Số lần đọc/download: 7729 / 201
Cập nhật: 2016-06-08 09:12:58 +0700
Đầu Máy Kéo Vô Tù Đày -
B
ên cạnh "nhà ga" Byturki có một phòng đặc biệt. Đó là phòng khám người, tuốt người để thằng nào mới vô là phải chịu lục soát thật kỹ cái đã. Phòng đủ rộng để 5, 6 cán bộ Cơ quan làm 20 thằng ZEK một lúc. Có mấy cái bàn nhưng mặt bàn trơ trụi chẳng có gì. Ở một bàn cuối phòng ngồi sừng sững một ông Thiếu tá NKVD, quân phục chững chạc mớ tóc đen chải đàng hoàng nhưng dưới ánh đèn chụp khuôn mặt hắn mới mệt mỏi, chán chường làm sao! In hình hắn mệt vì có ngần ấy đứa mà cứ phải đưa vô từng đứa một, bắt hắn chờ đợi không đáng. Nếu cần một chữ ký thì bắt chúng ký cả loạt việc và lẹ hơn nhiều.
Thấy tôi vô, ông Thiếu tá biểu ngồi, hỏi tên họ rồi đưa tay lục kiếm "hồ sơ" của tôi trong chồng giấy phía mặt. Cách cái lọ mực cũng có một chồng in hệt, giấy mỏng như giấy đánh máy nhưng chỉ nhỏ bằng nửa tờ. Kiểu bông lãnh xăng, phiếu phát vật liệu các công sở. Đây rồi, hắn rút đúng tờ giấy của tôi, cao giọng đọc cho biết "bản án": 8 năm đi đày. Sau đó hắn lật tờ giấy nắn nót vài chữ, ra điều "án được đọc lên cho kẻ chịu án", đúng ngày giờ đã định.
8 năm đi đày! Bản án được đọc lên nhưng tôi tuyệt đối không xúc động. Nó thông thường và dễ dàng quá khiến tim tôi cũng chẳng buồn đập mạnh chút xíu. Bộ khúc rẽ của cả một đời tôi chỉ có thế thôi sao? Muốn chuốc lấy ít cảm giác hồi hộp của một thằng bị tuyên án cũng không nổi! Ông Thiếu tá NKVD lẳng lặng chìa mảnh giấy trước mặt tôi, phía để trắng ngửa lên. Cây viết rẻ tiền nằm đó, chờ tôi đặt bút ký, chấp nhận bản án đi đày đây. Tôi không ngần ngại nói luôn:
"Trước khi ký, ít ra tôi cũng phải đọc lại?"
"Được, muốn đọc thì đọc! Bộ có gì nghi ngờ chắc? Đấy, đọc đi…"
Hắn đẩy tờ giấy ra một cách ngần ngại, chán chường quá. Tôi vội cầm lấy, cố tình đọc thật chậm rãi. Đọc rề từng nét chữ một chớ không phải từng chữ nữa! Mảnh giấy đánh máy nhưng không phải bản chính, rõ ràng chỉ là một bản sao.
Tôi nhớ đại khái có hàng chữ tựa như sau: "TRÍCH YẾU, chiếu Sắc lệnh của Hội đồng An ninh, Bộ Nội An, chính phủ Liên bang Xô Viết ngày 7 tháng 7 năm 1945. Số thứ tự…".
Phía dưới có hàng dấu chấm đánh máy chia đôi tờ giấy.
Một bên ghi: "Hồ sơ buộc tội tên… ngày sinh và nơi sinh…". Phía bên kia là bản án: NGHỊ QUYẾT: Nay quyết định tên… can tội hoạt động phản tuyên truyền với dự mưu thành lập một tổ chức nhằm chống lại chế độ Xô Viết… bị trừng phạt 8 NĂM đi đày trại Lao động Cải tạo. Phía dưới cùng là hàng chữ sao y chính bản, với chữ ký của một ông Bí thư.
Bản án chỉ giản dị vậy và chờ tôi ký tên chấp nhận thật sao? Tôi ngẩng nhìn coi ông Thiếu tá có ý định giải thích gì thêm. Không, hắn chỉ ngó tôi và đã vẫy tay ra lệnh cho gã giám thị hờm sẵn ở cửa, "sửa soạn đưa thằng này đi…, cho thằng kế tiếp vô".
Không thể chấp nhận quá máy móc vậy, tôi bắt buộc phải hỏi lại: "Ủa sao vậy? Tới 8 NĂM ĐI ĐÀY lận? Kinh khủng quá, mà tôi có tội tình gì đâu?". Tôi nói "kinh khủng" nhưng sự thật giọng nói nghe chẳng có gì "kinh khủng" và chính ông Thiếu tá NKVD cũng biết điều đó. Hắn đưa tay chỉ vào chỗ trống trên tờ giấy, lơ đãng biểu: "Đây, chỗ này! Ký cho rồi đi cha".
