vào hai triều đại Đường Tống bên Tàu.
Thuờng là những bài thù tạc giữa tác giả với kim bằng thân hữu hoặc với kẻ thân tộc ruột rà. Thường là những bài chúc tụng những cái đẹp của những tâm hồn thiết tha với văn hóa xã hội.
Xin đọc bài "Mừng Sinh Nhật Lương Anh Thư" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm":
Mừng con sinh nhật tuổi trăng tròn,
Chân sáo tung tăng hót véo von.
Mắt biếc long lanh ươm sắc mộng,
Tóc huyền óng ả xõa vai thon.
Xuân xanh tuổi dại chưa tròn giấc,
Dáng ngọc môi khờ ửng nét son.
Mơn mởn vườn hồng tươi tắn nụ,
Khung trời diễm tuyệt ngọt măng non.
(trang 124)
Vóc dáng thơ bỗng đổi ra đài các, đẹp như gấm, óng ả vóc nhung tơ, đuợm âm sắc thơ thất ngôn bát cú thuộc loại tân cổ điển của nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội.
Và cũng như hai nữ sĩ gốc Nam Kỳ Lục Tỉnh hồi cuối thế kỷ 19 và bước qua thập niên 10 của Thế Kỷ 21 là Trần Ngọc Lầu và Trần Kim Phụng 9, nhà thơ đất Vĩnh Bình Hoàng Xuyên Anh song song vơi thơ cảm hoài thân phận, nhưng vẫn không quên trách nhiệm một công dân vào thời thế nhiễu nhương mà những anh hùng hào kiệt hiếm hoi, bao thánh hiền triết gia tịch mịch. Chị mượn bài thơ "Xuân" cũng theo thể thức thất ngôn bát cú trong thi tập "Nỗi Lòng Cô Phụ" để nhắn nhủ kẻ lưu vong hãy nuôi ngọn lửa thiêng dành cho ơn nhà nợ nước.
Xuân này mười chín cái xuân qua,
Nuôi mộng chinh nhân trở lại nhà.
Bút luyện đường thơ phơi tấc dạ,
Mực mài gan thép rạng đời hoa.
Năm canh, nhớ nước, quê người lạ,
Đôi hướng, thương mình, lối xóm xa.
Xa cách nghìn trùng non với nước,
Đạt thành chí lớn quyết xông pha.
(trang 92)
Cũng vậy bài "Xuân Tha Hương" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm" cũng là bài thơ để tác giả ký thác tâm sự ái quốc của mình trước cảnh luu vong biệt xứ. Đây cũng là tâm sự phổ thông, là mẫu số chung của những nhà thơ tuy có thích ứng cuộc sống trên đất nước định cư, nhưng không tìm ra điểm tựa tinh thần đích thực kiên cố và trường cữu.
Én lượn trời xa luống ngỡ ngàng,
Quê người hoài vọng mấy quan san.
Chạnh lòng tưởng nhớ xuân năm cũ
Lưu niệm bâng khuâng mắt lệ tràn.
Một phút sa cơ anh hùng lụy,
Nghìn năm hỉ hạ lũ gian nhân.
Thiêng liêng anh gọi hồn xuân ngự,
Thắp sáng dùm anh ngọn đuốc vàng.
(trang 93)
Nhưng rồi cũng ở hình thức thơ cổ kính ấy, tác giả vẫn thả vào thơ biết bao tình ý bi ai não nuột như theo một dòng cảm xúc có hữu bất biến. Thơ chị trở nên đơn giản và quen thuộc về phương diện ngôn từ, như bao nhiêu bài than thân trách phận của các bà quả phụ xa xưa trong thi giới như Cao Ngọc Anh, Đào Vân Khanh 10, Tương Phố... Đây là bài "Nhớ Ai?" trong thi tập "Khung Trời Kỷ Niệm":
Hồn đơn, tủi phận, nhớ thương ai?
Gió lạnh xuyên song, bóng nguyệt cài,
Sông nước đầu nguồn lờ lửng chảy,
Mây trời cuối nẻo lửng lờ bay.
Đêm sâu nhớ bướm, hoa còn thức,
Ngày cạn trông người, phấn nhạt phai.
Tuyết phủ vườn xuân, tim giá lạnh,
Dầm sương bốn bể đợi tương lai.
*
Dầm suơng bốn bể đợi tương lai,
Cánh nhạn trời xa mãi miệt mài.
Giấc bướm Trang Chu chưa thức tỉnh,
Hồn thơ Lý Bạch vẫn mê say.
Chập chùng mây khói mờ nhân ảnh,
Khúc khuỷu đường tình lạc bến nhai.