Tôi ký chớ. Ký liền tức thì. Vì còn làm gì khác được ngoài việc đặt bút ký? Nhưng bề nào cũng phải nói với một câu, chớ cứ lẳng lặng ký ngoan ngoãn vậy sao?
"Ký thì ký đây! Nhưng phải cho tôi viết thêm vài hàng kháng cáo chớ. Tôi có làm gì đâu mà khi không lãnh tới 8 năm, bất công vậy?"
Ông Thiếu tá gật gù, với tay lấy một tờ ở chồng giấy bên trái chìa ra trước mặt tôi, nói tỉnh bơ:
"Đây, kháng cáo. Luật pháp đã dự liệu rồi! Có sẵn mẫu giấy đây…"
Tất cả đã diễn tiến máy móc. Chưa xong gã Giám thị đã tới sát bên tôi: "Thôi, đi đi…".
Tôi đứng dậy đi theo liền, ngoan ngoãn.
Nhiều người không chịu ngoan như vậy. Như Geogri Tenno lúc cầm bản án 25 năm đã lên tiếng: "Hai mươi lăm năm kể như chung thân còn gì? Thời quân chủ tuyên bản án chung thân là phải đánh cồng tập hợp dân chúng lại, công bố đàng hoàng. Bây giờ chỉ một mảnh giấy như bông lãnh xăng cỡ này là đi!"
Arnold Rappoport còn hăng hơn. Hắn viết ngay sau lưng bản án: "Tôi cực lực phản đối bản án khuyên bảo, bất hợp pháp này và đòi hỏi phải trả tự do cấp kỳ". Ông sĩ quan NKVD chờ chữ ký cầm lấy đọc, uất quá xé tan. Nhưng bản án cố nhiên vẫn còn. Đây chỉ bản sao mà.
Trái lại, Vera Korneyeva hí hửng ký, thiếu điều giật vội lấy mảnh giấy ký lập tức "kẻo họ đổi ý kiến thì khổ". Đang sợ bị 15 năm mà liếc nhìn chỉ thấy một con số 5 thì mừng quá! Gã sĩ quan ngờ vực hỏi: "Bà có nghe tôi vừa đọc cái gì không?". Thì Vera cười ha hả: "Nghe chớ. Có 5 năm đi đày Trại Cải tạo chớ gì?".
Janos Rozsas người Hung bị 10 năm nhưng bảo ký là ký gấp. Nghe tuyên đọc (bằng tiếng Nga) có hiểu mù tịt gì. Họ lại đọc ngoài hành lang xà lim nên Janos cứ nằm chờ bản án mãi! Đi đày rồi cũng chỉ nhớ mang máng…
Lúc được trả về nhóm, tôi mỉm cười. Thấy vui vui, rõ ràng nhẹ thở hẳn. Mới có 8 năm mà. Bọn họ lãnh một chục năm chẵn, kể cả "thầy bói sáng" Valentin! Kẻ đau khổ gần chết là gã kế toán 5 năm, nhẹ nhất đám rồi đến tôi.
Bên ngoài cửa sổ nắng xuân reo vui, gió xuân mơn man, tiếng chim ríu rít, hạnh phúc biết mấy! Bên trong chúng tôi cũng bắt đầu cười vì mọi sự tiến hành tốt đẹp quá, và gã kế toán có 5 năm đã ngất xỉu được! Nực cười cho những niềm hy vọng ngớ ngẩn hồi sáng, bà con "tiễn biệt" lâm ly quá. Cứ tưởng "kẻ ở người về" thật, nhiều thằng đã dặn "mật hiệu" y củ khoai luộc mà.
Khốn nạn, lúc bấy giờ vẫn còn những thằng tin "Yên chí đi! Vấn đề thủ tục phải tiến hành vậy thôi. Rồi sẽ về hết! Tổng đại xá đến nơi…".
"Đúng vậy, Stalin tuyên bố với nhà báo Mỹ, có đăng báo đàng hoàng mà".
"Nhà báo Mỹ hả? Nhà báo Mỹ tên gì?"
"Tên gì tôi quên rồi! Chỉ nhớ sắp tổng đại xá…"
Tụi tôi cười nói cho đến lúc được lệnh xách khăn gói lên, sắp hàng hai đi ngược trở ra, lại đi ngang mảnh vườn hoa nhỏ. Và lại đi tắm, trời đất! Sáng mới tắm giờ lại tắm nữa. Quần áo lại phải cởi ra, khăn gói lại treo trên mắc. Xà bông hôi khét nhưng vòi nước nóng vẫn dễ chịu lạ. Được đi tắm cả bọn lại xôn xao, cười nói. Vui như học trò đi thi về chớ chẳng phải đám tù sắp đi đày. Cũng may là còn cười được để "bồi dưỡng cơ thể" phần nào!
Lựa đúng lúc lau khô người, Valentin tới bên tôi rỉ rả: "Thôi vậy, cho nó xong đi! Tụi mình còn trẻ, còn trẻ, còn sống nhiều. Chỉ cần ở Trại phải lo giữ mồm giữ miệng, họ biểu công tác là làm cho đàng hoàng là khỏi sợ lãnh thêm nữa".
Thì ra gã "thầy bói sáng" đã có kế hoạch chương trình đi đày rồi. Cứ vậy mà sống thì còn có hy vọng. Niềm hy vọng của hạt lúa nhỏ nhoi mắc kẹt giữa cái cối xay đá Stalin! Ai cũng muốn sống làm việc đàng hoàng ngậm miệng cho xong. Rồi ráng quên hết.
Nhưng trong tôi một sự thật chợt lóe lên: nếu muốn sống điều thiết yếu là phải không sống thì thử hỏi còn sống để làm gì?
Chế độ đi đày do quyết định Hội đồng An ninh chẳng phải sáng tác sau Cách mạng. Nữ hoàng Catherine không thích ông nhà báo Novikok nên phạt tù 15 năm có cần đưa ra Toà xử đâu. Hậu duệ của ông bà vua nào chẳng lâu lâu ghét mặt thằng nào hạ gục thằng ấy?
Từ 1860 mới canh cải chế độ tư pháp, từ vua quan đến dân đều ý thức vai trò tư pháp rõ hơn. Vậy mà Korolenko đào bới lại lịch sử khoảng 1870 – 1880 vẫn vạch ra thiếu gì những "biện pháp hành chính" giẫm lên quyết định của Toà án. Năm 1872 chính đương sự và 2 sinh viên cùng bị ông Thứ trưởng Tài nguyên Quốc gia tống đi đày… khỏi đưa ra Toà. Sau đó 2 anh em Korolenko còn bị đày đi Glazov. Vị "đại diện nông dân" Fyodor Bogdan lên bệ kiến nhà vua đã bị nhà vua cho đi đày, cũng như Pyankov được Toà tha bỗng vẫn có lệnh vua cho đi an trí như thường. Còn Vera Zssulich bỏ trốn ra nước ngoài vẫn có thư về vạch rõ: Không trốn vì sợ Toà tống giam mà không muốn đày đoạ tấm thân vì "biện pháp hành chính".
Những "biện pháp hành chính" kiểu bản án đánh máy sẵn chia làm 2 cột đã có từ lâu nhưng hiển nhiên ở một nước Á châu ngái ngủ còn được nhưng ở một xã hội văn minh tiến bộ gương mẫu thì không thể chấp nhận. Ai cho ra "biện pháp hành chính"? Hội đồng An ninh (OSO). Nhưng Hội đồng An ninh là ai? Là Nga hoàng, là ông Thống đốc, ông Thứ trưởng chẳng hạn. Tại sao Hội đồng An ninh lại có đặc quyền ghê gớm đó?
Danh từ Hội đồng An ninh chính thức xuất hiện khoảng 1920 trở đi với thủ tục tam đầu, công tác thường xuyên. Nghĩa là một bộ ba lập thành Hội đồng, họp kín trong phòng để thường xuyên qua mặt Toà án! Lúc mới đầu còn sử dụng mỹ từ "Ủy ban tay ba của GIẢI PHẪU" sau chẳng cần giấu tên các ông trong Ủy ban! Có thằng nào đi đảo Solovesty mà không nhớ quý danh bộ ba lừng danh của Mạc Tư Khoa? Gleb Boky, Vul và Vasilyev. Nghe chữ troika quả lạ tai. Dường như nó gợi nhớ hình ảnh một cỗ xe trượt tuyết thời cổ, nó tượng trưng cho cả một bí mật.
Tại sao phải cần bộ ba, troika? Toà án đâu phải Bộ Tư, cần sự thay thế của nó? Vả lại troika đâu thể là Toà án được?
Bộ ba troika dễ sợ ở chỗ nó chỉ họp kín, chỉ chiếu hồ sơ quyết định, không cần bị can. Bộ ba chỉ cần cho ra quyết định trên mảnh giấy nhỏ để "ký tên vô đó" nên khủng khiếp hơn Toà án Nhân dân nhiều. Tụi tôi hình dung bộ ba như một cơ quan cực kỳ bí mật. Từ ăn ngủ đến làm việc troika giống người khác, chừng bắt tay vô việc là không ai có quyền biết. Bộ ba tự cô lập trong bí mật để cho ra những bản đánh máy mà nạn nhân chỉ có quyền đọc hay nghe đọc rồi ký tên chớ không được giữ.