Héo hắt hoa tàn trôi viễn xứ,
Tương tư gầy guộc mảnh hình hài.
(trang 73)
Ở cái thế hệ của Hoàng Xyên Anh, thử hỏi có mấy ai làm thơ Đường luật vững vàng niêm luật như Hoàng Xuyên Anh?
° °
°
Hoàng Xuyên Anh là một nhà thơ xắn từng mảnh tim của mình rải vào thơ. Chẳng những thế, chị còn vắt những dòng dự lệ sau bao mùa tang tóc cùng máu thắm của con tim mình để rưới chan hòa vào thơ. Tiếng thơ chị chân thành, phản ảnh nguyên vẹn cuộc sống tâm tình của chị. Chị không cần tìm kiếm một chân trời mới sáng rực thần trí sáng tạo cho thơ. Chị cần viết lên những câu thơ bằng sóng lòng lai láng cùng những rung cảm hồn nhiên của mình. Chị cũng không cần chăm sóc lời thơ, không cần thêu thùa chạm trổ những câu thơ tinh xảo, cũng không cần nạm khảm những ngôn từ hoa lệ kiêu sa cho thơ. Trên bước đường hành hương đưa về thế giới thi ca, chị đi chậm rãi, ai hồ hào cổ vỏ cái đổi mới, cái trào lưu tiếp diễn không ngừng của thi ca thì mặc ai. Chị có một cõi thơ nguy nga và tráng lệ riêng, như một tòa thánh điện được kiến trúc đồ sộ dành cho một thánh nữ giữ ngôi vị chưởng môn coi sóc.
--------------------------------
1 Khổng Dương là nhà thơ tiền chiến, sinh quán ở quận Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Xin xem tập biên khảo " Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến" của Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng.
2 Truy Phong quê ở Trà Vinh là tác giả tập thơ "Nửa Thế Kỷ Một Vần Thơ", là giáo sư môn Việt văn của trường trung học tư thục Trần Trung Tiên.
3 Vũ Thi An người Vĩnh Bình, em họ của 3 nhà văn Nguyễn thị Thụy Vũ, Hồ Trường An, Trần Long Hồ, cháu của hai nhà thơ Mặc Khải và Phương Đài, chị dâu của nhà văn Ngô Nguyên Dũng. Đương sự đã cho xuất bản hai thi tập "Tình Quê Tình Thơ" và "Cuối Nẻo Đường Hạnh Phúc".
4 Tường Linh là nhà thơ gốc người Quảng Nam, tác giả những thi tập "Trăng Treo Đầu Súng", "Nghìn Khuya"...
5 Kiên Giang Hà Huy Hà gốc người tỉnh Rạch Giá, là nhà thơ kiêm soạn giả các tuồng hát cải lương. Ông có hai thi tập "Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím" và "Lúa Sạ Miền Nam". Về tuồng cải lương ông có các vở nổi tiếng như "Người Đẹp Bán Tơ", "Người Vợ Không Bao Giờ Cưới", "Tiếng Còi Trong Bão Tuyết"...
6 Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội gốc người tinh Hà Tiên, là tác giả các tác phẩm như sau: "Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp" (tiểu thuyết giả sử),"Dưới Mái Trăng Non" (tùy bút), "Gầy Hoa Cúc" (thi tập). Bà đoạt giải thi ca do nhóm Tự Lực Văn Đoan chủ trương qua thi tập "Phấn Huơng Rừng" vào năm 1939. Nhưng thi tập này không được xuất bản thành sách.
7 Bài thơ này, tác giả không có phân từng đoạn thơ riêng biệt (les strophes).
8 Tương Phố là nhà thơ nổi danh đầu thế kỷ 20. Bà có 2 tác phẩm "Giọt Lệ Thu" (văn xuôi lẫn văn vần) và "Mưa Gió Sông Tương" (thi tập).
9 Hai nữ sĩ Trần Ngọc Lầu và Trần Kim phụng là hai nhà thơ đất Nam Kỳ Lục Tinh, đồng thời với nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Nhà biên khảo Thái Bạch vào năm 1948 có viết quyển bút khảo về thi ca ái quốc của ba vị nữ lưu ấy. Sách có nhan đề là "Sương Nguyệt Anh, Trần Kim Phụng, Trần Ngọc Lầu".
10 Cụ bà Cao Ngoc Anh là tác giả thi tập "Khuê Sầu Thi Thảo". Cụ Bà Đào Vân Khanh là tác giả thi tập "Khúc NhànNgâm". Hai cụ được nữ sĩ Phương Lan đưa vào quyển bút khảo "Anh Thư Nước Việt".
Quê Nam Một Cõi Quê Nam Một Cõi - Hồ Trường An Quê Nam Một Cõi