Những ủy ban tay ba chỉ xuất hiện trên giấy tờ, không ai biết mặt mũi ra sao, có nhiệm vụ ghê gớm là không trả tự do cho một thằng nào bị câu lưu điều tra. Nếu ngành Kỹ thương có Sở Kiểm soát Phẩm chất hàng hoá để cấm chặn hàng xấu thì người xấu có troika GPU lo liệu! Trường hợp không có tội, không đưa ra Toà xét xử được thì troika vẫn có thẩm quyền cho hưởng thủ tục giảm khinh (thủ tục 32) nghĩa là biệt xứ, không được lai vãng các đô thị lớn hay cho đi an trí vài ba năm để "đẩy ra ngoài lề sinh hoạt xã hội" ở một địa phương nào đó.
(Kể ra còn nhắc tới danh từ có tội là còn lạc hậu vì nhà nước tống giam kẻ nào chẳng phải vì nó có tội mà vì nó là mầm mống đe doạ an ninh xã hội. Nói cách khác vô tội nhưng bị coi có thể làm hại cho xã hội cũng tù. Ngược lại, có tội nhưng được xã hội chấp nhận ắt sẽ được phóng thích. Ngay Bộ Hình Luật 1926 còn bị ông Chưởng lý Vyshinsky – sau trên ¼ thế kỷ áp dụng – chỉ trích là "nặng tinh thần tư sản không chấp nhận được", là "thiếu hẳn giai cấp tính" cũng như "quá đặt nặng vấn đề cân nhắc hình phạt căn cứ theo tội trạng").
Tôi không có bổn phận viết về lịch sử cái gọi là troika đó cũng như biến nó thành Hội đồng An ninh lúc nào, đổi tên ngày nào hoặc tỉnh nào cũng có Hội đồng An ninh địa phương hay chỉ có ở Trung ương. Tôi cũng không vạch rõ ông lớn nào có tên trong Hội đồng An ninh, Hội đồng họp mấy ngày một lần, mỗi lần bao nhiêu lâu và lúc họp có nước trà giải khát, có chuyện vãn hay các ông Hội đồng chỉ cắm cúi vào hồ sơ. Tôi chẳng phải thứ sử gia ấy. Vả lại có được biết gì đâu mà viết?
Chỉ được biết Hội đồng An ninh hình thức là tay ba nhưng căn bản công tác thì nhất thể. Nghĩa là tuy ba mà một. Không biết tên từng đơn vị trong Hội đồng An ninh nhưng chắc chắn Hội đồng gồm đại diện thường trực của 3 cơ quan: một đại diện Trung ương Đảng, một đại diện MVD, một đại diện Viện Công tố.
Tuy nhiên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu sau này phát giác ra có Hội đồng An ninh nhưng Hội đồng chẳng hề nhóm họp một lần! Tất cả chỉ có một nhóm thư ký đánh máy nhà nghề, chuyên sản xuất những trích lục bản án ma, dưới quyền điều khiển của một cán bộ tổng quản trị. Nhóm thư ký đánh máy hiển nhiên là có và họ có làm việc. Tôi có thể bảo đảm.
Cho đến 1924 thẩm quyền troika chỉ được quyết định tối đa 3 năm đi đày. Từ 1924 trở đi tăng lên 5 năm đi đày trại Cải tạo. Nhưng từ 1937, Hội đồng An ninh có quyền "ra án" 10 năm và từ 1948 trở đi còn nới rộng thẩm quyền tới 25 năm. Nhiều nhân chứng – trong đó có Chavdarov – còn cả quyết thời chiến Hội đồng An ninh còn tuyên nhiều bản án tử hình. Điều này chẳng có gì lạ.
Hội đồng An ninh là một cơ quan mà Hiến pháp không đề cập đến, không hề ghi trong Bộ Hình Luật này. Tuy nhiên đó là một guồng máy xay dễ xài nhất, tiện lợi, không đòi hỏi thủ tục rườm rà, không cần "đánh bóng" bằng pháp lý. Hình Luật đi một đường, Hội đồng An ninh đi một đường riêng. Guồng máy xay cứ tiếp tục nghiến người, không cần một điều nào trong số 205 điều của Bộ Hình Luật. Nhắc tới hay viện dẫn Hình Luật cũng khỏi! Dân đi đày ưa hài hước:
"Có tội gì mà phải cần Toà Án? Đã có Hội đồng An ninh bao hết!"
Nếu Toà án có những điều luật này, bộ luật kia thì Hội đồng An ninh cũng phải quy định một số tội trạng và cần phải có tên tắt cho dễ nhớ. Con nít cũng không thể quên vì các tội trạng tổng quát của Hội đồng An ninh chỉ gồm 10 chữ tắt. Xin nhắc sơ lại dưới đây: